Ông Trump dùng "võ" gì đối phó Triều Tiên?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mạnh mồm tuyên bố ông sẵn sàng giải quyết mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên mà không cần đến sự hỗ trợ của Trung Quốc. Vậy ông chủ Nhà Trắng đã chuẩn bị những biện pháp gì khi khẳng định chắc nịch như trên?
CNN đưa tin, ông Trump sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này tại khu nghỉ dưỡng ở bang Florida, tuyên bố hôm 2/4 rằng ông sẵn sàng hành động một mình để ngăn cản chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng mà Bắc Kinh đã thất bại.
“Nếu Trung Quốc không thể giải quyết được vấn đề Triều Tiên thì Hoa Kỳ sẽ tự làm”, ông Trump nói với Financial Times.
Tuy nhiên, như mọi khi, ông chủ Nhà Trắng không tiết lộ cụ thể ông sẽ làm như thế nào để ngăn chặn lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un phát triển kho vũ khí của mình. Một số nhà phân tích cho rằng phát biểu của ông Trump chỉ đơn giản là để khiến ông Tập “mất cân bằng” trước thềm chuyến thăm cấp cao tới đây.
Trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Mỹ yêu cầu Bắc Kinh phải cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng. Nguồn: World News
Anthony Ruggiero, chuyên gia tại Hiệp hội Quốc phòng và Dân chủ, nhận định nếu hợp tác với Bắc Kinh, đồng minh chính và là nhà cung cấp tài chính quan trọng cho Bình Nhưỡng, bản thân Triều Tiên sẽ cần phải thay đổi rất nhiều trong thể chế và bộ máy lãnh đạo.
“Việc chờ đợi Trung Quốc gây áp lực lên Triều Tiên đã không có hiệu quả từ thời cựu Tổng thống Bush, cũng không có kết quả trong thời Tổng thống Obama và chắc chắn cũng sẽ không thay đổi đối với ông Trump. Chúng ta căn bản là không có những ưu tiên chung”, ông Anthony cho biết.
Cho đến nay, chính sách của Hoa Kỳ đều tập trung vào các nỗ lực đa phương, như đàm phán 6 bên và các lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, cộng thêm sự chờ đợi chính quyền ông Kim, hay nói cách khác đó là chính sách “kiên nhẫn chiến lược”. Tuy nhiên, tất cả những biện pháp trên đều không có mấy tác động khi Bình Nhưỡng ngày càng đẩy mạnh các vụ thử tên lửa và chương trình hạt nhân của mình từ năm 2016.
Vậy nếu như phải hành động đơn phương về vấn đề Triều Tiên thì Hoa Kỳ sẽ tiến hành như thế nào?
Lựa chọn thứ nhất: Cam kết
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ít nhất ba lần tỷ phú Donald Trump đã đề cập đến việc đối thoại với lãnh đạo Kim Jong Un, có thể là thông qua một chiếc bánh hamburger.
Lanhee Chan, nhà nghiên cứu của Viện Hoover nhận định: “Tôi không nghĩ bánh hamburger và khoai tây chiên có thể giải quyết được vấn đề này. Tôi không nghĩ đây là vấn đề có thể giải quyết trong một đêm và nếu như có một biện pháp ngoại giao thì cũng cần phải diễn ra trong một khoảng thời gian dài hoặc sẽ phải bàn đi bàn lại những chủ đề hết sức phức tạp”.
Bình Nhưỡng từng ám chỉ đến việc sẽ quay trở lại vòng đàm phán nhưng lại không cam kết hoàn tất quá trình phi hạt nhân hóa như một điều kiện để tiếp tục đàm phán. Theo ông Leon Sigal, giám đốc Dự án An ninh Hợp tác Đông Bắc Á thuộc Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội New York, Bình Nhưỡng có thể sẵn sàng ngừng chương trình tên lửa và hạt nhân nếu đổi lại Washington giải tỏa được các mối lo ngại an ninh của nước này.
“Cách duy nhất để thoát khỏi tình cảnh khó khăn này là chấp nhận, khôi phục các cuộc đàm phán với Triều Tiên càng sớm càng tốt để thăm dò xem Bình Nhưỡng có sẵn sàng ngừng vũ khí hóa hay không”, ông Sigal phân tích với CNN về tuyên bố mới nhất của Tổng thống Trump.
Tất nhiên, chiến lược kiểu này sẽ có rủi ro lớn và những hành động khiêu khích gần đây của Triều Tiên đã vượt xa khỏi tầm với của Hoa Kỳ. Sau khoảng thời gian tạm lắng đúng thời gian bầu cử Tổng thống Mỹ, Bình Nhưỡng đã tiến hành thử nghiệm một loại tên lửa mới ngay lúc ông Trump tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 12/2. Kể từ đó, Triều Tiên đã thử 6 quả tên lửa và hai động cơ tên lửa.
Lựa chọn thứ hai: “Trói chân con ngựa ốm”
Chuyên gia Anthony Ruggiero cho rằng Mỹ cần phải hành động quyết liệt hơn sau khi các ngân hàng và công ty Trung Quốc bị nghi ngờ viện trợ cho Triều Tiên giống với các hình phạt tài chính danh cho các ngân hàng châu Âu khi làm ăn với Iran bất chấp lệnh cấm vận của Hoa Kỳ.
