Phát hiện sóng hành tinh trên Mặt Trời
Những con sóng lớn tương tự sóng hành tinh Rossby trên Trái Đất được phát hiện khi các nhà khoa học nghiên cứu vết đen trên bề mặt Mặt Trời.
Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ (NCAR) phát hiện sóng Rossby trên Mặt Trời sau khi theo dõi sự dịch chuyển của những vết đen trên bề mặt ngôi sao này, theo UPI.
Đây là loại sóng quy mô lớn, tương tự như sóng hành tinh Rossby được tìm thấy trong bầu khí quyển của Trái Đất. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy hôm 27/3.
Trên Trái Đất, sóng Rossby liên quan đến đường đi của dòng tia (jet-stream) và sự hình thành của các hệ thống áp suất thấp và áp suất cao, qua đó tác động đến hiện tượng thời tiết từng khu vực.
Các nhà khoa học phát hiện sóng Rossby trên Mặt Trời. Ảnh: NASA. |
"Việc phát hiện ra sóng Rossby trên Mặt Trời mở ra triển vọng mới, có thể giúp chúng ta dự đoán thêm nhiều hiện tượng thời tiết trong vũ trụ", Scott McIntosh, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu thu thập từ Đài quan sát Động lực Mặt Trời (SDO) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cùng với hai vệ tinh khác để có được cái nhìn 360 độ về Mặt Trời trong cùng thời điểm.
Họ phát hiện thấy hoạt động từ tính cũng như sóng Rossby di chuyển trên bề mặt Mặt Trời. Loại sóng này nhiều khả năng liên quan đến chu kỳ hoạt động 11 năm của Mặt Trời, cũng như ảnh hưởng đến sự xuất hiện của vết đen, hiện tượng phun trào nhật hoa và tai lửa.
"Chúng tôi tin rằng, giới khoa học đã quan sát thấy tác động của sóng Rossby trong hàng thập kỷ qua nhưng chưa đưa ra được bức tranh toàn cảnh về nó", McIntosh nói.
Theo vnexpress