Chương trình Thời sự thứ Tư, 26/02/2020

Cẩm Nhung | 26/02/2020 | 648 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Tin Úc: Đại học Queensland sẽ thử nghiệm vắc-xin chống virus corona trong tuần này

- Melbourne: Ba hội đồng địa phương sẽ phải hoàn trả gần 20 triệu đô la tiền phạt đậu xe

- Tin Úc: Kết quả thi viết của kỳ thi NAPLAN 2019 đã được cải thiện, mang đến nhiều hy vọng

- Box Hill North: Truy nã người phụ nữ tẩu thoát sau khi trộm cắp bất thành

- Tin Úc: Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 5.3% trong tháng Giêng

- South Yarra: Một nam thanh niên bị buộc tội do cố ý đâm chém người khác

- Melbourne: Chợ Queen Victoria Market sẽ “lột xác” ngoạn mục với kinh phí 35 triệu đô la

- Victoria: Thử nghiệm để mở đường bay thẳng từ Tel Aviv đến Melbourne

- Tin vắn

Tin thế giới:

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm 26/2 cho biết 52 ca tử vong mới đều ở tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch Covid-19. Trung Quốc cũng ghi nhận thêm 406 ca nhiễm nCoV mới, trong đó Hồ Bắc chiếm 401 ca, giảm so với 508 ca nhiễm mới hôm 25/2. Tổng số ca nhiễm nCoV tại Trung Quốc đại lục hiện là 78.064, trong đó 2.715 người đã tử vong, 29.745 người được chữa khỏi và 8.552 người trong tình trạng nguy kịch. Thế giới hiện ghi nhận 80.996 ca nhiễm nCoV, 2.764 ca tử vong và 30.051 người đã được chữa khỏi. Iran là nước ghi nhận nhiều ca tử vong thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục, với 16 trường hợp. Các ca nhiễm mới ở Trung Quốc giảm, song tại các nước Hàn Quốc, Italy và Iran, các trường hợp nhiễm bệnh tăng nhanh. Dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019.

Chính phủ Hàn Quốc đang tổ chức một đợt kiểm tra y tế diện rộng với khoảng 200.000 người. Những người này là thành viên của giáo phái Shincheonji tại một nhà thờ ở Daegu, địa điểm được cho là nơi khởi đầu dịch COVID-19 tại Hàn Quốc. Quốc hội Hàn Quốc cũng đã hoãn phiên họp ngày 25/2 để phun khử trùng vì có thông tin có người nhiễm bệnh đã tới phòng họp hồi tuần trước. Chính phủ Hàn Quốc còn cắt giảm tập trận chung với Mỹ, sau khi có lo ngại về 1 người mắc COVID-19 đã tới thăm căn cứ quân sự. Hàn Quốc ghi nhận ca tử vong thứ 12 vì COVID-19, cùng 169 ca nhiễm mới chỉ trong ngày 25/2. Tổng số người nhiễm ở đây đã lên tới 1.146 người.

Ngày 25/2, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Quốc hội bổ sung gói ngân sách trị giá ít nhất 2,5 tỷ USD để ngăn chặn dịch COVID-19. Gói ngân sách đề xuất sẽ chia thành 2 phần: khoảng 1 tỷ USD dành cho việc nghiên cứu phát triển vaccine, phần còn lại hỗ trợ cho các hoạt động chuẩn bị và ứng phó cũng như mua sắm trang thiết bị cần thiết chiến đấu với dịch COVID-19. Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra mức cảnh báo cấp độ 2 đối với các công dân Mỹ muốn đến Nhật và Hàn Quốc. Giới chức y tế Mỹ ngày 25/2 đã cảnh báo nguy cơ virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19 gần như chắc chắn sẽ bắt đầu lan vào các cộng đồng dân cư ở Mỹ và người Mỹ cần bắt đầu chuẩn bị đối phó. Tính đến ngày 26/2, Mỹ xác nhận 53 trường hợp dương tính với COVID-19, trong đó có tới 36 người bị nhiễm trở về từ tàu du lịch Diamond Princess.

