Venezuela: Đối mặt đòn hiểm "trong kích, ngoài ép"

| 06/04/2017 | 305 Lượt nghe

 

Ngày 2/4, Chính phủ Venezuela đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Ngoại trưởng các nước Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay trong khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), mà nước này cũng là thành viên, liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị của Caracas. Venezuela đang đối mặt với nhiều chiêu thức gây rối bên trong, o ép bên ngoài vô cùng nguy hiểm cho sự ổn định...

Tòa án Tối cao Venezuela
Tòa án Tối cao Venezuela

Thông cáo của Chính phủ Venezuela nêu rõ việc 4 quốc gia trên quyết định áp dụng Điều lệ dân chủ Mercosur đối với nước này là “bất hợp pháp”, vi phạm quy định liên kết khối và luật pháp quốc tế, cũng như bác bỏ quyền chính đáng của quốc gia Nam Mỹ này với tư cách là thành viên của Mercosur.

Kiếm cớ

Trước đó, phát biểu sau cuộc họp ngày 1/4 tại Buenos Aires, Ngoại trưởng Argentina Susana Malcorra, quốc gia hiện là chủ tịch luân phiên của Mercosur, cho biết đã kích hoạt Điều lệ dân chủ Mercosur với Venezuela, tuy nhiên nêu rõ điều này không đồng nghĩa với việc Caracas bị khai trừ khỏi khối.

Ngoại trưởng Malcorra cho rằng hệ thống tam quyền phân lập tại Venezuela vẫn chưa hoạt động mặc dù Tòa án Tối cao Venezuela (TSJ) đã tuyên bố rút lại các biện pháp nhằm giành quyền lập pháp của Quốc hội vốn do phe đối lập kiểm soát, sau khi động thái này vấp phải sự chỉ trích của quốc tế và gia tăng áp lực lên Tổng thống Nicolas Maduro. Bà Malcorra kêu gọi Venezuela tiến hành ngay “các biện pháp cụ thể” để đảm bảo tam quyền phân lập và tuân thủ kế hoạch bầu cử địa phương bị trì hoãn từ cuối năm ngoái.

Ngày 30/3 vừa qua, TSJ đã tuyên bố tự giành quyền lập pháp, sau khi ra phán quyết khẳng định Quốc hội có hành động coi thường tòa án trong nỗ lực chống lại Tổng thống Maduro. Ngay sau đó, Tổng Chưởng lý Luisa Ortega Díaz đã lên tiếng phản đối quyết định của TSJ, cho đây là hành động tiếm quyền lập pháp của Quốc hội và vi phạm Hiến pháp.

Trong khi đó, Tổng thống Maduro khẳng định TSJ đã góp phần “kiềm chế những hoạt động vi phạm pháp luật và nổi loạn” của Quốc hội từ hơn 1 năm nay. Ngày 1/4, TSJ tuyên bố rút lại các biện pháp nhằm giành quyền lập pháp của Quốc hội. Tổng thống Maduro trước đó cho biết các bên đã đạt được một thỏa thuận quan trọng để giải quyết bất đồng.

Âm mưu lật đổ

Theo mạng tin Rebelión, liên quan tới chiến dịch gần đây của Tổng Thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) Luis Almagro đòi áp dụng Hiến chương Dân chủ chống lại chính phủ cánh tả của Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro, có một bằng chứng rõ ràng và nghiêm trọng cho thấy sự phối hợp của nhà ngoại giao người Uruguay này với Bộ Quốc phòng Mỹ.

Bằng chứng này có trong văn bản mang tên “Venezuela Freedom 2” (Tự do Venezuela 2) của Lầu Năm Góc, với ngày hoàn thành soạn thảo được ghi là 25/2/2015 và do chỉ huy Bộ Tư lệnh phương Nam - Đô đốc Kurt Tidd - ký tên. Điều đáng nói là Mỹ chưa bao giờ bác bỏ hay nghi ngờ tính xác thực của văn bản bị rò rỉ này hay giả thuyết về thỏa thuận giữa Lầu Năm Góc và ông Almagro.

Kế hoạch lật đổ mang tên “Tự do Venezuela 2” này gồm 12 điểm, đề xuất chiến thuật “bao vây và bóp nghẹt” chính phủ của Tổng thống Nicolás Maduro và “trên mặt trận chính trị nội bộ, bám sát kế hoạch xây dựng một chính phủ chuyển tiếp và áp dụng các biện pháp khẩn cấp sau khi chế độ hiện tại sụp đổ, bao gồm việc thành lập Nội các khẩn cấp”. Điểm thứ 8 trong số 12 điểm này có liên hệ trực tiếp tới ông Almagro với nội dung: “Trên mặt trận quốc tế cần phải kiên quyết với việc áp dụng Hiến chương Dân chủ, như điều chúng ta đã thỏa thuận với Luis Almagro, Tổng thư ký OAS”.

