Chương trình Thời sự thứ Tư, 22/07/2020

Cẩm Nhung | 22/07/2020 | 488 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Thủ hiến bang Victoria hướng dẫn cách đeo khẩu trang cho người dân

- Victoria: Người dân đổ xô đi mua khẩu trang trước khi quy định bắt buộc đeo khẩu trang có hiệu lực

- Victoria: Tổ chức Neighbourhood Watch Victoria cập nhật logo, khuyến khích mọi người đeo khẩu trang

- Tin Úc: Bang NSW tăng cường kiểm soát biên giới đối với bang Victoria

- Tin Úc: Chính phủ gia hạn trợ cấp JobKeeper và JobSeeker đến tháng Ba năm sau

- Tin Úc: Số tiền hưu bổng được rút ra sớm đã vượt mức 25 tỷ đô la

- Tin Úc: Kế hoạch khôi phục kinh tế khởi đầu với nhiều việc làm trong ngành năng lượng tái tạo

- Victoria: Trợ cấp bổ sung để cải thiện mạng lưới vận tải đường sắt

- Tin vắn

Tin thế giới:

Quân đội Colombia ngày 21/7 thông báo, có 11 quân nhân mất tích và 6 người bị thương sau khi máy bay trực thăng rơi tại khu vực Đông Nam quốc gia Nam Mỹ này, khi đang thực hiện nhiệm vụ chống lại lực lượng du kích. Máy bay trực thăng Black Hawk đã chở 17 quân nhân khi bị rơi. Bộ Tư lệnh tối cao quân đội Colombia không tiết lộ liệu đây chỉ là tai nạn hay máy bay đã bị bắn hạ. Trước đó, Bộ Tư lệnh quân đội Colombia thông báo một máy bay trực thăng của Không quân Colombia chở 6 người đã biến mất khỏi radar ở khu vực Đông Nam quốc gia Nam Mỹ này.

Ngày 21/7, Ủy ban Bầu cử Syria cho hay, đảng Baath cầm quyền ở nước này và các đảng liên minh đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra ngày 19/7 vừa qua. Theo Ủy ban Bầu cử Syria, đảng Baath của đương kim Tổng thống Bashar al-Assad và các đồng minh đã giành được 177 ghế trong tổng số 250 ghế trong cuộc bầu cử vừa diễn ra hồi cuối tuần qua. Đây là cuộc bầu cử Quốc hội thứ 3 tại Syria kể từ khi nội chiến bùng nổ năm 2011. Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh chính quyền Damascus đã giành lại quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ vốn trước đó rơi vào tay lực lượng phiến quân. Tuy nhiên, quốc gia Trung Đông này hiện phải đối mặt với những thách thức kinh tế nghiêm trọng cùng với việc bùng phát đại dịch COVID-19.

Ngày 21/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo lùi lại hạn chót để thực hiện các mục tiêu xã hội và kinh tế tham vọng mà ông đề ra khi tái đắc cử tổng thống. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018, Tổng thống Putin đã đặt ra một số mục tiêu, trong đó có giảm một nửa tỷ lệ nghèo so với số liệu năm 2017, tăng lương hưu và tăng tuổi thọ trung bình lên 78 vào năm 2024. Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, thời điểm hạn chót này đã được lùi sang năm 2030. Tuổi thọ người Nga đã tăng lên trong những năm gần đây, đặc biệt là ở nam giới. Vào năm 2019, tuổi thọ trung bình của nam giới là 67 và nữ giới 77.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier ngày 21/7 cho biết kế hoạch phục hồi của Liên minh châu Âu (EU) sẽ giúp khối này hồi phục nhanh hơn từ cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra và lấy lại đà tăng trưởng vào năm 2021. Sau cuộc đàm phán kéo dài bốn ngày, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý thông qua gói kích thích kinh tế lịch sử trị giá 750 tỷ euro (858 tỷ USD) để giúp khối này chống chịu qua giai đoạn suy thoái vì dịch COVID-19. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin, ông Altmaier coi sự đồng thuận trên là tin tốt cho hàng triệu người ở Đức và trên khắp châu Âu. Theo Bộ trưởng Altmaier, gói kích thích trên sẽ đảm bảo rằng việc phục hồi sẽ diễn ra nhanh hơn so với trường hợp không có gói tài chính trên.