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố một số quy tắc đạo đức đối với các lực lượng vũ trang trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo. Lầu Năm Góc sẽ phải có năng lực giải phóng hoặc hủy kích hoạt các hệ thống được triển khai, thể hiện hành vi ngoài ý muốn. Bộ Quốc phòng Mỹ đã đưa ra những quy tắc nêu trên sau 15 tháng tham vấn với đại diện các tập đoàn công nghệ Mỹ, một số trường đại học và quan chức chính quyền. Mục đích của việc làm này là khuyến khích các tập đoàn công nghệ của Mỹ hợp tác với Lầu Năm Góc trong phát triển và đưa trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng thực tiễn, đặc biệt trong quân đội.

Ngày 25/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi Mỹ nối lại đối thoại về ngăn chặn phổ biến hạt nhân và triển khai vũ khí trong không gian vũ trụ. Phát biểu tại Hội nghị về giải trừ quân bị tại Geneva, Ngoại trưởng Nga cho rằng Mỹ đang theo đuổi một chính sách ngoại giao "tự coi mình là trung tâm," làm mất giá trị của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí toàn cầu và khiến thế giới chứng kiến "sự trở lại của các xu hướng nguy hiểm." Người đứng đầu ngành Ngoại giao Nga nhấn mạnh "đã đến lúc các đồng nghiệp Mỹ trở lại đối thoại quốc tế, liên chính phủ" và khôi phục những thỏa thuận giải trừ quân bị "đảm bảo sự ổn định trên hành tinh." Ngoại trưởng Nga cũng nhấn mạnh rằng sau hơn một thập kỷ bế tắc, điều cấp thiết hiện nay là có một hiệp ước mới ngăn chặn hoạt động triển khai vũ khí trong không gian vũ trụ. Moskva tin rằng hiện chưa quá muộn để ngăn chặn một cuộc xung đột trong vũ trụ và kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán toàn diện để tiến tới một hiệp ước ngăn chặn việc triển khai các khí tài quân sự trong không gian vũ trụ.

Ngày 25/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông đang thúc đẩy kế hoạch xây dựng khoảng 3.500 căn nhà cho người định cư Do Thái tại khu E-1 ở khu Bờ Tây. Đây là một trong những khu vực nhạy cảm nhất ở khu Bờ Tây, khiến cho dự án gây tranh cãi này đã bị trì hoãn trong nhiều năm. Thủ tướng Netanyahu đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan ngay lập tức rót kinh phí cho kế hoạch xây dựng 3.500 ngôi nhà tại khu E-1. Động thái trên được đưa ra 6 ngày trước khi diễn cuộc tổng tuyển cử tại Israel, trong đó đảng Likud của ông Netanyahu đang tìm kiếm sự ủng hộ từ những người định cư.

Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ngày 25/2 cam kết tổ chức sẽ tiếp tục hỗ trợ Nhật Bản ngừng hoạt động một cách an toàn nhà máy điện hạt nhân Fukishima vốn bị hư hại nghiêm trọng trong thảm họa động-đất sóng thần năm 2011. Hiện còn hơn 4.700 thanh nhiên liệu vẫn đang nằm trong 3 lò phản ứng bị nóng chảy và hai lò phản ứng khác còn sót lại tại nhà máy hạt nhân Fukushima. Đây là những mối nguy hiểm tiềm tàng bởi nếu xảy ra một thảm họa khác, các thanh này có thể nóng chảy và giải phóng lượng lớn phóng xạ. Ước tính chi phí làm sạch nhà máy Fukushima có thể lên tới 8.000 tỷ yen (73 tỷ USD), cộng với chi phí đền bù, làm sạch các khu vực xung quanh có thẻ lên tới 22.000 tỷ yen (200 tỷ USD). Nhật Bản cũng cần khoảng 10.000 công nhân mỗi năm trong những năm tới để thực hiện những công việc này và 1/3 trong số này sẽ làm việc tiếp xúc với nước nhiễm phóng xạ.

