Vị thế “bất khả xâm phạm” của Jared Kushner ở Nhà Trắng
Quyền lực ngày càng gia tăng
Theo Washington Post, chuyến thăm Iraq trong tuần này của ông Kushner là “chưa từng có tiền lệ” trong Chính phủ Mỹ bởi thông thường, với các quốc gia có vai trò đặc biệt quan trọng ở Trung Đông như Iraq, nếu Tổng thống Mỹ không đến được thì Ngoại trưởng hoặc Cố vấn An ninh Quốc gia của ông sẽ đi thay.
Ông Kusher được bố vợ mình là Tổng thống Donald Trump hết sức tin cậy và giao cho những trọng trách cực kỳ nặng nề. Ảnh: Reuters. |
Điều này phần nào cho thấy vai trò đặc biệt của con rể ông Trump, người được ưu ái dành riêng một văn phòng làm việc ở Cánh Tây của Nhà Trắng. Vị thế của ông Kushner trong Chính phủ Mỹ ngày càng được tăng cường và giờ đã ở mức “bất khả xâm phạm”. Mối quan hệ thân cận giữa ông và Tổng thống Trump được thể hiện qua cách ông gọi bố vợ bằng tên thân mật “Donald”.
Tầm ảnh hưởng của ông Kushner cũng ngày càng được mở rộng trong lĩnh vực ngoại giao (với Mexico và Trung Đông), trong các vấn đề trong nước (nghiện ma túy và chăm sóc các cựu binh Mỹ) chứ không còn bị “đóng khung” trong việc làm người hòa giải những bất đồng trong nội bộ những người thân cận với ông Trump nữa.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhờ quyền lực của bố vợ mình, ông Kushner đã đóng vai trò là “Ngoại trưởng Mỹ thứ 2” và tự mình thiết lập các kênh liên lạc với lãnh đạo các nước trên thế giới. Hồi tháng 1 vừa qua, ông Kushner từng tháp tùng Ngoại trưởng Mexico đến phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Tại đây cả hai người cùng trau chuốt lại câu từ trong bài phát biểu của ông Trump về quan hệ Mỹ-Mexico.
Trong khi đó, sau chuyến thăm Iraq trong 2 ngày 3-4/4, ông Kushner sẽ bay ngay về dinh thự của bố vợ ở Mar-a-Lago để tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Có thể nói, vai trò và mối quan hệ của ông Kushner với Tổng thống Donald Trump là chưa từng có tiền lệ.
Tuy nhiên, theo ông Doug Wilson, người từng là trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống Obama, việc trao cho ông Kushner quá nhiều quyền lực cho thấy một thực tế rằng, số người mà ông Trump có thể thực sự tin tưởng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.
Mối lo cũng lớn theo
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chuyến thăm Iraq của ông Kushner cũng bộc lộ một điều rằng, ở tuổi 36, ông còn quá ít kinh nghiệm ngoại giao để có thể đại diện cho nước Mỹ giải quyết một vấn đề quan trọng như vậy.
Hơn thế nữa, việc ông Kushner nắm quá nhiều quyền hành như hiện nay cũng khiến những kẻ không ưa của ông Trump không ngớt bàn tán về việc ông quá nông nổi và không dám thành thật nhìn nhận về những thiếu sót của bản thân.
Ngoài ra, ông Kushner cũng dính vào những rắc rối về mặt tài chính liên quan đến việc ông và vợ mình Ivanka Trump được cho là đang sở hữu khối tài sản khổng lồ lên đến 740 triệu USD.
Ông Kushner cũng đã phải từ bỏ vị trí lãnh đạo của 260 tập đoàn và doanh nghiệp được cho là có thể gây xung đột lợi ích khi ông chấp thuận làm cố vấn cho bố vợ của mình.
Giáo sư Đại học New York Paul Light nhận định: “Ông Kushner đang nắm giữ quyền hành chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Nhà Trắng đối với một nhân vật “đặc biệt” như ông. Theo kinh nghiệm của tôi, bất kỳ một nhân vật nào sở hữu quyền lực lớn như vậy cũng khó làm tốt được. Họ có thể trượt ngã bất kỳ lúc nào”.
Trong khi đó, ông Dennis A. Ross cố vấn Viện Nghiên cứu về các Chính sách Cận Đông tại Washington và từng là đặc sứ Mỹ tại Trung Đông, cho rằng, chỉ nội việc mang lại hòa bình cho Trung Đông- một trong vô vàn nhiệm vụ mà ông Kushner đang thực thi- cũng đã đủ “chôn vùi” sự nghiệp của nhiều chính khách lão luyện trong nhiều thập kỷ qua.
“Chỉ riêng mối quan hệ giữa Palestine và Israel cũng đã cho thấy quá nhiều khác biệt về quan điểm giữa hai bên. Việc hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước đòi hỏi những nỗ lực ngoại giao thầm lặng nhưng cực kỳ gian khó”, ông Dennis A. Ross lý giải.
Vẫn có chỗ cho những kỳ vọng
Tuy nhiên, theo ông Ross, lợi thế rất lớn của ông Kushner chính là mối quan hệ trực tiếp với Tổng thống Donald Trump. Theo ông Ross, đây chính là “tài sản vô giá” để ông Kushner có thể thực hiện công việc của mình.
Cũng theo chuyên gia này, ông Kushner nên đóng vai trò của một “Ngoại trưởng” theo kiểu truyền thống hơn là một nhà đàm phán chuyên giải quyết những vụ việc lặt vặt hàng ngày.
“Nếu ông ấy muốn trở thành đặc sứ, ông ấy sẽ bị chìm ngập trong rất nhiều sự vụ nhỏ lẻ. Nhưng nếu ông ấy chỉ can thiệp vào những giai đoạn mang tính chiến lược nhất định, ông ấy hoàn toàn có thể thực thi được nhiệm vụ của mình”, ông Ross chia sẻ.
Ông Timothy Naftali, một sử gia chuyên nghiên cứu về các đời Tổng thống Mỹ tại Đại học New York, nhận định, sự tương đối trùng hợp duy nhất mà ông có thể nghĩ đến là ông John S.D. Eisenhower- con trai của Tổng thống Dwight D. Eisenhower và cũng là Cố vấn An ninh Quốc gia của cha mình.
“Ông John S.D. Eisenhower đã hỗ trợ rất tích cực trong việc giúp cha mình nhìn nhận nhiều vấn đề then chốt”, ông Naftali nói. Tuy nhiên, cũng theo ông Naftali, mọi sự so sánh đều khập khiễng: “Ông John Eisenhower từng là một quan chức quân đội Mỹ và là một sử gia, chính vì thế, ít nhiều ông ấy cũng đã có kinh nghiệm trong các vấn đề nói trên”./.
Theo vov