Lịch sử dòng G của LG: từ Optimus, màn hình cong cho đến viền siêu mỏng

| 05/04/2017 | 328 Lượt nghe

 

G Series là một trong những dòng flagship rất lạ và thú vị. Từ việc sử dụng con chip Snapdragon S4 Pro đầu tiên, màn hình cong theo chiều dọc, cụm phím volume mang ra mặt sau cho đến viền màn hình siêu mỏng, dòng G là nơi LG trình diễn những công nghệ, những phát minh mới nhất mà chính họ cũng như các công ty con có thể làm được.

Lịch sử dòng G của LG: từ Optimus, màn hình cong cho đến viền siêu mỏng
ảnh minh họa

Hãy cùng điểm lại những chiếc điện thoại G mà LG đã từng ra mắt, để xem nó đã phát triển đến đâu.

LG Optimus G (2012)
Chiếc dòng G đầu tiên của LG không phải là G1 mà chính là Optimus G. Chiếc máy này gây được ấn tượng mạnh vì sở hữu cấu hình rất cao ở thời điểm đó, là cái smartphone đầu tiên chạy trên SoC Qualcomm Snapdragon S4 Pro bốn nhân nên kết quả là nó rất mượt và nhanh. Cũng bắt đầu từ chiếc Optimus G LG trang bị màn hình xuất sắc cho những chiếc điện thoại di động cao cấp do mình làm ra, có thể nói là tốt nhất trong số các đối thủ xuất hiện trong cùng năm 2012. Có HTC One X là có chất lượng hiện thị sánh ngang với Optimus G, còn lại những đối thủ khác như Samsung, Sony vẫn chưa đạt được tới "trình" làm màn hình như LG và HTC.
Đáng chú ý, độ phân giải chính xác mà Optimus G sử dụng là 768 x 1280, tức là có tỉ lệ 5:3 chứ không phải là 16:9 như độ phân giải 720 x 1280 thường thấy trên các smartphone ra mắt gần đây. Tỉ lệ này khiến màn hình của Optimus G lùn và mập hơn so với những màn hình bình thường khác, mà cụ thể là chiếc Optimus 4X HD. Cá nhân mình thích điều này vì mình có thêm không gian (48 pixel) để hiển thị một số nội dung nữa khi cầm máy ở chiều dọc, nhất là khi duyệt web. Như anh em thấy đó, việc LG sử dụng màn hình tỉ lệ hơi khác so với số đông không phải tới G6 mới có.
Tại Việt Nam, ban đầu Optimus G chỉ xuất hiện trên thị trường xách tay và phải đến tháng 3 năm 2013 LG mới mang dòng điện thoại này về bán chính hãng.

LG Optimus G Pro (2013)
Được nâng cấp từ Optimus G lên nhưng thiết kế của phiên bản Pro này khác hoàn toàn so với người anh của nó. Máy không còn vuông vức và góc cạnh như xưa mà đã trở nên mềm mại hơn, các góc cạnh được bo tròn nhiều hơn. Ngoài ra, như cái tên đã gợi ý, bản Pro còn mạnh hơn và có màn hình to hơn (4,7" so với 5,5"), độ phân giải cũng tăng từ HD lên Full-HD, đồng thời quay trở lại xài chuẩn 16:9 truyền thống.
G Pro có một điểm nhấn mà mình thấy là khá thú vị: nút home là nút cứng, nó có một dải đèn LED bên dưới thay đổi tùy theo notification. Thời này đa phần điện thoại Android vẫn dùng đèn thông báo nằm ở cạnh trên và chỉ là một chấm nhỏ nên G Pro phần nào cho thấy sự phá cách của LG trong thiết kế và sản xuất điện thoại Android.
G Pro được sinh ra để cạnh tranh với dòng Galaxy Note của Samsung nhưng nó chưa bao giờ có thể đấu lại vì Samsung dồn rất nhiều nguồn lực và tiền bạc để đưa sản phẩm của mình đi xa, và họ thật sự xem Note như là một chiếc flagship thứ hai bên cạnh Galaxy S. Trong khi đó G Pro lại chỉ được LG bán chủ yếu tại quê nhà Hàn Quốc, ở các nước như Việt Nam nó không phải là trọng tâm của công ty.

Lịch sử dòng G của LG: từ Optimus, màn hình cong cho đến viền siêu mỏng

LG G2 (2013)
Trái với tin đồn đoán khi đó là sẽ có Optimus G2, LG bỏ chữ Optimus vốn đã theo hãng nhiều năm và chỉ còn để lại chữ G mà thôi. LG G2 là chiếc điện thoại đầu tiên chuyển các nút home và volume ra sau lưng, nhường lại một mặt trước với viền trên dưới rất mỏng so với các đối thủ. LG cũng bắt đầu đổi phong cách thiết kế sang sử dụng nhiều góc bo mềm mại và hiện đại hơn so với dòng Optimus lúc trước. G2 chạy chip Snapdragon 800, mạnh nhất ở thời điểm mà nó xuất hiện, và cũng mang lại hiệu năng tốt.

