Chương trình Thời sự thứ Tư, 07/08/2019

Cẩm Nhung | 07/08/2019 | 705 Lượt nghe

Tin nước Úc:

 

- Victoria: Gió mạnh, mưa lớn và thời tiết lạnh lẽo sẽ xuất hiện tại tiểu bang vào cuối tuần này

- Flemington: Giả vờ mua hàng, bọn cướp tấn công nhân viên của cửa hàng rồi bỏ chạy

- Victoria: Bang Victoria đề xuất cấm tù nhân tiếp cận với mạng xã hội trên toàn quốc

- Tin Úc: Doanh số bán xe hơi giảm xuống mức thấp nhất trong vòng tám năm

- Victoria: Các sự kiện công nghệ lớn sẽ được tổ chức tại Melbourne trong năm 2019

- Tin Úc: Hiểm họa đằng sau những sản phẩm tẩy trắng răng

- Melbourne: Nhà hàng 400 Gradi một lần nữa được trao danh hiệu Chiếc bánh Pizza Ngon nhất ở châu Đại Dương

- Melbourne: Sáng kiến xây nhà nhỏ hỗ trợ chỗ ở cho người vô gia cư

- Tin vắn

Tin thế giới:

Nga và Trung Quốc chuẩn bị xây dựng tuyến cáp treo xuyên quốc gia đầu tiên trên thế giới. Tuyến cáp treo này sẽ nối liền 2 bờ sông Amur, còn được biết đến với tên gọi sông Hắc Long Giang ở Trung Quốc. Hiện thủ tục giữa 2 quốc gia đã hoàn tất và các công đoạn chuẩn bị xây dựng sẽ bắt đầu vào năm 2020. Nếu dự án thành công, có thể đi từ Nga đến Trung Quốc chỉ trong 6 phút và thời gian di chuyển thực giữa hai nhà ga ở hai thành phố chỉ còn mất 3 phút, thay vì 20 phút bằng tàu thuỷ như hiện nay. Theo dự kiến, tuyến cáp treo xuyên quốc gia nối liền Nga và Trung Quốc sẽ được hoàn thành và vận chuyển khách vào năm 2022.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký lệnh phong tỏa toàn bộ tài sản của Venezuela tại Mỹ và cấm tất cả mọi giao dịch liên quan tới tài sản của Venezuela. Đây là lần đầu tiên Washington áp đặt một biện pháp trừng phạt như vậy đối với một quốc gia ở Tây Bán cầu trong 30 năm qua và là biện pháp cấm vận kinh tế toàn diện tương tự như đã làm với Triều Tiên, Iran, Syria và Cuba. Chính quyền Mỹ muốn gia tăng sức ép tối đa dành cho Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Venezuela cũng đã lên tiếng phản đối tại Liên Hợp Quốc, cho rằng Mỹ đang chống lại người dân Venezuela, có mục đích tước đoạt của cải và tài nguyên của Venezuela.

Bộ Quốc phòng Iran đã công bố 3 loại tên lửa dẫn đường mới chế tạo của nước này. Bộ 3 tên lửa không đối không mới sẽ được gắn trên các máy bay có người lái, hoặc không người lái. Điểm nổi bật là các tên lửa này có dẫn đường GPS, có cảm biến, có cánh gập, tầm nhiệt, và độ lệch chỉ vài chục centimet với tầm bắn 50km. Bộ Quốc phòng Iran khẳng định, những thành tựu mới cho thấy năng lực quân sự của Iran, cũng như tinh thần sẵn sàng tự bảo vệ trước những mưu đồ của Mỹ. Trước đó, trong bối cảnh Mỹ tiếp tục duy trì áp lực tối đa với Iran, quan hệ 2 nước căng thẳng, Tổng thống Iran Hassan Rouhani lên tiếng cảnh báo 'chiến tranh với Iran, sẽ là một cuộc đại chiến'.

