Chương trình Thời sự thứ Tư, 19/06/2019

Cẩm Nhung | 19/06/2019 | 706 Lượt nghe

Tin nước Úc:

 

- Victoria: 31 người tử vong vì bệnh cúm từ đầu năm đến nay

- Victoria: Nghị sĩ Philip Dalidakis tuyên bố từ chức khỏi Quốc hội

- Sydney: Những “xác sống dán mắt vào điện thoại” và mối nguy hiểm rình rập

- Doanh thu từ thuế stamp duty giảm, gây tổn thất 10.6 tỷ đô la đối với ngân khố của bang NSW

- Tin Úc: Các bẫy thường gặp nhắm vào những người dùng internet

- Melbourne: Cảnh sát treo giải $500,000 để truy bắt kẻ hãm hiếp phụ nữ trong con hẻm nhỏ

- Di trú: Chính quyền bang Nam Úc công bố danh sách ngành nghề theo thỏa thuận DAMA

- Tin vắn

Tin thế giới:

Ngày 18/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ông Patrick Shanahan đã rút khỏi cương vị quyền Bộ trưởng Quốc phòng, qua đó làm gia tăng sự bất định về vị trí người đứng đầu Lầu Năm Góc, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran. Cũng theo Tổng thống Trump, Bộ trưởng Lục quân Mark Esper sẽ được chỉ định làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng mới. Lâu nay ông Esper vẫn được xem là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí này nếu như ông Shanahan không được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.

Ngày 18/6, Mỹ công bố gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine trị giá 250 triệu USD để củng cố năng lực hải quân và bộ binh của quốc gia này. Gói hỗ trợ trên sẽ nâng tổng giá trị hỗ trợ quân sự mà Mỹ dành cho Ukraine lên 1,5 tỷ USD kể từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột bùng phát tại miền Đông Ukraine giữa lực lượng chính phủ và lực lượng ủng hộ độc lập tại khu vực. Gói hỗ trợ mới sẽ được dùng để chi trả cho các thiết bị, radar cho lực lượng quân đội Ukraine nhằm chống lại lực lượng ủng hộ độc lập tại miền Đông Ukraine. Người phát ngôn Lầu Năm Góc khẳng định Mỹ tiếp tục tuân thủ cam kết giúp đỡ Ukraine để tăng cường năng lực cho quân đội nước này.

Ngày 18/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản vào cuối tháng này đồng thời cho biết các cuộc đàm phán thương mại song phương sẽ tái khởi động trước thời gian trên. Chia sẻ trên Twitter, ông Trump khẳng định đã có cuộc điện đàm "rất tốt" với Chủ tịch Trung Quốc trong đó hai bên nhất trí khởi động các công tác chuẩn bị. Tổng thống Mỹ cũng xác nhận hai bên sẽ có cuộc gặp mở rộng vào tuần tới tại Nhật Bản, bên lề hội nghị G20. Trong khi đó, kênh truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV cũng đưa tin về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ nhưng không nêu chi tiết cụ thể.

Đức sẽ không chấp nhận bất kỳ nỗ lực nào của Anh nhằm thay đổi các điều khoản của thỏa thuận rời khỏi EU mà Thủ tướng Anh Theresa May đã nhất trí với khối này. Lời khẳng định trên được Bộ trưởng phụ trách về các vấn đề châu Âu của Đức, ông Michael Roth đưa ra ngày 18/6 khi trên đường tới dự một cuộc họp thường kỳ với những người đồng cấp EU tại Luxembourg. Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson - nhật vật được cho có nhiều khả năng trở thành người kế nhiệm bà May, ngày 8/6 tuyên bố sẽ từ chối thanh toán khoản phí Anh "chia tay" EU cho đến khi khối này đồng ý những điều khoản tốt hơn đưa nước Anh rời EU.

Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về vụ tấn công 2 tàu chở hàng tại Vịnh Oman hôm 13/6. Bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU cho biết, trong cuộc họp ngày 17/6 tại Luxembourg, các bộ trưởng EU đã nhất trí ủng hộ đề nghị của Tổng thư ký LHQ là cần có một cuộc điều tra độc lập về vụ tấn công tàu chở hàng. Theo EU, cần có bằng chứng xác thực trước khi đưa ra bất kỳ kết luận nào về vụ tấn công này. Bởi những tính toán sai lầm dẫn đến leo thang quân sự sẽ là thảm họa đối với khu vực và cả thế giới. Các nước châu Âu cũng đang xúc tiến các nỗ lực ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng.

