Chương trình Thời sự thứ Tư, 24/10/2018

| 24/10/2018 | 445 Lượt nghe

 

Tin nước Úc:

 

- Melbourne CBD: 150,000 người lao động biểu tình đòi tăng lương

 

- Werribee: Công viên tạm thời với hàng loạt hoạt động lý thú sẽ xuất hiện trở lại vào năm 2019

 

- Victoria: Cảnh sát sẽ được trang bị áo chống đạn vào đầu năm 2019

 

- Victoria: Học sinh thi VCE sẽ bị kiểm tra khả năng đọc viết, tính toán theo tiêu chuẩn mới

 

- Giá nhà giảm trên cả nước nhưng sự sụp đổ của thị trường địa ốc sẽ khó có thể xảy ra

 

- Victoria: Phe đối lập Victoria cam kết thuốc ngừa thai sẽ có sẵn ở các hiệu thuốc

 

- Victoria: Đảng Lao động Victoria cam kết sẽ xây một bệnh viện mới ở vùng Melton

 

- Victoria: Hỗ trợ các hộ gia đình có thu nhập thấp tiết kiệm chi phí năng lượng

 

- Victoria: Ngành công nghiệp đua chó sẽ được trợ cấp bốn triệu đô la nếu đảng Lao động Victoria tiếp tục nắm quyền

 

- Tin vắn

 

Tin thế giới:

 

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nga, ngày 23/10, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã gặp Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin. Tại cuộc gặp, Tổng thống Putin bày tỏ mong muốn tổ chức cuộc hội đàm mới với người đồng cấp Mỹ Donald Trump, có thể là tại Paris (Pháp) trong tháng tới. Cả hai nhà lãnh đạo đều dự kiến sẽ tham gia một sự kiện ở Paris vào ngày 11/11 tới nhân kỷ niệm kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Tổng thống Putin đề nghị hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ có thể gặp nhau bên lề sự kiện này. Về phần mình, ông Bolton cũng bày tỏ tin tưởng rằng Tổng thống Donald Trump trông đợi cuộc gặp này với Tổng thống Putin tại Paris.

 

Tổng thống Nga đã ký sắc lệnh cho phép áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các công ty và cá nhân Ukraine nhằm đáp trả những lệnh trừng phạt mà Kiev áp đặt với Moscow. Đây là thông tin theo trang web của Điện Kremlin. Sắc lệnh mới được ban hành được xem là phản ứng đối với các hoạt động không thân thiện của Ukraine liên quan tới việc Kiev áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào công dân và các thực thể pháp lý của Nga, đồng thời nhằm mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia. Trước đó, ngày 22/6, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký một sắc lệnh, theo đó mở rộng những biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty và thực thể của Nga.

 

Ngày 23/10, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir khẳng định nước này cam kết tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng và toàn diện để tìm ra sự thật đằng sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi. Nhà lãnh đạo đối lập Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông đã được các nguồn đáng tin cậy trong Cơ quan An ninh của Istanbul thông báo, các phần thi thể của nhà báo Jamal Khashoggi đã được tìm thấy dưới đáy giếng tại Lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul. Theo Ngoại trưởng Saudi Arabia al-Jubeir đã có 18 người bị bắt giữ và 6 quan chức cấp cao của Chính phủ Saudi Arabia bị cách chức trong quá trình điều tra vụ việc trên.

 

Ngày 23/10, Mỹ thông báo sẽ hủy thị thực của khoảng 20 quan chức Saudi Arabia có liên quan đến vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại. Đây là động thái cứng rắn nhất đến nay của Washington với quốc gia đồng minh thân cận. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết những biện pháp trừng phạt này sẽ không phải "lời cuối" của Mỹ trong vấn đề này. Washington sẽ không dung thứ và tiếp tục áp dụng thêm những biện pháp đối với những người phải chịu trách nhiệm.

