Những ngày "hưu trí" đầy biến động của ông Obama

| 29/03/2017 | 618 Lượt nghe

 

Khác với những người tiền nhiệm, hai tháng hưu trí đầu tiên của ông Obama vẫn đầy biến động.

Những ngày ‘hưu trí’ đầy biến động của ông Obama
Phong thái nhàn nhã của cựu Tổng thống Obama sau khi rời Nhà Trắng. Ảnh: AP

Trong khi các cựu tổng thống vốn thường dành thời gian sau mãn nhiệm vào các công việc phi chính trị, từ thiện thì ông Obama có kế hoạch tham gia cải tổ hoạt động đảng Dân chủ, tăng cường sức chiến đấu của đảng trong các cuộc bầu cử tới.

Vẻ ngoài êm ả

Hơn hai tháng sau khi rời Nhà Trắng, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama có vẻ vẫn đang hưởng thụ một cuộc sống bình lặng cùng gia đình và bạn bè, một mục tiêu ông vẫn nói khi sắp mãn nhiệm.

Hành tung gia đình Obama vẫn được người dân Mỹ theo dõi rất kỹ. Hồi tháng 2, ông Obama đi xem kịch Broadway cùng con gái Malia. Họ vào nhà hát khi đèn đã tắt và rời đi khi đèn chưa sáng. Hầu hết khán giả không biết có sự hiện diện của ông đến khi một nhà báo New York Times ngồi trước ông nhận ra và loan tin trên Twitter. Lúc ông ra khỏi nhà hát đã có một đám đông chờ sẵn.

Tránh sự chú ý của công chúng là một phần lý do nhà Obama thực hiện nhiều chuyến đi xa đến Palm Springs, vùng Caribe và quần đảo Hawaii sau khi rời Nhà Trắng.

Tại sao cuộc sống và những gì liên quan đến tổng thống và đệ nhất phu nhân Obama sau khi rời Nhà Trắng được chú ý nhiều đến thế? Theo The Washington Post, có ba lý do là: Cặp đôi “lý tưởng” nhà Obama vẫn còn quá trẻ và được yêu mến rất nhiều vào thời điểm rời Nhà Trắng. Đã vậy, họ còn chọn ở lại Washington, D.C. trong thời gian con gái hoàn tất việc học và căn biệt thự họ ở chỉ cách Nhà Trắng vài khối nhà. Lý do cuối cùng là vì chính phủ Trump có quá nhiều vụ lùm xùm khiến người Mỹ càng nhớ đến chính phủ Obama không nhiều scandal.

Ngoài các chuyến du lịch nghỉ dưỡng, ông Obama thỉnh thoảng cũng tổ chức gặp mặt thân mật với các thành viên nội các cũ như cựu Phó Tổng thống Joe Biden, cựu Chánh Văn phòng nội các Denis McDonough… Ông Peter Velz từng làm trong Phòng Thông tin Nhà Trắng còn tiết lộ ông Obama vẫn luôn chủ động về nhà đúng giờ kẻo lại gặp rắc rối với cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama.

Những ngày ‘hưu trí’ đầy biến động của ông Obama

Donald Trump và Barack Obama tại buổi lễ nhậm chức của ông Trump. Dù hứa hẹn sẽ duy trì liên lạc nhưng giao tiếp giữa hai người chấm dứt ngay khi ông Obama rời Nhà Trắng. Ảnh: REUTERS

Những ngày ‘hưu trí’ đầy biến động của ông Obama

Trụ sở ông Obama thuê làm văn phòng làm việc, cách căn biệt thự ông ở chưa đầy 2 km.

Sức nóng chính trị còn quá lớn

Hiện nhà Obama sống khá kín tiếng tại căn biệt thự thuê ở khu Kalorama thuộc thủ đô Washington. Liệu ông Obama có rời xa chính trị khi sống chỉ cách Nhà Trắng vài khối nhà hay ông sẽ lại một lần nữa trở lại với chính trường?

Theo The Washington Post, dù tâm thế hết sức nhàn nhã nhưng rõ ràng sự quan tâm của ông Obama với thế sự vẫn còn cháy bỏng. Tuần trước, từ một khu nghỉ dưỡng cao cấp ở đảo Tetiaroa tại Nam Thái Bình Dương, ông Obama đã lên tiếng đề nghị phe Cộng hòa không hủy bỏ luật bảo hiểm y tế Obamacare của ông chỉ một ngày trước khi Hạ viện bỏ phiếu về dự luật thay thế Obamacare.

Cách căn biệt thự gia đình Obama đang ở chưa đầy 2 km là một trụ sở ở khu West End mà ông Obama thuê làm văn phòng để ông viết hồi ký, cũng như giúp cải thiện vị thế của đảng Dân chủ. Có khoảng 15 nhân viên làm việc ở đây. Các thành viên Dân chủ đang rất sốt ruột chờ ông quay lại tham gia cải tổ hoạt động đảng Dân chủ, tăng cường sức cạnh tranh của đảng trong các cuộc bầu cử tới. Tuy nhiên, thời điểm này ông Obama vẫn ủy quyền công việc chính trị cho các phụ tá, điển hình là cựu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder. Trước khi rời Nhà Trắng, ông Obama đã xác nhận cựu Bộ trưởng Lao động Tom Perez trở thành chủ tịch Ủy ban đảng Dân chủ.

