Chương trình Thời sự thứ Tư, 01/07/2020
Tin nước Úc:
- Victoria: Hàng trăm nhân viên y tế ở cấp liên bang đã được cử đến Victoria
- Victoria: Gần 1,000 người dân ở các điểm nóng COVID-19 từ chối xét nghiệm
- Victoria: Công ty tư vấn công nghệ Slalom LLC thiết lập chi nhánh tại Melbourne
- Victoria: Đảm bảo đài truyền hình Channel 31 tiếp tục phát sóng và kết nối cộng đồng
- Victoria: Lo ngại về việc tài liệu lạm dụng trẻ em bị chia sẻ tràn lan trên mạng trực tuyến
- Oakleigh: Điều tra một vụ đâm chém làm một người tử vong
- Tin Úc: Công bố gói trợ cấp mới để bảo vệ Úc khỏi các vụ tấn công mạng bằng mã độc
- Tin Úc: Viện Grattan Institute khuyến nghị tăng mức trợ cấp thất nghiệp thêm $100 mỗi tuần
Tin thế giới:
27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa nhất trí thông qua danh sách những nước an toàn và vì thế sẽ được phép nối lại hoạt động đi lại bình thường với khối này ngay từ tháng 7 tới, song không có Mỹ. Cụ thể, bản danh sách gồm 14 nước: Algeria, Australia, Canada, Gruzia, Nhật Bản, Montenegro, Marocco, New Zealand, Ruwanda, Serbia, Hàn Quốc, Thái Lan, Tunisie và Uruguay. Riêng với Trung Quốc, nước này có thể được đưa vào danh sách nếu đáp ứng được nguyên tắc “có đi có lại” của khối, tức là khách du lịch châu Âu cũng phải được phép nhập cảnh Trung Quốc. Ngoài Mỹ, trong số những cái tên đáng chú ý không được đưa vào danh sách còn có Nga và Brazil.
Hội đồng Bảo an ngày 30/06 đã họp để thảo luận việc thực hiện nghị quyết 2231 năm 2015 nhằm thông qua thỏa thuận hạt nhân Iran. Lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, dự kiến sẽ hết hạn ngày 18/10 tới, là một trong những điều khoản của nghị quyết này. Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gọi Iran là nhà nước khủng bố và kêu gọi Hội đồng Bảo an gia hạn cấm vận vũ khí đối với nước này. Mỹ hiện đã lưu hành một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an nhằm gia hạn lệnh cấm vận này vô thời hạn. Ông Pompeo cho biết Mỹ sẵn sàng phối hợp với các thành viên khác của Hội đồng Bảo an nhằm thông qua nghị quyết này, tuy nhiên nếu điều này không diễn ra, Mỹ sẽ viện dẫn một điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân Iran nhằm tái áp đặt toàn bộ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Iran. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif gọi chính quyền Tổng thống Donald Trump là kẻ bắt nạt ngoài vòng pháp luật và tiến hành khủng bố kinh tế ở Iran.
Trong thông cáo báo chí ngày 30/6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jonathan Hoffman cho biết đề xuất của bộ này về việc tái bố trí 9.500 binh sỹ Mỹ ở Đức đã được Tổng thống Donald Trump chấp thuận. Trước đó trong tháng 6, ông Trump đã xác nhận các kế hoạch của Washington về việc cắt giảm khoảng 9.500 binh sỹ đồn trú tại Đức, như một "hình phạt" đối với việc Đức không dành đủ 2% ngân sách nước này cho quốc phòng, theo quy định của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thông cáo cho biết đề xuất này đã được chấp thuận không chỉ phù hợp với chỉ đạo của Tổng thống mà còn củng cố NATO, làm yên lòng các đồng minh, cải thiện tính linh hoạt chiến lược của Mỹ.
