Chương trình Thời sự thứ Tư, 03/06/2020

Cẩm Nhung | 03/06/2020 | 661 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Tin Úc: Độ ẩm thấp vào mùa đông làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19

- Tin Úc: Các nhà máy chế biến sữa sẽ phải công bố các thỏa thuận với nông dân

- Victoria: Bảo tàng Melbourne và Rạp chiếu phim IMAX sẽ mở cửa lại vào ngày 27/6

- Victoria: Chương trình mới giúp khôi phục đa dạng sinh học ở những nơi bị cháy rừng

- Victoria: Bổ sung thêm lực lượng y tá và nữ hộ sinh tại các bệnh viện

- Victoria: Phát triển ngành vận tải đường sắt và giảm bớt lượng xe tải trên đường phố

- Keilor: Nhà hàng, quán cà phê mở cửa lại nhưng vắng khách

- Tin Úc: Khí thải nhà kính ở Úc giảm 0.9% trong năm ngoái

- Tin vắn

Tin thế giới:

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 2/6 cho biết, bà bị khiếp sợ bởi cái chết của người đàn ông da màu George Floyd, đồng thời hoan nghênh các cuộc biểu tình ôn hòa. Bà Jacinda Ardern cũng lưu ý các cuộc biểu tình này đã không tuân thủ những hạn chế giãn cách xã hội. Bà Ardern được một số người biểu tình tự do miêu tả là một người "bài Trump", thúc đẩy những vấn đề như công bằng xã hội, đa phương và bình đẳng. Thủ tướng của New Zealand cũng được thế giới ca ngợi vì cách giải quyết đầy tình người trong vụ xả súng đẫm máu tồi tệ nhất tại quốc đảo châu Đại Dương này hôm 15/3/2019 khi một đối tượng ủng hộ người da trắng cướp đi sinh mạng của 51 tín đồ Hồi giáo tại 2 thánh đường ở Christchurch. Hàng nghìn người New Zealand đã biểu tình ôn hòa hôm 1/6 trong bối cảnh các cuộc biểu tình tại Mỹ và trên toàn cầu diễn ra, công khai chỉ trích về cái chết của George Floyd hồi tuần trước.

Ngày 2/6, thủ đô Washington và 8 tiểu bang của Mỹ đã tổ chức bầu cử sơ bộ, trong đó có một số bang trước đó đã phải thay đổi lịch trình do sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Toàn bộ 8 tiểu bang, cũng bao gồm Iowa, Montana, New Mexico và South Dakota, đã khuyến khích hoặc mở rộng hình thức gửi phiếu bầu qua bưu điện như một biện pháp bỏ phiếu thay thế an toàn. Điều này đã dẫn tới lượng phiếu bầu qua bưu điện cao kỷ lục tại nhiều bang, trong khi lượng cử tri đi bầu trực tiếp giảm mạnh. Các cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra trong bối cảnh hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn đang tranh cãi về hình thức bỏ phiếu bầu qua bưu điện. Trong khi phe Dân chủ ủng hộ hình thức này như một giải pháp bỏ phiếu an toàn, Tổng thống Mỹ Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa lại phản đối khi cho rằng hình thức này làm tăng nguy cơ gian lận phiếu bầu. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng có rất ít bằng chứng về mối quan hệ giữa gian lận bỏ phiếu và hình thức bỏ phiếu qua bưu điện.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 2/6 thông báo Chính phủ Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại với các nước châu Âu trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội được áp đặt trong nỗ lực kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19. Theo kế hoạch này, Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại và bắt đầu từ ngày 15/6 có thể nối lại việc đi lại ở ít nhất 31 nước châu Âu. Theo ông Maas, Đức sẽ thay thế cảnh báo đi lại bằng các hướng dẫn chi tiết, tập trung vào tình hình dịch bệnh ở từng nước. Đây sẽ là những thông tin giúp người dân có được quyết định phù hợp trong kế hoạch đi lại của mình.

Ngày 2/6, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã trình lên Tổng thống Vladimir Putin kế hoạch khôi phục nền kinh tế quốc gia sau đại dịch COVID-19. Chính phủ Nga dự kiến chi khoảng 5.000 tỷ Ruble (tương đương 72 tỷ USD) để phục hồi kinh tế sau thời gian phong tỏa. Mục tiêu của kế hoạch gồm: Đạt tăng trưởng thu nhập thực tế ổn định cho người dân; Giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 5%; Đảm bảo tốc độ tăng trưởng GDP ít nhất 2,5%/năm vào cuối năm 2021. Ông Mishustin nhấn mạnh, việc thực hiện kế hoạch này sẽ giúp xoay chuyển tình hình do hậu quả của đại dịch COVID-19, đồng thời hỗ trợ những thay đổi cấu trúc lâu dài của nền kinh tế. Trước đó, Cơ quan Thống kê LB Nga (Rosstart) đã công bố số liệu cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4/2020 ở nước này đã tăng lên 5,8%, kỷ lục trong vòng 4 năm qua và cao hơn mức trung bình là 4,6% trong năm 2019.

