Chương trình Thời sự thứ Sáu, 23/08/2019

Cẩm Nhung | 23/08/2019 | 1216 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Các đợt cắt điện có thể sẽ ảnh hưởng đến 1.3 triệu hộ dân trong mùa hè này

- Victoria: Thử nghiệm phun thuốc trừ sâu ngăn chặn dịch loét “ăn thịt người” lan rộng bị tạm hoãn

- Dandenong: Điều tra một vụ đâm người, cướp tài sản trên đường phố

- Giá nhà tăng nhẹ ở năm thành phố lớn

- Wyndham: Giao lộ Boundary Road – Davis Road sẽ được nâng cấp

- Di trú: Sự kiện Australia’s Got Fresh Talent tạo cơ hội việc làm cho di dân có tay nghề

- Tarneit: Uống rượu và lái xe quá tốc độ quy định, một phụ nữ bị phạt hơn $1,000

- Tin Úc: Hàng trăm mặt hàng của Woolworths đang được giảm giá đến 50%

- Tin vắn

Tin thế giới:

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo, thâm hụt ngân sách của nước này đang tăng nhanh hơn dự kiến, có thể lên tới 1.000 tỷ USD vào tài khóa 2020. Mức thâm hụt này sớm hơn 2 năm so với dự báo trước đó. Đồng thời, dự báo này đánh dấu lần đầu tiên mức thâm hụt ngân sách vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD kể từ năm 2012 khi nền kinh tế Mỹ phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính. Việc thâm hụt này cùng với cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang đặt ra những thách thức lớn đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump trước nỗ lực tái tranh cử vào năm 2020.

Chính phủ Mỹ sẽ ban hành quy định mới tạm giữ trẻ em của các gia đình nhập cư bất hợp pháp trong thời gian lâu hơn so với trước đây. Tại cuộc họp báo vào ngày 21/8, quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Kevin McAleenan cho biết, quy định mới sẽ thay thế thỏa thuận pháp lý năm 1997, theo đó giới hạn các cơ quan nhập cư Mỹ chỉ được phép tạm giữ trẻ em di cư trong vòng 20 ngày. Quy định này đồng nghĩa với việc các gia đình có trẻ em cũng phải được trả tự do trong khoảng thời gian này, ngay cả khi đơn xin tị nạn của họ vẫn còn đang trong quá trình xét duyệt. Quy định mới sẽ góp phần ngăn chặn làn sóng di cư tới Mỹ, đặc biệt là tình trạng mang theo trẻ em làm "tấm hộ chiếu" để vào Mỹ trong bối cảnh nước này đã phát hiện hành vi lừa đảo về quan hệ huyết thống với trẻ được mang theo sau khi thử ADN. Quy định được công bố vào ngày 23/8 và có hiệu lực sau 60 ngày.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước này khẳng định Triều Tiên không thay đổi quan điểm giải quyết vấn đề hạt nhân. Triều Tiên cam kết tiếp tục giải quyết vấn đề hạt nhân bằng đối thoại và đàm phán. Tuy nhiên, vụ thử tên lửa hành trình tầm trung gần đây của Mỹ cũng như các kế hoạch triển khai máy bay phản lực F-35 cùng các vũ khí quân sự tấn công xung quanh Bán đảo Triều Tiên có thể sẽ châm ngòi một cuộc chiến tranh lạnh mới trong khu vực. Trong khi đó, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên đang có chuyến công du Hàn Quốc cũng đã thảo luận với các quan chức nước này về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Phía Hàn Quốc hy vọng đàm phán Mỹ - Triều sẽ sớm được nối lại.

Mỹ sẽ áp các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn khu vực tư nhân hỗ trợ tàu chở dầu Adtian Darya của Iran đi qua Địa Trung Hải. Tuyên bố trên được một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hôm 22/8. Quan chức này cho biết các nước đã được cảnh báo không cho phép tàu chở dầu của Iran cập cảng, đồng thời cảnh báo rằng Mỹ sẽ có hành động chống lại bất kỳ ai trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến tàu chở dầu này. Dữ liệu hàng hải cho thấy con tàu Adrian Darya, trước đây được gọi là Grace 1 của Iran hiện đang hướng về Hy Lạp. Sau khi được thả khỏi Gibraltar, một tòa án liên bang Mỹ đã ra lệnh bắt giữ con tàu này.

