Chương trình Thời sự thứ Tư, 10/07/2019
Tin nước Úc:
- Melbourne: Thời tiết xấu, gió giật mạnh, Sân bay Melbourne buộc phải hủy bỏ nhiều chuyến bay
- Victoria: Một người đàn ông bị buộc tội nhập lậu cocaine với mục đích thương mại
- Melbourne: Hành khách hãi hùng khi phát hiện kim tiêm chứa máu trên xe tram
- Victoria: Dời lại thời gian bỏ phiếu để bầu ra nhóm đại biểu của Hiệp ước Tiến bộ với người Thổ dân
- Sydney: Thử nghiệm tuyến đường sắt nội đô đi từ Randwick đến Circular Quay
- Victoria: Chính quyền bang cam kết sẽ thực thi các khuyến nghị về chăm sóc sức khỏe thần kinh
- Hadfield: Một nam thanh niên bị người lạ tiếp cận, đấm đến gãy xương hàm
- Tin Úc: Tổ chức Giám sát Tài chính Úc xác nhận thay đổi cách đánh giá điều kiện cho vay thế chấp
- Di trú: Số lượng hồ sơ xin nhập quốc tịch Úc được phê duyệt đã tăng 88% trong một năm
- Tin vắn
Tin thế giới:
Ngày 9/7, một ngày sau khi tân Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nhậm chức, chính phủ mới của Hy Lạp cũng tuyên thệ nhậm chức tại phủ Tổng thống ở thủ đô Athens, với cam kết có thể mang lại thay đổi và thành công cho đất nước, vốn chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế suốt một thập kỷ qua. 51 thành viên trong chính phủ mới đã tuyên thệ trong một buổi lễ do Tổng Giám mục Athens Ieronymos điều hành. Trước đó, ngày 8/7, lãnh đạo đảng Dân chủ mới (ND) Kyriakos Mitsotakis đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Hy Lạp sau khi giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn diễn ra ngày 7/7.
Liên minh châu Âu (EU) vừa kêu gọi Iran đảo ngược hoạt động gia tăng làm giàu urani hiện nay và tuân thủ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn của EU nêu rõ, khối này tiếp tục hối thúc Iran không có thêm những hành động làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân, chấm dứt và đảo ngược mọi hoạt động trái với thỏa thuận hạt nhân, trong đó có quy định làm giàu urani ở cấp độ thấp. EU đã đưa ra lời kêu gọi trên 1 ngày sau khi Iran xác nhận cấp độ làm giàu urani của Iran đã vượt mức 4,5%, vượt xa mức cho phép theo thỏa thuận JCPOA.
Iran đã phát đi cảnh báo rằng "sự kiên nhẫn của Tehran chỉ có giới hạn", trong bước tiếp theo nước này có thể sẽ làm giàu urani lên tới cấp độ 20%. Cảnh báo được Iran đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Pháp Emanuel Macron đã quyết định cử đặc phái viên của mình tới Tehran, đồng thời có cuộc điện đàm lần thứ 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trong 1 tuần nhằm tìm cách hạ nhiệt những căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran. Một quốc gia sẽ có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân nếu làm giàu urani tới cấp độ 90% và dự trữ urani trên 1.000kg. Tổng thống Pháp Emanual Macron hiện mong muốn đóng một vai trò như trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran. Tuy nhiên, cả Mỹ và Iran đang cho thấy không bên nào muốn "xuống thang".
Căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Anh vẫn khó lường, sau vụ rò rỉ những lời nhận xét tiêu cực của Đại sứ Anh tại Mỹ về ông chủ Nhà Trắng và chính quyền Washington. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ không làm việc với vị đại sứ này nữa - một dấu hiệu cho thấy quan hệ đi xuống giữa 2 đồng minh thân cận Anh và Mỹ. Dù khá bất ngờ trước sự cố này, thế nhưng nhiều quan chức Anh bày tỏ quan điểm ủng hộ "người nhà". Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết đặt niềm tin hoàn toàn vào ông Darroch và bảo vệ Đại sứ của mình trước quyền được đưa ra những đánh giá "trung thực và tự nhiên". Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt nhấn mạnh, việc Đại sứ Darroch đưa ra các đánh giá trên là nhiệm vụ được giao và phản ánh quan điểm của riêng ông ấy chứ không phải của Chính phủ.
