Chương trình Thời sự thứ Tư, 08/01/2020

Cẩm Nhung | 08/01/2020 | 752 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Khói bụi khiến số cuộc gọi báo cáo về vấn đề hô hấp tăng đột biến

- Tin Úc: Quân đội sẽ được điều động để giúp nông dân chôn hàng loạt xác gia súc

- Tin Úc: Nữ nghệ sĩ Kylie Minogue sẽ quyên góp $500,000 để hỗ trợ các nạn nhân cháy rừng

- Sydney: Hàng ngàn người dân vi phạm quy định hạn chế dùng nước

- NSW: Số lượng gia súc chết cháy có thể sẽ lên đến 20,000 con

- Tin Úc: Tổn thất kinh tế Úc do cháy rừng ước tính sẽ ở mức hai tỷ đô la

- Victoria: Các dự án đường bộ lớn trong mùa hè đang được xúc tiến trở lại

- Người mua nhà lần đầu và người nhận trợ cấp phúc lợi sẽ được hưởng lợi ích trong năm mới 2020

- Tin vắn

Tin thế giới:

Ít nhất 56 người thiệt mạng, 213 người bị thương trong vụ giẫm đạp tại đám tang Tướng Qasem Soleimani - người thiệt mạng trong vụ không kích của Mỹ hôm 3/1. Vụ giẫm đạp xảy ra khi đám đông người dân đổ xuống đường để bày tỏ thương tiếc trước đoàn rước linh cữu tướng Qassem Soleimani tại thành phố Kerman, Đông Nam Iran. Đây là quê nhà và là nơi diễn ra lễ tang tướng Soleimani. Truyền thông Iran đưa tin lễ chôn cất tướng Soleimani sẽ bị hoãn lại, không diễn ra vào ngày 8/1 như dự kiến. Trước đó, tang lễ tướng Soleimani diễn ra ở Tehran ngày 7/1, gần 1 triệu người xuống đường đưa tiễn. Cái chết của Tướng Soleimani làm dấy lên lo ngại xảy ra xung đột giữa Mỹ và Iran.

Khoảng 30 binh sĩ Đức đồn trú ở Baghdad và Taji sẽ được đưa về Jordani và Kuwait. Hoạt động rút quân này sẽ bắt đầu ngay lập tức. Đức đã triển khai khoảng 130 binh sĩ ở Iraq nhằm tham gia liên minh chống IS. Ngày 7/1, Bộ Quốc phòng Đức tuyên bố nước này sẽ rút một phần binh sĩ đang tham gia liên minh chống IS ở Iraq. Động thái này là hệ quả mới nhất xuất phát từ vụ Mỹ không kích làm tướng Iran Qassem Soleimani thiệt mạng tại Thủ đô Baghdad. Quyết định mới của Berlin được đưa ra sau khi Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ chấm dứt tất cả sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở nước này. Cùng ngày, Anh thông báo giảm số nhân viên tại các đại sứ quán nước này ở Tehran và Baghdad xuống mức tối thiểu do căng thẳng leo thang sau cái chết của tướng Qassem Soleimani.

Hãng hàng không quốc gia Ai Cập sẽ tạm dừng các chuyến bay tới thủ đô Baghdad của Iraq trong 3 ngày, bắt đầu từ 8/1/2020. Trong một tuyên bố, hãng hàng không quốc gia Ai Cập cho biết quyết định trên được đưa ra do lo ngại sự an toàn của hành khách và đội tàu bay của hãng trong bối cảnh tình hình an ninh tại Iraq đang bất ổn. Quyết định đình chỉ này dự kiến sẽ kéo dài đến hết ngày 10/1 tới.

