Chương trình Thời sự thứ Tư, 24/06/2020
Tin nước Úc:
- Tin Úc: Các tiểu bang được kêu gọi nên đóng cửa biên giới để phòng tránh dịch bệnh
- Tin Úc: Triển khai các khoản trợ cấp tới $20,000 cho nông dân chăn nuôi bò sữa
- Melbourne: Tiếp tục nâng cấp các lộ trình đường sắt, đường bộ ở khu vực phía Đông Nam
- Di trú: NSW loại bỏ yêu cầu ứng viên xin visa 491 phải sống và làm việc ở tiểu bang 12 tháng
- Victoria: Tổng số tiền phạt người dân vi phạm quy tắc phòng dịch vượt mức mười triệu đô la
- Victoria: Chi phí lắp đặt rào chắn an toàn đường bộ ở vùng hẻo lánh tăng đến 100 triệu đô la
- Victoria: Tăng cường hỗ trợ cho phụ huynh và người chăm sóc ở tiểu bang
- Tin Úc: Úc gia hạn lệnh cấm nhập khẩu thuốc lá điện tử
- Tin vắn
Tin thế giới:
Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa khẳng định, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc giai đoạn 1 vẫn được thực thi. Trong một thông báo trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận, thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn "hoàn toàn nguyên vẹn". Tuyên bố của ông Trump được đưa ra ngay sau khi Cố vấn cao cấp Nhà trắng Peter Navarro trong khi trả lời báo chí trước đó đã bình luận rằng thỏa thuận này đã kết thúc. Ông Navarro sau đó phải đính chính rằng bình luận của ông bị đưa ra ngoài ngữ cảnh nên gây ra hiểu lầm không đáng có. Quan hệ Mỹ - Trung được đánh giá đã rơi xuống điểm thấp nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tổng thống Trump đã bày tỏ hy vọng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tuân thủ các điều kiện của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1. Phía Mỹ cho biết, Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết mua thêm các mặt hàng và dịch vụ của Mỹ như đã nhất trí trong văn kiện này.
Ngày 23/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo, nước này và Ấn Độ đã nhất trí tiến hành các biện pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực biên giới giữa hai nước ở Himalaya. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng bác bỏ những thông tin mà truyền thông đăng tải gần đây về việc Trung Quốc có ít nhất 40 thương vong trong vụ đụng độ với binh sĩ Ấn Độ tại thung lũng Galwan hôm 15/6 vừa qua, gọi đây đều là "thông tin giả mạo". Trước đó một ngày, các chỉ huy của quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã nhóm họp tại khu vực Moldo ở phía Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) do Trung Quốc kiểm soát để thảo luận các biện pháp nhằm giảm leo thang căng thẳng ở khu vực biên giới.
Ngày 23/6, Triều Tiên đã hoàn tất việc lắp đặt khoảng 20 loa phóng thanh tuyên truyền ở các khu vực dọc đường biên giới liên Triều. Khoảng một nửa số loa phóng thanh này đã được dỡ bỏ theo một thỏa thuận hồi năm 2018 với Hàn Quốc. Việc lắp đặt loa phóng thanh trên được coi là động thái tiếp theo làm leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Theo nhận định, Triều Tiên có thể lắp đặt nhiều hơn nữa vì trước đây họ đã triển khai khoảng 40 loa phóng thanh như vậy. Trong phản ứng mới nhất, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh, Bình Nhưỡng sẽ phải trả giá về những hành động của mình nếu tiếp tục phá hoại các nỗ lực thúc đẩy hòa bình. Căng thẳng đã leo thang trong quan hệ liên Triều vào những tuần gần đây sau khi Bình Nhưỡng cho phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều ở khu công nghiệp chung Kaesong và tuyên bố chấm dứt đối thoại với Seoul.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 23/6 cho biết Mỹ tiếp tục có “những quan ngại lớn” về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong năm 2019, và cam kết duy trì các lệnh trừng phạt nước này cho đến khi đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Trong báo cáo thường niên về sự tuân thủ của Mỹ và các quốc gia khác đối với các thỏa thuận kiểm soát vũ khí và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nêu lên khả năng Triều Tiên có thể có thêm các cơ sở hạt nhân bí mật. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi Triều Tiên "trở lại đàm phán" trong bối cảnh nước này tiếp tục đe dọa Hàn Quốc liên quan tới chiến dịch rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng.
Trong bài phát biểu trước người dân được truyền hình trực tiếp ngày 23/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng nền kinh tế nước này chưa trở lại hoạt động đầy đủ sau khi các biện pháp hạn chế do dịch COVID-19 từng bước được dỡ bỏ, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng. Ông cũng kêu gọi đưa ra gói hỗ trợ cho nền kinh tế và người dân trong bối cảnh đại dịch, cũng như yêu cầu chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nga thực hiện các bước đi để đảm bảo thị trường việc làm trở lại mức trước khủng hoảng hoặc thậm chí tốt hơn. Cũng trong bài phát biểu, Tổng thống Putin cho rằng đại dịch COVID-19 đã tấn công hoạt động thương mại toàn cầu và dẫn đến một cuộc suy thoái trên toàn thế giới.
