Tìm hiểu về 5 cấp độ của xe tự lái để chuẩn bị cho tương lai

| 06/04/2017 | 637 Lượt nghe

 

Còn khoảng 4 năm nữa (ít nhất 3 năm theo kế hoạch của Daimler) thì chúng ta sẽ có những chiếc xe tự lái trên thị trường. Khác với những công nghệ hỗ trợ lái xe như giữ làn đường, giữ khoảng cách (Tesla Autopilot, Volvo...) ngày nay, xe tự lái trong tương lai sẽ không cần sự hiện diện của con người hoàn toàn, tức là nó tự đi, tự phanh nếu có chướng ngại vật, tự bẻ lái...

Tìm hiểu về 5 cấp độ của xe tự lái để chuẩn bị cho tương lai
ảnh minh họa

Trong quá trình phát triển, người ta chia ra làm 5 cấp độ cho xe tự lái, định nghĩa này được hiệp hội kỹ sư xe hơi (SAE) đưa ra năm 2014.
Cấp độ 0
Ở cấp độ này, hoàn toàn không có tính năng tự lái (self-driving) nào cả. Hầu hết những xe trên thị trường hiện này đều có thể được xếp vào cấp độ này, kể cả những xe hơi có tính năng như cảnh báo va chạm hoặc cảm biến cảnh báo điểm mù... Cấp độ 0 phụ thuộc hoàn toàn vào người lái ở phía sau tay lái để điều khiển các tính năng của xe, tăng ga, điều hướng, phanh, tránh va chạm.
Cấp độ 1

Được mô tả là có một vài tính năng hỗ trợ người lái. Một chiếc xe tự hành cấp độ 1 có thể có một hoặc nhiều hệ thống có thể điều khiển tốc độ của xe hoặc hướng lái, nhưng không cả hai cùng lúc. Anh em đi xe thì biết về cruise control rồi, một tính năng giữ chân ga tự động khi có thiết lập từ người lái, đây là một ví dụ của cấp độ 1. Nói vui thì nếu xe anh em đang chạy có cruise control thì có thể đi khoe là xe ’cậu’ là xe tự lái cấp độ 1 nhé

Ngoài cruise control thì một vài hãng xe như Subaru còn có cả tính năng điều khiển làn đường chủ động trên những xe phổ thông, nhưng không thịnh hành bằng. Tới năm 2021, hầu hết xe hơi bán ra tại Mỹ sẽ có tính năng tự phanh/thắng khẩn cấp, cũng nằm trong cấp độ 1 này.
Cấp độ 2
Hỗ trợ người lái nhiều hơn. Một vài hãng xe cao cấp hiện đã cung cấp tính năng tự điều khiển hướng lái và tốc độ đồng thời mà không cần tương tác từ người lái trong một khoảng thời gian nhất định (dưới 1 phút). Volvo, Mercedes-Benz và BMW đều đã cung cấp tính năng cấp độ 2 nhưng tất cả đều yêu cầu lái xe phải theo dõi điều kiện môi trường xung quanh khi xe di chuyển. Autopilot của Tesla cũng có thể coi là một tính năng tự hành cấp độ 2, nó sẽ điều chỉnh lực xoay trên vô-lăng dựa trên khả năng tập trung của tài xế. Xe tự hành ở cấp độ này không thể tự điều khiển xe ở mọi trường hợp, bao gồm nhập làn trên cao tốc.
Cấp độ 3

