Chương trình Thời sự thứ Sáu, 22/02/2019

Hoàng Yến | 22/02/2019 | 872 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Melbourne: Phá dỡ quán rượu Corkman Pub, hai nhà xây dựng bị phạt hơn 1.3 triệu đô la
- Tin Úc: Toyota Australia trở thành nạn nhân của một âm mưu tấn công mạng
- Victoria: Tái bổ nhiệm Ủy viên Thanh tra Ngành đua động vật của tiểu bang
- Cheltenham: Đi tham quan cùng trường học, một học sinh bị tấn công bất ngờ tại trung tâm mua sắm
- Victoria: Cuộc khủng hoảng tái chế rác thải càng tồi tệ hơn khi một nhà máy tái chế khác ngừng hoạt động
- Victoria: Bị ghi hình cảnh nắn khớp xương cho trẻ sơ sinh, một bác sĩ bị lên án gay gắt
- Victoria: Nỗ lực đảm bảo an toàn hơn cho người đi xe máy ở tiểu bang
- Tin Úc: Đảng Lao động Úc cam kết sẽ trợ cấp 300 triệu đô la cho học sinh bị khuyết tật
- Victoria: Một nghị sĩ của đảng Xanh thừa nhận đã từng sử dụng ma túy
- Frankston: Đi taxi mà không trả tiền, hành khách còn hung hăng tấn công tài xế
- Nhiều người biểu tình vì quyền lợi của người thuê nhà trước thềm bầu cử ở bang NSW năm 2019
- Victoria: Học sinh sẽ sớm được đóng góp ý kiến về chương trình học và kỳ thi VCE
- Melbourne: Thủ phạm tông chết nhiều người trên đường Bourke Street đã lãnh án tù chung thân
- Tin Úc: Ngân hàng Westpac vướng vào một vụ kiện tập thể liên quan đến các khoản cho vay mua nhà
- Tin vắn

Tin Thế giới:

Hàng ngàn tín đồ Hồi giáo từ Jakarta và các thành phố khác đã tập trung tại Quảng trường Quốc gia (Monas) vào tối 21/2 để cùng cầu nguyện, xin Đức thánh Allah toàn năng bảo vệ Indonesia trước cuộc tổng tuyển cử năm nay. Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội đồng Hiệp thương Nhân dân Indonesia (MPR) Zulkifli Hasan đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành các cuộc bầu cử Quốc hội và bầu cử Tổng thống phải được diễn ra trong sự công bằng, hòa bình và dân chủ, vì một tương lai tốt đẹp hơn của Indonesia. Để đảm bảo việc an ninh trật tự cho sự kiện, ít nhất 12.000 nhân viên an ninh đã được triển khai, lực lượng cảnh sát Jakarta, Quân đội Indonesia và Chính quyền thành phố Jakarta.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/2 tuyên bố các công ty Mỹ cần "đẩy mạnh nỗ lực" phát triển công nghệ 5G - mạng không dây thế hệ thứ 5 có tốc độ siêu nhanh, và nhấn mạnh ông không sẵn sàng ngăn chặn các công ty nước ngoài chuyên về công nghệ then chốt này thâm nhập thị trường Mỹ. Những bình luận này được đưa ra trên trang mạng xã hội Twitter khiến một số hãng truyền thông đặt nghi vấn về việc liệu Tổng thống Trump có ý định ngăn chặn các công ty của Trung Quốc phát triển mạng 5G tại Mỹ hay không. Chính quyền Tổng thống Trump trong những tháng gần đây đã tăng cường nỗ lực ngăn chặn tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei bằng cách hối thúc các đồng minh tránh xa tập đoàn này, viện dẫn mối đe dọa đến lợi ích an ninh quốc gia.

