"Lời nguyền" đeo đuổi các Tổng thống ở xứ Hàn

| 31/03/2017 | 436 Lượt nghe

 

Từ đỉnh cao quyền lực tới kết cục bê bối và tai tiếng, bị lật đổ hay sát hại, buộc phải lưu vong hay tù đày... Chỉ 2 trong số 11 Tổng thống Hàn Quốc thoát khỏi "lời nguyền".

‘Lời nguyền’ đeo đuổi các Tổng thống ở xứ Hàn
Bà Park Geun-hye, giống như nhiều tổng thống tiền nhiệm khác của Hàn Quốc, không thoát khỏi lời nguyền đen tối.

Ngày 9.5 tới, cử tri Hàn Quốc sẽ đi bầu Tổng thống mới. Tổng thống cũ, bà Park Geun-hye, thật ra chưa hết nhiệm kỳ cầm quyền, nhưng đã bị quốc hội và toà án hiến pháp phế truất.

Bà Park Geun-hye là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, đồng thời cũng là tổng thống đầu tiên trong số 11 tổng thống ở xứ Hàn kể từ khi lập quốc năm 1948 đến nay bị phế truất - chuyện thật tày đình trong lịch sử. Nhưng bà Park Geun-hye không phải là tổng thống duy nhất chịu số phận chính trị đầy bi hài và thê thảm đến thế.

Giống như bà Park Geun-hye, rất nhiều người tiền nhiệm của bà đều từ đỉnh cao quyền lực trở thành nạn nhân của một thứ mà có người đã gọi là Lời nguyền với tổng thống ở nước này. Họ đều gặp phải kết cục bi thảm: Bị lật đổ hay sát hại, buộc phải lưu vong hay tù đầy, tự tìm đến cái chết hay bê bối và tai tiếng.

Từ người lập quốc...

Tổng thống lập quốc của Hàn Quốc là Syngman Rhee, cầm quyền từ năm 1948 đến 1960, lúc đầu thực chất do Mỹ dựng lên vào năm 1948 nhờ khét tiếng về chống chủ nghĩa cộng sản. Nhưng sau đó, càng cầm quyền lâu thì người này càng quan tâm đến tập trung quyền lực và cầm quyền như một nhà độc tài nhiều hơn nên bám giữ quyền lực bằng mọi giá.

Năm 1960, ông ta sử dụng cả gian lận bầu cử để đắc cử tổng thống lần thứ tư. Nhưng rồi sinh viên đã nổi dậy làm nên cái gọi là Cuộc Cách mạng Tháng Tư. Tháng 4 năm ấy, Syngman Rhee phải chạy trốn sang Hawaii (Mỹ) với sự trợ giúp và thu xếp của CIA, cho tới khi qua đời năm 1965 không một lần trở về cố quốc.

‘Lời nguyền’ đeo đuổi các Tổng thống ở xứ Hàn

Tổng thống Hàn Quốc đầu tiên Syngman Rhee, cầm quyền trong 12 năm, nhưng cuối cùng vì bê bối gian lận và phải chạy trốn sang Haiwaii, sau đó không một lần trở lại tổ quốc. Ảnh: Getty

Từ tháng 4 đến tháng 8.1960, Hàn Quốc được lãnh đạo bởi chủ tịch Hạ viện, Thủ tướng và chủ tịch Thượng viện trong tư cách là tổng thống tạm quyền. Tháng 8 năm ấy, ông Yun Bo-seon được bầu làm Tổng thống.

Không đầy một năm sau, vào tháng 5.1961, tướng Park Chung-hee - cha đẻ của bà Park Geun-hye, tiến hành cuộc đảo chính quân sự, lúc đầu không lật đổ ông Yun Bo-seon, nhưng nắm thực quyền và đến tháng 3.1962 thì đuổi luôn vị Tổng thống chính danh vô quyền này ra khỏi Phủ Tổng thống.

Điều lạ lùng là về sau không ai biết những ngày cuối đời của vị Tổng thống đoản nghiệp này như thế nào.

Park Chung-hee thiết lập chế độ độc tài quân sự đúng với bản chất kinh điển của chế độ này, nhưng lại được công nhận là có công đầu trong việc đưa xứ Hàn đến với phát triển thịnh vượng.

Ngày 26.10.1979, Park Chung-hee bị chính Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Hàn Quốc Kim Jae-kyu bắn chết tại một bữa tiệc đông người công khai. Nguyên nhân không được công bố ngoài viện dẫn bất đồng chính kiến.

Ông Choi Kyu-hah được bầu làm tổng thống và chính thức nhậm chức ngày 6.12 năm ấy. Nhưng không đầy một tuần sau thì tướng Chun Doo- hwan làm đảo chính và lên nắm quyền. Vào những năm 1987/1988, phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Hàn Quốc bùng phát mạnh mẽ và thành công đến mức Tổng thống Chun Doo-hwan phải từ chức.

Tới những tổng thống được dân bầu trực tiếp...

Ông Roh Tae-woo, bạn thân và chiến hữu trong quân đội với ông Chun Doo- hwan, được bầu làm tổng thống trong cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên sau nhiều năm. Kế nhiệm sau đó là ông Kim Young-sam, tổng thống dân cử thứ 2 ở thời mới, cầm quyền từ 1993 đến 1998. Vị tổng thống này tiến hành nhiều cuộc cải cách chính trị xã hội và chống tham nhũng.

Cả hai Tổng thống tiền nhiệm Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo đều bị ông Kim Young-sam cho tiến hành điều tra về tham nhũng, hối lộ, phản quốc, đảo chính, vi phạm nhân quyền và đưa ra xét xử. Một người bị toà kết án tử hình, một người bị phạt tù nhiều năm, nhưng rồi cả hai đều được ân xá năm 1997.

Sau Kim Young-sam là ông Kim Dae-jung, nổi tiếng với chính sách Ánh Dương trong mối quan hệ với Triều Tiên và cuộc gặp với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-Il. Nhờ thế, ông Kim Dae-jung được trao Giải Nobel Hoà bình năm 2000. Hai người này là hai Tổng thống duy nhất không bị vướng vào "lời nguyền".

‘Lời nguyền’ đeo đuổi các Tổng thống ở xứ Hàn

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung gặp gỡ lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Il. Ảnh: Telegraph

Hai người kế nhiệm của họ và tiền nhiệm của bà Park Geun-hye đều bị ô danh theo các cách khác nhau.

Ông Roh Moo-huyn, cầm quyền từ 2003 đến 2008, bị cáo buộc nhận mấy triệu USD hối lộ. Một năm sau khi rời khỏi nhiệm sở, vị này đã tự kết thúc cuộc đời mình. Ông Lee Myung-bak buộc phải công khai xin lỗi toàn dân vì có người em trai và một số đồng minh chính trị dính vào vòng lao lý do tham nhũng và hối lộ mức độ lớn. Rồi đến bà Park Geun-hye.

Cho tới nay, không ai lý giải được nguồn gốc "lời nguyền" này. Không thể không có nguyên cớ gì khi bước vào quyền lực với thanh danh và uy tín cao mà rồi kết cục trong ô danh, thậm chí cả nhục nhã đến như thế. Tại con người chăng ? Hay tại bản chất của nền chính trị? Hay tại cả hai?

Theo xaluan

Đánh giá bản tin này