Cảnh sát Thái Lan đã xác định được một số nghi can trong loạt vụ nổ bom và phóng hỏa tại thủ đô Bangkok hôm 2/8 vừa qua. Hiện giới chức Thái Lan đang tập hợp chứng cứ để ra lệnh bắt giữ hai nghi can đặt bom ở Trung tâm hành chính của chính phủ và bên ngoài trụ sở Lực lượng vũ trang Hoàng gia Thái Lan. Những vụ đánh bom khác tại 1 ga tàu điện, trung tâm mua sắm và vụ phóng hỏa ở khu vực Pratunam của thủ đô Bangkok vẫn đang tiếp tục được điều tra. Những vụ tấn công này xảy ra vào thời điểm nhạy cảm, khi an ninh đang được thắt chặt trong tuần lễ diễn ra các hoạt động của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị liên quan.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm 6/8 tuyên bố, Bắc Kinh kiên quyết phản đối quyết định của Mỹ coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, việc coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ gây tổn hại nghiêm trọng tới các quy tắc quốc tế. Bắc Kinh cũng khẳng định chưa và sẽ không sử dụng đồng Nhân dân tệ để đối phó với những bất đồng về thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là phản ứng của Trung Quốc sau khi vừa qua Bộ Tài chính Mỹ chính thức liệt nước này là nước thao túng tiền tệ, cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng Nhân dân tệ khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên leo thang. Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, động thái mới nhất này của Bắc Kinh đã đẩy bất đồng thương mại kéo dài một năm nay giữa hai nước lên mức căng thẳng chưa từng có.

Sáng 6/8, các nước liên quan như Nhật Bản, Hàn Quốc đã phản ứng về vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định, đây là mối đe dọa lớn và thách thức nghiêm trọng với Nhật Bản. Một số quan chức Chính phủ Nhật Bản nhận định đây là loại tên lửa tầm ngắn. Trước đó, Phủ Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố nước này đã tổ chức một cuộc họp khẩn dưới sự chủ trì của người đứng đầu Văn phòng An ninh quốc gia nhằm thảo luận về vụ phóng vật thể chưa xác định của Triều Tiên. Các chuyên gia cho rằng, Triều Tiên đang phản ứng ở cấp độ thấp khi phóng các vật thể bay tầm ngắn. Nhưng nếu các cuộc tập trận tiếp tục diễn ra, với quy mô lớn hơn, Triều Tiên có thể sẽ phóng các vật thể bay với cự ly xa hơn. Và lo ngại nỗ lực đàm phán giữa các bên bị đổ bể càng tăng lên.

Nga sẽ buộc phải khởi động tiến trình phát triển các tên lửa mặt đất tầm ngắn và tầm trung, nếu Mỹ cũng bắt đầu tiến trình này sau khi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) đổ vỡ. Cảnh báo được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra sau cuộc họp hôm 5/8 với Hội đồng An ninh quốc gia. Tổng thống Putin cũng khẳng định với kho vũ khí tên lửa hiện có, cùng với những tiến bộ của Nga trong phát triển tên lửa siêu thanh, Nga có đủ năng lực để đối phó với mọi mối đe dọa từ Mỹ. Tổng thống Nga cho rằng Matxcova và Washington cần phải nối lại các cuộc đàm phán về kiểm soát vũ khí nhằm ngăn chặn bùng phát "một cuộc chạy đua vũ trang không giới hạn".

Mỹ cần siết chặt kiểm soát súng đạn, đặc biệt sau các vụ xả súng tại Texas và Ohio khiến 29 người chết, trong đó có 8 người Mexico và hàng chục người khác bị thương. Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 5/8, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador nêu rõ cả phe Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ đều hành động chưa đủ để bảo vệ người dân trước vấn nạn bạo lực súng đạn. Chính phủ Mexico đang đang cân nhắc khởi kiện nghi phạm Patrick Crusius trong vụ xả súng hàng loạt ở thành phố El Paso, bang Texas, hôm 3/8 vừa qua với cáo buộc tấn công khủng bố. Hành động pháp lý này có thể dẫn tới yêu cầu dẫn độ nghi can từ Mỹ sang Mexico.

