Nước Anh đã đi không còn đường trở lại
Đúng dịp này hai năm nữa, nước Anh sẽ chính thức đứng ngoài EU sau 46 năm và 3 tháng là thành viên EU. Đối với cả hai phía, giờ ván đã đóng thuyền và họ đều trong tình trạng đã đâm lao nên phải theo lao, chân đã bước đi nên không còn có thể trở lại nữa.
ảnh minh họa
Chín tháng sau ngày trưng cầu dân ý về nước Anh ra khỏi EU (Brexit), thủ tướng Anh Theresa May thực hiện kết quả cuộc trưng cầu dân ý ấy và chính thức đề nghị EU vận hành Điều 50 của Hiệp ước Lisbon về EU để chính thức tiến hành đàm phán giữa hai bên về Brexit.
Trong chín tháng qua, nước Anh và EU đã có những chuẩn bị ban đầu về tâm lý và dư luận, về lộ trình và nội dung cho việc cùng nhau thực hiện Brexit. Nhưng kết quả đàm phán rồi đây sẽ như thế nào, tác động của Brexit ra sao đối với hai bên và thế giới, tương lai của nước Anh và EU sẽ tốt đẹp hơn hay tồi tệ đi.... hiện đều là những câu hỏi chưa có được câu trả lời.
Đối với EU, mọi chuyện liên quan đến thực hiện Brexit có phần dễ dàng hơn đối với nước Anh. Theo EU, có tổng cộng hơn 21000 điều phải đưa ra để thương thảo và đạt được thoả thuận giữa EU và chính phủ Anh trong khoảng thời gian 2 năm tới. Như thế có nghĩa là nếu muốn cuộc chia tay được thuận hoà thì hai phía đều phải rất thiện chí, xây dựng và chạy đua với thời gian. EU chủ trương mọi chuyện phải sòng phẳng và dứt khoát. EU phải như thế vì chỉ như thế mới duy trì được sự đồng thuận quan điểm cần thiết trong nội bộ giữa 27 thành viên còn lại của EU và mới phát đi được thông điệp răn đe để sau Brexit không có thành viên EU nào khác noi gương nước Anh ly khai EU.
Đối với bà May và chính phủ Anh, mọi chuyện phức tạp và khó khăn, nhạy cảm và khó xử hơn rất nhiều. Bà thủ tướng vốn không ủng hộ Brexit mà giờ phải ngậm bồ hòn làm ngọt để thực thi Brexit và phải ứng phó đồng thời trên nhiều mặt trận. Brexit đang làm nội bộ xã hội và chính trường nước Anh tiếp tục phân rẽ sâu sắc. Xứ Scotland vốn không ủng hộ Brexit nên giờ đòi bà May phải đàm phán với EU sao cho nước Anh hoặc ít nhất thì cũng xứ Scotland vẫn được tham gia vào Thị trường nội địa chung của EU - điều chắc chắn sẽ không được EU chấp nhận - nếu không sẽ tiến hành trưng cầu dân ý lần thứ hai để độc lập với nước Anh, tức là ly khai nước Anh sau khi nước Anh ly khai EU, với kỳ vọng sẽ gia nhập EU trong tư cách là quốc gia độc lập, có chủ quyền mới.
Xứ Bắc Ireland vừa có cuộc bầu cử chính quyền và cũng không muốn bị đứng ngoài EU. Brexit kích động tâm lý ở xứ này muốn độc lập hơn với Anh và thậm chí còn cả thống nhất với Ireland. Bà May vừa phải đàm phán về Brexit vừa phải nỗ lực giữ cho Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland - bao gồm xứ Anh, Wales, Scotland và Bắc Ireland - không tan rã.
Bà May và cộng sự trong chính phủ Anh sẽ chỉ có thế đủ mạnh để đàm phán với EU về Brexit nếu khắc phục được sự phân hoá hiện tại trên chính trường và trong nội bộ xã hội. Xưa nay, trên đảo quốc này chưa khi nào có được sự đồng thuận quan điểm thật sự sâu rộng về tham gia EU hay ở bên ngoài EU. Với hậu phương rệu rã và chia bè tách phái như thế, bà May sẽ vô cùng khó khăn trong thời gian tới.
Đồng thời với những việc trên, bà May còn phải có được định hướng chiến lược cho kinh tế nước Anh và định vị nước Anh ở châu Âu cũng như trên thế giới sau khi ra khỏi EU, tìm kiếm đối tác và thị trường mới. Và cuối cùng nhưng cũng không kém phần quyết định là mặc cả như có thể được với EU về trách nhiệm tài chính của nước Anh đối với EU mà phải hoàn tất trước khi ra đi, ước tính gần 60 tỷ Euro. Như thế có thể thấy nước Anh và bà May trước hết phải trả giá đắt cho Brexit đã, còn sau này thế nào thì phải chờ hạ hồi phân giải.
Theo xaluan