Indonesia đã mất hơn 29.000 ha đất ven biển chỉ trong chưa đầy 2 thập kỷ qua, tương đương diện tích của thủ đô Jakarta do xói mòn. Những hình ảnh từ vệ tinh cho thấy, sóng biển đang "ngoạm" vào đất liền từ 3 - 4m mỗi năm tại khu vực đông dân cư sinh sống nhất. Mức độ xói mòn đã nghiêm trọng hơn, xuất phát từ những hoạt động kinh tế thiếu bền vững như phá rừng ngập mặn ven biển để đào ao nuôi cá, hay khai thác cát quá mức. Trong khi đó, lượng đất mới được hình thành nhờ hiện tượng bồi lấp tự nhiên chỉ bằng một nửa số đất bị xói mòn. Hiện Chính phủ Indonesia đang tiến hành một số biện pháp như: trồng lại rừng đước, thúc đẩy quá trình bồi đắp và tạo đất mới với hy vọng sẽ có thêm đất ven biển được khôi phục vào cuối năm nay.
Bộ trưởng Môi trường Pháp Elisabeth Borne ngày 9/7 cho biết nước này đã quyết định áp dụng loại "thuế môi trường" đối với toàn bộ chuyến bay cất cánh từ Pháp. Cụ thể, mức thuế là 1,5 euro đối với mỗi vé máy bay hạng bình dân trên các chuyến bay nội địa và các chuyến bay trong khu vực châu Âu, và lên tới 18 euro đối với mỗi vé máy bay hạng thương gia trên các chuyến bay ra ngoài khối. Dự kiến, loại thuế mới sẽ được thực thi từ năm 2020, và đóng góp cho ngân sách quốc gia Pháp khoảng 180 triệu euro/năm. Phát biểu tại họp báo, bà Borne cho biết tiền thu thuế này sẽ được tài trợ cho các dự án giao thông ít gây ô nhiễm tại Pháp.
Ngày 9/7, giới chức thành phố Winnipeg, Canada cho biết, 46 người đã được đưa vào bệnh viện sau vụ rò rỉ khí Carbon Monoxide tại một khách sạn ở thành phố này. 15 người trong số này đang trong tình trạng nguy kịch. Vụ việc xảy ra vào khoảng 10h19 (theo giờ địa phương). Sau khi biết sự viêc, lực lượng cứu hỏa đã tiến hành sơ tán 52 người, bao gồm cả khách và nhân viên tại khách sạn. Hiện giới chức địa phương đang điều tra nguyên nhân vụ việc.
Trung bình mỗi ngày có 137 phụ nữ trên toàn thế giới bị sát hại bởi chính người chồng hoặc thành viên khác trong gia đình. Đây là nội dung trong báo cáo mới nhất của Văn phòng LHQ về chống Ma túy và Tội phạm. Năm 2017, toàn thế giới có khoảng 87.000 phụ nữ bị sát hại. Trong đó, khoảng 50.000 người đã bị chính người chồng hiện tại, chồng cũ, hoặc các thành viên khác trong gia đình sát hại. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong những năm qua, hầu như không có tiến bộ nào đáng kể trong việc bảo vệ phụ nữ trước nạn bạo lực gia đình. Số lượng phụ nữ bị sát hại thậm chí còn tăng lên. Châu Á là nơi có nhiều phụ nữ bị sát hại trong gia đình nhất, tiếp đến là châu Phi, châu Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương.
234 người bị bắt giữ, hàng triệu liều thuốc kích thích cùng các loại dược phẩm giả đã bị tịch thu trong một chiến dịch truy quét quốc tế quy mô lớn. Chiến dịch truy quét lần này mang tên Viribus với sự tham gia của 33 quốc gia, trong đó có 23 nước thành viên EU và Cơ quan Chống doping quốc tế. Theo Cơ quan Chống doping quốc tế, chiến dịch đã triệt phá 17 tổ chức tội phạm tham gia buôn bán dược phẩm giả và chất kích thích trên toàn châu Âu. Trong khuôn khổ chiến dịch, cảnh sát đã đóng cửa 9 phòng thí nghiệm dưới lòng đất ở một số quốc gia châu Âu và thu giữ gần 24 tấn bột hợp chất hữu cơ steroid thô. Đây là chiến dịch truy quét phối hợp lớn nhất từng được tổ chức trong hơn 20 năm qua tại châu Âu.