Dịch COVID-19 bùng phát đã khiến người dân ở Milan, Italy vô cùng lo lắng. Họ đổ xô đi mua đồ tích trữ, khiến các siêu thị quanh vùng rơi vào tình trạng cháy hàng. Những kệ hàng trống trơn là hình ảnh được người dân ghi lại tại nhiều siêu thị ở Milan. Theo các nhà chức trách, những lo ngại về sự lây lan của COVID-19 đã làm dấy lên một làn sóng mua hàng trong hoảng loạn. Thành phố Milan đã đóng cửa nhiều địa điểm du lịch, như nhà thờ Gothic nổi tiếng của thành phố. Italy đã ghi nhận 11 trường hợp tử vong. Hơn 300 người được xác nhận nhiễm bệnh chỉ trong vòng 6 ngày trở lại đây.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 25/2 thông báo trừng phạt 13 cá nhân và thực thể tại Trung Quốc, Iraq, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ do vi phạm Đạo luật Không phổ biến vũ khí hạt nhân đối với Iran, Triều Tiên và Syria (INKSNA) của Mỹ. Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, danh sách trừng phạt bao gồm 4 cá nhân và thực thể ở Trung Quốc và 1 công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ do đã hỗ trợ chương trình tên lửa của Iran. Các lệnh trừng phạt sẽ có hiệu lực trong vòng 2 năm. Quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ là kết quả của việc rà soát định kỳ các hoạt động có thể bị trừng phạt theo Đạo luật Không phổ biến vũ khí hạt nhân đối với Iran, Triều Tiên và Syria (INKSNA) của Mỹ. Việc áp đặt trừng phạt cũng là một trong các nỗ lực của Mỹ nhằm tìm cách ngăn chặn Iran phát triển năng lực tên lửa.

Cụ ông Chitetsu Watanabe, người vừa được tổ chức kỷ lục thế giới Guinness phong tặng là người đàn ông cao tuổi nhất hành tinh, đã qua đời ở tuổi 112. Sinh ngày 5/3/1907 tại Niigata, cụ Watanabe đã qua đời vào ngày 23/2 tại một trung tâm chăm sóc ở Joetsu, tỉnh Niigata, Nhật Bản. Trước đó chưa đầy hai tuần, cụ Watanabe đã được giới chức tổ chức kỷ lục thế giới Guinness đã trao chứng nhận là người đàn ông cao tuổi nhất hành tinh. Theo Jiji Press, sau khi cụ Watanabe qua đời, người đàn ông cao tuổi nhất ở Nhật Bản hiện là cụ Issaku Tomoe 110 tuổi. Cụ bà cao tuổi nhất thế giới hiện nay cũng là người Nhật, cụ Kane Tanaka 117 tuổi.

Tin thể thao:

Sáng 26/2, hai cặp đấu vô cùng đáng chú ý ở lượt đi vòng 1/8 Cúp C1 châu Âu tiếp tục diễn ra, đó là những màn đụng độ Chelsea vs Bayern Munich và Napoli vs Barcelona. Trên sân nhà, trong cuộc đón tiếp Bayern Munich, Chelsea đã không thể tạo nên bất ngờ. Chọn lối chơi đôi công nhưng sự vô duyên của các tiền đạo khiến The Blues không thể tận dụng cơ hội. Bên kia chiến tuyến, với đẳng cấp vượt trội, Bayern ghi tới 3 bàn trong hiệp 2 để hủy diệt đối thủ, qua đó đặt 1 chân vào tứ kết. Trong khi đó, Barca cũng không thể có chiến thắng khi bị Napoli cầm hòa 1-1. Kết quả này có lợi cho Messi và đồng đội khi ở trận lượt về ngày 19/3 tới, họ sẽ được chơi trên sân nhà.

