Thương mại và lao động nhập cư ảnh hưởng tới kinh tế Anh
Tiến trình đàm phán kéo dài hai năm để nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức được khởi động, sau khi Thủ tướng Theresa May tuyên bố kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon trong bài phát biểu trước Quốc hội tại Cung điện Westminster trưa ngày 29/3 (theo giờ Anh).
Tòa nhà Quốc hội Anh ở London.
Trước đó, bức thư của Thủ tướng May thông báo về việc nước Anh rời liên minh đã được Đại sứ Vương quốc Anh tại EU, ông Tim Barrow chuyển đến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.
Dưới lăng kính của các chuyên gia kinh tế tại London, hai vấn đề nổi bật mà việc nước Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit, sẽ tác động tới kinh tế nước này là thỏa thuận thương mại mà hai bên đạt được và vấn đề lao động nhập cư.
Các thỏa thuận thương mại trong tương lai của nước Anh được coi là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến tình hình tăng trưởng của nền kinh tế này trong tương lai.
Xét từ khía cạnh các điều khoản kinh tế, mối quan hệ thương mại giữa hai bên càng ít xung đột thì càng có lợi. Nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NIESR) cho hay việc rời khu vực thị trường chung châu Âu có thể khiến cho thương mại giữa nước Anh và châu Âu giảm 22-30% trong dài hạn, nếu Vương quốc Anh không ký được một thỏa thuận thương mại như thỏa thuận hiện có với EU.
Khu vực thị trường chung là một thỏa thuận thương mại toàn diện với tiêu chí giảm hàng rào thuế quan và cả các hàng rào phi thuế quan trong EU, cũng như các quy định và luật lệ về chứng nhận an toàn và giấy phép đối với hàng hóa và dịch vụ qua biên giới.
Đối với một nền kinh tế lấy ngành dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực bán lẻ và tài chính, làm động lực tăng trưởng chính như kinh tế Anh, thì các hàng rào phi thuế quan giữ vai trò rất quan trọng. Chính phủ nước Anh hy vọng một số tác động về thương mại có thể được bù đắp bởi các thỏa thuận thương mại với các nước ngoài EU, như Canada và Mỹ. Tuy nhiên, điều đó cũng chưa thể diễn ra một sớm một chiều.
Không đạt được một thỏa thuận với các điều khoản ưu đãi với EU - thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn nhất của nước Anh - đang là mối lo ngại số một của giới doanh nghiệp tại Anh. Bởi khi đó, chi phí hoạt động kinh doanh và các thủ tục hành chính sẽ là những yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của họ. Thời gian hai năm trước khi Vương quốc Anh rời EU được cho là khá eo hẹp để họ thích nghi và ứng phó.
Vấn đề thứ hai tác động trực diện tới kinh tế Anh là vấn đề lưu chuyển lao động. Các doanh nghiệp hoạt động trên toàn thế giới luôn cần có sự lưu chuyển nhân viên giữa các văn phòng và nhà máy tại nước Anh và nước ngoài diễn ra một cách nhanh gọn nhất có thể.
Các lĩnh vực như nông nghiệp, thực phẩm và xây dựng của nước Anh hiện đang phụ thuộc khá lớn vào lao động EU. Tuy nhiên, quyền di chuyển tự do trên toàn EU là một trong những ranh giới đỏ của Thủ tướng Theresa May.
Lý do bà May đưa ra là số người nhập cư quá cao và dòng lao động chi phí thấp từ khu vực Trung và Đông Âu đang làm mất đi cơ hội việc làm và thu nhập cho người lao động Anh.
Một trong khó khăn trong các cuộc đàm phán sắp tới giữa Vương quốc Anh và EU trong tương lai là vấn đề quyền của 3,2 triệu công dân nhập cư EU tại nước Anh và khoảng 900.000 công dân Anh tại EU.
Theo xaluan