Chương trình Thời sự thứ Tư, 17/06/2020
Tin nước Úc:
- NSW: Nới lỏng các hạn chế về lượng phương tiện giao thông công cộng từ ngày 1/7
- Melbourne: Vi phạm các hạn chế chống virus corona, một hộp đêm bị phạt hơn $10,000
- Victoria: Bà Marlene Kairouz trở thành nghị sĩ thứ ba của đảng Lao động xin từ chức
- Tin Úc: Người Úc muốn chính phủ tăng cường trợ cấp để phát triển vắc-xin ngừa virus corona
- Tin Úc: Duy trì trợ cấp tiền lương quá lâu sẽ làm tổn hại đến phát triển kinh tế dài hạn
- Victoria: Các phiên tòa sẽ bắt đầu mở lại vào tháng tới
- Tin Úc: Thu hồi sản phẩm nước sốt Leggo’s có nguy cơ gây bệnh cho người tiêu dùng
- Di trú: Chính phủ Úc được kêu gọi nên tăng hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn nhân đạo
- Tin vắn
Tin thế giới:
Tính đến sáng 17/6, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là hơn 8,2 triệu người, trên 445.000 trường hợp tử vong vì đại dịch này. Hiện Mỹ vẫn đứng đầu các quốc gia trên thế giới về tổng số ca nhiễm 2,2 triệu ca và số người tử vong vì virus SARS-CoV-2 trên 119.000. Trong khi đó, Brazil lại có số ca mắc mới trong ngày cao kỷ lục với hơn 37.000 người nhiễm COVID-19 trong 24 giờ qua. Hiện Brazil đã ghi nhận gần 929.000 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 45.000 ca tử vong. Nga hiện đứng thứ ba thế giới về tổng số ca nhiễm COVID-19 với hơn 545.000 trường hợp, trong đó số ca mắc mới trong ngày là trên 7.000 người. Hiện Ecuador là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Mỹ Latin bởi đại dịch COVID-19 với gần 48.000 ca nhiễm bệnh. Số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên tới 3.970 người, xếp thứ 4 tại Mỹ Latin sau Brazil, Mexico và Peru.
Hiện tại, nhiều quận ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã kích hoạt cơ chế thời chiến nhằm ứng phó với dịch COVID-19. Sau 5 ngày tái bùng phát dịch, số trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng ở thành phố Bắc Kinh đã lên tới 106 ca. Hiện nay, 9/16 quận ở Bắc Kinh đã kích hoạt cơ chế chống dịch theo kiểu thời chiến, lập ra các trạm gác 24/24, đóng cửa trường học và yêu cầu người dân tăng cường cách biệt cộng đồng. Tất cả những người có nguy cơ cao, như tiếp xúc gần với các ca nhiễm, đều không được phép rời khỏi thành phố. Chính quyền nhiều tỉnh thành Trung Quốc đã yêu cầu cách ly những người đến từ thủ đô Bắc Kinh. Nhiều chuyến bay từ các nơi đến Bắc Kinh cũng đã bị hủy bỏ.
Yonhap đưa tin, ngày 17/6, Triều Tiên tuyên bố sẽ tái triển khai quân đội tại các khu vực biên giới của thành phố Kaesong và Núi Kumgang, vốn được giải giáp trước đó theo các thỏa thuận liên Triều. Triều Tiên cũng sẽ nối lại “mọi hình thức diễn tập quân sự thường xuyên” gần biên giới liên Triều - một động thái rõ ràng nhằm hủy bỏ thỏa thuận giảm căng thẳng được hai miền Triều Tiên ký kết vào năm 2018. Trước đó, chiều ngày 16/6, Triều Tiên đã cho nổ văn phòng liên lạc ở khu công nghiệp chung Kaesong tại thị trấn biên giới cùng tên của nước này. Đáp lại động thái này, Nga và Trung Quốc đã kêu gọi các bên kiềm chế. Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), Bình Nhưỡng cũng đã “thẳng thừng” từ chối lời đề nghị của Hàn Quốc về việc cử các đặc phái viên nhằm tháo ngòi căng thẳng. Trong diễn biến mới nhất, Mỹ khẳng định hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của Seoul trong quan hệ liên Triều, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng "kiềm chế những hành động phản tác dụng tiếp theo".