Serge Gnabry phá vỡ loạt kỷ lục ở Champions League: Cú đúp vào lưới Chelsea ở trận lượt đi vòng 16 đội Champions League đã giúp Serge Gnabry lập nhiều cột mốc mới trong lịch sử Champions League. Theo thống kê của Opta, Gnabry là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử Champions League ghi 6 bàn thắng đầu tiên vào lưới các đội bóng đến từ cùng một quốc gia. Cụ thể, Gnabry 4 lần xé lưới Tottenham Hotspur và ghi 2 bàn trước Chelsea. Gnabry cũng là cầu thủ thứ hai trong lịch sử giải đấu ghi bàn vào lưới 2 CLB khác nhau ở London trong cùng một mùa giải. Người đầu tiên làm được điều này là Luis Figo ở mùa giải 1999/2000, khi cựu cầu thủ Barca chọc thủng lưới Chelsea và Arsenal. Thành tích của Gnabry càng thêm ấn tượng khi anh chỉ mất 2 trận để có được 6 bàn thắng vào lưới đối thủ. Trước đó, trong 9 lần ra sân cho Arsenal tại Champions League ở giai đoạn 2012-2014, cầu thủ này không có pha lập công nào.

MU đón tin vui: Vào thứ Năm tới, MU sẽ tiếp đón Club Brugge trong khuôn khổ trận lượt về vòng 32 đội Europa League. Ở trận đấu này, Club Brugge sẽ không có sự phục vụ của Emmanuel Dennis. Đây là tin vui với MU bởi Emmanuel Dennis là chân sút chủ lực của Club Brugge. Anh chính là người ghi bàn mở tỷ số cho Club Brugge trong trận hòa 1-1 ở lượt đi với MU. Tính trên mọi đấu trường mùa giải này, Dennis đã có 9 bàn thắng cho đội bóng Bỉ.

Nợ ròng của MU tăng mạnh: Việc không được thi đấu ở Champions League đã ảnh hưởng lớn đến tài chính của MU. Theo báo cáo tài chính mới nhất của quý 2, nợ ròng của CLB đã tăng từ 73,6 triệu bảng lên thành 391,3 triệu bảng. Cùng với sự gia tăng nợ là sự sụt giảm trong doanh thu. Doanh thu phát sóng trong quý giảm 39 triệu bảng, tương đương 37,6%. Tổng doanh thu cũng giảm 19,3%, xuống còn 168,4 triệu bảng. Mặc dù vậy, Phó chủ tịch điều hành Ed Woodward cam kết sẽ ủng hộ HLV Ole Gunnar Solskjaer trong việc cải tổ chất lượng đội hình mùa Hè này. Truyền thông Anh tiết lộ ngân sách mua sắm MU sẽ chi cho phiên chợ Hè là 270 triệu bảng.

Không về MU, Smalling vẫn quyết giành vé dự EURO 2020. Trung vệ Chris Smalling mới đây tiết lộ anh không muốn trở lại MU sau khi kết thúc hợp đồng cho mượn với AS Roma. Tuy nhiên, cầu thủ này khẳng định chưa bao giờ từ bỏ cơ hội khoác áo ĐT Anh bất chấp những nhận xét của HLV trưởng Gareth Southgate. Smalling đã bị Gareth Southgate loại khỏi Tam Sư từ tháng 11/2017 vì khả năng chuyền bóng bị đánh giá thấp, và bị cho là không phù hợp với lối chơi của "Tam sư". Hiện Smalling vẫn đang nỗ lực để có suất trong đội hình ĐT Anh tham dự EURO 2020 mùa hè tới.

Lý do Chelsea không phải sợ Lewandowski. 10 bàn thắng ở giai đoạn vòng bảng cũng giúp Lewandowski dẫn đầu cuộc đua Vua phá lưới Champions League mùa này cùng Erling Braut Haaland. Tuy nhiên, Chelsea có lý do để không phải quá e ngại tiền đạo mang áo số 9 bên phía Bayern. Lý do là bởi Lewandowski tỏ ra rất vô duyên ở giai đoạn knock-out Champions League. 2 mùa giải gần nhất, cựu tiền đạo Dortmund đều "tịt ngòi" khi giải đấu danh giá nhất châu Âu bước vào vòng đấu loại trực tiếp. 18 pha lập công gần nhất của anh tại đấu trường này đều đến từ vòng bảng.

