Chương trình Thời sự thứ Tư, 21/08/2019

Cẩm Nhung | 21/08/2019 | 763 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Reservoir: Biểu tình phản đối dự án phá dỡ điểm giao cắt đường sắt trên đường High Street

- Melbourne: Mạng lưới xe tram sẽ tạm ngừng hoạt động bốn tiếng vào ngày 30/8

- Belgrave: Cây đổ đè trúng xe hơi, hai người nhập viện khẩn cấp

- Noble Park: Ngã xuống giàn giáo, một người đàn ông bị gãy xương mắt cá chân

- Brimbank: Chính quyền bang sẽ viện trợ tài chính để hỗ trợ xử lý rác tại các địa phương

- Moreland: Cập nhật thông tin về đợt thu gom rác cồng kềnh thứ nhì trong năm 2019

- Melbourne sẽ có thêm một cửa hàng pop-up chuyên bán đồ cũ để gây quỹ từ thiện

- Giới trẻ ở Úc “lạc quan mù quáng” về tương lai có nhà riêng

- Tin vắn

Tin thế giới:

Hôm 21/8, Ngoại trưởng các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ họp và thảo luận về vấn đề Triều Tiên. Đây là hội nghị đầu tiên giữa ba Ngoại trưởng kể từ năm 2016, diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản và Hàn Quốc đang rơi vào một cuộc tranh cãi liên quan đến lịch sử và thương mại, phủ bóng lên triển vọng hợp tác giữa hai bên. Nhiều vấn đề gai góc sẽ có trong hội đàm lần này, tuy nhiên chương trình nghị sự then chốt vẫn là căng thẳng thương mại Nhật Bản - Hàn Quốc. Từ năm 2008, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã thống nhất sẽ duy trì các hội nghị thượng đỉnh thường niên. Tuy nhiên, trong 6 năm trở lại đây mới chỉ có hai hội nghị được tổ chức vì sự căng thẳng trong quan hệ.

Ngày 20/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thừa nhận việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên đã không diễn ra nhanh như mong đợi. Ngoại trưởng Pompeo cũng khẳng định các vụ phóng tên lửa tầm ngắn gần đây của Triều Tiên vẫn là mối quan ngại đối với Washington. Tuyên bố của ông Pompeo được đưa ra trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Mỹ- Triều Tiên bị gián đoạn kể từ sau hội nghị thượng đỉnh song phương lần hai hồi tháng 2 vừa qua kết thúc mà không đạt thỏa thuận. Việc Triều Tiên gần đây tiến hành các vụ thử vũ khí gây quan ngại rằng các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ- Triều Tiên sẽ khó có thể sớm được nối lại như cam kết của hai nhà lãnh đạo trong cuộc gặp bất ngờ ngày 30/6 ở biên giới liên Triều.

Chỉ hơn 2 tuần sau khi Mỹ chính thức rút khỏi INF, Lầu Năm Góc đã thử nghiệm phóng tên lửa hành trình có tầm bắn hơn 500km từ bang California. Tên lửa này đã đánh trúng mục tiêu cách đó hơn 500 km. Ngày 2/8, chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), sau khi cáo buộc Nga phát triển tên lửa có tầm bắn gần 5.000 km. Trước đó, Mỹ tuyên bố sẽ thử tên lửa hành trình có tầm bắn lên tới 4.000 km vào cuối năm nay. Vụ việc đã nhận sự chỉ trích mạnh mẽ từ Nga. Moscow cho rằng Washington đã chuẩn bị sẵn cho kịch bản này. Nga cho rằng động thái thử tên lửa hành trình của Mỹ đang khiến tình hình trở nên căng thẳng, nhưng Moscow sẽ không bị lôi kéo vào cuộc chạy đua vũ trang với Washington.