 

Báo al-Watan của Syria dẫn nguồn ngoại giao cho biết, Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria lần thứ hai có thể sẽ diễn ra vào tháng 11 tới đây tại thành phố Sochi (Nga). Đại hội lần hai sẽ diễn ra nếu trong chuyến thăm Damascus sắp tới, Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria Staffan de Mistura không thể thỏa thuận được với chính quyền Syria về thành phần Ủy ban Hiến pháp. Nguồn thạo tin cho biết, tại Damascus, ông de Mistura hy vọng sẽ tiến hành tham vấn với phía Syria để thuyết phục chính quyền đồng ý sự can thiệp của đặc phái viên vào thành phần nhóm thứ ba của Ủy ban soạn thảo hiến pháp, gồm các đại diện của xã hội dân sự.

 

Ấn Độ vừa ban bố cảnh báo y tế cao tại bang Uttar Pradesh, trước nguy cơ dịch do virus Zika lây lan từ bang Rajasthan lân cận. Các bệnh viện tại bang Uttar Pradesh được lệnh giám sát đặc biệt các ca bệnh có biểu hiện sốt, vì đây có thể là điểm bùng phát tiếp theo. Các sân bay cũng phải có biện pháp đề phòng, đặc biệt là với những hành khách tới từ bang Rajasthan. Đến nay, Ấn Độ xác nhận hơn 100 ca nhiễm virus Zika tại bang Rajasthan, trong đó hầu hết tập trung tại thủ phủ Jaipur.

 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 23/10 đã phê chuẩn thỏa thuận ký tại cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và một thỏa thuận quân sự liên Triều. Hai thỏa thuận này đều được ký kết tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên tháng Chín vừa qua. Trước đó cùng ngày, Chính phủ Hàn Quốc đã thông qua 2 thỏa thuận nói trên. Hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức Phủ tổng thống Hàn Quốc cho biết thỏa thuận tại cuộc gặp thượng đỉnh sẽ sớm được công bố trên công báo của Chính phủ, trong khi thỏa thuận quân sự liên Triều sẽ được trao đổi với phía Triều Tiên trước khi công bố chính thức.

 

Các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản ngày 23/10 cho biết nước này đã quyết định ngừng các dự án viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Trung Quốc vào tài khóa tới. Nhật Bản sẽ dừng cấp ODA cho Trung Quốc và thay thế bằng một sáng kiến mới. Theo đó, hai nền kinh tế lớn nhất châu Á sẽ hợp tác cùng nhau xây dựng cơ sở hạ tầng tại các quốc gia đang phát triển. Theo các nguồn tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đề xuất các kế hoạch trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào ngày 26/10 tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc).

 

Ngày 23/10, hải quan Trung Quốc thông báo đã phát hiện một người đàn ông bị nhiễm virus Zika sau khi đi du lịch từ Maldives trở về. Đây là ca nhiễm virus Zika đầu tiên được ghi nhận trong năm nay. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC), bệnh nhân trên có những triệu chứng gồm sốt và phát ban khi về đến sân bay quốc tế Bạch Vân ở Quảng Châu, phía Nam tỉnh Quảng Đông. Các nhân viên hải quan đã sắp xếp để người này được kiểm tra y tế và sau đó nhận được kết quả dương tính với virus Zika hai ngày sau đó. Hiện bệnh nhân này đã được cách ly tại một bệnh viện địa phương.

 

Ngày 23/10, lễ khánh thành cây cầu vượt biển dài nhất thế giới của Trung Quốc đã diễn ra. Cây cầu dài 55km này nối các đặc khu hành chính Hong Kong và Macau (Trung Quốc) với thành phố Châu Hải ở bên trong lục địa. Sự ra đời của cây cầu sẽ giảm đáng kể thời gian đi lại giữa Trung Quốc lục địa và 2 đặc khu nói trên. Hành trình giữa Hong Kong và Châu Hải được rút ngắn từ 4 giờ đồng hồ xuống khoảng 45 phút. Theo kế hoạch ban đầu, cây cầu có kinh phí xây dựng 20 tỉ USD, dự kiến được khánh thành vào năm 2016 nhưng đã bị hoãn lại cho đến nay. Cầu được thiết kế để chịu được động đất có cường độ lên đến 8 độ richter và cả những cơn bão lớn.