Ngày 22/8, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có cuộc thảo luận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Paris. Ông Johnson khẳng định mong muốn Brexit được "thực tế và phù hợp lợi ích của cả hai bên", nhưng cũng nhấn mạnh Anh sẽ vẫn rời khỏi EU vào ngày 31/10 dù có thỏa thuận hay không. Về phần mình, Tổng thống Pháp Macron khẳng định hiện không còn đủ thời gian để đàm phán về thỏa thuận mới. Dù không muốn nhưng EU vẫn sẵn sàng đón nhận sự ra đi dứt khoát của Anh.

Hàn Quốc đã chấm dứt Hiệp định ký kết với Nhật Bản từ năm 2016. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nước. Lý do từ phía Hàn Quốc là những biện pháp hạn chế xuất khẩu của Tokyo đã dẫn đến những thay đổi lớn đối với môi trường hợp tác an ninh song phương. Phủ Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh, hoạt động trao đổi thông tin tình báo quân sự với Nhật Bản không đáp ứng "các lợi ích quốc gia" của nước này. Hàn Quốc có kế hoạch thông báo với phía Nhật Bản về quyết định rút khỏi Hiệp định trên trước thời hạn chót 24/8 tới thông qua một kênh ngoại giao.

Cơ quan An ninh Nội địa của Israel cho biết 2 đối tượng người Israel gốc Arab bị bắt giữ cách đây 1 tháng tại nước này đã bị buộc tội hỗ trợ tổ chức IS. Hai đối tượng trên bị buộc tội hỗ trợ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong đó có việc tải xuống máy tính các tài liệu hướng dẫn của IS để chuẩn bị cho các vụ tấn công khủng bố. Theo cơ quan trên, Amin Yasin (22 tuổi) và Ali Armush (28 tuổi) bị bắt giữ hồi tháng 7 vừa qua đã bị cáo buộc "thúc đẩy tư tưởng" của IS. Số liệu thống kê của Shin Bet cho thấy có hàng chục đối tượng người Israel gốc Arab đang tham gia hàng ngũ chiến đấu cho IS tại Syria và Iraq. Người Israel gốc Arab chiếm khoảng 17,5% trong tổng số dân gồm 9 triệu người của Israel.

Từ ngày 23/8, Hàn Quốc sẽ tăng gấp đôi số mẫu và tần suất kiểm tra chất phóng xạ trong một số mặt hàng thực phẩm chế biến và nông sản từ Nhật Bản. Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc thông báo, việc tăng cường kiểm tra phóng xạ sẽ được thực hiện đối với bất kỳ mặt hàng thực phẩm nào từng bị phát hiện có hàm lượng phóng xạ lớn và bị trả lại Nhật Bản trong 5 năm qua. Trước đó, Ủy ban Olympic quốc gia Hàn Quốc vừa bày tỏ quan ngại về khả năng thực phẩm sản xuất tại tỉnh Fukushima sẽ được sử dụng để chế biến thức ăn phục vụ các vận động viên tham dự kỳ đại hội. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từng ra phán quyết ủng hộ Seoul áp dụng lệnh cấm nhập khẩu và yêu cầu kiểm tra đối với hải sản Nhật Bản sau sự cố hạt nhân tại Fukushima.

Truyền thông nhà nước Iran đưa tin nước này đã cho ra mắt hệ thống tên lửa di động đất đối không, tầm xa Bavar-373 tự sản xuất trong nước. Hệ thống mới được cho ra mắt vào Ngày Công nghiệp quốc phòng Iran, trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này với Mỹ gia tăng. Iran thúc đẩy phát triển ngành chế tạo vũ khí trong nước để đối phó với các trừng phạt và lệnh cấm vận quốc tế ngăn nước này nhập khẩu nhiều loại vũ khí. Phương Tây lo ngại về chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa của Iran và đây là một phần lý do Mỹ năm ngoái rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới. Theo thỏa thuận này, Iran hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Ngày 22/8, lực lượng phòng vệ Nhật Bản bắt đầu cuộc tập trận thường niên bắn đạn thật kéo dài 4 ngày gần núi Phú Sĩ với sự tham gia của nhiều phương tiện quân sự hiện đại. Cuộc tập trận quy mô lớn diễn ra tại TP Gotamba, phía Tây Nam Thủ đô Tokyo. 2.400 binh sĩ, 80 xe tăng và xe bọc thép, 20 máy bay trực thăng, lựu pháo đã cùng tham gia diễn tập. Cuộc diễn tập bắn đạn thật thường niên được tổ chức lần đầu vào năm 1961. Sự kiện được tổ chức công khai và thu hút hàng nghìn người theo dõi trực tiếp.