Sau khi chính thức tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ 2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ sẽ bắt đầu trục xuất hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp vào tuần tới. Theo Tổng thống Mỹ, Cục Hải quan và Nhập cư Mỹ (ICE) sẽ nỗ lực nhằm "đưa người nhập cư ra khỏi Mỹ nhanh như lúc họ đi vào", đồng thời các nước lân cận như Mexico và Guatemala cũng sẽ hành động hỗ trợ Mỹ ngăn chặn người di cư bất hợp pháp. Chính quyền Mỹ cho biết, hơn 1 triệu người di cư bất hợp pháp đã có lệnh trục xuất, nhưng hiện vẫn chưa rời khỏi Mỹ. Giải quyết vấn đề nhập cư là một cam kết hàng đầu của Tổng thống Trump từ khi ra tranh cử nhiệm kỳ đầu.

Ngày 18/6, binh sĩ của 12 quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và 2.500 đơn vị thiết bị quân sự đã tham gia cuộc tập trận quân sự DRAGON-19 tại Ba Lan. Đây là cuộc diễn tập quân sự lớn nhất tại nước này trong năm 2019. Các hoạt động diễn tập được tổ chức trên bộ, trên biển, trên không và không gian mạng. Mục tiêu chính là kiểm tra khả năng tương thích của các đơn vị Ba Lan với các lực lượng đồng minh được triển khai ở nước này trong khuôn khổ kế hoạch củng cố sườn phía Đông NATO.

Ngày 18/6, cuộc đua trở thành Thủ tướng nước Anh đã được thu hẹp chỉ còn 5 ứng cử viên, sau khi cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab không nhận đủ 33 số phiếu cần thiết trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 của các nghị sỹ đảng Bảo thủ cầm quyền. Cho đến nay, cựu Ngoại trưởng Boris Johnson vẫn tiếp tục dẫn dầu cuộc đua. Theo kế hoạch, năm ứng cử viên còn lại sau vòng 2 sẽ tiếp tục có thêm các cuộc bỏ phiếu trong tuần này. Những ứng cử viên có số phiếu thấp nhất sẽ bị loại dần, để hai ứng viên được nhiều ủng hộ nhất sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại đại hội toàn thể gồm 160.000 đảng viên đảng Bảo thủ dự kiến vào ngày 22/6 tới để chọn ra lãnh đạo mới cho đảng Bảo thủ và cũng là Thủ tướng Anh, thay cho bà Theresa May. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố 4 tuần sau ngày bỏ phiếu.

Trong những ngày này, người dân ở khu vực gần dãy núi Ural của Nga đang phải đối phó với sự tấn công của những bầy ruồi khổng lồ lên tới hàng triệu con. Giới chức địa phương đang tiến hành điều tra hình sự về tội danh sử dụng chất thải nguy hại với môi trường. Cuộc điều tra được tiến hành sau khi lực lượng quản lý địa phương xác định, đợt dịch ruồi này bắt nguồn từ việc một nông dân sử dụng trái phép hàng tấn phân gà có lẫn hàng triệu trứng ruồi để làm phân bón. Thời tiết ẩm ướt cùng với nhiệt độ cao đã khiến ruồi sinh trưởng nhanh vượt ngoài tầm kiểm soát.

Tối 18/6, cảnh báo sóng thần đã được ban bố sau trận động đất mạnh 6,8 độ richter, làm rung chuyển bờ biển Đông Bắc Nhật Bản với tâm chấn nằm ở độ sâu chỉ 5km. Cơ quan Thời tiết Nhật Bản đã ban bố cảnh báo sóng thần cao từ 0,2 - 1m dọc bờ biển Tây Bắc của đảo lớn Honshu. Đã có ghi nhận về một số đợt sóng cao hơn bình thường đánh vào bờ biển ở phía Đông Bắc Nhật Bản. Người dân được khuyến cáo tránh xa các bãi biển. Các tuyến tàu cao tốc trong khu vực đã được lệnh ngừng hoạt động.