 

Tin thể thao:

 

Ở lượt trận thứ 3 vòng bảng Champions League diễn ra sáng nay, các đội bóng mạnh như Bayern Munich, Ajax, Man City và Real Madrid đều giành trọn 3 điểm.

 

Bảng E, Bayern Munich dù thi đấu không xuất sắc nhưng vẫn có được chiến thắng 2-0 trước đội chủ nhà AEK Athens để qua đó có được 7 điểm sau lượt đi vòng bảng Champions League. Ở trận đấu còn lại, Ajax đã đánh bại Benfica với tỷ số 1-0 nhờ bàn thắng muộn của tiền vệ Noussair Mazraoui.

 

Bảng F, chủ nhà Hoffenheim đã bất phân thắng bại với Lyon trong trận đấu có tới 6 bàn thắng được ghi. Ở trận đấu còn lại, Man City dễ dàng giành chiến thắng 3-0 trước chủ nhà Shaktar nhờ các bàn thắng của David Silva, Aymeric Laporte và Bernardo Silva.

 

Bảng G, Karim Benzema và Marcelo cùng nhau toả sáng để giúp Real Madrid giành chiến thắng 2-1 trước Viktoria Plzen, qua đó đòi lại ngôi đầu bảng G. Kết quả này đồng nghĩa với việc Real Madrid đã giải tỏa cơn khát chiến thắng sau 5 trận đấu chỉ biết đến hoà và thua. Ở trận đấu còn lại, AS Roma đã dễ dàng giành chiến thắng 3-0 trước CSKA Moscow nhờ cú đúp của tiền đạo Edin Dzeko và pha lập công của Cengiz Under.

 

Bảng H, chủ nhà Young Boys đã xuất sắc cầm hoà 1-1 trước Valencia. Ở trận đấu còn lại, Juventus đã đánh bại M.U với tỷ số 1-0 ngay tại Old Trafford nhờ bàn thắng của Paulo Dybala. Với chiến thắng này, Juventus tiếp tục vững vàng ở ngôi đầu bảng H với 9 điểm tuyệt đối.

 

Martial sắp được M.U thưởng lớn: Đài RMC (Pháp) đưa tin Man United chuẩn bị lên kế hoạch đàm phán hợp đồng mới với tiền đạo Anthony Martial. Hợp đồng hiện tại của cầu thủ người Pháp chỉ còn thời hạn tới năm 2019 kèm theo điều khoản tự động gia hạn thêm 1 năm. Thời gian gần đây, Martial đã lấy lại phong độ và liên tục ghi bàn cho Man United. Dự kiến, ban lãnh đạo sẽ tăng lương của anh lên từ 65.000 bảng/tuần thành 175.000 bảng/tuần. Ngoài ra, Martial sẽ phải cam kết tương lai lâu dài với CLB.

 

Lộ diện trọng tài bắt chính trận “Kinh điển”: Ban tổ chức La Liga đã thông báo trọng tài bắt chính trận “Kinh điển” giữa Barca và Real cuối tuần này. Đó chính là ông Jose Maria Sanchez Martinez, 35 tuổi, và là một trong những trọng tài trẻ tài năng nhất ở Tây Ban Nha. Đây là một tin khá vui đối với Barca khi ông Martinez cũng là người cầm còi trong trận “Kinh điển” lượt đi diễn ra vào 23/12 năm ngoái. Ở trận đấu đó, Barca giành chiến thắng với tỷ số đậm 3-0.

 

Real không sa thải Lopetegui trước Siêu kinh điển: Chiếc ghế nóng sân Bernabeu sẽ không còn rung chuyển cho đến khi trận Siêu kinh điển kết thúc. Đại diện Real Madrid khẳng định HLV Lopetegui sẽ yên tâm chuẩn bị cho trận đại chiến Barca. Kết quả trận đấu cuối tuần này sẽ là cơ sở để Chủ tịch Perez đưa ra tính toán tiếp theo.