Reuters đưa tin, ngày 6/8, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Moskva để phản đối cái gọi những chỉ trích của Tokyo gần giống với "một nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ của Nga." Trước đó, hồi đầu tháng 8 này, Tokyo đã gọi một chuyến thăm của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tới một trong 4 hòn đảo mà cả Nhật và Nga đều tuyên bố chủ quyền, là một việc rất đáng tiếc, đồng thời hối thúc Moskva có những bước đi mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy quan hệ song phương. Nhật Bản tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, trong khi đó, Nga kiểm soát quần đảo nói trên và gọi là Nam Kuril. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng những bình luận của Nhật Bản về hoạt động mà Nga tiến hành trên lãnh thổ chủ quyền của mình là không thể chấp nhận được.

11 người đã chết đuối và nhiều người mất tích sau khi một chiếc thuyền bị chìm trên con sông ở miền Trung CHDC Congo. Báo chí địa phương ngày 6/8 cho biết 16 người đã may mắn sống sót trong vụ tai nạn xảy ra trên một con thuyền chở quá tải khi đang trên đường tới thủ đô Kinshasa. Đây là vụ tai nạn mới nhất trong loạt vụ tai nạn chết người trên sông tại Congo xảy ra 1 tuần trước tại khu vực rừng rậm xa xôi ở tỉnh Kasai, nơi các con sông là tuyến đường giao thông chính của người dân. Tai nạn thuyền bè xảy ra ở CHDC Congo thường do chở quá tải người và hàng hóa. Số người chết thường cao vì không có phao cứu sinh và nhiều người dân không biết bơi.

Ngày 6/8, Chính phủ Nhật Bản cho biết đã có 57 người tử vong do các vấn đề sức khỏe liên quan đến nắng nóng trong tuần lễ bắt đầu từ ngày 29/7 vừa qua. Số người nhập viện trong thời gian này cũng tăng gấp 3 lần so với tuần trước đó từ 5.664 lên 18.347 người. Theo Cơ quan ứng phó hỏa hoạn và thảm họa Nhật Bản, số người nhập viện trên là cao thứ hai tính theo tuần kể từ khi số liệu bắt đầu được thống kê vào năm 2008. Áp suất cao tại Nhật Bản đã gây nên tình trạng nắng nóng khắc nghiệt. Cơ quan ứng phó hỏa hoạn và thảm họa Nhật Bản đã khuyến cáo người dân thường xuyên bổ sung nước và nghỉ ngơi ở những khu vực mát mẻ.

Hôm 6/8, Nhật Bản đã tổ chức tưởng niệm các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima vào 74 năm trước đây. Lễ tưởng niệm bắt đầu vào lúc 8h15, đúng thời điểm cách đây 74 năm quả bom nguyên tử mà quân đội Mỹ thả xuống đã phát nổ tại thành phố Hiroshima. Những hồi chuông tưởng niệm 140.000 người thiệt mạng đã ngân lên tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình. Tham dự buổi lễ, Thủ tướng Abe Shinzo cam kết, Nhật Bản sẽ duy trì các nguyên tắc phi hạt nhân. Đồng thời, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh, để xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân, tất cả quốc gia có và không sở hữu vũ khí hạt nhân đều giữ vai trò hết sức cần thiết.

Tin thể thao:

Arsenal đón Coutinho theo hợp đồng cho mượn: Bilel Ghazi, nhà báo đầu tiên đã nổ đi tin tức Neymar đến PSG vào năm 2017, khẳng định Arsenal đã đạt thỏa thuận mượn Philippe Coutinho từ Barcelona. Thỏa thuận cho mượn này kéo dài chỉ trong 1 mùa giải 2019-20. Arsenal được cho sẽ trả Barca một khoản phí đáng kể để có Coutinho, người gia nhập Barca vào tháng 1/2018 với mức phí lên đến 144 triệu bảng nhưng không đạt được thành công ở Camp Nou. Giải pháp này giúp Barca giảm được quỹ lương phải chi trả cho Coutinho trước khi tìm kiếm đối tác mua cầu thủ Brazil ở phiên chuyển nhượng tiếp theo.

