Vụ tấn công khủng bố ga tàu điện ngầm ở Nga có yếu tố Syria?

| 05/04/2017 | 304 Lượt nghe

 

Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ga tàu điện ngầm ở St Petersburg làm 11 người chết và 45 người bị thương, dù chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm nhưng đã có một số ý kiến cho rằng, Nga đang đứng trước mối đe dọa thực sự từ các nhóm cực đoan như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau khi nước này can thiệp vào Syria và Chechnya.

Vụ tấn công khủng bố ga tàu điện ngầm ở Nga có yếu tố Syria?

Lực lượng chức năng Nga có mặt tại hiện trường vụ tấn công khủng bố ga tàu điện ngầm ở St Petersburg. (Ảnh: TASS)

Ủy ban điều tra của Nga (IC) đã nhận định vụ nổ trên tàu điện ngầm ở St Petersburg là một cuộc tấn công khủng bố nhưng vẫn tỏ ra khá thận trọng khi không loại trừ các kịch bản khác.

Người phát ngôn của IC Svetlana Petrenko nói với TASS: "Vụ án hình sự đã được mở theo Điều 205 của Bộ Luật hình sự (Đạo luật chống Khủng bố), nhưng các điều tra viên cũng sẽ tiến hành theo các phương án khác”.

Đây không phải là lần đầu tiên hệ thống đường sắt của Nga trở thành mục tiêu của các vụ tấn công. Năm 2010, 38 người đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom tự sát kép nhằm vào hệ thống tàu điện ngầm ở Moscow.

Một năm trước đó, vụ nổ trên tuyến Nevsky Express từ Moscow tới St Petersburg cũng đã làm 27 người thiệt mạng, 130 người bị thương. Những phần tử theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã lên tiếng nhận trách nhiệm, nhưng sau đó nhóm du kích thánh chiến Mujahideen vùng Kavkaz cũng thừa nhận đứng sau vụ việc.

Các du kích thánh chiến Mujahideen vùng Kavkaz cũng được cho là nhóm phải nhận trách nhiệm vụ đánh bom hệ thống tàu điện ngầm ở Moscow hồi năm 2010.

Nhiều người Hồi giáo vùng Kavkaz đã và đang tham gia vào cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria. Đáng chú ý trong đó phải kể đến một trong những thủ lĩnh của IS – người đóng vai trò chủ chốt trong thành công ban đầu của tổ chức khủng bố này tại Iraq, đó là Abu Omar al-Shishani, người gốc Chechen và Gruzia.

Abu Omar al-Shishani đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Iraq hồi tháng 7/2016.

Cũng cần phải nhớ rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhấn mạnh đến mối đe dọa từ những chiến binh được “tôi luyện” ở chiến trường Syria trở lại tấn công nước Nga, lấy đây làm một trong những lý do đưa quân can dự vào cuộc chiến ở Syria cách đây hai năm.

IS và nhóm Mặt trận Al-Nusra, chi nhánh của Al-Qaeda ở Syria đã nhiều lần tuyên bố sẽ đưa các chiến binh tới Nga nhưng họ không phải là những kẻ duy nhất đưa ra lời đe dọa.

Năm 2012, có thông tin cho rằng, Hoàng tử Bandar bin Sultan, khi đó là người đứng đầu cơ quan tình báo Saudi Arabia đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng, người Hồi giáo ở Chechnya sẽ được hậu thuẫn để tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào nước Nga, trừ khi Điện Kremlin ngừng ủng hộ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad. Đương nhiên, Tổng thống Nga đã rất giận dữ trước tuyên bố này của Hoàng tử Bandar.

Không có bằng chứng nào cho thấy Saudi Arabia có liên quan đến bất kỳ vụ tấn công nào nhằm vào nước Nga nhưng yếu tố Syria hoàn toàn có thể đóng một vai trò nào đó với những gì xảy ra ở St Petersburg ngày 3/4.

Khi ra lệnh can thiệp quân sự vào Syria, ông Putin nhấn mạnh: “Có một mối đe dọa thực sự đối với chúng tôi khi họ (những chiến binh thánh chiến ở Syria) trở về. Vì vậy, thay vì chờ đợi chúng quay trở lại, tốt hơn, chúng tôi sẽ tiêu diệt chúng ngay trên lãnh thổ Syria”.

Theo giới quan sát, vụ nổ xảy ra tại ga tàu điện ngầm ở St Petersburg phản ánh một thực tế, đó là cuộc chiến chống khủng bố của nước Nga nói riêng và thế giới nói chung sẽ không hề dễ dàng./.

Theo vov

Đánh giá bản tin này