Chương trình Thời sự thứ Tư, 15/01/2020

Cẩm Nhung | 16/01/2020 | 772 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Không khí đầy khói ở Melbourne được xếp ở mức “tồi tệ nhất trên thế giới”

- Victoria: Miễn thuế chôn lấp chất thải cháy rừng cho những người dân bị ảnh hưởng

- Tin Úc: Úc thành lập Ủy ban Hoàng gia Điều tra Hoàng gia về Cháy rừng

- Tin Úc: Giá xăng không chì ở Sydney tăng hơn 26 cent/lít trong bảy ngày qua

- Tin Úc: Các khu trượt tuyết phải sử dụng máy phun tuyết để phòng chống hỏa hoạn

- Victoria: Giải Quần Vợt Úc Mở rộng 2020 – Giải đấu Grand Slam dành cho mọi người

- Victoria: Đơn giản hóa quy trình đăng ký cho trẻ ba tuổi học mẫu giáo

- Fitzroy: Truy nã một người đàn ông tấn công tình dục phụ nữ

- Tin vắn

Tin thế giới:

Bộ Tư pháp Iran cho biết nước này dự kiến kiện Trump, chính phủ và quân đội Mỹ lên Tòa án Công lý Quốc tế vì vụ hạ sát Soleimani. Ngoài Tòa án Công lý Quốc tế, Iran sẽ đệ đơn kiện ở cả nước này và Iraq, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Iran Gholamhossein Esmaeili cho biết. "Quân đội Mỹ rõ ràng đã thực hiện hành vi khủng bố khi ám sát thiếu tướng Soleimani và phó chỉ huy Lực lượng Tổng động viên Iraq (PMU) Abu Mahdi al-Muhandis. Trump đã thú nhận tội ác và đó là lý do chắc chắn nhất để cáo buộc ông ấy", người phát ngôn cho hay. Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ bên ngoài sân bay Baghdad, Iraq, hôm 3/1. Chính quyền Mỹ giải thích quyết định này nhằm ngăn các cuộc tấn công tiềm tàng đe dọa người Mỹ.

Hạ viện Mỹ, hiện do đảng Dân chủ nắm đa số, ngày 15/01 (giờ Mỹ) sẽ bỏ phiếu thông qua việc chính thức chuyển các điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump lên Thượng viện. Phát biểu sau cuộc họp với lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện ngày 14/1, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosy cho biết, bà sẽ chỉ định các nhân vật thực hiện việc truy tố Tổng thống tại phiên tòa xét xử ở Thượng viện. Hiện vẫn chưa rõ bà Nancy Pelosy sẽ chỉ định bao nhiêu người nhưng danh sách này dự kiến bao gồm Chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Adam Schiff và Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler. Sau cuộc bỏ phiếu của Hạ viện ngày 15/1, Thượng viện sẽ gửi trát hầu tòa yêu cầu Tổng thống Trump xuất hiện. Ông Trump sẽ không xuất hiện nhưng có thể sẽ cử nhóm đại diện bao gồm các luật sư riêng của mình tới bào chữa. Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cùng ngày cho biết phiên tòa xét xử tại Thượng viện có thể bắt đầu vào thứ 3 tuần sau.

Ukraine cho biết, 5 quốc gia có công dân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay dân sự ở Tehran sẽ gặp nhau tại thủ đô London của nước Anh vào ngày 16/1. Các nước tới London để bàn về các biện pháp pháp lý đối với Iran, bao gồm cả việc bồi thường và điều tra. Cụ thể, các hãng tin nước ngoài dẫn lời Ngoại trưởng Ukraine Vadym Prystaiko cho biết, Ukraine đã lập nhóm Ngoại trưởng các nước. Cuộc gặp trực tiếp được triển khai nhằm thảo luận về những cách thức, trong đó có pháp lý, cách thức theo đuổi vụ việc này cũng như cách khởi kiện Iran. Ngoài ra, năm nước này cũng sẽ bàn về việc bồi thường cùng công tác điều tra vụ tên lửa Iran bắn rơi máy bay của hãng hàng không Ukraine International Airlines vào tuần trước làm toàn bộ 176 người trên máy thiệt mạng. Trong khi đó, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế cho biết đã chấp nhận đề nghị của Iran đưa ra lời khuyên về chuyên môn để hỗ trợ cho cuộc điều tra. Trong tuyên bố mới nhất ngày 14/1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh, Tehran sẽ "trừng trị" tất cả những đối lượng liên quan đến vụ việc.

Israel ngày 14/1 đã tiến hành không kích căn cứ không quân T-4 ở tỉnh miền Trung Syria, Homs, song không gây thiệt hại lớn. Thông báo của quân đội Syria cho hay máy bay chiến đấu Israel đã bắn nhiều tên lửa về phía căn cứ, phần lớn đã bị hệ thống phòng không Syria đánh chặn. Tuy nhiên, vẫn có 4 tên lửa đánh trúng căn cứ. Thông báo cũng cho hay vụ tấn công được thực hiện từ hướng khu vực al-Tanf ở miền Đông Nam Syria, nơi đặt một căn cứ Mỹ. Trong khi đó, hãng thông tấn SANA của Syria cho hay vụ tấn công đã gây thiệt hại tại sân bay quân sự T-4, song không gây thương vong về người. Người phát ngôn quân đội Israel không bình luận về tuyên bố của Syria. Đây là vụ không kích mới nhất của Israel nhằm vào các địa điểm quân sự ở Syria, mà phía Israel thường tuyên bố là nhưng vị trí đồn trú của các tay súng được Iran hậu thuẫn. Bên cạnh đó, đây cũng là vụ tấn công đầu tiên diễn ra sau vụ Mỹ sát hại Tướng Iran, Qasem Soleimani, tại Iraq hồi đầu tháng này.

Tân Hoa xã đưa tin nghị sỹ Mohamed Abou Hamid cho biết Quốc hội Ai Cập ngày 14/1 đã thông qua lệnh gia hạn 3 tháng tình trạng khẩn cấp vốn đã được áp đặt trước đó do những thách thức an ninh đối với đất nước. Ông Hamid nói với Tân Hoa xã rằng quốc hội đã phê chuẩn sắc lệnh của tổng thống về gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 3 tháng nữa, bắt đầu từ ngày 27/1 tới. Theo sắc lệnh này, quân đội và cảnh sát nên có các biện pháp cần thiết để đối phó với khủng bố và duy trì an ninh trên toàn quốc. Tình trạng khẩn cấp được áp dụng lần đầu tiên vào tháng 4/2017 sau khi xảy ra 2 vụ đánh bom nhà thờ làm 47 người thiệt mạng. Lệnh trừng phạt đã được duy trì kể từ đó. Theo hiến pháp Ai Cập, các quyết định của tổng thống nhằm gia hạn tình trạng khẩn cấp phải được quốc hội phê chuẩn.

Ngày 14/1, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar thông báo nước này sẽ tổ chức tổng tuyển cử sớm vào đầu tháng Hai tới. Thủ tướng Varadkar nêu rõ thời điểm 8/2 được ấn định là thích hợp để tổ chức bầu cử. Ông đồng thời cho biết sẽ đề nghị Tổng thống Michael D. Higgins giải tán quốc hội để tiến hành tổng tuyển cử. Các cuộc thăm dò cho thấy mức ủng hộ dành cho đảng Fine Gael của Thủ tướng Varadkar và đảng trung hữu Fianna Fail là ngang bằng nhau, qua đó cho thấy nhiều khả năng một trong hai đảng với chính sách tương đồng về kinh tế và Brexit này, sẽ dẫn dắt chính phủ mới.

AFP đưa tin Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 14/1 đã bác yêu cầu của chính quyền Scotland về quyền hạn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về độc lập tách khỏi Vương quốc Anh. Trong bức thư gửi tới Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon, nhà lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland (SNP), ông Johnson lưu ý rằng cuộc trưng cầu dân ý trước đó được tổ chức vào năm 2014 đã được coi là cuộc bỏ phiếu "một lần trong một thế hệ." Trong cuộc bỏ phiếu này, cử tri Scotland đã không đồng ý tách khỏi Vương quốc Anh. Chính quyền trung ương ở London sẽ tiếp tục tôn trọng quyết định của người dân Scotland và lời cam kết mà chính quyền vùng đã đưa ra trước người dân. Vì vậy, ông Johnson không thể chấp thuận bất kỳ yêu cầu chuyển giao quyền lực nào dân tới việc tiếp tục tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân khác về vấn đề này. Bà Sturgeon cho biết chính quyền vùng sẽ có phản ứng và các bước đi tiếp theo trước cuối tháng này và sẽ tiếp tục yêu cầu nghị viện vùng ủng hộ quyền của người dân lựa chọn tương lai cho mình.

Ngày 14/1, Tổng tống Venezuela Nicolas Maduro cho biết đã kiến nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia (CNE) mời Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU) tham gia giám sát cuộc bầu cử quốc hội tại quốc gia Nam Mỹ dự kiến được tổ chức vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Tổng thống Maduro cũng tuyên bố Tổng Thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) Luis Almagro và các quan chức của tổ chức khu vực này sẽ không được phép đến Caracas trong thời gian bầu cử vì thái độ thù địch với Venezuela. Nhà lãnh đạo cánh tả Venezuela cũng kêu gọi Bàn đối thoại quốc gia với sự tham gia của chính phủ và một bộ phận phe đối lập cần phải tiếp tục củng cố hoạt động để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các vấn đề của đất nước, chấm dứt các hoạt động gây hấn làm bất ổn tình hình đất nước.

Ngày 14/1, Chính phủ Đức xác nhận quốc gia này sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về cuộc xung đột tại Libya vào cuối tuần này. Nước chủ nhà đã mời đại diện 11 quốc gia, trong đó có Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, tới tham dự hội nghị. Đức cũng mời đại diện của các bên đối lập tại Libya, gồm Tướng Khalifa Haftar - Chỉ huy Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tự xưng - và người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) ở Tripoli Fayez al-Sarraj, nhưng chưa nhận được phản hồi từ hai bên. Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Đức Angela Merkel nêu rõ tiến trình này nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Liên hợp quốc để tháo gỡ cuộc khủng hoảng Libya cũng như tiến trình hòa giải tại quốc gia này. Libya hiện tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA do Thủ tướng Fayez al-Sarraj đứng đầu hoạt động ở thủ đô Tripoli và được Liên hợp quốc công nhận, trong khi LNA của Tướng Haftar hậu thuẫn chính quyền ở miền Đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi LNA được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.

Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Robert O'Brien xác nhận, Mỹ đã gửi thông điệp muốn nối lại đối thoại với CHDCND Triều Tiên. Ông O'Brien cho rằng, việc Triều Tiên không thực hiện lời cảnh báo về "món quà Giáng sinh" là một tín hiệu tích cực. Mỹ đã có cuộc tiếp xúc với Triều Tiên và cho biết mong muốn tiếp tục các cuộc đàm phán ở Stockholm (Thụy Điển). Mỹ mong muốn giữ cho các cuộc đàm phán này đi đúng hướng. Trong khi đó, Triều Tiên tiếp tục khẳng định rõ lập trường của mình, tuyên bố các cuộc đối thoại với Mỹ chỉ có thể được nối lại sau khi Mỹ chấp nhận hoàn toàn mọi yêu cầu của Bình Nhưỡng. Điều này báo hiệu lập trường cứng rắn của Triều Tiên trước khi tham gia vào bất cứ cuộc đàm phán mới nào. Trước đó, phía Triều Tiên cho biết đã nhận được lời chúc mừng sinh nhật mà Tổng thống Trump gửi đến Chủ tịch Kim Jong-un, nhưng mối quan hệ cá nhân của họ không đủ để nối lại đối thoại song phương.

Tổng thống Indonesia trong chuyến thăm Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất UAE đã mời gọi thế giới "mang những công nghệ tốt nhất" tới thủ đô mới của Indonesia. Thủ đô mới của nước này ước tính sẽ có 6-7 triệu dân, được xây dựng theo hướng thành phố thông minh, bền vững, ít khí carbon... Thủ đô Jakarta hiện là thành phố lớn nhất ở Indonesia với dân số gần 10 triệu người. Tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại đây khiến nền kinh tế hàng năm của quốc gia này thiệt hại tới 7,04 tỷ USD. Hơn nữa, do vị trí địa lý nằm ở vùng đất thấp nên Jakarta thường xuyên bị ngập lụt khi triều cường. Thủ đô này đang chìm dần vào nước biển, trung bình 18 cm mỗi năm. Do đó, tháng 8/2019, dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học và địa chất, Tổng thống Indonesia thông báo quyết định chuyển thủ đô mới của nước này đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo.

Cảnh sát Đức ngày 14/1 đã tiến hành một loạt cuộc đột kích trên cả nước, truy bắt các phần tử cực đoan đang âm mưu thực hiện một vụ tấn công lớn tại nước này. Các cuộc đột kích được thực hiện trên khắp 4 bang của nước Đức, nhằm vào các đối tượng tình nghi có tư tưởng Hồi giáo cực đoan gốc Chechnya. Nhiều tang vật đã bị thu giữ và hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người bị bắt giữ. Cảnh sát Đức cho biết, thông tin chi tiết về chiến dịch truy quét sẽ được công bố sau khi chiến dịch kết thúc.

Tin thể thao:

U23 Australia - U23 Bahrain, lượt cuối bảng A vòng bảng U23 châu Á: Sau chiến thắng trước U23 Thái Lan, U23 Úc tỏ ra rất tự tin ở trận đấu với U23 Bahrain. 45 phút đầu tiên chứng kiến sự chủ động của U23 Australia. Phút 34, U23 Australia có bàn mở tỷ số nhờ Ramy Najjarine. Tuy nhiên, những phút sau đó U23 Australia để mất thế trận vào tay U23 Bahrain. Và đến phút 45+3, Mohamed Marhoon gỡ hòa cho đội bóng Tây Á bằng một tuyệt phẩm đá phạt. Hiệp 1 kết thúc với tỷ số hòa 1-1. Sang hiệp đấu thứ 2, họ đã dâng cao đội hình để tìm kiếm bàn thắng thứ hai, tuy nhiên U23 Úc đã phòng ngự rất chặt. Tỉ số 1-1 được giữ nguyên sau 90 phút thi đấu. Kết quả này giúp U23 Australia đi tiếp với vị thế đội dẫn đầu bảng A, có 5 điểm sau 3 trận. Trong khi đó, U23 Thái Lan với kết quả hòa 1-1 trong trận đấu cùng giờ với U23 Iraq, giành chiếc vé thứ hai vào vòng knock-out với 4 điểm sau 3 trận. U23 Iraq và U23 Bahrain cùng nhau bị loại.

Lukaku lập cú đúp, Inter thắng Cagliari 4-1: Inter Milan đã giành vé vào vòng 1/8 Coppa Italia mùa này sau khi đánh bại Cagliari trên sân nhà với tỉ số 4-1. Romelu Lukaku đã mở tỉ số ở phút thứ 1 của trận đấu. Borja Valero nhân đôi cách biệt cho Inter ở phút thứ 22. Bước sang hiệp 2, Lukaku lần thứ 2 điền tên lên bảng tỉ số ở phút 49. Christian Oliva đã rút ngắn tỉ số xuống còn 1-3 cho Cagliari ở phút 72. 10 phút trước khi trận đấu kết thúc, Ranocchia đã ghi bàn ấn định tỉ số trận 4-1 cho Inter.

Tottenham giành vé vào vòng 4 FA Cup: CLB Tottenham đã giành vé vào vòng 4 FA Cup mùa này sau khi đánh bại Middlesbrough với tỉ số 2-1 ở trận đá lại. Đội bóng của HLV Jose Mourinho đã mở tỉ số ở phút thứ 2 nhờ công của Lo Celso. Phút thứ 15 của trận đấu, Erik Lamela nhân đôi cách biệt cho Spurs. Middlesbrough có bàn thắng rút ngắn tỉ số ở phút thứ 83 nhờ công của George Saville nhưng đó là không đủ để ngăn Tottenham giành vé đi tiếp. Đối thủ tiếp theo của Tottenham ở FA Cup là Southampton. Hai đội sẽ gặp nhau vào ngày 25/1 tới.

MU muốn mua Maddison, Grealish và Van de Beek: MU đang muốn mua một cầu thủ kiến thiết mới và họ đã đưa Van de Beek, Jack Grealish và James Maddison vào tầm ngắm. MU được cho là có thể phải bán Paul Pogba vào mùa Hè tới, vì vậy, họ muốn đưa về một tiền vệ tấn công để thay thế cầu thủ người Pháp. James Maddison (Leicester City), Donny van de Beek (Ajax) và Jack Grealish (Aston Villa) đều có mặt trong danh sách mua sắm của MU. Trong đó, Van de Beek có hợp đồng với Ajax đến năm 2022. Tuy nhiên MU chỉ có thể mua được cầu thủ này nếu như họ giành được vé dự Champions League. Trong khi đó, khả năng chiêu mộ được James Maddison của MU là không cao. Cầu thủ trẻ này đang xem xét việc gia hạn hợp đồng với Leicester, đội bóng đang có mặt ở Top 4 và nhiều khả năng tham dự Champions League mùa sau.

Milan chính thức chiêu mộ Simon Kjaer: AC Milan vừa hoàn tất vụ chuyển nhượng trung vệ Simon Kjaer từ Sevilla theo dạng cho mượn có thời hạn 6 tháng kèm điều khoản mua đứt. Trước khi sang Milan, Kjaer đang đá cho Atalanta theo dạng cho mượn từ Sevilla. Trung vệ 30 tuổi này mới đá 5 trận trên mọi đấu trường cho Atalanta mùa này. Trước khi mượn Kjaer, Milan đã để Mattia Caldara sang chính Atalanta với hợp đồng cho mượn 18 tháng kèm điều khoản mua đứt. Kjaer có kinh nghiệm đá Serie A cho Palermo và Roma đồng thời có 97 lần khoác áo đội tuyển Đan Mạch. Ở vị trí thủ môn, Milan đã cho Aston Villa mượn Pepe Reina đồng thời mượn Asmir Begovic từ Bournemouth.

Inter Milan đạt thỏa thuận cá nhân với Eriksen: Trang tin Calciomercato cho biết CLB Inter Milan đã đạt được thỏa thuận cá nhân với Christian Eriksen, cầu thủ của Tottenham. Ngôi sao 27 tuổi người Đan Mạch nhiều khả năng sẽ chuyển sang Inter Milan trong tháng Giêng này. Eriksen sẽ hết hợp đồng với Tottenham vào cuối mùa giải này. Cầu thủ người Đan Mạch đã thông báo với CLB rằng anh không muốn gia hạn hợp đồng và sẽ chuyển sang đội bóng khác. Hiện tại, Inter Milan chưa đạt được thỏa thuận về mức phí chuyển nhượng của Eriksen với Tottenham. Inter đã đưa ra lời đề nghị trị giá 10 triệu euro, trong khi Tottenham muốn bán Eriksen với giá khoảng 20 triệu euro.

Arsenal tính gây sốc với John Stones: Theo báo Anh, Arsenal đang cân nhắc chiêu mộ trung vệ bị thất sủng ở Man City John Stones để củng cố hàng thủ. Arsenal đang sở hữu hàng thủ rất tệ và họ cũng vừa để Konstantinos Mavropanos gia nhập Nurnberg theo dạng cho mượn. Do đó, HLV Mikel Arteta muốn bổ sung gấp một trung vệ chất lượng trong tháng Một này và ông đã để mắt tới Stones. Thực ra Arteta không hề xa lạ với Stones khi ông từng huấn luyện cầu thủ này lúc còn làm trợ lý cho Pep Guardiola ở Man City. Bản thân Stones cũng muốn rời Man City để được ra sân nhiều hơn, qua đó kiếm suất dự EURO 2020. Dù Vincent Kompany đã rời Man City còn Laporte chấn thương dài hạn nhưng Stones vẫn không được thường xuyên đá chính. Thậm chí trung vệ 25 tuổi này còn xếp sau cả 2 tiền vệ phòng ngự là Fernandinho và Rodri cho vị trí trung vệ.

"Siêu cò" Raiola muốn làm đại diện cho Rashford. Sau khi đạt được thỏa thuận làm đại diện cho Lingard, mới đây Raiola cũng đã nói chuyện với Rashford để được làm người đứng ra đàm phán hợp đồng cho cầu thủ này. Điều này khiến các CĐV "Quỷ đỏ" lo lắng vì đây đang là chân sút tốt nhất mà MU có vào thời điểm này với 14 bàn và 4 kiến tạo tại Premier League.

Hỏa hoạn tại Australia thời gian qua khiến nhiều người lo ngại giải Grand Slam đầu tiên phải hoãn do ảnh hưởng của khói bụi từ các đám cháy rừng. Mặc dù vậy, ban tổ chức Australian Open vẫn quyết định giải đấu diễn ra theo đúng dự kiến. Tuy nhiên, sự việc đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Tay vợt Dalila Jakupovic đã buộc phải bỏ dở trận đánh vòng sơ loại với Stefanie Voegele do không thể thở được bởi điều kiện thi đấu tràn ngập khói bụi. Không chỉ Jakupovic gặp vấn đề về sức khỏe, Eugenie Bouchard cũng cần có sự chăm sóc của các bác sĩ do gặp khó khăn về hô hấp. Nhiều người đã và đang lên tiếng về tình trạng không khí tồi tệ tại Melbourne, nơi Australian Open được tổ chức. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, khả năng Australian Open 2020 sẽ bị lùi thời gian hoặc hủy bỏ là có thật. Bởi nếu như ban tổ chức không hủy thì các tay vợt cũng sẽ bỏ giải khi nghĩ tới tình hình sức khỏe của chính mình.

Năm lý do căng thẳng Mỹ - Iran khó có thể chấm dứt

Dù đã có những dấu hiệu "xuống thang", song sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran khó có thể chấm dứt. Rất may, cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Iran sau cái chết của tướng Qasem Soleimani đã không leo thang thành một cuộc chiến toàn diện.

Nếu hiểu theo cách trên, dường như 2 nước đã có sự xuống thang. Nhưng thực tế, truyền thông đã phân tích 5 yếu tố cơ bản khiến mâu thuẫn giữa 2 nước còn lâu mới chấm dứt.

Việc xuống thang chỉ mang tính tạm thời

Những gì một số nhà phân tích cho là một sự xuống thang đều không hoàn toàn đúng. Giới lãnh đạo của Iran, choáng váng đến cùng cực sau cái chết của tướng Soleimani, đã tìm mọi cách để trả thù. Một trong những động thái cho việc này là bắn hàng loạt tên lửa vào các căn cứ của Mỹ tại Iraq. Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế mang tính thực tiễn và chính trị về hành động này. Nó cho thấy Iran đang mất cân bằng, muốn giải quyết nhanh mọi thứ, và không muốn bắt đầu một cuộc chiến toàn diện, dù người phát ngôn của nước này nhiều lần nói rõ ràng mọi thứ sẽ không dừng lại ở đây.

Cũng có ý kiến ​​cho rằng việc Iran sẵn sàng nhận trách nhiệm về việc bắn hạ máy bay chở khách của Ukraine là một nỗ lực khác nhằm giảm căng thẳng với Mỹ. Đây cũng là một nhận định sai lầm.

Phản ứng tự nhiên của Iran ban đầu là từ chối bất kỳ sự liên quan đến vụ tai nạn. Chỉ đến khi Mỹ tuyên bố nguồn tin tình báo của nước này chứng minh điều ngược lại, chỉ khi các nhà điều tra Ukraine tìm thấy bằng chứng về một cuộc tấn công tên lửa và chỉ khi các nhà điều tra độc lập chứng minh tính xác thực của video quay lại cảnh chiếc máy bay bị bắn hạ, Iran có rất ít sự lựa chọn nào khác ngoài việc thừa nhận. Thật vậy, khi đưa những máy ủi đến dọn dẹp đống đổ nát từ nơi xảy ra vụ tai nạn, rõ ràng Iran biết chính xác những gì vừa xảy ra. Nếu đó chỉ đơn thuần là một vụ tai nạn, thì không có lý do để chính quyền Tehran gây ảnh hưởng đến các mảnh vỡ tại hiện trường.

