Chương trình Thời sự thứ Tư, 04/03/2020
Tin nước Úc:
- Di trú: Visa sẽ bị hủy nếu di dân cung cấp thông tin không chính xác cho chính phủ Úc
- Victoria: Thủ hiến bang Victoria nhấn mạnh chưa đến lúc phải tích trữ hàng hóa trong mùa dịch bệnh
- Victoria: Trợ cấp $700,000 để thành lập Trung tâm Giáo dục Mầm non Wycheproof
- Tin Úc: Dịch bệnh sẽ khiến lượng khách du lịch đến Úc giảm 1.8 triệu người trong sáu tháng đầu năm
- Tin Úc: Biến đổi khí hậu khiến mùa hè dài hơn và mùa đông ngắn hơn ở Úc
- Victoria: Xác nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ mười ở tiểu bang
- Victoria: Siết chặt luật phạt tù giam đối với những người tấn công nhân viên dịch vụ khẩn cấp
- Tin Úc: Chuẩn bị Khung Đánh giá Thực hành Giảng dạy để nâng cao chuyên môn của giáo viên
- Tin vắn
Tin thế giới:
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm 4/3 thông báo nước này ghi nhận thêm 119 ca nhiễm mới và 38 ca tử vong. Trung Quốc đại lục hiện ghi nhận 80.270 ca nhiễm, 2.981 ca tử vong, trong khi 49.866 người đã được chữa khỏi và 6.416 người trong tình trạng nguy kịch. Các ca nhiễm mới giảm ở Trung Quốc đại lục nhưng đang tăng lên nhanh chóng tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Iran, Italy. Hàn Quốc và Italy là hai ổ dịch lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục. Hàn Quốc hiện ghi nhận 5.328 ca nhiễm, trong đó 32 ca tử vong, trong khi Italy là 2.502 ca, trong đó 79 ca đã tử vong và Iran là 2.336, 77 người đã tử vong. Covid-19 đã xuất hiện tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc tháng 12/2019. Thế giới ghi nhận 93.154 ca nhiễm nCoV, trong đó 3.202 ca tử vong và 50.944 người được chữa khỏi.
Tại châu Âu, dịch COVID-19 lại đang bắt đầu lây lan phức tạp. Khu vực này hiện đã có 56 người tử vong, trên tổng số hơn 2.500 ca nhiễm. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, các ca tử vong tập trung ở 3 quốc gia là Italy, Pháp và San Marino. Ở Italy, áp lực đang tăng dần đối với các bệnh viện. Nhiều nơi phải tận dụng sân để dựng lều, cách ly bệnh nhân thường với người nhiễm COVID-19. Nước Anh công bố kế hoạch hành động 4 điểm, bao gồm kiểm soát virus, hạn chế lây lan, nghiên cứu vaccine và giảm thiểu tác động. Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định quân đội sẵn sàng vào cuộc trong tình huống xấu nhất.
Ngày 3/3 (theo giờ địa phương), ngày “Siêu thứ Ba” tại Mỹ, các điểm bỏ phiếu trên 15 bang và vùng lãnh thổ của nước này mở cửa đón các cử tri đảng Dân chủ đi bỏ phiếu. Việc này nhằm chọn ra ứng cử viên chính thức của đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng dự kiến diễn ra vào tháng 11/2020. Việc hai tiểu bang có đông dân nhất với số lượng đại biểu lớn nhất là California với 415 đại biểu đảng Dân chủ và Texas 228 đại biểu đều sẽ tiến hành bỏ phiếu vào ngày “Siêu thứ Ba”, đồng nghĩa với việc hơn 30% dân số Mỹ sẽ bỏ phiếu vào ngày 3/3. Chính vì vậy, sự kiện này đánh dấu giai đoạn quan trọng trong cuộc đua và quyết định liệu một ứng viên có khả năng thu hút cử tri ở tầm quốc gia, không còn ở từng bang riêng lẻ. Trong cuộc bầu cử năm 2020, ngoài ngày 3/3, ngày 10/3 và ngày 17/3 cũng có thể được coi là những ngày “Siêu thứ Ba” do số bang bầu cử sơ bộ vào những ngày này cũng lớn.