Lịch sử dòng G của LG: từ Optimus, màn hình cong cho đến viền siêu mỏng

LG G Flex (2013)
Gần cuối năm 2013, LG ra mắt một chiếc điện thoại rất lạ với màn hình cong theo chiều dọc: G Flex. Máy chỉ dùng tấm nền HD 720p và có kích thước 6" nhưng vẫn nhận được sự quan tâm vì lần đầu tiên trên thị trường chúng ta mới thấy có một cái smartphone lạ như vậy. Cùng trong thời gian đó, Samsung ra mắt Galaxy Round với màn hình cong nhưng lại theo chiều ngang để cạnh tranh với LG.
Cả hai chiếc LG G Flex và Samsung Galaxy Round đều chỉ mang tính chất trình diễn là chủ yếu nên số lượng bán không nhiều, tính năng của màn hình cong cũng không có gì nổi bật. Bù lại chúng là sản phẩm để LG và Samsung chứng minh rằng màn hình cong hoàn toàn có khả năng thương mại hóa, và cũng là tiền đề để Samsung giới thiệu Note Edge, S Edge sau này.
Sau này LG có ra mắt G Flex 2 cũng với màn hình cong dọc, cấu hình thì nâng cấp lên nhưng lại một lần nữa, đây không phải làm trọng tâm của LG nên sản phẩm không nổi như các máy G Series bình thường. G Flex 2 cũng là chiếc cuối cùng trong series điện thoại độc đáo này.

LG G3 (2014)
Về cơ bản, G3 giữ lại những điểm đặc trưng của G2 như cụm phím cứng sau lưng nhưng đổi thiết kế một chút để trở nên độc và đẹp hơn. Chưa hết, hãng tiếp tục duy trì viền màn hình mỏng cộng ngôn ngữ thiết kế rất hiện đại, thoát khỏi những gì mà chúng ta hình dung về điện thoại LG từ trước tới nay. Các đường bo trở nên thẳng và mạnh mẽ, màn hình đẹp hơn, giao diện được làm phẳng ra và lần đầu tiên trong bộ sưu tập sản phẩm mình, LG trang bị cho G3 màn hình độ phân giải 2K. Vào thời điểm này chưa có smartphone nào xài tấm nền 2K nên rõ ràng LG đã kiếm được một lợi thế cạnh tranh tốt cho họ, đồng thời mở ra một xu hướng mới cho điện thoại Android flagship.
Tất nhiên, cái nào cũng có hạn chế và bị chỉ trích. G3 bị chê vì chưa chuyển sang sử dụng thiết kế kim loại, hãng tiếp tục trung thành với vỏ nhựa trong khi thời đó iPhone đã có vỏ kim loại từ lâu, các hãng điện thoại Trung Quốc cũng bắt đầu đưa nhôm nguyên khối xuống cả flagship lẫn dòng tầm trung, Samsung thì có Galaxy A với vỏ nhôm, sau đó là Note 4 với khung nhôm.
Cũng kể từ G3, LG không còn ra mắt thêm các máy G Pro mới.

Lịch sử dòng G của LG: từ Optimus, màn hình cong cho đến viền siêu mỏng

LG G4 (2015)
G4 là một bản nâng cấp chú trọng vào camera và nắp sau. Viền màn hình của máy hơi dày hơn một chút so với thế hệ trước nhưng được cải thiện khả năng hiển thị, màu sắc, độ sáng nên được đánh giá cao hơn G3. Phiên bản nắp da cũng được nhiều người ưa thích vì lạ và đẹp. Chẳng có nhiều smartphone có lựa chọn da sẵn, bạn chỉ có cách đi làm miếng dán bên ngoài mà thôi.
G4 ở Việt Nam nổi lên với các chiến dịch quảng bá và các chương trình thi thố chụp ảnh vui vẻ. Camera của chiếc G4 có thêm tính năng chống rung quang học, lấy nét bằng hồng ngoại, cảm biến màu sắc để chỉnh cân bằng trắng ngon lành hơn, đồng thời bổ sung khả năng chỉnh tay lúc chụp rất mạnh. Đây có thể làm xem là lần đầu tiên dòng G Series được nâng cấp lớn về camera.
Trong thời gian này, việc tập trung làm camera ngon là hướng đi rất chính xác của LG vì các máy ra mắt ra cùng năm 2014 cũng đi theo con đường này tuy không nhấn mạnh như cách LG quảng bá sản phẩm. iPhone 6 Plus, Galaxy S5, HTC One M8 tính ra đều thiếu một bậc để truyền tải thông điệp về camera tới người tiêu dùng nên G4 có lợi thế về vụ này.