Bộ Nhập cư-Tị nạn và Quốc tịch Canada ngày 21/7 cho biết sinh viên quốc tế sẽ không được phép nhập cảnh Canada nếu nhận được visa du học sau ngày 18/3, trong bối cảnh Canada vẫn đang đóng cửa biên giới để kiểm soát đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Bộ này khuyến nghị sinh viên quốc tế không đến Canada cho tới khi nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại qua biên giới. Ngay cả các sinh viên đã có giấy phép học tập vào ngày 18/3 hoặc trước ngày này cũng sẽ bị từ chối nhập cảnh trừ khi chứng minh được mục đích nhập cảnh vì lý do cần thiết. Phần lớn sinh viên nước ngoài thường tới Canada vào mùa Thu.

Theo Hãng tin Yonhap, hôm 21/7 Hàn Quốc đã phóng vệ tinh liên lạc quân sự đầu tiên lên không gian sau nhiều lần bị trì hoãn. Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thứ 10 trên thế giới sở hữu một vệ tinh liên lạc dành riêng cho các mục đích quân sự. Dự kiến trong vòng 2 tuần tới, vệ tinh Anasis-II sẽ đi vào quỹ đạo ở độ cao 36.000 km. Quân đội Hàn Quốc sẽ tiếp quản hệ thống vào tháng 10 sau khi công ty sản xuất Airbus kiểm tra các chức năng vận hành của vệ tinh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/7 (giờ địa phương) khuyến khích người dân nước này đeo khẩu trang nếu họ không thể duy trì giãn cách xã hội với mọi người xung quanh nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Đây dường như là một sự thay đổi lớn trong quan niệm đeo khẩu trang của Tổng thống Donald Trump kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Một sự thay đổi dần dần đã được bắt đầu từ cách đây hơn 10 ngày, khi hôm 11/7, ông Donald Trump đeo khẩu trang trong một bệnh viện ở phía bắc Washington. Trước đó vào hôm 19/7, trong một dòng trạng thái trên Twitter dưới bức hình ông đeo khẩu trang, Tổng thống Donald Trump viết rằng, “đeo khẩu trang là yêu nước, không có ai yêu nước hơn tôi”.

Lý do châu Âu không 'vỡ trận' khi tái mở cửa

Khi châu Âu bắt đầu dỡ phong tỏa, nhiều người từng lo ngại nguy cơ "vỡ trận" như ở Mỹ, nhưng họ dường như đã tránh được viễn cảnh đó.

Châu Âu từng là tâm dịch của thế giới vào tháng 3 và tháng 4, với số ca nhiễm tăng vọt khắp các nước và nhiều nơi ghi nhận tỷ lệ tử vong cao. 5 quốc gia lớn của châu lục gồm Italy, Tây Ban Nha, Anh, Đức và Pháp đã báo cáo gần 1,2 triệu ca nhiễm nCoV và 148.000 người chết, theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tới tháng 5, chính phủ các nước châu Âu bắt đầu nới dần loạt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt sau khi Covid-19 có dấu hiệu hạ nhiệt. Người dân giờ đây tràn ngập trong các quán bar, nhà hàng và bãi biển đông đúc.

Dù đôi khi xuất hiện những cụm dịch nhỏ, hoặc một đợt bùng phát đáng lo ngại phía đông bắc Tây Ban Nha, hay tình trạng gia tăng số ca nhiễm tại các nước vùng Balkan, tình hình Covid-19 ở châu Âu sau tái mở cửa dường như đã được kiểm soát. Số ca nhiễm nCoV mới tại Italy, Đức hay Pháp vẫn tiếp tục giảm, ở mức vài trăm ca mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với con số vài nghìn vào lúc đỉnh điểm của khủng hoảng.

