Sốc: Bom khủng bố mới cấy trong laptop có thể lọt qua được rào an ninh

| 04/04/2017 | 398 Lượt nghe

 

Hãng CNN (Mỹ) cho hay, các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật Mỹ tin rằng “Nhà nước Hồi giáo” IS và các tổ chức khủng bố khác đã phát triển được những cách thức mới để cấy thuốc nổ vào các thiết bị điện tử mà vẫn vượt qua được các biện pháp kiểm tra an ninh tại sân bay.

Sốc: Bom khủng bố mới cấy trong laptop có thể lọt qua được rào an ninh

Hành lý ký gửi hàng không. Ảnh: CNN.

Khả năng có thực

Thông tin tình báo của Mỹ cho thấy lực lượng khủng bố đã thu được một số thiết bị an ninh sân bay tinh vi cho phép chúng thử nghiệm cách thức hiệu quả để che giấu thuốc nổ trong máy tính xách tay và các thiết bị điện tử khác.

Tin tức tình báo được thu thập trong vài tháng qua đóng vai trò quan trọng trong quyết định do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra để cấm hành khách bay từ 10 sân bay ở 8 nước Trung Đông và châu Phi sang Mỹ mang theo laptop và các thiết bị điện tử cỡ lớn khác lên máy bay.

Các phát hiện mới này có thể khiến người ta lật lại vấn đề là liệu lệnh cấm như vừa rồi của ông Trump đã đủ rộng đến mức cần thiết chưa.

Theo những gì mà CNN được biết, thông qua một loạt thử nghiệm thực hiện vào cuối năm 2016, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã phát hiện ra rằng các thiết bị quét an ninh tại sân bay sẽ gặp khó khăn nhiều hơn trong việc dò tìm bom giấu trong laptop so với các loại bom do khủng bố chế tạo trước đây.

Kiểm tra của FBI tập trung vào các mẫu máy quét an ninh cụ thể đã được Cục An ninh Vận tải Mỹ phê duyệt và được sử dụng ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ gửi cho CNN một thông cáo nêu rõ: “Do yêu cầu về mặt chính sách, chúng tôi không công khai thảo luận các thông tin tình báo cụ thể. Tuy nhiên, theo các thông tin tình báo đã được thẩm định, các nhóm khủng bố tiếp tục nhắm tới hàng không thương mại, tiếp tục cấy vật liệu nổ vào thiết bị điện tử”.

Vẫn thông cáo trên: “Chính phủ Mỹ tiếp tục đánh giá lại các thông tin tình báo hiện có và thu thập thêm tin tình báo mới. Điều này cho phép Bộ An ninh Nội địa và Cục An ninh Vận tải thường xuyên đánh giá các quy trình và chính sách an ninh hàng không của chúng ta, rồi đưa ra các điều chỉnh khi cần thiết để đảm báo an toàn cho hành khách. Lúc nào cũng vậy, tất cả hành khách đi máy bay đều phải trải qua hệ thống giám sát an ninh chặt chẽ với nhiều lớp an ninh, cả thấy được và không thấy được”.

Đối sách

Giới chức Mỹ cho biết lệnh cấm thiết bị điện tử tập trung vào 8 nước nêu trên một phần là do thông tin tình báo chỉ ra rằng mối đe dọa đến từ các nơi đó lớn hơn. Các đánh giá về mặt tình báo và thực thi pháp luật được thực hiện trong các tháng gần đây cũng chỉ ra rằng mặc dù các nguy cơ là rất lớn, nước Mỹ cũng tự tin hơn nhiều về năng lực của các máy dò tìm và hệ thống rà soát an ninh tại các sân bay ở Mỹ và châu Âu.

Công nghệ tiên tiến cùng việc huấn luyện giúp giảm nhẹ các rủi ro.

Các quan chức Mỹ cho biết, các nước Mỹ và châu Âu sử dụng cách tiếp cận đa lớp trong việc kiểm soát an ninh, không dừng lại ở việc dùng X-quang mà còn dùng thêm cả chó chuyên đánh hơi bom và thiết bị dò dấu vết thuốc nổ.

Chuyên gia an ninh hàng không Robert Liscouski, một cựu trợ lý Bộ trưởng An ninh Nội địa phụ trách bảo vệ cơ sở hạ tầng, cho biết việc giới hạn lệnh cấm vào 8 nước là có lý dựa theo năng lực và khu vực của các nhóm khủng bố.

Ông này nói, không chỉ các sân bay Mỹ và châu Âu được bảo vệ tốt hơn, các nước phát triển còn có một “chế độ chính sách tốt hơn” cho phép họ đặt ra các tiêu chuẩn và bảo đảm việc tuân thủ thống nhất.

Liscouski, Chủ tịch của Secure Point Technologies, phát biểu: “Chúng ta không dám chắc là các nơi khác trên thế giới cũng an toàn như vậy, vì chúng ta không có sẵn các thiết chế tại đó để bảo đảm việc tuân thủ nghiêm ngặt”.

Khi công bố lệnh cấm thiết bị điện tử, các quan chức Mỹ nói với CNN rằng họ quan ngại các kẻ khủng bố có thể đã phát triển các cách thức mới để giấu thuốc nổ bên trong khoang lắp pin của máy tính xách tay. Thông tin tình báo mới chỉ rõ rằng những kẻ chế tạo bom của IS và các nhóm khủng bố khác đã vươn tới trình độ cao đủ để giấu thuốc nổ trong laptop ngay cả khi vẫn bảo đảm máy tính này vẫn hoạt động đủ lâu để qua được vòng kiểm tra an ninh.

Các chuyên gia FBI đã kiểm tra một số biến thể của bom laptop sử dụng các định dạng pin và thuốc nổ khác nhau để đánh giá các khó khăn mà máy quét an ninh gặp phải trong việc dò tìm các thuốc nổ.

Có ba quan chức kể rằng thông tin tình báo dẫn tới lệnh cấm thiết bị điện tử là cụ thể và đáng tin cậy. Một vị còn nói rằng thông tin tình báo này là loại “làm dựng tóc gáy”.

Đồng thời các vị này khẳng định rằng không có tin tình báo riêng lẻ đủ mạnh để dẫn tới lệnh cấm. Đây là kết quả của sự tích lũy các tài liệu chặn thu được cũng như hoạt động “tình báo con người”.

Giảm rủi ro

Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 21/3 có nội dung cấm đưa nhiều thiết bị điện tử lên khoang phi cơ bay trực tiếp sang Mỹ từ sân bay ở 8 nước nói trên.

Theo lệnh này, hành khách trên các chuyến bay đó phải đặt các thiết bị điện tử lớn hơn điện thoại di động vào hành lý ký gửi. Các quan chức tình báo cho biết, các tên khủng bố sẽ gặp khó khăn nhiều hơn nếu phải kích nổ thuốc nổ từ xa. Ngoài ra, họ nói, việc đặt thuốc nổ bên trong khoang chở hàng của máy bay sẽ giảm mức độ hư hại nếu một quả bom phát nổ.

Nước Anh, cũng có thông tin tình báo trên, áp dụng một quy định tương tự đối với máy bay bay đến từ 6 nước, bao gồm 2 nước không nằm trong danh sách cấm của Mỹ.

Giới chức tình báo bắt đầu cảnh giác từ tháng 2/2016 khi một thành viên của al-Shabaab, một chi nhánh của al-Qaeda ở Somalia cho nổ một quả bom trong laptop trên chuyến bay của hãng hàng không Daallo từ Mogadishu tới Djibouti. Thuốc nổ trong vụ này được giấu bên trong một góc của máy tính xách tay, ở vị trí mà kẻ chế bom đã tháo bỏ ổ cứng DVD. Các nhân viên sân bay đã giúp chuyển trái bom lên máy bay sau khi vượt qua máy chiếu X-quang.

Trong vụ đánh bom laptop nói trên, hung thủ đã bị thổi bay ra khỏi máy bay nhưng máy bay vẫn có thể hạ cánh khẩn và an toàn. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo luôn rằng nếu máy bay đã đạt tới độ cao hành trình thì sức tàn phá của trái bom sẽ lớn hơn nữa.

Giới quân sự và tình báo trong vài tháng qua đã ngày càng quan ngại về tiềm năng các nhóm khủng bố đưa được bom lên khoang máy bay. Giới chức Mỹ đang bám sát thông tin tình báo từ bên trong lực lượng al-Qaeda trên bán đảo Arabia, al-Qaeda ở Syria và tổ chức IS.

Nhóm có trình độ chế bom cao nhất là chi nhánh al-Qaeda ở Yemen. Kẻ chế bom bậc thầy của nhóm này, Ibrahim al Asiri, đã mất vài năm miệt mài thiết kế các thiết bị nổ có thể giấu được trong cơ thể hay trong các vật dụng như là hộp mực máy in. Kể từ năm 2014, giới chức Mỹ lại lo ngại thêm là kinh nghiệm của tên Asiri đã được truyền sang các nhóm khác.

Sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, các thiết bị và quy trình kiểm tra an ninh đã được tăng cường đáng kể, khiến cho việc mang chất nổ lên máy bay là vô cùng khó khăn. Trước thực tế này, những tên chế tạo bom của các tổ chức khủng bố phải vắt óc tìm tòi phương thức lách qua lưới an ninh chặt chẽ của ngành hàng không./.

Theo vov

Đánh giá bản tin này