Chương trình Thời sự thứ Tư, 11/03/2020
Tin nước Úc:
- Tin Úc: Úc sẽ phân bổ thêm hàng triệu chiếc khẩu trang cho các nhân viên y tế
- Tin Úc: Úc áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Ý kể từ ngày 11/3
- Victoria: Một trường hợp nhiễm virus corona ở Victoria đã ghé qua chợ South Melbourne
- Tin Úc: Ngân hàng ANZ sẽ cắt giảm 230 việc làm
- Tin Úc: Học sinh có nền tảng kinh tế xã hội thấp đăng ký vào các trường đại học nhiều hơn
- Victoria: Hỗ trợ hàng trăm người dân mua được căn nhà đầu tiên của họ
- Sydney: Những điểm nóng nơi phụ huynh cho con đi học ở các lớp chọn từ rất sớm
- Tin Úc: Chữ viết tay của học sinh có liên quan mật thiết đến kỹ năng đọc và viết
- Tin vắn
Tin thế giới:
Covid-19 xuất hiện tại 119 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 119.000 người nhiễm, gần 4.300 người chết. Số ca nhiễm mới và tử vong tại Italy vẫn tiếp tục tăng nhanh. Nước này ghi nhận số người nhiễm lên 10.149, 631 ca tử vong. Số người nhiễm tại Iran là 8.042, 291 ca tử vong. Hàn Quốc ghi nhận số người nhiễm nCoV lên 7.755, trong đó 62 người đã tử vong. Trung Quốc ghi nhận số ca nhiễm lên 80.778, người chết vì Covid-19 lên 3.158. Pháp và Tây Ban Nha tiếp tục ghi nhận hàng loạt ca nhiễm mới, tổng số ca nhiễm nCoV tại Pháp hiện là 1.784 còn Tây Ban Nha là 1.695, số ca tử vong lần lượt là 33 và 35. Số ca nhiễm nCoV tại Mỹ đã tăng lên 975, số ca tử vong hiện là 30. Tổng thống Donald Trump vẫn bác bỏ khả năng lây lan rộng của nCoV, ông so sánh nó với cúm thông thường trong một bài đăng trên mạng xã hội Twitter hôm 9/3. Thổ Nhĩ Kỳ, Jamaica, Panama, Mông Cổ, Bolivia là những quốc gia ghi nhận các ca nhiễm nCoV đầu tiên trong ngày 10/3 và sáng 11/3. Thế giới hiện ghi nhận 119.176 ca nhiễm nCoV, 4.295 người tử vong và 65.132 người đã bình phục.
Ngày 10/3, một Hội nghị thượng đỉnh qua điện thoại diễn ra giữa lãnh đạo các nước châu Âu. Đây là sáng kiến của Tổng thống Pháp. Ông Emmanuel Macron hi vọng là các nước đồng ý phối hợp trong các biện pháp phòng chống dịch, tạo lập quỹ chung cho nghiên cứu vaccine và hỗ trợ những vùng có dịch, về dài hạn là xây dựng công nghiệp dược phẩm châu Âu không lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, tới lúc này, chưa có một hành động phối hợp nào giữa các nước thành viên châu Âu. EU có các cơ chế hành động chung trong ngoại giao, quốc phòng, pháp lý, kinh tế nhưng về y tế thì không, nếu có chỉ là hỗ trợ vật tư y tế.
Sáng 10/3, nội các Nhật Bản đã thông qua dự luật cho phép Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ban bố tình trạng khẩn cấp nếu cần. Động thái này diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở Nhật Bản. Dự luật trên sửa đổi Luật đặc biệt về phòng chống dịch cúm năm 2013. Dự luật cho phép Thủ tướng Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp nếu virus SARS-CoV-2 lây lan với tốc độ nhanh ở nước này, tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế. Khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, thống đốc các tỉnh, thành phố ở Nhật Bản có thể chỉ thị người dân địa phương phải ở trong nhà và yêu cầu đóng cửa các trường học cũng như hủy bỏ những sự kiện lớn. Dự luật này sẽ có hiệu lực trong vòng 2 năm.