Ngày 30/6, Cơ quan An toàn hàng không của Liên minh châu Âu cho biết, hãng hàng không quốc gia Pakistan sẽ không được phép bay vào châu Âu trong ít nhất 6 tháng. Quyết định trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Hàng không Pakistan tiết lộ vào tuần trước rằng gần 1/3 phi công Pakistan đã gian lận trong các kỳ thi lấy bằng phi công của họ. Người phát ngôn của hãng hàng không quốc gia Pakistan (PIA) Abdullah Hafeez cho biết, PIA đã không bay tới châu Âu vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, hãng hy vọng sẽ tiếp tục các chuyến bay của mình đến Oslo (Na Uy), Copenhagen (Đan Mạch), Paris (Pháp), Barcelona (Tây Ban Nha) và Milan (Italy) trong vòng 2 tháng tới.
New Zealand vẫn sẽ tiếp tục đóng cửa biên giới dù dịch COVID-19 trong nước đã được kiểm soát tốt trong thời điểm này. Tuyên bố được Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đưa ra vào ngày 29/6. Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang gia hạn hoặc áp dụng trở lại các biện pháp đóng cửa. New Zealand đã trở thành quốc gia điển hình trên thế giới về sự thành công trong việc ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch COVID-19. Thủ tướng Ardern cho biết, New Zealand sẽ tổ chức Hội nghị APEC 2021 theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của các lệnh hạn chế đi lại hiện nay giữa các nước. Tính đến thời điểm này, tại New Zealand có tổng cộng hơn 1.500 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 22 trường hợp tử vong.
Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch siết chặt khâu thẩm tra lý lịch trước khi tiếp nhận các nghiên cứu sinh và sinh viên nước ngoài với mục đích ngăn chặn sự rò rỉ các công nghệ tiên tiến ra nước ngoài. Kế hoạch này đã được đưa vào Dự thảo chiến lược đổi mới sáng tạo hợp nhất trong tài khóa 2020, sẽ được Thủ tướng Abe Shinzo thông qua vào giữa tháng 7 tới. Trong dự thảo, Chính phủ Nhật Bản sẽ yêu cầu những người xin tài trợ của Nhật Bản phải khai báo các thông tin như liệu họ có nhận tiền hỗ trợ của nước ngoài hay không. Những người khai báo không trung thực sẽ bị thu hồi quyết định tài trợ.
Một loại virus mới được phát hiện từ heo ở Trung Quốc có nguy cơ lây nhiễm sang người và tiềm ẩn khả năng gây ra đại dịch. Đây là cảnh báo đáng chú ý do các chuyên gia Trung Quốc công bố trên kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ. Nghiên cứu cho biết, một nhóm gồm nhiều nhà khoa học Trung Quốc đã tìm hiểu về các loại virus cúm tìm thấy ở heo trong giai đoạn từ năm 2011 - 2018 và phát hiện một loại biến thể G4 của H1N1 có "tất cả những đặc tính then chốt của một virus gây dịch bệnh". Hiện vẫn chưa có bằng chứng cụ thể về việc virus G4 có thể truyền từ người sang người. Tuy nhiên, nghiên cứu nhấn mạnh nguy cơ virus lây lan, đặc biệt tại những khu vực đông dân cư tại Trung Quốc, nơi có tập quán chăn nuôi và giết mổ lợn gần với chỗ ở của con người. Các nhà nghiên cứu quan ngại rằng chủng virus này có thể biến đổi và lây lan dễ dàng từ người sang người, dẫn đến một đại dịch toàn cầu.
Trong 30 năm qua, nhiệt độ tại Nam Cực tăng nhanh gấp 3 lần so với phần còn lại của Trái Đất mà nguyên nhân là do tình trạng ấm lên của các đại dương khu vực nhiệt đới. Các nhà nghiên cứu tại New Zealand, Anh và Mỹ đã đưa ra kết luận trên sau phân tích dữ liệu tổng hợp về thời tiết trong 60 năm qua, kết hợp với các mô hình dựng bằng máy vi tính. Phát hiện này hoàn toàn trái ngược với nhiều ý kiến của nhiều người lâu nay cho rằng Nam Cực là nơi có nhiệt độ mát mẻ ngay cả khi khu vực châu Nam Cực đang ấm lên. Các tác giả nghiên cứu cho biết xu hướng nóng lên tự nhiên có thể do khí thải nhà kính nhân tạo và xu hướng này có thể đang che giấu hiệu ứng nóng lên của tình trạng ô nhiễm carbon tại Nam Cực.
Lý do Iran phát lệnh truy nã Trump
Quyết định truy nã Trump của Iran được cho là chỉ mang tính biểu tượng, nhưng mục tiêu chính dường như nhằm châm ngòi phản ứng quốc tế với Mỹ.
Iran cáo buộc Tổng thống Donald Trump và 35 quan chức Mỹ có liên quan đến vụ không kích làm thiệt mạng tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh quân đoàn Al-Quds của Iran ngày 3/1/2020 tại Thủ đô Baghdad của Iraq. Công tố viên của Tehran Ali Mehr cho biết Iran quyết tìm kiếm công lý đến cùng, ngay cả sau khi Tổng thống Mỹ Trump kết thúc nhiệm kỳ và trở thành một công dân bình thường.
Bối cảnh Iran ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Donald Trump
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi một chiến dịch "gây sức ép tối đa" chống lại Iran kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2017, bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn đối với Tehran, mà Nhà Trắng cho là quốc gia ủng hộ khủng bố quốc tế lớn nhất ở Trung Đông.
Sau khi tuyên bố rút khỏi Thoả thuận hạt nhân (JCPOA) tháng 5/2018, chính quyền Tổng thống Trump tiếp tục siết chặt các lệnh trừng phạt toàn diện chống Tehran và đe doạ tấn công Iran. Mới đây nhất, Washington đã thúc ép Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gia hạn các lệnh trừng phạt Iran khi các lệnh này hết hạn vào tháng 10 tới, đồng thời trình lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một dự thảo nghị quyết nhằm mở rộng lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran.
Nước Mỹ đang phải gồng mình đối phó với những khó khăn to lớn chưa từng có trong lịch sử do đại dịch COVID-19 gây ra. Mâu thuẫn căng thẳng giữa đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump và đảng Dân chủ đang lên đến đỉnh điểm khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Tổng thống Donald Trump đang phải vật lộn với các vấn đề trong nước cũng như quốc tế, và đang gặp nhiều khó khăn chưa từng thấy trên con đường chạy đua vào Nhà Trắng nhiệm kì 2.
Trong tình hình như vậy, Iran ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Donald Trump là nhằm đáp lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran, trả thù cho cái chết của tướng Qassem Soleimani và hạ uy tín của ông Trump trước thềm bầu cử.
Iran ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Donald Trump trên cơ sở nào?
Phần lớn dư luận quốc tế cũng như bên trong nước Mỹ không ủng hộ kế hoạch không kích sát hại tướng Iran Qassem Soleimani, cho hành động này không chỉ làm căng thẳng thêm quan hệ giữa Mỹ với Iran mà còn cả với đồng minh Iraq và toàn bộ khu vực Trung Đông.
Chính quyền và người dân Iraq đã bày tỏ sự bất bình đối với hành động không kích tướng Iran Qassem Soleimani. Họ cho rằng, một đại diện chính thức của một nước láng giềng có quan hệ hữu hảo đang trên đường đến thăm chính thức Iraq đã bị Mỹ sát hại ngay trên lãnh thổ Iraq mà không được phép của nước chủ nhà là một sự vi phạm độc lập, chủ quyền Iraq và các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế.
Bộ Ngoại giao Iraq sau đó đã trao công hàm phản đối cho Đại sứ Mỹ tại Baghdad, Matthew H. Tueller liên quan đến việc Mỹ không kích tướng Qassem Soleimani trên lãnh thổ Iraq.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran, Javad Zarif, gọi vụ không kích sát hại tướng Qassem Soleimani là một hành động khủng bố quốc tế. Đặc biệt, Iran cho rằng, tướng Qassem Soleimani là một nhân vật tham gia tích cực vào cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố quốc tế, trong đó có Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Mặt trận Al-Nusra, tổ chức Al-Qaeda. Việc tấn công tướng Qassem Soleimani không hề có lý do cụ thể và không hề thuyết phục.
Với những hành động vi phạm luật pháp như vậy, Iran cho biết có thể kiện và có những biện pháp trả đũa.
Động cơ đằng sau việc Iran yêu cầu bắt giữ người đứng đầu Nhà Trắng
Chính quyền Iran cũng hiểu việc ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Donald Trump và yêu cầu Interpol vào cuộc là không thể thực hiện được và chủ yếu mang ý nghĩa chính trị. Mục đích của Iran muốn thông qua việc này để làm xấu đi hình ảnh, hạ uy tín của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên thế giới, cũng như trong nội bộ nước Mỹ, đặc biệt trước ngưỡng cửa của cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Các hãng thông tấn lớn trên thế giới như BBC, Reuter, Associated Press, AFP, Al-Jazeera, RT... đều đưa tin đậm về việc Iran ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Donald Trump nhưng chưa có bình luận nào. Tại khu vực Trung Đông, các nước đều chưa có phản úng chính thức nào.
Còn tại Mỹ, Washington vẫn chưa có phản ứng chính thức nào. Duy có Đại diện đặc biệt của Mỹ về Iran Brian Hook hiện đang ở thăm Saudi Arabia khi trả lời hãng tin CNN, đã phát biểu coi lệnh bắt giữ Tổng thống Donald Trump là một "mưu đồ chính trị", không liên quan gì đến an ninh quốc gia, hòa bình thế giới hay thúc đẩy ổn định. Ông Brian Hook khẳng định Mỹ tin rằng Interpol sẽ không can thiệp và phát lệnh truy nã đỏ dựa trên yếu tố chính trị.
Liệu yêu cầu bắt giữ Tổng thống Donald Trump có thực hiện được không?
Đến nay, Interpol có trụ sở tại thành phố Lyon của Pháp vẫn chưa có bình luận chính thức nào về yêu cầu của phía Iran. Theo quy định, sau khi nhận được yêu cầu truy nã quốc tế từ bất cứ quốc gia nào, Interpol có thể hỗ trợ, thông báo cho các nước bắt giữ nghi phạm nếu xuất hiện trên lãnh thổ nước đó hoặc từ chối nếu thấy không đủ chứng cứ.
Tuy nhiên, theo Điều III của Hiến chương Interpol, tổ chức này hoàn toàn không được phép thực hiện bất kỳ sự can thiệp hoặc hoạt động nào mang tính chất chính trị, quân sự, tôn giáo hoặc sắc tộc. Do đó, nếu bất kỳ yêu cầu nào trong số những yêu cầu này được gửi đến Tổng Thư ký, theo quy định của hiến chương, Interpol sẽ không xem xét các yêu cầu đó.
Trong trường hợp này, chắc chắn yêu cầu của Iran bị từ chối, bởi nó liên quan đến tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran liên tục leo thang, liên quan đến nguyên thủ của một cường quốc số một trên thế giới, và còn các nguyên tắc của Interpol không cho phép can thiệp vào chính trị. Các nhà phân tích chính trị cũng cho rằng, cũng dễ hiểu khi Interpol sẽ không xem xét đề nghị của Iran, không đưa ra "thông báo đỏ" (Red notice) để bắt giữ ông chủ Nhà Trắng. Với những gì đang diễn ra giữa Mỹ và Iran, có thể thấy không còn hy vọng phía trước trong việc giải quyết mối quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia này.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 01/07/2020 là 1 AUD = 0.690 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 01/07/2020 là 1 AUD = 15,994 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Năm tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 32 độ.
Tại Hà Nội, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 34 độ.
Tại Adelaide, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–14 độ.
Tại Brisbane, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–24 độ.
Tại Sydney, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12–23 độ.
Tại Melbourne, trời có mây rải rác, sáng sớm có mưa rào, chiều tối có thể có mưa đá, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–15 độ.
Cẩm Nhung