LG G5 (2016)
G5 là một cú lột xác của G Series vì lần đầu tiên LG đưa thiết kế module vào sản phẩm của họ. Bạn có thể gỡ phần đáy của điện thoại ra để gắn vào các module để tăng khả năng chụp ảnh, module B&O để bổ sung DAC xịn nghe nhạc hay hơn, hay chỉ đơn giản là module pin dự phòng. LG gọi các module này là Friend, ý nói LG G5 sẽ có thêm những "người bạn" để cuộc chơi được vui hơn.
Nhưng đáng tiếc ý tưởng module này đã không thành công. Lượng module phân phối hạn chế, giá cao, ít tính năng đã khiến dự tính kinh doanh LG Friends trở nên ảm đạm. LG có kế hoạch hợp tác với những công ty bên thứ ba để làm phong phú hệ sinh thái module nhưng hãng lại yêu cầu quá khắt khe, đòi quyền can thiệp sâu nên cũng không có đối tác nào đưa ra sản phẩm thương mại.
LG G5 cũng không còn duy trì cụm phím nằm ở mặt lưng, thứ tưởng như đã trở thành biểu tượng của dòng LG G. Nó quay trở lại dùng hai phím âm lượng truyền thống, nút home thì đưa lên màn hình. Phía sau chỉ còn mỗi cảm biến vân tay mà thôi. Bù lại, G5 có chất lượng hoàn thiện tốt, cảm giác cầm chắc chắn, và đây cũng là lần đầu tiên LG dùng vỏ kim loại cho dòng sản phẩm này. Màn hình của G5 vẫn rất xuất sắc, giống với truyền thống của những thiết bị đi trước.

Lịch sử dòng G của LG: từ Optimus, màn hình cong cho đến viền siêu mỏng

So với các đối thủ cùng thời, G5 chỉ có mỗi điểm nhấn là module mà điểm nhấn này không thể giúp nhiều, trong khi Galaxy S7 chú trọng về camera và khả năng chống nước, HTC là một thiết kế mới, Sony là camera và design, các hãng Trung Quốc thì kết hợp nhiều yếu tố về cấu hình, chất liệu, viền mỏng... để cạnh tranh.
Có một thứ đáng chú ý: LG G5 không được bán chính thức ở Việt Nam. Mãi tới gần đây trong năm 2017 LG mới bán trở lại nhưng cũng chỉ là G5 SE với chip Snapdragon 625, không phải Snapdragon 820 như G5 bản đầy đủ, RAM cũng giảm từ 4GB xuống 3GB.
LG G6 (2017)
G6 lại tiếp tục được LG làm mới mạnh mẽ, lần này tập trung vào viền màn hình siêu mỏng. Viền rất mỏng khiến G6 tuy sử dụng màn hình 5,7" nhưng bé chỉ bằng các máy 5,2" mà thôi. Tỉ lệ màn hình cũng không còn là 16:9 mà LG chuyển sang dùng tấm nền 18:9, tức là màn hình dài hơn để có thêm chỗ chứa dãy phím ảo trên màn hình mà không làm chiếm chỗ bất hợp lý.
LG G6 sử dụng chip Snapdragon 821, một điểm mà mọi người chê bai rất nhiều. 821 là một con chip mạnh nhưng rõ ràng nó không tốt và tối ưu như 835 trên Xperia XZ Premium hay Galaxy S8. Thử nghiệm thực tế cho thấy hiệu năng của G6 là rất ổn, kể cả ở những ứng dụng đòi hỏi xử lý mạnh và liên tục như zoom từ ống kính siêu rộng sang ống thường và zoom kỹ thuật số. Thử nghiệm chạy một số game nặng thì máy vẫn rất mượt, các bạn có thể xem video để biết thêm.
G6 quan trọng vì nó là thứ giúp LG vực dậy mảng điện thoại của mình sau khi đã thất bại nặng nề với G5. Ngoài ra, nó cũng tiếp tục là thứ để LG chứng minh rằng họ vẫn có khả năng sáng tạo, nhất là ở mảng màn hình. Hãy để thời gian trả lời xem G6 thành công tới mức nào.

Lịch sử dòng G của LG: từ Optimus, màn hình cong cho đến viền siêu mỏng

Theo xaluan

Đánh giá bản tin này