Bộ Quốc phòng Mỹ vào ngày 9/3 cho biết đang lên kế hoạch triển khai một loại máy phát điện hạt nhân cỡ siêu nhỏ. Tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết, dự án mang tên Pele liên quan đến hoạt động phát triển một lò phản ứng siêu nhỏ tiên tiến, an toàn và di động để hỗ trợ các nhiệm vụ khác nhau của Bộ Quốc phòng như phát điện phục vụ các căn cứ hoạt động ở khu vực hẻo lánh. Những lò phản ứng di động này có công suất từ 1 - 5 MW. Thiết kế đảm bảo lò phản ứng dễ dàng tắt/mở, đồng thời có trọng lượng dưới 40 tấn để có thể vận chuyển được bằng máy bay, tàu thuyền hoặc xe đầu kéo. Dự kiến, hệ thống sẽ được thử nghiệm vào năm 2023 tại một cơ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Ngày 11/3, người phát ngôn Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cho biết chính phủ nước này sẽ phóng thích 5.000 tù binh Taliban theo lộ trình bắt đầu từ tuần này, nếu lực lượng phiến quân hạn chế đáng kể bạo lực, qua đó mở đường cho cuộc hòa đàm giữa 2 bên sau khi Mỹ ký thỏa thuận rút quân khỏi quốc gia Trung Nam Á. Trên Twitter, người phát ngôn Tổng thống Sediq Sediqqi cho biết chính phủ Kabul sẽ "phóng thích 1.500 tù binh Taliban như một cử chỉ thiện chí" bắt đầu từ ngày 14/3, và đợt tiếp theo là 3.500 tù nhân sau khi đàm phán được bắt đầu. Thông báo cũng cho hay việc phóng thích này sẽ phụ thuộc vào việc Taliban có sẵn sàng hạn chế đáng kể các vụ tấn công ở Afghanistan hay không. Quyết định này được cho là nỗ lực nhằm giải quyết một trong những bất đồng chính giữa Taliban và chính phủ Afghanistan. Trao đổi tù binh cũng là một trong những điểm chính trong thỏa thuận ký kết giữa Mỹ và Taliban tại Qatar hồi tháng trước.
Ngày 10/3, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga đã thông qua sửa đổi do nghị sĩ đảng “Nước Nga Thống nhất", bà Valentina Tereshkova, đề xuất, theo đó bãi bỏ hạn chế nhiệm kỳ đối với Tổng thống Vladimir Putin, đồng nghĩa với việc ông Putin có thể tái tranh cử thêm 2 nhiệm kỳ nữa, mở đường giúp ông nắm quyền đến tận năm 2036. Về phần mình, trong bài phát biểu trước phiên họp toàn thể của Hạ viện Nga, Tổng thống Putin cho biết ông tán thành đề xuất của bà Tereshkova và tin rằng ông nên có quyền tiếp tục tranh cử vì sự ổn định của nước Nga, dù các tổng thống trong tương lai cần bị giới hạn ở 2 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị Tòa án Hiến pháp ra quyết định về tính hợp pháp của sửa đổi. Theo ông chủ Điện Kremlin, tiếng nói cuối cùng sẽ do cử tri Nga quyết định trong một cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào ngày 22.4 tới.
IMF đã kêu gọi các nước triển khai những biện pháp kích thích "trọng yếu" và phối hợp quốc tế để ứng phó với tác động kinh tế của dịch bệnh COVID-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, trước những "cú sốc mạnh" mà các nền kinh tế, người tiêu dùng và doanh nghiệp đang phải hứng chịu, những nhà hoạch định chính sách cần triển khai nhiều biện pháp tài khóa, tiền tệ và thị trường tài chính trọng yếu để hỗ trợ hộ gia đình và doanh nghiệp chịu tác động. Theo IMF, những biện pháp này bao gồm: chuyển tiền mặt, trợ cấp lương, giảm thuế cũng như cắt giảm lãi suất và các ngân hàng trung ương hỗ trợ tài chính. Cùng với đó, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có sự liên kết tương tác, việc đưa ra các biện pháp ứng phó có sự phối hợp quốc tế là điều không phải bàn cãi. Tuần trước, IMF từng cảnh báo nền kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ tăng trưởng với tốc độ thấp hơn mức 2,9% của năm 2019 vì tác động của dịch bệnh COVID-19.