Reuters đưa tin, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jonathan Hoffman ngày 7/1 (giờ địa phương) khẳng định Iran đã phóng hơn 10 tên lửa đạn đạo nhằm vào quân đội Mỹ và các lực lượng liên quân tại Iraq. Trước đó, một quan chức Mỹ xác nhận tấn công rocket đã xảy ra vào rạng sáng 8/1 tại nhiều địa điểm ở Iraq, trong đó có căn cứ không quân Ain al-Asad, miền Tây quốc gia Trung Đông này. Nhà Trắng cũng xác nhận đã biết tin tức về vụ tấn công các cơ sở Mỹ ở Iraq. Theo đó, Tổng thống Donald Trump đã được thông báo và đang theo dõi tình hình. Vụ tấn công căn cứ không quân Ain al-Asad diễn ra sau khi các lực lượng ủng hộ Iran tại Iraq tuyên bố sẽ tham gia phối hợp "phản ứng" với vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ khiến Tướng Qasem Soleimani của Iran và một chỉ huy hàng đầu của Iraq thiệt mạng tại Baghdad hồi tuần trước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm bất ngờ tới Syria ngày 7/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Bashar al-Assad, trong đó hoan nghênh tiến bộ lớn đạt được tại Syria. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Putin đến Syria kể từ khi ông thăm căn cứ không quân Hmeymim của Nga tại tỉnh Latakia, miền Tây Syria, năm 2017. Tại Latakia, ông Putin đã gặp Tổng thống nước chủ nhà Assad và chỉ thị rút một phần lực lượng Nga khỏi Syria. Nga đã triển khai lực lượng không quân tại Syria từ năm 2015 nhằm hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Syria Assad chống lại phe nổi dậy. Về phần mình, Tổng thống Syria đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ và quân đội Nga trong cuộc chiến chống khủng bố và khôi phục nền hòa bình tại quốc gia Trung Đông này. Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết ông Putin dự kiến thăm một số địa điểm khác tại Syria, song không nêu rõ chi tiết. Sau chuyến thăm Syria, nhà lãnh đạo Nga dự kiến đến Thổ Nhĩ Kỳ trong ngày 8/1.

Bốn cường quốc châu Âu hàng đầu ngày 7/1 đã chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân đội tại Libya cuối tuần qua, trong dấu hiệu cho thấy căng thẳng gia tăng giữa Brussels và Ankara. Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp khẩn, đại diện Anh, Pháp, Đức và Italy đã kêu gọi chấm dứt giao tranh và "sự can thiệp từ bên ngoài tiếp diễn" tại Libya. Tuyên bố khẳng định Liên minh châu Âu (EU) tin tưởng mạnh mẽ rằng không có giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Libya và rằng một cuộc xung đột mở rộng sẽ gây thêm khổ đau cho dân thường. Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell đã chỉ trích đích danh Thổ Nhĩ Kỳ trong động thái can thiệp tại Libya. Tuyên bố của EU được đưa ra sau Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thẳng thừng cảnh báo người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ rằng không nên can thiệp vào cuộc xung đột tại Libya.

Ngày 7/1, Chủ tịch đảng Xã hội ở Tây Ban Nha, ông Pedro Sanchez, đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm lần thứ 2 tại Quốc hội để giữ chức Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ, qua đó chấm dứt thế bế tắc chính trị kéo dài nhiều tháng qua ở nước này. Cụ thể, ông Sanchez giành được 167 phiếu ủng hộ tại Quốc hội gồm 350 ghế, trong khi 165 phiếu chống và 18 phiếu trắng. Như vậy, với chênh lệch 2 lá phiếu, ông có đủ điều kiện để đứng ra thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, do không giành được thế đa số tuyệt đối, đảng Xã hội của ông Sanchez và đảng cánh tả Podemos liên minh có thể sẽ gặp khó khăn để dự luật tăng thuế đối với các công ty và người có thu nhập cao được thông qua tại Quốc hội. Hai đảng này khi đó sẽ phải tiến hành thương lượng với các đảng phái khác.

Công đảng đối lập chính của Anh ngày 7/1 đã khởi động chiến dịch bầu chọn lãnh đạo mới bằng việc bắt đầu đề cử các ứng cử viên để thay thế ông Jeremy Corbyn, thủ lĩnh Công đảng. Trong số 6 nhân vật tuyên bố sẽ ra ứng cử có 4 người là phụ nữ. Như vậy, Công đảng có thể sẽ có lãnh đạo nữ đầu tiên trong lịch sử gần 120 năm tồn tại. Cuộc bầu chọn thủ lĩnh Công đảng này là lần thứ tư kể từ khi đảng này nắm giữ quyền lực lần cuối cùng vào năm 2010. Dự kiến tiến trình bỏ phiếu sẽ diễn ra từ ngày 21/2 đến ngày 2/4 tới và kết quả cuối cùng sẽ được công bố hai ngày sau đó.

Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc cảnh báo công dân Mỹ tới nước này cần tránh tiếp xúc với các động vật và người ốm trong bối cảnh quốc gia Đông Bắc Á đang đẩy mạnh các nỗ lực ngăn chặn bùng phát dịch bệnh viêm phổi lạ. Trong thông cáo y tế đưa ra ngày 7/1, Đại sứ quán Mỹ khuyến cáo công dân nước này thận trọng, đồng thời hối thúc người dân "ngay lập tức" thăm khám y tế nếu có dấu hiệu ốm sau khi tới thành phố Vũ Hán. Trường hợp mắc bệnh viêm phổi do virus lạ lần đầu tiên được xác định vào tuần trước tại Vũ Hán. Tính đến nay, số ca nhiễm virus đã tăng vọt lên ít nhất 59 người.

Tân thủ tướng Áo Sebastian Kurz và các thành viên trong nội các của ông đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 7/1, trước sự chứng kiến của Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen. Các bộ trưởng trong Nội các của ông gồm 10 người thuộc Đảng Nhân dân của Áo (OeVP) theo đường lối bảo thủ và 4 người từ Đảng đối tác Xanh trong liên minh cầm quyền cũng đã tuyên thệ nhậm chức. Trong cuộc bầu cử ngày 29/9, đảng OeVP đã dẫn đầu khi giành được 37,5% số phiếu ủng hộ, tiếp đến là đảng Xanh với 13,9% phiếu ủng hộ. Trong khi Thủ tướng Kurz ủng hộ một chính sách cứng rắn với người di cư thì đảng Xanh có quan điểm tự do hơn. Việc đạt được thỏa thuận giữa hai chính đảng hàng đầu này đảm bảo để cựu Thủ tướng Kurz quay lại nắm quyền, đồng thời mở đường cho đảng Xanh theo đường lối cánh tả lần đầu tiên tham gia Chính phủ Áo.

Sáng 7/1, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có bài phát biểu Năm mới tại thủ đô Seoul, kêu gọi mở các cuộc đàm phán mới với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tuyên bố sẽ duy trì các nỗ lực nhằm tạo điều kiện cho liên lạc, đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên. Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố, ông lấy làm tiếc đàm phán trong năm ngoái đã không có nhiều tiến triển. Ông cũng cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy việc tái khởi động Khu công nghiệp chung Kaesong và các tour du lịch tới núi Kim Cương. Tổng thống Hàn Quốc cũng lưu ý, nỗ lực chung giữa 2 miền Triều Tiên trong cuộc chạy đua đăng cai Olympic 2032 sẽ là một sự kiện thắt chặt tình đoàn kết giữa 2 nước và dự án đường sắt liên Triều sẽ hoàn tất. Triều Tiên gần đây không trả lời trước một số đề xuất của Hàn Quốc và các dự án hợp tác giữa 2 nước đã bị đình trệ, trong bối cảnh lệnh trừng phạt quốc tế ngăn cản phần lớn các dự án hợp tác kinh tế giữa 2 bên.

Chính quyền thủ đô Jakarta, Indonesia vừa ban hành lệnh cấm sử dụng túi nhựa dùng một lần tại các chợ truyền thống cũng như siêu thị và trung tâm thương mại. Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ tháng 6/2020. Bên cạnh lệnh cấm loại túi này, quy định trên cũng sẽ là cơ sở pháp lý cho việc sử dụng túi thân thiện với môi trường làm từ lá cây, giấy, vải cũng như các vật liệu tái chế khác. Quy định trên cũng định rõ các mức phạt đối với các cơ sở vi phạm lệnh cấm từ cảnh báo bằng văn bản và phạt tiền đến đình chỉ và chấm dứt hoạt động.

Tin thể thao:

Ở trận bán kết lượt đi League Cup, dù được chơi trên sân nhà Old Trafford song MU đã trải qua 90 phút tệ hại trước đại kình địch Man City. Ngay trong hiệp một, Man City đã sớm dẫn trước 3 bàn nhờ công Bernardo Silva, Mahrez và một tình huống đá phản lưới của Pereira. Phải tới phút 70, MU mới có pha lập công rút ngắn tỷ số xuống 1-3 của Marcus Rashford. Đó cũng là kết quả cuối cùng của trận đấu. Thua đau với tỷ số 1-3, MU đứng trước thử thách cam go ở trận lượt về trên sân Etihad. Chỉ có chiến thắng với tỷ số cách biệt lớn hơn ở trận lượt đi mới có thể giúp MU lội ngược dòng. Việc để thủng lưới tới 3 bàn chỉ trong vỏn vẹn 45 phút đầu tiên cũng khiến MU trải qua kỉ lục tệ hại nhất sau 22 năm, khi “Quỷ đỏ” gục ngã trước Middlesbrough năm 1997.

