Chương trình Thời sự thứ Tư, 14/08/2019

Cẩm Nhung | 14/08/2019 | 991 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Quốc hội bang Victoria nhóm họp lại sau kỳ nghỉ đông

- Victoria: Lấy trộm xe hơi dẫn đến tai nạn chết người, một nam thanh niên bị buộc tội

- Tin Úc: Vì ngày càng có ít người được nhận bằng lái xe, thế hệ millenial từ bỏ xe hơi chuyển sang đi lại bằng phương tiện công cộng

- Glen Waverley: Điều tra vụ một chiếc xe hơi tông hai người đi bộ nguy kịch

- Victoria: Một nghị sĩ độc lập kêu gọi điều tra cáo buộc sòng bạc Crown Casino rửa tiền

- Victoria: Người dân được cảnh báo về những mối nguy hiểm liên quan đến xe tram, xe lửa

- Wyndham: Người mua nhà lần đầu tiết kiệm tổng cộng 1.3 tỷ đô la tiền thuế stamp duty trong hai năm

- Tin Úc: Biển thủ gần hai triệu đô la của chuỗi siêu thị Coles, một nhân viên cấp cao bị buộc tội

- Tin vắn

Tin thế giới:

Bà Michelle Bachelet, người đứng đầu Cao ủy LHQ về Nhân quyền, đã kêu gọi chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong, Trung Quốc kiềm chế, đồng thời điều tra các cáo buộc về việc cảnh sát Hong Kong sử dụng những cách thức trấn áp không phù hợp với luật pháp quốc tế đối với người biểu tình. Tuyên bố của đại diện Cơ quan Nhân quyền LHQ được đưa ra sau khi các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong đã bước sang tuần thứ 10. Phát biểu tại buổi họp báo vào ngày 13/8, Trưởng đặc khu Carrie Lam cảnh báo, tình trạng bạo lực trong các cuộc biểu tình đã gây tổn hại nền kinh tế Hong Kong, đẩy xã hội Hong Kong vào tình trạng đáng lo ngại và nguy hiểm.

Ngày 13/8, Iran đã công bố những chiếc xe bọc thép tối tân, chiến thuật mới có tên là Aras-2. Điểm đặc biệt là những chiếc xe này do chính Bộ Quốc phòng Iran thiết kế và sản xuất. Xe bọc thép chiến thuật mới Aras-2 đã chính thức được bàn giao cho các lực lượng vũ trang Iran. Aras-2 có tính cơ động cao ở những địa hình gồ ghề và có khả năng mang vũ khí hạng nặng. Đây được xem là bước tiến lớn trong việc đáp ứng các nhu cầu cần thiết của lực lượng vũ trang Iran. Bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây, Iran gần đây đã có những bước đột phá lớn trong lĩnh vực quốc phòng và có khả năng tự sản xuất thiết bị quân sự cũng như vũ khí hạng nặng.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa hoàn thành việc nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis trên đất liền tại căn cứ Deveselu ở Romania. Đây là một phần của chương trình nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo nhằm bảo vệ châu Âu, trước những mối đe dọa từ bên ngoài khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Trong khi đó, Mỹ cũng đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên bộ mới nhất tại Ba Lan. Hệ thống được thiết kế để phát hiện, theo dõi và tiêu diệt tên lửa đạn đạo của đối phương bằng tên lửa đánh chặn. Dự kiến, hệ thống này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020.

Cuộc hành hương Hajj đến thánh địa Mecca năm nay đã bước vào ngày cuối cùng với nghi lễ ném đá quỷ dữ. Cuộc hành hương Hajj đến thánh địa Mecca tại Saudi Arabia kéo dài 5 ngày là bắt buộc đối với tất cả người Hồi giáo một lần trong đời, nếu họ có đủ khả năng tài chính và thể chất để thực hiện hành trình này. Saudi Arabia cho biết, năm nay nước này đã đón tiếp khoảng 1,85 triệu người hành hương đến từ 160 nước. Đảm bảo an toàn cho lễ hành hương luôn là một thách thức lớn đối với nước chủ nhà. Năm 2015, một vụ giẫm đạp đã xảy ra làm 2.400 người thiệt mạng.