Tìm hiểu về 5 cấp độ của xe tự lái để chuẩn bị cho tương lai

Tự hành tùy điều kiện. Một vài hãng xe như Ford hay Volvo công bố sẽ bỏ qua giai đoạn này. Không giống cấp độ 2, những xe tự hành cấp độ 3 có thể tự điều hành trong mọi tình huống, chiếc xe cũng sẽ tự theo dõi điều kiện đường xá, nhưng chiếc xe sẽ chuyển về cho con người điều khiển khi chúng không thể tiếp tục xử lý tình huống. Theo định nghĩa từ SAE, xe cấp độ 3 sẽ yêu cầu con người can thiệp khi hệ thống tự lái có lỗi nhưng theo một số hãng sản xuất xe, họ cho rằng điều này có thể ảnh hưởng tới an toàn của người lái và đôi khi họ không sẵn sàng để can thiệp.
Cấp độ 4
Gần như là tự hành. Mới đây, Ford và Volvo đều công bố sẽ cho ra đời những chiếc xe tự hành cấp độ 4 trước năm 2021. Hiện chưa rõ những chiếc xe như vậy sẽ dành cho công cộng hay cho các dịch vụ chia sẻ xe nhưng rõ ràng nhiều hãng xe đang nhắm tới cấp độ này, ở thời điểm hiện tại. Ở cấp độ 4, chiếc xe sẽ không cần tương tác của lái xe nữa và hệ thống sẽ tự dừng lại khi phát hiện có lỗi. Điều này lý giải vì sao Ford hay Volvo bỏ qua giai đoạn 3 vì khi có lỗi, hệ thống sẽ yêu cầu lái xe can thiệp và đôi khi nó không an toàn, còn cấp độ 4 này hệ thống sẽ tự dừng lại. Một vài hãng xe như Tesla hay Mercedes-Benz đã tích hợp tính năng tự giảm tốc độ chiếc xe hoặc phát cảnh báo bằng đèn nếu phát hiện người lái mất tập trung. Volvo cho biết họ sẽ tung ra chiếc XC90 với cả tính năng tự lái và khả năng người lái điều khiển xe trong tương lai.

Tìm hiểu về 5 cấp độ của xe tự lái để chuẩn bị cho tương lai

Gần đây có một vụ tai nạn xe tự lái nghiêm trọng của Uber, trong đó nạn nhân là chiếc XC90 của Volvo. Theo kết quả điều tra thì vụ tai nạn này không do bản thân xe tự lái mà bị một chiếc xe khác va chạm dẫn tới lật nghiêng xe. Không rõ là có người lái ngồi trong hay không và chiếc xe kia đâm kiểu gì mà Volvo bị lật nghiêng, và câu hỏi là tại sao chiếc xe không dừng lại nếu phát hiện có lỗi mà lại để bị đâm tới lật xe. Chúng ta đều chưa biết.
Cấp độ 5
Tự hành hoàn toàn. Đây là cấp độ cuối cùng và nếu chiếc xe nào đạt tới cấp độ này, nó có thể tự lái ở mọi điều kiện, không cần sự có mặt của lái xe. Dù đọc sơ qua các bạn sẽ thấy cấp 4 và 5 không khác nhau mấy nhưng nó là một bước nhảy vọt và cần nhiều cải tiến công nghệ. Nếu cấp 4 khi hệ thống có lỗi vẫn cần tới người lái để xử lý tình huống thì cấp 5 này không cần con người, nó sẽ tự xử lý khi có tình huống xảy ra. Các bộ phần cơ bản của xe như chân ga, tay lái, chân phanh sẽ không cần thiết trên một chiếc xe tự lái cấp độ cuối này bởi không còn con người trên đó nữa. Để một chiếc xe có thể đọc mọi điều kiện đường xá, tín hiệu giao thông ở mọi điều kiện thời tiết dù xấu nhất hoặc ở những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất đòi hỏi các cảm biến làm việc hết sức chính xác và năng lực tính toán cao cấp mà không thể có trong một sớm một chiều được. Chưa hãng xe nào đưa ra lịch trình cụ thể cho cấp độ cuối cùng này mà chỉ đưa ra một mốc thời gian chung chung là khoảng 1 thập kỷ nữa.

Tìm hiểu về 5 cấp độ của xe tự lái để chuẩn bị cho tương lai

Trong một nghiên cứu mới đây, Navigant chỉ ra rằng những chiếc xe tự lái trong thời gian ban đầu sẽ dành cho những dịch vụ chia sẻ xe (Uber, Lyft ngày nay) chứ không dành cho người dùng cá nhân, và chúng sẽ được điều hành bởi những hãng sản xuất xe để quản lý an toàn tốt hơn. Nói tóm lại thì tương lai xe tự hành đang tới gần hơn và nhiều khả năng thì ban đầu chúng ta sẽ có những chiếc taxi tự hành hơn là xe cá nhân, khi đó chúng ta gọi xe, một chiếc xe chẳng có ai trong đó tới đón chúng ta và đưa chúng ta đi. Ma không biết, quỷ không hay!

Theo xaluan

Đánh giá bản tin này