Mane giành giải cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi: Với phong độ chói sáng trong màu áo Liverpool ở mùa giải vừa qua, Sadio Mane đã xuất sắc đánh bại người đồng đội Mohamed Salah và tiền vệ của Man City là Riyad Mahrez để lần đầu tiên giành giải thưởng “Cầu thủ xuất sắc nhất châu Phi”. Ở mùa bóng vừa qua, Mane là nhân tố quan trọng giúp Liverpool vô địch Champions League và giành ngôi á quân tại ngoại hạng Anh. Ngoài ra, anh cũng cùng với ĐT Senegal đi tới trận chung kết CAN 2019. Mane tiếp tục duy trì phong độ ổn định mùa này và có 11 pha lập công cho Liverpool tính từ đầu mùa.

Inter xác nhận vụ Eriksen. Đích thân giám đốc điều hành Inter Milan, Giuseppe Marotta xác nhận CLB của ông đang đưa Christian Eriksen vào tầm ngắm. Ông mô tả Eriksen là một cầu thủ “quan trọng, thú vị và hết hợp đồng vào tháng 6”. Tuy vậy, Marotta cũng khẳng định Inter chưa liên hệ với Tottenham hay đàm phán với Eriksen.

Chelsea phải trả cho HLV Antonio Conte 26,6 triệu bảng: Trang web của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Vương quốc Anh (Companies House) vừa công bố kết quả kinh doanh của câu lạc bộ Chelsea mùa giải 2018-19. Trong toàn bộ mùa giải, ông chủ người Nga Roman Abramovich đã cấp 247 triệu bảng cho Chelsea chi tiêu. Tuy nhiên, Chelsea đã để lỗ 96 triệu bảng sau thuế, so với mức 60,1 triệu bảng của mùa giải 2017-18. Báo cáo của Chelsea cho thấy, lý do khiến khoản lỗ của Chelsea tăng lên đáng kể là do tăng quỹ lương cũng như giảm lợi nhuận trong việc mua bán cầu thủ. Ngoài ra, Chelsea mất tới 26,6 triệu bảng để đền bù cho HLV Antonio Conte. Ban đầu Chelsea cương quyết không chi tiền đền bù hợp đồng của Conte, song bắt buộc làm chuyện này vì bị HLV người Italy đệ đơn kiện. HLV Conte hiện đang dẫn dắt Inter Milan.

MU thua kém cả câu lạc bộ Hàn Quốc: Tổ chức phân tích dữ liệu Football World Rankings vừa tiến hành xếp hạng Top 50 đội bóng mạnh nhất thế giới. Bảng xếp hạng của Football World Rankings dựa trên phong độ của các đội bóng trong 1 năm qua và trên từng trận đấu cụ thể. Chính bởi vậy, dù vô địch Champions League nhưng Liverpool chỉ xếp sau Barcelona, đội bóng dẫn đầu BXH. Các vị trí tiếp theo trong Top 10 bao gồm: Valencia (TBN), Flamengo (Brazil), River Plate (Argentina), Manchester City (Anh), Real Madrid (Tây Ban Nha), Monterrey (Mexico), Boca Juniors (Argentina) và Palmeiras (Brazil). Trong danh sách này, MU chỉ nắm giữ vị trí thứ 49, tụt 8 bậc so với năm ngoái, thua cả đội bóng Hàn Quốc Jeonbuk Motors. Đây là điều dễ hiểu bởi những màn trình diễn gây thất vọng liên tiếp của Quỷ đỏ trong một thời gian dài.

Neymar bất ngờ không muốn trở lại Barca: Từng đòi trở lại Barcelona bằng được ở kì chuyển nhượng hè vừa qua nhưng lúc này, Neymar lại đang muốn kí hợp đồng mới với PSG, theo nguồn tin uy tín Le Parisien. Hiện giao kèo của siêu sao người Brazil với đại diện thủ đô Paris còn thời hạn đến hết tháng 6/2022.