Ngày 16/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp cải tổ cảnh sát. Theo sắc lệnh mới, hành động kẹp cổ đối tượng không bị cấm, tuy nhiên chỉ nên được sử dụng trong những tình huống mà một sỹ quan cảnh sát có thể gặp nguy hiểm tới tính mạng. Trước đó, theo một số quan chức, sắc lệnh mới được đưa ra sau khi có sự tham vấn với các quan chức thực thi pháp luật và đại diện các gia đình nạn nhân bị thiệt mạng do cảnh sát gây nên. Mặc dù chưa rõ sắc lệnh này sẽ được thực thi như thế nào, tuy nhiên lãnh đạo các bang và thị trưởng được cho là sẽ phải chịu trách nhiệm cho các sở cảnh sát của họ.
Mỹ và Trung Quốc đã ấn định thời điểm tiến hành cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên kể từ sau căng thẳng giữa hai bên liên quan đến đại dịch COVID-19. Theo truyền thông Mỹ và Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ gặp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hawaii, Mỹ vào ngày 17/6. Cuộc đàm phán cấp cao này sẽ tập trung vào công tác ứng phó với COVID-19, kiểm soát vũ khí, thương mại, Triều Tiên và nhiều vấn đề khác. Hiện tại, Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bình luận gì. Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, giới chức hai nước đang duy trì liên lạc thông qua các kênh ngoại giao nhưng không bình luận về các thông tin nói trên.
Ngày 16/6, quân đội Ấn Độ cho biết, 3 binh lính nước này đã thiệt mạng trong một vụ đụng độ xảy ra tại khu vực biên giới với Trung Quốc. Người phát ngôn quân đội Ấn Độ khẳng định, một cuộc đối đầu trực diện đã xảy ra trong ngày 15/6 gây thương vong. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố kêu gọi Ấn Độ không đơn phương hành động hoặc làm phức tạp tình hình. Trung Quốc đã cáo buộc binh lính Ấn Độ xâm phạm biên giới và "tấn công binh sĩ Trung Quốc". Căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra sau một loạt cuộc đụng độ vào đầu tháng 5 vừa qua giữa binh lính hai bên ở Đông Ladakh, gần hồ Pangong.
Khu vực Viễn Đông Kamchatka của Liên bang Nga ngày 16/6 đã bắt đầu bỏ phiếu sớm về sửa đổi Hiến pháp. Giai đoạn bỏ phiếu sớm về sửa đổi Hiến pháp chính thức được phép bắt đầu từ ngày 10/6, 20 ngày trước khi cuộc bỏ phiếu chính thức diễn ra (ngày 1/7), và hiện nhiều khu vực ở Liên bang Nga đã triển khai hoạt động bỏ phiếu trong tuần này. Đầu tuần này, tiến trình bỏ phiếu cũng đã bắt đầu ở một số khu vực thuộc Siberia, vùng núi Ural và Bắc Cực của nước Nga.
Lượng người di cư tìm cách vượt biên trái phép để tới châu Âu đã tăng mạnh trong tháng Năm vừa qua, sau khi giảm xuống mức thấp kỷ lục một tháng trước đó do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong thông báo ngày 15/6, Cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontex) nêu rõ trong tháng qua, tổng số vụ vượt biên trái phép như vậy được phát hiện trên các tuyến di cư chính vào châu Âu đã gần chạm mốc 4.300, tăng vọt từ mức 900 vụ ghi nhận một tháng trước đó. Tháng Tư vừa qua cũng là thời điểm có số người di cư vượt biên trái phép thấp kỷ lục kể từ khi Frontex bắt đầu thu thập số liệu liên quan vào năm 2009, phần lớn là do các nước thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan.
Cùng lúc đối mặt 3 cuộc khủng hoảng, nước Mỹ gặp nhiều thách thức trước cuộc bầu cử
Nước Mỹ cùng lúc phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng, đó là: dịch bệnh COVID-19, tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ và làn sóng biểu tình lan rộng phản đối việc phân biệt chủng tộc. Tất cả đã khiến những ngày này trở nên đặc biệt khó khăn đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi chỉ còn chưa đầy 5 tháng nữa, người dân Mỹ sẽ bỏ phiếu quyết định ai trở thành Tổng thống.
Cuộc đua "song mã" giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên Dân chủ Joe Biden đang đứng trước những ngã rẽ bất ngờ. Ai sẽ bứt phá phụ thuộc vào cách họ thuyết phục cử tri về cách vượt qua các khó khăn hiện nay.