Wayne Rooney trở lại Anh làm cầu thủ kiêm HLV: Wayne Rooney đã chính thức đạt thỏa thuận làm cầu thủ kiêm HLV của Derby County, đội bóng đang chơi ở giải hạng nhất Anh. Rooney sẽ gia nhập Derby County vào tháng 1 năm 2020 với bản hợp đồng có thời hạn 18 tháng, sau khi kết thúc mùa giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS) 2019 cùng DC United. Truyền thông Anh tiết lộ Rooney sẽ nhận lương 100.000 bảng/tuần ở Derby County và khoản tiền này là do nhà tài trợ của đội bóng chi trả. Hiện tại, Derby County đang được dẫn dắt bởi HLV Phillip Cocu. Cựu danh thủ người Hà Lan vừa đến thay thế HLV Frank Lampard chuyển sang dẫn dắt Chelsea.

MU gây choáng với 13 hậu vệ: MU đã chính thức chiêu mộ thành công Harry Maguire từ Leicester City với phí chuyển nhượng kỷ lục 85 triệu bảng dành cho một trung vệ. Với Maguire, MU kỳ vọng sẽ có một nhân tố ảnh hưởng tích cực đến hàng thủ của họ, vốn thi đấu bết bát ở mùa giải qua. Tuy nhiên, sự hiện diện của Maguire cũng khiến cho đội ngũ nhân sự của MU ở khu vực hàng thủ phồng lên với tổng cộng 13 người tính tới thời điểm này. Giá trị hàng thủ của MU đã lên tới 323 triệu bảng. Danh sách 13 hậu vệ của MU bao gồm:

Harry Maguire (80 triệu bảng), Aaron Wan-Bissaka (50 triệu bảng), Eric Bailly (34,2 triệu bảng), Luke Shaw (33,75 triệu bảng), Victor Lindelof (31,5 triệu bảng), Diogo Dalot (19,8 triệu bảng), Phil Jones (17,37 triệu bảng), Marcos Rojo (17 triệu bảng), Matteo Darmian (16,2 triệu bảng), Ashley Young (16,2 triệu bảng), Chris Smalling (7,2 triệu bảng), Timothy Fosu-Mensah (34 ngàn bảng), Axel Tuanzebe (Học viện) và Cameron Borthwick-Jackson (Học viện).

Dybala đổi ý muốn đến MU, Ole Solskjaer lưỡng lự: Cuối tuần qua, thương vụ trao đổi Romelu Lukaku và Paulo Dybala giữa MU và Juventus được cho đã sụp đổ vì yêu sách của tiền đạo Argentina. Dybala đã yêu cầu MU mức lương 350.000 bảng/tuần kèm những đòi hỏi về bản quyền hình ảnh và tiền lót tay cho người đại diện kiêm anh trai. MU không chấp thuận nên quyết định rút lui. Tuy nhiên, mới đây, hàng loạt tờ báo tại Italia đã đưa tin cho rằng ngôi sao 25 tuổi người Argentina đã đổi ý và sẵn sàng chấp nhận giảm lương để được khoác áo MU. Nhưng tới thời điểm này, MU lại lưỡng lự khi nhận thông tin trên. Tờ Daily Mirror (Anh) cho biết HLV Ole Solskjaer đã chuyển hướng sang Christian Eriksen của Tottenham và muốn tập trung cho thương vụ này thay vì quay lại đàm phán với Dybala.

Arsenal chia tay đội trưởng: Theo tờ Goal, trung vệ Laurent Koscielny đã đạt thỏa thuận gia nhập Bordeaux với giá 5 triệu euro. Mùa giải trước, Koscielny chỉ ra sân 29 lần cho Arsenal vì liên tục gặp chấn thương. Ban đầu, “Pháo thủ” miễn cưỡng để Koscielny ra đi nhưng rồi cũng chấp nhận nguyện vọng của anh. Trải qua 9 mùa giải, Koscielny đã có 353 lần ra sân cho đội chủ sân Emirates. Sự ra đi của cầu thủ người Pháp sẽ để lại một lỗ hổng lớn nơi hàng phòng ngự. Lúc này, Arsenal đang ráo riết tìm người thay thế cho Koscielny.