Bốc thăm vòng 4 FA Cup: Sáng 7/1 ban tổ chức FA Cup đã tiến hành bốc thăm chia cặp các trận đấu thuộc vòng 4. Những lá thăm một lần nữa đem lại may mắn cho các đội bóng “đại gia” tại Premier League. Nhà ĐKVĐ Man City chỉ phải tiếp đón đại diện đến từ giải hạng Nhất, Fulham. Đối thủ của Liverpool chỉ là đội thắng trong cặp đá lại giữa Bristol City và Shrewsbury. Trong khi đó, Chelsea cũng dễ thở khi đối đầu với Hull City, đội bóng đang chơi ở giải hạng thấp của Anh. Trường hợp của MU và Tottenham, họ sẽ chờ kết quả trận đá lại trong thời gian tiếp mới biết được số phận của mình. Nếu đánh bại được Wolves, MU sẽ chạm trán đội chiến thắng trong cặp đấu lại giữa Watford và Tranmere Rovers. Tottenham nếu vượt qua Middlesbrough sẽ làm khách tới sân của Southampton. Các trận đấu tại vòng 4 FA Cup sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 24/1-27/1.

Siêu cúp Tây Ban Nha năm nay sẽ có những thay đổi cực kì đáng chờ đợi. Đầu tiên là thay đổi về hệ thống thi đấu, thay vì thi đấu 1 trận theo truyền thống để tìm ra nhà vô địch, Siêu cúp năm nay sẽ chia cặp đá từ bán kết. 2 đội giành chiến thắng tại trận bán kết sẽ bước vào trận chung kết. Thay đổi thứ 2 cũng đem đến sự chú ý nhất định và nhận không ít ý kiến trái chiều. Theo LĐBĐ Tây Ban Nha, Siêu cúp 2019/2020 sẽ được tổ chức trên đất Saudi Arabia. Thông tin này đem đến niềm vui sướng cho các cổ động viên của Saudi Arabia, nhưng đó cũng là một thách thức cho những người hâm mộ tại quê nhà Tây Ban Nha. Theo tờ Mundo Deportivo, rất ít CĐV Tây Ban Nha có ý định tớ Ả-Rập để dự khán trận đấu này. Trận chung kết sẽ diễn ra vào sáng 13/1. Trước đó là 2 trận bán kết giữa Valencia vs Real (9/1) và Barcelona vs Atletico (10/1).

Man City "vá" hàng thủ: Dù Laporte sắp tái xuất nhưng với việc Stones cùng Otamendi đều không đáp ứng yêu cầu, HLV Pep Guardiola vẫn hướng tới bổ sung 1 trung vệ lệch trái chất lượng. Theo giới thạo tin, Pep muốn chiêu mộ Milan Skriniar, trung vệ hàng đầu Serie A hiện thuộc biên chế Inter Milan, bên cạnh những mục tiêu khác như Soyuncu (Leicester), Ake (Bournemouth), Mykola Matviyenko (Shakhtar).

"Cái chết" của mối quan hệ Mỹ-Iraq có giúp Iran gia tăng ảnh hưởng?

Cuộc không kích sát hại Tướng Iran Qassem Soleimani ở Baghdad là hành động leo thang lớn nhất trong cuộc xung đột Mỹ và Iran. Tuy nhiên, cuộc không kích của Mỹ bên trong lãnh thổ Iraq cũng gây ra một “cái chết” khác: “cái chết” cho quan hệ Mỹ-Iraq. Liên minh với cả Mỹ và Iran, Iraq giờ đây nhận thấy mình dường như chỉ là “trận địa” cho 2 bên đối địch này.

Iraq từ lâu không còn “mặn mà” với Mỹ

Tình trạng “thất thường” trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iraq đã thấy rõ thậm chí từ trước khi Mỹ sát hại Tướng Soleimani ngày 3/1 hay khi hàng trăm người ủng hộ lực lượng dân quân thân Iran tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Vùng Xanh ngày 31/12. Những hình ảnh như vậy sẽ khó có thể tưởng tượng ở thời điểm năm 2009, khi mà Đại sứ quán Mỹ khánh thành cơ sở hiện nay bên bờ sông Tigris. Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad là lớn nhất trên thế giới, với diện tích 104 mẫu (tương đương 42 hecta) và gần 12.000 người. Nó là biểu tượng cho hy vọng lớn từ cả Mỹ và Iraq về mối quan hệ giữa 2 nước.

