Chương trình Thời sự thứ Tư, 16/10/2019
Tin nước Úc:
- Di trú: Mang sản phẩm thịt heo đến sân bay Úc, một phụ nữ người Việt bị hủy visa
- Epping: Bé gái ba tuổi bị xe hơi tông chết thương tâm ngay bên ngoài một nhà trẻ
- Victoria: Nghị sĩ Will Fowles trở lại làm việc tại Quốc hội sau một thời gian nghỉ phép
- Greenvale: Hai người bị buộc tội sau khi xảy ra một vụ tai nạn giao thông làm chết người
- Melbourne: Quán bar Mary's với món burger nổi tiếng sắp khai trương ở Melbourne
- Victoria: Không có cáo buộc nào liên quan đến vụ bê bối “gian lận bầu cử” của đảng Lao động
- Tin Úc: Đề xuất thu phí xe hơi để chống tắc nghẽn giao thông ở các thành phố lớn
- Victoria: Giới thiệu chương trình cấp phép mới để đảm bảo an toàn cho nhân viên điện lực
- Tin vắn
Tin thế giới:
Ngày 14/10, ít nhất 13 cảnh sát đã thiệt mạng trong 1 vụ tấn công tại Aguililla, tỉnh Michoacan, miền Trung Tây Mexico. Bộ An ninh và Bảo vệ công dân Mexico cho biết: Nhóm cảnh sát đang di chuyển truyền đường cao tốc thì bị một nhóm đối tượng phục kích, tấn công. Giao tranh nổ ra khiến 13 cảnh sát thiệt mạng và 4 người khác bị thương. Những kẻ tấn công cũng đốt cháy 2 xe cảnh sát. Bộ An ninh và Bảo vệ công dân Mexico lên án mạnh mẽ vụ việc; đồng thời cho biết đang hỗ trợ chính quyền địa phương truy lùng thủ phạm. Được biết, Michoacan là khu vực trồng nhiều cây thuốc phiện và là địa bàn thường xảy ra các vụ giao tranh giữa các nhóm buôn bán ma tuý.
Các nước thành viên EU đã nhất trí hạn chế xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm phản đối chiến dịch quân sự của Ankara nhằm vào lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria. Biện pháp này cho thấy EU mới chỉ dừng lại ở mức đình chỉ các thỏa thuận hợp tác, chứ chưa đi đến một lệnh cấm vận toàn phần lên đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ. Italy, nước xuất khẩu khí tài quân sự nhiều nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ, vừa thông báo sẽ ngừng bán vũ khí cho Ankara. Trước đó, Pháp, Đức, Hà Lan, Phần Lan và Thụy Điển cũng thống nhất quan điểm ngừng các hợp đồng vũ khí với Thổ Nhĩ Kỳ. Biện pháp này chưa đến mức nghiêm trọng bằng một lệnh cấm vận toàn diện, vì khi đó Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị liệt vào nhóm các quốc gia thù địch. Đây là điều mà các nước EU chưa sẵn sàng. Còn tại Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng vừa ký sắc lệnh cho phép tiến hành các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria. Ngoài ra, Washington cũng áp đặt nhiều lệnh trừng phạt kinh tế đối với Ankara.
AFP đưa tin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 15/10 tuyên bố, chiến dịch quân sự của nước này nhằm vào lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria ở sẽ không dừng lại cho đến khi "các mục tiêu của chúng tôi được hoàn thành." Trong bài phát biểu được phát sóng trên truyền hình ở Baku, nơi ông Erdogan đang tham dự một hội nghị khu vực, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nói: "Chúng tôi sẽ nhanh chóng đảm bảo khu vực trải dài từ Manbij tới biên giới của chúng tôi với Iraq và chắc chắn rằng trong giai đoạn đầu tiên, 1 triệu và sau đó là 2 triệu người tỵ nạn Syria sẽ tự nguyện trở về quê nhà của họ." Theo ông, đến nay 1.000km2 lãnh thổ Syria đã được giải phóng khỏi tổ chức khủng bố ly khai, ám chỉ các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG).