Ngành du lịch của Cuba vẫn tiếp tục phát triển bất chấp các biện pháp mới của Washington hạn chế hoạt động chi tiêu của người Mỹ tại quốc đảo Caribe này. Tính đến cuối quý I/2019, số lượng du khách quốc tế đến Cuba tăng 7,2%, cao hơn dự báo đưa ra trước đó. Cuba đặt mục tiêu đón 5,1 triệu lượt du khách trong năm 2019. Sau khi các công ty tàu biển Mỹ không được phép tổ chức những chuyến tàu biển tới đảo quốc này, Cuba đã tìm kiếm các giải pháp thay thế mới. Ngành du lịch của Cuba lâu nay hưởng lợi từ nguồn du khách quốc tế đến từ Canada, châu Âu và lượng khách từ các nơi này đang tiếp tục tăng mỗi năm. Với đà phát triển của các thị trường này, Cuba đã lên các kế hoạch xây dựng 8.500 phòng khách sạn mới trên khắp đất nước trong những năm tới.
Chính quyền Thủ đô Tokyo, Nhật Bản vừa lên kế hoạch thử nghiệm tàu thủy chở khách để phục vụ việc đi lại của người dân. Theo kế hoạch, các chuyến tàu thủy thử nghiệm sẽ bắt đầu từ ngày 24/7 đến đầu tháng 8. Mỗi tàu có thể chở tối đa 40 người. Trong thời gian thử nghiệm, hành khách có thể sử dụng miễn phí dịch vụ này. Tuy nhiên, hành khách cần đặt chỗ trước cũng như cung cấp một số thông tin cần thiết theo yêu cầu. Kế hoạch trên được thực hiện do Nhật Bản lo ngại nguy cơ ùn tắc giao thông trong suốt thời gian diễn ra thế vận hội mùa Hè tại Thủ đô Tokyo vào năm tới.
Từ ngày 1/9, tại tất cả các trường học ở Nga có thể sẽ bị cấm sử dụng điện thoại di động và điện thoại thông minh. Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko đã đưa ra đề xuất này và yêu cầu Cơ quan giám sát quyền lợi người tiêu dùng Nga xem xét quy định trước thềm năm học mới. Theo Người đứng đầu Hội đồng Liên bang, việc sử dụng điện thoại trong nhà trường đang làm nhiều học sinh mất tập trung và ảnh hưởng xấu đến quá trình học tập. Đồng thời, các cơ sở giáo dục cũng không có điều kiện bảo quản những tài sản này khi chúng được đưa đến lớp học. Nhiều giáo viên cho rằng, việc cấm học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong lớp là cần thiết để giảm sự phụ thuộc của các em vào Internet. Đề xuất cấm sử dụng điện thoại di động trong trường học hiện đang gây ra nhiều tranh luận tại Nga.
Tin thể thao:
Wimbledon ngày 8:
Svitolina đi tiếp: Đối đầu với tay vợt kém mình tới 60 bậc trên BXH của WTA, Karolina Muchova, nhưng Elina Svitolina đã phải rất vất vả mới giành quyền vào bán kết Wimbledon 2019. Set đầu, dù có được điểm break sớm nhưng Svitolina bị dẫn trước với tỉ số 2-5. Rất may, Svitolina đã kịp lấy lại phong độ và thắng liền 5 game để thắng set 1 với tỉ số 7-5. Set 2, Svitolina lại sớm mất break. Tuy nhiên, cô đã có liền 3 điểm break để vươn lên dẫn trước 5-2. Dù rất cố gắng nhưng Muchova không thể đòi lại đủ những gì đã mất và để thua 4-6, chấp nhận thất bại 0-2 chung cuộc. Vào bán kết, Svitolina sẽ đối đầu Simona Halep. Halep đã đánh bại tay vợt Trung Quốc Zhang Shuai sau hai set.