 

Lloris muốn rời Tottenham: Sau thành công tại World Cup 2018, Lloris không giữ được phong độ và gặp nhiều rắc rối tại Tottenham. Tờ Telefoot tiết lộ thủ thành người Pháp đang có ý định ra đi. Đây là thông tin đáng mừng cho PSG, nhà vô địch Ligue 1 vừa phải "chữa cháy" vị trí trong khung gỗ bằng lão tướng Buffon 40 tuổi.

 

Vượt huyền thoại MU, Benzema sánh ngang kỳ tích của Messi, Raul: Cú đánh đầu mở tỉ số ở trận đấu giữa Real Madrid và Viktoria Plzen đã giúp Krim Benzema trở thành cầu thủ thứ 3 ghi bàn trong 14 mùa giải liên tiếp tại Champions League. Hai cái tên hiếm hoi làm được điều này trước Benzema là Lionel Messi và huyền thoại Real, Raul Gonzalez. Bên cạnh đó, chân sút người Pháp cũng vượt mặt cựu tiền đạo MU, Ruud van Nistelrooy (56 bàn) để vươn lên thứ 4 trong danh sách những chân sút vĩ đại nhất lịch sử giải đấu với 57 bàn.

 

Nadal xây trường dạy tennis thứ 2: Hôm 23/10, Rafael Nadal đã có mặt ở Manacor - một đô thị trên đảo Mallorca thuộc quần đảo Baleares (Tây Ban Nha) để kỉ niệm năm thứ 2 thành lập Học viện quần vợt mang tên mình trên chính quê hương anh. Cũng nhân dịp này, tay vợt vừa bước sang tuần thứ 195 giữ ngôi số 1 thế giới đã thông báo việc khai trương một trung tâm quần vợt mới ở Costa Mujeres (Mexico).

 

Vì sao Mỹ rút khỏi Hiệp ước hạt nhân lại là cơn ác mộng đối với Trung Quốc?

 

Việc rút khỏi INF có thể cho phép Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc phát triển những loại vũ khí mà trước đó từng bị cấm trong Hiệp ước này.

 

Phát súng nhắm vào Trung Quốc

 

Ngày 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết vào năm 1987 với cáo buộc Nga đã “vi phạm thỏa thuận này trong nhiều năm qua”. “Chúng tôi sẽ không để họ vi phạm thỏa thuận hạt nhân, vượt rào và chế tạo vũ khí trong khi chúng tôi không được phép”, ông Donald Trump nói.

 

Theo giới quan sát, bất chấp việc Tổng thống Trump nhiều lần chĩa mũi nhọn vào Nga, kế hoạch của Mỹ rút khỏi thỏa thuận này không chỉ là vì Nga hay vì bản thân vũ khí hạt nhân, mà trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược mới, động thái của Mỹ còn tập trung vào cuộc đua với Trung Quốc tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

 

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, chuyên gia Yang Danzhi từ Trung tâm Nghiên cứu về an ninh khu vực thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc lưu ý, tuyên bố của ông Trump nhắm vào Trung Quốc đầu tiên: “Hiệp ước INF đã thiết lập giới hạn và rào cản đối với cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ. Kế hoạch của Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước INF đồng nghĩa với việc họ sẽ không bị kiểm soát bởi bất cứ bên nào trong lĩnh vực này và sẽ thoải mái đưa ra các quyết định. Lý do tại sao Mỹ rút khỏi một loạt các thỏa thuận là bởi nước này không thể kiểm soát các đối thủ cạnh tranh theo cách riêng vì các cơ chế và thỏa thuận quốc tế không cho phép”.

 

Câu hỏi đặt ra là tại sao Mỹ lại liên kết Trung Quốc với Hiệp ước INF? Lý giải về vấn đề này, học giả Trung Quốc nhấn mạnh, Mỹ đã xác định Nga và Trung Quốc là các đối thủ chiến lược lớn của nước này: “Xuất phát từ những mâu thuẫn về kinh tế và an ninh, Mỹ đang xem Trung Quốc là địch thủ. Bằng cách sử dụng thông điệp chống Trung Quốc làm cái cớ, Mỹ đang cố gắng từ bỏ tất cả các giới hạn liên quan đến việc kiểm soát an ninh và cuộc chạy đua vũ trang”.

