Ông Trump sẵn sàng giải quyết vấn đề Triều Tiên mà không có Trung Quốc

| 03/04/2017 | 318 Lượt nghe

 

Mỹ sẽ đơn phương hành động?

Ngày 2/4, trả lời phỏng vấn tờ Financial Times (FT) của Anh, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết: “Nếu Trung Quốc không giải quyết được vấn đề Triều Tiên, chúng tôi sẽ làm điều đó. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói với các bạn”.

Trump sẵn sàng giải quyết vấn đề Triều Tiên mà không có Trung Quốc
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh: IB Times)

Khi được hỏi ông Trump có tự tin rằng mình sẽ thành công hay không, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định: “Hoàn toàn tự tin”.

Tuyên bố của ông Trump được đưa ra ngay trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ trong tuần này.

Cuộc gặp dự kiến diễn ra vào ngày 6-7/4 đã được hai nước xác nhận vào ngày 30/3. Đây được cho là sự kiện định hình quan hệ của hai nước trong những năm tới. Trong tuyên bố xác nhận về cuộc gặp, Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ “thảo luận về các vấn đề toàn cầu, khu vực, và song phương mà cả hai cùng quan tâm”.

“Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đối với Triều Tiên và Trung Quốc sẽ quyết định giúp đỡ chúng tôi giải quyết vấn đề Triều Tiên hoặc họ không làm như vậy. Nếu họ giúp chúng tôi thì điều đó sẽ là rất tốt đối với bản thân họ nhưng nếu họ không làm vậy thì điều này ảnh hưởng không tốt tới tất cả chúng ta”, ông Trump nói với FT.

Khi được phóng viên đề nghị cắt nghĩa câu nói của mình, đó liệu có phải là Mỹ sẽ hành động đơn phương trong vấn đề Triều Tiên hay không, ông Trump cho biết: “Tôi không cần phải nói thêm gì nữa”.

Ông Trump đã không đề cập đến chi tiết những hành động Mỹ có thể đưa ra để giải quyết “bài toán khó” mang tên Triều Tiên.

Những động thái gần đây của Triều Tiên đang làm gia tăng quan ngại về khả năng Bình Nhưỡng sẽ phát triển các tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công đến lãnh thổ Mỹ trong tương lai không xa.

Trump sẵn sàng giải quyết vấn đề Triều Tiên mà không có Trung Quốc
Tổng thống Mỹ cho rằng, sức ép của Trung Quốc đối với Triều Tiên là chưa đủ để buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. (Ảnh: Twitter)

Đây không phải là lần đầu Mỹ đưa ra những cảnh báo tương tự. Trong chuyến công du châu Á hồi tháng 3 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng nói rằng, hành động quân sự mang tính tạm thời là một trong những lựa chọn của Mỹ để giải quyết thách thức từ Triều Tiên.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 3/2 cũng đã lên tiếng cảnh báo Triều Tiên về một phản ứng “thích đáng với sức mạnh vượt trội” nếu Bình Nhưỡng lựa chọn con đường phát triển và sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tiếp tục gây áp lực

Trong năm 2016, Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ thử hạt nhân và dường như đã sẵn sàng cho vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Ngoài ra, nước này cũng liên tiếp tiến hành các vụ phóng tên lửa thời gian gần đây. Những động thái này đã khiến chính bản thân Trung Quốc – nước được cho là đồng minh quốc tế duy nhất của Triều Tiên cảm thấy không hài lòng.

Tháng 2/2017, Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên cho đến hết năm 2017 với lý do để cho thấy thái độ có trách nhiệm của Trung Quốc với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Năm 2016, Triều Tiên là nhà cung cấp than đá lớn nhất cho Trung Quốc, với 22,4 triệu tấn, tăng gần 14,5% so với năm trước. Như vậy, có thể thấy, lệnh cấm này gây thiệt hại không nhỏ đối với nguồn thu ngân sách chính của Triều Tiên và cũng ảnh hưởng tới bản thân Trung Quốc.

Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ gây thêm áp lực đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để Bắc Kinh hành động nhiều hơn nữa khi lãnh đạo hai nước gặp nhau trong tuần này tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Palm Beach – và ông Trump đã ngụ ý rằng, vấn đề thương mại có thể được sử dụng làm đòn bẩy giải quyết tồn tại hiện nay.

Trump sẵn sàng giải quyết vấn đề Triều Tiên mà không có Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp quan trọng trong tuần này. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Mỹ nói với FT rằng, “thương mại chính là động cơ thúc đẩy. Thương mại có thể giải quyết được tất cả”. Tuy nhiên, ông Trump cho biết, ông không có kế hoạch thảo luận về thuế trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc.

Hôm 31/3,  ông Trump đã có bước đi mới trong nỗ lực tái định hình chính sách thương mại của Mỹ với việc ký hai sắc lệnh hành pháp nhằm đối phó với tình trạng thâm hụt thương mại của nước này, xét lại các quy tắc hiện hành và hạn chế các vụ lạm dụng thương mại của nước ngoài.

Theo sắc lệnh hành pháp thứ nhất, trong vòng 90 ngày, Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ sẽ tiến hành một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng các khoản thâm hụt thương mại của Mỹ với một số đối tác thương mại lớn nhất nhằm xác định những hành vi gian lận, thương mại không công bằng và mất cân bằng tiền tệ.

Sắc lệnh thứ hai siết chặt luật chống bán phá giá nhằm ngăn chặn các nhà sản xuất nước ngoài chèn ép các công ty Mỹ thông qua việc bán hàng hóa giá rẻ.

Các quan chức Nhà Trắng khẳng định, Trung Quốc không phải là mục tiêu trọng tâm của hai sắc lệnh nói trên, nhưng Bắc Kinh chính là nguồn gây ra thâm hụt thương mại lớn nhất đối với Mỹ, chiếm khoảng 347 tỷ USD/năm trong tổng số thâm hụt thương mại khoảng 502 tỷ USD mỗi năm của nước này.

Và chính bản thân ông Trump hôm 30/3 đã viết trên trang Twitter cá nhân: “Chúng ta không thể để thâm hụt thương mại và tình trạng mất việc làm lớn như vậy nữa… Các doanh nghiệp Mỹ cần tính đến chuyện tìm kiếm những lựa chọn khác”.

Dù vậy, ông Trump không nói ông sẽ đàm phán thương mại với Trung Quốc trong lúc gây áp lực lên nước này để gây ảnh hưởng buộc Triều Tiên thay đổi cách tiếp cận đối với vấn đề hạt nhân và tên lửa.

Giới phân tích cho rằng, dù có một số động thái cứng rắn thời gian qua với chính quyền Bình Nhưỡng nhưng Trung Quốc vẫn sẽ duy trì sự ủng hộ với đồng minh Triều Tiên và không muốn xảy ra tình trạng hàng triệu người Triều Tiên có thể chạy qua biên giới sang Trung Quốc nếu mọi việc vượt ra khỏi tầm kiểm soát./.

Theo vov

Đánh giá bản tin này