Những điều ít biết về ứng viên Tổng thống Pháp tiềm năng Marine Le Pen

| 06/04/2017 | 320 Lượt nghe

 

Thoát chết trong vụ đánh bom khi 8 tuổi, “bén duyên” với chính trị lúc 13 tuổi và tự tay khai trừ cha khỏi đảng. Đó là chỉ là nét phác họa về bà Le Pen.

Những điều ít biết về ứng viên Tổng thống Pháp tiềm năng Marine Le Pen
Bà Le Pen và cha, người sáng lập đảng Mặt trận Dân tộc Jean-Marie Le Pen. Ảnh: AP.

Marine Le Pen – lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu của Pháp – là một trong những ứng cử viên dẫn đầu cuộc đua vào điện Élysée.

Giữa mớ bòng bong của Liên minh châu Âu (EU) và nỗi sợ làn sóng nhập cư ồ ạt vào châu lục này, bà Le Pen nổi lên trong hầu hết các cuộc thăm dò dư luận gần đây. Các chuyên gia đều dự đoán rằng bà gần như chắc chắn giữ một chiếc vé vào vòng 2 của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào tháng 5 tới.

Vậy Marine Le Pen là ai mà có thể “khuynh đảo” chính trường Pháp?

“Người thừa kế” đảng Mặt trận Dân tộc

Marine Le Pen tiếp quản vị trí lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc (FN) từ cha bà, đồng thời là nhà sáng lập đảng này, ông Jean-Marie Le Pen, người đã rút lui 5 năm trước.

Nhưng sau đó ông Jean-Marie Le Pen bị chính con gái khai trừ khỏi đảng năm 2015 vì phát ngôn cho rằng, những phòng hơi ngạt của Phát xít cũng không hơn gì “một chi tiết lịch sử” trong khi nền tảng của FN là chủ nghĩa bài ngoại và chối bỏ Tội ác giệt chủng Do Thái (Holocaust-denial).

Tháng 11/2016, một tòa án ở Pháp tuyên bố tôn trọng quyết định của FN nhưng phán quyết rằng ông Jean-Marie vẫn được làm Chủ tịch danh dự của đảng. Ông cũng đã phải nộp phạt 30.000 euro vì phát ngôn trên.

Sóng gió đã làm nên một phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán

Sinh năm 1968, bà Le Pen là con út trong gia đình có 3 chị em gái.

Khi mới 8 tuổi, Marine Le Pen đã thoát nạn trong một vụ đánh bom nhằm vào gia đình do những kẻ thù của ông Jean-Marie Le Pen tiến hành.

Có thể nói bà Le Pen “bén duyên” với chính trị từ lúc 13 tuổi, khi bà được cha đưa đến một cuộc họp của đảng Mặt trận Dân tộc.

Cú sốc thời niên thiếu của cô Le Pen có lẽ là việc mẹ của bà là Pierrette Lalanne công khai rời bỏ gia đình từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước và sau đó chụp ảnh khỏa thân cho tạp chí Playboy. Cha bà, ông Jean-Marie Le Pen cũng lấy làm xấu hổ về điều này.

Marine Le Pen nhận bằng Thạc sỹ về luật hình sự của trường Đại học Paris năm 1992 và bắt đầu sự nghiệp với tư cách là luật sư công. Ba năm sau, bà Le Pen cưới thành viên cùng đảng là ông Franck Chauffroy nhưng sau đó đã li dị. Hai người đã có 3 người con chung là Jehanne, 17 tuổi và cặp sinh đôi Louis - Mathilde, 15 tuổi.

Cái bắt tay “tai tiếng” với ông Putin

Bà Le Pen từng đến Nga theo lời mời của một nghị sỹ nhưng sau đó, những hình ảnh bà bắt tay Tổng thống Vladimir Putin tại Điện Kremlin làm dấy lên những quan ngại ở châu Âu về sự ủng hộ của Moscow đối với phe cực hữu. Tổng thống Putin đã khẳng định với bà Le Pen rằng, ông không có ý định can thiệp vào cuộc bầu cử Pháp.

Những điều ít biết về ứng viên Tổng thống Pháp tiềm năng Marine Le Pen

Bà Le Pen gặp ông Putin trong chuyến thăm Nga năm 2016.

Tuy nhiên, ngày 1/4, Mediapart, hãng tin chuyên điều tra có trụ sở tại Paris, dẫn tài liệu rò rỉ từ FN cho thấy, từ tháng 6/2016, bà Le Pen và các lãnh đạo đảng này đã đề nghị vay một khoản hơn 3 triệu euro từ Ngân hàng Chiến lược (Strategy Bank) với lãi suất 6%/năm để tài trợ cho các hoạt động tranh cử.

Thông tin đưa ra sau khi Thượng viện Mỹ cảnh báo Nga đang chủ động can thiệp vào cuộc bầu cử Pháp để ứng viên “ưa thích” của Moscow sẽ lên nắm quyền. Trước đó, Nga cũng từng bị nghi ngờ đã can thiệp vào bầu cử Mỹ để ông Donald Trump thắng cử.

Donald Trump của Pháp?

Bà Le Pen tập hợp được sự ủng hộ ngay trong 3 tháng vận động tranh cử đầu tiên bằng một bài phát biểu “tấn công” trực diện vào làn sóng nhập cư. Chính trị gia này cho rằng, truyền thống và tính cách dân tộc đang bị người nhập cư đe dọa.

Bà khởi động chiến dịch tranh cử với lời hứa “làm cho nước Pháp tự do trở lại”, một thông điệp dường như "vọng sang" từ bên kia bờ Đại Tây Dương, nơi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống cường quốc số Một thế giới với khẩu hiệu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Gần đây, bà Le Pen cũng tuyên bố nếu đắc cử sẽ xem xét một lệnh cấm nhập cảnh đối với người Hồi giáo từ một số nước tương tự như ông Trump đã làm ở Mỹ.

Liệu nước Pháp có sẵn sàng cho một nữ Tổng thống cực hữu?

Từ khi đảng FN bất ngờ vươn lên dẫn đầu các cuộc thăm dò dư luận cuối năm ngoái, bà Le Pen đang được kỳ vọng trở thành Tổng thống cựu hữu đầu tiên của Pháp.

Nhưng như người ta vẫn nói “đêm dài lắm mộng” và điều này lại càng đúng trong chính trị. Nhiều người lo ngại số phiếu cho bà Le Pen sẽ rơi rớt dần khi cuộc bầu cử vòng Một ngày 23/4 đang đến gần và nữ ứng viên này có thể sẽ đuối sức hơn nữa ở vòng Hai diễn ra vào ngày 7/5.

Bởi sau khi ứng viên tiềm năng nhất của phe bảo thủ, ông Francois Fillon, bị tụt lại phía sau vì bê bối thu xếp “việc làm giả” cho vợ, cái tên Emmanuel Macron đang vươn lên mạnh mẽ trong cuộc đua vào Điện Élysée.

Nhiều cuộc thăm dò dư luận Pháp gần đây cho thấy cử tri nước này vẫn chưa sẵn sàng cho một lãnh đạo cực hữu và vì thế, họ sẽ bỏ phiếu cho ông Macron. Thăm dò dư luận của OpinionWay cho ORPI, Les Echos và Radio Classique cho thấy bà Le Pen đang thu hẹp khoảng cách nhưng ông Macron vẫn nắm chắc 58% sự ủng hộ so với 42% dành cho bà.

Nhưng nếu không đắc cử, ít nhất với tình thế hiện nay, nữ chính trị gia 48 tuổi này cũng nắm chắc khả năng trở thành lãnh đạo của một đảng đối lập đáng gờm và điều đó cho bà sức ảnh hướng khá lớn đối với việc đưa con tàu nước Pháp lúc về cánh tả, khi thì có thể là cánh hữu

Theo xaluan

Đánh giá bản tin này