Chương trình Thời sự thứ Tư, 10/06/2020
Tin nước Úc:
- Tin Úc: Phụ huynh sẽ phải tiếp tục trả tiền khi gửi con đi nhà trẻ từ ngày 13/7
- Tin Úc: Tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào Úc giảm gần 60%
- Tin Úc: Bất cứ ai đã tham gia cuộc biểu tình Black Lives Matter nên tự cách ly trong hai tuần lễ
- Victoria: Bạo lực gia đình gia tăng trong thời kỳ giới nghiêm vì COVID-19
- Melbourne: Cảnh báo an toàn đường sắt khi tất cả học sinh đi học lại
- Melbourne: HĐTP sẽ trồng thêm 150,000 cây xanh để chống biến đổi khí hậu
- Victoria: Tiếp tục triển khai dự án phá dỡ các điểm giao cắt đường sắt trên tuyến Frankston Line
- Sydney: Giá nhà ở các thị trường cao cấp giảm nhiều hơn trong đại dịch
- Tin vắn
Tin thế giới:
Cựu sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin - người đã ghì chết công dân da màu Geogre Floyd - đã ra hầu tòa qua video trực tuyến. Công tố viên đã nâng mức tiền mới bảo lãnh vô điều kiện cho Chauvin lên 1,25 triệu USD. Còn với mức bảo lãnh có điều kiện là 1 triệu USD. Theo cơ quan tư pháp bang Minnesota, với mức độ nghiêm trọng của các cáo buộc cũng như sức ép của dư luận, Chauvin nhiều khả năng sẽ bỏ trốn nếu được trả tự do, do đó việc nêu các điều kiện để được bảo lãnh là cần thiết. Chauvin đã không phản đối mức tiền bảo lãnh mới. Chauvin hiện bị buộc tội giết người cấp độ hai và đối mặt với án phạt lên đến 40 năm tù. Phiên tiếp theo dự kiến diễn ra ngày 29/6, trong đó Chauvin sẽ đưa ra lời biện hộ và tòa án sẽ xem xét các bằng chứng liên quan. Những cảnh sát còn lại liên quan đến vụ sát hại George Floyd là Thomas Lane, J. Alexander Kueng và Tou Thao cũng bị truy tố với tội danh giết người cấp độ hai, song những người này vẫn chưa ra hầu tòa.
Ngày 9/6, tại Đồi Capitol ở thủ đô Washington, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cùng hơn 20 nghị sĩ khác đã quỳ gối mặc niệm trong 8 phút 46 giây, bằng thời gian Chauvin đè gối lên cổ Floyd. Sau đó, các nghị sĩ Dân chủ đã giới thiệu tại 2 viện Quốc hội dự luật cải tổ lực lượng cảnh sát, vốn là một trong những yêu cầu của người biểu tình trong 2 tuần qua. Dự luật nhằm tạo ra sự thay đổi về cơ cấu, theo đó bảo vệ quyền được an toàn và đối xử công bằng của mỗi người dân Mỹ; đồng thời tạo thuận lợi cho việc truy tố cảnh sát có hành vi lạm dụng vũ lực, xem xét lại cách tuyển dụng và đào tạo cảnh sát.
Mỹ vẫn chưa xác nhận kế hoạch rút bớt quân khỏi Đức. Đây là xác nhận mới nhất từ Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karrenbauer khi mấy ngày qua truyền thông khắp nơi đưa tin về kế hoạch này. Bà Karrenbauer chỉ nhấn mạnh thực tế rằng, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Đức có vai trò đảm bảo an ninh cho các đồng minh châu Âu - cũng như an ninh của chính nước Mỹ. Hiện nay, nhiều hãng truyền thông uy tín đưa tin chính quyền của Tổng thống Donald Trump dự định rút 1/3 binh lính Mỹ đang đồn trú ở Đức. Kế hoạch Mỹ rút quân dù chưa được các quan chức xác nhận, nhưng cũng đủ tạo ra nhiều đồn đoán, rồi lo ngại. Rất dễ hiểu bởi Đức vốn là một phần quan trọng trong chiến lược quốc phòng của Mỹ ở châu Âu kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai.
Truyền thông Đức ngày 9/6 đưa tin chính phủ nước này có kế hoạch gia hạn cảnh báo đi lại đối với hơn 160 quốc gia ngoài khu vực Liên minh châu Âu (EU) cho đến ngày 31/8 tới do lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Kế hoạch trên đã nhận được sự nhất trí từ Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ nước này. Tuy nhiên, Chính phủ Đức cũng sẽ xem xét và dỡ bảo cảnh báo đi lại sớm hơn đối với một số quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 ở mức thấp.