Arsenal có thể buộc phải bán Aubameyang: Aubameyang chỉ còn chưa đầy 18 tháng trong hợp đồng với Arsenal. Nhưng theo nhà báo người Ý Nicola Schira, hai bên đã có rất ít tiến triển trong các cuộc đàm phán gia hạn hợp đồng. Kể từ khi gia nhập Arsenal từ Dortmund, Aubameyang đã ghi tới 60 bàn sau 95 lần ra sân và trở thành chân sút số 1 của Pháo thủ. Inter Milan đã xem chân sút người Gabon là sự thay thế tiềm năng cho Lautaro Martinez, người nhiều khả năng sẽ chuyển đến Barca ở mùa hè này.

Barca phải trả 225 triệu bảng cho bộ đôi của Liverpool: Theo The Mirror, Barca đang tìm mọi cách để tiếp cận với Salah và Mane, hai ngôi sao không thể thiếu trong việc giúp Liverpool ngự trị ngôi đầu trên BXH Ngoại hạng Anh. Nguồn tin này cho biết đội bóng chủ sân Nou Camp sẽ phải trả khoảng 225 triệu bảng cho bộ đôi này. Trước đó, Liverpool đã bán Philippe Coutinho cho Barca với giá 160 triệu euro ở kỳ chuyển nhượng mùa đông năm 2018. Tuy nhiên, cầu thủ người Brazil đã thất bại tại Nou Camp và phải chuyển đến Bayern Munich theo dạng cho mượn vào mùa hè năm ngoái.

Giấc mộng Trung Hoa” đối mặt với nhiều thách thức vì Covid-19

Hoài bão của Trung Quốc vươn lên trở thành siêu cường dẫn đầu trên mọi lĩnh vực trong thế kỷ 21 đang bị lu mờ trong bối cảnh dịch Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra bùng phát nghiêm trọng. Chưa dừng lại ở đó, quan hệ giữa Trung Quốc với Nga và Mỹ cũng gặp nhiều sóng gió trong giai đoạn này.

Giấc mộng Trung Hoa” khó thành hiện thực?

Dịch bệnh cướp đi sinh mạng của hơn 2.700 người và khiến hơn 80.100 người nhiễm tại Trung Quốc tính đến ngày 25/2, đã làm hao mòn nhiều nguồn lực của Trung Quốc, trở thành thách thức nghiêm trọng đối với tầm nhìn về chính trị, kinh tế tương lai của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Hàng loạt biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 mà Trung Quốc thực hiện đã ảnh hưởng tới tham vọng mở rộng ảnh hưởng của quốc gia này.

Đầu tiên là tham vọng trở thành siêu cường về kinh tế. Trước khi dịch bệnh do chủng mới virus corona bùng phát, Trung Quốc đang trên đà thực hiện cam kết tăng gấp đôi GDP và thu nhập trong vòng một thập kỷ, đưa đất nước này trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới. Bất chấp cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc vẫn quyết tâm thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên những lợi thế sẵn có như lao động giá rẻ, đồng nội tệ giảm và hệ thống các nhà máy sản xuất khổng lồ.

Nhưng hiện nay, Trung Quốc đang đối mặt với bài toán khó, đó là làm sao vừa duy trì cuộc chiến chống Covid-19 lại vừa phải tìm cách khôi phục hoạt động sản xuất. Nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã chịu nhiều sức ép sau hơn 1 năm chiến tranh thương mại với Mỹ, giờ trở nên suy yếu hơn. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 22/2 đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc năm 2020 xuống 5,6%, giảm 0,4 điểm % so với đánh giá hồi tháng 1 vừa qua.

