Thế giới phẫn nộ với vụ khủng bố nhằm vào tàu điện ngầm ở Nga
Hiện vẫn chưa có lực lượng phiến quân nào nhận trách nhiệm cho vụ tấn công tại Saint Petersburg. Giới chức Nga đang triển khai các biện pháp đối phó với tình huống xảy ra khủng bố sau vụ tấn công này, song họ vẫn chưa thể khẳng định vụ việc có liên quan tới các phần tử Hồi giáo cực đoan hay không.
Hiện trường toa tàu bị đánh bom ở Saint Petersburg.
Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Nga điều tra vụ việc.
“Tổng thống Donald Trump đã được thông báo về vụ tấn công tại Saint Petersburg. Mỹ lên án mạnh mẽ vụ tấn công và các hành động bạo lực như vậy. Chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc nhất với người dân Nga và gia đình các nạn nhân”.
Tại Pháp, Tổng thống Francois Hollande cho biết “thảm kịch” này cho thấy cần tiếp tục cảnh giác trong bối cảnh các nguy cơ khủng bố ở mức cao.
Trong một tuyên bố riêng rẽ, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault bày tỏ tình đoàn kết của Pháp với Nga và chia buồn với các gia đình nạn nhân. Các nước châu Âu khác cũng khẳng định sát cánh cùng người dân Nga trong thời điểm khó khăn này, trong khi Liên minh châu Âu có tuyên bố kịch liệt lên án mọi hành động bạo lực.
Trong phát biểu sáng nay (4/4), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu cộng đồng quốc tế hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến chống khủng bố: “Đầu tiên, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới tất cả các nạn nhân. Tôi kịch liệt lên án chủ nghĩa khủng bố. Nhật Bản sẽ sát cánh cùng Tổng thống Putin và người dân Nga trong giai đoạn khó khăn này. Chúng ta cần sự hợp tác quốc tế chặt chẽ trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”.
Các nước vùng Vịnh cũng kịch liệt lên án vụ tấn công tại Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi nhấn mạnh, sự cần thiết của việc phối hợp các nỗ lực quốc tế để lên án một cách nghiêm túc chủ nghĩa khủng bố.
Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố khẳng định tình đoàn kết với nhân dân và Chính phủ Nga và nhấn mạnh quan điểm kiên định của Ai Cập là bác bỏ và lên án mọi dạng thức của chủ nghĩa khủng bố và bạo lực.
Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng lên án vụ tấn công là “tội ác khủng bố” chống lại các giá trị đạo đức và nhân văn, đồng thời khẳng định để chống lại chủ nghĩa khủng bố cần một phản ứng cứng rắn.
Tại Israel, không chỉ các nhà lãnh đạo, nhiều người dân nước này cũng không khỏi bàng hoàng trước hành động khủng bố nhằm vào nước Nga. Ở thủ đô Tel Aviv của Israel, tòa nhà chính quyền thành phố được tranh trí bằng đèn màu mang sắc cờ của Nga và Israel để thể hiện sự ủng hộ và đoàn kết.
“Hành động của chính quyền thành phố là thông điệp gửi tới nước Nga. Israel cũng phải từng đối mặt với vấn đề khủng bố và điều kinh hoàng này đã xảy ra một lần tại đây. Tôi xin chia sẻ với người dân Nga khi họ phải hứng chịu và chứng kiến vụ tấn công kinh hoàng này”.
“Đây là điều vô cùng ý nghĩa mà Tel Aviv làm cho người dân Nga. Chúng tôi hiểu rõ những gì mà người dân Nga đang trải qua. Tôi hy vọng họ sẽ mạnh mẽ vượt qua thời điểm khó khăn này”.
Cụm từ “tấn công khủng bố” thường chỉ xuất hiện tại khu vực Bắc Kavkaz của Nga, nơi các nhóm phiến quân Hồi giáo hoạt động mạnh mẽ.
Với vụ tấn công tại Saint Petersburg, các chuyên gia an ninh Nga cho rằng nếu được xác định có liên quan đến Hồi giáo cực đoan thì nó sẽ làm dấy lên một cuộc tranh cãi trong nội bộ nước Nga liên quan tới chiến dịch quân sự quan trọng tại Syria.
Sẽ có những ý kiến cho rằng việc Nga hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã khiến Nga trở thành “mục tiêu tấn công tiềm năng” của lực lượng khủng bố./.
Theo vov