Số người thiệt mạng trong đợt mưa lũ tháng 3 ở Brazil đã lên tới 40 người. Trong khi đó, khoảng 40 người khác vẫn đang bị mất tích. Hiện tại, các dự báo về thời tiết cho thấy, những cơn mưa có xu hướng giảm nhẹ trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác cứu hộ. Trước tình hình này, Thống đốc bang Sao Paulo Joao Doria đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, tới nay các lực lượng cứu hộ Brazil mới phân phối được hơn 30 tấn hàng viện trợ tới các vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm: thực phẩm, quần áo, đồ vệ sinh và nước uống. Trước đó, những trận mưa lớn hồi tháng 1/2020 tại quốc gia này đã cướp đi sinh mạng của hơn 60 người.
Truyền thông quốc tế trong những ngày qua đã đưa tin về việc Saudi Arabia bắt giữ 3 thành viên hoàng gia cấp cao với cáo buộc âm mưu tiến hành đảo chính. Các thành viên hoàng gia cấp cao bị bắt giữ gồm em trai ruột và cháu của Quốc vương Saudi Arabia. Hiện tiến trình bắt giữ các thành phần liên quan có thể vẫn đang được tiếp tục. Những tờ báo quốc tế lớn như: Reuters, The New York Times, The Washington Post cùng nhiều tờ báo của khu vực Trung Đông đã đồng loạt đưa tin về vụ việc. Dù giới chức Saudi Arabia chưa lên tiếng xác nhận các thông tin này nhưng giới quan sát đồn đoán, đây có thể là một bước đi nữa nhằm củng cố quyền lực của thái tử Mohammad bin Salman, hướng tới việc kế nghiệp vua cha trong tương lai.
Tin thể thao:
Lượt về vòng 1/8 cúp C1: RB Leipzig đã giành chiến thắng 1-0 ở lượt đi vòng 1/8 Champions League trước Tottenham. Đến trận lượt về, đại diện của Đức đã đánh bại đội bóng của HLV Jose Mourinho với tỉ số 3-0 trên sân nhà. Chỉ trong 21 phút, lưới của Tottenham đã rung lên 2 lần bởi các pha lập công của Marcel Sabitzer (10’ và 21’). Phút 87, Emil Forsberg dập tắt mọi hy vọng của thầy trò Jose Mourinho bằng bàn thắng ấn định tỷ số 3-0. Thua 0-4 sau 2 lượt trận, Tottenham chính thức trở thành cựu á quân và nhường tấm vé vào tứ kết Champions League cho Leipzig. Thậm chí, Spurs đang gặp khủng hoảng khi mà họ đã 6 trận liền không biết mùi chiến thắng trên mọi đấu trường.
Trong khi đó, Atalanta đã giành chiến thắng 4-3 trên sân của Valencia ở trận lượt về vòng 1/8 Champions League. Ở trận lượt đi, đại diện của Italy giành chiến thắng 4-1 trên sân nhà. Trong một ngày thi đấu thăng hoa, Josip Ilicic đã hoàn tất cú poker của mình để giúp Atalanta giành chiến thắng. Với chiến thắng "hủy diệt" 8-4 sau 2 lượt trận, Atalanta chính thức ghi danh vào tứ kết Champions League.
Trận Barca vs Napoli diễn ra trên sân không khán giả: Trận Barcelona- Napoli ở Champions League trong khuôn khổ lượt về vòng 1/8 sẽ được chơi trên sân không có khán giả, thông báo của đội chủ sân Camp Nou cho biết. Quyết định này được đưa ra trong cuộc họp giữa đại diện của Barca và quan chức địa phương trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát ở nhiều quốc gia châu Âu. Như vậy, Barca-Napoli là trận thứ 3 ở Champions League được chơi trên sân không khán giả. Trước đó, nhà chức trách đã quyết định các trận PSG-Dortmund, Juventus-Lyon được chơi trong sân vận động đóng kín. Nhiều khả năng trận Bayern Munich- Chelsea cũng sẽ được áp dụng biện pháp tương tự. Hiện phía đội chủ nhà Bayern chưa đưa ra thông báo chính thức.