Các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp, đang đặc biệt lo ngại việc các tay súng IS tại nước ngoài quay trở lại do chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria đang tạo cơ hội cho các binh lính IS đang bị giam giữ bỏ trốn. Chưa đầy 1 tuần sau khi Ankara triển khai tấn công, có khoảng 800 thân nhân các tay súng IS trốn khỏi các trại giam ở Syria. Họ đang yêu cầu Chính phủ Pháp cho hồi hương. Không chỉ Pháp, lực lượng người Kurd đã liên tục cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây khi lực lượng này không đủ sức canh gác các trại giam giữ. Các khu trại tại Ain Issa là nơi giam giữ hàng nghìn tay súng IS và người thân của chúng, trong đó có nhiều người nước ngoài. Giới chức trại cho biết, 859 người đã trốn thoát khỏi khu trại dành cho người nước ngoài, rất ít người bị bắt lại.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz ngày 15/10 đã cảnh báo nên tránh một Brexit không thỏa thuận bởi một hậu quả như vậy sẽ khiến cho nước Anh chịu thiệt hại nhiều nhất. Liên minh châu Âu (EU) đã cho phép Anh nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận Brexit cho tới cuối ngày 15/10 để được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU trong tuần này, song cho biết quyết định trì hoãn đối với thời hạn cuối cùng đưa nước Anh rời khỏi khối vào ngày 31/10 và một sự đổ vỡ đàm phán vẫn có khả năng xảy ra. Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Scholz cho biết: “Sẽ là tốt đẹp nếu có một thỏa thuận vào phút chót. Một Brexit không thỏa thuận sẽ khiến nước Anh chịu thiệt hại nhiều nhất, song nó cũng sẽ tác động tới tất cả mọi bên khác”.
Ngày 15/10, Trung Quốc khẳng định không có "sự khác biệt" nào với Mỹ trong việc hướng tới đạt được một thỏa thuận thương mại giữa hai bên. Trước đó, sau cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Washington và Bắc Kinh đã được thỏa thuận thương mại đáng kể ở giai đoạn 1 về sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính và mua bán nông sản lớn. Tổng thống Trump cho biết hai bên đang tiến tới rất gần một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại và sẽ cần mất khoảng 5 tuần nữa để có được một thỏa thuận bằng văn bản. Tuy nhiên, phía Trung Quốc chỉ xác nhận đã đạt được tiến bộ mà không hề đề cập đến thỏa thuận đạt được tại cuộc họp.
Ngày 15/10, giới chức Ấn Độ cho biết nước này đã chặn dịch vụ nhắn tin trên điện thoại di động ở khu vực Kashmir, chỉ vài giờ sau khi khôi phục, liên quan tới vụ tấn công nghi do phiến quân tiến hành khiến một tài xế xe tải thiệt mạng. Theo các nguồn tin an ninh tại Ấn Độ, quyết định trên được đưa ra nhằm làm suy yếu khả năng liên lạc của phiến quân. Dịch vụ nhắn tin di động đã bị chặn vào đêm 14/10 sau khi 2 tay súng đeo mặt nạ nổ súng bắn chết một tài xế xe tải chở táo ở Shopian và phóng hỏa chiếc xe. Theo người dân địa phương, lý do khiến các đối tượng trên nổ súng là do tài xế không đánh xe ra vị trí khác theo yêu cầu của chúng. Hôm 14/10, nhà chức trách Ấn Độ đã khôi phục mạng điện thoại di động, gồm dịch vụ nhắn tin và nghe gọi, sau 72 ngày bị ngắt kết nối. Tuy nhiên, hơn 7 triệu người dân khu vực này hiện vẫn chưa thể tiếp cận Internet.
Vỉa hè biến thành các bãi rác chất đống. Rác được đốt, khói bốc nghi ngút, các phương tiện giao thông đi lại ngay bên cạnh. Người dân tại Thủ đô Tripoli của Lybia đã bất đắc dĩ phải sống chung với những bãi rác, kể từ đầu tháng 4, khi các lực lượng nổi dậy miền Đông mở chiến dịch quân sự tiến về kiểm soát Tripoli và đóng cửa bãi rác chính của thành phố. Chính quyền Tripoli đã phải thu thập rác để đưa đến một điểm tập kết rác khác trong thành phố. Nhưng khi dịch vụ này trở nên quá tải, nhiều người dân bắt đầu đổ trộm rác ra đường, tạo thành các bãi rác cao thành đống ngay lề đường, đe dọa cuộc sống người dân sống xung quanh. Libya rơi vào tình trạng chia rẽ sâu sắc, kể từ khi chính quyền Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011. Phần phía Đông đất nước nằm dưới sự kiểm soát của Quân đội Quốc gia Libya do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo trong khi Chính phủ liên hiệp quốc gia được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, đứng đầu là Thủ tướng Fayez Sarraj, quản lý phía Tây đất nước và chính quyền đóng tại Tripoli.
Tình trạng lãng phí thực phẩm trong chuỗi cung ứng cần phải được giảm thiểu hiệu quả và cần có thêm các công cụ chuyên sâu hơn để đánh giá vấn đề này trên tổng thể. Đây là lời kêu gọi trong báo cáo của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) công bố ngày 14/10. Theo báo cáo "Tình hình Lương thực và Nông nghiệp năm 2019" (SOFA) được công bố tại trụ sở của FAO ở Rome (Italy), trung bình trên toàn cầu có khoảng 14% thực phẩm bị vứt bỏ lãng phí. FAO chỉ rõ mức độ lãng phí thực phẩm rất khác nhau giữa các khu vực đối với cùng các nhóm hàng hóa và các khâu trong chuỗi cung ứng. Theo đó, các khu vực Trung và Nam Á có tỷ lệ lãng phí thực phẩm cao nhất với 20,7%, tiếp theo là Bắc Mỹ và châu Âu (15,7%), sau đó đến khu vực châu Phi Nam Sahara (14%). Tổng giám đốc FAO, ông Qu Dongyu nêu rõ các nỗ lực nhằm giảm thiểu lãng phí thực phẩm chỉ thực sự hiệu quả khi toàn nhân loại nhận thức được vấn đề. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh lãng phí thực phẩm là vấn đề không chỉ liên quan tới an ninh lương thực mà còn liên quan tới môi trường.
Nhà chức trách Indonesia đã ban bố cảnh báo đối với máy bay hoạt động trên đảo Java của nước này sau khi núi lửa Merapi bắt đầu phun trào cột tro bụi cao 3km. Bên cạnh đó, một trận động đất mạnh 5,9 độ đã xảy ra tại thành phố Bengkulu của Indonesia. Núi lửa Merapi bắt đầu phun trào vào lúc 16h30 ngày 14/10 (theo giờ địa phương). Cơ quan Núi lửa Quốc gia Indonesia đã đưa ra khuyến cáo khả năng xảy ra đợt phun trào tiếp theo. Lệnh cấm đi lại đã được ban hành trong vòng bán kính 3km quanh miệng ngọn núi lửa từng phun trào cũng vào thời gian này cách đây đúng 9 năm, làm ít nhất 353 người thiệt mạng và 350.000 người phải sơ tán.
Ít nhất 4 người đã thiệt mạng và 3 người bị thương trong một vụ nổ nhà máy hóa chất tại khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, miền Nam Trung Quốc ngày 15/10. Theo Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp khu vực, vụ nổ xảy ra vào khoảng 11h (giờ địa phương) tại nhà máy hóa chất ở huyện Lục Xuyên, thuộc thị trấn Ngọc Lâm. Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ nổ. Các sự cố trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp xảy ra khá thường xuyên tại Trung Quốc, trong khi chính phủ nước này đang nỗ lực cải thiện các tiêu chuẩn an toàn tại các khu công nghiệp. Mới đây, ngày 29/9, ít nhất 19 người đã thiệt mạng và một số người bị thương trong một vụ cháy nhà máy tại thành phố Ninh Ba, thuộc tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc.