Đức đồng ý tiếp nhận 4 trẻ em là con của công dân Đức từng hoạt động cho Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Đây là lần đầu tiên nước này hồi hương trẻ em là con của thành viên IS. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết, Berlin có chủ trương đưa thêm nhiều trẻ em rời khỏi chiến trường Syria. Ông cho rằng, phần lớn trẻ em thuộc diện này đều trong độ tuổi rất nhỏ. Ông Maas nhấn mạnh, trẻ em không phải chịu trách nhiệm cho những hành động của cha mẹ và chính sách của Đức là muốn làm điều gì đó hỗ trợ nhóm trẻ em nêu trên. Theo tình báo Đức, có hơn 1.000 công dân Đức tham gia hoạt động của IS tại Syria và Iraq. Đến nay, đã có 1/3 trong số đó đã hồi hương, 1/3 được cho là đã bỏ mạng và số còn lại được cho vẫn đang ẩn náu ở Iraq và Syria.

Ngày 20/8, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố đoạn phim về máy bay không người lái tàng hình hạng nặng mới của nước này. Máy bay không người lái Altius-U nặng 6 tấn đã bay trong khoảng 30 phút ở độ cao 800m và hạ cánh an toàn. Tất cả hệ thống của máy bay không người lái hoạt động bình thường. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, máy bay không người lái có thể duy trì hoạt động trên không trong 24 giờ. Máy bay này sẽ thực hiện các nhiệm vụ trinh sát trên phạm vi rộng.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Pháp là dịp để cải thiện quan hệ giữa Nga và các nước thành viên EU, 5 năm sau khi nước Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Tổng thống Pháp đón Tổng thống Nga trong một pháo đài cổ bên bờ Địa Trung Hải, nơi nghỉ dưỡng truyền thống của các đời Tổng thống Pháp. Quan hệ Nga - Pháp đã ấm lên từ 2 tháng nay. Nga muốn tranh thủ sự ủng hộ của Pháp để thoát khỏi thế cô lập, trong lúc Pháp cần Nga thuyết phục Iran cứu vãn thoả thuận hạt nhân. Pháp cũng cần đến sức nặng của Nga để tìm giải pháp cho cuộc xung đột tại Syria và Ukraine. Ông Putin đã mời ông Macron sang thăm Nga vào năm sau, nhân 75 năm chiến thắng Fasciste. Tổng thống Pháp đã nhận lời.

Ngày 19/8, giới chức y tế Mỹ thông báo, nước này đã ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm sởi mới vào tuần trước, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu năm đến nay lên 1.203 ca. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm mạnh, thậm chí tử vong tại 30 bang tính đến ngày 15/8. Tuy nhiên, CDC nhận định, trong những tuần qua, số ca nhiễm sởi đã tăng ít hơn so với hàng trăm trường hợp chỉ trong 1 tuần vào đầu năm 2019. Các chuyên gia y tế cho biết, virus sởi lây lan chủ yếu ở các em nhỏ trong độ tuổi đến trường. Dịch sởi bùng phát ở New York từ mùa Thu 2018, đa số tập trung tại các cộng đồng nhỏ, nơi việc tiêm vaccine đạt tỷ lệ thấp hơn so với mức trung bình trên toàn quốc (hiện đang ở mức 90%). Nguồn lây bệnh là du khách tới từ những nước mà bệnh sởi vẫn còn phổ biến.

Ngày 20/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền của ông đang xem xét khả năng giảm thuế thu nhập như một biện pháp chiến lược nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh ngày càng có nhiều dự đoán về khả năng suy thoái kinh tế vào năm tới. Phát biểu với báo giới, Tổng thống Trump cho biết Washington đang cân nhắc việc giảm thuế khác nhau đánh vào lương và lợi nhuận từ việc bán tài sản như cổ phiếu. Tuy nhiên, ông khẳng định hiện chưa có quyết định nào được đưa ra. Theo Tổng thống Trump, trong bối cảnh có dấu hiệu cho thấy khả năng xảy ra suy thoái kinh tế thì việc thì cắt giảm thuế thu nhập tạm thời được coi là biện pháp thúc đẩy nền kinh tế.