Danh tiếng của Mỹ đã bị ảnh hưởng sau khi đưa quân tới Iraq năm 2003, nhưng đã phục hồi phần nào sau việc tăng quân năm 2007 để đánh bại Al-Qaeda ở Iraq và giúp chấm dứt cuộc nội chiến ở nước này. Đến năm 2009, các lực lượng Mỹ đã chuyển giao trách nhiệm cho các lực lượng an ninh Iraq và người Iraq hy vọng rằng đất nước của họ đang đi đúng hướng. Nhưng mọi thứ dường như không như mong muốn.

Vấn đề bắt đầu từ sau cuộc bầu cử năm 2010. Cả Mỹ và Iran đều ủng hộ Thủ tướng Nuri al-Maliki tranh cử nhiệm kỳ 2, mặc dù liên minh của ông không giành được đa số phiếu. Tuy nhiên, ông Maliki tiếp tục theo đuổi các chính sách sắc tộc gây tranh cãi – yếu tố khiến IS nổi lên từ tàn dư của al-Qaeda ở Iraq.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hy vọng sẽ duy trì lực lượng Mỹ còn lại ở Iraq, nhưng đã thất bại khi đàm phán một thỏa thuận an ninh mới khi Thỏa thuận lúc bấy giờ hết hạn vào năm 2011, dẫn đến việc rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Iraq.

IS đã tận dụng bối cảnh rối ren đó và đến năm 2014, tổ chức khủng bố này đã kiểm soát được hơn 1/3 lãnh thổ Iraq. Thời điểm này, Mỹ đưa lực lượng trở lại Iraq theo đề nghị của Thủ tướng mới Haydar Abadi với nhiệm vụ hỗ trợ cuộc chiến chống IS và huấn luyện, cố vấn cho các lực lượng Iraq.

Trong số các lực lượng từng chiến đấu chống IS ở Iraq cùng Mỹ, có Kataib Hezbollah (KH), một nhóm dân quân Shiite được Iran hậu thuẫn. Nhóm này đã chính thức gia nhập lực lượng an ninh Iraq thông qua Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF). Tuy nhiên một khi kẻ thù chung được đánh bại, KH đã thay đổi quan điểm đối với lực lượng Mỹ ở Iraq – và hướng tới Iran.

Khi Mỹ không kích căn cứ dân quân thân Iran ngày 29/12, khiến 24 người thiệt mạng, giới chức Iraq đã chỉ trích Mỹ vi phạm chủ quyền. Tuy nhiên, khi cuộc không kích của lực lượng dân quân khiến nhà thầu Mỹ thiệt mạng 2 ngày trước đó lại vấp phải rất ít chỉ trích và nhanh chóng lắng xuống. Thậm chí, khi nhóm này cùng những người ủng hộ tấn công Đại sứ quán Mỹ ngày 31/12, chính quyền Baghdad dường như bất lực và chỉ còn cách cầu xin họ rút lui.

Sau 2 ngày biểu tình, lãnh đạo các nhóm dân quân thân Iran yêu cầu những người biểu tình về nhà, tuyên bố rằng họ đã có được sự ủng hộ của Thủ tướng Adel Abdul Mehdi về việc thúc đẩy cơ sở pháp lý nhằm “đuổi” lực lượng Mỹ khỏi Iraq.

Cái chết” cho mối quan hệ với Iraq, Mỹ đã chuẩn bị sẵn?

Hai ngày sau cuộc không kích giết chết tướng Iran trên lãnh thổ Iraq, ngày 5/1 các nghị sỹ Iraq thông qua một nghị quyết không mang tính ràng buộc, đề nghị chính phủ Iraq trục xuất các binh sỹ nước ngoài, hủy đề nghị viện trợ quân sự từ liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Tổng thống Trump dù nhiều lần tuyên bố ý định rút lính Mỹ khỏi khu vực nhưng đã ngay lập tức đưa ra lời cảnh báo sắc lạnh rằng, Iraq có thể sẽ phải đối mặt với những đòn trừng phạt nặng nề không kém gì Iran nếu Baghdad trục xuất các binh sỹ Mỹ mà không trả tiền Mỹ đã chi cho các căn cứ quân sự ở Iraq.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump có thể đã lường trước được rằng sẽ khó có thể duy trì sự hiện diện ở Iraq thêm nữa, đặc biệt là trong năm 2020 sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống.

Không phải ngẫu nhiên mà một “lá thư nhầm lẫn” bất ngờ xuất hiện ngay ngày hôm sau, với hàm ý nói rằng lực lượng Mỹ sẽ rời khỏi Iraq. Lá thư của tướng Thủy quân lục chiến Mỹ William Seely, tư lệnh liên quân chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria gửi Tướng Iraq Abdul Amir Yarallah xuất hiện ngày 6/1 có đoạn viết: “Để tôn trọng chủ quyền của Cộng hòa Iraq, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và Thủ tướng Iraq, liên quân sẽ cơ động các lực lượng trong những ngày tới và những tuần tới để chuẩn bị cho động thái tiếp theo”.

Dù vậy, ngay sau đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nói rằng bức thư chỉ là bản nháp, chưa được ký tên và bị gửi nhầm. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng khẳng định “chưa có quyết định rời khỏi Iraq ở thời điểm này".

Với nhiều người Mỹ, các cuộc tấn công nhằm vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad ngày 31/12 gợi lại ký ức về sự kiện Tehran năm 1979, khi nhóm người Iran tràn vào Đại sứ quán Mỹ và bắt các nhà ngoại giao Mỹ làm con tin; ở Benghazi năm 2012 khi nhóm phiến quân Libya sát hại Đại sứ Mỹ Christopher Stevens.

Mỹ đã đóng cửa lãnh sự quán ở Basra và giảm số nhân viên ở Baghdad cũng như lãnh sự quán ở Erbil do lo ngại mối đe dọa từ các lực lượng thân Iran. Đóng cửa Đại sứ quán ở Baghdad có thể sẽ là cái kết không mong muốn đối với mối quan hệ của Mỹ với Iraq - một nước mà Washington đã đầu tư khá nhiều tiền của và đổ máu cũng không ít. Tuy nhiên, với việc sát hại Tướng Soleimani, chính quyền Trump đang khiến cho kịch bản này ngày càng khả thi hơn.

Iran mất 1 tướng, đổi lại bằng ảnh hưởng gia tăng ở Iraq?

Vụ sát hại Tướng Soleimani là phát súng nhằm vào Iran, nhưng có thể đẩy nhanh mục tiêu của Iran: "đuổi" lực lượng Mỹ ra khỏi Iraq. Các nhà lãnh đạo Iran coi ảnh hưởng ở Iraq là thiết yếu đối với sự tồn tại chính trị của mình, một “lá phổi” kinh tế để xoa dịu làn sóng trừng phạt và một nguồn cung cấp hậu cần đường bộ quan trọng, kết nối với chính quyền Syria và Hezbollah ở Lebanon.

Trong khi đó, Mỹ dường như không có chính sách nào dành cho Iraq ngoài việc coi nước này là căn cứ chống Iran. Ngược lại, Iran vẫn là yếu tố bên ngoài có ảnh hưởng nhất ở Iraq, với mối quan hệ khá sâu sắc với giới chính trị Iraq cũng như các nhóm dân quân Shiite và tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng. “Mỹ chỉ có một màu, là màu sắc quân sự. Đó là tất cả những gì mà họ đầu tư tiền bạc vào Iraq. Nhưng Iran có rất nhiều màu sắc, từ chính trị, văn hóa, tới tôn giáo và nhiều lĩnh vực khác”", Qais al-Khazali, một lãnh đạo dân quân thân Iran, cho biết.

Cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad khiến nhiều người Iraq nhận ra mục tiêu của chính quyền Washington không phải sự ổn định của Iraq mà là Iran. “Kết quả chắc chắn của cuộc không kích là kỷ nguyên của sự hợp tác giữa Mỹ và Iraq đã chấm dứt. Sự hiện diện về ngoại giao và quân sự của Mỹ sẽ kết thúc bởi Iraq yêu cầu chúng tôi rời đi. Điều này giúp Iran gia tăng ảnh hưởng với Iraq”, RichardHaass, một cựu nhân viên ngoại giao Mỹ và hiện là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ ngoại giao nhận định.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 08/01/2020 là 1 AUD = 0.685 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 08/01/2020 là 1 AUD = 15,908 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 24 đến 35 độ.

Tại Hà Nội, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 20 đến 28 độ.

Tại Adelaide, trời nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 22–40 độ.

Tại Brisbane, trời nắng, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 22–31 độ.

Tại Sydney, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21–25 độ.

Tại Melbourne, sáng sớm có sương mù, trong ngày trời nắng, một số nơi có khói bụi, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 16–31 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này