Sau vụ hỏa hoạn gây hư hại nghiêm trọng đối với Nhà thờ Đức Bà (Notre-Dame), đã có 922 triệu euro (hơn 1 tỷ USD) được quyên góp và cam kết quyên góp nhằm xây dựng lại công trình kiến trúc hơn 850 năm tuổi vốn được xem là biểu tượng của quốc gia này. Phát biểu ngày 15/10 trong một cuộc họp báo ở thủ đô Paris, Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester cho biết chính phủ đã tiếp nhận 104 triệu euro từ 350.000 nhà hảo tâm. Hồi tháng Chín vừa qua, người giàu nhất nước Pháp, ông Bernard Arnauld đã ký thỏa thuận chính thức thực hiện cam kết chi 200 triệu euro (khoảng 220 triệu USD). Gia đình tỷ phú người Pháp Francois Henri Pinauls cũng cam kết quyên góp 100 triệu euro. Tập đoàn Total của Pháp sẽ ký thực hiện cam kết chi 100 triệu euro trong tháng 10 này. Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Franck Riester, "vẫn còn quá sớm để thông báo liệu khoản tài chính này đã đủ hay chưa" và "chính phủ sẽ thực thi các trách nhiệm của mình" đối với công cuộc tái thiết Nhà thờ Đức Bà.
Tin thể thao:
Vòng loại World Cup 2022: Thái Lan nhất bảng G, Trung Quốc bị Philippines cầm chân
Trên sân của Indonesia tại vòng loại World Cup 2022, Duy Mạnh, Quế Ngọc Hải và Tiến Linh đã thay nhau lập công để mang chiến thắng 3-1 cho tuyển Việt Nam. Kết quả này giúp tuyển Việt Nam có 7 điểm sau 3 trận đấu nhưng tạm xếp thứ 2 bảng G vì ở trận đấu cùng bảng, Thái Lan đã đánh bại UAE 2-1 để soán ngôi đầu. Có cùng 7 điểm như Việt Nam nhưng Thái Lan hơn về hiệu số bàn thắng bại (4/1 so với 5/1). Trong khi đó, UAE bị đẩy xuống vị trí thứ 3 với 6 điểm sau ba trận. Hai đội xếp tiếp theo là Malaysia (3 điểm) và Indonesia đều có 0 điểm nhưng đã đá đến bốn trận.
Tại bảng A, Sau khi hòa 0-0 với Trung Quốc, Philippines giữ vững vị trí thứ 3 bảng A với 4 điểm. Trung Quốc xếp thứ 2 với 7 điểm, còn Syria đứng đầu sau 3 trận toàn thắng. Ở bảng C, cú sốc ập đến với người hâm mộ Iran khi đội tuyển của họ để thua 0-1 trong chuyến làm khách tại Bahrain. Trận thua khiến Iran rơi xuống thứ 3 bảng C với 6 điểm trong tay. Vào tháng 11 tới, vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á sẽ tiếp tục diễn ra. Đây là thời điểm then chốt để quyết định cho những tấm vé đi tiếp vào vòng sau.
Việt Nam trở lại top 15 đội mạnh nhất châu Á: Tối 15/10, tuyển Việt Nam đã đánh bại Indonesia thuyết phục với tỷ số 3-1 trong trận đấu thuộc bảng G vòng loại World Cup 2022. Theo cách tính điểm của FIFA, những trận đấu tại vòng loại World Cup có hệ số (I) là 25. Vì thế, 2 chiến thắng trước Indonesia và Malaysia đã cộng thêm khá nhiều điểm cho tuyển Việt Nam trong bảng xếp hạng FIFA. Cụ thể, sau khi đánh bại Indonesia, tuyển Việt Nam kiếm thêm được 6,81 điểm trên BXH thế giới. Cộng với 7,63 điểm có được từ trận thắng Malaysia trước đó, chúng ta có tổng điểm làm tròn là 1.245 điểm. Số điểm này giúp tuyển Việt Nam tăng 2 bậc, vươn lên hạng 97 thế giới, qua đó vượt qua Jordan để trở lại Top 15 đội bóng mạnh nhất châu Á.
Vòng loại EURO 2020: Tây Ban Nha giành vé dự vòng chung kết, Italia thắng “5 sao”
Loạt trận thứ 8 vòng loại EURO 2020, Tây Ban Nha đụng độ Thụy Điển với mục tiêu chỉ cần có điểm là giành vé vào chơi vòng chung kết. Trên sân nhà, sau hiệp 1 không có bàn thắng, Thụy Điển có được bàn thắng mở tỷ số đầu hiệp 2 nhờ các pha dứt điểm liên tiếp của Marcus Berg. Tuy nhiên, vào phút bù giờ 90+2, Rodrigo tỏa sáng ghi bàn gỡ hòa 1-1 cho Tây Ban Nha. Một điểm quý giá ở trận đấu này giúp Tây Ban Nha có 20 điểm sau 8 lượt trận, hơn Thụy Điển 5 điểm và Romania 6 điểm. Do bảng đấu chỉ còn 2 lượt trận trong khi Thụy Điển và Romania còn đối đầu trực tiếp, nên Tây Ban Nha chính thức nằm trong nhóm hai đội đầu bảng, chính thức giành vé dự vòng chung kết EURO 2020. Như vậy, tính tới thời điểm này, đã xác định 6 đội giành vé tham dự giải đấu cao nhất châu Âu là Bỉ, Italy, Nga, Ba Lan, Ukraine, Tây Ban Nha.