Tháng 5 tới, ông Obama sẽ có bài phát biểu đầu tiên sau khi rời Nhà Trắng, với tư cách một công dân, khi ông nhận giải thưởng “Gương can đảm John F. Kennedy” nhân 100 năm ngày sinh cố Tổng thống Kennedy. Sức nóng và ảnh hưởng chính trị của ông Obama khiến ông khác với các cựu tổng thống trước vốn thường dành thời gian sau mãn nhiệm vào các công việc phi chính trị và từ thiện. Tổng thống George W. Bush rời Nhà Trắng với tỉ lệ ủng hộ khá thấp, trở về TP Dallas viết hồi ký và vẽ. Tổng thống Bill Clinton đóng đô tại New York làm từ thiện và hỗ trợ sự nghiệp chính trị của vợ là bà Hillary Clinton.

Đã xuất hiện nhiều đồn đoán quanh mục tiêu hành động sắp tới của ông Obama. Nhiều người cho rằng gia đình Obama sẽ ở lại thủ đô Washington sau cả khi con gái thứ hai Sasha tốt nghiệp trung học năm 2019 để hoạt động chính trị.

Nỗi ám ảnh của ông Trump?

Nghị sĩ Cộng hòa Mike Kelly lo sợ sức nóng chính trị của ông Obama còn quá lớn, trong khi đó chính phủ người kế nhiệm Donald Trump lại đang có quá nhiều tranh cãi.

Ông Obama đã luôn khen ngợi quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ của người tiền nhiệm Bush cho mình năm 2009. Dù bị hứng nhiều chỉ trích từ ông Obama trong quá trình tranh cử tổng thống năm 2008 nhưng ông Bush đã không phát ngôn đáp trả hay nói xấu gì người kế nhiệm sau khi rời Nhà Trắng. Tuy nhiên, điều tốt đẹp này không xảy ra trong quan hệ giữa hai ông Obama và Trump. Khi ông Trump mới thắng cử, cả hai ông Trump và Obama đều hứa hẹn sẽ duy trì liên lạc và giữ quan hệ tốt. Ông Trump còn nói sẽ xin ý kiến cố vấn của ông Obama về các vị trí nội các. Tuy nhiên, thực tế cả hai ông đã không có liên lạc tham vấn gì từ sau lễ nhậm chức ngày 20-1.

Bà Jen Psaki, trợ lý lâu năm của ông Obama, cho rằng ông Obama giữ quan hệ hòa nhã với ông Trump để cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ nhưng điều này không có nghĩa quan hệ hai bên thực sự tốt đẹp. Ông Josh Earnest, cựu phát ngôn Nhà Trắng thời ông Obama, hiện là nhà phân tích chính trị của NBC News, khẳng định cựu tổng thống “rất sẵn lòng” cho ông Trump lời khuyên. Thế nhưng ông Trump không những không liên lạc, không xin ý kiến cố vấn mà mới đây còn cáo buộc ông Obama nghe lén điện thoại đội tranh cử của ông.

Ông Trump thường xuyên đổ lỗi cho người tiền nhiệm đã để lại một di sản rối tung cho mình như “việc làm rời bỏ nước Mỹ”, “có vấn đề lớn” ở Trung Đông và Triều Tiên. Sau khi nhậm chức, ông Trump đã liên tục có nhiều động thái nhằm thay đổi di sản của ông Obama. Sau khi nỗ lực thay đổi luật bảo hiểm y tế Obamacare bị Hạ viện phe Cộng hòa chiếm đa số hủy bỏ, ông Trump lại tuyên bố sẽ ra sắc lệnh hủy bỏ luật về chống biến đổi khí hậu của ông Obama.

Cuộc gọi bị bỏ lỡ

Thực ra ông Trump ngày 30-1 có gọi điện thoại cho ông Obama để cám ơn ông Obama đã để lại thư từ biệt cho mình trên bàn làm việc ở Nhà Trắng - một truyền thống giữa các đời tổng thống. Tuy nhiên, lúc đó ông Obama đang trên máy bay, không tiếp được điện thoại. Sau đó ông Obama nhờ trợ lý gọi lại cho ông Trump. Bên kia đầu dây, trợ lý của ông Trump cho biết ông Trump gọi chỉ để cám ơn ông Obama để lại thư từ biệt cho mình trên bàn nghị quyết ở Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng. Trợ lý ông Trump đã nhờ chuyển lời lại cho ông Obama và hai ông đã không gặp trực tiếp. Sau lần này hai ông không còn nói chuyện lần nào nữa.

Ông Trump tuột dốc chóng mặt

Thăm dò của Gallup công bố ngày 27-3 cho thấy tỉ lệ ủng hộ của ông Trump chỉ còn 36%, thấp hơn 2% so với mức thấp nhất mà ông Obama từng trải qua năm 2011 và 2014 - 38%. Trong khi đó tỉ lệ không ủng hộ rất cao - 57%. 10 ngày trước, tỉ lệ ủng hộ ông Trump là 37%. Thời điểm nhậm chức tỉ lệ ủng hộ ông Trump là 44%.

Tỉ lệ ủng hộ ông Trump giảm mạnh sau khi dự luật bảo hiểm y tế thay thế Obamacare của ông bị Hạ viện hủy bỏ phiếu, bên cạnh đó là việc Quốc hội và FBI điều tra nghi ngờ chính phủ Trump liên quan đến Nga.

Theo xaluan

Đánh giá bản tin này