Ngoài tham vọng kinh tế, Trung Quốc cũng quyết tâm trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực công nghệ, trong đó phải kể đến chương trình triển khai mạng lưới 5G – một sáng kiến công nghệ quan trọng của giới lãnh đạo Trung Quốc. Bắc Kinh coi 5G là ưu tiên cấp quốc gia vì thế nước này đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới cùng dịch vụ mạng 5G trước các quốc gia khác.

Tuy nhiên, việc đấu thầu cho 6 dự án 5G lớn, tại nhiều tỉnh thành, trong đó có Quảng Đông, Giang Tây và Cam Túc đã bị trì hoãn kể từ ngày 31/1. Và cũng như nhiều công ty trong các lĩnh vực khác, các công ty thiết bị viễn thông và đơn vị khai thác mạng hiện nay đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân lực lẫn khó khăn về vận chuyển, do biện pháp cách ly và phong tỏa các vùng dịch bệnh.

Cuối cùng, kế hoạch đầy hoài bão khác không thể không nhắc đến là Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, xây dựng hành lang thương mại kết nối Đông Á, Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu. Đây là “đứa con tinh thần” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và là chính sách đối ngoại quan trọng nhất của nhà lãnh đạo này cho tới nay. Theo giới quan sát, việc thực thi sáng kiến này mang lại cho Trung Quốc cơ hội gia tăng ảnh hưởng về địa chính trị, khôi phục sức mạnh xưa trên trường quốc tế, làm Trung Quốc “vĩ đại” trở lại.

Tuy vậy, sáng kiến này đang trở thành “nạn nhân” mới nhất của Covid-19. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nhiều quốc gia đã hạn chế nhập cảnh đối với công dân Trung Quốc, trong đó có cả những người tham gia các dự án lớn đang được thực hiện theo sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Chưa hết, do phải huy động các nguồn lực lớn chống lại dịch bệnh, Trung Quốc buộc phải cắt giảm kinh phí cho dự án. Vì thiếu cả nhân lực lẫn vật lực nên Bắc Kinh khó có thể triển khai Sáng kiến “Vành đai và Con đường” theo đúng kế hoạch.

Nguy cơ “virus chính trị” song hành với virus corona

Dịch Covid-19 cũng gây ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc, làm xáo trộn quan hệ của Bắc Kinh với thế giới bên ngoài, trong đó phải kể đến Nga và Mỹ.

Hồi đầu tháng 2/2020, trên trang cá nhân Twitter, Tổng thống Trump đã ca ngợi Chủ tịch Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo “mạnh mẽ và quyền lực” người đã thành công trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2. Nhưng 24 giờ sau, khi phát biểu tại Hiệp hội Thống đốc Quốc gia Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo cảnh báo rằng một cuộc cạnh tranh với Trung Quốc đang đe dọa “những quyền tự do cơ bản mà mỗi người Mỹ đề cao”. Phía Mỹ cũng bày tỏ hoài nghi tính minh bạch của Trung Quốc về tình hình dịch bệnh, lấy làm lo ngại trước những con số thống kê ca nhiễm lẫn tử vong đầy biến động. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Mỹ đã có phản ứng thái quá và không phù hợp trước tình hình dịch Covid-19, chỉ trích những quy định hạn chế đi lại nghiêm ngặt đối với Trung Quốc.

Những phát ngôn đầy mâu thuẫn nói trên đã nêu bật sự căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung, làm trầm trọng thêm sự mất lòng tin giữa hai nước. Điều này đe dọa việc thực thi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 mà Mỹ và Trung Quốc vừa ký kết, khiến hai nước dễ quay trở lại trạng thái bế tắc ban đầu. Tiếp đến, lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ đối với công dân Trung Quốc và tâm lý bài ngoại trong một bộ phận người dân Mỹ đang làm gián đoạn các hoạt động trao đổi, giao lưu văn hóa. Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Thôi Thiên Khả cảnh báo các bên cần phải chống lại “bất cứ loại virus chính trị nào” bên cạnh cuộc chiến chống virus sinh học. Còn Yanzhong Huang, chuyên gia tại tổ chức Hội đồng về quan hệ đối ngoại (Mỹ), kêu gọi hai bên nên tránh “chính trị hóa” dịch Covid-19.