Bởi đã giành vé từ trước nên trong chuyến hành quân tới sân của đội cuối bảng J Liechtenstein, Italia chơi với tâm thế thoải mái. Andrea Belotti và Romagnoli lập cú đúp cùng pha lập công của El Shaarawy giúp Italia đánh bại đối thủ với tỷ số 5-0. Chiến thắng trước Liechtenstein đã giúp ĐT Italia có được 8 chiến thắng liên tiếp tại bảng J.
Dea Gea chấn thương, nguy cơ lỡ trận MU-Liverpool: Làm nhiệm vụ trong màu áo ĐTQG Tây Ban Nha ở trận gặp Thụy Điển, thủ thành David De Gea đã dính chấn thương. Thủ môn của MU bị căng cơ đùi do cố gắng phá bóng từ một đường chuyền về không thuận lợi của đồng đội. Sự cố bất ngờ này khiến De Gea không thể tiếp tục thi đấu, phải rời sân nhường chỗ cho Kepa. Hiện chưa rõ chấn thương của De Gea có nghiêm trọng hay không. Nếu anh phải nghỉ thi đấu để điều trị, đây là tổn thất lớn với MU bởi chỉ 4 ngày nữa, Quỷ đỏ có trận đại chiến với Liverpool trong khuôn khổ Ngoại hạng Anh.
Bale khỏe trông thấy: Giữa cuộc khủng hoảng chấn thương ở Real Madrid, điều bất ngờ là Gareth Bale nằm trong số những người “trụ” lâu nhất. Anh không dính chấn thương nào kể từ ngày 5/3, thời điểm anh bị đau mắt cá và mất 12 ngày nghỉ ngơi. Mới đây, ở trận đấu giữa Xứ Wales và Croatia, Bale bị chuột rút nhưng anh vẫn có thể thi đấu khi trở lại Madrid.
Nhà Glazer bán cổ phần MU: Kevin Glazer, 1 trong 6 anh em nhà Glazer thay cha tiếp quản MU từ năm 2005, đang tìm cách rút khỏi đội bóng giàu thành tích nhất nước Anh. Theo tờ The Sun (Anh) Kevin đã chuyển đổi cổ phiếu của mình từ hạng B sang hạng A để có thể dễ dàng rao bán trên thị trường cổ phiếu New York. Hiện tại, nhiều người hâm mộ MU đang mong mỏi đội bóng có chủ sở hữu mới để thực hiện một cuộc cách mạng toàn diện. Tuy nhiên, việc chỉ mỗi Kevin rao bán cổ phần khó có thể chấm dứt thời kỳ thống trị của nhà Glazer tại Old Trafford.
MU đón 4 trụ cột trở lại trận gặp Liverpool: Ngày 20/10 tới, MU sẽ đụng độ Liverpool trong trận cầu tâm điểm của vòng 9 Ngoại hạng Anh. Phong độ của 2 đội bóng hiện đang diễn ra theo chiều hướng trái ngược. Trong khi Liverpool chiễm chệ ngôi đầu bảng với 8 trận toàn thắng, MU đang ngụp lặn ở vị trí thứ 12 BXH với 15 điểm kém đối thủ. Kết quả tệ hại của MU một phần đến từ sự thiếu hụt lực lượng. Theo truyền thông Anh, cả 4 cầu thủ Paul Pogba, Anthony Martial, Luke Shaw và Aaron Wan-Bissaka đều đã trở lại tập luyện bình thường cùng toàn đội và hoàn toàn có thể tái xuất ở trận cầu diễn ra trên sân Old Trafford. Về phía Liverpool, họ cũng nhận tin vui từ thủ thành Alisson Becker và tiền đạo Mohamed Salah khi cả hai đều đã sẵn sàng ra sân trở lại sau thời gian trị thương.
Milan bất ngờ quan tâm tới Juan Mata: Truyền thông Italy loan tin AC Milan đang quan tâm tới tiền vệ Juan Mata của MU. Milan đang rất cần bổ sung sự sáng tạo nơi hàng công và với môi trường không quá tốc độ như Serie A, Mata được cho là người phù hợp. Khi còn thi đấu cho Chelsea, Mata là một tiền vệ tấn công xuất sắc. Tuy nhiên, phong độ anh sa sút kể từ khi chuyển đến MU. Hè 2019, Mata gia hạn hợp đồng tới năm 2021 cùng MU. Tuy nhiên, với việc Mata không được ra sân nhiều ở mùa giải này, MU có thể cân nhắc bán tiền vệ Tây Ban Nha ở phiên chợ Đông nếu nhận được đề nghị hợp lý.
Hiểm họa đối với Mỹ từ việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria
Việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập sâu vào miền bắc Syria để tiến đánh các lực lượng người Kurd ở đây (bắt đầu từ ngày 9/10/2019) đã khiến cho tình hình ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung vốn đã phức tạp nay càng phức tạp hơn. Sự kiện đã và đang gây rúng động dư luận thế giới trong những ngày qua.
Giờ đây sau khi Mỹ rút quân khỏi miền bắc Syria, một đồng minh của Mỹ đang tấn công một nhóm từng sát cánh với quân Mỹ trong nhiều năm, cụ thể là trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan IS. Người Kurd là nhóm dân tộc thiểu số đông nhất ở Syria (chiếm khoảng 5-10% dân số Syria vào năm 2011). Họ sống chủ yếu ở miền bắc Syria, gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các nhóm dân Arab và các tộc người khác. Ngoài ra còn có các cộng đồng lớn người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Iran. Có một số lực lượng dân quân người Kurd ở Syria, trong đó mạnh nhất là các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân, viết tắt theo tiếng Kurd là YPG.
Khi cuộc “xâm lược” do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành diễn ra và thương vong người Kurd tăng lên, các thành viên của Lực lượng Dân chủ Syria (chủ yếu là người Kurd) đã ngày càng phẫn nộ với Mỹ. Một số gọi động thái của ông Trump là phản bội vì đã để mặc họ cho người Thổ Nhĩ Kỳ. Đã có những cuộc biểu tình trong cộng đồng này nhằm phản đối động thái của Tổng thống Trump. Ngoài ra Mỹ còn vấp phải sự chỉ trích từ châu Âu và trong nội bộ vì đã nỡ bỏ rơi đồng minh Kurd, mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tùy ý hành động.
IS có nguy cơ trỗi dậy mạnh mẽ
Tổ chức khủng bố cực đoan “Nhà nước Hồi giáo” (IS) được hưởng lợi từ sự bất ổn mới này. Giờ đây các chiến binh do người Kurd dẫn dắt sẽ gặp khó khăn vì thiếu nhân lực trong việc nhổ bung các ổ chiến binh IS còn sót lại cũng như trong việc canh chừng khoảng 11.000 phiến quân IS đang bị giam giữ trên lãnh thổ do người Kurd kiểm soát hiện nay ở Syria.
Người Kurd còn quản lý hơn một chục trại dành cho các gia đình bị thay đổi chỗ ở, các trại này chứa tổng cộng hàng chục ngàn người, nhiều người trong số đó là vợ con của các chiến binh IS. Sau một cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ mới đây, các tù nhân nữ có mối liên hệ với IS đã nổi loạn tại một trại giam giữ ở Ain Issa. Họ đã đốt cháy lều của mình và xé bỏ hàng rào. Trong tình trạng lộn xộn đó, hơn 800 người đã trốn thoát.
Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào miền bắc Syria vào hôm 9/10, tổ chức khủng bố IS tuyên bố chịu trách nhiệm về ít nhất 2 cuộc tấn công ở Syria: Một vụ đánh bom xe ở thành phố Qamishli (miền bắc Syria) và một cuộc tấn công tương tự nhằm vào một căn cứ quân sự quốc tế ở ngoại ô Hasaka – một thủ phủ khu vực nằm xích về phía nam.