Ngày 9/6, công ty vận hành Tháp Eiffel, một trong những địa điểm hút khách du lịch nhất ở thủ đô Paris (Pháp) cho biết sẽ mở cửa trở lại với công chúng từ ngày 25/6 tới. Công trình này đã đóng cửa suốt khoảng 3 tháng qua vì các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Đây là đợt đóng cửa lâu nhất của Tháp Eiffel kể từ Chiến tranh thế giới thứ II. Theo kế hoạch, sau khi mở cửa trở lại, địa điểm này ban đầu sẽ chỉ tiếp nhận một số lượng khách thăm quan hạn chế và yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang với mọi du khách từ 11 tuổi trở lên.
Ngày 9/6, Chính phủ Anh thừa nhận khó có thể mở cửa trở lại các trường tiểu học một tháng trước kỳ nghỉ Hè như dự định. Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Giáo dục Anh Gavin Williamson cho biết các trở ngại chính là do thiếu nhân lực và khó đảm bảo các quy định an toàn mới như tổ chức lớp học quy mô nhỏ hơn. Hiện bộ này đang làm việc với các cơ quan trong ngành để xây dựng các bước đi tiếp theo sau khi không thể mở cửa trở lại các trường tiểu học như dự định. Anh là quốc gia có số ca tử vong vì dịch bệnh cao thứ 2 chỉ sau Mỹ. Các lãnh đạo nghiệp đoàn tại quốc gia này đều cảnh báo việc mở cửa trở lại quá sớm có thể dẫn tới nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ 2.
Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh ngày 9/6 cho biết Palestine đã trình nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông (gồm Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Nga và Mỹ) một bản đề xuất được cho là đối trọng với kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ. Phát biểu tại họp báo, ông cho biết đề xuất của Palestine bao gồm việc thành lập một "Nhà nước Palestine có chủ quyền, độc lập và phi quân sự" với "những thay đổi nhỏ về đường biên giới." Theo ông, đề xuất này dự báo một số thỏa thuận hoán đổi đất đai giữa hai nhà nước tương lai trên cơ sở đồng thuận. Trước đó, cuối tháng Một vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một kế hoạch mang tên Thỏa thuận Thế kỷ, trong đó có nhắc đến giải pháp hai nhà nước và một kế hoạch phát triển kinh tế cho Palestine, song có nhiều điểm gây tranh cãi như coi thành phố linh thiêng Jerusalem là thủ đô của Israel, đòi Palestine công nhận chủ quyền của Israel đối với các khu định cư trên các phần lãnh thổ chiếm đóng, và cắt đứt quyền trở về quê hương của người tị nạn Palestine... Văn kiện này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế và đã "đổ thêm dầu vào ngọn lửa" căng thẳng trong cuộc xung đột Israel-Palestine.
Ngày 9/6, Hàn Quốc đã lên tiếng hối thúc Triều Tiên duy trì đường dây liên lạc liên Triều. Động thái trên diễn ra sau khi Triều Tiên không trả lời cuộc gọi hàng ngày của Hàn Quốc thông qua đường dây liên lạc quân sự và chính trị giữa hai miền. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Choi Hyun-soo khẳng định, đây là lần đầu tiên Triều Tiên không phản hồi cuộc gọi từ phía Hàn Quốc kể từ khi các đường dây nóng được nối lại vào năm 2018. Một quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhấn mạnh, các đường dây liên lạc giữa hai miền là phương tiện trao đổi cơ bản và nên được duy trì theo đúng các thỏa thuận giữa hai nước. Trước đó, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, Triều Tiên sẽ cắt các đường dây liên lạc quân sự và chính trị với Hàn Quốc bắt đầu từ 12h ngày 9/6 (theo giờ địa phương). Trong nhiều ngày qua, Triều Tiên đã chỉ trích Hàn Quốc không thể ngăn cản các đối tượng rải tờ rơi có nội dung chống phá vào lãnh thổ Triều Tiên.
THX đưa tin, ngày 9/6, hãng thông tấn Anadolu đưa tin nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 7 đối tượng nghi là thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại tỉnh Duzce, Tây Bắc nước này. Trong phạm vi cuộc điều tra do Văn phòng Tổng Công tố tỉnh Duzce tiến hành, các đối tượng trên đã bị bắt giữ do chúng được xác định là các chuyên gia cấp cao về bom thuộc IS. Theo thông báo, những tên này bị bắt trong các chiến dịch diễn ra đồng thời tại các địa điểm được Cơ quan An ninh tỉnh Duzce xác định. Những nghi phạm này đã được đưa tới tòa án sau khi kiểm tra y tế. Theo Anadolu, một trong số các đối tượng bị suy giảm thị lực, và hai kẻ khác phải di chuyển bằng nạng.
Đại dịch COVID-19 đang khiến số lượng những sản phẩm phục vụ công tác phòng chống, xét nghiệm và chữa bệnh làm từ nhựa trên toàn cầu tăng vọt. Các vật dụng này đang đặt ra nhiều vấn đề về môi trường do chúng thường chỉ được sử dụng một lần và nhanh chóng trở thành rác thải trôi ra các sông và đại dương. Việc giải quyết những "núi" rác thải nhựa khổng lồ một cách an toàn là vấn đề lớn mà các nước đang phải đối mặt. Chính phủ Pháp mới đây đã công bố kế hoạch tăng tiền phạt đối với hành động xả rác bừa bãi trên đường phố, đặc biệt là việc vứt trái phép khẩu trang và găng tay nhựa tại các khu vực công cộng. Theo kết quả một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh, nếu người dân trong mỗi ngày sử dụng một chiếc khẩu trang loại dùng một lần trong một năm, 66.000 tấn rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường sẽ được tạo ra (khoảng 1kg rác thải nhựa/người).
Bầu cử Mỹ: Trump dùng chiến lược gì để “lội ngược dòng” trước Biden?
Ứng viên Joe Biden đang dẫn trước nhưng Tổng thống Trump đã có chiến lược riêng với hy vọng sẽ “lội ngược dòng” như trong cuộc bầu cử năm 2016.
Trở lại đường đua
Tổng thống Trump đang có kế hoạch tái khởi động các chiến dịch mít tinh vận động trong 2 tuần nữa nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ chỉ còn 5 tháng nữa là chính thức diễn ra.
5 tháng tới không phải một thời gian dài nhưng lại là khoảng thời gian có ý nghĩa quyết định với các ứng viên tranh cử. "Cuộc cạnh tranh giữa các đối thủ và quyết định cuối cùng của cử tri chưa thực sự diễn ra cho đến thời điểm 5 tháng tới, kể từ giờ đến tháng 11. Cách đây 5 tháng là một bối cảnh hoàn toàn khác: trước đại dịch, trước khi biểu tình lan rộng, trước khi nền kinh tế lao đao và trước khi cuộc điều tra luận tội diễn ra", Whit Ayres - một chuyên gia từng tiến hành nhiều cuộc trưng cầu dân ý nhận định.
"Người Mỹ sẵn sàng hành động trở lại và Tổng thống Trump cũng vậy. Sự quay lại của nước Mỹ vĩ đại là một thực tế và các cuộc mít tinh sẽ vô cùng sôi nổi. Các bạn sẽ lại thấy những đám đông đầy hào hứng mà Joe Biden buồn ngủ chỉ có thể mơ về một sự kiện như vậy", Brad Parscale - giám đốc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump nhận định trên Politico.
Các đồng minh của Tổng thống Trump hiện lo ngại rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về Tổng thống Trump và cách điều hành đất nước của ông. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy Tổng thống Trump bị ông Biden dẫn trước ở những bộ phận cử tri như người da trắng chưa tốt nghiệp đại học, người cao tuổi và các tín đồ Thiên chúa giáo. Với việc ông Biden chính thức trở thành ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng Dân chủ vào tuần trước, bộ phận chiến lược tranh cử của Tổng thống Trump sẽ tập trung hơn vào việc công kích ông Biden và tránh đề cập đến các khía cạnh thuộc về cá nhân ông Trump.
"Khi Joe Biden buồn ngủ bắt đầu bước ra ngoài vòng tròn cử tri ủng hộ, ông ta sẽ phải bừng tỉnh", Jason Miller, cố vấn mới trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump đồng thời từng là cố vấn truyền thông cấp cao trong chiến dịch năm 2016 của nhà lãnh đạo Mỹ cho hay.
Theo quan điểm của đội ngũ vận động tranh cử của Tổng thống Trump, các cuộc mít tinh là một cách để khơi dậy tinh thần các cử tri ủng hộ ông Trump và thể hiện nhiệt huyết của nhà lãnh đạo Mỹ trong nỗ lực tái tranh cử. Họ cố gắng khắc họa hình ảnh một Donald Trump trái ngược với Joe Biden - ứng viên chủ yếu vẫn tập trung ở bang quê nhà của ông là Delaware và chưa tổ chức bất kỳ chiến dịch lớn nào kể từ mùa xuân.
Tổng thống Trump cũng chưa tổ chức cuộc mít tinh nào kể từ tháng 3, song trong những tuần gần đây, ông thường tận dụng các sự kiện chính thức để ghé thăm các bang dao động. Nhà lãnh đạo Mỹ đã sẵn sàng trở lại đường đua chính trị sắp tới khi một số nhân viên phụ trách gây quỹ cho chiến dịch của ông đã lên kế hoạch cho tháng này.
Đánh trúng tâm lý cử tri
Tổng thống Trump và các cố vấn cấp cao của ông nhận ra rằng họ cần hành động quyết liệt để vừa củng cố nền tảng cử tri trung thành, vừa cải thiện vị trí của ông Trump trong lòng các cử tri khác tại một số bang quan trọng. Chiến dịch của ông Trump từng khẳng định họ có một "rương chiến" khổng lồ nhờ việc gây quỹ và các chiến dịch truyền thông số. [Rương chiến (war chest) là nguồn ngân quỹ được quyên góp để sử dụng cho một chiến dịch vận động nào đó-ND].
Tuy nhiên, các khoản đóng góp, các nhà hoạt động bảo thủ và các cựu nhân viên tổ chức chiến dịch đã ít nhiều bị xao lãng do các thông điệp và chiến lược từ chiến dịch của Tổng thống Trump những tháng gần đây giữa bối cảnh nền kinh tế Mỹ lao đao và ông Trump phải nỗ lực để kiểm soát tình hình dịch Covid-19. Một số cố vấn chính trị cũng phàn nàn về sự thiếu hợp tác giữa chiến lược của ông Trump, Nhà Trắng với các đồng minh và cố vấn bên ngoài, cũng như các tổ chức được đảng Cộng hòa ủng hộ.
Do đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có kế hoạch khởi động cỗ máy tranh cử trong những ngày sắp tới với sự tập trung mạnh mẽ vào các mối quan tâm của cử tri, từ vấn đề tội phạm cho tới quan hệ với Trung Quốc và vấn đề nhập cư, các trọng tâm chiến lược từng giúp ông Trump chiến thắng cuộc bầu cử năm 2016.
Tại Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa năm đó, Donald Trump đã tuyên bố rằng: "Trong cuộc đua vào Nhà Trắng, tôi là một ứng viên của luật pháp và trật tự. Những vấn đề như tội phạm và bạo lực từng khiến chúng ta phiền toái sẽ rất sớm chấm dứt. Bắt đầu từ ngày 20/1/2017, sự an toàn sẽ được khôi phục”.
Năm 2020, thông điệp đó 1 lần nữa được lặp lại giữa bối cảnh các cuộc biểu tình vụ George Floyd lan rộng khắp nước Mỹ. Donald Trump tuyên bố ông là “Tổng thống của Pháp luật và Trật tự", đồng thời chỉ trích các nhà hoạt động xã hội và một số thành viên đảng Dân chủ vì đã ủng hộ phong trào ngừng cấp ngân sách cho cảnh sát, lực lượng chịu trách nhiệm giữ gìn trật tự xã hội và thực thi luật pháp.
Ngoài ra, không phải ngẫu nhiên, thời gian gần đây, Tổng thống Trump có những tuyên bố gay gắt với Trung Quốc và không ít lần dọa chấm dứt thỏa thuận thương mại với nước này. Trong các cuộc khảo sát gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành, khi được hỏi liệu quyền lực và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc có phải mối đe dọa với Mỹ hay không, 62% những người tham gia tán thành với nhận định này, đây là mức tăng đáng kể so với con số 48% của năm 2018. Cựu Phó Giám đốc CIA John McLaughlin cũng bình luận rằng: "Hiện nay là thời điểm mà tôi thấy có sự nhất trí cao nhất giữa các học giả, các nhà chính sách và công chúng về việc Trung Quốc là một đe dọa nghiêm trọng với chúng ta".
Hôm 5/6, ông Trump đã tuyên bố: “Hòa thuận với Trung Quốc là điều tốt. Tuy nhiên, tôi không rõ liệu điều ấy có được duy trì hay không. Hy vọng tôi có thể sớm cho các bạn biết điều đó. Tôi cũng nghĩ rằng Trung Quốc muốn hòa hợp với chúng ta rất nhiều, nhưng chúng ta đã tạo dựng được một nền tảng sức mạnh to lớn. Do vậy, khi gặp bất ổn chúng ta có thể chấm dứt thỏa thuận”. Giữa bối cảnh người dân Mỹ ngày càng cảm nhận sâu sắc về mối đe dọa từ Trung Quốc, Tổng thống Trump muốn chứng minh rằng ông sẵn sàng hành động và luôn đặt “Nước Mỹ trên hết” cho dù phải đưa ra những quyết định cứng rắn nhất với đối tác quan trọng này.
Lợi thế “độc quyền” của Trump
Tổng thống Trump có thể bị ông Biden dẫn trước trong những cuộc khảo sát gần đây nhưng một thực tế không thể phủ nhận là ông Trump có nền tảng cử tri trung thành và nhiệt huyết hơn.
Theo một cuộc khảo sát trên toàn quốc do SSRS tiến hành cho CNN, cứ 10 cử tri thì có 7 người bỏ phiếu cho ông Trump chủ yếu bởi vì họ ủng hộ ông, bất kể ông thể hiện cách lãnh đạo đất nước như thế nào. Trong khi đó, chỉ có 37% cử tri ủng hộ ông Biden cho biết họ chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ông.
Ngoài ra, theo Newsweek, mặc dù ông Biden dẫn trước Tổng thống Trump vì một số vấn đề như khả năng xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19, các cuộc biểu tình và mối quan hệ với Trung Quốc song ông Trump vẫn được đánh giá cao hơn về khả năng khôi phục nền kinh tế.
Trong cuộc khảo sát của CNN, ông Trump dẫn trước ông Biden 5 điểm trong lĩnh vực kinh tế với 51% người được hỏi nói rằng nhà lãnh đạo Mỹ xử lý vấn đề này tốt hơn ông Biden. Cuộc khảo sát của Fox News thì cho thấy 45% cử tri tin tưởng vào khả năng khôi phục nền kinh tế của ông Trump trong khi tỷ lệ ủng hộ ông Biden là 42%.
Những tín hiệu tích cực từ tỷ lệ thất nghiệp và thị trường chứng khoán Mỹ những ngày gần đây cũng ít nhiều đem lại các lợi thế nhất định cho ông Trump. Theo đó, chiến lược tranh cử của ông Trump sẽ nhấn mạnh vào việc tỷ lệ thất nghiệp giảm trong tháng 5 để thuyết phục cử tri rằng Tổng thống là ứng viên phù hợp nhất có khả năng khôi phục nền kinh tế, thậm chí cả khi tỷ lệ thất nghiệp vượt quá thời kỳ tồi tệ nhất trong cuộc Đại Suy thoái.
Dù vậy, một trong những thách thức thời gian tới trong chiến dịch của ông Trump là cải thiện sự ủng hộ của các cử tri cao tuổi với nhà lãnh đạo Mỹ. Phó Tổng thống Biden hiện đang dẫn trước ở bộ phận cử tri này, những người chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong đại dịch Covid-19.
"Tổng thống Trump đã có một thời điểm khó khăn khi nền kinh tế suy thoái, đại dịch càn quét và sau đó là những cuộc biểu tình lan rộng khắp đất nước sau vụ George Floyd. Tuy nhiên, khi tất cả mọi thứ được cân bằng và chúng ta đưa ra lựa chọn, theo suy đoán của tôi, Tổng thống Trump sẽ khôi phục được sự ủng hộ và đánh bại ông Biden với sự cách biệt đáng kinh ngạc. Tôi dự đoán điều này sẽ thể hiện rõ ràng vào khoảng giữa tháng 9", Newt Gingrich - cựu Chủ tịch Hạ viện - một đồng minh lâu năm của ông Trump nhận định với Politico.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 10/06/2020 là 1 AUD = 0.694 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 10/06/2020 là 1 AUD = 16,025 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 32 độ.
Tại Hà Nội, trời ít mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 35 độ.
Tại Adelaide, trời nắng, buổi sáng có sương giá ở khu vực phía Bắc, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 5–16 độ.
Tại Brisbane, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào hoặc bão, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15–23 độ.
Tại Sydney, trời có mây rải rác, buổi sáng có sương mù ở nhiều nơi, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–20 độ.
Tại Melbourne, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 6–15 độ.
Cẩm Nhung