Các nhà lãnh đạo 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp tại Brussels ngày 17/7 để thảo luận gói phục hồi kinh tế. Cuộc gặp kéo dài hai ngày và sẽ là hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của EU từ khi xuất hiện dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Lần gần đây nhất các nhà lãnh đạo họp trực tiếp là tháng Hai và đã không đạt thỏa thuận về ngân sách khối sau hai ngày thảo luận căng thẳng. Các cuộc gặp tiếp theo đều diễn ra trực tuyến do đại dịch diễn biến phức tạp. Theo kế hoạch, tại cuộc gặp tới, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận lộ trình phục hồi trị giá 750 tỷ euro mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đề xuất.
Trung Quốc ngày 23/6 cảnh báo sẽ "đáp trả thích đáng" đối với Mỹ sau khi Washington tăng cường kiểm soát thêm bốn hãng truyền thông quốc gia của Trung Quốc tại Mỹ. Tuyên bố trên được Bắc Kinh đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố quyết định thay đổi quy chế đối với bốn hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc, theo đó xếp Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Nhân dân Nhật báo, Thời báo Hoàn cầu và hãng tin China News Service (CNS), vào nhóm các phái bộ ngoại giao nước ngoài, thay vì là những cơ quan thường trú truyền thông tại Mỹ. Cũng theo quy chế mới, bốn hãng truyền thông trên của Trung Quốc sẽ phải báo cáo Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin chi tiết về nhân sự và các giao dịch bất động sản ở Mỹ, mặc dù không bị giới hạn hoạt động đưa tin. Động thái này đã làm gia tăng căng thẳng vốn có giữa hai cường quốc này.
Bài toán khó của Mỹ trước nguy cơ bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai
Mặc dù một vài tuần trong tháng 5, Mỹ đã chứng kiến số lượng các ca mắc mới giảm đáng kể và dần hướng đến hoạt động bình thường trên phạm vi cả nước nhưng trong hai tuần qua, có tới 18 bang báo cáo số ca mắc mới tăng trở lại, trong đó các bang Alaska, Arizona, Arkansas, California, Florida, North Carolina, Oklahoma, South Carolina và Texas đã ghi nhận số ca mắc bệnh tăng đột biến.
Số ca mắc bệnh và tử vong vì mắc Covid-19 liên tục tăng trong những ngày gần đây đã gây lo ngại xảy ra làn sóng thứ hai tại Mỹ. Tuy nhiên, hiện có hai luồng quan điểm trái chiều về vấn đề này. Giáo sư William Schaffner thuộc Đại học Y khoa Vanderbilt, cho rằng làn sóng lây nhiễm thứ hai đã bắt đầu. Theo vị giáo sư này, Mỹ đã mở cửa trở lại trên khắp cả nước, nhưng nhiều người không thực hiện giãn cách xã hội, không đeo khẩu trang và điều đó dẫn đến sự lây lan mạnh hơn của Covid-19.
Trong khi đó, trong bài viết đăng trên Wall Street Journal mới đây, Phó Tổng thống Mike Pence tuyên bố không có làn sóng Covid-19 thứ hai, và rằng nước Mỹ đang chiến thắng trong cuộc chiến chống lại virus gây chết người này. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow mới đây cũng khẳng định sẽ không có làn sóng Covid-19 thứ hai mặc dù hiện vẫn còn một số điểm nóng trong nước.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia y tế công cộng đã khẳng định nước Mỹ vẫn chưa thoát khỏi làn sóng Covid-19 thứ nhất và bước vào làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Trả lời phỏng vấn báo chí những ngày gần đây, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm Quốc gia, nhiều lần khẳng định nước Mỹ vẫn đang ở làn sóng lây nhiễm thứ nhất và quan điểm này cũng được chia sẻ bởi Giáo sư về y tế toàn cầu Ashish Jha của Đại học Harvard.
Về phần mình, bà Caitlin Rivers, một nhà dịch tễ học tại Trung tâm An ninh Y tế thuộc Đại học Johns Hopkins cho biết, các bang Arkansas, Arizona và South Carolina đã không có nhiều trường hợp nhiễm bệnh trong giai đoạn đầu đại dịch tại Mỹ tuy nhiên hiện đang chứng kiến số ca mắc bệnh gia tăng. Nói cách khác, làn sóng lây nhiễm Covid-19 đầu tiên hiện mới chỉ bắt đầu tại các bang này.
Các quan chức chính quyền Mỹ, từ Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro và Cố vấn Kinh tế cấp cao Kevin Hassett, đều khẳng định nước Mỹ không thể đóng cửa một lần nữa ngay cả khi phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai.
Các quan chức chính quyền ông Trump cho rằng việc đóng cửa một lần nữa sẽ gây thiệt rất lớn cho nền kinh tế và gián tiếp cướp đi nhiều sinh mạng của người Mỹ hơn là đại dịch Covid-19. Giới chức Nhà Trắng bày tỏ tin tưởng vào năng lực xét nghiệm và khả năng dập dịch thành công. Trả lời phỏng vấn CNN ngày 21/6, ông Navarro khẳng định chính quyền ông Trump đang dự trữ thuốc và các dụng cụ y tế thiết yếu để đối phó với trường hợp có thể xảy ra dịch bệnh Covid-19 vào mùa Thu năm nay.