Ngày 22/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cáo buộc Canada làm cho mối quan hệ song phương trở nên xấu đi, sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố sẽ "không lùi bước" trước Trung Quốc, trong bối cảnh bất đồng ngoại giao và thương mại giữa Bắc Kinh và Ottawa đang ngày càng sâu sắc. Quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng từ tháng 12/2018, sau khi Canada bắt giữ Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu. Sau đó, Trung Quốc có hành động trả đũa bằng việc bắt giữ 2 công dân Canada với cáo buộc làm gián điệp. Ông Cảnh Sảng kêu gọi Canada "ngay lập tức" trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu.

Cơ quan thống kê quốc gia (ONS) của Anh ngày 22/8 công bố báo cáo cho biết số người nhập cư ròng vào quốc gia châu Âu này đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013. Theo ghi nhận của ONS, trong 12 tháng tính đến cuối tháng 3/2019, có tổng cộng 612.000 người di cư tới Anh, trong khi số người rời Anh là 385.000. Như vậy, số người nhập cư ròng vào Anh là 226.000 người - mức thấp nhất so với thời điểm cuối tháng 12/2013. Thực trạng này bắt nguồn từ thực tế số người di cư tới Xứ sở sương mù bắt đầu giảm đáng kể từ sau cuộc trưng ý dân về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu vào tháng 6/2016.

Tin thể thao:

PSG ra hạn chót vụ Neymar: Theo tờ ESPN, PSG đang có ý định đặt hạn chót cho việc bán Neymar. Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là thị trường chuyển nhượng châu Âu đóng cửa. Nhưng với việc muốn tập trung cho mùa giải mới đồng thời tái hòa nhập Neymar vào đội một, PSG đang muốn ngừng đàm phán với tất cả các CLB muốn mua cầu thủ người Brazil. Nguồn tin trên nói thêm rằng, trái với những bài báo của Pháp thời gian gần đây, PSG vẫn chưa nhận được lời đề nghị cụ thể nào từ Real Madrid. Juventus cũng được cho đang quan tâm tới Neymar nhưng cũng chưa đưa ra thỏa thuận nào với giám đốc thể thao của PSG, Leonardo. Trong khi đó, PSG đã từ chối 2 lời đề nghị hỏi mua của Barca. PSG nghi ngờ Barca khó có thể thanh toán số tiền mua Neymar trong 1 lần nên rất e ngại đàm phán với đội bóng này.

Kompany bị tước quyền HLV sau chuỗi trận tệ hại: Trung vệ Vincent Kompany đã chia tay Man City để chuyển tới Anderlecht với vai trò cầu thủ kiêm HLV. Tuy nhiên sau chuỗi thành tích tệ hại - hòa 2, thua 2 – ban lãnh đạo đội bóng này đã quyết định tước quyền HLV của Kompany với lý do cần sự ổn định. Vai trò HLV trưởng bây giờ sẽ thuộc về Simon Davies, một thành viên trong ban huấn luyện cùng Kompany.

Conte chưa thôi kiện Chelsea: Tờ The Times đưa tin HLV Antonio Conte đã tiếp tục đâm đơn kiện Chelsea dù đã nhận 9 triệu bảng tiền đền bù hợp đồng. Hiện chưa rõ chi tiết của đơn kiện từ nhà cầm quân người Italia ra sao, nhưng nó được cho là có liên đến cáo buộc sa thải không công bằng hoặc phân biệt đối xử.

Leo Messi trở lại sau chấn thương: Sau khi kết thúc kỳ Copa America 2019, Leo Messi đã dính chấn thương bắp chân trước thềm mùa giải. Do đó, siêu sao người Argentina đã vắng mặt ở vòng 1 La Liga 2019/2020, khi Barca nhận thất bại 0-1 trong chuyến làm khách trước Athletic Bilbao. Tờ SPORT khẳng định Leo Messi đã sẵn sàng ra sân ở cuộc tiếp đón Real Betis tại vòng 2 La Liga, diễn ra vào ngày 26/8 tới. Đây là tin vui với Barca cũng như HLV Ernesto Valverde trong bối cảnh không có sự phục vụ của Ousmane Dembele và Luis Suarez vì dính chấn thương, phải nghỉ thi đấu từ 3-5 tuần.

