Vượt lên nỗi đau bị xâm hại để trở thành nữ võ sĩ vô địch quyền Anh Olympic

| 07/04/2017 | 349 Lượt nghe

 

Mới 15 tuổi, nữ sinh Claressa Shields đã khát khao một ngày trở thành nữ võ sĩ quyền Anh giỏi nhất thế giới. Hai năm sau đó, nữ vận động viên người Mỹ hạng trung này đã biến ước mơ thành sự thật.

Chân dung võ sĩ quyền Anh người Mỹ, Claressa Shields
Chân dung võ sĩ quyền Anh người Mỹ, Claressa Shields

Tại Rio 2016, Shields đã trở thành nữ võ sĩ Mỹ đầu tiên đoạt được huy chương vàng Olympic cho môn quyền Anh. Hãy cùng theo dõi sự phấn đấu phi thường của nữ võ sĩ từng xuất thân bần hàn và bị lạm dụng để trở thành người nổi tiếng như ngày hôm nay, qua lời kể của chính chị....

Claressa Shields chào đời ở Flint (tiểu bang Michigan) vào năm 1995, nhưng đến năm tròn 5 tuổi mới biết nói.

Tuổi thơ cay đắng

“Lúc đó, cha tôi đang “bóc lịch” 5 năm vì tội buôn bán ma túy. Mẹ tôi nghiện rượu nặng và lún sâu vào đó mà không biết dùng cách gì để thoát khỏi. Có những thời điểm, tôi với em gái suốt ngày dòm chừng mẹ trong những phen say lướt khướt của bà. Tôi thường phải lang thang ra phố, tìm thức ăn hay lấy bất kỳ thứ gì để bỏ vào mồm lũ em nhỏ.

Nếu lấy được 2 túi mì ramen, thì em gái tôi sẽ ăn 1 gói, em trai tôi 1 gói, còn bản thân tôi phải nhịn để nhường hết cho chúng. Chúng tôi thường ngủ trên chiếc ghế bành hoặc ngủ đại trên sàn nhà – và rất thường xuyên các em tôi ngủ trên ghế, còn chị chúng ... ngủ trên nền nhà”.

“Càng lớn, tôi càng cảm nhận rõ sự độc lập trong tôi, hiểu ra rằng không có ai chăm sóc cho mình tốt bằng chính mình. Và một khi đã biết rõ về hoàn cảnh của mình thì phải tìm cách kiếm tiền để sống: Ra tiệm tạp hóa của ai đó, tìm cách thó đồ của họ để đổi lấy 2 USD.

Trong lúc hành nghề “hai ngón”, tôi đã bị kẻ xấu lạm dụng tình dục. Chuyện đó xảy ra mỗi ngày và kéo dài suốt 6 tháng. Tôi không thể tố cáo tội ác trong lớp vỏ non trẻ, vì thế khi gì tôi nạt hỏi chuyện gì đã xảy ra, tôi chỉ biết câm như hến. Tôi không thể chỉ ra cho dì biết gã cục súc ấy đã làm gì với cháu của bà. Có thời điểm, tôi ghê sợ mọi thể loại đàn ông, và cơn giận dữ của tôi có vẻ tệ nhất”.

Vượt lên nỗi đau bị xâm hại để trở thành nữ võ sĩ vô địch quyền Anh Olympic

Claressa Shields đã chiến thắng vang dội tại Olympic Rio 2016

Chiến thắng đầu đời

“Bố tôi ra tù vài năm sau đó, và tôi ngờ ngợ hiểu rằng ông ấy đang muốn giúp tôi hiểu đúng một số vấn đề về bản thân. Tôi không biết vì sao mình lại dễ dàng giận dỗi cha trước đó, nhưng tính khí cha rõ ràng tệ hơn tôi. Một ngày nọ, khi hai cha con tôi vào thành phố, cha tôi bỗng trở nết. Ông đi tù nhiều năm và cũng cố gắng thay đổi đời mình, nhưng luôn thất bại khi có ý định tìm việc làm hay cơ hội nào đó.

Cha tôi thường nói rằng: “Nếu cha kiên nhẫn về một thứ gì đó thì đã không phải vướng vào lao lý”. Tôi hỏi vặn lại: “Thế niềm đam mê của cha là gì?” “Quyền Anh. Họ gọi cha đi làm vì cú đấm của cha cứng và nhanh như sấm sét”, ông ấy đáp không chút ngần ngừ.

Cha nghĩ rằng một số người em của tôi sẽ tham gia vào môn quyền Anh, nhưng chả đứa nào nghe cả. Cha tôi gợi ý rằng 9 đứa con của Muhammad Ali thì chỉ có đứa con gái tên là Leila Ali nối nghiệp cha – và khi cha tôi đưa ra gợi ý này thì tôi sực hiểu rằng, ông ấy muốn tôi nối nghề mình”.

“Vì thế, tôi đã đi tập thể lực tại Berton Field House ở Flint. Sau 3 ngày tập dượt, ông huấn luyện viên Jason đã nói với cha tôi rằng con gái ông được ký hợp đồng. Nhưng cha tôi lại giãy nãy: “Không được! Quyền Anh là môn thể thao của đàn ông, con quá đẹp, không nên theo việc đánh đấm”.

Tôi không hài lòng, hỏi xoáy: “Cha đang nói cái quái quỷ gì thế? Con đâu phải siêu mẫu. Con cũng chả phải là ca sĩ. Con có lẽ nghiêng về một vận động viên nhiều hơn – và con muốn đi theo nghề không dành cho đàn bà”.

“Vài ngày sau đó, tôi đến nhà cha tôi và nghe có âm thanh của một vụ can thiệp. Cha tôi, vợ ông và 3 đứa con đang ngồi quanh bàn tại phòng ăn, có vẻ như đang bỏ phiếu cho tôi theo hay không theo quyền Anh. Ai cũng đồng ý, riêng cha tôi vẫn không tán thành, đó là chiến thắng đầu tiên của tôi. Tôi đã đánh bại cha tôi, là người  ra quyết định chính. Cha nói rằng nếu tôi quyết tâm đi theo nghề, cha tôi sẽ ký hợp đồng và đưa cho tôi 60 USD thẻ thành viên, kèm theo điều kiện tôi không bỏ ngang sau 1 năm làm nghề. Ngày hôm nay, 60 USD ấy là quyết định rất đúng đắn của cha tôi”.

Trên đỉnh vinh quang

“6 năm sau, tôi lên đường sang Anh tham gia Olympic London 2012. Tôi được cá cược theo tỷ lệ 25-1 và nghe có vẻ không được tốt cho lắm. Tôi nghe các bình luyện viên nói rằng, nữ võ sĩ 17 tuổi sẽ rất có may mắn giành được huy chương đồng. Tôi dõi theo võ sĩ quyền Anh người Nga, Nadezda Torlopova, giành chiến thắng trong vòng bán kết, và nghĩ rằng cô ấy không có cửa để đánh bại tôi. Họ luôn nghĩ rằng người Nga rất mạnh, nhưng tôi cho rằng mình là người Đá.

Khi nghe có tiếng người thông báo “Người chiến thắng đến từ Mỹ”, tôi chỉ nhớ rằng mình khá bình tĩnh. Tôi cảm giác mình đã dự đoán không trật chút nào. Tôi đã nói và sẽ làm đúng như thế. Sau 4 năm kể từ chiến thắng Olympic 2012, tôi đã không ra câu lạc bộ hay ăn mừng với bạn bè.Và chỉ 3 tháng sau khi giành được huy chương vàng, tôi đã bắt tay vào tập thể lực cật lực”.

“Trước thời điểm Olympic Rio 2016, tôi nghe tin rằng chưa từng có võ sĩ quyền Anh người Mỹ nào đoạt được huy chương vàng tại sự kiện trọng đại này. Không có Joe Frazier lẫn George Foreman, không có Pernell Whitaker, Oscar de la Hoya, Leon Spinks nhưng cá nhân tôi muốn nói rằng: “À, mình sẽ không như họ”.

Vượt lên nỗi đau bị xâm hại để trở thành nữ võ sĩ vô địch quyền Anh Olympic

Claressa Shields mang huy chương vàng quyền Anh về cho nước Mỹ

Cánh phóng viên luôn nói tôi nên tin tưởng vào bản thân, nếu tự bản thân bạn tin vào chính mình và  tập luyện chăm chỉ thì bạn có thể giành được kỳ tích. Tôi đã khổ công tập luyện hơn bất kỳ võ sĩ quyền Anh nào khác quanh mình, và tôi tập luyện một mình nhiều hơn. Tôi không quan tâm đến những lời tâng bốc hay ai đó nói tôi đang tập luyện chăm chỉ. Tôi khổ luyện vì chính tôi. Tôi sẽ làm nên cuộc đấu cuối cùng sao cho dễ dàng nhất.

Tôi luôn bình tĩnh và luôn chiếm ưu thế trong mọi trận đấu. Khi họ thông báo kết quả, tôi túm lấy lá quốc kỳ Mỹ và chạy quanh sân, reo hò lạc cả giọng. Tôi như cảm thấy mình xuất hồn khỏi xác. Sau tất cả mọi sự đi qua cuộc đời mình, tôi chỉ muốn nhìn lại xem mình đã ở đâu. Tôi có thể làm nên chiến thắng. Không khó khăn nào có thể ngăn cản bước đi của tôi”.

“Lần cuối cùng tôi nhìn thấy cái gã đốn mạt đã lạm dụng tôi, ấy là năm tôi tròn 16. Hắn dắt theo con chó. Hắn ta nhìn vào mặt tôi, tôi cũng nhìn chòng chọc vào gã. Tạ ơn Chúa vì hắn đã đem theo con chó, vì nếu không, tôi sẽ “tẩn” cho hắn ta bầm dập, hắn ta có lẽ phải đi tù trước khi tôi lại lên đường tham gia các kỳ Olympic.

Nhưng tôi cũng nghĩ rằng, quá khứ đã qua thì cho nó chìm vào dĩ vãng luôn, vì nếu cố ăn thua đủ với những kẻ đã từng hại mình mà không buông bỏ thì biết đâu sẽ chấm hết cho cuộc đời mới của mình. Tôi không để cho những gã đàn ông xấu nết, ma quỷ hay gì đó có thể kiểm soát mình. Tôi không để cho những kẻ đó quyền ra quyết định. Tôi có thể có một số lựa chọn không hay lắm trong đời, nhưng dù sao tôi cũng đã đi học, làm nghề, liên tục chiến thắng. Không gì ngăn tôi trở thành người vĩ đại...”/.

Theo xaluan

Đánh giá bản tin này