Ngày 2/3, chính quyền của Tổng thống Mỹ đã quyết định áp đặt giới hạn nhân sự đối với 5 đơn vị báo chí, truyền thông Nhà nước Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ. Cụ thể, chính quyền Mỹ yêu cầu từ ngày 13/3, 5 cơ quan truyền thông Nhà nước Trung Quốc hoạt động tại Mỹ sẽ chỉ được phép sử dụng tối đa 100 nhân viên người Trung Quốc, giảm khoảng 1/3 so với số lượng 160 người hiện nay. Mỹ không nêu rõ sẽ trục xuất 60 nhân viên còn lại. Về mặt lý thuyết, họ có thể tìm việc làm khác tại Mỹ nhưng đa số dự kiến buộc phải về nước. Đây được xem là một động thái trả đũa việc Trung Quốc trục xuất các nhà báo Mỹ và nước ngoài khác do có bài bình luận chỉ trích Trung Quốc.
Theo AFP, Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 3/3 tuyên bố cuộc bầu cử Quốc hội nước này sẽ được tổ chức vào ngày 13/4 tới. Cuộc bầu cử Quốc hội, được tổ chức trên khắp các khu vực do Chính phủ Syria kiểm soát, là cuộc bỏ phiếu thứ 3 được tổ chức tại nước này kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra cách đây 9 năm. Cho tới nay, các lực lượng của Tổng thống Assad đã kiểm soát hơn 70% lãnh thổ Syria, sau khi giành chiến thắng trước quân nổi dậy và các tay súng thánh chiến Hồi giáo kể từ năm 2015 với sự hậu thuẫn của Nga. Trong cuộc bầu cử gần đây nhất vào năm 2016, đảng Baath cầm quyền tại Syria cùng các đồng minh đã giành được thế đa số trong Quốc hội gồm 250 ghế. Tuy nhiên, Liên hợp quốc đã từ chối công nhận kết quả này.
Ngày 3/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm về khu vực chiến sự Idlib ở Syria. Một phát ngôn viên Chính phủ Đức đã xác nhận về cuộc điện đàm trên, song không cho biết thêm thông tin. Theo thông tin của hãng thông tấn RIA của Nga, cuộc điện đàm tập trung về vấn đề Syria, trong đó hai nhà lãnh đạo bày tỏ hy vọng cuộc gặp giữa Tổng thống Putin với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào ngày 5/3 tới ở Moskva có thể đi đến một giải pháp cho vấn đề Syria. Trong khi đó, theo Điện Kremlin, cuộc điện đàm thảo luận về vấn đề Idlid giữa Thủ tướng Merkel và Tổng thống Putin được thực hiện theo đề nghị của phía Đức. Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về tình hình Libya, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên xung đột duy trì lệnh ngừng bắn cũng như các quyết định được đưa ra tại Hội nghị Berlin mới đây.
Ngày 3/3, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố bắn hạ 1 máy bay chiến đấu L-39 của các lực lượng Chính phủ Syria trong cuộc tấn công do Ankara phát động ở Tây Bắc Syria. Trong khi đó, hãng thông tấn Syria SANA thông tin một máy bay chiến đấu đã bị các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tấn công. Cùng ngày, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cũng cho biết một máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay chiến đấu của Syria ở tỉnh Idlib, miền Tây Bắc nước này. Tình hình thực địa tại tỉnh Idlib tại Syria diễn biến phức tạp khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chiến dịch quân sự chống quân đội chính quyền Syria được Nga ủng hộ tại đây. Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng các hoạt động quân sự sau khi hàng chục binh sĩ nước này bị thiệt mạng trong các vụ không kích hồi tuần trước, mà Ankara quy trách nhiệm cho Chính phủ Syria. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm tránh xung đột trực tiếp với Nga, vốn có mối quan hệ chặt chẽ với Ankara về thương mại, quốc phòng. Dự kiến, ngày 5/3 tới, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ tới Nga và hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Vladimir Putin về tình hình tại Syria.
Triều Tiên hôm 2/3 lần đầu tiên thử tên lửa trong năm nay. Nhà Xanh (văn phòng Tổng thống Hàn Quốc) bày tỏ quan ngại sâu sắc về động thái này, nói rằng Bình Nhưỡng làm gia tăng căng thẳng. Kim Yo-jong, em gái Kim Jong-un, hôm 3/3 ra tuyên bố, nói rằng Hàn Quốc không có tư cách chỉ trích Triều Tiên khi chính họ đã tiến hành các cuộc tập trận riêng hay chung với Mỹ. Cô cho rằng việc Seoul lên án Bình Nhưỡng là một "hành động thực sự vô nghĩa" và "hoàn toàn ngu ngốc", so sánh động thái này như "con chó sủa trong sợ hãi". Tuyên bố của Kim Yo-jong phản ánh sự bế tắc trong quan hệ liên Triều sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thứ hai tháng 2/2019 không đạt được kết quả. Kể từ đó, Bình Nhưỡng kêu gọi Seoul từ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế và củng cố quan hệ kinh tế liên Triều nhưng Hàn Quốc từ chối.
Truyền thông Nga đưa tin ngày 3/3, hai máy bay chở khách của Nga đã phải hạ cánh khẩn cấp sau khi bị đe dọa đánh bom. Cụ thể, một máy bay chở 167 hành khách và 14 thành viên phi hành đoàn đang trên đường từ Vladivostok, vùng Viễn Đông Nga, tới thủ đô Moskva đã phải hạ cánh tại Khabarovsk, sau khi nhận được cảnh báo có bom. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra hành lý và các hành khách, lực lượng an ninh đã không phát hiện bất cứ món đồ nguy hiểm nào. Máy bay này sau đó đã tiếp tục cất cánh theo đúng lộ trình. Hiện chưa rõ tên hãng hàng không và loại máy bay bị ảnh hưởng. Trong khi đó, một máy bay Airbus A320 của hãng hàng không S7 với 113 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn, đang trên đường từ Novosibirsk tới thủ đô Moscow, đã phải hạ cánh tại thành phố Perm, sau khi hãng nhận được cảnh báo tương tự. Máy bay sau đó đã hạ cánh an toàn tại một khu vực riêng biệt để các nhân viên an ninh và lực lượng khẩn cấp tiến hành kiểm tra. Trang chủ của S7 nêu rõ máy bay dự kiến hạ cánh tại thủ đô Moscow chậm 1,5 giờ so với kế hoạch.
Ngày 3/3, nhà chức trách Indonesia đã phải đóng cửa sân bay quốc tế ở TP Solo, trên đảo Java, sau khi núi lửa Merapi ở nước này phun trào, cột tro bụi bốc cao tới 6km. Trung tâm phát triển và nghiên cứu công nghệ thảm họa địa chất Indonesia cho biết đợt phun trào kéo dài gần 8 phút. Tro bụi đã gây ảnh hưởng tới một số khu vực và sân bay quốc tế ở thành phố Solo tạm thời đóng cửa. Cơ quan chức năng Indonesia đã ban bố cảnh báo đỏ, khuyến cáo người dân không đi vào khu vực bán kính 3km xung quanh núi lửa Merapi. Hiện đám tro bụi đang di chuyển về phía Bắc. Núi lửa Merapi, cao 2.930 m, nằm gần thành phố Yogyakarta và Solo, là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Indonesia. Hàng loạt đợt phun trào của núi lửa Merapi trong năm 2010 đã khiến hơn 350 người thiệt mạng.
Những hình ảnh chụp từ vệ tinh của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy tình trạng ô nhiễm tại Trung Quốc đã có sự cải thiện đáng kể. Một phần nguyên nhân là do hoạt động kinh tế của nước này giảm sút trong thời kỳ dịch COVID-19. Tình trạng ô nhiễm đặc biệt giảm giữa 2 giai đoạn, từ 1/1 đến 20/1, thời điểm trước khi Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán và một số thành phố và giai đoạn từ 10/2 đến 25/2. Một nghiên cứu khác về tình trạng ô nhiễm tại Trung Quốc cho thấy lượng khí thải carbon ở đây đã giảm ít nhất 100 triệu tấn trong 2 tuần trước, tương ứng gần 6% lượng khí thải toàn cầu trong cùng thời điểm năm 2019.
Tin thể thao:
Liverpool hết cửa san bằng kỷ lục của MU: Liverpool thất bại 0-2 trước Chelsea ở trận đấu thuộc vòng 5 FA Cup. Hai bàn thắng của Willian và Ross Barkley đã chấm dứt hành trình của Liverpool ở giải đấu lâu đời nhất nước Anh. Không chỉ có vậy, Liverpool còn để vuột mất cơ hội san bằng kỷ lục ăn ba của MU. Thành tích được MU lập nên ở mùa giải 1998/99 với 3 danh hiệu Champions League, Premier League và FA Cup. Cho đến nay, thành tích này vẫn chưa CLB nào có thể tái lập.