Ngày 12/8, một phái đoàn của Mỹ đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để làm việc với Ankara về kế hoạch thiết lập vùng an toàn ở phía Bắc Syria, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Damascus. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, 6 quan chức Mỹ đã đến khu vực Đông Nam thành phố Sanliufa để thành lập một trung tâm hành động chung. Dự kiến, trung tâm này sẽ đi vào hoạt động ngay trong những ngày tới. Đây là bước đi đầu tiên nhằm hiện thực hóa thỏa thuận hồi tuần trước giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ theo kêu gọi của Ankara về việc thiết lập vùng an toàn sâu 30km vào bên trong lãnh thổ Syria, khu vực luôn bất ổn đang nằm dưới sự kiểm soát của Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG). Hiện chưa có chi tiết nào về vùng an toàn này được tiết lộ, kể cả thời gian biểu thành lập.

Nắng nóng bất thường tiếp tục hoành hành tại châu Âu. Sau khi "càn quét" khắp các quốc gia Tây Âu, nắng nóng đã lan sang các nước Đông Âu. Ngày 12/8, Hungary đã chính thức đưa cảnh báo đỏ (mức cảnh báo cao nhất) về nắng nóng khi nhiệt độ tại nước này đã lên mức đỉnh điểm trong mùa hè này, khoảng 39 - 40oC. Người dân Hungary được khuyến cáo không nên tắm nắng từ 12h - 15h, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và tìm mọi biện pháp để hạ nhiệt. Trong khi đó, tại Chile, Chính phủ nước này đã đưa ra cảnh báo khẩn cấp về tình trạng hạn hán đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân tại quốc gia Nam Mỹ này.

Hãng tin Tasnim dẫn thông báo ngày 13/8 của Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) cho biết kho dự trữ uranium làm giàu thấp của nước này đã vượt 360kg. Người phát ngôn AEOI Behrouz Kamalvandi cho biết Iran "hiện sản xuất uranium đã làm giàu với công suất ổn định," hiện kho dự trữ đã tăng thêm "ít nhất 60-70 kg so với ngưỡng 300kg" - ngưỡng chính thức được đặt ra theo thỏa thuận hạt nhân 2015. Ông Kamalvandi còn cho biết kho dự trữ uranium làm giàu thấp của Iran "đang tăng nhanh." Việc Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn cầu (JCPOA) đã đặt ra nhiều vấn đề cho sự tồn tại của thỏa thuận cũng như gây ra nhiều căng thẳng. Đáp trả động thái của Mỹ, một năm sau đó, Iran đã quyết định từ bỏ một số nghĩa vụ được quy định trong thỏa thuận. Đáng chú ý, Iran tuyên bố sẽ tăng giới hạn làm giàu uranium lên trên mức 3,67% và lượng uranium làm giàu thấp sẽ vượt ngưỡng 300kg.

Ngày 13/8, Lực lượng Vũ trang Venezuela đã lên tiếng bác bỏ về khả năng xảy ra đảo chính hay chuyển đổi trong chính phủ quốc gia Nam Mỹ này, đồng thời chỉ trích phe đối lập đã hô hào lệnh cấm vận của Mỹ chống quốc gia giàu dầu mỏ này. Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino cam kết quân đội nước này sẽ tiếp tục bảo vệ nền dân chủ và Tổng thống được nhân dân lựa chọn Nicolas Maduro. Chính phủ Venezuela đang tiến hành chiến dịch thu thập chữ ký của hàng chục triệu người dân để phản đối sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump phong tỏa tài sản của Venezuela cùng các biện pháp trừng phạt khác.