Barcelona gây sốc với Mario Mandzukic: Tờ Tuttosport khẳng định Barca đang rất muốn chiêu mộ Mario Mandzukic để bổ sung cho hàng tấn công. Đội chủ sân Camp Nou sẵn sàng trả mức phí chuyển nhượng 14 triệu bảng mà Juventus yêu cầu. Dù vậy, họ sẽ phải đáp ứng mức lương gần 200.000 bảng/tuần mà tiền đạo người Croatia mong muốn.

BTC Premier League từ chối đề nghị thêm Huy chương của Man City: Man City đã bảo vệ thành công chức vô địch Premier League của họ nhưng không phải tất cả cầu thủ đều đủ điều kiện nhận huy chương. Theo Daily Mail, BTC giải đấu chỉ gửi đến Man City 40 chiếc huy chương dành cho các cầu thủ và ban huấn luyện CLB. Mới đây, Man City đã đề xuất xin thêm huy chương nhưng đã bị BTC Premier League từ chối. Đáp lại hành động này, Man City đã tự đặt thêm 500 chiếc huy chương để tặng cho các nhân viên CLB, bao gồm cả những người không liên quan đến việc thi đấu.

MU rối loạn vì sợ Pogba giận dỗi: Báo chí Anh cho biết nội bộ của "Quỷ đỏ" đang có chút bất ổn khi các cầu thủ "Quỷ đỏ" lo sợ Paul Pogba sẽ tỏ thái độ, sau khi tiền vệ này bị HLV Ole Gunnar Solskjaer tước quyền đá penalty của ngôi sao người Pháp để trao cho Marcus Rashford. Ở trận gặp Wolverhampton trên sân Molineux ở vòng 2 giải Ngoại hạng Anh, Pogba chính là người sút hỏng quả 11 mét trong hiệp 2, khiến MU đánh rơi chiến thắng.

Sanchez quay lại tập luyện với MU: Tiền đạo Alexis Sanchez đã bất ngờ quay trở lại tập luyện với MU vào tối thứ Năm giữa bão tin đồn với Inter. Trước đó, anh đã bỏ một buổi tập cùng các đồng đội vì phải bay tới Mỹ hoàn tất visa để chuẩn bị cho những trận giao hữu cùng đội tuyển Chile tại Los Angeles vào tháng tới. Sanchez đang được Inter quan tâm và không loại trừ khả năng anh sẽ ra đi ngay trong Hè này. HLV Solskjaer ban đầu muốn giữ chân Sanchez nhưng đã thay đổi lập trường sau trận hòa 1-1 trước Wolves hồi đầu tuần. Hiện tại, mức lương khổng lồ của Sanchez đang là rào cản giữa các cuộc đàm phán.

Xác định hạt giống US Open. Mới đây BTC giải đấu đã công bố các vị trí hạt giống. Số 1 đều là những nhà đương kim vô địch: Novak Djokovic ở đơn nam và Naomi Osaka ở đơn nữ. Ở đơn nam, hạt giống số 2 là Rafael Nadal, kế đến là Roger Federer. Tay vợt Áo Dominic Thiem là hạt giống số 4, tiếp là tay vợt Nga Daniil Medvedev vừa dự 3 trận chung kết liên tiếp.

Tương lai quá trình phi hạt nhân hoá Triều Tiên là không chắc chắn?

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin, kể từ sau những ngày “lửa và thịnh nộ” giữa Mỹ và Triều Tiên, thế giới đã chứng kiến 3 cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Mặc dù đã có những hy vọng sau các cuộc gặp này song thế giới vẫn chưa thấy được nhiều tiến triển trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Thay vào đó, các cuộc gặp này dường như ngày càng ít hiệu quả. Cách tiếp cận đơn phương của Chính quyền ông Trump, các chính sách thù địch của Mỹ đối với Trung Quốc, và những nỗ lực của Hàn Quốc trong việc tìm kiếm một giải pháp thực chất đã góp phần gây ra tình trạng này.

Cuộc gặp đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên đã dẫn đến một thỏa thuận dựa trên các nguyên tắc thương lượng kèm theo đó là căng thẳng quân sự giảm thiểu một cách đột ngột. Mặc dù thất bại song cuộc gặp lần 2 suýt đạt được một thỏa thuận. Cuộc gặp thứ 3 diễn ra mà không có bất kỳ thỏa thuận thực chất nào. Vì vậy, cơ hội cho một quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược dường như khó đạt được hơn bao giờ hết.