Kể từ ngày 1/1/2021, Nga áp dụng thị thực điện tử một lần cho người nước ngoài nhập cảnh vào nước này. Thị thực điện tử sẽ là thị thực một lần cho thời gian lưu trú đến 16 ngày, áp dụng cho tất cả các mục đích nhập cảnh vào Nga như du lịch, hội nghị, nhân đạo, thăm thân. Danh sách các nước được áp dụng quy định này sẽ được Chính phủ phê chuẩn riêng, trong đó có thể có Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Liên minh châu Âu (EU) và các nước thuộc khu vực Schengen song không thuộc EU. Các nước New Zealand, Anh, Canada và Mỹ dự kiến sẽ không được đưa vào danh sách. Thị thực điện tử sẽ có phí 50 USD. Trong tương lai, Nga sẽ tiến tới cấp thị thực điện tử nhiều lần, thậm chí cấp qua ứng dụng điện thoại.

Ngày 18/6, nhà chức trách Mỹ thông báo đã thu giữ lượng cocaine lớn nhất trong lịch sử nước này có trị giá hơn 1 tỷ USD trên một con tàu ở cảng Philadelphia. Trên mạng xã hội Twitter, Văn phòng Tư pháp Mỹ tại Philadelphia cho biết các nhân viên chấp pháp đã thu giữ khoảng 16,5 tấn cocaine trên một tàu lớn tại cảng biển Packer. Số ma túy nói trên được phát hiện trong 7 container trên tàu hàng MSC Gayane có hành trình tới châu Âu, sau khi đã cập cảng tại Chile, Panama và Bahamas. Hiện toàn bộ thủy thủ đoàn đã bị bắt và phải đối mặt với các cáo buộc liên bang.

Tin thể thao:

Chelsea đề nghị hợp đồng 3 năm với Frank Lampard: Thời điểm này, Frank Lampard đang là ứng viên số 1 thay thế Maurizio Sarri tại Chelsea. Theo ESPN, Lampard sẽ cùng cựu HLV đội trẻ Chelsea Jody Morris và HLV thể lực Chris Jones quay trở lại London trong nhiệm kỳ này. Giám đốc điều hành Marina Granovskaia dự kiến sẽ thuyết phục Lampard bằng một bản hợp đồng có thời hạn 3 năm. Nếu thuyết phục Lampard thành công, Chelsea chỉ cần bỏ ra thêm 4 triệu bảng đền bù hợp đồng giữa Lampard và Derby County.

Michel Platini được bảo lãnh tại ngoại: Truyền thông châu Âu chiều 18/6 đồng loạt đăng tải thông tin cựu Chủ tịch UEFA Michel Platini bị bắt giữ. Nguyên nhân được cho là có liên quan đến cuộc điều tra gian lận phiếu bầu nhằm giúp Qatar có được quyền đăng cai World Cup 2022. Theo tin từ AFP, cựu chủ tịch UEFA Michel Platini đã được tại ngoại chỉ chưa một ngày sau khi bị giam giữ. Đây không phải lần đầu tiên ông Platini bị thẩm vấn liên quan tới cuộc điều tra này. Ông Platini từng giữ chức vụ chủ tịch UEFA từ năm 2007 cho đến khi bị cấm tham gia mọi hoạt động bóng đá vào năm 2015.

Pogba nhận tiền thưởng cho “lòng trung thành” với MU: Tờ The Sun (Anh) tiết lộ Paul Pogba sẽ nhận được khoản tiền thưởng trung thành 3,78 triệu bảng từ MU. Khoản thanh toán dành cho Pogba sẽ có hiệu lực sau ngày 1/7, chỉ hai tuần sau khi anh thừa nhận ý định rời MU để tìm kiếm “một thử thách mới”. Truyền thông Anh cho biết người đại diện Mino Raiola của Pogba đã thảo luận về việc chuyển đến Real Madrid và CLB cũ Juventus trong thời gian qua. Tuy nhiên, Real Madrid là điểm đến mà Pogba mong muốn nhất. Để sở hữu Pogba, Real Madrid dự tính sẽ bạo chi nhưng MU chưa có ý định để tiền vệ ngôi sao của đội ra đi.

Real Madrid ra mắt tân binh 45 triệu euro: Real Madrid đã tổ chức buổi lễ ra mắt tài năng trẻ người Brazil Rodrygo. Trước khi ra mắt đội bóng mới, Rodrygo Goes đã vượt qua buổi kiểm tra y tế bắt buộc tại trường Đại học Sanitas La Moraleja. Sau đó, anh được chủ tịch Florentino Perez đưa đi xem phòng truyền thống của Real Madrid trước khi ký hợp đồng có thời hạn tới Hè 2025. Để sở hữu tiền đạo 18 tuổi, Real Madrid đã phải trả cho CLB Santos 45 triệu euro.

Rodri rời Atletico Madrid, chuẩn bị gia nhập Man City: Hôm 18/6, tiền vệ Rodri đã thông báo với CEO Miguel Angel Gil Marin của Atletico Madrid về quyết định chia tay CLB ngay Hè 2019. Theo tờ Marca và El Pais, điểm đến Rodri lựa chọn là Man City. HLV Guardiola đang cần 1 tiền vệ trung tâm chất lượng để thay lão tướng Fernandinho. Man City sẵn sàng chi 70 triệu euro, đúng bằng số tiền giải phóng hợp đồng của tiền vệ 22 tuổi.

MU dẫn đầu danh sách không mong muốn. Theo thống kê của chính phủ Anh, số cổ động viên của MU bị bắt giữ do những hành vi liên quan tới phân biệt chủng tộc dẫn đầu danh sách các CLB Anh trong giai đoạn 2014/15 – 2017/18. MU có tới 27 người bị bắt, trong khi Millwall và Leeds United có 15, Leicester City có 14 người và Chelsea 13.

Nesta dẫn dắt CLB Italia. Alessandro Nesta vừa được bổ nhiệm vào vị trí HLV trưởng của CLB Frosinone sẽ thi đấu tại Serie B mùa giải 2019/20. Nesta trước đây đã dẫn dắt Miami FC tại Mỹ và mùa trước huấn luyện CLB Perugia ở Serie B. Perugia mùa vừa qua kết thúc ở vị trí nhóm dự playoff tranh vé thăng hạng nhưng thua Verona.

PSG từ bỏ De Gea: Theo thông tin từ các đầu báo Anh thì hiện Paris Saint-Germain đã bắt liên lạc với người đại diện Mino Raiola để hỏi mua Gianluigi Donnarumma, thủ môn trẻ người Italia đang bắt cho AC Milan. Được biết quyết định này đến từ Leonardo, tân giám đốc kỹ thuật của PSG là người cũ tại Milan. Việc theo đuổi Donnarumma cũng đồng nghĩa PSG sẽ tạm thời không động đến David De Gea trong thời gian này. De Gea trước đó đã lấy sự quan tâm của PSG ra để gây sức ép với MU tăng lương cho anh.

US Open 2019 thiết lập kỷ lục. Giải golf US Open 2019 chứng kiến số lượt xem kỷ lục qua truyền hình, kể từ khi FOX trực tiếp giải từ năm 2015. Trung bình 7,31 triệu khán giả theo dõi cùng lúc qua TV ở ngày đấu cuối. Con số này đạt đỉnh là 10,17 triệu người xem, vào thời gian từ 21h15 đến 21h30 tối Chủ nhật, giờ địa phương, thời điểm giải đấu kết thúc.

Nguồn cơn của nguy cơ “va chạm” lớn giữa Mỹ-Iran

Căng thẳng Mỹ - Iran đang gia tăng và hai bên thậm chí có nguy cơ rơi vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp kể từ khi Tổng thống Donald Trump cáo buộc Iran tấn công 2 tàu chở dầu trên Vịnh Oman hồi tuần trước. Ngày 17/6, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tuyên bố Washington sẽ triển khai thêm 1.000 binh sỹ đến Trung Đông.

Tàu chở dầu bị tấn công trên Vịnh Oman. Ảnh: AFP

Điều gì đã khiến căng thẳng Mỹ - Iran đi đến giới hạn này? Phải chăng đằng sau đó là những sự thật sâu sa trong chính quyền Tổng thống Trump và thế khó của Iran?

Tác giả Aaron David Miller đã nhận định trên tờ USA Today rằng quan hệ Mỹ - Iran căng thẳng như hiện nay có nguồn cơn từ việc Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 hay còn có tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

"Sức ép tối đa" và không có kế hoạch B

Ngay từ khi tranh cử Tổng thống, ông Trump đã khẳng định ông sẽ đàm phán lại hoặc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông cho là "thỏa thuận tệ nhất từng đàm phán". Điều này đã không chỉ là tuyên bố hay lời hứa tranh cử mà đã trở thành sự thật khi Tổng thống Trump không những rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà còn tiến hành chiến dịch "gây sức ép tối đa" nhằm vào nước này. Washington đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên lĩnh vực ngân hàng và ngành hóa dầu của Iran trong những tháng qua, đồng thời nỗ lực cắt giảm sản lượng xuất khẩu dầu mỏ - “mạch máu” của kinh tế Iran về con số 0. Tất cả động thái trên đều nhằm mục đích "bóp nghẹt" nền kinh tế của Iran và buộc nước cộng hòa Hồi giáo này phải ngồi vào bàn đàm phán.

Tuy nhiên, chiến lược "gây sức ép tối đa" của Mỹ lại gặp phải chiến lược "chống cự tối đa" của Iran khiến hai nước ở thế tiếp tục giằng co nhau và chỉ một diễn biến bất thường cũng có thể giống như cơn gió làm bùng lên đám lửa đang âm ỉ. Các nhà lãnh đạo Iran cho rằng Mỹ đã "lừa dối" Iran và rút khỏi thỏa thuận hạt nhân nhằm bóp nghẹt nền kinh tế và buộc nước này phải thay đổi chế độ.

Iran "điêu đứng" trước các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. Các nước châu Âu, Trung Quốc và Nga dù đều nỗ lực bảo vệ thỏa thuận hạt nhân nhưng rõ ràng những quốc gia này đều ngần ngại trước sức ép từ phía Mỹ. Dù vậy, Iran cũng tỏ rõ thái độ cứng rắn nhằm cho thấy rằng những sức ép của Mỹ không thể nào khiến quốc gia này khuất phục. Ngày 13/6, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định rằng Tehran không bao giờ tin tưởng Mỹ và sẽ không đàm phán với Mỹ. Chỉ 4 ngày sau đó, hôm 17/6, Cơ quan Năng lượng nguyên tử của Iran công bố nâng mức làm giàu uranium lên 20% và giảm các cam kết liên quan đến thỏa thuận hạt nhân.

Mỹ rút khỏi JCPOA mà không có kế hoạch B ngoài chiến lược "gây sức ép tối đa" đang đẩy Washington và Iran vào tình trạng căng thẳng leo thang và nguy cơ đối đầu quân sự.

Mỹ và Iran đang “thử” nhau

Không có một “mỏ neo” nào giúp ổn định quan hệ Mỹ-Iran và việc thiếu lòng tin luôn bị đẩy lên mức cao khiến "thùng thuốc súng" trong căng thẳng 2 nước lúc nào cũng trực chờ bùng nổ. Tuy nhiên, cho đến nay, dù đấu khẩu nhau gay gắt nhưng cả Tổng thống Trump và Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei đều thận trọng để tránh quan hệ 2 nước leo thang thành một cuộc đối đầu trực tiếp.

Tổng thống Trump đã nhiều lần thể hiện mong muốn gặp nhà lãnh đạo Iran và khẳng định ông không muốn một cuộc chiến "hao tiền tốn của" ở Trung Đông bất chấp việc Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton có quan điểm cứng rắn về vấn đề này.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Iran không tin tưởng Tổng thống Trump và cũng không cho rằng đàm phán với Mỹ sẽ đưa đến một kết quả làm hài lòng họ. Lãnh tụ tối cao Iran Khamenei luôn thận trọng trước sự khó đoán định và không chắc chắn của Mỹ.

Nói cách khác cả ông Khamenei và Tổng thống Trump đều đang "thử" nhau, cả hai đều muốn đối phương phải "xuống nước" trước nhưng hai bên đều nỗ lực tránh đẩy căng thẳng đi quá xa.

Tổng thống Trump sẽ dành "hồi kết" nào cho Iran?

Một cuộc xung đột lớn có thể chưa xảy ra nhưng điều đó không có nghĩa là tình hình sẽ ổn định. Nền kinh tế Iran đang vô cùng khó khăn và hầu như có rất ít dấu hiệu cho thấy sự giảm nhẹ các lệnh trừng phạt từ các nước châu Âu - các quốc gia dù muốn ủng hộ Iran nhưng lại lo sợ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Doanh thu dầu mỏ của Iran sụt giảm nghiêm trọng và việc chờ đợi Tổng thống Trump không thực sự là một chiến lược hay một phương tiện để giảm sức ép của các lệnh trừng phạt. Do đó, Iran đe dọa khởi động lại chương trình hạt nhân, làm gián đoạn dòng chảy dầu mỏ hoặc đe dọa sự ổn định khu vực để mặc cả với Tổng thống Trump nhằm đổi lại sự giảm nhẹ các lệnh trừng phạt về kinh tế.

Đối với chính quyền Tổng thống Trump, một chiến lược để giải quyết tình hình căng thẳng hiện tại vẫn chưa rõ ràng, thậm chí người ta còn không rõ liệu có một chiến lược nào như vậy hay không. Tổng thống Trump có thể không muốn chiến tranh và muốn giải quyết căng thẳng với Iran qua đàm phán nhưng các quan chức cấp cao của ông như Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton thì nghĩ khác.

Ông Bolton cho rằng Iran là một mối đe dọa và việc điều quân tới Trung Đông là một biện pháp để răn đe. Chính quyền Mỹ khẳng định mục tiêu của mình là đưa Iran trở lại bàn đàm phán để bắt đầu một thỏa thuận mới nhưng Washington liệu có sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ như phía Tehran yêu cầu? Và liệu Iran có còn hứng thú một cuộc đàm phán với Mỹ?

Ở mức độ tối thiểu, Iran và Mỹ đều vô cùng cần một đường dây nóng để giảm xung đột giữa các lực lượng quân sự và tránh leo thang nghiêm trọng giữa 2 nước. Nhưng thực tế là Iran đã từ chối đàm phán với Mỹ bởi Tehran cho rằng đó là một dấu hiệu của sự yếu đuối và nhượng bộ. Tổng thống Trump - người luôn tìm kiếm các cuộc đàm phán cũng phải thừa nhận rằng do những căng thẳng gần đây mà hiện tại chưa phải thời gian thích hợp cho một thỏa thuận.

Sức ép tối đa đã đưa Mỹ đến "bờ vực" chiến tranh với Iran. Nếu chiến tranh không phải điều Tổng thống Trump mong muốn, ông sẽ phải hành động để thay đổi.

Tổng thống Mỹ sẽ phải thuyết phục Iran rằng ông nghiêm túc với cuộc đàm phán, và đã là đàm phán thì phải có những điều kiện cũng như nhượng bộ giữa hai bên. Nếu ông Trump tìm kiếm một thỏa thuận, quá trình ngoại giao sẽ là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Căng thẳng nếu tích tụ đến một giới hạn nào đó sẽ nổ ra thành xung đột. Khi đối đầu quân sự trực tiếp xảy ra, nó sẽ không thể dừng lại và cuốn hai bên vào một tình thế mà có thể ngay từ đầu cả hai chưa dự tính đến.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 19/06/2019 là 1 AUD = 0.687 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 19/06/2019 là 1 AUD = 16,054 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời có mây rải rác, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 34 độ.

Tại Hà Nội, trời ít mây, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 36 độ.

Tại Adelaide, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào hoặc mưa đá, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 6 đến 12 độ.

Tại Brisbane, trời có mây rải rác, chiều tối có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13 đến 21 độ.

Tại Sydney, trời có mây rải rác, buổi sáng có sương giá ở khu vực phía Tây, buổi chiều có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7 đến 16 độ.

Tại Melbourne, trời có mây rải rác, buổi sáng có sương mù hoặc sương giá, trong ngày có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 6 đến 12 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này