Không chỉ với Mỹ mà quan hệ giữa Trung Quốc với Nga cũng gặp nhiều sóng gió vì dịch Covid-19. Hôm 20/2, Nga đã áp đặt lệnh cấm tạm thời đối với các công dân Trung Quốc. Đây được coi là biện pháp mạnh tay nhất mà nước này thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Trước đó, Nga đã đóng cửa 16 trên tổng số 25 cửa khẩu nằm ở khu vực biên giới giữa hai nước, hoãn cấp visa điện tử cho công dân Trung Quốc, dừng các chuyến bay và chuyến tàu đến và đi tới Trung Quốc.

Chưa hết, dịch bệnh bùng phát đúng vào thời điểm quan hệ thương mại Nga-Trung đang leo thang căng thẳng do bất đồng trong lĩnh vực nông nghiệp. Sau khi Trung Quốc quyết định hạn chế nhập khẩu thịt từ Nga, Moscow đã đáp trả bằng cách áp đặt hạn chế đối với một số mặt hàng nông sản của Bắc Kinh. Alexander Gabuev, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Carnegie Moscow nhận định, thông thường những bất đồng này có thể được giải quyết nhanh chóng nhưng việc chính phủ Nga từ chức vào ngày 15/1 cùng sự bùng phát dịch Covid-19 đã gây cản trở tiến trình đàm phán.

Những cơ hội hợp tác mới trong cuộc chiến chống Covid-19

Tuy nhiên, cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 cũng mở ra cho các bên cơ hội hợp tác mới. Lĩnh vực y tế và nhân đạo là những lý do chính để Mỹ và Trung Quốc gạt bỏ bất đồng, bắt tay nhau khắc phục hậu quả do dịch Covid-19 gây ra.

Được sự cho phép của Trung Quốc, các chuyên gia y tế của Mỹ đã tham gia cùng với nhóm chuyên gia y tế của WHO tới Trung Quốc hỗ trợ việc đối phó với virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học của hai nước cũng thực hiện những dự án nghiên cứu chung, nhằm tìm kiếm vaccine phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Mỹ cũng là một trong những quốc gia hỗ trợ tài chính đáng kể cho Trung Quốc trong giai đoạn này.

Còn về phía Nga, trong bức thư gửi Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Putin đã bày tỏ sự cảm thông trước những khó khăn mà Trung Quốc đang phải trải qua, đồng thời đánh giá cao các biện pháp kiểm soát dịch bệnh của giới chức Trung Quốc. Li Lifan, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải nhận xét: “Đáng ngạc nhiên là rằng Nga không nằm trong số 20 quốc gia đầu tiên quyên góp cho Trung Quốc. Theo tôi, điều này có thể do một số vấn đề về liên lạc, liên quan đến quá trình chuyển đổi trong chính phủ Nga. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai bên được thiết lập khá vững chắc vì thế chúng ta có thể mong đợi các bên tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau”.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Nga với kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đạt mức kỷ lục 110 tỷ USD vào năm 2019. Thời gian gần đây, Moscow từng nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc trong nỗ lực chống lại sức ép từ phương Tây.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 26/02/2020 là 1 AUD = 0.659 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 26/02/2020 là 1 AUD = 15,302 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời có mây rải rác, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 24 đến 35 độ.

Tại Hà Nội, trời nhiều mây, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 20 đến 27 độ.

Tại Adelaide, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12–22 độ.

Tại Brisbane, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 22–31 độ.

Tại Sydney, trời nhiều mây, sáng sớm có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 19–25 độ.

Tại Melbourne, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào ở khu vực phía Đông Nam, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10–21 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này