Johanna Konta dừng bước: Johanna Konta được coi là niềm hy vọng số một của khán giả Anh để giữ chiếc cúp Wimbledon ở lại xứ sở "Sương mù". Tuy nhiên, tay vợt 28 tuổi đã để thua đối thủ không được xếp hạng hạt giống, Strycova chỉ sau 2 set đấu. Dù sớm mất break trong set 1 nhưng Konta đi thi đấu rất cố gắng và kéo set đấu tới những loạt tie-break. Tuy nhiên, tay vợt người Anh cuối cùng vẫn phải gác vợt trong set 1. Điều này có lẽ ảnh hưởng tới tâm lý thi đấu của Konta trong set đấu tiếp theo và cô để nhanh chóng với tỉ số 1-6. Giành chiến thắng, đối thủ tại bán kết của Strycova sẽ là Serena Williams. Serena giành chiến thắng trước Alison Riske sau 3 set (6-4, 4-6, 6-3).
“Thần đồng” 15 tuổi Coco săn vé dự Mỹ mở rộng: Do giới hạn độ tuổi của Hiệp hội quần vợt nữ thế giới WTA nhằm tránh tình trạng kiệt sức ở các tay vợt trẻ, Cori Gauff chỉ còn được phép tham dự tối đa bảy giải đấu nữa trước tháng Ba sang năm khi cô bước sang tuổi 16. Nhưng cơ hội đến Flushing Meadows dự Mỹ Mở rộng 2019 vào cuối tháng sau vẫn còn nguyên đối với tay vợt người Mỹ này. Cori "Coco" Gauff vừa thua Simona Halep ở vòng 4 Wimbledon sau những màn trình diễn chấn động.
Juventus đón tân binh thứ 6: Trang Twitter của CLB Juventus đã đăng tải đoạn video cho thấy hậu vệ Cristian Romero đã có mặt tại Turin để kiểm tra y tế trước khi chính thức ra mắt. Trước đó, Juventus đã thuyết phục Genoa bán Romero với giá rơi vào khoảng 15-20 triệu euro. Đây là món hời với Genoa bởi Hè năm ngoái họ chỉ mất 1,65 triệu euro để mua hậu vệ 21 tuổi từ Belgrano. Romero sẽ trở thành tân binh thứ 6 của Juventus Hè này sau Aaron Ramsey, Adrien Rabiot, Gianluigi Buffon, Merih Demiral và Luca Pellegrini.
Leicester City đón tân binh đắt nhất lịch sử: Leicester đã chiêu mộ thành công tiền vệ Youri Tielemans từ Monaco. Cầu thủ người Bỉ cập bến Leicester theo dạng mua đứt sau nửa mùa giải thi đấu thành công dưới dạng cho mượn. Mức phí không được 2 bên tiết lộ nhưng theo truyền thông Anh nó rơi vào khoảng 40 triệu bảng. Với phí chuyển nhượng này, Youri Tielemans trở thành bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Leicester.
Higuain từ chối rời Juventus: Sky Sport Italia loan tin Gonzalo Higuain không muốn rời Juventus dù đội vô địch Serie A rất muốn bán anh để chiêu mộ một tiền đạo khác. Higuain đã trở lại Juve sau khi hết hạn cho mượn ở Chelsea. Anh đã thuê HLV thể lực riêng để luyện tập và tin rằng có thể thuyết phục được ông Sarri là mình đủ sức chơi tốt. Juve đang tìm cách đẩy Higuain sang Roma nhằm chiêu mộ tài năng trẻ Zaniolo từ chính đội bóng thủ đô. Nhưng Sky Sport Italia cho biết Higuain thậm chí không nghĩ đến chuyện chấp nhận đề nghị của Roma. Chân sút Argentina vẫn còn 2 năm hợp đồng với Juve.
Lukaku đặt lịch hẹn cho Inter: Tờ Mirror (Anh) đưa tin Romelu Lukaku đã bắn tín hiệu cho phía Inter, đặt cho đội bóng Italia một cái hẹn. Cụ thể, Lukaku muốn gia nhập Inter trước ngày 20/7, thời điểm MU sẽ có trận giao hữu với Inter tại Singapore. Lukaku không muốn tương lai của mình chưa ngả ngũ trước thời điểm này. Inter quan tâm tới Lukaku nhưng đòi hỏi 75 triệu bảng từ MU khiến họ chùn bước. Thời gian qua, Inter tỏ ra chần chừ trong thương vụ khiến phía Lukaku sốt ruột. Người đại diện của Lukaku đã kêu gọi Inter phải hành động quyết liệt hơn. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng sở hữu Lukaku vào thời điểm này là nhiệm vụ khó với đội bóng Serie A.
Arsenal đạt thỏa thuận chiêu mộ trung vệ trẻ: Tờ Daily Mail khẳng định Arsenal đã đạt thỏa thuận chiêu mộ trung vệ trẻ William Saliba. Phía CLB Saint-Etienne đã đồng ý đề xuất 26 triệu bảng từ Pháo thủ. Điểm mấu chốt là cơ cấu thanh toán trong thương vụ Saliba. Arsenal có thể cho Saint-Etienne mượn lại một năm và trả dần khoản phí chuyển nhượng cho tới khi trung vệ 18 tuổi chính thức chơi bóng cho CLB. HLV Unai Emery xem Saliba là nhân tố dành cho tương lai. Mùa trước, William Saliba ra sân thi đấu 19 trận và được đánh giá cao ở khả năng đọc tình huống và không chiến tốt.
Barca ra mắt áo đấu mới ý nghĩa: Năm 2019 là cột mốc 40 năm kể từ khi lò học viện La Masia ra đời. Nơi đây được đánh giá là một trong những nơi đào tạo nổi tiếng nhất thế giới bóng đá, cho ra lò những Lionel Messi, Andres Iniesta hay Xavi Hernandez. Bởi vậy, đội chủ sân Camp Nou đã đánh dấu cột mốc này bằng mẫu áo mang nhiều ý nghĩa. Với thiết kế giống như mùa giải năm 1979, chiếc áo của Barca có màu vàng với sọc chéo, quần xanh đỏ truyền thống. Cổ áo được khoét chữ V và mang biểu tượng cờ sọc Catalan. Mẫu áo này được bán công khai kể từ ngày 9/7.
“Sợi chỉ” níu giữ thỏa thuận hạt nhân Iran
Phải mất tới 20 tháng ròng rã để Iran và nhóm P5+1 có thể hoàn tất đàm phán và ký thỏa thuận Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) tháng 7/2015 ở Vienna (Áo), song tới thời điểm hiện nay, thời gian để các bên “cứu” thỏa thuận hạt nhân lịch sử này có lẽ chỉ còn tính bằng tuần.
Kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép tối đa đối với Iran, khiến Tehran có những động thái được cho là “ăn miếng, trả miếng,” căng thẳng giữa hai bên liên tục leo thang và vòng xoáy đối đầu thực sự chưa có điểm dừng.
Cho tới nay, cả Mỹ và Iran đều thể hiện quan điểm cứng rắn và chưa bên nào có dấu hiệu nhượng bộ. Việc Iran tuyên bố từ ngày 7/7 bắt đầu làm giàu urani vượt mức tối đa cho phép 3,67% trong thỏa thuận hạt nhân, là bước đi đã được báo trước và có tính toán của Tehran, cho thấy sự kiên quyết của quốc gia Hồi giáo trong việc bảo vệ các lợi ích của mình.
Trong vòng 1 năm kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã xác nhận Iran vẫn tuân thủ các cam kết của nước này trong JCPOA. Tuy nhiên, căng thẳng liên quan tới vấn đề hạt nhân Iran không được tháo gỡ khi Mỹ ngày càng siết chặt chính sách “gây sức ép tối đa,” trong khi Liên minh châu Âu (EU) thực sự “bó tay” không có hành động để ngăn Iran khỏi hứng chịu thiệt hại. Như đánh giá của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, động thái của Iran là “hệ quả tự nhiên” của các sự việc gần đây, cũng như bởi “sức ép chưa có tiền lệ” từ phía Mỹ.