Báo Telegraph đưa tin Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow ngày 13/8 cho biết ông sẽ từ chối cho phép Thủ tướng Boris Johnson đóng cửa Nghị viện để đảm bảo tiến trình nước Anh rời Liên minh châu Âu, sự kiện được gọi tắt là Brexit. Ông Bercow khẳng định rằng ông sẽ chiến đấu với bất cứ ý đồ nào nhằm làm lung lạc, vượt mặt hoặc đóng cửa Nghị viện để đảm bảo Brexit. Thủ tướng Johnson đã nhiều lần khẳng định sẽ đưa Anh rời khỏi EU theo đúng thời hạn chót vào ngày 31/10 tới dù có hay không đạt được thỏa thuận với EU. Ông cũng không loại trừ khả năng sẽ đình chỉ hoạt động của Nghị viện Anh nếu cản trở tiến trình này. Hiện kế hoạch thực hiện Brexit ngay cả khi không có thỏa thuận không nhận được sự ủng hộ tại Nghị viện Anh.

Một quan chức Mỹ ngày 13/8 cho biết Trung Quốc cùng ngày đã từ chối đề nghị cho phép 2 tàu Hải quân của Mỹ thăm Khu hành chính đặc biệt Hong Kong của Trung Quốc vào những tuần tới. Động thái này diễn ra giữa lúc quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng, trong đó có việc Bắc Kinh cáo buộc giới chức Mỹ kích động biểu tình ở Hong Kong. Quan chức yêu cầu giấu tên cho hay, tàu vận tải Green Bay đã đề nghị viếng thăm Hong Kong trong tháng 8, trong khi tàu tên lửa dẫn đường Lake Erie đã yêu cầu thăm vào tháng 9 tới. Hiện phía Trung Quốc vẫn chưa đưa ra lý do cụ thể, nhưng động thái như vậy là chưa có tiền lệ. Lần cuối cùng Trung Quốc từ chối cho thăm cảng Hong Kong là chiếc tàu tấn công Wasp hồi tháng 9/2018. Trong khi đó, tàu chỉ huy đổ bộ Blue Ridge đã thăm cảng Hong Kong hồi tháng 4 năm nay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/8 tuyên bố Washington sẽ rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nếu tổ chức này không cải thiện các điều kiện. Phát biểu trước những người ủng hộ tại một nhà máy hóa chất của tập đoàn Shell ở bang Pennsylvania, ông Trump đe dọa rằng nước Mỹ sẽ từ bỏ WTO nếu đó là điều bắt buộc phải làm. Ông nhấn mạnh các quy định của WTO đã “vắt kiệt” Mỹ trong nhiều năm và điều đó sẽ không tiếp diễn nữa.

Ngày 13/8, Pakistan đã yêu cầu Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhóm họp và thảo luận về quyết định của Ấn Độ hủy quy chế đặc biệt đối với Jammu và Kashmir - khu vực lâu nay là điểm nóng trong quan hệ giữa hai nước. Trong thư gửi Hội đồng Bảo an, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi khẳng định "Pakistan sẽ không khiêu khích xung đột," song cảnh báo "nếu Ấn Độ một lần nữa chọn cách viện tới sử dụng vũ lực, Pakistan bắt buộc sẽ phải đáp trả để tự vệ, bằng tất cả tiềm lực của mình." Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan đã trở nên nóng hơn sau khi New Delhi ngày 5/8 quyết định tước quyền của bang Jammu và Kashmir trong việc ban hành luật và cho phép những người không phải cư dân địa phương mua bất động sản tại đây. Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế các bước có thể làm ảnh hưởng đến quy chế đặc biệt của bang Jammu và Kashmir.

Tin thể thao:

Champions League vắng bóng Porto và Celtic: Champions League mùa tới sẽ không có sự góp mặt của 2 đội bóng cựu vương Celtic và Porto bởi họ đã chính thức bị loại sau loạt trận lượt về vòng sơ loại thứ 3.

