Liên Hợp Quốc một lần nữa chia rẽ trong vấn đề Syria
Anh, Pháp và Mỹ đệ trình Hội đồng Bảo an dự thảo nghị quyết với nội dung lên án vụ tấn công và đề nghị tiến hành điều tra toàn diện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, các cường quốc một lần nữa thể hiện sự bất đồng quan điểm.
Cuộc họp khẩn ngày 5/4/2017 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về vụ tấn công hóa học ở Syria. Ảnh: UN.
Dự thảo nghị quyết kêu gọi Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) nhanh chóng báo cáo kết quả điều tra vụ tấn công, đồng thời đề nghị Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres báo cáo hàng tháng về sự hợp tác của Chính phủ Syria liên quan cuộc điều tra quốc tế này.
Ngay trước đó, bình luận về dự thảo nghị quyết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, dự thảo nghị quyết trình Hội đồng Bảo an về vụ tấn công nghi bằng vũ khí hóa học tại Idlib là "không thể chấp nhận được", vì nó đã xác định trước kết quả điều tra, đồng thời ấn định trước là chính phủ Syria phải chịu trách nhiệm:
“Rất tiếc là không có bất kỳ nỗ lực nào để tìm hiểu điều gì đã diễn ra mà chỉ dựa hoàn toàn vào thông tin giả mạo và câu chuyện sai lệch do Mỹ, Pháp, Anh một lần nữa áp đặt” bà Zakharova nêu rõ.
“Lưu ý rằng đây không phải đề xuất mà chỉ là sự áp đặt một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, một dự thảo có nội dung hoàn toàn chống lại Syria và có thể làm cho tình hình quân sự-chính trị ở Syria và ở khu vực thêm căng thẳng.”
Cũng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, dự thảo nghị quyết này thực tế là sự "thúc đẩy chính sách gây bất ổn" tình hình tại Syria.
Chưa hết, nó còn nhằm mục đích làm phức tạp thêm tình hình và ngăn chặn việc thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa các bên ở Syria vừa mới bắt đầu diễn ra.
Mặc dù vậy, Nga sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết cuộc xung đột Syria và kêu gọi tất cả các bên liên quan có thái độ khách quan trong việc đánh giá tình hình cũng như hỗ trợ thúc đẩy tiến trình đàm phán giải quyết cuộc xung đột Syria và quét sạch khủng bố khỏi đất nước này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault và người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel cùng thống nhất quan điểm cho rằng, cộng đồng quốc tế không thể nhắm mắt làm ngơ trước sự vi phạm các hiệp ước quốc tế cấm sử dụng vũ khí hóa học vừa mới xảy ra tại Syria.
Anh, Pháp hối thúc Nga, Trung Quốc ủng hộ dự thảo, tránh dùng quyền phủ quyết. Tuy nhiên, Trung Quốc lập tức cáo buộc đại sứ Anh không nên bóp méo quan điểm của Trung Quốc vì hành động đó không phục vụ lợi ích của người dân Syria.
Về phần mình, Đại sứ Mỹ Nikki Haley cảnh báo, các nước có thể sẽ buộc phải hành động đơn lẻ nếu cơ quan Liên Hợp Quốc không thể có hành động tập thể sau vụ tấn công chết người nghi là do vũ khí hóa học ở Syria.
Trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres yêu cầu tiến hành điều tra kỹ lưỡng trước khi khẳng định vụ tấn công ở Syria là vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. Ông cũng nêu rõ cần xem xét để loại bỏ tất cả những nghi ngờ và quy trách nhiệm chính xác cho lực lượng nào đã gây ra vụ tấn công trên.
Các nguồn tin hiện cho thấy Liên Hợp Quốc vẫn thận trọng và chưa khẳng định vụ tấn công được thực hiện bằng vũ khí hóa học./.
Theo vov