Tuy nhiên, cũng như những lần trước, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif một lần nữa khẳng định tất cả các biện pháp của Iran nhằm thu hẹp các cam kết của nước này đối với thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vẫn “có thể đảo ngược” nếu các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA hoàn thành những nghĩa vụ của mình.
Động thái “ra điều kiện” mới của Iran nhằm thúc ép hành động của các bên còn lại tham gia ký thỏa thuận hạt nhân, gồm 3 nước thành viên EU là Anh, Pháp, Đức cùng với Nga và Trung Quốc.
Trong trường hợp cụ thể này, động thái của Iran rõ ràng muốn trực tiếp nhắm tới EU, bởi Tehran trong hơn 1 năm qua kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi JCPOA, luôn cho rằng các nước EU đã “bỏ mặc” Iran vùng vẫy trong “vũng lầy” mà Mỹ đã bỏ lại cho các đối tác tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân.
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố JCPOA “là một thỏa thuận tồi,” quá “hào phóng” với Iran, đồng thời rút khỏi thỏa thuận nhằm gây sức ép buộc Tehran tiến hành đàm phán lại, các nước EU đã đưa ra nhiều tuyên bố mạnh mẽ, khẳng định ủng hộ và bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran.
Trên thực tế, thỏa thuận hạt nhân Iran, ngoài việc đem lại những lợi ích kinh tế đối với các nước EU, còn được xem là một “thành quả ngoại giao” quan trọng của EU, khiến uy tín và tầm ảnh hưởng của EU gia tăng rõ rệt bởi trước đó, trong nhiều vấn đề quốc tế, EU thường bị đánh giá là “chịu sự chi phối” của Mỹ. Bởi vậy mà EU đã rất nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, suốt hơn 1 năm qua, EU tỏ ra vẫn loay hoay trong “mớ bòng bong” những phương án trên giấy nhằm duy trì thỏa thuận này, song lại không có bước đi thực tế hiệu quả nào.
Các nước EU đang trong “thế khó,” một mặt chịu sức ép lớn từ đồng minh Mỹ trong việc buộc Iran đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân, mặt khác lại bị Tehran gây áp lực phải duy trì việc thực thi thỏa thuận và đảm bảo các lợi ích cho quốc gia Hồi giáo.
Hai sức ép đối với EU từ những góc độ khác nhau, song lại có quan hệ mắt xích và ràng buộc chặt chẽ. Có thể nói EU phải đi giữa hai “làn đạn” mà không thể nghiêng hẳn về bên nào, bởi nếu chệch làn, JCPOA sẽ lập tức chấm hết. EU vừa muốn cứu vãn JCPOA vì lợi ích của chính mình và cũng muốn tránh leo thang căng thẳng với Iran, song không thể tự do thực hiện những bước đi “ngược chiều” với Mỹ trong vấn đề này, trước hết bởi các công ty EU sẽ hứng chịu thiệt hại lớn nếu “lách” các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Tehran.
Hơn nữa, đối với EU, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, dù đã bị sứt mẻ đáng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền tháng 1/2017, song đây vẫn là ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của EU, đặc biệt xét trên khía cạnh thương mại và an ninh.
Cũng chính vì tình thế lập lờ và bế tắc này của EU, Iran tỏ ra “mất kiên nhẫn” và những bất đồng cốt lõi giữa Mỹ và Iran cả năm nay không thể giải quyết. Iran mong muốn được châu Âu đảm bảo các lợi ích thông qua một cơ chế hợp tác đặc biệt trong giao dịch (cơ chế INSTEX) để tránh các trừng phạt của Mỹ, nhưng cơ chế được hình thành từ suốt một năm qua này mới được đưa vào hoạt động ngày 1/7 và chưa thực hiện bất kỳ giao dịch nào. Tính hiệu quả của cơ chế này vì thế đang bị nghi ngờ, quan trọng hơn, Iran có vẻ “mất lòng tin” vào EU. Việc Tehran sớm muộn có động thái “rời xa” hay “nới lỏng” những ràng buộc của mình với JCPOA là điều không tránh khỏi.
