Chương trình Thời sự thứ Sáu, 27/09/2019

Cẩm Nhung | 27/09/2019 | 921 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Đảm bảo an toàn cho người dân khi diễn ra trận chung kết Grand Final

- Melbourne: Biển người đa sắc màu diễu hành cổ vũ hai đội tham gia trận chung kết giải AFL

- Tin Úc: Cục Thống kê Úc công bố thống kê về các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho người Úc năm 2018

- Melbourne: Các tài xế xe tram đồng loạt đình công để yêu cầu được tăng lương

- Stonnington: Bắt giữ người đàn ông cố ý tiếp cận trẻ em trên đường

- NSW: Bang NSW áp dụng quy định giới hạn tốc độ mới từ ngày 26/9

- Di trú: Úc là một trong số mười quốc gia hàng đầu của OECD về thu hút lao động nhập cư

- Docklands: Bến tàu Central Pier sẽ bị đóng cửa đến đầu năm 2020

- Tin vắn

Tin thế giới:

Sudan đóng cửa biên giới với Libya và CH Trung Phi do lo ngại an ninh. Đây là quyết định đầu tiên về việc này kể từ sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ. Hội đồng điều hành quân dân sự, cơ quan cầm quyền ở Sudan, đã đưa ra quyết định trên tại một cuộc họp ở Nyala, thủ phủ bang Nam Darfur. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh hàng nghìn người đã tập trung biểu tình tại thành phố Nyala để phản đối điều kiện kinh tế tồi tệ và các vấn đề về an ninh tồn tại dai dẳng tại địa phương này. Những người biểu tình cũng yêu cầu cách chức bộ máy lãnh đạo địa phương. Đây là một trong những cuộc biểu tình lớn nhất tại Sudan kể từ khi thỏa thuận chia sẻ quyền lực giữa Hội đồng quân sự chuyển tiếp (TMC) và phong trào dân chủ được ký kết hồi tháng 8 vừa qua.

Moscow đang mở rộng căn cứ không quân Hmeimim ở Syria và nâng cấp đường băng thứ hai nhằm tạo điều kiện cho cơ sở này phục vụ nhiều máy bay hơn. Thông tin trên được truyền thông Nga ngày 26/9 dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Bộ Quốc phòng nước này. Theo quan chức trên, Bộ Quốc phòng Nga cũng đã xây dựng thêm các tòa nhà mới để làm chứa máy bay tại căn cứ này, đồng thời sẽ bảo vệ các máy bay này trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Hiện 30 máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng của Nga đang được triển khai tại căn cứ không quân Hmeimim. Căn cứ không quân Hmeimim của Nga nằm ở tỉnh Latakia, phía Tây Syria, từng nhiều lần bị các nhóm phiến quân tại Idlib tấn công bằng rocket và máy bay không người lái mang theo chất nổ. Phấn lớn các máy bay này bị các tổ hợp phòng không tại căn cứ bắn hạ, một số khác bị vô hiệu hóa bởi các tổ hợp tác chiến của Nga.

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí bổ sung thêm 7 quan chức cấp cao trong chính quyền Venezuela vào danh sách trừng phạt, nhằm gia tăng sức ép đối với Tổng thống Nicolas Maduro trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ này đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và nhân đạo trầm trọng. Mặc dù vậy, EU vẫn chưa công bố danh tính của các quan chức Venezuela mới bị đưa vào diện trừng phạt. Đến nay, tổng cộng 25 quan chức Venezuela đã bị EU áp đặt lệnh trừng phạt. Tất cả các quan chức bị trừng phạt đều là những nhân vật thân cận của Tổng thống Maduro.

Ngày 25/9, Nhà Trắng đã công bố nội dung cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyi. Trong cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề nghị ông Zelenskiy điều tra cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Động thái trên diễn ra một ngày sau khi Hạ viện Mỹ xúc tiến tiến trình luận tội Tổng thống với cáo buộc lạm dụng quyền lực. Theo Hiến pháp Mỹ, Hạ viện có quyền luận tội một Tổng thống. Tuy nhiên, trong lịch sử nước Mỹ, chưa có Tổng thống nào từng phải rời nhiệm sở vì bị luận tội.

Phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 26/9, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cảnh báo ông sẽ hủy bỏ mọi thỏa thuận đã ký với Israel nếu nước này thúc đẩy kế hoạch mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã thông báo về việc sáp nhập một phần chiến lược ở khu Bờ Tây. Ông Abbas cũng cảnh báo Palestine có quyền bảo vệ các quyền lợi của mình bằng mọi biện pháp có thể, bất kể hậu quả, trong khi duy trì việc tuân thủ luật pháp quốc tế và chống chủ nghĩa khủng bố. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Palestine cũng cho biết ngay sau khi ông từ Liên Hợp Quốc trở về, ông sẽ kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử địa phương tại Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem. Cuộc bầu cử này diễn ra lần gần đây nhất vào năm 2006 với chiến thắng bất ngờ của phong trào Hamas, dẫn tới sự chia rẽ nghiêm trọng giữa Hamas và Fatah với việc Hamas giành quyền kiểm soát Dải Gaza.

Ngày 26/9, Trung Quốc đã kịch liệt lên án lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với các cá nhân và thực thể nước này với cáo buộc vi phạm lệnh cấm của Washington đối với Iran. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ: “Bất chấp các quyền hợp pháp và lợi ích của tất cả các bên, Mỹ đã tung đòn trừng phạt một cách bừa bãi, một hành động vi phạm trắng trợn những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”. Trước đó, vào ngày 25/9, Bộ Tài chính Mỹ đã tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan tới Iran đối với 5 cá nhân và 6 thực thể Trung Quốc, trong đó có hai công ty con của Tập đoàn Vận tải Cosco. Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, Mỹ quyết định trừng phạt vì các thực thể Trung Quốc cố tình giúp Iran xuất khẩu dầu mỏ.

Ngoại trưởng Nga cho biết, Moscow đang chuẩn bị đáp trả việc Mỹ không cấp thị thực cho một số thành viên của phái đoàn Nga tới tham dự phiên họp của Đại hội đồng LHQ. Đây là thông tin do hãng tin TASS cung cấp. Trong một tuyên bố được đăng tải trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Nga vào ngày 26/9, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết: "Sẽ có một sự đáp trả. Nga sẽ chuẩn bị một số biện pháp gây bất ngờ". Trước đó, 10 thành viên của phái đoàn Nga, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại thuộc Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev, đã không được cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ và không thể tham dự phiên họp thường niên của Đại hội đồng LHQ tại New York.

Truyền thông Nga đưa tin, Tổng thống Nga đã gửi thông điệp tới các nhà lãnh đạo của nhiều nước kêu gọi không triển khai những tên lửa bị cấm trong khuôn khổ Hiệp ước INF. Thông điệp được Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi đi nói rõ không nên triển khai các tên lửa trên ở châu Âu và một số khu vực khác. Theo Tổng thống Putin, việc hoãn triển khai các tên lửa bị cấm trong INF có thể đòi hỏi phải có một số bước đi thay thế khác trong bối cảnh một số bệ phóng đã được triển khai tại châu Âu. Tuy nhiên, Nga sẵn sàng thảo luận về một giải pháp với NATO trong vấn đề này. Trước đó, Nga cam kết sẽ không thử, không sỡ hữu và cũng không triển khai các loại tên lửa này ở châu Âu. Đổi lại, Nga hy vọng sẽ nhận được sự đảm bảo tương tự của các nước châu Âu trước ý định của Mỹ muốn triển khai tên lửa trên lãnh thổ các nước này.

Ngày 25/9, Bà Georgieva đã trở thành nữ Tổng Giám đốc thứ hai của IMF sau bà Christine Lagarde, người đã từ chức trước đó để lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu. Nhiệm kỳ của bà Georgieva tại IMF có thời hạn 5 năm, bắt đầu từ ngày 1/10. Phát biểu trước báo giới tại trụ sở của IMF tại Washington (Mỹ), bà Georgieva, công dân Bulgaria, bày tỏ vinh dự khi được tín nhiệm lựa chọn vào vị trí lãnh đạo IMF. Thừa nhận những thách thức mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt ở thời điểm hiện tại, bà nhấn mạnh ưu tiên của IMF là hỗ trợ các nước thành viên giảm thiểu những nguy cơ gây ra khủng hoảng kinh tế và sẵn sàng đối phó nếu xảy ra suy thoái.

Anh sẽ tìm cách bồi thường chi phí để đưa hàng nghìn khách hàng của Thomas Cook về nước và xem xét liệu tập đoàn này có thể trải qua quá trình phá sản có trật tự hơn. Tuyên bố trên được Bộ trưởng Bộ Giao thông Anh Grant Shapps đưa ra trong bối cảnh hàng nghìn hành khách đặt vé của Thomas Cook vẫn mắc kẹt tại nhiều sân bay trên thế giới. Hiện giới chức Anh đang thảo luận với các bên thứ 3 như công ty bảo hiểm, các nhà cung cấp thẻ tín dụng, các nhà cung cấp dịch vụ lữ hành xem xét việc bồi thường chi phí cho hoạt động đưa khách hàng của Thomas Cook về nước. Bộ trưởng Shapps khẳng định điều cần làm hiện giờ là có thể đảm bảo các máy bay của Thomas Cook có thể tiếp tục bay mà cơ quan chức năng nước này không cần phải thành lập một hãng hàng không hậu thuẫn.

Ngày 26/9, tại thành phố Rouen, miền Bắc nước Pháp, đã xảy ra vụ cháy nhà máy hóa chất nghiêm trọng. Vụ cháy làm bốc lên cột khói đen kịt bao trùm bầu trời và dấy lên nguy cơ tràn các hóa chất độc hại ra sông Seine. Hỏa hoạn bùng phát vào sáng sớm 26/9 tại một kho chứa của công ty sản xuất dầu nhờn công nghiệp và chất phụ gia nhiên liệu, thuộc sở hữu của Tập đoàn đa quốc gia Lubrizol của tỷ phú người Mỹ Warren Buffett. Khoảng 200 lính cứu hỏa cùng 60 phương tiện chữa cháy đã được điều động tới hiện trường để dập tắt ngọn lửa và ngăn đám cháy lan rộng. Chỉ huy lực lượng cứu hỏa địa phương cảnh báo nhiều khu vực của nhà máy có thể phát nổ, gây ra phản ứng dây chuyền và tạo nên đám cháy gây thiệt hại lớn.

Ngày 26/9, cảnh sát Iran thông báo thu giữ 8,8 tấn ma túy chuẩn bị được đưa tới châu Âu, đồng thời triệt phá một trong những đường dây buôn lậu lớn nhất cả nước. Kênh truyền hình quốc gia Iran cho biết đây là đợt vận chuyển ma túy lớn với chiêu thức giấu hàng trong xe bồn chở dầu. Số lượng ma túy này đã vào Iran từ vùng biên giới phía Đông và dự định sẽ được bốc dỡ ra khỏi các xe bồn trước khi tuồn sang châu Âu. Cảnh sát Iran cho biết khối lượng ma túy bị thu giữ gồm 3,5 tấn morphine và 5,3 tấn thuốc phiện. Ngoài số lượng ma túy kể trên, cảnh sát cũng bắt giữ 9 đối tượng tình nghi buôn lậu và thu giữ thêm 20kg heroin cùng 130 khẩu súng từ những đối tượng này. Nằm trên tuyến đường vận chuyển ma túy chính từ quốc gia láng giềng này tới châu Âu và nhiều khu vực khác, mỗi năm Iran thu giữ và tiêu hủy hàng trăm tấn ma túy.

Tin thể thao:

Vòng 6 Liga, Real Sociedad đã có một trận cầu ấn tượng khi tiếp đón Alaves trên sân nhà. Ghi dấu đậm nét nhất trong trận cầu này là Martin Odegaard. Odegaard không ghi bàn nhưng cầu thủ 20 tuổi có pha kiến tạo đẹp mắt giúp Mikel Oyarzabal mở tỷ số cho đội chủ nhà. Từ bàn thắng đó, Real Sociedad chơi càng tự tin và kết liễu Alaves với tỷ số 3-0 chung cuộc. Với 3 điểm giành được, Real Sociedad đã vươn lên đứng thứ 2 trên BXH Liga, xếp sau Real Madrid với đúng 1 điểm kém hơn.

Vòng 5 Serie A, gượng dậy từ thất bại 0-2 trước Inter Milan ở trận derby kịch tính, AC Milan muốn có một chiến thắng để vực dậy niềm tin từ người hâm mộ trong chuyến làm khách tới sân Torino. Milan đã có khởi đầu đúng như mong muốn khi Krzysztof Piatek mở tỷ số trên chấm 11m phút 18. Thế nhưng, Milan đã thua ngược Torino với tỉ số 1-2. Thua trận, Milan rớt xuống vị trí thứ 13 trên BXH Serie A. Trong khi đó, Torino vươn lên vị trí thứ 6 với 9 điểm sau 5 vòng đấu.

FIFA bị tố gian lận phiếu bầu cho Messi: Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) đã bị một số HLV trưởng và đội trưởng các quốc gia tố cáo gian lận phiếu bầu để giúp Lionel Messi giành chiến thắng giải The Best 2019. HLV trưởng Zdravko Logarusic của đội tuyển Sudan cho biết ông chọn Mohamed Salah ở vị trí cao nhất nhưng kết quả FIFA đưa ra lại xếp Messi số 1 trong lá phiếu của ông. Đội trưởng đội tuyển Nicaragua là Juan Barrera cũng khẳng định anh không bầu cho Messi như trong lá phiếu được FIFA công bố. Trước những tiết lộ gây xôn xao dư luận, FIFA đã lên tiếng phản bác.

Barca kháng án phạt kỳ lạ vụ Griezmann: CLB Barcelona cho biết họ sẽ kháng án phạt liên quan tới vụ chiêu mộ tiền đạo Antoine Griezmann từ Atletico Madrid. Hè 2019, Griezmann cập bến Barca. Phía Atletico Madrid sau đó đâm đơn kiện lên Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha (RFEF) và FIFA, cho rằng Barca cùng Griezmann đã đi đêm với nhau từ trước dù không nhận được sự cho phép của đội bóng này. Sau thời gian điều tra, RFEF quyết định phạt Barca số tiền 300 euro. Trong thông báo được phát đi trên trang chủ, Ủy ban Kỷ luật của LĐBĐ Tây Ban Nha cho hay án phạt dành cho Barca được dựa trên điều 88 và 126 trong Bộ luật được RFEF ban hành.

Eriksen từ chối rời Tottenham trong tháng 1: Tiền vệ Christian Eriksen chỉ còn một năm trên hợp đồng với Tottenham và đã từ chối gia hạn. Do vậy, đội bóng thành London đang muốn bán Eriksen ngay trong tháng 1 tới để tránh việc mất trắng anh. Tuy nhiên theo tờ Daily Mail, Eriksen đã từ chối ra đi trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông và sẽ ở lại rồi ra đi theo dạng tự do trong mùa Hè tới. Trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè vừa qua, Eriksen từng thổ lộ mong muốn được ra đi nhưng không thành công. Giờ đây, anh sẽ sàng quay lại để trả đũa Tottenham. Quyết định của Eriksen được cho đã làm HLV Mauricio Pochettino thất vọng. Ông muốn bán tiền vệ người Đan Mạch trong tháng 1 để có thêm tiền tái đầu tư vào một bản hợp đồng khác.

Puyol từ chối làm Giám đốc Barca: Cựu đội trưởng Barca, Carles Puyol, đã từ chối cơ hội trở thành giám đốc thể thao của CLB. Chia sẻ trên trang cá nhân, cựu hậu vệ 41 tuổi đã giải thích về quyết định của mình. “Sau khi cân nhắc rất nhiều lần, tôi đã quyết định không chấp nhận lời đề nghị của Barca”, Puyol viết. “Đó không phải là một quyết định dễ dàng, vì tôi luôn nói rằng tôi muốn quay trở lại nơi mà mình luôn gọi là nhà. Tuy nhiên, một số dự án cá nhân sẽ cản trở tôi cống hiến hết mình cho Barca”. “Tôi muốn cảm ơn CLB vì đã dành cho tôi sự tin tưởng khi muốn tôi đảm nhận chức vụ này”.

HLV Solskjaer báo hung tin giữa tâm bão chỉ trích. Vào ngày 1/10 tới (giờ Úc), MU sẽ đón tiếp Arsenal ở Old Trafford thuộc khuôn khổ vòng 7 Premier League. Trước trận đấu này, HLV Solskjaer đã thông báo tin không vui liên quan đến Marcus Rashford, sau chấn thương trong thất bại 0-2 trên sân của West Ham. Không nói rõ Rashford phải nghỉ bao lâu nhưng chiến lược gia người Na Uy bóng gió cho hay tiền đạo người Anh sẽ vắng mặt ở trận đại chiến với Arsenal.

MU sẽ chi 100 triệu bảng trong kỳ chuyển nhượng tháng Giêng: Tờ Daily Star cho biết Phó chủ tịch điều hành của MU, Ed Woodward dự tính chi 100 triệu bảng trong kỳ chuyển nhượng tháng 1/2020. Trong Hè năm nay, MU đã tiêu tốn hơn 140 triệu bảng để chiêu mộ Daniel James, Aaron Wan-Bissaka và Harry Maguire. “Quỷ đỏ” dự kiến bỏ ra 100 triệu bảng để chiêu mộ chân sút Ousmane Dembele của Barcelona trong tháng Giêng năm sau để tăng cường hàng công. Barca sẽ chỉ để Dembele ra đi với giá khoảng 100 triệu bảng. Hàng công của MU đang rất mỏng sau khi bị bão chấn thương tàn phá còn Alexis Sanchez và Lukaku sang Inter Milan. Ngoài Dembele, MU cũng đã để mắt tới tiền đạo 33 tuổi của Juventus, Mario Mandzukic.

Pogba đòi lương khủng để gia hạn hợp đồng: Theo tờ Daily Express (Anh), Paul Pogba sẽ đòi mức lương cao chót vót khi mà MU muốn trói chân tiền vệ này. Hợp đồng của cầu thủ người Pháp với MU sẽ đáo hạn vào Hè 2021. Pogba đã hé lộ khả năng rời MU trong mùa Hè năm nay và anh đã được liên hệ chuyển tới Real Madrid. Tuy nhiên MU đã hét giá 150 triệu bảng cho bất cứ đội bóng nào muốn mua Pogba nên Real Madrid đã bỏ cuộc. MU muốn giữ chân Pogba bằng cách gia hạn hợp đồng. Tuy nhiên cầu thủ người Pháp sẽ chỉ chấp nhận gia hạn hợp đồng nếu như MU trả anh mức lương là 577 nghìn bảng/tuần. Nếu như không đồng ý yêu sách của Pogba, MU có thể mất trắng cầu thủ người Pháp sau 2 năm nữa.

Những khó khăn của Thủ tướng Johnson và nước cờ cuối Brexit

Trang mạng thehill.com đưa tin giống như việc bơi trong hồ nước đầy cá mập, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang đối mặt với các thách thức khó khăn khi ông tìm cách thực hiện cam kết liều lĩnh, đó là rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/10.

Tuy nhiên, những “con dã thú” nguy hiểm nhất vây quanh ông Johson không phải là các quan chức quan liêu của Brussels mà là các thành viên trong chính đảng Bảo thủ của ông. Như vậy, nếu hầu hết các thành viên đảng Bảo thủ của Quốc hội coi ông Johnson là gã hề dối trá, không đáng tin cậy và “tham quyền,” thì tại sao họ lại bỏ phiếu để ông trở thành ứng cử viên số 1 kế nhiệm bà Theresa May giữ chức thủ tướng?

Câu trả lời ở đây rất đơn giản: ông Johnson rất được ưa chuộng trong hàng ngũ các thành viên của đảng Bảo thủ và được coi là nhân vật duy nhất có thể cứu giúp chính đảng lâu năm nhất thế giới này khỏi sự lãng quên trong cuộc bầu cử sắp tới, bất kể nó diễn ra khi nào.

Kể từ khi cuộc trưng cầu ý dân Brexit diễn ra 3 năm trước, Anh đã trải qua cuộc biến động chính trị làm thay đổi đáng kể cấu trúc chính trị của nền dân chủ ổn định nhất từ trước đến nay ở phương Tây. Nhiệm kỳ thủ tướng thảm hại của bà May đã khiến Anh “bẽ mặt” với thế giới bởi EU cũng như phải chứng kiến sự phân cực chính trị trong nước, do thất bại của bà trong việc thực hiện cam kết tranh cử rằng "Brexit có nghĩa là Brexit."

Sự phân cực vì Brexit - vốn giờ đây trở thành vấn đề đặc trưng trong chính trường Anh - xuất phát từ thực tế rằng 1/3 cử tri đảng Bảo thủ phản đối Brexit, trong khi 1/3 cử tri Công đảng mong muốn điều đó. Điều này dẫn tới “sự lưỡng lự” giữa phía bà May và lãnh đảo Công đảng Jeremy Corbyn.

Kết quả là những người bất đồng chính kiến ở cả hai đảng đều coi các nhà lãnh đạo của họ là “yếu đuối” và bắt đầu tìm kiếm “các lựa chọn khác” trong số những người đã chia sẻ niềm đam mê chính trị đặc biệt của họ.

“Các lựa chọn khác” có tác động đáng chú ý tới các cuộc bầu cử EU gần đây tại Anh: đảng Tự do vốn “hấp hối” từ lâu đã tìm thấy sức sống mới với tư cách là đảng kiên quyết phản đối Brexit, và đảng Brexit - mới được thành lập bởi Nigel Fararge - giành được thành công lớn khi họ trở thành thỏi nam châm hút các nghị sỹ Bảo thủ muốn "Brexit ngay lúc này."

Như vậy, ông Boris Johnson là ai và ông có cơ hội nào để “thực hiện nhiệm vụ khó nhằn Brexit,” nhờ đó cứu được đảng của ông và đất nước ông khỏi thảm họa sắp xảy ra?

Ông Johnson là một nhân vật chóp bu kinh điển của Anh, tốt nghiệp các trường danh giá (Eton, Oxford) và có các mối quan hệ gia đình, và có "phong thái cư xử thân thiện." Giống như thần tượng của ông là Winston Churchill, người từng bị các nghị sỹ đảng Bảo thủ hoài nghi trước năm 1940 và bị nhiều người cho là “hay thay đổi và không đáng tin cậy,” ông Johnson trở thành Thủ tướng chỉ bởi nhu cầu cấp bách quốc gia.

Như mọi người đã biết, ông Churchill đã “bác bỏ” những người phản đối ông và chứng tỏ được khả năng của mình. Với ông Johnson, chỉ có thời gian mới cho thấy điều đó và ông giờ đây chỉ còn rất ít thời gian từ nay tới ngày 31/10 - thời hạn mà EU đặt ra để Anh phải chấp nhận “thỏa thuận” mà EU đã đàm phán với bà May hoặc chấm dứt tư cách thành viên EU.

Trong bối cảnh chỉ kiểm soát đa số “mong manh” ở Hạ viện, ông Johnson đã khéo léo hứa hẹn với các nhân vật phản đối Brexit trong đảng của ông rằng ông sẽ tìm kiếm “một thỏa thuận tốt hơn” từ EU trong khi đảm bảo với các nhân vật ủng hộ Brexit rằng Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 31/10 nếu ông không đạt được thỏa thuận.

Giờ đây EU đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan do lỗi của chính họ. EU đã nhiều lần nói với Anh rằng họ sẽ không thương lượng lại về “thỏa thuận” đã đề xuất với bà May.

Tuy nhiên, họ biết rằng thỏa thuận đó bị Quốc hội Anh bác bỏ 3 lần và giờ đây họ đang đối mặt với một vị thủ tướng vốn là một “Brexiteer” (người ủng hộ Anh ra đi) nhiệt thành.

Dần dần, mọi việc sẽ trở nên rõ ràng với EU “cứng đầu” rằng họ đã hành động sai lầm, và rằng trong “Cuộc chiến của Anh” thời hiện đại này, chính EU - chứ không phải Anh - cuối cùng sẽ là người thua cuộc lớn nhất.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 27/09/2019 là 1 AUD = 0.675 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 27/09/2019 là 1 AUD = 15,690 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 32 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ.

Tại Hà Nội, thứ Bảy, trời ít mây, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 23 đến 33 độ. Chủ nhật, trời ít mây, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 23 đến 33 độ.

Tại Adelaide, thứ Bảy, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 6–18 độ. Chủ nhật, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 6–18 độ.

Tại Brisbane, thứ Bảy, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào hoặc bão, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 17–30 độ. Chủ nhật, buổi sáng có sương mù, trong ngày trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 16–29 độ.

Tại Sydney, thứ Bảy, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 14–19 độ. Chủ nhật, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–22 độ.

Tại Melbourne, thứ Bảy, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–16 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, chiều tối có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8–16 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này