 

Cùng chung quan điểm này, Fu Mengzi, phó giám đốc viện quan hệ quốc tế đương đại (Bắc Kinh), nhận định, việc Tổng thống Donald Trump công bố rút Mỹ khỏi hiệp ước INF là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc chiến “dài hơi” với Trung Quốc.

 

Trung Quốc có lợi thế hơn Mỹ?

 

Trung Quốc chưa từng đặt bút ký Hiệp ước về Các lực lượng hạt nhân tầm trung, vốn yêu cầu loại bỏ các tên lửa hạt nhân và tên lửa tầm ngắn và tầm trung có tầm bắn từ 500km đến 5.500km. Do vậy nước này có thể phát triển kho vũ khí quy chuẩn lớn phục vụ cho chiến lược “chống xâm nhập, chống tiếp cận” (A2/AD), chẳng hạn như tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay DF-21, với khả năng phá hủy các tàu sân bay từ khoảng cách lên đến 1.500km. Đây là những loại vũ khí mà Mỹ không được phép triển khai. Điều đó đã khiến Mỹ trở nên “tụt hậu” trong cuộc cạnh tranh phát triển hệ thống quân sự nhằm kiểm soát các vùng biển và vùng trời ở Tây Thái Bình Dương, vốn đang gia tăng những hành vi “thiếu thân thiện” trong những năm gần đây.

 

Trong trường hợp xung đột xảy ra, lực lượng chiến đấu trên mặt nước của hải quân Mỹ sẽ gặp bất lợi khi phải chống trả bằng những loại vũ khí có tuổi đời khá lâu, chẳng hạn như sử dụng Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk hay các loại chiến đấu cơ dễ bị tổn thương, để đối phó với những loại vũ khí nguy hiểm có thể nằm ẩn bên trong lãnh thổ Trung Quốc.

 

Ông Christopher Johnson, nhà phân tích Trung Quốc tại CIA, hiện làm việc ở Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế tại Washington cho biết: “Trong bất cứ cuộc không chiến nào, chúng tôi có thể thực hiện tốt nhiệm vụ trong 2 ngày đầu tiên, nhưng sau đó chúng tôi phải di chuyển mọi thứ trở lại Nhật Bản và chúng tôi không thể tạo ra đủ sức mạnh từ địa điểm đó để tiến hành cuộc không kích sâu hơn vào lục địa Trung Quốc. Nếu không có khả năng tấn công hệ thống chống tàu ở đất liền, các tàu sân bay của Mỹ đang hoạt động ngoài khơi biển Trung Quốc sẽ bị đặt vào tình thế cực kỳ nguy hiểm”.

 

Tình thế đảo ngược nếu Mỹ rút khỏi INF

 

Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi INF có thể giúp đảo ngược tình huống này và tạo ra một kịch bản gây ác mộng đối với Trung Quốc. Hệ thống vũ khí quy chuẩn mới của Mỹ có thể bắt đầu với phiên bản tên lửa Tomahawk phóng từ mặt đất, song cũng có thể được mở rộng, bao gồm các loại tên lửa đạn đạo tương tự như tên lửa DF-21 và DF-26 của Trung Quốc. Những loại vũ khí này có thể được đặt tại các địa điểm xa xôi hẻo lánh như miền bắc Nhật Bản, Guam, miền nam Philippines, thậm chí phía bắc Australia.

 

Chúng sẽ giúp đặt nền móng cho chiến lược quân sự mới của Mỹ đối với khu vực Tây Thái Bình Dương vốn ngày càng nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia quốc phòng tại Washington. Chiến lược mới này sử dụng hệ thống A2/AD của Mỹ để phong tỏa các vùng biển nằm bên trong “chuỗi đảo thứ nhất” và biến các khu vực biển gần Trung Quốc thành những gì mà các học giả như Michael Swaine từng mô tả là “nơi không có sự xuất hiện của con người” trong trường hợp có chiến tranh. “Chuỗi đảo thứ nhất” được Mỹ xây dựng từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh có 4 điểm quan trọng: “Đầu chuỗi đảo” là Hàn Quốc, “đuôi chuỗi đảo” là Philippines, “khóa chuỗi đảo” là Đài Loan, “trọng tâm” là Nhật Bản.

 

Chiến lược như vậy, theo cách gọi của chuyên gia Andrew Krepinevich là Archipelagic Defense (tạm dịch là phòng thủ quần đảo) sẽ có khả năng ngăn chặn và chống lại các cuộc tấn công của Trung Quốc mà không đặt các loại tàu mặt nước của Mỹ vào tình thế nguy hiểm. Hơn nữa, nó cũng tiết kiệm kinh phí và hao tổn ít binh lực hơn so với việc duy trì các nhóm tác chiến tàu sân bay đắt đỏ để kiểm soát trên biển.

 

Các chiến lược gia Trung Quốc từ lâu đã lo ngại khả năng xảy ra kịch bản như vậy, khi mà lực lượng phòng thủ của Mỹ và các đồng minh trong khu vực ngăn chặn hải quân Trung Quốc phá vỡ “những lỗ hổng” của “chuỗi đảo thứ nhất”, khiến Trung Quốc gặp bất lợi.

 

Nhiều nhà phân tích về vấn đề kiểm soát vũ khí cảnh báo rằng, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF có thể tạo ra “một cuộc chạy đua phát triển tên lửa” mới, còn thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov viết trên mạng xã hội Twitter nhấn mạnh, động thái này sẽ là “cú đòn giáng mạnh vào toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược trên thế giới”. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia Nathan Levine, ít nhất là trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung Quốc đang leo thang căng thẳng như hiện nay thì quyết định của Tổng thống Donald Trump là điều dễ hiểu.

 

Vì nếu Mỹ theo chiến lược quốc phòng Archipelagic vạch ra ở trên thì trong trường hợp xảy ra xung đột, nước này sẽ không cần phải di chuyển khí tài quân sự đến gần phạm vi hoạt động của các loại vũ khí Trung Quốc. Bởi việc mất đi những loại khí tài đó sẽ là một thảm họa đối với nước Mỹ (chẳng hạn như chỉ cần một chiếc tàu sân bay bị phá hủy, thì sẽ cướp đi mạng sống của hàng nghìn binh sỹ Mỹ) và bất cứ nhà lãnh đạo Mỹ nào cũng sẽ phải chịu sức ép buộc phải mở rộng quy mô cuộc xung đột. Trong trường hợp ngược lại, một khi Mỹ phát triển được những loại vũ khí tấn công tầm xa thì nước này sẽ phải chịu ít hao tổn hơn.

 

Cây bút Nathan Levine của tờ National Interest cho rằng, trong khi nhiều hãng tin tức tập trung khai thác khía cạnh Nga có thể rút khỏi Hiệp ước INF, hay những thách thức tiềm ẩn đối với Châu Âu khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước này, thì cuộc chơi thực sự lại đang diễn ra ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

 

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ USD ngày 24/10/2018 là 1 AUD = 0.709 USD.

 

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 24/10/2018 là 1 AUD = 16,549 VND.

 

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 24 đến 31 độ.

 

Tại Hà Nội, trời ít mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 23 đến 29 độ.

 

Tại Adelaide, trời có mây rải rác, gió di chuyển với vận tốc từ 15-25km/h. Nhiệt độ dao động từ 12 đến 25 độ.

 

Tại Brisbane, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, chiều tối có thể có bão ở khu vực phía Tây, gió di chuyển với vận tốc từ 15-25km/h. Nhiệt độ dao động từ 19 đến 28 độ.

 

Tại Sydney, trời nhiều mây, gió di chuyển với vận tốc từ 15-20km/h. Nhiệt độ dao động từ 15 đến 22 độ.

 

Tại Melbourne, trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 15-25km/h. Nhiệt độ dao động từ 7 đến 22 độ.

 

Cẩm Nhung – Kim Phụng

Đánh giá bản tin này