Ở lượt đi, Celtic có trận hòa 1-1 trên sân của CFR Cluj. Với kết quả này, CĐV tin tưởng Celtic sẽ có lợi thế khi chơi trên sân nhà ở trận lượt về để giành vé đi tiếp ở Champions League. Nhưng điều không tưởng đã diễn ra. Sau khi sớm bị thủng lưới ở phút 27, Celtic vùng lên dẫn lại 2-1 nhờ công của Forrest (51') và Edouard (61'). Tuy nhiên, sự lóng ngóng của hàng thủ khiến Celtic phải trả giá bằng 3 bàn thắng của Cluj nhờ công Omrani (pen 74', 80') và Tucudean (90'). Thua 3-4 ở lượt về, Celtic ngậm ngùi nhìn CFR Cluj đi tiếp với thắng lợi chung cuộc 5-4.

Chịu chung số phận với Celtic là Porto. Đại diện Bồ Đào Nha đã đánh bại Krasnodar với tỷ số 1-0 ở trận lượt đi nhưng quay về sân nhà Dragao, họ lại thi đấu kém cỏi. Porto sớm bị Krasnodar dẫn 3-0 và chỉ ghi được 2 bàn để rút ngắn tỷ số. Hòa 3-3 sau 2 lượt trận, Porto bị loại theo luật bàn thắng sân khách.

Trong khi đó, Ajax cũng có trận đấu hút chết trước PAOK. May mắn cú đúp của Tadic trên chấm 11m (43', 85') và pha làm bàn của Tagliafico đã giúp đại diện Hà Lan lật ngược thế cờ. Thắng chung cuộc 5-4 sau 2 lượt đấu, Ajax lọt vào vòng play-off gặp APOEL.

Man City thoát án cấm chuyển nhượng: Man City đã tránh được lệnh cấm chuyển nhượng liên quan đến chuyển nhượng quốc tế và đăng ký cầu thủ dưới 18 tuổi. FIFA đã quyết định chỉ phạt hành chính đối với đội chủ sân Etihad. Số tiền phạt của Man City là 315.000 bảng. Trước đó, Chelsea đã phải chịu lệnh cấm chuyển nhượng trong 2 kỳ mua sắm và bị phạt hơn 460.000 bảng do vi phạm các quy định về việc ký hợp đồng với các cầu thủ dưới 18 tuổi. Giải thích lý do Man City chỉ bị phạt tiền dù có vi phạm tương tự, FIFA cho biết việc đội chủ sân Etihad thừa nhận trách nhiệm của mình là một trong những yếu tố chính dẫn tới hình phạt giảm nhẹ.

PSG chưa đồng ý với đề xuất của Barca vụ Neymar: ESPN cho biết những ngày qua đàm phán giữa PSG và Barca liên quan tới tương lai của Neymar đang được tiến hành. Philppe Coutinho và Ivan Rakitic là những cầu thủ Barca mang ra để trao đổi tiền đạo Brazil cùng 80 triệu euro tiền mặt. Tuy nhiên, phía PSG muốn có Coutinho và Nelson Semedo cộng với 120 triệu tiền mặt mới chịu đổi Neymar. Quá trình đàm phán vì thế chưa có dấu hiệu tiến triển. Trong khi đó, Real Madrid đang chen chân vào thương vụ. Phía đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha muốn dùng Isco, Varane, Marcelo để trao đổi Neymar.

Ivan Perisic ra mắt Bayern Munich: Sau khi vượt qua buổi kiểm tra y tế tại Bayern Munich, cầu thủ chạy cánh Ivan Perisic đã ra mắt đội bóng mới theo bản hợp đồng cho mượn có thời hạn 1 năm từ Inter Milan. Để sở hữu Ivan Perisic, Bayern Munich đã phải chi ra 5 triệu euro để mượn anh từ Inter Milan trong vòng 1 mùa giải kèm điều khoản mua đứt trị giá 20 triệu euro.

AC Milan báo giá Donnarumma cho PSG: Thủ môn trẻ Gianluigi Donnarumma khả năng cao sẽ ở lại AC Milan mùa bóng này trong bối cảnh đội chủ sân San Siro đã quyết tâm giữ chân anh. Cầu thủ 20 tuổi trước đó đã lọt vào mắt xanh của PSG. Tuy nhiên, lời đề nghị trị giá 20 triệu euro kèm theo Alphonse Areola của đội bóng nước Pháp đã bị Rossoneri từ chối. Thay vào đó, AC Milan chỉ chấp nhận để Donnarumma ra đi nếu có đội bóng nào đáp ứng được mức phí 50 triệu euro. Mức giá này đủ để khiến PSG chùn chân ở thời điểm hiện tại. Mặc dù vậy, đội bóng nước Pháp có thể thay đổi tình thế nếu bán được Neymar trong mùa Hè này.

Lukaku "đá đểu" MU: Romelu Lukaku vừa có ý "đá đểu" MU khi khẳng định anh đang "làm việc thật sự" ở Inter Milan sau khi chuyển tới đội bóng này từ Old Trafford. Trước khi tới Inter Hè này, Lukaku đã không dự các chuyến du đấu cùng MU và từng khiến Solskjaer tức giận khi đăng tải bản thống kê về tốc độ của các cầu thủ MU, trong đó thông số của Lukaku là ấn tượng nhất. Và giờ thì Lukaku còn khiến Solskjaer nóng mắt hơn khi tuyên bố "tập ở Inter mới là tập". Lukaku hiện vẫn đang tập thể lực trước khi hoàn toàn lành lặn cho trận mở màn ở Serie A nhưng mới đây tiền đạo người Bỉ vẫn ghi tới 4 bàn trong trận giao hữu với Bergamo.

MU đàm phán với Fenerbahce về Rojo: Đội bóng Thổ Nhĩ Kỳ Fenerbahce đang nổi lên như là điểm đến tiềm năng cho hậu vệ Marcos Rojo của MU. Rojo không còn chỗ đứng ở MU mùa này và suýt chút nữa đã gia nhập Everton trong ngày cuối của kỳ chuyển nhượng mùa Hè tại Anh. Tuy nhiên, MU vẫn đang khẩn trương tìm "đầu ra" cho trung vệ 29 tuổi này. Fenerbahce hiện đang quan tâm sát sao tới Rojo sau khi không còn mặn mà với Aleksandar Kolarov của Roma. Như Kolarov, Rojo có thể đá cả hậu vệ trái lẫn trung vệ, khiến Fenerbahce thích thú. MU hiện đang có tới 7 trung vệ sau khi họ chiêu mộ Harry Maguire nên Rojo chắc chắn phải ra đi nếu muốn được ra sân.

Daniel James nhận quà lớn: Với bàn thắng đầu tiên cho MU ấn định thắng lợi giòn giã trước Chelsea, Daniel James vừa được nhận một phần thưởng rất đáng kể cho màn trình diễn rất đáng khen của anh ở vòng 1 giải Ngoại hạng Anh vừa qua. Có lẽ nhận thấy tiềm năng lớn từ tiền vệ sinh năm 1997, đại gia của làng thể thao – Adidas đã lập tức ký hợp đồng với tân binh "số 21" của Man đỏ. Chưa biết chữ ký này sẽ đem lại bao nhiêu tiền cho James, nhưng chắc chắn anh sẽ còn phủ sóng hơn nữa, Bởi lẽ Adidas cũng là đối tác và là nhà tài trợ trang phục thi đấu của MU với bản hợp đồng siêu khủng lên tới 750 triệu bảng trong 10 năm có hiệu lực từ mùa 2015/16 khi họ thay thế đại kình địch Nike tiếp sức "Quỷ đỏ".