Thỏa thuận với các thành phần cấp cao của Mỹ này giải thích cho sự háo hức của ông Almagro kể từ ngày đầu nhiệm kỳ tại OAS trong nhiệm vụ hạ bệ chính phủ theo tư tưởng Bolivar tại Venezuela. Vị cựu Ngoại trưởng Uruguay dưới thời Tổng thống José Mujica - nhà lãnh đạo cánh tả kỳ cựu và có uy tín rất cao tại Mỹ Latinh, người đã viết một bức thư “chia tay” với cựu cấp dưới vào tháng 11/2015 sau khi ông Almagro “trở giáo” chống Venezuela - chỉ trích hàng ngày việc chính trị gia cực hữu Venezuela Leopoldo López bị bỏ tù vì kích động làn sóng bạo loạn vào tháng 2/2014 khiến 43 người thiệt mạng.

Theo nhà phân tích chính trị nổi tiếng Atilio Borón, nếu tiến hành các hành động tương tự tại Mỹ, ông Leopoldo López sẽ phải chịu án chung thân chứ không phải án phạt “nhẹ nhàng” 13 năm tù như tại Venezuela.

Thế nhưng, trong vai “người bảo vệ nền dân chủ”, ông Almagro lại hoàn toàn im lặng trước các vụ ám sát các thủ lĩnh phong trào xã hội tại Colombia (đã vượt xa con số 100 vụ kể từ khi chính quyền Bogotá và nhóm du kích Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia ký kết thỏa thuận hòa bình tháng 11/2016) hay tình trạng tội phạm tràn lan tại Honduras hay Mexico, cũng như những cáo buộc về tình trạng truy đuổi chính trị mà các tổ chức xã hội tả khuynh tại Paraguay phải hứng chịu từ Chính phủ của Tổng thống Paraguay Horacio Cartes.

Tháng 5/2016, ông Almagro đã dàn xếp cuộc thập tự chinh đầu tiên chống Caracas từ OAS mà sau đó kết thúc trong thất bại. Nhà ngoại giao Uruguay triệu tập cuộc họp bất thường của Hội đồng thường trực của tổ chức châu lục này để “thảo luận về tình trạng vi phạm trật tự hiến pháp và những ảnh hưởng nghiêm trọng của tình thế này tới trật tự dân chủ” tại Venezuela.

Ngoại trừ Paraguay, không một quốc gia nào hưởng ứng sáng kiến trên mà ngược lại, đều đứng về phía cuộc đối thoại do Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (Unasur) bảo trợ. Cuối năm 2016, trước một đợt công kích khác của ông Almagro, tới lượt Tòa thánh Vatican lên tiếng đề nghị tiếp tục bàn đối thoại giữa chính phủ và phe đối lập tại Venezuela, nhưng cựu ngoại trưởng Uruguay phấn khích tới mức lên tiếng chỉ trích cả Nhà thờ Thiên chúa khi cho rằng đề xuất đối thoại trên chỉ làm chậm trễ việc áp dụng Hiến chương Dân chủ.

Cách đây 5 năm, khi còn đứng đầu ngành ngoại giao Uruguay, ông Almagro từng đưa ra những phát biểu lay động lòng người tại LHQ như “mọi ý đồ nhằm phá vỡ toàn bộ hay một phần đoàn kết dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ của một đất nước là hoàn toàn không tương thích với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương LHQ”, hay “chúng ta có thể cống hiến cho sự quảng bá nền dân chủ tại mỗi quốc gia trong hệ thống (Liên hợp quốc), nhưng sẽ là rất tồi tệ nếu hệ thống nói chung vận hành theo luật của kẻ mạnh”.

Tuy nhiên, với những hành động trên cương vị người điều hành OAS, ông Almagro đã tự đạp đổ những giá trị mà ông bảo vệ khi đó và uy tín cá nhân của bản thân, để hóa thân hoàn toàn thành một Bộ trưởng Bộ Thuộc địa của Mỹ - như cách mà các phong trào tiến bộ Mỹ Latinh vẫn nhìn nhận về OAS.

Phản đối

Ngày 3/4, Đại sứ Bolivia Diego Pary, quốc gia vừa nhậm chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng thường trực Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), đã tuyên bố hủy cuộc họp bất thường được triệu tập cùng ngày tại cơ quan này để bàn về cuộc khủng hoảng thể chế hiện nay tại Venezuela.

Phát biểu với báo giới, ông Pary cho hay cuộc họp không thể tổ chức bởi Bolivia đã không được tham vấn trước khi triệu tập. Trong khi đó, Ngoại trưởng Venezuela Delcy Rodriguez cũng đã lên án việc 20 quốc gia thành viên OAS yêu cầu tổ chức một cuộc họp bất thường mà không tham vấn Bolivia - quốc gia chủ tịch luân phiên OAS, là hành động vi phạm tính thể chế của tổ chức này.

Trước đó, ngày 30/3, báo Granma của Cuba đưa tin, Trung tâm những người lao động Cuba (CTC) đã lên tiếng phản đối việc Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) “gây sức ép” đối với Venezuela, đồng thời bày tỏ ủng hộ Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro. Bày tỏ “sự ủng hộ vô điều kiện và tình đoàn kết cách mạng” với nhân dân Venezuela và chính phủ hợp hiến của Tổng thống Maduro, CTC lên án sự can thiệp của Tổng thư ký OAS Luis Almagro vào các vấn đề nội bộ của Venezuela.

Theo xaluan

Đánh giá bản tin này