Trận của MU ở Europa League cấm CĐV tới sân vì Covid-19: Theo Goal, LASK - MU thuộc khuôn khổ vòng 1/8 Europa League, diễn ra trên SVĐ Linzer Stadion (Áo) là trận đấu mới nhất "cấm cửa" khán giả. Đây là nỗ lực của những nhà quản lí nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan trong tình cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhiều trận đấu thuộc vòng 1/8 Europa League và vòng 1/8 Champions League (Barca - Napoli, Bayern Munich - Chelsea, PSG - Dortmund) cũng xác nhận đá trên sân không có khán giả. Trận đấu giữa Basel và Frankfurt (Europa League) thậm chí phải hoãn lại vì phát hiện bệnh nhân tử vong tại Thụy Sĩ.
Arsenal bạo chi hỏi mua trung vệ MU: Rời MU chuyển sang chơi bóng cho AS Roma theo dạng cho mượn, Chris Smalling đang có những bước hồi sinh mạnh mẽ. Anh thi đấu ấn tượng nơi hàng thủ của đội bóng áo bã trầu, góp công lớn giúp Roma cạnh tranh gắt gao một suất dự Champions League mùa sau. Phong độ của Smalling lập tức thu hút sự chú ý của các đội bóng tại Premier League. Nhận thấy Smalling “đắt khách”, MU đã ra giá 25 triệu bảng cho trung vệ người Anh. AS Roma muốn mua Smalling nhưng đang ngần ngại với đòi hỏi của MU. Đội bóng Italia chỉ muốn chi khoảng 18-20 triệu bảng. Arsenal lập tức nhập cuộc. Theo tin từ truyền thông Anh, Arsenal sẵn sàng đáp ứng mức giá mà phía Quỷ đỏ đề nghị cho trung vệ 30 tuổi, để đưa anh về Emirates vào hè 2020.
MU nhận tin dữ từ Anthony Martial: Trận derby Manchester, Anthony Martial ghi bàn mở tỷ số, góp công lớn giúp MU thắng trận 2-0. Tuy nhiên, vận rủi ập đến với tiền đạo người Pháp khi anh bị thương sau một pha tranh chấp bóng. Theo tờ Manchester Evening News (Anh), kiểm tra ban đầu cho thấy Martial không gặp vấn đề gì về xương. Nhưng vết trầy ở vùng ống đồng khá to và đang bị sưng tấy. Ở buổi tập mới đây của MU, Martial không thể tham gia. Nhiều khả năng Martial sẽ vắng mặt trong chuyến làm khách của MU tới sân của LASK ở lượt đi vòng 1/8 Europa League sáng 13/3 tới.
Messi chi 4 triệu euro cứu Ronaldinho: Lionel Messi đã không quên những gì Ronaldinho đã làm để giúp đỡ anh trong những ngày đầu ở đội 1 Barcelona. Ngay khi hay tin cựu danh thủ người Brazil vướng vòng lao lý vì sử dụng hộ chiếu giả để nhập cảnh vào Paraguay, Messi lập tức ra tay để giúp đỡ đồng đội cũ. Theo truyền thông Brazil, Messi đã thuê đội ngũ luật sư đến Paraguay để hỗ trợ Ro “vẩu” trong cuộc chiến pháp lý. Ngoài ra, tiền đạo người Argentina cũng sẵn sàng trả 4 triệu euro tiền bồi thường để Ronaldinho sớm thoát cảnh tù tội. Ronaldinho từng là một ngôi sao giàu có nhưng rắc rối với luật pháp Brazil những năm gần đây khiến tài sản của anh bị tịch thu và đóng băng.
Lucas Torreira chấn thương, nghỉ hết mùa: Cú sốc ập đến với Arsenal trong giai đoạn nước rút của mùa giải 2019-20. Tiền vệ Lucas Torreira của họ đã dính chấn thương mắt cá trong trận đấu với Portsmouth ở vòng 5 FA Cup. Torreira phải rời sân ngay ở phút 16 sau cú xoạc bóng nguy hiểm của cầu thủ đối phương. Arsenal xác nhận Torreira đã bị rạn xương mắt cá chân phải và phải nghỉ thi đấu ít nhất từ 8 đến 10 tuần tới. Điều đó đồng nghĩa mùa giải 2019-20 đã chính thức khép lại với Torreira.
Man City đón Kevin De Bruyne trở lại. Theo đó, ngôi sao trên hàng tiền vệ của Man Xanh là De Bruyne đã hoàn toàn bình phục chấn thương để trở lại tập luyện từ hôm kia. Sự có mặt của Bruyne được coi là một tín hiệu đáng mừng với đội chủ sân Etihad bởi lịch thi đấu khó nhằn sắp tới. Đoàn quân của Pep Guardiola sẽ tiếp đón Arsenal và Burnley trên sân nhà, trước khi chạm trán Real Madrid tại lượt về vòng 1/8 cúp C1 châu Âu. Ở một diễn biến khác, tiền vệ chạy cánh Leroy Sane cũng đang định ngày trở lại sau 8 tháng ngồi ngoài vì chấn thương dây chằng chéo ở đầu gối phải. Sự bổ sung Sane trên hàng công sẽ giúp Pep không còn quá đau đầu với tình hình chấn thương của các học trò mùa giải năm nay.
Ngày 10/3, Bộ trưởng Olympic Nhật Bản cho biết, Thế vận hội Olympics và Paralympics tại Tokyo Nhật Bản vẫn sẽ được tổ chức. Theo Bộ trưởng Olympic Nhật Bản, việc tổ chức Thế vận hội tại Nhật Bản là cơ hội để đất nước mặt trời mọc thể hiện lòng biết ơn mà Nhật Bản nhận được từ thế giới sau trận động đất sóng thần năm 2011. Bộ trưởng Bộ Kinh tế Nhật Bản cho biết sẽ không có trường hợp Thế vận hội buộc phải hoãn hay hủy bỏ. Hiện dịch COVID-19 đang được kiểm soát tại Nhật Bản, nước này ghi nhận hơn 500 ca nhiễm COVID-19 và 10 ca tử vong.
Châu Âu, Mỹ và Iran chao đảo vì Covid-19 lan rộng
Virus corona tiếp tục lan rộng tại châu Âu, Mỹ và Iran khiến nhà chức trách nhiều quốc gia tăng thêm các biện pháp mạnh tay nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch.
Điểm nóng châu Âu và Iran
Châu Âu đang nổi lên là tâm điểm dịch bệnh của thế giới. Với việc Cộng hòa Cyprus xác nhận 2 ca nhiễm virus corona đầu tiên, giờ đây, toàn bộ 28 thành viên của Liên minh châu Âu EU đã trở thành nạn nhân của Covid-19. Tuy nhiên, cách tiếp cận của từng quốc gia trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh rất khác nhau.
Hơn 60 triệu người dân Italy thức dậy sáng 10/3 trong sự bàng hoàng khi chính phủ nước này áp dụng biện pháp phong tỏa cứng rắn trên toàn quốc. Biện pháp được Thủ tướng Giuseppe Conte đưa ra là bước đi mới nhất của Rome trong nỗ lực làm chậm lại sự lây lan của virus corona, đang gây chao đảo nền kinh tế và đời sống toàn cầu. Việc đi lại chỉ được cho phép với mục đích công việc, lý do sức khỏe, hoặc mua thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu.
Tại Pháp, nơi 1.784 người đã nhiễm bệnh và 33 ca tử vong được ghi nhận cho tới ngày 11/3, nhà chức trách tuyên bố quốc gia này chưa đối mặt dịch bệnh và vẫn trì hoãn tiến hành các biện pháp mạnh tay ở mức độ toàn quốc như được áp dụng tại Italy.
Tại Tây Ban Nha, nhà chức trách cho biết số người nhiễm Covid-19 đã tới 1.695 ca. Các trường học tại thủ đô Madrid được thông báo sẽ đóng cửa, sau khi số người mắc bệnh tăng đột biến trong những ngày qua. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 1,25 triệu học sinh, sinh viên tại Tây Ban Nha bị gián đoạn việc học. Biện pháp tương tự cũng được áp dụng tại Cộng hòa Cezch và Ba Lan.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang lan nhanh tới Trung và Đông Âu, Áo đã cấm người di chuyển từ Italy nếu không có phiếu xác nhận y tế. Croatia và Serbia cũng áp dụng những biện pháp hạn chế đi lại tương tự với người dân đến từ các vùng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của virus corona ở Italy.
