Dịch vụ tảo mộ qua mạng nở rộ dịp Tết Thanh Minh ở Trung Quốc
Những người Trung Quốc ở xa gia đình, ít thời gian vẫn có thể bày tỏ lòng tôn kính với tổ tiên vào Tết Thanh Minh bằng việc sử dụng dịch vụ tảo mộ qua mạng.
Hàng triệu người Trung Quốc viếng mộ vào dịp Tết Thanh Minh. Ảnh: AFP |
Theo truyền thống lâu đời, vào dịp Tết Thanh Minh, hàng triệu người Trung Quốc sẽ tổ chức viếng mộ, sửa sang nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên và dâng lễ cầu xin phước lành cho cả gia đình.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người áp dụng những tiện ích của công nghệ vào tập tục này do hạn chế về khoảng cách và thời gian.
Vào dịp Tết Thanh Minh năm nay ngày 4/4, một nghĩa trang ở thành phố Nam Kinh đã tung ra dịch vụ đặc biệt dành cho những người bận rộn.
Theo Beijing News, nếu không thể đi tảo mộ, khách hàng có thể thuê các nhân viên của nghĩa trang dọn cỏ, đặt hoa hộ và theo dõi quá trình này thông qua hình thức phát video trực tiếp trên ứng dụng Wechat.
Nhiều nghĩa trang cũng tổ chức các trang tưởng niệm trực tuyến, nơi khách hàng có thể đốt nến và sắm lễ ảo. Thậm chí, trên các bia mộ còn có mã QR riêng để khách hàng quét mã và truy cập vào các hoạt động tưởng niệm tương tác kèm ảnh và video về người thân đã khuất.
Mã vạch ma trận có nhiều hình thức như miếng dán, các tấm biển bằng đồng hay miếng nhựa, với giá lên tới 3.000 nhân dân tệ (gần 440 USD).
Quét mã QR trên bia mộ bằng điện thoại để truy cập vào các hoạt động tưởng niệm trực tuyến. Ảnh: VCG |
Một nghĩa trang ở Bắc Kinh thậm chí hiện đại hơn khi hỏa táng linh cữu người đã khuất và đặt tro cốt vào một chiếc bình có khả năng tự phân hủy. Sau đó, họ cung cấp cho gia đình một chiếc thẻ có mã QR như một dạng mộ ảo. Đây là biện pháp tiết kiệm không gian mới nhất ở một quốc gia đông đúc như Trung Quốc, nơi chính quyền khuyến khích người dân lựa chọn hỏa táng và những hình thức khác thay cho cách chôn cất truyền thống.
Việc thuê người tảo mộ chuyên nghiệp cũng ngày càng trở nên phổ biến khi nhiều người làm việc xa không thể về nhà vào Tết Thanh Minh, dù không ít ý kiến chỉ trích rằng cách này thiếu thành kính.
Một lý do khác thúc đẩy dịch vụ tảo mộ ảo nở rộ đó là mức độ ô nhiễm không khí vào dịp lễ này giảm đi nhờ nhiều người không còn đốt hương và vàng mã.
Tại Singapore, một ngôi chùa đã ra quy định cấm Phật tử đốt các hộp tiền vàng, quần áo và đồ đạc cho người thân. Trong khi đó, ở Malaysia, nơi dịch sốt xuất huyết đang gây lo ngại, một số cửa hàng vàng mã cung cấp loại bình hương tự phân hủy thay thế cho bình hương thông thường có thể đọng nước mưa và làm muỗi sinh sôi.
Mẫu Ipad và Iphone bằng giấy để đốt cho người đã khuất. Ảnh: AFP |
Tuy nhiên, bất chấp các công nghệ hiện đại, vẫn có nhiều người Trung Quốc duy trì các hoạt động truyền thống và đốt quần áo, túi xách, đồng hồ, đồ dùng tiện ích hạng sang cho người đã khuất.
Một gia đình gốc Hoa ở Malaysia năm nay đã chi tới 3.800 USD để mua mẫu Lamborghini bằng giấy có kích cỡ to bằng xe thật. Người làm vàng mã cho hay ông còn nhận được đơn đặt hàng làm siêu xe, du thuyền, máy bay và xe đạp.
Theo vnexpress