Bayern vào bán kết Cúp Quốc gia Đức: Tiếp đón Bayern Munich trong trận tứ kết Cúp Quốc gia Đức, Schalke 04 nhập cuộc hưng phấn và có phần lấn lướt đối thủ trong những phút đầu. Tuy nhiên, Bayern với đẳng cấp của mình vẫn đủ sức khiến Schalke không thể đạt được mục đích với bàn thắng khai thông bế tắc ở phút 40 của Joshua Kimmich. Bị dẫn bàn, Schalke chơi chùng xuống và để Bayern có thêm nhiều cơ hội tấn công nhưng cơ hội lần lượt trôi qua mũi giày của các ngôi sao bên phía đội khách. Dù vậy, 1 bàn thắng đủ để Bayern tiến vào bán kết Cúp Quốc gia Đức lần thứ 11 trong lịch sử.
Trận Juventus - AC Milan ở Coppa Italia hoãn vì Covid-19: Trận bán kết lượt về Coppa Italia giữa Juventus và AC Milan đã bị hoãn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Italia. Theo lịch ban đầu, cuộc đọ sức trên sân Allianz sẽ diễn ra ngày 5/3 và BTC giải đấu vẫn chưa ấn định thời điểm sẽ tổ chức lại trận đấu này. Trong trận lượt đi trên sân San Siro diễn ra hôm 14/2, đôi bên đã hòa nhau với tỷ số 1-1. Ante Rebic là người mở tỷ số cho AC Milan ở phút 61 và Cristiano Ronaldo gỡ hòa cho Juventus với cú đá phạt đền thành công ở phút 90+1.
UEFA Nations League: Bồ Đào Nha vào bảng “tử thần”: Tại Amsterdam, Hà Lan, UEFA đã tổ chức lễ bốc thăm chia bảng UEFA Nations League mùa giải 2020/21. Lá thăm may rủi đã đưa tuyển Bồ Đào Nha vào nhóm 3 của League A, cùng với nhà đương kim vô địch World Cup Pháp, đương kim á quân World Cup Croatia và Thụy Điển. Đây được đánh giá là “bảng đấu tử thần” của mùa giải. Thách thức sẽ rất lớn với Ronaldo và đồng đội. Ở nhóm 1, Italia sẽ đối đầu Hà Lan, Ba Lan, Bosnia. Ở nhóm 2 sẽ là cuộc cạnh tranh của Anh, Bỉ, Iceland và Đan Mạch. Trong khi ở nhóm 4 là Đức, Tây Ban Nha, Ukraine, Thụy Sỹ.
UEFA Nations League mùa giải 2020/21 sẽ khởi tranh vào tháng 9 tới, tăng số lượng đội ở League A từ 12 thành 16 đội. Đức, Ba Lan, Croatia, Iceland vẫn được ở lại dù đã thất bại trong việc trụ lại League A mùa trước. Các đội tham dự vòng bảng Nations League sẽ thi đấu theo thể thức lượt đi lượt về. Bốn đội có thành tích tốt nhất ở 4 nhóm sẽ vào chơi trận bán kết để chọn ra 2 đội cạnh tranh cho chức vô địch. Những đội tuyển thi đấu không tốt ở League A mùa này sẽ phải xuống hạng, nhường suat cho các đội chơi tốt ở League B ở mùa sau.
Barcelona lên kế hoạch mua sắm: Theo tờ Sport, Barcelona đang lên kế hoạch thực hiện 4 sự bổ sung cho đội hình của họ trong kỳ chuyển nhượng mùa hè. Gã khổng lồ xứ Catalan đang háo hức mang về 1 tiền đạo, 1 cầu thủ chạy cánh và 2 hậu vệ - với khả năng số tiền lớn sẽ được chi tiêu. Để làm được điều đó, họ sẽ phải bán đi những cái tên không nằm trong kế hoạch như Coutinho, Rakitic,…
Atletico tiếp cận Ivan Rakitic: Theo Marca, đại diện của Atletico Madrid đã gặp tiền vệ Rakitic vào ngày 20/2 vừa qua, hai ngày sau trận thắng của họ trước Liverpool tại vòng 1/8 Cúp C1. Đây là lần thứ hai Atletico tiếp cận với tiền vệ người Croatia sau lần đầu tiên vào cuối năm 2019. Một lợi thế mà đội bóng của HLV Diego Simeone đó là Rakitic muốn tiếp tục thi đấu tại La Liga. Cầu thủ 31 tuổi này đã tìm nhà mới ở thành phố Madrid cùng với gia đình của mình và rất muốn tiếp tục chơi bóng đỉnh cao.