Ngay sau khi dịch bệnh lắng dịu, Hàn Quốc đã lập tức đưa thêm đơn kiện Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ông Na Seung-sik, quan chức Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, ngày 2/6 cho biết, Hàn Quốc sẽ tái xúc tiến quy trình khởi kiện Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nội dung Hàn Quốc kiện Nhật Bản lên WTO vẫn liên quan tới việc Nhật Bản thắt chặt xuất khẩu những vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc. Những vật liệu mà Nhật Bản hạn chế xuất khẩu là thiết yếu với ngành công nghiệp sản xuất màn hình, điện thoại và chip máy tính của Hàn Quốc. Hàn Quốc cho rằng, biện pháp của Nhật Bản đang đe dọa cả nền kinh tế Hàn Quốc, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu, đồng thời ảnh hưởng tới cả các nhà sản xuất Nhật Bản phải nhập khẩu vật liệu từ Hàn Quốc. Trong khi đó, Nhật Bản khẳng định, các biện pháp này là nhằm kiểm soát xuất khẩu, đảm bảo an ninh quốc gia.

Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, tốc độ tuyệt chủng trên Trái đất hóa ra nhanh hơn nhiều so với mọi dự báo. Khoảng 173 loài đã biến mất chỉ từ năm 2001 - 2014, nhanh gấp 25 lần so với tỷ lệ tuyệt chủng bình thường. Ngoài ra, trong 100 năm qua, hơn 400 loài động vật có xương sống đã bị tuyệt chủng. Sự tuyệt chủng như vậy thường phải mất tới 10.000 năm. Buôn bán động vật hoang dã, phá hoại môi trường... là những gì con người đã làm và gây ra hậu quả này. Các nhà khoa học cảnh báo, việc một loài biến mất sẽ làm xói mòn hệ sinh thái và gây nguy cơ làm các loài khác tuyệt chủng, và phải mất hàng triệu năm mới khôi phục được số lượng các loài vật. Trong lịch sử, Trái đất từng trải qua 5 sự kiện tuyệt chủng hàng loạt, tiêu diệt khoảng 70 - 95% chủng loài thực vật, động vật và vi sinh vật từng tồn tại. Đợt tuyệt chủng gần nhất xảy ra cách đây 66 triệu năm, là lúc khủng long biến mất. Năm lần đại tuyệt chủng trước đều do các thảm họa tự nhiên như: núi lửa phun, thiên thạch đâm vào Trái đất. Riêng đối với lần thứ 6 đang diễn ra, thủ phạm lại là con người.

Australia cân nhắc yếu tố Trung Quốc trước khi trở thành thành viên G7

Truyền thông Australia vừa cho biết, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã chấp nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Scott Morrison về việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 9 tới. Trước đó vào sáng nay, hai nhà lãnh đạo cũng đã có cuộc nói chuyện điện thoại về vấn đề này. Như vậy, đây là năm thứ hai liên tiếp Australia được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tiếp sau hội nghị đầu tiên được tham dự vào năm ngoái tại Pháp.

Trước đó vào cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông muốn cải cách G7 bằng việc mời thêm một số quốc gia như Nga, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ tham dự cuộc họp dự kiến vào tháng Chín tới. Tổng thống Donald Trump đã gọi điện thoại để trao đổi với các nhà lãnh đạo Australia, Nga và Hàn Quốc về ý định này. Ngoài Australia, Hàn Quốc cũng đã nhận lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới. Như vậy cho đến lúc này, việc Australia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào tháng Chín tới đã rõ ràng song việc nước này có được mời làm thành viên mở rộng hay không thì vẫn còn bỏ ngỏ.

Tham gia G7 là cơ hội khẳng định vị thế của Australia

G7 là nhóm 7 nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Theo số liệu năm 2018, nhóm này chiếm khoảng 58% tài sản toàn cầu và đóng góp khoảng 46% vào GDP toàn cầu. Vì vậy, bất kỳ quốc gia nào khi được mời tham dự cuộc họp của nhóm này đều là sự khẳng định về vai trò và vị trí của quốc gia đó trên trường thế giới. Năm ngoái, Australia cũng đã được Pháp mời tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 với tư cách khách mời. Nếu việc tham dự hội nghị với tư cách khách mời là sự khẳng định vị thế của một quốc gia thì việc trở thành thành viên của G7 còn ý nghĩa lớn hơn nữa khi không chỉ được công nhận là quốc gia phát triển hàng đầu mà còn là cơ hội để quốc gia đó phát huy ảnh hưởng rộng hơn trên toàn thế giới. Australia cũng không ngoại lệ.

Vì lý do này mà ông Michael Fullilove, Giám đốc điều hành viện Lowy khẳng định, Australia nên theo đuổi việc trở thành thành viên của G7. Ông Michael Fullilove cho biết “Australia là nền kinh tế lớn thứ 13-14 của thế giới”, việc tham gia của Australia vào G7 sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên trong lúc cơ chế này đang tập trung quá nhiều vào Châu Âu”. Ông Michael Fullilove nhận định, “tư cách là thành viên G7 mở rộng sẽ giúp Australia theo đuổi mục tiêu và lợi ích của mình ở vị trí cao nhất”.

Những vấn đề Australia cân nhắc khi tham gia G7

Cho dù cho đến lúc này vẫn chưa rõ là liệu Australia có được mời làm thành viên của G7 mở rộng hay không song những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo ra cuộc thảo luận tại Australia. Giới học giả Australia cho rằng, nước này cần tìm hiểu kỹ về định hướng, mục tiêu hợp tác trong khuôn khổ G7 để tránh tham gia vào một cơ chế đối đầu với Trung Quốc.

Ông Ashley Townshend, Giám đốc chính sách ngoại giao và quốc phòng thuộc Trung tâm nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney nhận định việc trở thành thành viên chính thức của G7 vừa là “bẫy” vừa tạo ra sự “chia rẽ” mà Australia cần phải cân nhắc. Ông Ashley Townshend cho biết “bất kỳ nỗ lực cải cách nghiêm túc G7 đều được hoan nghênh từ quan điểm của Australia” tuy vậy, “cách tiếp cận đối đầu trực tiếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Trung Quốc sẽ không có lợi cho lợi ích của Australia”. Australia hiện đang là thành viên của Tứ giác kim cương cùng với Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản để tạo ra sự cân bằng với Trung Quốc. Vì vậy việc tham gia thêm các cơ chế khác nhằm đối trọng với Trung Quốc sẽ càng khiến cho quan hệ vốn đang gặp nhiều khó khăn với Trung Quốc có thêm nhiều thách thức mới.

Cùng chung quan điểm này, ông Allan Gyngell, nguyên lãnh đạo cơ quan tình báo Australia và hiện là Chủ tịch của Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế Australia nhận định, Australia cần phải suy nghĩ cẩn thận về việc gia nhâp G7 mở rộng. Ông Allan Gyngell cho biết không muốn Australia tham gia vào một “liên minh chống lại Trung Quốc”.

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Australia với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 235 tỷ vào năm ngoái, chiếm gần 30% giá trị trao đổi thương mại của Australia với thế giới. Trung Quốc cũng được cho là nền kinh tế đóng vai trò giúp Australia nhanh chóng lấy lại động lực tăng trưởng để vượt qua những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy vậy trong những năm gần đây và mới nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đang đi xuống. Trong bối cảnh Australia vẫn tiếp tục cần Trung Quốc với vai trò là đối tác kinh tế để giúp nước này phục hồi sau những tác động của dịch Covid-19 thì nước này sẽ càng phải cân nhắc kỹ hơn các hoạt động quốc tế để tránh làm tổn hại không cần thiết tới mối quan hệ vốn đang gặp nhiều khó khăn với Trung Quốc.

Không chỉ vậy, các nhà nghiên cứu Australia cũng cho rằng nước này cũng cần thận trọng đánh giá về mục đích thực sự đằng sau đề xuất mở rộng G7. Ông Allan Gyngell nhận định, nếu G7 mở rộng tập trung vào các vấn đề kinh tế mà lại thiếu sự có mặt của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thì hiệu quả sẽ hạn chế. Bên cạnh đó, ông Allan Gyngell cũng lưu ý Australia cần đánh giá về ý nghĩa của việc này đối với các tổ chức đa phương khác và cho rằng, việc mở rộng G7 có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại của các cơ chế hợp tác đa phương khác.

Ông Daniel Flitton, tổng biên tập tạp chí The Interpreter thuộc viện nghiên cứu Lowy nhận định, đề xuất mở rộng G7 vào thời điểm chỉ còn vài tháng nữa diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ sẽ khiến cho đề xuất này gặp nhiều khó khăn. Không phải chờ đợi lâu, hôm 2/6, Thủ tướng Canada và Anh cũng đã lên tiếng phản đối việc Mỹ mời Nga tham dự cho thấy việc mở rộng G7 như đề xuất của Tổng thống Trump không dễ thành hiện thực.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 03/06/2020 là 1 AUD = 0.696 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 03/06/2020 là 1 AUD = 16,158 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 33 độ.

Tại Hà Nội, trời nhiều mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 36 độ.

Tại Adelaide, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–15 độ.

Tại Brisbane, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–22 độ.

Tại Sydney, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10–17 độ.

Tại Melbourne, buổi sáng có sương mù, buổi chiều trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 6–13 độ.

Cẩm Nhung

Đánh giá bản tin này