Tổng thống Mỹ Trump đã nhiều lần nói rằng Mỹ đã đưa những phần tử IS nguy hiểm nhất ra khỏi Syria để đảm bảo chúng không trốn thoát được. Nhưng trên thực tế quân đội Mỹ mới chỉ giam được 2 phần tử người Anh – chiếm một nửa số người trong nhóm mang tên “Beatles” đã tra tấn và giết hại các con tin phương Tây, theo nguồn tin của các quan chức Mỹ.
Giới chức Mỹ cho hay, người Kurd đã từ chối cho quân đội Mỹ lấy thêm các tù binh IS từ các điểm giam giữ của người Kurd, bao gồm cả các trường học và nhà tù cũ của chính phủ Syria. Các cơ sở này giam giữ khoảng 11.000 người, trong đó 9.000 phần tử là người Syria hoặc Iraq. Khoảng 2.000 người đến từ khoảng 50 quốc gia khác mà chính phủ của họ từ chối hồi hương các phần tử này.
Mối lo sợ phổ biến hiện nay là các phiến quân IS sẽ đào tẩu và điều này sẽ tạo điều kiện cho sự hồi sinh của IS. Giới chức Kurd cho biết, 5 phần tử IS đã trốn thoát trong cuộc oanh tạc do Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành nhằm vào một nhà tù do họ quản lý ở Qamishli vào hôm 11/10.
Chính quyền Syria được trao cơ hội hiếm có
Chính quyền Mỹ (cả thời Obama lẫn Trump) đều không ưa chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và bấy lâu nay họ ủng hộ các lực lượng đối lập Syria. Trong 5 năm liền, Mỹ dựa vào việc hợp tác với người Kurd để không chỉ đánh lại IS mà còn giới hạn ảnh hưởng của Nga và Iran (cùng ủng hộ chính quyền Syria).
Thế nhưng giới chức người Kurd hôm 14/10 đã cho phép quân đội chính phủ Syria trở lại những vùng rộng lớn của miền bắc Syria, nơi mà quân đội Syria đã không hiện diện trong hơn 5 năm qua. Lực lượng dân quân do người Kurd lãnh đạo cho biết chính quyền Syria có “nghĩa vụ bảo vệ biên giới đất nước và bảo tồn chủ quyền Syria” và họ sẽ triển khai quân dọc theo biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Về mặt chính thức, quân đội Syria sẽ chỉ hỗ trợ người Kurd bảo vệ khu vực của họ trước sự tiến công của quân Thổ Nhĩ Kỳ, còn cuộc sống dân sự vẫn sẽ do chính quyền tự trị người Kurd quản lý. Nhưng nhiều người cho rằng chế độ của Tổng thống Assad và lực lượng an ninh của ông sẽ dễ dàng khôi phục lại kiểm soát đối với khu vực này, mà điều này là điều Mỹ không mong muốn.
Nga và Iran (đều là đối thủ của Mỹ) cũng được hưởng lợi khi đó – họ có điều kiện để mở rộng ảnh hưởng ở vùng này. Nga đang nổi lên với tư cách là nhà trung gian hòa giải chính giữa người Kurd, chính quyền Assad và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 16/10/2019 là 1 AUD = 0.675 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 16/10/2019 là 1 AUD = 15,641 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 34 độ.
Tại Hà Nội, trời nhiều mây, không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 24 đến 30 độ.
Tại Adelaide, trời có mây rải rác, sáng sớm có mưa rào hoặc mưa đá, gió di chuyển với vận tốc từ 15-40 km/h. Nhiệt độ dao động từ 10–18 độ.
Tại Brisbane, trời có mây rải rác, chiều tối có mưa rào hoặc bão, gió di chuyển với vận tốc từ 20-30 km/h. Nhiệt độ dao động từ 20–33 độ.
Tại Sydney, trong ngày có mưa rào, trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 25-40 km/h. Nhiệt độ dao động từ 16–26 độ.
Tại Melbourne, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào hoặc bão, gió di chuyển với vận tốc từ 20-35 km/h. Nhiệt độ dao động từ 9–15 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào