Chương trình Thời sự thứ Tư, 14/11/2018

| 14/11/2018 | 429 Lượt nghe


Tin nước Úc:

- Victoria: Cựu Thủ tướng Úc John Howard hỗ trợ chiến dịch tranh cử của đảng Tự do ở tiểu bang
- Victoria: Tôn vinh những người cao niên gốc Việt tại tiểu bang
- Victoria: Đảng Lao động đưa ra cam kết mới về y tế nhằm thu hút sự ủng hộ của các gia đình trẻ tuổi
- Burwood East: Lợi dụng chủ nhà ngủ say, trộm đột nhập vào nhà để lấy tài sản
- Burwood: Cảnh sát kêu gọi người dân hỗ trợ điều tra về một vụ tai nạn
- Victoria: Một cuộc tranh luận dấy lên sau vụ tấn công khủng bố trên đường Bourke Street
- Tin Úc: Thủ tướng Úc đến thăm quán cà phê của nạn nhân qua đời trong vụ tấn công hôm 9/11
- Victoria: Liên đảng cam kết sẽ cấm những kẻ cực đoan đến khu vực trung tâm thành phố Melbourne
- Triển khai chương trình thí điểm mới để gia tăng số lượng nhà ở xã hội tại Victoria
- Tin vắn

Tin Thế giới:


Ngày 13/11, Liên đoàn Arab (AL) đã lên án những diễn biến bạo lực leo thang
ở Dải Gaza vốn khiến 6 người Palestine thiệt mạng. Trợ lý Tổng thư ký AL Saeed Abu Ali đã quy trách nhiệm cho phía Israel về những hậu quả của hành động “gây hấn.” Ông Abu Ali kêu gọi cộng đồng quốc tế ngay lập tức can thiệp để "ngăn chặn hành động gây hấn của Israel và để quốc tế bảo vệ nhân dân Palestine." Theo Bộ Y tế Palestine, số người thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel nhằm vào Dải Gaza kể từ ngày 11/11 đã lên tới 13 người, tất cả là những tay súng thuộc các nhóm vũ trang ở Gaza, cùng với 30 người khác bị thương. Cùng ngày, Cairo đã kêu gọi Israel và Palestine ngừng leo thang bạo lực ở Dải Gaza.

Đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour cho rằng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không chịu trách nhiệm giải quyết tình hình đang leo thang tại Dải Gaza. Đại sứ Kuwait tại Liên hợp quốc Mansour Ayyad al Otaibi cho biết Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không thể tìm ra một giải pháp trong cuộc họp khẩn nói trên nhằm giải quyết tình hình tại Dải Gaza. Xung đột giữa Israel và Gaza bùng phát ngày 13/11 sau khi một chỉ huy Hamas bị thiệt mạng trong một chiến dịch bí mật của Israel. Sau đó, các chiến binh đã bắn ít nhất 460 quả rocket nhằm vào Israel, trong khi Tel Aviv tiến hành không kích vào 160 mục tiêu ở Gaza để trả đũa.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 13/11 đã công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah và các mạng lưới mà Washington cho là có liên quan đến Iran tại Iraq. Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ mục đích trừng phạt là nhằm ngăn cản Hezbollah lợi dụng Iraq để rửa tiền, mua vũ khí, huấn luyện tay súng, thu thập thông tin tình báo cho Iran. Cũng theo bộ trên, Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với bất kỳ người nào hỗ trợ Hezbollah cũng như các mạng lưới hỗ trợ phong trào này trên khắp thế giới. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ đã liệt Jawad Nasrallah, con trai của thủ lĩnh phong trào Hezbollah Hassan Nasrallah, cùng Lữ đoàn Al-Mujahidin (AMB) vào danh sách "các phần tử khủng bố toàn cầu".

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 13/11 chỉ trích chương trình phát triển tên lửa tầm trung của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh tham gia Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Người đứng đầu NATO cũng bày tỏ mong muốn mở rộng INF để Trung Quốc có thể tham gia. INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô ký năm 1987 nhằm tiêu hủy các loại tên lửa phóng từ mặt đất có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.

Nhật Bản đã đệ đơn lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) kiện Hàn Quốc trợ giá trái phép cho các công ty đóng tàu nước này. Trong đơn kiện công bố ngày 13/11, Nhật Bản cho rằng các biện pháp mà Hàn Quốc áp dụng liên quan đến sự phát triển, sản xuất, kinh doanh tàu vận tải thương mại, trong đó có cả tàu chuyên vận chuyển dầu mỏ, khí đốt hóa lỏng và tàu vận chuyển container. Theo nguyên đơn Nhật Bản, Hàn Quốc đã có loạt biện pháp hỗ trợ các hãng đóng tàu nước này như hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ hoạt động kinh doanh và thậm chí hỗ trợ cả các khách hàng trong thời gian khó khăn tài chính. Hàn Quốc chưa bình luận về thông tin trên và nước này có 60 ngày để dàn xếp vụ việc. Sau thời gian này, Nhật Bản có thể yêu cầu WTO ra phán quyết.

Ngày 14/11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã rời Tokyo, bắt đầu chuyến công du một loạt nước Đông Nam Á, châu Đại Dương và tham dự Hội nghị cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 33 cũng như tiến hành các cuộc hội đàm song phương với các nhà lãnh đạo thế giới bên lề sự kiện chính trị này. Theo kế hoạch, trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày, ông Abe dự kiến sẽ thảo luận về những thách thức trong khu vực, trong đó có vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và tầm quan trọng của tự do hóa thương mại trong bối cảnh sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/11 đã đề xuất miễn thị thực đi lại trong phạm vi liên minh đối với công dân Anh cũng như đang tăng cường các biện pháp chuẩn bị trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận "ly hôn." Để có thể có hiệu lực, đề xuất trên phải được Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU thông qua. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định đàm phán đang ở trong giai đoạn cuối cùng. Tuy nhiên, hai bên vẫn bất đồng liên quan đến vấn đề biên giới Ireland. Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh David Lidington tuyên bố một thỏa thuận về Brexit giữa Anh và EU hiện "gần như đang trong tầm tay."

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/11 đã chỉ định Tướng quân đội về hưu John Abizaid làm Đại sứ Mỹ tại Saudi Arabia, giữa lúc Washington phải đối mặt với sức ép có phản ứng về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi bên trong Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông Abizaid phải được Thượng viện thông qua vị trí này. Ngoài vụ bê bối về cái chết của nhà báo Khashoggi, Washington cũng phải đối mặt với những chỉ trích từ các nghị sỹ nước này vì đã ủng hộ sự can thiệp quân sự của Saudi Arabia trong cuộc nội chiến tại Yemen. Mỹ đã không có một đại sứ nào tại Saudi Arabia kể từ khi ông Trump nhận chức Tổng thống vào tháng 1/2017.

Các nguồn tin ngoại giao ở Seoul ngày 14/11 cho biết Đặc phái viên Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên Lee Do-hoon đang muốn thăm Washington vào đầu tuần tới, để bàn về việc cho ra mắt một "nhóm công tác" với Mỹ nhằm điều phối chặt chẽ hơn giữa hai nước này trong phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Ông Lee Do-hoon đã bàn bạc lịch trình gặp gỡ với người đồng cấp Mỹ Stephen Biegun để điều chỉnh những chi tiết của việc thành lập kênh đối thoại này. Trong chuyến thăm của ông Biegun tới Seoul cuối tháng trước, Hàn Quốc-Mỹ đã nhất trí thành lập nhóm công tác này để trao đổi "thường xuyên, có hệ thống và chính thức" về phi hạt nhân hóa, các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng và giao lưu liên Triều.

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 13/11 cho rằng Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ chỉ hoạt động nếu tất cả các quốc gia thành viên thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, vì một nền tài chính bền vững. Phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP), Thủ tướng Đức cảnh báo nguy cơ mất sức mạnh và ổn định của khu vực Eurozone, trong khi nhấn mạnh hạn chót để Italy điều chỉnh lại kế hoạch ngân sách của nước này. Cũng trong phiên họp của EP, bà Merkel cho rằng thuế của EU đánh vào các hãng công nghệ chỉ nên được áp dụng nếu những nỗ lực toàn cầu gặp thất bại. Theo Thủ tướng Đức, nếu những nỗ lực này không hiệu quả thì phải hành động ở cấp độ châu Âu. Bà Merkel khẳng định đây là những điều Đức đang thúc đẩy.

Ngày 13/11, một vụ xả súng đã xảy ra gần một trường trung học ở thành phố Houston, thuộc bang Texas ở miền Nam nước Mỹ, khiến một học sinh nam thiệt mạng. Trong khi đó một nữ sinh 15 tuổi, người đi cùng nạn nhân nam chỉ bị thương nhẹ. Hai nạn nhân trên đã bị 3 người tiếp cận khi họ đang đi bộ qua trường Lamar. Một trong 3 người đã nã nhiều phát đạn, tuy nhiên chưa rõ đây có phải là một vụ tấn công có chủ đích hay không. Thông báo khẩn đã ngay lập tức được gửi tới các phụ huynh học sinh sau khi vụ việc xảy ra. Cả 2 trường học trên đã hạn chế tối đa mọi hoạt động ra vào, đồng thời hủy các hoạt động ngoại khóa.

Ngày 13/11, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo Moscow
sẽ không cử đoàn tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos (Thụy Sĩ) vào tháng 1/2019 tới nếu các nhà tư bản hàng đầu của Nga bị cấm tham dự. Hội nghị thường niên 2019 Diễn đàn Kinh tế thế giới, còn gọi là Diễn đàn Davos 2019, sẽ diễn ra từ 22-25/1/2019 tại Davos. Chủ đề của Hội nghị Davos 2019 sẽ là “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình kiến trúc toàn cầu trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019 sẽ quy tụ 3.000 nhà lãnh đạo từ mọi lĩnh vực xã hội, các đại diện hàng đầu của hơn 100 chính phủ và 1.000 doanh nghiệp.

Tin Thể thao:

Tháng tới, danh hiệu Quả bóng Vàng sẽ được chính thức công bố. Hiện tại, cuộc đua danh hiệu cá nhân cao quý này vẫn đang trong giai đoạn bỏ phiếu với hơn phân nửa số phiếu bầu đã được bình chọn. Mới đây, nhà báo Eric Mamruth tiết lộ trên trang cá nhân Twitter rằng Cristiano Ronaldo không nằm trong Top 3 khi số phiếu bầu ở nửa đầu đợt bầu chọn được kiểm. Số liệu ban đầu cho thấy Luka Modric và Raphael Varane (đều đang khoác áo Real Madrid) là những người đang dẫn đầu trong cuộc đua Quả Bóng Vàng. Tài năng trẻ người Pháp Kylian Mbappe xếp thứ ba.

Real Madrid đã chính thức bổ nhiệm Santiago Solari làm HLV chính thức của đội bóng. Hai bên đã đặt bút ký vào thoả thuận có thời hạn tới Hè 2021. Real quyết định đặt niềm tin vào Solari khi chứng kiến thành tích của ông trong vai trò HLV tạm quyền, thay thế Julen Lopetegui bị sa thải. Bốn trận được Solari dẫn dắt, Real toàn thắng, ghi được 15 bàn thắng, chỉ thủng lưới 2 bàn. Solari nhờ thế đi vào lịch sử Real Madrid với tư cách HLV có khởi đầu tốt nhất kể từ năm 1957.

Man United vẫn quan tâm đến việc chiêu mộ trung vệ Jerome Boateng của Bayern Munich. Jose Mourinho đã không mang về thêm một trung vệ trong kỳ chuyển nhượng vừa qua. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi trong tháng 1. Nguồn tin trên nói thêm Bayern Munich đang tìm cách thay máu và sẽ để một vài trụ cột ra đi, trong đó có Boateng. Cơ hội thành công của Man United trong thương vụ này được đánh giá lên tới 70%.

Tiền đạo Ousmane Dembele một lần nữa bị loại khỏi đội hình Barca trong trận thua sốc 3-4 trước Real Betis vừa qua. Nhiều nguồn tin cho rằng anh đang bị phạt vì thói vô kỷ luật của mình. Tuy nhiên, người đại diện của Dembele, Moussa Sissoko, cho rằng những lời chỉ trích đã bị thổi phồng đồng thời tiết lộ giám đốc thể thao của Barca vẫn ủng hộ ngôi sao 21 tuổi.

Thủ thành Loris Karius gia nhập Besiktas mùa Hè vừa qua với hợp đồng cho mượn 2 năm. Sau khi có khởi đầu không hề tốt đẹp, cầu thủ này được cho có thể bị gửi trả về Liverpool trong tương lai. Tuy nhiên, chủ tịch của Besiktas, ông Fikret Orman, lại không nghĩ vậy. Ông là một fan của Karius và tuyên bố sẵn sàng ký hợp đồng lâu dài với thủ môn người Đức.

Đêm 12/11, Liên đoàn bóng đá Thụy Điển tổ chức
gala trao giải Quả bóng vàng 2018. Trung vệ đang thuộc biên chế Manchester United, Victor Lindelof, đã đánh bại một loạt ứng viên để là người được vinh danh. Trong năm vừa qua Lindelof thi đấu không thực sự tốt tại M.U nhưng trên phương diện ĐTQG anh là lựa chọn an toàn ở trung tâm hàng thủ. Tại World Cup 2018, Lindelof thi đấu khá ấn tượng.

Nhà báo Eduardo Inda của tờ OK Diario tiết lộ trong những ngày qua HLV Zinedine Zidane đã nhận được 3 lời đề nghị tới từ 3 CLB lớn là PSG, M.U và Bayern Munich. Thông tin này cho thấy M.U đang có những bước chuẩn bị trong trường hợp sa thải HLV Mourinho. Trận thua 1-3 trước Man City cuối tuần qua khiến niềm tin của lãnh đạo M.U dành cho Mourinho giảm sút.

Thông tin từ Sky Sports cho biết, Alexis Sanchez có thể sẽ chia tay MU ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông tới. Điểm đến của tiền đạo người Chile có thể là PSG. Hiện tại MU không mặn mà với việc giữ chân Alexis Sanchez và cầu thủ này cũng không có mối quan hệ tốt với các đồng đội ở sân Old Trafford.

Theo bản kế hoạch, Mayweather sẽ tham gia vào một trận đấu giao hữu quyền Anh 3 hiệp với Tenshin Nasukawa. Tuy nhiên, bản kế hoạch đã mở rộng hơn rất nhiều so với những gì anh được thông báo lúc đầu về phạm vi của sự kiện. Và do đó, giao kèo hai bên đổ bể và "độc cô cầu bại" đã quyết định không tham gia vào trận đấu giao hữu này.

Tương lai EU sẽ ra sao nếu vắng bóng Thủ tướng Đức Angela Merkel?

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) lo ngại quyền lực bị suy yếu của Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ là nguy cơ lớn đối với khối này.

Khi nói về những nhà lãnh đạo chính trị có sức ảnh hưởng nhất ở châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel luôn là nhân vật ở đầu danh sách. Rất nhiều quan chức EU khẳng định, chẳng có gì phải nghi ngờ về sự ổn định của chính phủ Đức. Nước Đức có một chính phủ ổn định và một Thủ tướng “có khả năng hành động”.

Tuy vậy, nhiều người ở EU phải thừa nhận, tuyên bố rút một phần khỏi các hoạt động chính trị của Thủ tướng Đức Merkel cũng chính là sự mất quyền lực một cách rõ ràng đối nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất châu Âu. Kể từ khi có thông tin nhiệm kỳ Thủ tướng hiện nay cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của bà Merkel, chính giới ở Brussels đã có thêm nhiều nếp nhăn.

Vì sao châu Âu cần Merkel?


