Số phận 4 triệu công dân Anh và châu Âu mở màn cuộc chiến Brexit
Một ngày sau khi Thủ tướng Anh Theresa May ký quyết định chính thức kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon để đưa Vương quốc Anh rời Liên minh châu Âu, 4 nhật báo uy tín hàng đầu châu Âu là The Guardian (Anh), Le Monde (Pháp), La Vanguardia (Tây Ban Nha) và Gazeta Wyborcza (Ba Lan) đã cùng ký vào một bài xã luận, yêu cầu London và Brussels coi việc giải quyết số phận của hơn 4 triệu công dân này, lên đến 5 triệu nếu tính cả gia đình, là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
Người biểu tình ở London phản đối Brexit. Ảnh: PA.
Đây là chủ đề gai góc mà các quan chức Châu Âu và Anh tranh cãi công khai trong nhiều tháng qua sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý Brexit tại Anh tháng 6 năm ngoái.
Cuối tháng 11/2016, 80 nghị sỹ Anh đã ký vào một bức thư cáo buộc ông Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU là đã từ chối thảo luận về quyền công dân của gần 1 triệu người Anh đang sinh sống và làm việc tại các quốc gia thành viên EU, khiến những công dân này sống trong lo lắng.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk khi đó đã phản bác cáo buộc này và khẳng định sẽ không có bất cứ đàm phán nào về chủ đề này khi Anh chưa xác định được các bước cơ bản để khởi động Brexit.
Hiện tại, khi Brexit đã chính thức được khởi động, việc thảo luận sớm về chủ đề này được Anh và EU xem như chiến thuật để giành lợi thế trong các đàm phán thương mại sau này.
Trong ngày 29/3, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết chính phủ nước này sẽ thúc đẩy việc ban hành một bộ luật quy định các quyền và nghĩa vụ của công dân châu Âu sinh sống tại Anh, với điều kiện phía Brussels làm điều tương tự.
Trong số những nước EUcó công dân sinh sống tại Anh, đông nhất là Ba Lan với 800.000 người, tiếp đến là Pháp với hơn 300.000 người và Đức hơn 150.000 ngừoi. Ở phía ngược lại, công dân Anh sinh sống và làm việc nhiều nhất tại Tây Ban Nha với hơn 300.000 người, tiếp đến là Pháp, Bỉ và Italy./.
Theo vov