Chúng ta có thể giải thích những diễn biến này như thế nào? Cách tiếp cận đơn phương của Chính quyền ông Trump đã tạo điều kiện thúc đẩy những diễn biến trên.

Kể từ khi lên cầm quyền, ông Trump đã không mấy mặn mà khi hợp tác với các nước khác về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Chính quyền ông Trump đã “đơn thương độc mã” trong nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Và khi đó, Washington đã cùng “hội cùng thuyền” với Triều Tiên để bác bỏ các cách tiếp cận đa phương khác như đàm phán 6 bên.

Trong khi đó, do phải đối mặt với điều mà Triều Tiên cho là mối đe dọa từ bên ngoài và những kìm kẹp về mặt kinh tế vốn cản trở việc phát triển những năng lực phòng vệ truyền thống, Bình Nhưỡng không có sự lựa chọn thay thế nào đối với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Điều này giải thích vì sao Bình Nhưỡng đã dồn mọi nguồn lực của mình vào chương trình hạt nhân và đã chấp nhận những rủi ro khôn lường để duy trì chương trình này.

Cách duy nhất để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ hạt nhân là chứng minh để Bình Nhưỡng hiểu rằng nước này có thể làm được những điều tốt đẹp hơn mà không cần vũ khí hạt nhân. Điều này đòi hỏi việc đưa ra những đảm bảo về an ninh, an ninh quân sự và phát triển kinh tế cho chế độ họ Kim.

Có ba lý do chính giải thích vì sao Chính phủ Mỹ không thể đơn phương thực hiện những đảm bảo nói trên. Thứ nhất, Mỹ không thể thuyết phục được Triều Tiên rằng Washington sẽ tôn trọng chủ quyền của Bình Nhưỡng và kiềm chế hoạt động can thiệp vào chính trị nội bộ của Bình Nhưỡng. Ngay cả khi chính quyền Mỹ hiện tại đưa ra cam kết này, cũng không có đảm bảo nào về việc chính quyền kế nhiệm sẽ giữ cam kết này. Thứ hai, Mỹ không thể đưa ra một đảm bảo an ninh quân sự mang tính thuyết phục và lâu dài. Cuối cùng, Mỹ không thể cung cấp những hỗ trợ kinh tế đáng kể - Nhà Trắng chưa từng làm như vậy đối với một quốc gia như Triều Tiên và Quốc hội Mỹ sẽ không bao giờ thông qua việc như vậy.

Cách duy nhất để Mỹ thực hiện 3 cam kết này với một mức độ tín nhiệm chấp nhận được là hợp tác với các “cổ đông” khác. Khi đó, các bên có thể đưa ra một thỏa thuận đa phương để đáp ứng được những lợi ích của Triều Tiên để đổi lại nước này chấp nhận phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Mỹ không đếm xỉa gì đến cách tiếp cận như vậy.

Trong vòng 2 năm qua, Chính quyền Trump đã thực hiện những nỗ lực đáng kể để kiềm chế Trung Quốc. Những nỗ lực này gồm việc “gán mác” Bắc Kinh là một “đối thủ cạnh tranh chiến lược,” phát động cuộc cạnh tranh thương mại, “triệt” các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei và quốc tế hóa các tranh chấp lãnh thổ.

Sự thù địch này đã mang lại 2 ẩn ý lớn đối với các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Khi Bắc Kinh và Washington tiến tới thế đối đầu, Bình Nhưỡng lại có nhiều lý do hơn để tin rằng nước này có thể duy trì kho vũ khí hạt nhân của mình. Và Trung Quốc có thể tìm cách bảo vệ mình trước khả năng đối đầu với Mỹ. Trong tình huống này, Bắc Kinh có thể coi việc kết tình hữu hảo với Bình Nhưỡng là mối ưu tiên cao hơn so với việc thực hiện nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Việc Hàn Quốc muốn thực hiện quá trình phi hạt nhân hóa từng phần kèm theo việc Mỹ giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên là một nhân tố khác khiến hy vọng cho nỗ lực phi hạt nhân hóa ngày càng thu hẹp. Dù vẫn muốn phi hạt nhân hóa nhưng Seoul cho rằng cách tiếp cận của Mỹ về phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược là phi thực tế. Điều này càng kiến Triều Tiên tin rằng chỉ mình nước Mỹ là khăng khăng đòi phải tiến hành ngay tức thì quá trình phi hạt nhân hóa kiểu như vậy.

Nhận định về tương lai, có 3 viễn cảnh có thể xảy ra. Thứ nhất là, thuyết phục Triều Tiên chấp nhận tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược bằng cách áp đặt các đòn trừng phạt bổ sung. Thứ hai là, chấp nhận quá trình phi hạt nhân hóa từng phần. Thứ ba là, chấp nhận nguyên trạng - tức là Triều Tiên không thử vũ khí hạt nhân nữa và Mỹ-Hàn không tiến hành các cuôc tập trận quy mô lớn nữa hoặc các nước khác không áp đặt trừng phạt thêm đối với Triều Tiên.

Viễn cảnh thứ nhất khó có khả năng xảy ra. Trong bối cảnh tình trạng thù địch hiện nay của Washington, Trung Quốc khó có thể chấp thuận áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung, miễn là Triều Tiên không tiến hành các vụ thử mới. Bắc Kinh cũng có thể hợp tác với Seoul để thúc đẩy việc cắt giảm các biện pháp trừng phạt hiện nay như một phần thưởng đối với Triều Tiên vì ngừng tiến hành các vụ thử tên lửa. Nếu Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách đối đầu trong quan hệ với Trung Quốc, Bắc Kinh có thể tính đến việc giảm nhẹ hoặc bãi bỏ các đòn trừng phạt hiện nay nhằm vào Bình Nhưỡng.

Viễn cảnh thứ hai, phi hạt nhân hóa từng phần, có thể cũng không triển khai được. Với cách tiếp cận đơn phương của Chính quyền ông Trump hiện nay, Washington khó có thể đưa ra một gói các biện pháp khích lệ đáng tin để có thể thỏa mãn những quan ngại của Bình Nhưỡng. Điều này để lại viễn cảnh thứ 3, giữ nguyên trạng. Viễn cảnh này không phải là một kết quả được trông đợi song nó có thể là kết quả duy nhất chấp nhận được với mà tất cả các bên.

Triều Tiên có thể chấp nhận viễn cảnh thứ 3 vì Bình Nhưỡng có thể duy trì vũ khí hạt nhân của mình. Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc có thể chấp nhận viễn cảnh này miễn là Bình Nhưỡng ngừng tiến hành thêm các vụ thử nghiệm và cam kết rốt cuộc sẽ phi hạt nhân hóa. Thậm chí, Chính quyền ông Trump có thể chấp nhận viễn cảnh này. Miễn là Triều Tiên không sở hữu năng lực gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa tầm xa, thì Mỹ sẽ không cảm thấy nước này bị đe dọa từ bên ngoài.

Ông Trump có thể chịu đựng được vũ khí hạt nhân đồng thời tuyên bố chiến thắng vì đã làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Điều này có thể thấy được trong việc ông Trump coi nhẹ hoặc không đả động gì đến các vụ thử tên lửa tầm ngắn gần đây của Triều Tiên và không ngừng bày tỏ hy vọng sẽ có một cuộc gặp tiếp theo với nhà lãnh đạo Kim.

Tương lai quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên là không chắc chắn. Trong bối cảnh cách tiếp cận đơn phương của Tổng thống Trump, Triều Tiên cảm thấy sự cần thiết phải bảo vệ mình trước nguy cơ đối đầu với Mỹ và Hàn Quốc muốn có một giải pháp từng phần, sự nguyên trạng sẽ hầu như có khả năng tiếp diễn. Đây là tin xấu đối với cơ chế không phát triển vũ khí hạt nhân.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 23/08/2019 là 1 AUD = 0.676 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 23/08/2019 là 1 AUD = 15,672 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời có mây rải rác, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 24 đến 32 độ.

Tại Hà Nội, thứ Bảy, trời có mây rải rác, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 32 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, ngày không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 34 độ.

Tại Adelaide, thứ Bảy, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–16 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, buổi sáng có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–13 độ.

Tại Brisbane, thứ Bảy, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10–24 độ. Chủ nhật, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10–27 độ.

Tại Sydney, thứ Bảy, trời nắng, buổi sáng có sương giá ở khu vực phía Tây, gió di chuyển với vận tốc từ 20-30 km/h. Nhiệt độ dao động từ 8–25 độ. Chủ nhật, buổi sáng trời nắng, chiều tối có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–21 độ.

Tại Melbourne, thứ Bảy, buổi sáng trời nắng, chiều tối có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 20-40 km/h. Nhiệt độ dao động từ 9–18 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, buổi sáng có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 5–13 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này