Ngay cả những người chỉ trích nhiều nhất cũng đang lo ngại điều gì sẽ xảy ra nếu bà Merkel rời khỏi chính trường.

Việc bà Merkel không tranh cử Chủ tịch đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) nữa có thể dẫn tới các kịch bản như: bà Merkel sẽ phải sớm từ chức Thủ tướng, chính phủ sụp đổ, cần một liên minh mới, một chính phủ thiểu số hay các cuộc bầu cử mới. Cho dù điều gì sẽ đến thì làn sóng này cũng được cảm nhận cả ở bên ngoài biên giới nước Đức.

Sự ra đi của bà Merkel sẽ đánh dấu một biến cố đối với EU. Không có nhà lãnh đạo nào thống trị các vấn đề châu Âu như bà trong suốt 13 năm qua. Những người khác có thể đã xây dựng châu Âu, nhưng chính bà Merkel mới là người đảm nhận nhiệm vụ khó hơn nhiều: duy trì khối cùng nhau.

Cho dù sai lầm nào bà mắc phải trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng đồng euro hay vấn đề người nhập cư, biệt danh “Nữ hoàng của châu Âu” dành cho bà Merkel không chỉ là lời nói đùa. Chắc chắn sự ra đi của bà sẽ tạo ra một khoảng trống, cho dù người kế nhiệm bà trong vai trò lãnh đạo nước Đức là ai.

Suốt nhiều năm, ở bất cứ cuộc họp nào của các nhà lãnh đạo châu Âu, mọi con mắt đều đổ dồn vào bà. Không gì được quyết định cho đến khi Thủ tướng Đức lên tiếng. Sẽ rất hợp lý khi cho rằng tầm ảnh hưởng đó đơn thuần chỉ vì quy mô và quyền lực của nước Đức. Thế nhưng, theo những người đồng nghiệp của bà, đó chỉ là một phần câu chuyện.

“Bà Merkel nhận được sự tôn trọng, thậm chí từ cả những người bất đồng quan điểm với bà”, một Thủ tướng kỳ cựu phe trung hữu, người đã quan sát bà Merkel trong vô số các cuộc họp thượng đỉnh suốt nhiều năm qua nhận xét. “Có một bầu không khí khác trong căn phòng khi bà không ở đó. Một khi bà rời đi, Thủ tướng Hungary Viktor Orban sẽ tiếp quản”. Người ta gọi đó là mặt “mềm” trong “quyền lực cứng” của Đức.

Điều đó có thể giải thích vì sao ngay cả những người thường chỉ trích bà Merkel cũng đang rất lo ngại về khả năng ra đi của bà trong những tháng tới.

“Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là bà Merkel tuyên bố sẽ vẫn tiếp tục làm Thủ tướng cho tới khi nhiệm kỳ của bà kết thúc”, Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz nói. Đảng của ông Czaputowicz vốn chỉ trích mạnh mẽ chính sách nhập cư của bà Merkel. Tuy vậy, ông vẫn đánh giá bà Merkel có “vị trí quan trọng” trong lịch sử châu Âu.

Thủ tướng Séc Andrej Babiš, một người cũng chỉ trích chính sách nhập cư của bà Merkel, bày tỏ quan ngại tương tự: “Chúng tôi cần bà vẫn tại vị trong 3 năm tới. Đức là đối tác kinh tế quan trọng nhất và bà Merkel cũng là một người bạn đáng tin cậy của CH Séc”.

Tương lai EU vắng bóng Merkel?

Hầu hết các nước thành viên EU sẽ liên kết quyết định không tranh cử chủ tịch đảng CDU của bà Merkel với 3 câu hỏi chính: Sự suy giảm quyền lực đó có ý nghĩa gì với châu Âu? Điều gì sẽ xảy ra với các vấn đề của châu Âu nếu quyền lực của Thủ tướng Đức Merkel bị suy yếu? Và điều gì sẽ tiếp tục xảy ra nếu bà Merkel “biến mất” hoàn toàn khỏi chính trường châu Âu?

Hạn ngạch tị nạn

EU đang chật vật để đạt được sự thỏa hiệp về vấn đề phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người di cư và tị nạn. Từ trước tới nay, vẫn chưa có thỏa thuận nào đạt được. Nhiều nước thành viên EU vẫn đang chỉ trích và “tị nạnh” nhau trong vấn đề này. Bà Merkel bị chỉ trích mạnh mẽ về chính sách nhập cư của mình, nhưng vào phút chót, chính bà đã thiết kế một thỏa thuận tị nạn với Thổ Nhĩ Kỳ để làm dịu tình hình. Cho đến nay, bà Merkel vẫn là người có vai trò lớn nhất về thỏa thuận này.

Cải cách euro và các kế hoạch khác

Pháp và Đức lên kế hoạch về một giải pháp nhằm bảo vệ đồng euro và chuẩn bị tốt hơn cho Eurozone trước các cuộc khủng hoảng. Tổng thống Pháp giờ có thể sẽ mất đi đối tác của mình cho những kế hoạch này. Ngay cả nếu Thủ tướng Đức không ủng hộ mong muốn của ông Emmanuel Macron về một ngân sách Eurozone, ông Macron vẫn cần bà Merkel ủng hộ ý tưởng về một liên minh ngân hàng toàn diện và bà cần phải ở một vị thế chính trị chắc chắn để biến điều đó thành hiện thực, trong đó có cả sự ủng hộ của phe bảo thủ trong Nghị viện Đức.

Tại cuộc họp thượng đỉnh EU sắp tới vào tháng 12/2018, một liên minh ngân hàng dự kiến sẽ được định hình. Ông Pierre Moscovici, Cao ủy EU phụ trách kinh tế và tài chính thuế quan, lo ngại rằng những bất đồng ngân sách có thể sẽ gia tăng nếu Đức không đứng ra làm trung gian dàn xếp.

Chủ nghĩa dân túy ở EU

Sẽ không phải tưởng tượng nhiều để hình dung ra sự bất đồng sẽ tới mức nào tại các hội nghị thượng đỉnh của EU nếu Đức không đứng ra điều phối. Nếu thiếu người đứng đầu chính phủ có tầm ảnh hưởng lớn ở Đức, chắc chắn, bất đồng sẽ càng gay gắt hơn trong bối cảnh các nhà lãnh đạo dân túy đang ngày càng nổi lên ở châu Âu hiện nay.

Günther Oettinger, Cao ủy EU về Ngân sách và các nguồn nhân lực, ủng hộ bà Merkel từ khi bà tuyên bố sẽ không tranh cử chủ tịch CDU. EU muốn thấy bà Merkel tiếp tục tại vị ở Berlin thêm 3 năm nữa, bởi bà Merkel chính là người mang lại sự ổn định cho khối trong những thời điểm rối ren. Còn nếu là một vị Thủ tướng “vịt què”, bà sẽ mất tầm ảnh hưởng ở châu Âu.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ USD ngày 14/11/2018 là 1 AUD = 0.720 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 14/11/2018 là 1 AUD = 16,829 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn
, ít mây, có lúc có mưa, trời nắng. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 34 độ.

Tại Hà Nội, nhiều mây, trời nắng nhẹ, có lúc có mưa. Nhiệt độ dao động từ 24 đến 30 độ.

Tại Adelaide, trời quang đãng, gió di chuyển với vận tốc từ 15-25km/h. Nhiệt độ dao động từ 12 đến 23 độ.

Tại Brisbane, trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 15-20km/h. Nhiệt độ dao động từ 18 đến 29 độ.

Tại Sydney, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, chiều tối có thể có bão ở khu vực phía Tây, gió di chuyển với vận tốc từ 15-25km/h. Nhiệt độ dao động từ 18 đến 24 độ.

Tại Melbourne, trời có mây rải rác, buổi sáng có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 20-30km/h. Nhiệt độ dao động từ 13 đến 18 độ.
Hoàng Yến - Hồng Đào

Đánh giá bản tin này