Giáo sư Schaffner của Đại học Vanderbilt cũng cho rằng việc phong tỏa hoàn toàn sẽ là một thảm họa kinh tế và mức độ ảnh hưởng đến xã hội và văn hóa sẽ rất lớn nếu áp dụng phong tỏa một lần nữa. Theo giáo sư Schaffner, chính phủ liên bang, chính quyền các bang và địa phương, lãnh đạo các doanh nghiệp, người đứng đầu các tổ chức tôn giáo phải phối hợp cùng nhau để thúc đẩy việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội nhằm hạn chế lây nhiễm. Ông Schaffner cảnh báo, nếu làm ngược lại, không thực hiện giãn cách xã hội, không đeo khẩu trang và tiếp tục tụ tập đông người, hệ thống chăm sóc y tế của Mỹ sẽ tiếp tục gặp thách thức lớn.
Vừa qua, để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và cuộc sống của người dân, chính quyền các bang và vùng lãnh thổ của Mỹ đã thực hiện mở cửa theo từng giai đoạn, từng quận/hạt và thành phố. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số bang đã quá “vội vàng” trong việc mở cửa lại nền kinh tế và đang phải ra sức khắc phục hậu quả. Có 18 bang ở khắp các vùng Nam, Trung và Trung Tây ghi nhận số ca mắc bệnh mới tăng. Nhiều nhà hàng, doanh nghiệp thuộc những bang này vừa mở cửa trở lại một thời gian ngắn đã phải tiếp tục đóng cửa do nhân viên nhiễm bệnh. Vừa duy trì mở cửa trở lại nền kinh tế, vừa đối phó với số ca mắc bệnh gia tăng đang thực sự là một bài toán nan giải đối với chính quyền các bang và địa phương trên khắp nước Mỹ.
Nhiều chuyên gia y tế công cộng hàng đầu và các nhà khoa học của Mỹ nhận định nhiều khả năng đợt bùng phát Covid-19 mới sẽ xảy ra vào mùa Thu và mùa Đông tới. Nếu điều đó xảy ra chắc chắn sẽ tác động nặng nề hơn làn sóng Covid-19 thứ nhất, bởi nó sẽ trùng vào thời điểm cúm mùa thông thường tại Mỹ khiến việc ứng phó trở nên khó khăn hơn.
Theo dữ liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, kể từ năm 2010 đến nay, mỗi năm có ít nhất 12.000 người Mỹ chết vì cúm mùa. Đáng chú ý, trong mùa 2017-2018 có tới 45 triệu người mắc cúm và 61.000 người tử vong. Còn mùa 2019-2020, có ít nhất 39 triệu người Mỹ đã bị cúm và ít nhất 24.000 người tử vong vì căn bệnh này. Chỉ riêng việc đối phó với cúm mùa đã là một thách thức đối với hệ thống y tế của Mỹ.
Nếu làn sóng Covid-19 thứ hai xảy ra vào mùa Thu và mùa Đông tới, đây sẽ là thách thức rất lớn đối với hệ thống chăm sóc y tế và sức khỏe của người dân Mỹ. Bởi lẽ, làn sóng Covid-19 thứ nhất hiện đã xảy ra ở tất cả 50 bang, các vùng lãnh thổ của Mỹ bắt đầu từ tháng 3 năm nay và phần lớn vẫn chưa thực sự kết thúc.
Đại dịch Covid-19 đã khiến hệ thống chăm sóc y tế của Mỹ trở nên quá tải, nhất là tại các bang tâm dịch như New York, New Jersey. Hàng nghìn bác sĩ, y tá, những người ứng phó trên tuyến đầu đã bị phơi nhiễm SARS-CoV-2 và tử vong vì mắc Covid-19. Sức khỏe của người dân Mỹ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong thời gian phong tỏa kéo dài gần ba tháng do nhiều người không thể chữa trị các bệnh thông thường và tiêm phòng cúm mùa theo đúng lịch hàng năm.
Tiến sĩ Margot Savoy thuộc Trường Y khoa Lewis Katz thuộc Đại học Temple cho biết, cúm là điều bình thường trong đời sống của người Mỹ. Cúm quen thuộc với người Mỹ dẫn đến việc đánh giá thấp và khiến mọi thứ trở nên nguy hiểm hơn. Do vậy, nếu làn sóng Covid-19 xảy ra song song với cúm mùa vào cuối năm nay, mức độ nguy hiểm sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 24/06/2020 là 1 AUD = 0.695 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 24/06/2020 là 1 AUD = 16,112 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ.
Tại Hà Nội, trời ít mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 37 độ.
Tại Adelaide, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–16 độ.
Tại Brisbane, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 6–21 độ.
Tại Sydney, trời nắng, sáng sớm có sương mù ở khu vực phía Tây, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–19 độ.
Tại Melbourne, trời có mây rải rác, sáng sớm có sương mù ở khu vực phía Tây, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–17 độ.
Cẩm Nhung