Do đó, trong khi nước Mỹ chứng kiến làn sóng tái bùng phát Covid-19 với số ca nhiễm mới tăng kỷ lục ở nhiều bang hối hả tái mở cửa, buộc chính quyền phải tái áp đặt các lệnh hạn chế, quá trình mở cửa của châu Âu hầu như theo đúng kế hoạch.

Giới chuyên gia đánh giá lý do phần lớn nằm ở sự thay đổi rõ rệt trong hành vi xã hội khắp châu Âu, sau những nỗ lực của giới chức nhằm thuyết phục công chúng tuân thủ ba chỉ dẫn phòng chống dịch bệnh, gồm giữ khoảng cách khi có thể, tăng cường vệ sinh và đeo khẩu trang khi cần thiết. Những người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước Covid-19, cần đề phòng đặc biệt.

"Chúng tôi đã ngăn chặn được làn sóng đại dịch đầu tiên bởi nhiều người dân đang thay đổi thái độ", giáo sư Lothar Wieler, chủ tịch Viện Robert Koch (RKI), cơ quan phụ trách kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Đức, phát biểu trong một cuộc họp báo tuần trước.

"Người dân châu Âu hiểu họ cần làm gì và thực hiện rất nghiêm túc", Ilaria Capua, nhà virus học người Italy tại Đại học Florida, Mỹ, nhận xét. "Các quốc gia khác nhau xử lý khủng hoảng theo cách khác nhau, nhưng không có ai ở châu Âu đánh giá thấp dịch bệnh".

Theo giới chuyên gia, một yếu tố quan trọng khác giúp các nước châu Âu giảm đáng kể số ca nhiễm nCoV là tiếp tục cấm các sự kiện bị gọi là "siêu lây nhiễm", chỉ những cuộc tập trung quy mô lớn như trận đấu bóng đá, buổi hòa nhạc, bởi chúng bị coi là những "lò ấp" virus.

Ngay cả Thụy Điển, quốc gia chưa từng áp lệnh phong tỏa và hứng chịu tỷ lệ tử vong cao, số ca nhiễm mới cũng dần ổn định khi người dân tuân thủ các quy tắc giữ khoảng cách, cùng lệnh cấm tổ chức những sự kiện quy mô lớn từ chính phủ.

Số ca nhiễm mới thấp tạo điều kiện cho châu Âu giải phóng không gian trong các bệnh viện, đồng thời giúp giới chức y tế cộng đồng có thể tập trung vào xét nghiệm và kịp thời cách ly những người mang mầm bệnh, cũng như truy vết và xét nghiệm những người tiếp xúc gần với họ.

Đức, quốc gia giờ đây có thể tiến hành tới hơn 1,1 triệu xét nghiệm mỗi tuần, đã đào tạo hàng trăm người, bao gồm nhiều sinh viên y khoa, để truy vết tiếp xúc trên cả nước. Một ứng dụng truy vết trên điện thoại được triển khai hơn một tháng trước đã đạt gần 16 triệu lượt tải.

Tại Italy, công tác truy vết tiếp xúc và xét nghiệm rộng rãi giúp xác định và cách ly số lượng lớn người nhiễm không triệu chứng. Trên thực tế, phần lớn người dương tính nCoV trong những tuần gần đây ở Italy được xác định không phải bởi họ xuất hiện triệu chứng, mà do được xét nghiệm sau khi tiếp xúc gần với ca nhiễm, hoặc thông qua xét nghiệm kháng thể.

Tình hình hiện nay tại châu Âu tương phản rõ rệt so với giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng. Khi đó, lãnh đạo nhiều nước vẫn coi nhẹ Covid-19, phần lớn người dân không đeo khẩu trang hoặc thực hiện cách biệt cộng đồng, việc cấm các trận đấu bóng đá hoặc sự kiện lớn khác dường như là không tưởng.

Italy, một trong những vùng dịch chết chóc nhất thế giới, từng trải qua tình trạng virus âm thầm lây lan suốt nhiều tuần. Tại miền bắc đất nước, nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, các phòng điều trị tích cực trong bệnh viện đều hết giường. Khả năng xét nghiệm hạn chế và truy vết tiếp xúc không hiệu quả. Tình huống tương tự đang diễn ra tại nhiều bang ở Mỹ, như Arizona, Florida và Texas.

"Ở Mỹ, mọi người cho rằng phải sống chung với virus và không thể làm gì khác. Điều đó không đúng. Châu Âu đã chứng minh rằng bạn có thể xoay chuyển tình thế", Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nêu ý kiến.

"Khác biệt cơ bản giữa châu Âu và Mỹ là người châu Âu xử lý đại dịch một cách nghiêm túc, trong khi Mỹ phần lớn không như vậy", Ashish Jha, giám đốc Viện Y tế Toàn cầu Harvard, nhận định. "Mỹ không xây dựng các chương trình xét nghiệm và truy vết, thậm chí không thể hạ số ca nhiễm tại nhiều khu vực của đất nước. Chúng tôi đã làm mọi thứ một cách nửa vời".

Dù đạt thành công nhất định, giới chức châu Âu vẫn cảnh báo không tự mãn. Tại Tây Ban Nha, chính quyền địa phương ở vùng đông bắc đã tái áp dụng một số biện pháp hạn chế sau khi một cụm dịch khiến số ca nhiễm mới của đất nước tăng nhiều nhất kể từ tháng 5.

Một dấu hiệu khác cho thấy các chính phủ châu Âu vẫn đề phòng đại dịch là việc đeo khẩu trang dần trở thành bắt buộc. Tại Pháp và Anh, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang trong không gian công cộng kín từ tuần sau. Đức, Italy và phần lớn Tây Ban Nha đã áp lệnh này. Bỉ cũng đang cân nhắc khôi phục yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi khép kín sau khi số ca nhiễm nCoV tại nước này gần đây tăng.

Trong khi người Mỹ vẫn tranh cãi nảy lửa về khẩu trang, người châu Âu đã ủng hộ rộng rãi biện pháp phòng dịch đơn giản này. Theo khảo sát của công ty nghiên cứu và tư vấn BVA, 85% người Pháp tán thành các quy định mới. Trong khi đó, vấn đề đeo khẩu trang tại Mỹ thậm chí châm ngòi cho cuộc chiến pháp lý và chính trị. Thống đốc bang Georgia Brian Kemp tuần trước đệ đơn kiện nhằm ngăn chặn các biện pháp hạn chế nCoV, bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang, do Thị trưởng Atlanta đề xuất.

Một số bang Mỹ đã cấm tụ tập đông người, nhưng phần còn lại thì không. Tại bang Oklahoma, Tổng thống Donald Trump gần đây tổ chức một buổi vận động tranh cử với vài nghìn người tham gia, nhưng rất ít người đeo khẩu trang. Thống đốc Oklahoma Kevin Stitt hôm 15/7 thông báo dương tính nCoV, trở thành lãnh đạo bang Mỹ đầu tiên nhiễm virus.

"Những đám đông lớn, đặc biệt là trong nhà, vô cùng nguy hiểm. Khi nhìn vào châu Âu, tôi nhận thấy có rất nhiều cách để kiềm chế đại dịch. Không có phương thức xử lý kỳ diệu nào, nhưng tất cả đều bắt đầu bằng thái độ nghiêm túc và không tranh luận về những thứ tào lao", chuyên gia Jha tại Viện Y tế Toàn cầu Harvard nói.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 22/07/2020 là 1 AUD = 0.713 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 22/07/2020 là 1 AUD = 16,390 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ.

Tại Hà Nội, trời ít mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 35 độ.

Tại Adelaide, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 5–15 độ.

Tại Brisbane, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 14–18 độ.

Tại Sydney, trời nắng, sáng sớm có sương mù ở khu vực phía Tây, trong ngày có mưa rào dọc theo khu vực ven biển, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8–17 độ.

Tại Melbourne, trời ít mây, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 6–13 độ.

Cẩm Nhung

 

 

 

 

 

Đánh giá bản tin này