PSG giận dữ vì Mbappe được chọn dự Olympic 2020: Kylian Mbappe mới đây được triệu tập vào đội tuyển Pháp tham dự bộ môn bóng đá nam tại Olympic Tokyo 2020. Ngôi sao của PSG là một trong số 80 cầu thủ được điền tên vào danh sách này. Theo L'Equipe, PSG khi hay tin đã gửi đơn lên Liên đoàn bóng đá Pháp để bày tỏ quan điểm của họ về vấn đề này. Đội bóng Paris lo ngại khả năng Mbappe bị quá tải khi tham dự hai giải đấu lớn liên tiếp trong vài tháng. Trước khi dự Olympic 2020 dự kiến diễn ra vào tháng 8, Mbappe phải cùng tuyển Pháp tham dự vòng chung kết EURO diễn ra vào tháng 6. Điều đó sẽ ảnh hưởng lớn tới quá trình chuẩn bị mùa giải mới của CLB. Cá nhân Mbappe muốn chơi ở Olympic, nhưng quyết định cuối cùng chỉ phụ thuộc vào PSG.
Victor Wanyama gia nhập Montreal Impact: Tottenham thông báo đã đạt được thỏa thuận bán tiền vệ Victor Wanyama cho CLB Montreal Impact đang chơi ở giải nhà nghề Mỹ (MLS). Wanyama sẽ khoác áo đội bóng của HLV Thierry Henry theo bản hợp đồng có thời hạn 3 năm. Thị trường chuyển nhượng ở châu Âu đã đóng cửa vào đầu tháng Hai vừa qua, nhưng MLS chỉ mới bắt đầu mùa giải mới và các đội bóng vẫn có thể thực hiện các thương vụ cho đến ngày 5/5. Wanyama gia nhập Tottenham vào năm 2016 từ Southampton nhưng những chấn thương dài hạn khiến anh không có nhiều đóng góp cho đội bóng London.
IOC chuẩn bị Olympic Tokyo 2020: Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đang nỗ lực tối đa để đảm bảo Đại hội Thể thao (Olympic) 2020, dự kiến diễn ra tại thủ đô Tokyo trong chưa đầy 5 tháng tới, thành công tốt đẹp trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang lan rộng ở nhiều nước trên thế giới. Đây là tuyên bố của Chủ tịch IOC Thomas Bach đưa ra ngày 3/3 trong cuộc họp ban điều hành kéo dài hai ngày ở Lausanne (Thụy Sĩ). Theo ông Bach, cuộc họp này sẽ mở đường để IOC có thể đưa ra các quyết định cuối cùng trong phiên họp vào tháng Sáu tới về việc tổ chức Olympic Tokyo từ ngày 24/7 đến ngày 9/8 tới.
Liệu Afghanistan có được nền “hòa bình thực sự”?
Sau hàng chục năm sống trong xung đột và bạo lực, người dân Afghanistan đang đứng trước cơ hội có được nền “hòa bình thực sự” sau khi Mỹ và Taliban ký thỏa thuận lịch sử, mở đường cho tiến trình rút toàn bộ binh sỹ Mỹ khỏi quốc gia Tây Nam Á này trong 14 tháng tới.
Thỏa thuận rút quân này được kỳ vọng có thể dẫn tới một cuộc đối thoại giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban, mà nếu thành công, sẽ chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Mỹ ở Afghanistan kéo dài hơn 18 năm qua. Tuy nhiên, chưa có gì bảo đảm sự khởi đầu này sẽ tạo bước ngoặt trên con đường gập ghềnh chông gai dẫn tới hòa bình ở Afghanistan.
Thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban ký kết ngày 29/2 tại thủ đô Doha của Qatar là kết quả của quá trình thương lượng suốt 2 năm với nhiều lần gián đoạn. Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ bước đầu giảm quy mô hiện diện quân sự tại Afghanistan xuống còn 8.600 binh sỹ trong vòng 135 ngày kể từ khi ký kết thỏa thuận, trong trường hợp các điều kiện được đáp ứng. Sau đợt rút quân đầu tiên này, Washington sẽ tiến tới rút toàn bộ binh sỹ và tiến trình này có thể kéo dài trong vòng 1 năm nếu mọi việc diễn ra thuận lợi.
Mỹ và Taliban cũng nhất trí thực hiện trao đổi tù nhân, theo đó khoảng 5.000 tù nhân Taliban và 1.000 tù nhân thuộc lực lượng an ninh Afghanistan sẽ được trao đổi trước ngày 10/3, trước khi diễn ra các cuộc đàm phán trong nội bộ quốc gia Tây Nam Á này. Mỹ cũng cam kết dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Taliban và kêu gọi Liên hợp quốc có hành động tương tự. Đổi lại, Taliban cam kết đảm bảo Afghanistan sẽ không trở thành một căn cứ cho các cuộc tấn công khủng bố chống lại các lợi ích của phương Tây.
Văn kiện trên được ký trong bối cảnh Mỹ và Taliban vừa kết thúc một cách khá suôn sẻ việc thực thi thoả thuận giảm bạo lực trong vòng 7 ngày tại Afghanistan. Thỏa thuận này có hiệu lực hôm 21/2, được xem là một phép thử nhằm tạo dựng lòng tin giữa Mỹ và Taliban, cũng như thăm dò khả năng Taliban có thể kiểm soát các thủ lĩnh của mình, từ đó tạo ra môi trường thuận lợi cho cuộc đối thoại trong nội bộ Afghanistan. Mặc dù thỏa thuận được đánh giá là bước đi quan trọng đầu tiên hướng tới hòa bình lâu dài tại Afghanistan, song vẫn còn rất nhiều ý kiến hoài nghi về tính khả thi của thỏa thuận.
Ngay sau khi văn kiện này được ký, từ Kabul, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper lập tức cảnh báo rằng Washington sẽ không do dự hủy bỏ thỏa thuận nếu Taliban không thực hiện những đảm bảo an ninh cũng như cam kết đàm phán với Chính phủ Afghanistan. Lời cảnh báo của ông Esper phản ánh mối lo ngại của Mỹ bởi trên thực tế không phải lúc nào lực lượng Taliban cũng tuân thủ các cam kết.
Bằng chứng là trong suốt hai năm qua, các cuộc đàm phán hòa bình giữa Mỹ và Taliban đã ít nhất 2 lần bị gián đoạn do các vụ tấn công của Taliban nhằm vào các binh sỹ Mỹ. Bất chấp tiến trình đàm phán, năm 2019 chứng kiến số lượng kỷ lục những cuộc tấn công do Taliban và các nhóm chống đối khác tiến hành tại Afghanistan. Bên cạnh đó, Taliban đến nay cũng chưa có động thái nào cụ thể để hiện thực hóa cam kết cắt đứt các mối liên hệ với các tổ chức khủng bố như Al Qaeda, theo yêu cầu của Mỹ.
Bên cạnh đó, tiến trình hòa bình tại Afghanistan thuận lợi hay không còn phụ thuộc vào các kết quả đàm phán giữa Taliban và chính quyền Kabul. Trên thực tế phần khó khăn nhất trong tiến trình hòa bình Afghanistan chính là các cuộc đàm phán nội bộ ở quốc gia này. Nói cách khác, sẽ chưa thể có hòa bình thực sự nếu không có đối thoại và hòa giải chính trị ở Afghanistan, bất kể lực lượng Mỹ có rút khỏi quốc gia này hay không.
Taliban trước đây đã phản đối các cuộc đàm phán với Chính phủ Afghanistan và cho tới nay vẫn chưa công nhận vai trò đàm phán của Kabul trong một thỏa thuận hòa bình cuối cùng. Trong khi đó, Chính phủ Afghanistan dù nhiều lần đề xuất đàm phán trực tiếp với Taliban, song Kabul luôn đặt điều kiện tiên quyết về thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt bạo lực.
Trong điều kiện hiện nay, bất ổn chính trị tại Afghanistan sau cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 9/2019 cũng có thể làm phức tạp tiến trình đàm phán. Theo kết quả bầu cử chính thức, chiến thắng thuộc về Tổng thống Ashraf Ghani, tuy nhiên, đối thủ chính của ông là Abdullah Abdullah - quan chức điều hành cấp cao của chính quyền Afghanistan - phản đối kết quả này và tuyên bố sẽ thành lập một chính phủ riêng.
Tranh cãi về kết quả bầu cử làm dấy lên nghi ngại về khả năng các phe phái ở Afghanistan có thể thành lập một chính phủ đoàn kết để ngồi cùng Taliban thảo luận về tương lai của đất nước. Thậm chí, ngay cả trong trường hợp cuộc đối thoại được chính thức khởi động, vẫn có nhiều vấn đề giữa Kabul và Taliban cần được giải quyết. Hai bên phải nhanh chóng tìm giải pháp cho vấn đề phóng thích các tay súng tù nhân Taliban và làm thế nào để đưa họ hòa nhập vào một quân đội quốc gia thống nhất.
Hiện Chính phủ Afghanistan vẫn chưa đồng ý việc trao đổi tù nhân theo thỏa thuận mà Taliban ký với Mỹ. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani ngày 1/3 đã tuyên bố Kabul không cam kết trả tự do cho 5.000 tù nhân Taliban như thỏa thuận Mỹ-Taliban. Ngoài ra, Chính phủ Afghanistan cũng khó chấp nhận đề xuất của Taliban về sửa đổi Hiến pháp theo quan điểm Hồi giáo.
Về phía Mỹ, giới quan sát quốc tế cho rằng dù tỏ ra lạc quan về thoả thuận hòa bình ký với Taliban, song Washington vẫn sẽ đối mặt với các thách thức an ninh và các mối đe dọa liên quan đến phiến quân tại Afghanistan, từ việc rút binh sĩ Mỹ về nước tới giải giáp các tay súng phiến quân.
Cựu cố vấn tham mưu trưởng liên quân Mỹ Carter Malkasian cảnh báo tình hình có thể thay đổi nếu như Mỹ rút quân trước khi Taliban và Chính phủ Afghanistan đạt được một thỏa thuận chính trị. Theo ông, khi đó, Taliban sẽ nhận thấy sự thay đổi trong cân bằng lực lượng và không tuân thủ các cam kết. Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Michele Flournoy cũng cảnh báo nguy cơ Taliban đi ngược lại các cam kết về đảm bảo an ninh.
Bên cạnh những quan ngại trên, một thách thức lớn khác mà Mỹ sẽ phải tính đến là làm thế nào để các tay súng Taliban tái hòa nhập xã hội. Cựu cố vấn về vấn đề Afghanistan dưới thời chính quyền các tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama cho rằng một thỏa thuận hòa bình lâu dài đòi hỏi phải hợp nhất các tay súng Taliban với các lực lượng vũ trang Afghanistan, song điều này không hề đơn giản.
Trong báo cáo gần đây, Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan (SIGAR) John Sopko nhấn mạnh rằng việc tái hòa nhập các tay súng là một quá trình phức tạp và mất nhiều thời gian. Chính phủ Mỹ sẽ cần hỗ trợ tài chính lớn cho chương trình này, nếu không khoảng 60.000 tay súng Taliban sẽ có nguy cơ quay lại bạo lực.
Không ít ý kiến nhận định Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “vội vàng” đạt thỏa thuận rút binh sỹ Mỹ khỏi Afghanistan sau gần hai thập niên Washington sa lầy vào cuộc chiến nghìn tỷ USD với danh nghĩa “chống khủng bố” nhằm “ghi điểm” trước cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay, trong khi các điều kiện để thực thi thỏa thuận này thì chưa chín muồi.
Mặc dù thỏa thuận ngày 29/2 là bước khởi đầu suôn sẻ, song con đường tiếp theo sẽ phụ thuộc vào việc tất cả các bên liên quan kiên nhẫn và thiện chí đến mức độ nào đối với tiến trình chính trị tìm kiếm hòa bình ở Afghanistan.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 04/03/2020 là 1 AUD = 0.659 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 04/03/2020 là 1 AUD = 15,227 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời ít mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 35 độ.
Tại Hà Nội, trời nhiều mây, có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 18 đến 20 độ.
Tại Adelaide, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15–25 độ.
Tại Brisbane, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 23–30 độ.
Tại Sydney, trời nhiều mây, trong ngày có mưa hoặc bão, sóng lớn sẽ xuất hiện gây nguy hiểm cho các hoạt động như câu cá và bơi lội, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21–25 độ.
Tại Melbourne, độ ẩm cao, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 17–21 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào