Hậu nhiệm kỳ “không giống ai” của cựu Tổng thống Obama
Bữa tiệc cocktail đầu tiên tại văn phòng mới của ông Obama tháng trước chắc chắn bình thường hơn rất nhiều so với bất cứ bữa tiệc nào mà ông từng chủ trì trong những năm vừa qua.
Phải chăng khoảng khắc chuẩn bị rời khỏi Nhà Trắng, ông Obama đã ý thức rằng mọi việc mới chỉ bắt đầu? Một trong những dòng tweet đầu tiên sau khi “nghỉ hưu”, ông Obama viết: “tôi muốn nghe những gì các bạn nghĩ về chặng đường phía trước”. Ảnh: Getty Images. |
Những chai rượu vang không phân loại nhãn mác còn món khai vị tự phục vụ được bày dọc hành lang hẹp. “Chủ nhà” thì không đeo cà vạt và tránh những phát ngôn trịnh trọng trong khi vài chục quan chức chính quyền cũ của ông – Phó Tổng thống Joe Biden và cựu Chánh Văn phòng Denis McDonough cùng vài người trẻ hơn – giao lưu trong một căn phòng lát gỗ đơn giản dễ bị tưởng lầm là một công ty luật nào đó.
“Nó có thể được coi là một cú sốc nhẹ”, Peter Velz, cựu nhân viên truyền thông của Nhà Trắng bộc bạch. “Bỗng nhiên bạn chạm mặt Phó Tổng thống khi ông đang lấy phô mai vào đĩa”.
Gần đến giờ ăn tối, cựu Tổng thống xin phép cáo lui với một cái cớ quen thuộc, Velz nhớ lại: “Ông ấy nói đùa là nếu không về với bà Michelle, ông sẽ gặp rắc rối lớn”.
Một hậu nhiệm kỳ bình thường?
Đến nay, dường như ông Obama cũng đang tìm cách có được một quãng thời gian hậu nhiệm kỳ Tổng thống y hệt như bữa tiệc đó – giữ cho mọi việc không phô trương, rình rang dù đồng liêu phe Dân chủ kêu gọi ông phải làm gì đó hơn thế.
“Ông ấy đang tận hưởng cuộc sống bình lặng để có thể thư giãn, ngẫm nghĩ và dành thời gian cho gia đình, bạn bè”, cựu cố vấn cấp cao của ông Obama, Valerie Jarrett cho biết.
Nhưng chính sự bất thường của thời kỳ hậu Tống thống này lại có nghĩa rằng ông sẽ chẳng nghỉ ngơi được lâu. Thậm chí tuần trước, khi đang tận hưởng tại một khu nghỉ dưỡng sang trọng ở Nam Thái Bình Dương, ông Obama vẫn đưa ra một tuyên bố kêu gọi phe Cộng hòa đừng đơn phương bãi bỏ đạo luật y tế mang dấu ấn của ông.
Không chỉ việc vợ chồng ông Obama vẫn còn trẻ và được yêu thích một cách kỳ lạ sau khi rời Nhà Trắng mà cả việc họ quyết định ở lại Washington để đợi con gái út học xong trung học, cùng với bối cảnh rối ren của chính quyền tân Tổng thống Donald Trump hiện nay khiến họ vẫn được chú ý.
Tổng thống Trump hết lần này đến lần khác nhắc tới người tiền nhiệm để đổ lỗi về “mớ hỗn độn” mà ông phải tiếp nhận như “việc làm bị rút ra khỏi đất nước”, “những vấn đề lớn” ở Trung Đông và Triều Tiên. Vở kịch thân ái hậu bầu cử đã hạ màn khi hai người không nói với nhau câu nào kể từ khi ông Trump nhậm chức.
Đến đầu tháng này thì ông Trump đã trút bỏ hết những phép tắc lịch thiệp còn lại khi viết hàng loạt dòng tweet cáo buộc ông Obama nghe lén Tháp Trump trong chiến dịch tranh cử dù không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.
Cá nhân ông Obama rất khó chịu với một cáo buộc mà cả Giám đốc FBI và các nghị sỹ của cả 2 đảng đều bác bỏ vì vô căn cứ.
Ông Obama đã cố né tránh mọi cuộc đôi co mà thay vào đó chọn việc vừa đứng bên lề quan sát phe Cộng hòa thay đổi hàng loạt sáng kiến của ông, vừa nhấn mạnh tới việc cần phải có thế hệ lãnh đạo chính trị mới để nối gót ông.
Và trong khi những cựu Tổng thống gần đây dành những năm tháng nghỉ hưu cho những việc phi chính trị và làm từ thiện thì ông Obama đang “lên dây cót” để trở lại với vấn đề mang tính đảng phái rất cao, đó là tái phân chia khu vực với mục tiêu là đảo ngược xu hướng giảm phiếu đại cử tri mà đảng Dân chủ hứng chịu dưới sự chứng kiến của ông.
Việc ông Obama vẫn duy trì những mối quan tâm và khao khát tiếp tục tham gia vào đời sống dân sự của đất nước đang đặt ra tình huống lạ lùng đối với một cựu Tổng thống.
Ông George W. Bush, người rời nhiệm sở với tỷ lệ ủng hộ rất thấp, đã trở về Dallas để viết hồi ký và vẽ tranh. Ông Bill Clinton thì “đóng đô” ở New York để tiếp tục sự nghiệp chính trị theo một cách nào đó nhưng cuối cùng chuyển hướng sang xây dựng một quỹ của gia đình và ủng hộ sự nghiệp chính trị của vợ.
Liệu gia đình Obama có chịu quay đầu và tập trung vào việc của mình khi họ chỉ sống cách Nhà Trắng vài dãy phố? Hay điều không tránh khỏi là cựu Tổng thống sẽ bị cuốn trở lại “vũng lầy” chính trị?
Sự yêu mến – sức hút – và sức ép
Hồi tháng Hai, ông Obama đi xem một vở kịch Broadway với con gái lớn Malia. Họ vào rạp sau khi đèn đã tắt và rời đi trước khi đèn bật lại. Phần lớn khán giả không biết đến sự hiện của ông trừ một phóng viên của New York Times ngồi ngay phía trước đã đăng dòng tweet tiết lộ điều này. Nhưng đến lúc ông Obama ra khỏi rạp hát thì đã có một đám đông tụ tập bên ngoài chào đón.
Những tay săn ảnh cũng thường đợi bên ngoài phòng tập mà bà Michelle Obama hay lui tới dù rõ ràng bà tỏ ý không thích bị chụp ảnh.
“Họ vẫn đang giải tỏa sức ép sau một thời gian vô cùng căng thẳng. Điều đó thực ra không bắt đầu từ 8 năm trước mà kể từ bài phát biểu của ông ấy tại đại hội đảng năm 2004 và đến nay sức ép ấy chưa bao giờ thuyên giảm”, một cựu nhân viên cấp cao ở cánh Tây Nhà Trắng cho biết.
“Nó giống như là 12 năm liền căng thẳng cực độ, hoạt động chính trị, chịu sự giám sát, trách nhiệm của một lãnh đạo quốc gia và đối với đệ nhất phu nhân là vai trò người đại diện… Đó là gánh nặng lớn với cả hai người họ”.
Để tránh sự chú ý, gia đình ông Obama tận hưởng vài kỳ nghỉ kể từ khi rời Nhà Trắng, từ Palm Springs đến Caribbean và Hawaii. Mới đây, ngay sau cuộc gặp với các chuyên gia công nghệ để thảo luận về trung tâm tổng thống của mình, ông Obama lại đến Oahu để chơi golf và dùng bữa với vài người bạn. Ba ngày sau, ông bay tới Tetiaroa, một hòn đảo ở Nam Thái Bình Dương và dự định kéo dài kỳ nghỉ ở đây để viết hồi ký.
Nhưng đi đâu ông cũng bị dõi theo một cách ám ảnh.
Tờ Independent Journal Review của phe bảo thủ cho rằng có sự liên hệ mờ ám giữa chuyến đi đến Oahu của ông Obama với việc tòa án liên bang Hawaii tạm hoãn sắc lệnh nhập cảnh mới của Tổng thống Trump dù sau đó câu chuyện “sặc mùi” thuyết âm mưu này đã được rút lại.
Tại một bữa tối của đảng Cộng hòa, Hạ nghị sỹ Mike Kelly cũng tố cáo ông Obama ở lại Washington cốt để “điều khiển một ‘chính phủ bóng tối’ chống lại chính quyền mới” nhưng sau đó ông Kelly cũng rút lại tuyên bố này.
Trong khi đó, ông Trump cũng giữ một khoảng cách với ông. Trước khi nhậm chức, Tổng thống mới có nói sẽ tham vấn ông Obama trong tương lai, nhưng không hề làm vậy.
Ông Trump từng gọi điện một lần để cảm ơn ông Obama về lá thư để lại trên bàn làm việc, một truyền thống “vui vui” giữa các tổng thống Mỹ, nhưng ông Obama lúc đó đang đi nghỉ. Khi ông Obama gọi lại, ông Trump chuyển lời cảm ơn qua trợ lý và nói không cần nói chuyện qua điện thoại với ông Obama.
Một tương lai bận rộn phía trước
Vài người tin rằng gia đình Obama vẫn sẽ ở Washington sau khi cô con gái út Sasha tốt nghiệp trung học năm 2019.
Nhưng khi ở đây, ông Obama không mấy khi ra mặt. Hiện ông ủy thác công việc chính trị cho các cộng sự, trong đó đáng kể có cựu Tổng Chưởng lý Eric Holder, người được ông giao nhiệm vụ dẫn đầu dự án tái phân chia khu vực giúp đảng Dân chủ vẽ lại bản đồ lập pháp mà nhiều người cho là đang nghiêng về phe Cộng hòa. Ông Obama cũng ủng hộ cựu Bộ trưởng Lao động Tom Perez trở thành Chủ tịch Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ.
Tháng Năm tới, ông sẽ có bài phát biểu lớn đầu tiên với tư cách cá nhân khi nhận Huân chương Dũng cảm nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tổng thống John F. Kennedy.
Bà Michelle Obama cũng có 4 nhân viên giúp việc. Bà dành nhiều thời gian ở Washington hơn chồng, vừa viết sách vừa lo việc gia đình. Tina Tchen, chánh văn phòng của bà Obama ở Nhà Trắng cho biết bà vẫn sẽ tham gia các hoạt động cộng đồng như trước đây.
Mới đây bà đã thăm một số trường công ở khu cộng đồng thiểu số ở Washington D.C. và chuyến thăm này đặc biệt thu hút sự chú ý bởi cho đến nay, đương kim đệ nhất phu nhân Melania Trump hầu như không xuất hiện trước công chúng. Trong bài phát biểu nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ vừa qua, bà Michelle Obama cũng ngầm chỉ trích chính sách nhập cư của ông Trump dù không đề cập tên ông trong bất cứ câu nào.
Không giống với những cặp đôi đệ nhất trước đây, vợ chồng Obama không cần phải lên bục phát biểu mới đưa ra được một tuyên bố bởi họ biết mỗi động thái của mình trước công chúng đều được gắn nhiều ý nghĩa./.
Theo vov