Trump đổi chiến thuật khi sức ép tối đa chỉ thu về kết quả tối thiểu?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiến gần đến cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 mà không có bất kỳ thành công rõ rệt nào về chính sách đối ngoại. Đó còn chưa kể tới những cuộc khủng hoảng đang leo thang trên thế giới có nguy cơ hủy hoại những nỗ lực của ông trong hành trình tái đắc cử Tổng thống.

Vì thế, nhiều nhà quan sát cho rằng Tổng thống Trump sẽ đảo ngược xu thế hiện nay bằng những động thái mạnh mẽ với các kết quả khó đoán định. Điều này sẽ khiến 16 tháng trong thời gian đương nhiệm còn lại của ông Trump trở nên "biến động" và bất ngờ hơn bao giờ hết.

Gây sức ép tối đa nhưng chỉ đạt kết quả tối thiểu

Tổng thống Trump đã rút khỏi các thỏa thuận với Nga và Iran song những thỏa thuận tốt hơn mà ông dự tính dường như vẫn rất xa vời. Khả năng Mỹ và Iran ngồi lại đàm phán với nhau vẫn rất mờ mịt trong khi việc thiếu một thỏa thuận hạn chế việc phát triển vũ khí hạt nhân đang khiến cuộc chạy đua vũ trang có nguy cơ trở thành cơn "ác mộng" trên thế giới. Sau những nỗ lực nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro ở Venezuela và dùng đến cả những lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ, chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa đạt được những mục tiêu như mong muốn.

Thành quả ngoại giao mà Tổng thống Trump tự hào nhất cho tới nay là trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tuy vậy, kết quả này dường như đang ngày càng trở nên "sáo rỗng" khi mà ông Kim Jong Un liên tục cho tiến hành các vụ thử tên lửa. Tương tự vậy, chiến thắng quân sự đáng kể nhất của ông Trump là xóa sổ hoàn toàn IS ở Iraq và Syria đã bị lu mờ khi báo cáo của Lầu Năm Góc tuần trước cảnh báo IS đã "củng cố khả năng trỗi dậy ở Iraq và đang trỗi dậy tại Syria".

Tại Afghanistan, chính quyền Mỹ tuyên bố tiến gần tới một thỏa thuận với Taliban, "dọn đường" cho một cuộc rút quân lớn của Mỹ vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, bạo lực ở quốc gia này vẫn không ngừng gia tăng khi chỉ riêng trong tháng 7 đã có 1.500 dân thường thiệt mạng.

Nhà phân tích Julian Borger nhận định trên trang The Guardian rằng các vấn đề thuộc chính sách đối ngoại hiếm khi có vai trò chủ chốt trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ song ông Trump luôn tự khắc họa bản thân như một người có khả năng đặc biệt khi có thể thực hiện các thỏa thuận với các nhà lãnh đạo nước ngoài khác và đưa quân Mỹ trở về. Thực tế là một số cuộc khủng hoảng bên ngoài đã có ảnh hưởng trực tiếp đến những vấn đề trong nước của Mỹ. Cụ thể là việc thiếu vắng một thỏa thuận với Trung Quốc như đã hứa hẹn cùng với những màn đáp trả thuế quan và cuộc chiến thương mại đang ngày một leo thang đã trực tiếp "đánh" vào người tiêu dùng và các nhà sản xuất Mỹ.

"Điều đáng nói ở đây là trong mỗi vấn đề này, Tổng thống Trump đều nhìn thấy một lợi ích chính trị trong nước: cứng rắn hơn với Trung Quốc, Iran và Venezuela cũng như cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ giúp ông nhận được sự ủng hộ từ các cử tri bang Florida", Ben Rhodes cố vấn chính sách đối ngoại thời cựu Tổng thống Barack Obama nhận định.

"Tuy nhiên, những lợi ích ngắn hạn này sẽ bị ảnh hưởng bởi những lộn xộn dài hạn mà ông ấy đã gây ra", chuyên gia này cho biết.

Đổi hướng chiến lược

Tổng thống Trump dường như nhận thức rõ được bối cảnh hiện tại và ông đang có những điều chỉnh nhất định để xoay chuyển tình hình.

Liên quan đến vấn đề Triều Tiên, thay vì khẳng định con đường ngoại giao với ông Kim sẽ đưa tới việc giải trừ vũ khí hạt nhân như tuyên bố ban đầu thì chính quyền Tổng thống Trump tập trung nhấn mạnh vào việc Bình Nhưỡng dừng các cuộc thử hạt nhân và tên lửa. Khi Triều Tiên tiếp tục các vụ thử tên lửa tầm ngắn, "giới hạn đỏ" không còn là cấm thử tên lửa nữa mà đã trở thành cấm thử tên lửa liên lục địa. Đó là lý do Tổng thống Trump tuyên bố ông không thấy lo ngại trước các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, đồng thời khẳng định điều này không ảnh hưởng tới thiện chí đàm phán với Bình Nhưỡng của ông.

Trong khi đó, chiến lược "gây sức ép tối đa" chống lại Iran ban đầu được cho là nhằm buộc chính phủ Tehran phải thay đổi cách cư xử trong khu vực, chấm dứt việc làm giàu urani, dừng can thiệp dù là trực tiếp hay qua các lực lượng ủy nhiệm ở Syria, Iraq và Yemen, cũng như thực hiện một thỏa thuận mới với Mỹ sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết hồi năm 2015.

Tuy nhiên, đối phó với chiến lược gây sức ép tối đa của Mỹ, Iran cũng có chính sách "chống cự tối đa" và "đáp trả các hành động thù địch". Gây sức ép tối đa không khiến Mỹ đạt được các mục tiêu với Iran. Tehran từng bước thúc đẩy chương trình hạt nhân, dừng một phần các cam kết trong JCPOA. Nước Cộng hòa Hồi giáo này cũng trở nên cứng rắn hơn tại vùng Vịnh và từ chối các đề nghị đàm phán của Tổng thống Trump.

Hiện tại, Tổng thống Trump có 2 lựa chọn, đó là chiến tranh và đàm phán. Chiến tranh hay tấn công quân sự sẽ không phải là giải pháp mà ông chủ Nhà Trắng lựa chọn để tạo nên bước chuyển biến trước thềm tranh cử bởi một cuộc xung đột trên Bán đảo Triều Tiên hay Vịnh Ba Tư sẽ là một thảm họa. Hơn nữa, Tổng thống Trump chính là người quyết định dừng tấn công Iran vào phút chót hồi tháng 6/2019 sau khi Tehran bắn hạ 1 máy bay không người lái của Washington.

Đàm phán vẫn là một giải pháp được ưu tiên hơn. Nhưng đàm phán cái gì và đàm phán thế nào để phá vỡ thế bế tắc hiện nay lại là chuyện khác. Tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên vẫn có chưa có bước đi đột phá. Căng thẳng với Iran ở vùng Vịnh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc ngày càng trở nên xa vời. Đó còn chưa kể đội ngũ trong chính quyền Tổng thống Trump không phải lúc nào cũng đạt được sự đồng thuận về các vấn đề này. Ông Trump vẫn còn rất nhiều việc cần giải quyết để tạo nên bước ngoặt đáng kể cho hành trình vào Nhà Trắng năm 2020.

Tổng thống Trump ưa thích việc tạo nên các thỏa thuận. Ông thể hiện sự hứng thú với khả năng diễn ra một Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3. Nhà lãnh đạo Mỹ gần đây khẳng định ông nhận được một bức thư với "những ngôn từ vô cùng đẹp đẽ" từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Do đó, sắp tới Tổng thống Trump có thể sẽ dỡ bỏ trừng phạt một phần để đổi lấy việc Triều Tiên phá hủy một số cơ sở phát triển vũ khí hạt nhân.

Mặc dù Iran từ chối đề nghị đối thoại trực tiếp với Tổng thống Trump song cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 này có thể là cơ hội để hai nhà lãnh đạo Mỹ - Iran gặp nhau. Thay vì đe dọa hay gây sức ép, Tổng thống Mỹ có thể sẽ tìm kiếm một sự trao đổi hợp lý với Tehran dù điều này có thể khiến cố vấn an ninh quốc gia Mỹ với quan điểm cứng rắn John Bolton phản đối.

Một thỏa thuận thương mại từng phần với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng là một khả năng được tính tới. "Dựa trên những điều Tổng thống tuyên bố, tôi cho rằng ông ấy sẵn sàng cho đi nhiều hơn bất kỳ ai trong đội ngũ của ông ấy trong thời điểm này bởi ông ấy muốn một thỏa thuận. Nhiều khả năng là sẽ có một số thỏa thuận nhỏ được đưa ra vào tháng 9 này", Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án China Power Project tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế chiến lược cho biết.

Lá phiếu” của Triều Tiên, Iran và Trung Quốc

Tổng thống Trump sẽ nắm bắt những thỏa thuận này và dùng chúng để tạo lợi thế vào Nhà Trắng năm 2020. Câu hỏi đặt ra là liệu Bình Nhưỡng, Tehran hay Bắc Kinh có sẵn sàng hợp tác để tiến tới một thỏa thuận hay không? Điều này rõ ràng phụ thuộc vào việc những nước này sẽ cân nhắc kỹ lưỡng xem họ sẽ có lợi ích gì nếu Tổng thống Trump đắc cử hoặc không.

"Chắc chắn Iran, Trung Quốc và Triều Tiên hiểu rằng bất kỳ điều gì họ làm đều sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử... Họ cũng có một lá phiếu", chuyên gia Rhodes nhận định.

Ông Kim Jong Un có lý do để giúp một Tổng thống luôn khen ngợi ông và có thiện chí đàm phán với Triều Tiên như ông Trump nên có thể Bình Nhưỡng sẽ cân nhắc đến một vài nhượng bộ. Trong khi đó, Iran rõ ràng muốn Tổng thống Trump chỉ dừng chân ở nhiệm kỳ này nên họ sẽ không dễ gì thực hiện một tiến trình ngoại giao đáng kể. Bắc Kinh cũng thể hiện rằng họ không muốn ông Trump tái đắc cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Với chiến lược gây sức ép tối đa, Tổng thống Trump từng đẩy căng thẳng với Iran đến tình thế "bên miệng hố chiến tranh" và sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến lược này hiện mới chỉ thu được những kết quả tối thiểu giữa bối cảnh thời gian của Tổng thống Trump không còn nhiều khi mà cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 sắp diễn ra. Rõ ràng, tiếp tục chiến lược gây sức ép tối đa và chờ đợi đối phương nhượng bộ hay mạo hiểm chuyển hướng chiến lược vào phút chót để tìm kiếm những kết quả đột phá sẽ là lựa chọn không dễ dàng với Tổng thống Trump.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 14/08/2019 là 1 AUD = 0.679 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 14/08/2019 là 1 AUD = 15,824 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ.

Tại Hà Nội, trời ít mây, ngày nắng nóng gay gắt, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 30 đến 36 độ.

Tại Adelaide, trời có mây rải rác, gió di chuyển với vận tốc từ 15-40 km/h. Nhiệt độ dao động từ 11–19 độ.

Tại Brisbane, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–24 độ.

Tại Sydney, sáng sớm có sương mù ở nhiều nơi, trong ngày trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–22 độ.

Tại Melbourne, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 30-45 km/h. Nhiệt độ dao động từ 8–16 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này