Chính quyền của nhà nước Hồi giáo này còn đau đầu với các vấn đề nội bộ. Chỉ vài tháng trước, một làn sóng phản đối tình trạng tham nhũng và nền kinh tế suy sụp đã bùng nổ. Những vấn đề trong nước mới khiến Iran trở nên thất thế, chứ không phải nước này thực sự muốn xuống thang với Mỹ.

Chính sách của Mỹ không thay đổi

Tại sao Mỹ lại sát hại tướng Soleimani và cố gắng ám sát một quan chức cấp cao khác của Iran ở Yemen? Để đưa ra lời giải thích mang tính pháp lý, nước này cho rằng hành động trên nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công nghiêm trọng sắp xảy ra nhằm chống lại các lợi ích của Mỹ. Lập luận này đã không thuyết phục được nhiều nhà phân tích hoặc những người chỉ trích Tổng thống Donald Trump. Nhiều khả năng các cuộc tấn công là một nỗ lực để thiết lập lại một lằn ranh răn đe rõ ràng. Trong ngắn hạn, điều này có thể sẽ phát huy hiệu quả. Iran sẽ phải điều chỉnh các động thái trong tương lai của mình một cách cẩn trọng.

Tuy nhiên, dù vẫn gửi lời đe dọa gây tàn phá đối với Iran, Tổng thống Donald Trump cũng đồng thời đánh tiếng muốn rời khỏi Trung Đông, vì ông chỉ coi đây là vấn đề của các nước trong khu vực. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm trọng lực của bất kỳ thông điệp răn đe nào của Mỹ được gửi đi. Mỹ vẫn sẽ tiếp tục làm tê liệt nền kinh tế Iran. Nhưng điều này sẽ không đưa Iran ngồi vào bàn đàm phán, mà chỉ thôi thúc Tehran tiếp tục tấn công bằng cách thực hiện một chiến dịch gây áp lực tối đa của riêng nước này. Vì vậy, dù Mỹ muốn cắt giảm nguồn lực triển khai cho khu vực Trung Đông, nhưng đồng thời vẫn muốn tăng gấp đôi áp lực đối với Tehran, nước này khó có thể đạt được cả 2 mục đích trên.

Các mục tiêu chiến lược của Iran vẫn được bảo toàn

Dù nền kinh tế của Iran có thể đang ọp ẹp và nhiều công dân của họ có thể ngày càng trở nên bất mãn, nhưng bối cảnh cho một cuộc cách mạng dường như là điều không tưởng. Chế độ thần quyền tại Iran hiện tại vẫn khó có thể suy yếu. Các tổ chức vũ trang như Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) còn quá mạnh. Mục tiêu chiến lược của Iran là đẩy lui Mỹ ra khỏi khu vực Trung Đông, ít nhất là tại Iraq, và điều này càng trở nên rõ ràng hơn so với trước thời điểm tướng Qassem Soleimani bị sát hại.

Ít nhất, từ quan điểm của chính quyền Iran, chính sách của nước này vẫn có một số thành công đáng chú ý, như bảo vệ được chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria và cho phép mở ra một mặt trận mới để chống lại Israel. Điều này đã gây ảnh hưởng đáng kể đối với nước láng giềng Iraq. Do những mâu thuẫn trong chính sách của Tổng thống Trump, các đồng minh của Mỹ trong khu vực đang cảm thấy ngày càng bị cô lập. Ả rập Saudi gần đây đã phải mở một số kênh cuộc đối thoại cấp thấp với Tehran, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang đi theo con đường riêng của mình và thiết lập mối quan hệ mới với Nga. Chỉ có chính phủ Israel dường vẫn nghĩ rằng vụ sát hại Soleimani thể hiện cam kết mới của Tổng thống Trump trong khu vực.

Họ có thể sẽ thất vọng. Những bất đồng trong vấn đề ​​nội bộ và một nền kinh tế suy sụp chỉ càng thúc đẩy IRGC gia tăng áp lực lên Mỹ theo thời gian. Iran dù vừa phải chịu 2 cú đánh chí mạng, nhưng nước này vẫn có đủ khôn ngoan để thực hiện các hành vi trả đũa.

Mâu thuẫn trong vị thế của Iraq

Dấu hiệu chỉ ra lối thoát cho quân đội Mỹ ở Iraq giờ đây lại rõ ràng và sáng sủa hơn bao giờ hết. Chính phủ lâm thời của Iraq đang gặp khủng hoảng khi phải hứng chịu làn sóng phản đối từ người dân. Nhiều người không hài lòng với cả sự hiện diện của Mỹ và ảnh hưởng của Iran tại quốc gia này. Một cuộc bỏ phiếu không ràng buộc của Quốc hội Iraq đã đặt vấn đề rút quân Mỹ vào chương trình nghị sự. Để đáp trả, Tổng thống Trump đe dọa sẽ đóng băng các quỹ của chính phủ Iraq trong các ngân hàng Mỹ nếu họ buộc lính Mỹ phải rời đi.

Vấn đề ở đây là sự can dự của Mỹ vào tình hình tại Iraq. Khi các lực lượng của nước này và các đồng minh nhận nhiệm vụ truy quét các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq, đây luôn được coi là một nhiệm vụ dài hơi. Kể cả khi IS bị tiêu diệt hoàn toàn, các ​​lực lượng Mỹ dự kiến vẫn sẽ còn ở lại trong nhiều năm nữa. Nếu Mỹ rút quân, điều này không chỉ gây nguy cơ hồi sinh của IS, mà còn làm cho sự hiện diện của Mỹ ở phía đông Syria trở nên khó khăn hơn, vì phần lớn sự hỗ trợ cho các lực lượng Mỹ tại khu vực này đến từ các căn cứ tại Iraq. Cuộc tranh luận về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Trung Đông dù mới chỉ bắt đầu, nhưng nếu Mỹ thua, Iran sẽ là nước giành phần thắng.

Thỏa thuận hạt nhân đang gặp rắc rối thực sự

Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng mới nhất này bắt đầu từ tháng 5.2018, khi chính quyền Tổng thống Trump đơn phương từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Kể từ đó, Mỹ đã áp dụng tối đa áp lực lên nền kinh tế của Iran, và nước này đã theo đuổi một chiến dịch gây áp lực lên khu vực của riêng mình bằng việc né tránh các chế tài trong thỏa thuận hạt nhân bằng nhiều cách khác nhau. Thỏa thuận này rất quan trọng, vì trước đó, nguy cơ chiến tranh trở nên hiện hữu hơn khi Israel được cho là sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.

Iran sẽ cố gắng giữ các bên ký kết khác ở lại thỏa thuận càng lâu càng tốt. Nhưng đây là một cuộc khủng hoảng mang tính dây chuyền. Bất chấp những nỗ lực của châu Âu, dường như không còn cách nào khác để giảm bớt áp lực kinh tế đối với Tehran. Cuối cùng, thỏa thuận có thể sụp đổ và trong thời gian đó, Iran có thể tiến gần hơn đến việc chế tạo thành công bom hạt nhân

Nhưng dù bất cứ điều gì xảy ra với thỏa thuận này, các chính sách của Tổng thống Trump sẽ càng kéo Mỹ trở lại Trung Đông bất chấp việc giới chức an ninh Mỹ đang cố gắng tránh xa khu vực này.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 15/01/2020 là 1 AUD = 0.689 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 15/01/2020 là 1 AUD = 15,984 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời quang đãng, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 24 đến 34 độ.

Tại Hà Nội, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 17 đến 24 độ.

Tại Adelaide, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15–25 độ.

Tại Brisbane, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 23–29 độ.

Tại Sydney, trời có mây rải rác, chiều tối có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21–28 độ.

Tại Melbourne, trời nhiều mây, buổi sáng có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 16–19 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này