Nếu như thời điểm này 4 năm trước, truyền thông Mỹ đang cuốn vào vòng quay của các buổi vận động tranh cử, chính sách của các ứng cử viên là gì, nên bầu cho ai... thì giờ đây, vẫn là câu chuyện bầu cử nhưng không còn các cuộc vận động rầm rộ.
Ngập tràn trên tin tức là các làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc. Một nước Mỹ chia rẽ, bạo loạn và bất ổn đang hiện hữu. Phong trào biểu tình phản đối bạo lực cảnh sát đối với người da màu lan ra khắp nơi trên nước Mỹ, đặt ra những dấu hỏi lớn về cách thức chính quyền xử lý vấn đề này. Thay vì thu hút cử tri bằng những chính sách, hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden lại sử dụng vấn đề sắc tộc để công kích lẫn nhau.
Đại dịch COVID-19 đã khiến mùa bầu cử năm nay trở thành một mùa bầu cử đặc biệt. Không có những chuyến đi vận động rầm rộ, tất cả chuyển sang "online". Một mùa bầu cử mà qua 1/3 chặng đường đã xác định được 2 ứng cử viên đại diện cho hai Đảng là ai. Đây cũng là mùa bầu cử mà vấn đề y tế trở thành đề tài được quan tâm hơn cả kinh tế.
4 năm trước, vấn đề kinh tế, quan hệ với Trung Quốc và nhập cư là các trọng tâm từng giúp ông Donald Trump chiến thắng thì năm nay, dịch bệnh COVID-19 và cách ứng phó trở thành đề tài được mổ xẻ. Bỗng chốc, lợi thế kinh tế chói lọi dưới nhiệm kỳ cầm quyền của ông Trump bị lu mờ bởi con số hơn 2 triệu ca nhiễm COVID-19, hơn 119.000 người tử vong, cao nhất thế giới.
Suốt thời gian qua, bầu cử Mỹ được biến thành cuộc trưng cầu dân ý về Tổng thống Donald Trump. Người Mỹ đi bỏ phiếu giờ cũng bị chi phối bởi sức ép kinh tế. Tỷ lệ mất việc, số người xin trợ cấp thất nghiệp cao kỷ lục. Các chuyên gia nhận định, cơ hội tốt nhất để Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong tháng 11 phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế. Đó là lý do vì sao ông Trump thời gian qua liên tục hối thúc các bang mở cửa lại nhanh chóng.
Tổng thống Trump cũng sẽ tái khởi động các chiến dịch mít-tinh vận động ngay trong tuần tới. Tuy nhiên, thách thức trước mắt vẫn là dẹp loạn biểu tình, xoa dịu cơn giận dữ của cộng đồng người da màu, tránh để chiến dịch vận động của ông bị ảnh hưởng bởi vấn đề mâu thuẫn sắc tộc.
Tuy nhiên, nếu ngay từ bây giờ, không có đối sách thích hợp chống dịch bệnh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và giảm tỷ lệ thất nghiệp, cơ hội cầm quyền thêm 4 năm nữa của ông Donald Trump có thể gặp nhiều khó khăn. Còn đối với ông Joe Biden, thách thức hiện nay là làm sao duy trì sự trung thành của những người Mỹ gốc Phi đối với đảng Dân chủ trong khi cơ hội thể hiện của ông lại không có nhiều, chỉ có thể thuyết phục cử tri bằng những lời hứa.
Chặng đường tới cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn còn 5 tháng nữa và trong tay mỗi bên vẫn có những lá bài bất ngờ. Các cuộc khủng hoảng hiện nay là thách thức đối với nước Mỹ nói chung và các ứng cử viên Tổng thống nói riêng. Tuy nhiên, chính những điều này sẽ khiến sự ủng hộ của các cử tri dành cho hai ứng cử viên trở nên cân bằng hơn và cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ càng thêm gay cấn.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 17/06/2020 là 1 AUD = 0.687 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 17/06/2020 là 1 AUD = 16,021 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 32 độ.
Tại Hà Nội, trời ít mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 35 độ.
Tại Adelaide, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–19 độ.
Tại Brisbane, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 14–23 độ.
Tại Sydney, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13–18 độ.
Tại Melbourne, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 5–16 độ.
Cẩm Nhung