Theo AFP, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 20/8 tuyên bố ông sẽ nộp đơn xin từ chức vào cuối cuộc tranh luận tại Thượng viện về chính phủ của ông. Cuộc họp này do lãnh đạo cực hữu Matteo Salvini đề xuất. Thủ tướng Conte nói: "Tôi sẽ chấm dứt nhiệm kỳ chính phủ tại đây... Tôi sẽ gặp Tổng thống Sergio Mattarella để thông báo về quyết định từ chức của tôi." Trước đó, ngày 13/8, tại Thượng viện Italy, đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S), đảng Dân chủ (PD) trung tả, đảng cánh tả Tự do và Bình đẳng (LeU) và nhóm các đảng thiểu số đã bỏ phiếu chống lại các đề xuất của phe trung hữu về ngay lập tức tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Giuseppe Conte.

Theo Reuters, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 20/8 thừa nhận rằng các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang củng cố sức mạnh tại một số khu vực, song cho rằng khả năng tiến hành các cuộc tấn công của nhóm khủng bố này đã bị suy giảm. Tuy nhiên, ông Pompeo cho rằng thời hoàng kim của IS đã qua và khả năng tấn công cũng khó khăn hơn nhiều. Mới đây, IS đã thừa nhận tiến hành vụ đánh bom liều chết nhằm vào một đám cưới, làm 63 người thiệt mạng và 182 người bị thương hôm 17/8 tại thủ đô Kabul của Afghanistan.

Ngày 20/8, Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng điều khoản "chốt chặn" là phương tiện duy nhất cho tới nay được cả Anh và Liên minh châu Âu (EU) công nhận để tránh việc thiết lập trở lại các biện pháp kiểm soát biên giới trên diện rộng tại đảo Ireland sau khi Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi hôm 19/8, Thủ tướng Anh Boris Johnson gửi thư tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk để yêu cầu EU loại bỏ điều khoản "chốt chặn" kể trên ra khỏi thỏa thuận Brexit hiện tại. Phát biểu tại cuộc một cuộc họp báo, người phát ngôn EC Natasha Bertaud cho biết lá thư của ông Johnson không đưa ra được giải pháp hợp pháp nào để ngăn chặn nguy cơ tái thiết lập đường biên giới cứng giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng hòa Ireland. Người phát ngôn EC tái khẳng định quan điểm của EU về điều khoản này đã rất rõ ràng rằng đây là phương tiện duy nhất được cả hai bên công nhận và tôn trọng.

Ngày 20/8, Cảnh sát Indonesia truy lùng hơn 250 tù nhân vượt ngục sau khi một nhà tù ở thành phố cảng Sorong, tỉnh Papua bị phóng hỏa trước đó một ngày. Nhà tù ở thành phố cảng Sorong, tỉnh Papua bị phóng hỏa do làn sóng bạo loạn tại các thành phố ở vùng cực Đông Indonesia. Giới chức địa phương cho biết những người biểu tình, chủ yếu là sinh viên đại học, phản đối nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử, đã tấn công nhà tù này cùng nhiều trụ sở công quyền khác. Thống kê cho thấy 258 tù nhân trong tổng số 547 người đang bị giam giữ, đã trốn chạy khỏi nhà tù nhân lúc bạo loạn. Một số đối tượng đã bị bắt giữ trở lại.

Tin thể thao:

Lượt đi vòng play-off Champions League: Mới đây, Ajax làm khách tới sân của APOEL trong khuôn khổ loạt trận lượt đi vòng play-off Champions League. Được đánh giá cao hơn đội chủ nhà nhưng trước lối chơi phòng ngự của đối phương, Ajax bế tắc trong việc xuyên thủng mành lưới thủ thành Belec dù đã gây nhiều sức ép. Nửa cuối hiệp 2, Ajax còn gặp thêm bất lợi khi hậu vệ Noussair Mazraoui phải nhận thẻ vàng thứ 2 rời sân. Chơi thiếu người khi quỹ thời gian của trận đấu không còn nhiều, Ajax cuối cùng đành chấp nhận kết quả hòa 0-0.

Trong khi đó, Slavia Praha và Club Brugge đều có chiến thắng tối thiểu 1-0 trước CFR Cluj và LASK. Theo lịch, các trận lượt về sẽ diễn ra vào ngày 29/8 tới.

Người MU đồng loạt lên tiếng vì Pogba: Tức giận vì MU bị Wolves cầm hòa 1-1 ở vòng 2 Champions League, nhiều CĐV đã hướng sự chỉ trích vào Paul Pogba- cầu thủ đã tranh đá penalty với Marcus Rashford nhưng lại thực hiện hỏng. Trên mạng xã hội, Pogba hứng chịu cơn phẫn nộ từ CĐV, thậm chí cả những lời lẽ mang tính kỳ thị chủng tộc. Trước sự tấn công gay gắt đó, HLV trưởng Solskjaer và các cầu thủ như Harry Maguire hay Marcus Rashford đều đã lên tiếng để bảo vệ Pogba. Trên trang web chính thức, MU cũng khẳng định sẽ không nhân nhượng với bất kỳ hành vi phân biệt chủng tộc hay lời lẽ ác ý nào nhắm vào Pogba.

Real Madrid đón tin vui từ Hazard: Quá trình hồi phục chấn thương đùi của tiền vệ Eden Hazard đang tiến triển tốt. Theo tờ Marca, có thể tân binh đắt giá của Real Madrid sẽ trở lại sớm hơn so với mong đợi. Tin vui là sau đó các bác sỹ kiểm tra lại chỗ đau và nhận thấy vấn đề của Hazard thật ra không nghiêm trọng như họ nghĩ. Tất cả cho rằng cựu tiền vệ Chelsea có thể tái xuất sau 2 tuần nữa, thay vì phải cần khoảng thời gian từ 3 đến 4 tuần để hồi phục.

Juergen Klopp xác nhận thời điểm chia tay Liverpool: Mùa giải Ngoại hạng Anh mới trải qua vòng đấu thứ 2 nhưng HLV Juergen Klopp đã bất ngờ nói về dự định chia tay Liverpool. Chia sẻ với truyền thông Đức trong lần trở về quê nhà nhận giải thưởng “HLV của năm” do một tạp chí bầu chọn, Klopp thổ lộ: “Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ tiếp tục diễn ra như thế này trong thời gian tới. Tuy nhiên sau 2 hoặc 3 năm, tôi không biết điều gì sẽ xảy ra. Có lẽ tôi sẽ giải nghệ. Đương nhiên điều đó cũng không nhất thiết phải xảy ra, nhưng nếu xảy ra, thì bạn cũng không nên quá ngạc nhiên”. Klopp có hợp đồng với Liverpool tới năm 2022. Bước vào mùa giải này, chiến lược gia người Đức vẫn tiếp tục duy trì sự tiến bộ của Liverpool với 2 chiến thắng liên tiếp ở đấu trường Premier League.

PSG từ chối đề nghị 190 triệu euro Barca dành cho Neymar: Nguồn tin từ ESPN cho biết PSG đã từ chối đề nghị trị giá lên tới 190 triệu euro mà đối tác Barca đưa ra trong thương vụ Neymar. Cụ thể, Barca đã gửi đề nghị gồm 40 triệu tiền mặt để mượn Neymar một mùa kèm theo cam kết mua đứt trị giá 150 triệu euro trong mùa Hè 2020. Dẫu vậy, PSG trước sau vẫn không muốn một thỏa thuận cho mượn. Điều đội bóng Paris hướng tới lúc này là sớm dứt điểm tương lai Neymar ở sân Công viên các Hoàng tử vì các ông chủ người Qatar đã chán ngán với cách hành xử của Neymar thời gian qua.

HLV Maurizio Sarri đổ bệnh: Trên trang web chính thức, CLB Juventus ra thông báo cho biết HLV Maurizio Sarri đang gặp vấn đề về sức khỏe. Cụ thể, ông được kết luận viêm phổi và lên phác đồ điều trị. Với tình trạng sức khỏe hiện tại, HLV Sarri chưa chắc có thể trực tiếp chỉ đạo Juve trong chuyến làm khách trên sân Parma thứ Bảy tuần này (24/8). Đây là trận đấu khai màn mùa giải Serie A 2019-20 của “Lão bà”.

Messi chưa thể tập cùng Barca: Chấn thương trước mùa giải khiến Lionel Messi không thể đá trận mở màn Liga cùng Barca. Tuần trước, Barca kỳ vọng Messi có thể trở lại tập chung cùng toàn đội và sẵn sàng cho trận đấu với Real Betis ở vòng 2. Tuy nhiên, nguồn tin từ Camp Nou tiết lộ cho tới thời điểm này Messi vẫn đang trong quá trình hồi phục với giáo án riêng. Với tình hình này, khả năng Barca không dám mạo hiểm sử dụng Messi cho trận cầu sắp tới. Đây là tổn thất lớn với Barca trong bối cảnh lực lượng bị sứt mẻ nghiêm trọng. Thủ môn Neto cùng cặp tiền đạo Ousmane Dembele và Luis Suarez hiện đều đang phải điều trị chấn thương.

Hàng thải Chelsea cập bến AS Roma: AS Roma đã đạt thỏa thuận mượn Davide Zappacosta từ Chelsea trong mùa giải 2019-20. Nhà báo Fabrizio Romano khẳng định trong tuần này, cầu thủ 27 tuổi sẽ tới Rome để tiến hành thủ tục kiểm tra y tế với đội bóng mới. Davide Zappacosta cập bến Chelsea từ Torino vào Hè 2017 với giá 25 triệu bảng. Mùa giải đầu tiên ở Stamford Bridge, ngôi sao sinh năm 1992 ra sân 35 lần. Tuy nhiên, mùa giải vừa qua anh không được trọng dụng dưới thời HLV Sarri. Khi Frank Lampard trở lại Chelsea với vai trò HLV trưởng thay Sarri, ông thầy người Anh cũng không trọng dụng cầu thủ này.

Tỏa sáng rực rỡ, Dortmund thưởng lớn cho Sancho. Cầu thủ chạy cánh Jadon Sancho đã được Dortmund tăng gấp đôi lương dù Bundesliga 2019/20 mới trải qua một vòng đấu. Theo báo chí Đức, sau khi chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của Sancho, ban lãnh đạo Dortmund đã quyết định tưởng thưởng cho anh bằng cách tăng lương lên gấp đôi, từ 3 triệu euro/mùa lên 6 triệu euro/mùa.

Cuộc đua vũ khí hạt nhân trở lại khi Mỹ “nổ súng”

Việc Mỹ thử tên lửa hành trình có tầm bắn bị cấm theo Hiệp ước INF sẽ khiến cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trên toàn cầu trở lại và ngày càng nguy hiểm.

Chưa đầy 1 tháng sau khi Hủy bỏ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã ký với Nga, Quân đội Mỹ đã tiến hành thử nghiệm phóng tên lửa hành trình Tomahawk từ mặt đất với Hệ thống phóng thẳng đứng Mark 41 (Mk-41).

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, tên lửa rời khỏi bệ phóng ở đảo San Nicolas, một bãi thử của Hải quân Mỹ ngoài khơi Los Angeles, California và đã khoảng 500km trước khi trúng mục tiêu. “Các dữ liệu thu thập được và những bài học từ vụ thử nghiệm này sẽ cung cấp thông tin cho Bộ Quốc phòng về khả năng phát triển [tên lửa] tầm trung trong tương lai”, tuyên bố cho biết.

Chứng minh lo sợ của Nga là có thật

Lầu Năm Góc nhấn mạnh vụ thử tên lửa ngày 18/8 là vụ thử vũ khí thông thường, tức là nó không phù hợp với để gắn đầu đạn hạt nhân.

Các hình ảnh mà Lầu Năm Góc đăng tải sau đó về vụ thử nghiệm, cho thấy, tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ Hệ thống phóng thẳng đứng Mk-41. Đây là yếu tố rất quan trọng vì nó chứng minh một trong những nỗi lo sợ nhất của Nga về hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore mà Mỹ đang triển khai ở Ba Lan và Romania. Thông thường, hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ ở châu Âu sử dụng hệ thống phóng Mk-41 để phóng tên lửa đánh chặn SM-3. Tuy nhiên, nếu sử dụng Mk-41 để phóng tên lửa hành trình Tomahawk từ mặt đất thì nó sẽ trở thành hệ thống tấn công vi phạm hiệp ước INF.

Mỹ trước đây đáp lại rằng, Mk-41 không bị cấm theo INF vì nó chưa từng được thử nghiệm với tên lửa phóng từ mặt đất. Lý lẽ của Mỹ có thể đúng nhưng lo ngại của Kremlin cũng có cơ sở. Hiện vẫn chưa rõ Lầu Năm Góc có ý định làm gì với hệ thống tên lửa tầm trung mới - hệ thống vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu. Mỹ cũng không đưa ra bất cứ tuyên bố nào về việc dự định triển khai chúng ở đâu. Tuy nhiên Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã ám chỉ khả năng triển khai các loại vũ khí mới này ở châu Á như một sự răn đe với Trung Quốc.

Vụ thử nghiệm tên lửa tầm trung được cho là nhằm đáp trả việc Nga triển khai các loại tên lửa mới trong những năm gần đây, trong đó có Novator 9M729 được cho là vi phạm INF. Tình báo Mỹ lần đầu nói về khả năng vi phạm của Nga đối với Hiệp ước INF từ khi tên lửa Novator 9M729 vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm.

Từ tháng 5/2013, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Obama đã không thành công khi thuyết phục Nga từ bỏ chương trình tên lửa này. Đến thời chính quyền Tổng thống Trump, Mỹ quyết định hủy bỏ INF và đáp trả bằng một vụ thử tên lửa của chính mình. Vụ thử nghiệm đánh dấu một “kỷ nguyên” mới đối với Quân đội Mỹ trong bối cảnh Hiệp ước INF đã sụp đổ từ đầu tháng này.

Được ký giữa Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev tháng 12/1987, Hiệp ước INF buộc cả 2 nước phải hủy hơn 2.600 tên lửa phòng từ mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500km – những vũ khí được cho là gây bất ổn đối với lục địa châu Âu vì khả năng tấn công từ bất cứ đâu. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng, việc hủy bỏ hiệp ước INF, cùng với các vụ thử vũ khí mới, đã làm dấy lên mối đe dọa về cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.

Cuộc chạy đua không chỉ có Nga và Mỹ

Viễn cảnh về một thế giới không kiểm soát chặt chẽ vũ khí hạt nhân đã được hiện thực hóa trong những tuần gần đây với vụ nổ ở Nga hôm 8/8 khiến 7 người thiệt mạng. Theo các chuyên gia phương Tây, vụ nổ ở Nga là do thất bại khi phóng thử tên lửa hành trình năng lực hạt nhân mới - một trong số rất nhiều vũ khí tiên tiến mà Nga, Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau trong cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

Vũ khí mới, được mô tả là Skyfall, được tăng thêm sức mạnh bởi một lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ, điều cho phép nó có tầm bắn không giới hạn. Khi công bố tên lửa mới Storm Petrel, mà NATO gọi là Skyfall, hồi tháng 3/2018, Tổng thống Putin nói rằng, tầm bắn không giới hạn và khả năng linh hoạt có thể khiến tên lửa này trở thành “bất khả chiến bại”. Mặc dù nhiều người cho rằng, những tuyên bố của Nga là “không đáng tin cậy”, nhưng điện Kremlin vẫn khẳng định Nga đang thắng trong cuộc đua hạt nhân. Tổng thống Putin khẳng định, việc Nga tăng cường sức mạnh quân sự bằng kho hạt nhân là nhằm đối phó với các động thái của Mỹ về hiện đại hóa và mở rộng kho hạt nhân của Washington.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama trước đây đã xây dựng kế hoạch 1.200 tỷ USD nhằm duy trì và thay thế bộ ba Không quân, Hải quân và Lục quân Mỹ dựa trên vũ khí hạt nhân. Tổng thống Trump thậm chí còn đi xa hơn. Báo cáo hạt nhân của Lầu Năm Góc công bố năm ngoái đã đề xuất bổ sung thêm 500 tỷ USD, trong đó có 17 tỷ USD cho các vũ khí hạt nhân chiến thuật cỡ nhỏ có thể được sử dụng trên các chiến trường thông thường.

Một số nhà phân tích cho rằng, “làm mới” lại cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân là một sản phẩm của chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, điều khiến Tổng thống Trump quyết định rút khỏi những thỏa thuận, cam kết quốc tế mà ông cho là không có lợi cho nước Mỹ. Tháng 12/2016, ngay sau khi đắc cử Tổng thống, ông Trump đã kêu gọi Mỹ tăng cường năng lực hạt nhân của mình. “Nước Mỹ phải tăng cường và mở rộng năng lực hạt nhân của mình một cách mạnh mẽ cho đến khi thế giới trở nên cảnh giác với hạt nhân”, ông Trump viết trên Twitter. Tuyên bố của ông Trump khi đó đã khiến các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ làm gia tăng căng thẳng.

Cách đây 1 năm, tháng 8/2018, Tổng thống Trump cũng từng tuyên bố trên Twitter rằng: “Yêu cầu đầu tiên của tôi với tư cách Tổng thống là nâng cấp và hiện đại hoá kho vũ khí hạt nhân của chúng ta. Giờ đây, nó mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hy vọng rằng chúng ta sẽ không bao giờ phải sử dụng sức mạnh này, nhưng sẽ không có lúc nào chúng ta không phải là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới”. Ngoài việc hủy bỏ INF, Mỹ thậm chí còn tỏ ra sẽ không làm mới lại Hiệp ước START mới, một hiệp ước vũ khí hạt nhân chiến lược sẽ hết hạn vào năm 2021.

Dù có kho vũ khí nhỏ hơn nhiều so với Nga và Mỹ, Trung Quốc cũng đang “đôn đáo” phát triển các loại vũ khí hạt nhân thế hệ tiếp theo. Giống như Mỹ, Trung Quốc, dù cam kết “không sử dụng trước”, muốn các đối thủ tiềm tàng tin rằng họ có thể thực sự sử dụng kho hạt nhân chiến lược.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 21/08/2019 là 1 AUD = 0.677 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 21/08/2019 là 1 AUD = 15,705 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 34 độ.

Tại Hà Nội, trời nhiều mây, có mưa vừa, có nơi mưa to, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 32 độ.

Tại Adelaide, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10–15 độ.

Tại Brisbane, trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 15-40 km/h. Nhiệt độ dao động từ 12–26 độ.

Tại Sydney, trời có mây rải rác, buổi sáng có mưa rào, sóng lớn có thể xuất hiện gây nguy hiểm cho các hoạt động như câu cá, bơi lội và lướt sóng, gió di chuyển với vận tốc từ 20-60 km/h. Nhiệt độ dao động từ 12–20 độ.

Tại Melbourne, trời có mây rải rác, buổi sáng có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 15-45 km/h. Nhiệt độ dao động từ 11–13 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này