“Ông Trump cần phải cho phép Bộ Tài chính điều tra các công ty và ngân hàng Trung Quốc, nói với họ không được phép làm như vậy và trừng phạt thích đáng”, ông Ruggiero cho hay.
Chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên sẽ là chủ đề nóng trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung sắp tới. Nguồn: CNN
Cuối tuần qua, Bộ Tài chính Mỹ đã ra lệnh trừng phạt 11 cá nhân Triều Tiên và một công ty Triều Tiên vì có liên quan đến chương trình vũ khí của nước này cũng như vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, nhưng theo ông Ruggiero, giới chức Hoa Kỳ cần phải tập trung sự chú ý vào Bắc Kinh.
Các nhà phân tích khác lại cho rằng những lệnh trừng phạt, dù có khắt khe và phức tạp đến thế nào thì cũng không thể khiến chế độ Triều Tiên phải “quỳ gối”. “Điểm mấu chốt ở đây là điều cuối cùng mà Triều Tiên phải từ bỏ, chính là quân sự”, John Delury, phó giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại ĐH Yonsei, Hàn Quốc, nhận định.
Peter Layton, chuyên gia danh dự của Viện châu Á Griffith ở Australia, cho rằng Mỹ cần phải thông qua các diễn đàn như G20 và Liên Hiệp Quốc để thuyết phục Trung Quốc rằng Washington vẫn muốn Bình Nhưỡng tồn tại.
“Thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc rằng Bắc Kinh đang tự làm hại chính mình khi giúp Triều Tiên, công khai sợi dây liên kết giữa ông Kim Jong Un và ông Tập Cận Bình, cố gắng hướng họ theo tư duy toàn cầu nhiều nhất có thể”, ông Layton đề xuất.
Lựa chọn thứ 3: Hành động quân sự
Trong chuyến thăm mở màn tới châu Á tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định Mỹ đang cân nhắc sử dụng biện pháp quân sự để đối phó với Triều Tiên nếu bị khiêu khích. “Chắc chắn chúng tôi không muốn xảy ra xung đột quân sự… nhưng rõ ràng là nếu Bình nhưỡng có những hành động đe dọa tới các lực lượng Hàn Quốc hoặc lực lượng Mỹ thì đây sẽ là biện pháp đáp trả thích hợp”, ông Tillerson cho biết.
Theo các nhà phân tích, mặc dù Mỹ sở hữu lượng vũ khí vượt trội so với Triều Tiên, nhưng bất kỳ cuộc tấn công nào vào quốc gia bí ẩn này cũng sẽ khiến cho Hàn Quốc phải chịu tổn thất nặng nề.
“Mọi thứ đều có thể làm được, nhưng sẽ phải cân nhắc những rủi ro mà chúng ta sẵn sàng đón nhận so với những kết quả mà chúng ta mong muốn đạt được”, Carl Schuster, giáo sư ĐH Thái Bình Dương Hawaii đồng thời là cựu giám đốc Trung tâm Tình báo Sở Chỉ huy Hoa Kỳ - Thái Bình Dương, cho biết.
Máy bay ném bom B-1B của Không quân Hoa Kỳ. Nguồn: CNN
Chiến đấu cơ F-22. Nguồn: CNN
Trong một loạt báo cáo được chuẩn bị vào tháng 5/2016, tổ chức phân tích địa chính trị Stratfor cho biết lực lượng Hoa Kỳ có thể thả xuống các mục tiêu ở Triều Tiên hơn 600 tên lửa hành trình và bom thông minh ngay trong đợt tấn công đầu tiên. Vũ khí có thể được gắn trên máy bay ném bom tàng hình B-2 và chiến đấu cơ F-22 Raptor, tàu ngầm tên lửa dẫn đường lớp Ohio và một loạt tàu khu trục, tàu tuần dương khác.
Tuy nhiên, Stratfor cho rằng vấn đề ở đây là Bình Nhưỡng lại sở hữu những phương tiện phóng di động có thể trực tiếp phóng một loại vũ khí hạt nhân xuống lãnh thổ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản, gây ra hậu quả không thể tưởng tượng nổi.
Theo ông Layton, Tổng thống Trump vẫn còn có một vài lựa chọn quân sự không sát thương, có thể không khiến Bình Nhưỡng phải đáp trả. Cựu sĩ quan không quân Hoàng gia Australia gợi ý dùng biện pháp ngăn chặn không cho bất kỳ con tàu nào đến và rời khỏi vùng lãnh hải Triều Tiên.
Một lựa chọn có phần nguy hiểm hơn nữa đó là sử dụng các tàu chiến của Hoa Kỳ, trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis để bắn hạ bất kỳ tên lửa nào của Triều Tiên nếu nước này tiếp tục phóng thử tên lửa trong tương lai. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng các cuộc tấn công đột kích của lực lượng đặc nhiệm tiến hành tại Triều Tiên sẽ vô cùng nguy hiểm và lực lượng Mỹ sẽ rất dễ bị bắt.
Theo xaluan