Messi bỏ tour du đấu vì chấn thương: Mới đây, trang chủ Barca xác nhận tiền đạo Lionel Messi sẽ không tham gia tour du đấu tại Mỹ cùng CLB do chấn thương bắp chân. Theo chẩn đoán, Messi bị dính chấn thương bắp chân cấp độ 1. Đây không phải một chấn thương nặng nhưng cầu thủ người Argentina không muốn mạo hiểm trong bối cảnh mùa giải đang tới gần. Việc Messi không tham gia tour du đấu sẽ là cơ hội cho các sao trẻ khác thể hiện, đặc biệt là Carles Perez. Trước đó, HLV Valverde đã đôn một sao trẻ từ đội B lên đội một là hậu vệ Moussa Wague.

MU đạt thỏa thuận với Bruno Fernandes: Nhà báo Nicolo Schira của tờ La Gazzetta dello Sport tuyên bố MU đã đạt thỏa cá nhân với tiền vệ Bruno Fernandes của Sporting Lisbon. “Quỷ đỏ” đã đàm phán với người đại diện của cầu thủ này xuyên đêm và đã đồng ý một thỏa thuận có thời hạn 6 năm cùng mức lương 106.000 bảng/tuần. Tuy nhiên, nếu MU muốn hoàn tất thương vụ trên, họ sẽ phải đáp ứng mức phí 65 triệu bảng (70 triệu euro) mà Sporting Lisbon yêu cầu. Bruno Fernandes đã được liên hệ với MU suốt mùa Hè này. Anh được nhắm tới để thay thế cho Paul Pogba trong bối cảnh cầu thủ này đã đánh tiếng muốn chuyển sang Real Madrid.

Beckham mời đồng đội cũ đến làm HLV trưởng. Theo trang Sportbible, Gattuso đã nhận được lời đề nghị hợp tác được gửi tới từ Beckham, để dẫn dắt CLB Inter Miami. Gattuso mới chia tay Milan hồi tháng 5, sau khi đội bóng của ông không giành được vé tham dự Champions League 2019/20. Do hai bên từng có mối quan hệ thâm tình khi còn thi đấu cho Milan nên khả năng Gattuso sang Mỹ làm việc là khả thi.

Danilo đã đến Juventus kiểm tra y tế: Trang facebook chính thức của Juve vừa đăng tải những bức ảnh cho thấy Danilo đã cập bến đội chủ sân Allianz. Hậu vệ phải người Brazil của Man City sẽ sớm hoàn tất thủ tục kiểm tra y tế trước khi gia nhập "Bà đầm già thành Turin". Ở chiều ngược lại, Joao Cancelo cũng được cho là đã ở rất gần việc rời Juve để gia nhập nhà ĐKVĐ nước Anh.

Nỗi lo bùng phát chiến tranh tiền tệ từ xung đột thương mại Mỹ-Trung

Xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trở nên khốc liệt hơn và có nguy cơ làm bùng nổ chiến tranh tiền tệ.

Ngày 5/8, Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ qua, đồng thời tuyên bố các công ty của nước này đã dừng mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Ngay lập tức, chính quyền Tổng thống Trump đã thực hiện bước đi lịch sử, là liệt Trung Quốc vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.

Giới phân tích cho rằng, xung đột thương mại đã đạt đến một mức độ nghiêm trọng mới, rất khó đảo ngược. Rủi ro đặt ra là cuộc chiến thương mại đang tiến đến gần ngưỡng có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, thậm chí suy thoái. Bằng cách khăng khăng giữ vững quan điểm của mình, cả Mỹ và Trung Quốc đang tăng nguy cơ phá vỡ nền kinh tế toàn cầu vốn bắt đầu xuất hiện những vết rạn nứt.

“Chúng ta phải chứng kiến một tình huống thương mại đang trở nên hỗn loạn. Chính sách sử dụng thuế quan làm công cụ để giải quyết những bất đồng với Trung Quốc đã thất bại thảm hại”, ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư thuộc Bleakley Advisory Group cho biết.