Quyết định của Iran về lý thuyết khiến “sợi dây” níu giữ thỏa thuận hạt nhân Iran càng lỏng lẻo và nguy cơ thỏa thuận này đổ vỡ càng lộ rõ. EU cũng đã bày tỏ quan ngại sau khi Iran tuyên bố gia tăng hoạt động làm giàu urani vượt mức giới hạn theo JCPOA, đồng thời cho biết đang liên hệ chặt chẽ với các bên tham gia ký thỏa thuận để thảo luận những bước tiếp theo.
Một phát ngôn viên của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Federica Mogherini, nhấn mạnh EU hết sức quan ngại về tuyên bố của Iran, hối thúc Iran chấm dứt và hủy bỏ tất cả các hoạt động trái với các cam kết.
Trong khi đó, chính phủ Pháp, Anh và Đức đã lập tức lên tiếng về những diễn biến mới, kêu gọi Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm kéo dài hơn một giờ với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani và cho biết ông sẽ tìm cách nối lại đối thoại giữa Iran và các đối tác phương Tây. Chính phủ Anh đang nỗ lực cùng các bên khác tham gia JCPOA thúc đẩy những bước tiếp theo, trong đó có việc lập một ủy ban chung theo thỏa thuận hạt nhân.
Có thể nói căng thẳng trong vấn đề Iran đã leo thang lên cấp độ nguy hiểm mới. Sự mất kiên nhẫn của cả Mỹ và Iran có nguy cơ đẩy Trung Đông tới bờ vực chiến tranh, khiến khu vực vốn không yên ả này trở nên hỗn loạn hơn. Trong bối cảnh hiện nay, EU vẫn được coi là bên duy nhất có thể tháo ngòi nổ xung đột, bởi EU là bên có lợi ích lớn nhất khi căng thẳng Mỹ-Iran được tháo gỡ. Nói cách khác, EU đang nắm “sợi chỉ” cuối cùng níu giữ thỏa thuận hạt nhân Iran.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi, các cuộc thảo luận với các đối tác châu Âu vẫn đang được tiếp tục và dự kiến hai bên sẽ tiến hành họp cấp bộ trưởng vào cuối tháng này. Iran rõ ràng đã để ngỏ một “khe cửa” cho hoạt động ngoại giao, song liệu EU có nắm bắt được cơ hội này hay không? Việc tháo gỡ căng thẳng Mỹ-Iran lúc này đang được xem là “phép thử” năng lực ngoại giao của EU, và một tính toán sai lầm có thể cắt đứt hẳn sợi dây mong manh níu giữ thỏa thuận hạt nhân.
Theo các chuyên gia, trước hết EU cần phải tìm mọi cách duy trì các kênh đối thoại để tránh xung đột leo thang thành đối đầu quân sự. Chuyên gia về Trung Đông Benedikt van den Woldenberg cho rằng châu Âu cần thể hiện tiếng nói và vai trò lớn hơn, tựa như cây cầu ngoại giao giữa các bên xung đột, bởi giống như công cụ “Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu” thời Chiến tranh Lạnh, điều cần thiết là thiết lập những diễn đàn để ở đó các bên có thể kết nối và thảo luận.
Song điều quan trọng nhất là EU phải ngay lập tức có các bước đi chủ động, bởi không còn nhiều thời gian để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran. Nói cho cùng, EU phải tự mình thoát khỏi tình trạng bế tắc trong căng thẳng Mỹ-Iran hiện nay.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 10/07/2019 là 1 AUD = 0.692 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 10/07/2019 là 1 AUD = 16,085 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời ít mây, ngày nắng nóng. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 35 độ.
Tại Hà Nội, trời nhiều mây, không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 34 độ.
Tại Adelaide, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 30 đến 40 km/h. Nhiệt độ dao động từ 10 đến 16 độ.
Tại Brisbane, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11 đến 25 độ.
Tại Sydney, trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 15 đến 50km/h. Nhiệt độ dao động từ 9 đến 19 độ.
Tại Melbourne, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 25 đến 35km/h. Nhiệt độ dao động từ 8 đến 15 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào