Đồng xu 2.000 tuổi hé lộ hình ảnh thực sự của Chúa Jesus?
Hàng trăm năm qua, các nhà sử học thế giới đã tranh luận nảy lửa về việc Chúa Jesus thực sự trông như thế nào, nhưng một đồng xu 2.000 tuổi có thể đã hé lộ câu trả lời.
Daily Mail dẫn lời nhà sử học người Anh Ralph Ellis cho biết, đồng xu bé nhỏ, có niên đại từ thế kỷ thứ 1, lưu giữ bằng chứng duy nhất cho đến nay về hình ảnh Chúa Jesus.
Trước đây, người ta tin rằng đồng xu có kích thước 24mm, khắc họa khuôn mặt vua Manu, người trị vì vương quốc Edessa, ngày nay là phía nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng sau 30 năm nghiên cứu, ông Ellis cho rằng, Manu và Chúa Jesus thực chất là một người. Ông Ellis nói mình đã “khám phá bí mật quan trọng nhất trong lịch sử hiện đại”.
Nhà sử học người Anh đã nghiên cứu cuộc sống của người xuất hiện trong đồng xu, tham khảo tất cả các bằng chứng, giai thoại, và tin rằng, những điểm tương đồng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Hình ảnh Chúa Jesus được biết đến phổ biến ngày nay.
Ellis nói “không còn nghi ngờ nào nữa”, về việc cùng một người có tên gọi là “vua Izas Manu” và “Chúa Jesus Emmanuel”.
Nếu phát hiện của ông Ellis là chính xác, hình ảnh trên đồng xu là bằng chứng xác thực duy nhất cho đến nay về chân dung Chúa Jesus.
Mặc dù Chúa Jesus thường xuất hiện trong các bức họa phương Tây, không có bằng chứng thực tế nào cho thấy hình ảnh của ông.
Những hình ảnh về Chúa Jesus ngày nay, với mái tóc dài và áo choàng trắng, là sản phẩm của trí tưởng tượng từ thế kỷ thứ 6.
Ông Ellis đã công bố những phát hiện của mình về Chúa Jesus, vị vua của Edessa, trong cuốn sách mới ra mắt hồi đầu tuần này.
Tác giả 59 tuổi thừa nhận, phát hiện của ông gây tranh cãi và có phần đi ngược lại với câu chuyện về Chúa.
“Ngoài những cuốn sách Phúc Âm (Gospels), có rất ít thông tin về sự tồn tại của Chúa. Đối với các nhà sử học, điều này rất đáng để tìm hiểu. Tôi đã dành phần lớn thời gian trong đời để liên kết các sự kiện, những con người trong Kinh Thánh với các sự kiện lịch sử có thật”.
“Chúa Jesus có lẽ là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử phương Tây, người xứng đáng được đưa ra khỏi bóng tối, đến với ánh sáng của lịch sử”, ông Ellis nói thêm.
Theo lời Ellis: “Vương miện truyền thống của vua chúa ở vương quốc Edessan, cũng như các đồng tiền của Edessan, có mối liên hệ với việc Chúa Jesus bị buộc phải đội một chiếc vương miện bằng gai, khi ông bị giải đi hành hình”.
“Chúa Jesus được cho là từng mặc áo choàng màu tím, biểu tượng quyền lực của Hoàng đế La Mã. Từ đó, Chúa Jesus bị trừng phạt bằng cái chết”, Ellis giải thích. “Theo giả thuyết của tôi, Jesus bị buộc phải đội vương miện gai trong Kinh Thánh, vì ông ấy là vua Izas Manu, người từng có kế hoạch lật đổ chính quyền La Mã”.
Tuy vậy, Ellis đã hứng chịu nhiều lời chỉ trích khi xuất bản cuốn sách này đầu tiên tại Mỹ. Các nhà phê bình đã chỉ ra một số lỗ hổng trong câu chuyện của Ellis, và những mâu thuẫn trong cuộc đời của Chúa Jesus và vua Izas Manu.
Ông Ellis bảo vệ quan điểm của mình khi nói rằng, “Chúa Jesus là nhân vật quan trọng trong cuộc chiến tranh Do Thái-La Mã trong giai đoạn những năm 30-60 sau Công nguyên.
“Chúa Jesus là một vị vua và cũng là chiến binh, dám thách thức quyền lực của Đế chế La Mã vào năm 68 và phải trả giá”, Ellis nói.
Theo xaluan