Dự cảm về cuộc chiến thương mại chuyển sang giai đoạn mới, nguy hiểm hơn đã thành hiện thực khi Bộ Tài chính Mỹ chính thức liệt Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Tin tức này làm xáo trộn thị trường tài chính toàn cầu và dấy lên đồn đoán rằng Trung Quốc có thể thực thi các bước đi mạnh mẽ hơn nữa để giảm giá đồng nhân dân tệ.

Nhà đầu tư nơm nớp lo sợ

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 767 điểm, tương đương 2,9% vào hôm 5/8, chỉ số Nasdaq giảm 3,5% - phiên giảm mạnh nhất kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Chỉ số CBOE Volatility Index hay VIX, đo lường mức độ biến động của các chỉ số chứng khoán, tăng 40%, đạt mức cao nhất trong 7 tháng qua.

Các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ đã đổ dồn mua trái phiếu chính phủ, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 1,75%, thấp nhất trong gần 3 năm qua.

Ông Art Hogan, nhà chiến lược thị trường hàng đầu tại B. Riley FBR nhận xét: “Căng thẳng leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chắc chắn sẽ tác động xấu đối với nền kinh tế Mỹ và mức độ xấu như thế nào thì rất khó đoán định”. Theo ông Art Hogan, cuộc chiến thương mại càng trở nên nghiêm trọng thì Mỹ lại càng nhanh chóng rơi vào suy thoái: “Xét về mặt lịch sử, suy thoái xảy ra do phản ứng với sai lầm trong chính sách tiền tệ. Đây là lần đầu tiên chúng ta có thể phải đối phó với những tính toán sai lầm trong chính sách thương mại”.

Nhiều nhà đầu tư và các nhà điều hành doanh nghiệp từng đồng tình với mong muốn chính quyền của Tổng thống Trump buộc Trung Quốc phải thực hiện các hành vi thương mại công bằng. Bởi hàng rào phi thuế quan của Bắc Kinh, bao gồm cả việc bắt buộc chuyển giao công nghệ, từ lâu đã gây tổn thương cho các doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại về việc ông Trump sử dụng thuế quan làm công cụ để có được sự nhượng bộ từ Bắc Kinh.

Vòng áp thuế mới sẽ ảnh hưởng người tiêu dùng

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến phố Wall chao đảo khi quyết định áp thuế 10% nhằm vào 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Mức thuế mới, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/9 sẽ nhằm vào các mặt hàng từ đồ may mặc, giày dép đến thiết bị điện tử như điện thoại thông minh của Trung Quốc.

Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo, mức thuế mới này sẽ “gây ra vết thương lớn hơn cho các doanh nghiệp, nông dân, công nhân và người tiêu dùng Mỹ, làm suy yếu nền kinh tế Mỹ”. Cổ phiếu của các công ty bán lẻ và các tập đoàn công nghệ tại Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề sau tuyên bố của ông Trump. Cổ phiếu của Best Buy – một trong những công ty tiên phong trong việc bán hàng qua truyền hình đã giảm 15% kể từ phiên đóng cửa hôm 31/7.

Nông dân Mỹ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo, các công ty nước này đã ngừng mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Cuộc chiến thương mại đã buộc chính phủ Mỹ phải rót hàng tỷ USD cứu trợ người nông dân. Theo ngân hàng dự trữ liên bang St. Louis, các khoản nợ nông nghiệp không trả đúng kỳ hạn đã tăng gấp 3 lần kể từ giữa năm 2015, lên mức cao nhất trong 8 năm qua. CNN Business dẫn lời Chủ tịch Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC), bà Jelena McWilliams cho biết, cơ quan này đang theo dõi chặt chẽ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại đối với các ngân hàng tại những bang nông nghiệp.

Nỗi sợ chiến tranh tiền tệ

Đáp trả lời đe dọa áp thuế bổ sung của Tổng thống Trump, Trung Quốc ngày 5/8 đã cho phép đồng nhân dân tệ giảm sâu, với tỷ giá tham chiếu là 7 CNY/1 USD. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đổ lỗi “chủ nghĩa bảo hộ thương mại và các hàng rào thuế quan mới áp đặt lên Trung Quốc” là nguyên nhân khiến đồng nội tệ nước này sụt giảm. Chỉ vài giờ sau đó trong thông báo trên trang Twitter, Tổng thống Trump đã gọi động thái của Trung Quốc là “sự thao túng tiền tệ” và cho rằng “sự vi phạm nghiêm trọng này sẽ làm suy yếu Trung Quốc theo thời gian”.

Việc Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ cho thấy nước này đã sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại dài hơi và các quan chức tại Bắc Kinh dường như không còn muốn né tránh “cơn giận” của Tổng thống Trump. “Trung Quốc đang có cái nhìn đen tối và tiêu cực hơn về các mục tiêu của Tổng thống Trump đối với họ. Họ ngày càng trở nên bị quan về khả năng lèo lái ông Trump tránh làm leo thang căng thẳng”, Michael Hirson, lãnh đạo ban nghiên cứu Trung Quốc và Đông Bắc Á thuộc công ty tư vấn Eurasia Group đánh giá.

Động thái của Trung Quốc làm dấy lên nỗi ám ảnh về một cuộc chiến tranh tiền tệ, nơi các nước lớn đua nhau phá giá đồng tiền của mình. “Rủi ro tiền tệ là rủi ro dễ biến động nhất, khó nhìn thấy nhất và phản ứng nhanh nhất. Đó là cú nốc ao có thể hạ gục một võ sỹ trên đấu trường”, ông David Kotok, đồng sáng lập công ty quản lý đầu tư Cumberland Advisors, trụ sở ở Florida, Mỹ nhận xét. Lo ngại biến động trên thị trường tài chính, các nhà đầu tư đã chuyển sang vàng. Lần đầu tiên giá vàng vượt ngưỡng 1.460 USD/ounce kể từ tháng 5/2013.

Tuy nhiên, ông Michael Hirson nói rằng, Trung Quốc không “vũ khí hóa tiền tệ”. Theo ông, các quan chức tại Bắc Kinh đang cố gắng giành lại thế chủ động để đưa ra quyết định trước Mỹ. Hơn nữa, có những động cơ mạnh mẽ để ngăn chặn Trung Quốc giảm sâu hơn đồng nhân dân tệ, bởi việc hạ giá mạnh đồng tiền sẽ khiến các nhà đầu tư hoảng sợ, gây bất ổn thị trường tài chính và ngăn làn sóng đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc.

Sự leo thang trong cuộc chiến thương mại xảy ra vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang có những vết rạn nứt. Tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại. Hoạt động của các nhà máy tại Mỹ trong tháng 7 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm qua. Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu không có đủ khả năng để bù đắp cho những bất ổn về kinh tế.

Đánh giá về cuộc chiến này, ông Hirson cho rằng, Trung Quốc và Mỹ sẽ vẫn bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn trả đũa thương mại.“Tổng thống Trump càng gia tăng sức ép với Trung Quốc thì nhà lãnh đạo Trung Quốc lại càng khó lùi bước bởi bối cảnh này giống như họ đang đàm phán tại họng súng. Nói cách khác, cuộc chiến thương mại sẽ tồi tệ hơn trước khi nó được cải thiện”.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 07/08/2019 là 1 AUD = 0.668 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 07/08/2019 là 1 AUD = 15,541 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 24 đến 30 độ.

Tại Hà Nội, trời ít mây, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 36 độ.

Tại Adelaide, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào hoặc mưa đá, gió di chuyển với vận tốc từ 25–55 km/h. Nhiệt độ dao động từ 9–13 độ.

Tại Brisbane, trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 15–30 km/h. Nhiệt độ dao động từ 14–28 độ.

Tại Sydney, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào hoặc bão, gió di chuyển với vận tốc từ 15–40 km/h. Nhiệt độ dao động từ 11–21 độ.

Tại Melbourne, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào hoặc mưa đá, gió di chuyển với vận tốc từ 15–40 km/h. Nhiệt độ dao động từ 7–13 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này