Khắp châu Âu, nhiều sự kiện công cộng bị gián đoạn, hàng loạt hoạt động văn hóa, thể thao giải trí bị hủy bỏ hoặc hạn chế sự tham gia của công chúng.
Iran tiếp tục là điểm nóng lây lan của virus corona tại Trung Đông. Trong ngày 11/3, số ca nhiễm virus corona tại Iran đã lên tới 8.042, cao thứ ba trên thế giới chỉ sau Trung Quốc và Italy.
Chứng khoán Mỹ đỏ lửa
Bên kia Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán Phố Wall hứng chịu ngày giảm điểm nặng nề nhất hôm 9/3, sau khi đã liên tục lao dốc trong những tuần gần đây, làm bốc hơi 5.000 tỷ USD tài sản của các nhà đầu tư.
Tổng thống Trump dự kiến sẽ công bố các biện pháp kích thích nền kinh tế, trong đó có cắt giảm thuế nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi sự lây lan của virus corona. Các nhà đầu tư lo ngại việc chính quyền Tổng thống Trump ứng phó không hiệu quả với virus corona có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, làm dấy lên tâm trạng hoang mang cho kinh tế toàn cầu.
Tại New York, ca nhiễm đầu tiên chỉ vừa được phát hiện vào tuần trước. Nay, chính quyền bang New York cho biết hơn 140 ca nhiễm virus corona đã được xác nhận, trong khi hàng nghìn người phải tự cách ly theo yêu cầu của nhà chức trách mà không có hướng dẫn chi tiết.
Tại nhiều nơi trên nước Mỹ, các bệnh viện thông báo về tình trạng thiếu khẩu trang y tế, thiết bị bảo hộ quan trong trọng cuộc chiến chống lại sự lây lan của virus corona.
Trên toàn nước Mỹ, gần 1.000 ca nhiễm Covid-19 đã được ghi nhận, tuy nhiên các quan chức y tế cảnh báo con số sẽ còn tiếp tục tăng, do sự chậm trễ trong quá trình xét nghiệm đã làm chậm các nỗ lực xây dựng bức tranh dịch bệnh toàn cảnh.
Trong cuộc chạy đua áp dụng các biện pháp phòng ngừa, hàng loạt văn phòng làm việc, từ trụ sở NATO tại Brussels, Bỉ tới các không gian làm việc chung tại Thung lũng Sillicon, Mỹ đã bị bỏ không khi nhân vien được yêu cầu làm việc tại gia. AP cho biết khu vực trung tâm thành phố Seattle nay không khác gì một thị trấn ma.
Dịch bệnh giảm tốc lây lan ở Đông Á
Tới thời điểm hiện tại, hơn 119.000 ca nhiễm virus corona đã được ghi nhận trên toàn cầu. Tuy nhiên, hơn 66.000 người đã được điều trị và hồi phục. Tại Trung Quốc, nơi bùng phát của dịch bệnh, số ca nhiễm mới đã liên tục giảm trong vài ngày qua. Hôm 10/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới vì sự bùng phát của virus corona. Tại Vũ Hán, ông Tập tuyên bố người dân nước này đã "xoay chuyển tình thế" trước virus corona.
Trung Quốc đã đóng cửa tất cả bệnh viện dã chiến được xây dựng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Vũ Hán trong tuần này, sau khi những người bệnh cuối cùng xuất viện. Nhà chức trách Hồ Bắc cũng đã rục rịch chuẩn bị cho sự hoạt động trở lại của các doanh nghiệp sản xuất. Một số tuyến đường giao thông đã được khôi phục. Người được xác nhận khỏe mạnh được cho phép đi lại tự do bên trong tỉnh Hồ Bắc.
Tuy nhiên, bài kiểm tra thực sự sẽ chỉ được tiến hành khi nhà chức trách Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại tại Hồ Bắc. Tới khi đó, người ta mới thật sự kiểm chứng được liệu Trung Quốc đã kiểm soát thành công virus corona, hay những tín hiệu tích cực gần đây chỉ là khoảng lặng trước khi đợt bùng phát thứ 2 bắt đầu như những gì từng xảy ra trong đại dịch SARS.
Trong khi đó, giới chức Hàn Quốc hôm 11/3 xác nhận 277 ca nhiễm mới virus corona tại nước này. Số ca nhiễm bệnh mới tại Hàn Quốc đã liên tục giảm trong vài ngày qua, khi nhà chức trách hoàn thành xét nghiệm hơn 200.000 tín đồ giáo phái Tân Thiên Địa. Tuy nhiên, nhà chức trách Hàn Quốc khẳng định nước này vẫn trong tình trạng báo động cao trước nguy cơ của các nhóm nhiễm mới.
Người dân cần hành xử có trách nhiệm
Trái với nhiều nước châu Âu, Thủ tướng Anh Boris Johnson hiện vẫn từ chối áp dụng các biện pháp như hạn chế di chuyến, các trường học và sự kiện có đông người tham dự chưa có dấu hiệu bị ảnh hưởng. Ông Johnson và các cộng sự cho rằng việc áp dụng các biện pháp tạo ra "khoảng cách xã hội" trong khi sự bùng phát của dịch bệnh chỉ ở giai đoạn đầu sẽ tạo ra những mặt trái.
"Có nguy cơ nếu chúng ta hành động quá sớm, người dân sẽ sớm bị kiệt quệ và không thể duy trì (các biện pháp) trong thời gian dài", Chris Whitty, một quan chức y tế cấp cao trong chính quyền Anh, cho biết.
Tới thời điểm hiện tại, giới chức y tế Anh chủ yếu yêu cầu người có dấu hiệu sức khỏe bất thường tự cách ly, và chỉ tập trung vào nhóm được đánh giá là bị ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19. Đây là biện pháp được cho là nhằm hạn chế gánh nặng lên hệ thống y tế công cộng và tránh tâm lý hoang mang trong cộng đồng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những biện pháp mà London đang triển khai hiện nay, như kiểm tra thân nhiệt tại sân bay, chỉ có hiệu quả hạn chế. Các chuyên gia cho rằng máy đo thân nhiệt không thực sự đáng tin, người nhiễm bệnh có thể sử dụng thuốc hạ sốt, trong khi nhiều người vẫn có trạng thái sức khỏe bình thường khi ở trong thời gian ủ bệnh.
Hạn chế di chuyển, mặc dù vậy, bản thân nó không thực sự phát huy hiệu quả. Các nhà nghiên cứu cho rằng hạn chế di chuyển dù ở quy mô được áp dụng tại Trung Quốc "chỉ phát huy hiệu quả hạn chế" nếu như không được kết hợp với các biện pháp y tế cộng đồng và thay đổi trong hành vi của người dân, qua đó giúp làm giảm lây nhiễm chéo trong cộng đồng.
Để tối đa hóa hiệu quả biện pháp phong tỏa, nhà chức trách Italy đã áp đặt hình phạt 3 tháng tù giam và phạt tiền 225 USD cho những người vi phạm quy định về hạn chế đi lại. Các biện pháp phong tỏa dự kiến sẽ kéo dài tới ngày 3/4.
Trong khi đó, Bộ Y tế Singapore hôm 10/3 cũng yêu cầu người dân hành xử có trách nhiệm, hạn chế tiếp xúc xã hội trong trường hợp có dấu hiệu bệnh lý, nhằm tránh lây lan virus cho cộng đồng. Nhà chức trách Singapore cho biết hàng chục ca nhiễm virus corona không tự hạn chế các hoạt động xã hội, khiến nhiều người bị nhiễm bệnh.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 11/03/2020 là 1 AUD = 0.651 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 11/03/2020 là 1 AUD = 15,152 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời ít mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 36 độ.
Tại Hà Nội, trời nhiều mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 23 đến 28 độ.
Tại Adelaide, trời có mây rải rác, chiều tối có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 23–32 độ.
Tại Brisbane, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 19–27 độ.
Tại Sydney, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 18–25 độ.
Tại Melbourne, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 18–30 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào