Chương trình Thời sự thứ Sáu, 24/07/2020
Tin nước Úc:
- Victoria: Cảnh báo khẩu trang N95 có nhiều khả năng sẽ khiến virus lây lan
- Victoria: Cứ mười người có biểu hiện nhiễm virus corona thì có chín người không tự cách ly
- Victoria: Dịch bệnh sẽ khiến ngân sách của tiểu bang bị thâm hụt 7.5 tỷ đô la
- Victoria: Văn phòng của Bộ trưởng Y tế liên bang ở Melbourne bị phá hoại
- Victoria: Vì sao Melbourne chưa chuyển sang lệnh phong tỏa giai đoạn bốn?
- Tin Úc: Doanh số bán lẻ tăng 2.4% trong tháng Sáu
- Di trú: Người có visa tạm thời sẽ vẫn không được lãnh tiền trợ cấp JobKeeper và JobSeeker
- Tin Úc: Hàng ngàn phụ nữ lần đầu tiên bị chồng bạo hành trong đại dịch
- Tin vắn
Tin thế giới:
Ngày 23/7, Nhà Trắng và Điện Kremlin cùng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump và người người đồng cấp Nga Vladimir Putin cùng ngày đã tiến hành điện đàm, thảo luận một loạt vấn đề nóng hiện nay. Theo tuyên bố của Nhà Trắng, tại cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói với người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng ông muốn tránh một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém với Nga và Trung Quốc, đồng thời hy vọng về tiến triển trong các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí. Nhà Trắng đồng thời cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các cách thức đẩy lùi đại dịch COVID-19 trong khi tiếp tục mở cửa trở lại các nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, theo tuyên bố của Điện Kremlin về cuộc điện đàm này, hai nhà lãnh đạo trên cũng thảo luận về chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, điều mà Nhà Trắng không đề cập tới trong tuyên bố của mình.
Trước tình hình bạo lực căng thẳng tại nhiều bang, mới đây, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố triển khai các lực lượng đặc vụ liên bang tới các thành phố lớn để lập lại trật tự khi làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ vẫn tiếp tục bùng phát, gây bất ổn nhiều nơi. Tuyên bố trên đã vấp phải sự phản đối của chính quyền một số bang. Thị trưởng của hơn chục thành phố đã đồng loạt phản đối động thái mới của chính quyền Mỹ, thậm chí còn tuyên bố sẵn sàng kiện Tổng thống Trump ra tòa. Việc ông Donald Trump sử dụng quân đội liên bang để can thiệp vào các cuộc biểu tình ở nhiều bang làm dấy lên câu hỏi về tính hợp pháp của quyết định đó. Thậm chí, các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện Mỹ cũng đã yêu cầu điều tra nội bộ về việc liệu Bộ An ninh nội địa và Bộ Tư pháp Mỹ có lạm dụng các quyền khẩn cấp khi triển khai lực lượng đặc vụ hay không?
Ngày 23/7, Hội đồng châu Âu (EC) đã gia hạn việc miễn thuế hải quan và thuế doanh thu đối với mặt hàng khẩu trang và các thiết bị y tế khác nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt các mặt hàng y tế này, trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang vật lộn đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Trong tuyên bố của mình, EC cho biết quyết định tiếp tục gia hạn biện pháp trên xuất phát từ những nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng xét trên số ca mắc COVID-19 tại các nước thành viên và do sự thiếu hụt trang thiết bị y tế.Theo đó, khẩu trang, bộ kit xét nghiệm và máy thở là 3 trong số các măt hàng sẽ tiếp tục được miễn thuế doanh thu và thuế hải quan tại EU và Anh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 23/7 đã lên tiếng kêu gọi người dân duy trì cảnh giác trước mối đe dọa dịch COVID-19 khi mùa Đông tới. Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh doanh Anh Alok Sharma cùng ngày cho biết nước này sẽ cung cấp 100 triệu bảng (127 triệu USD) để đầu tư vào cơ sở sản xuất vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19. Việc đầu tư vào trung tâm này cũng như các kỹ thuật nhằm mục đích đẩy nhanh việc sản xuất hàng triệu liều vắcxin phòng COVID-19, trong khi vẫn đảm bảo năng lực ứng phó kịp thời của Anh trước các đại dịch trong tương lai.
Ngày 23/7, Trung Quốc tuyên bố phóng thành công tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 5, thực hiện sứ mệnh khám phá sao Hỏa. Đây là vụ phóng tàu thăm dò sao Hỏa thứ hai diễn ra trong tuần này. Trước đó, vào ngày 20/7, tàu thăm dò sao Hỏa của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã được phóng thành công từ Nhật Bản. Mỹ dự kiến phóng Perseverance, robot thăm dò sao Hỏa hiện đại của NASA, từ Cape Canaveral, Florida vào tuần tới. Tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 dự kiến sẽ đáp xuống sao Hỏa vào tháng 2/2021 sau hành trình dài 55 triệu km trong 7 tháng, thực thi sứ mệnh thăm dò sao Hỏa, tìm kiếm nguồn nước ngầm và bằng chứng về sự sống cổ đại (nếu có) tại hành tinh đỏ. Sau đó, tàu tự hành sẽ khám phá sao Hỏa trong 90 ngày.
Hơn 200.000 người đang bị mắc kẹt trên những con tàu biển mà chưa biết đến lúc nào được cập bến, từ các kỹ sư trên tàu chở hàng đến bồi bàn của những con tàu du lịch hạng sang, công nhân làm việc ở nhiều vùng biển trên khắp thế giới đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Liên Hợp Quốc đã gọi đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo đang ngày càng nghiêm trọng. Thậm chí, một số trường hợp khủng hoảng tâm thần đã tự sát trên tàu. Nhấn mạnh sự cấp bách ngày càng tăng trong việc giải quyết tình hình trên, tháng 7/2020, tại Hội nghị thượng đỉnh Hàng hải quốc tế do Anh tổ chức, hàng chục quốc gia tuyên bố sẽ công nhận nghề đi biển là công việc thiết yếu, qua đó những người lao động đang bị mắc kẹt trên biển không phải chịu lệnh phong tỏa, có thể lên bờ và trở về nhà.
Kết quả thăm dò dư luận do hãng St. Pete Polls công bố ngày 23/7 (giờ Mỹ) cho thấy, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã nới rộng khoảng cách dẫn trước Tổng thống Mỹ Donald Trump tại bang Florida. Ông Biden giành được 50% sự ủng hộ tại bang Florida so với 44% của Tổng thống Trump. Đây là một sự bứt phá đáng kể đối với ông Biden so với kết quả thăm dò hồi cuối tháng Năm, khi hai ứng cử viên này có tỉ lệ ủng hộ tương đương nhau. Ngoài ra, trong nội bộ hai đảng, ông Biden cũng giành được sự ủng hộ nhỉnh hơn so với ông Trump. Theo đó, 81% cử tri đảng Dân chủ được hỏi cho biết họ ủng hộ ông Biden và 15% cử tri đảng Dân chủ được hỏi ủng hộ Tổng thống Trump. Trong khi đó, có 78% cử tri đảng Cộng hòa được hỏi ủng hộ ông Trump, con số này đối với ông Biden là 18%.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo nước này cấp khoản tín dụng trị giá 1 tỷ USD giúp Mexico và các quốc gia Mỹ Latinh tiếp cận vắcxin phòng dịch COVID-19. Ông Vương Nghị bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19, đồng thời khẳng định vắcxin chống COVID-19 đang được phát triển tại Trung Quốc sẽ được tiếp cận toàn cầu. Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại khu vực Mỹ Latinh, với số ca nhiễm mới và tử vong tiếp tục tăng mạnh. Hiện tại, Mỹ Latinh đã ghi nhận trên 4 triệu ca nhiễm, trong đó có 173.000 ca tử vong.
Cuộc cạnh tranh ảnh hưởng khốc liệt ở "vùng đất hứa" Bắc cực
Khám phá Bắc cực giờ không còn là những chương trình khoa học thuần túy, mà đã trở thành một vấn đề kinh tế, dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều nước lớn.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 23/7 đã có chuyến thăm chớp nhoáng tới Đan Mạch. Trong nhiều vấn đề hợp tác được thảo luận giữa hai bên, ông Pompeo một lần nữa nhấn mạnh dự định tăng cường vị thế của Washington tại Bắc cực.
Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Đan Mạch, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định: Mỹ sẽ thể hiện vai trò tích cực hơn ở Bắc cực, phù hợp với ảnh hưởng ngày càng lớn tại đây của một số nước khác. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của độc lập năng lượng.
Ý định của Tổng thống Mỹ muốn mua đảo Greenland thuộc Đan Mạch không được đề cập trong các cuộc thảo luận của ông Pompeo với lãnh đạo nước chủ nhà. Nhưng Ngoại trưởng Mỹ hoan nghênh quyết định mở lại Lãnh sự quán Mỹ tại Greenland sau hơn 60 năm vắng bóng. Đề nghị của Mỹ về gói hỗ trợ phát triển kinh tế hơn 12 triệu USD cho Greenland cũng được nhắc tới.
Mỹ không phải là nước duy nhất nhắm đến Bắc cực trong chiến lược phát triển của mình. Cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng cũng mới bắt đầu không lâu. Nhưng trước khi xem cuộc đua này đã đến đâu thì cũng cần phải xem Bắc cực có gì hấp dẫn đến vậy.
Ẩn chứa dưới lớp băng dày ở Bắc cực là nguồn tài nguyên vô cùng dồi dào chưa được khám phá. Bắc cực tuy là khu vực có khí hậu vô cùng khắc nghiệt nhưng lại chiếm tới gần 30% trữ lượng khí đốt tự nhiên và 13% trữ lượng dầu mỏ mà thế giới chưa khai thác.
Cùng với dầu mỏ và khí đốt, Bắc cực cũng rất giàu khoáng sản, đặc biệt là kim loại hiếm - nguồn nguyên liệu chính để chế tạo linh kiện điện tử và các hệ thống điều khiển vũ khí. Trữ lượng khai thác cá cũng là một nguồn tài nguyên hết sức dồi dào ở Bắc cực và được đánh giá sẽ ngày càng lớn hơn khi nhiều diện tích mặt nước hé lộ.
Trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ Trái Đất tăng nhanh, những khối băng khổng lồ ở Bắc cực bắt đầu tan, khiến các quốc gia trên thế giới hy vọng về việc hình thành những tuyến hàng hải mới.
Theo dự đoán năm 2030, nếu tuyến giao thông Biển Bắc được thông thương khoảng 9 tháng/năm, sẽ giúp cắt ngắn thời gian di chuyển giữa châu Âu và Đông Á khoảng 60% so với tuyến đường hiện tại qua các kênh đào Panama hay Suez.
Có thể ví Bắc cực giống như một chiếc bánh, càng ngon thì càng lắm đối thủ tranh giành. Nga được cho là đang đi đầu trong cuộc đua giành miếng bánh ở Bắc cực. Với lợi thế về địa lý, Nga đã đầu tư hàng tỷ USD cho tham vọng tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực này bằng cách mở con đường hàng hải mới nối châu Á và châu Âu thông qua tuyến đường phương bắc, khai thác tài nguyên dầu mỏ, cũng như xây dựng các căn cứ quân sự mới, tân trang lại các sân bay và cơ sở hạ tầng cũ dọc bờ biển phía Bắc. Đến nay, Nga đã thiết lập 6 căn cứ quân sự, 16 cảng nước sâu và 13 sân bay ở Bắc cực.
Đồng thời Moscow cũng tăng cường hạm đội tàu phá băng thông qua việc đóng thêm 3 tàu phá băng chạy bằng năng lượng nguyên tử. Đây được xem là một trong những phương tiện chiến lược phục vụ nỗ lực tăng cường hiện diện ở Bắc cực do khả năng phá băng mạnh mẽ, hoạt động dài ngày và có thể sản xuất nước ngọt tại chỗ.
Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn đẩy mạnh chiến lược phát triển vùng Bắc cực dựa trên 3 cơ sở: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng biển và phát triển thềm lục địa bằng công nghệ. Thậm chí nước này còn thành lập cả Bộ phát triển Viễn Đông và Bắc cực.
Trung Quốc mặc dù không phải là một quốc gia vùng Bắc cực, nhưng Bắc Kinh đang ngày càng tăng cường hoạt động trong khu vực này. Nước này đã từng công bố Sách Trắng mang tên "Chính sách bắc cực của Trung Quốc". Trong đó, Trung Quốc tự nhận mình là quốc gia gần Bắc cực và công bố chiến lược xây dựng "con đường tơ lụa Bắc cực" với tham vọng mở tuyến hàng hải xuyên qua vùng rìa phía Bắc của Canada sang châu Âu. Ngoài tăng cường đầu tư các ngành công nghiệp ở Iceland, Greenland và Nga, Bắc Kinh cũng đẩy mạnh vai trò trong các hoạt động nghiên cứu ở Bắc Cực.
Trước việc Nga, Trung Quốc ngày càng tích cực mở rộng hoạt động ở vùng đất trắng, Mỹ cũng không muốn chậm chân trong cuộc đua này.
Tổng thống Donald Trump đã công bố chiến lược bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ tại Bắc cực và Nam cực, trong đó ra lệnh xây dựng một đội tàu phá băng và các căn cứ để phục vụ lợi ích của Mỹ.
Không chỉ có các cường quốc, các nước cận Bắc cực như Canada, Đan Mạch, Na Uy, Anh... cũng đều tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực nhằm giành chủ quyền tại vùng đất giàu tài nguyên này.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 24/07/2020 là 1 AUD = 0.709 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 24/07/2020 là 1 AUD = 16,439 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 32 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ.
Tại Hà Nội, thứ Bảy, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 36 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 37 độ.
Tại Adelaide, thứ Bảy, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–17 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, đêm có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–15 độ.
Tại Brisbane, thứ Bảy, trời nhiều mây, trong ngày có thể có bão, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15–21 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có bão, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 15–23 độ.
Tại Sydney, thứ Bảy và Chủ nhật, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, có thể có bão, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10–18 độ.
Tại Melbourne, thứ Bảy và Chủ nhật, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 3-13 độ.
Cẩm Nhung