Ngày 21/2, Nhà Trắng thông báo quân đội Mỹ sẽ vẫn duy trì khoảng 200 binh sĩ tại Syria. Ngoài ra, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục phối hợp nỗ lực nhằm thiết lập một vùng an toàn tại quốc gia Trung Đông này. Cũng theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cùng ngày 21/2 đã điện đàm thảo luận về cuộc xung đột tại Syria cũng như các vấn đề thương mại song phương. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục phối hợp nỗ lực nhằm thiết lập một vùng an toàn tại quốc gia Trung Đông. Hai nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí tiến hành quá trình rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria phù hợp với các lợi ích chung của cả hai bên, cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Syria không nên gây tổn hại tới các mục tiêu chung của Washington và Ankara.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 22/2 đã kêu gọi người dân Haiti tổ chức biểu tình hòa bình sau cuộc họp kín thảo luận về tình hình bạo lực khiến ít nhất 7 người thiệt mạng. Theo Đại sứ Guinea Xích Đạo Antonio Ndong Mba - người giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng này, trong một thông báo nhận được sự ủng hộ, Hôi đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại và "kêu gọi tất cả các công dân bày tỏ ý kiến một cách hòa bình." Haiti đã chao đảo hơn 10 ngày qua do các cuộc biểu tình chống chính phủ vốn khiến Mỹ đưa ra cảnh báo các công dân nước này không du lịch tới quốc đảo Caribe này.

Ngày 21/2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thảo luận với Tổng Thư ký Liên hợp quốc về các nỗ lực thiết lập hòa bình cho Yemen và cuộc khủng hoảng ở Venezuela. Theo Stephane Dujarric, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, cuộc thảo luận kéo dài 35 phút diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York và được thực hiện theo đề nghị của ông Pompeo. Về khủng hoảng Yemen, hai bên trao đổi về tầm quan trọng của việc chính quyền Yemen và phiến quân Houthi thực thi thỏa thuận đạt được tại Stockholm hồi tháng 12/2018 và bắt đầu rút lực lượng khỏi Hodeida. Hai bên cũng thảo luận về tình hình Venezuela và khu vực, nhưng ông Dujarric không cho biết thông tin chi tiết.

Trung Quốc nhận thấy "tiềm năng to lớn" ở nền kinh tế Saudi Arabia và muốn hợp tác nhiều hơn trong lĩnh vực công nghệ cao. Đây là tuyên bố do Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra trong bối cảnh Thái tử của vương quốc Arab này Mohammed bin Salman bắt đầu chuyến thăm 2 ngày tới thủ đô Bắc Kinh. Theo ông Vương Nghị, cường quốc châu Á ủng hộ những nỗ lực của Saudi Arabia đa dạng hóa nền kinh tế và sẵn sàng tăng cường hợp tác công nghệ cao. Các nguồn thạo tin tiết lộ Saudi Aramco, nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới, sẽ ký một hiệp ước xây dựng một nhà máy tinh chế và dự án hóa dầu tại tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc trong một kế hoạch liên doanh với Tập đoàn quốc phòng Trung Quốc Norinco.

Ngày 21/2, truyền thông nhà nước Ai Cập dẫn lời ông Mohamed Elgendy, Cố vấn về an ninh và tội phạm mạng của Văn phòng Liên hợp quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), cho biết các mạng lưới truyền thông xã hội đóng vai trò chính trong các hoạt động tội phạm và khủng bố toàn cầu. Theo ông Elgendy, việc truy tìm các tài khoản của những người sử dụng mạng truyền thông xã hội đang gặp khó khăn. Đây là một thực tế đòi hỏi sự hợp tác quốc tế với các công ty công nghệ thông tin hàng đầu thế giới. Cũng theo chuyên gia trên, việc kiểm soát không gian mạng đang trở nên khó khăn khi tài khoản có thể được mở ở bất kỳ đâu trên khắp thế giới. Tính chất phức tạp của các loại tội phạm mạng đòi hỏi những thay đổi lớn về luật pháp và các quy định về không gian mạng.

Truyền thông Ai Cập ngày 21/2 dẫn lời Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Ai Cập Ivan Surkos cho biết, 24 Tổng thống và Thủ tướng từ 28 quốc gia thành viên EU sẽ tới thành phố Sharm El-Sheikh của Ai Cập để tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU-Liên đoàn Arab (AL) diễn ra trong hai ngày 24 và 25/2 tới. Ông Surkos cũng khẳng định sự quan tâm mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo châu Âu nhằm tăng cường hợp tác với các quốc gia Arab trong khuôn khổ hội nghị này. Bên cạnh đó, theo kế hoạch, Thủ tướng Anh Theresa May cũng sẽ tổ chức các cuộc họp song phương với các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị. Đây là Hội nghị thượng đỉnh EU-AL lần đầu tiên được tổ chức với mục đích tăng cường quan hệ EU-Arab và giải quyết các thách thức chung, trong đó có vấn đề người di cư, an ninh biên giới và tình hình khu vực.

Trong khuôn khổ cuộc điện đàm ngày 21/2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono đã nhất trí tầm quan trọng của việc duy trì trừng phạt đối với Triều Tiên nhằm thúc giục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Sau cuộc điện đàm với ông Pompeo, Ngoại trưởng Kono cho biết hai bên đã phối hợp các nỗ lực nhằm giải quyết những vấn đề liên quan tới Triều Tiên, trong đó có vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trong quá khứ. Phát biểu trước báo giới, ông Kono khẳng định hai nước hoàn toàn nhất trí cần duy trì các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên.

Bộ Ngoại giao Anh ngày 21/2 cho biết Anh đã ký đối tác chiến lược mới với Liên minh châu Phi (AU), theo đó, Anh sẽ đầu tư 30 triệu bảng vào các dự án kinh tế và an ninh tại châu Phi nhằm đẩy mạnh mối quan hệ giữa Anh với châu lục này. Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề châu Phi, bà Harriett Baldwin khẳng định lập trường của Anh ủng hộ các nhà quan sát viên quốc tế thực thi nhiệm vụ đảm bảo các cuộc bầu cử tự do và công bằng diễn tại Nigeria và Senegal vào ngày 24/2 tới đây. Với tư cách là đối tác chiến lược với các nước châu Phi, Anh tiếp tục giúp đỡ nâng cao năng lực của người dân tại châu lục này thông qua các dự án. Đối tác chiến lược mới này sẽ đẩy mạnh hợp tác về an ninh và kinh tế, cùng nhau hướng tới xử lý vấn đề biến đổi khí hậu.

Tin Thể thao:

Arsenal đã có chiến thắng dễ dàng 3-0 trước BATE Borisov ở lượt về vòng 1/16 Europa League. Với kết quả này, Arsenal đã đi tiếp sau khi giành chiến thắng với tỷ số 3-1 sau hai lượt trận. Ở một diễn biến khác, Chelsea cũng không gặp khó khăn gì và đã vượt qua Malmo với tỷ số 3-0 trên sân nhà Stamford Bridge. Chiến thắng này giúp The Blues giành vé vào vòng 1/8 khi đánh bại đối thủ với tổng tỷ số 5-1 sau hai lượt trận. HLV Sarri đã tạm giữ được ghế của mình nhưng sóng gió đang chờ ông ở phía trước khi Chủ Nhật này, Chelsea sẽ chạm trán với Man City ở chung kết League Cup.

Barca đang muốn chiêu mộ tiền đạo Marcus Rashford của M.U. Bất kỳ thỏa thuận nào được đưa ra thì giá của thương vụ này cũng rơi vào khoảng 100 triệu euro (87 triệu bảng). Tuy nhiên, thương vụ này có tỷ lệ thành công rất thấp. Phía M.U dường như không muốn để ngôi sao của họ ra đi. Rashford cũng là một cầu thủ rất trung thành với "Quỷ đỏ" bởi anh đã trưởng thành từ học viện của CLB. Hiện tại, có tin đồn nói rằng M.U đang nâng lương lên 3 lần để thuyết phục cầu thủ người Anh ở lại thêm 5 năm nữa.

HLV Jurgen Klopp của Liverpool đã bị LĐBĐ Anh phạt 45.000 bảng vì có những lời lẽ lăng mạ trọng tài. Trước đó ở trận Liverpool hòa West Ham 1-1, Klopp cho rằng ông Friend đã bị lay động sau quyết định không thổi việt vị ở bàn thắng của Sadio Mane, và sau đó cố gắng “sửa sai” ở phần còn lại của trận đấu.

Chủ tịch La Liga, ông Javier Tebas khẳng định, Messi là cầu thủ vĩ đại nhất từ trước đến nay chơi bóng ở Tây Ban Nha. Hiện tại, tiền đạo người Argentina đã chơi 667 trận, ghi 582 bàn thắng cho Barca.

Trung vệ Marcelo của Lyon nhận định việc đối mặt với Mbappe tỏ ra khó khăn hơn so với Messi. Marcelo còn cho rằng Mbappe sẽ mau chóng trở thành cầu thủ hay nhất thế giới. Bên cạnh đó, Marcelo nhận định Messi đã chơi không tốt ở trận lượt đi vòng 1/8 Champions Leageu vừa qua, khi Lyon thủ hòa Barca 0-0 trên đất Pháp.

Thủ thành Jan Oblak đã gia hạn thành công với Atletico. Ở hợp đồng mới anh sẽ nhận mức lương từ 10 – 12 triệu euro/năm, cùng điều khoản phá vỡ hợp đồng được nâng lên gấp đôi, từ 100 triệu euro lên 200 triệu euro. Atletico sẽ công bố chi tiết hợp đồng mới của Oblak vào tuần sau. Hợp đồng hiện tại của Oblak đáo hạn vào năm 2021.

Nguồn tin từ Italia cho hay CLB AS Roma đã có những liên hệ với người đại diện của HLV Sarri để mời ông này trở lại Serie A làm việc. Roma đang có ý định thay đổi ở vị trí ghế nóng khi Eusebio Di Francesco không làm tốt công việc. “Bầy sói” đang xếp thứ 5 ở Serie A mùa này và vừa bị Fiorentina hạ nhục 7-1 ở tứ kết Coppa Italia.

“Búp bê Nga” Maria Sharapova vừa xác nhận sẽ tham dự Roland Garros - Grand Slam thứ hai trong năm. Tay vợt 31 tuổi này khẳng định, cô không đến Paris (Pháp) để bị loại sớm. Sharapova cũng trải lòng rằng tham vọng của cô là ít nhất thêm 1 lần đứng trên bục vinh quang Grand Slam.

Hơn 3.000 người đã tập trung tại thủ đô Moscow (Nga) để cùng tập luyện boxing. Hoạt động này đã được ghi danh vào sách kỷ lục Guinnes với tư cách buổi tập có số lượng người tham gia tập luyện boxing nhiều nhất lịch sử.

Hiệp ước INF sụp đổ: Trump và Putin đang mở “chiếc hộp Pandora”?

Hiệp ước INF sụp đổ giữa Nga và Mỹ có thể gây ra những hậu quả với nhân loại, ví như khi chiếc hộp Pandora được mở ra trong thần thoại Hy Lạp vậy.

Trong thần thoại Hy Lạp, Pandora có một chiếc hộp mà nàng được dặn kỹ rằng không bao giờ được mở nó ra. Nhưng do không lường hết được hậu quả và không kìm được sự tò mò, Pandora đã mở chiếc hộp ra và những thứ trong đó đã khiến tất cả những điều bất hạnh tràn ngập khắp thế gian. Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) về một khía cạnh nào đó, cũng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng với nhân loại nếu nó thành hiện thực.

“Nút thắt” khó gỡ của Nga và Mỹ

Một "nút thắt" khó gỡ trong tình huống nan giải hiện nay là cả Nga và Mỹ đều cáo buộc nhau coi thường các mục đích của Hiệp ước INF ở châu Âu như đã thỏa thuận và nghi ngờ nhau triển khai các loại vũ khí có khả năng hạt nhân, bề ngoài thì với mục đích phòng thủ nhưng sâu xa lại có khả năng tấn công.

Công bằng mà nói mỗi bên đều có lý do để nghi ngại mục đích thực sự của đối phương. Trừ khi Nga và Mỹ gạt bỏ những mối nghi ngờ, những đe dọa và cáo buộc lẫn nhau, còn không thì cả hai đều đứng trước tình thế đầy thách thức nếu Hiệp ước INF bị phá vỡ.

Một điều cần phải hiểu là các tên lửa hành trình có trang bị hạt nhân hiện đại đáng sợ hơn nhiều so với những loại vũ khí bị cấm trong Hiệp ước INF được ký kết năm 1987. Những tiến bộ trong kỹ thuật máy tính và công nghệ chỉ dẫn có thể sản xuất ra các loại tên lửa có khả năng thay đổi lộ trình và mục tiêu trong quá trình bay, cũng như chuyển hướng tấn công theo thời gian đã được lập trình.

Với những khả năng như vậy, các tên lửa hành trình có thể được phóng từ nhiều địa điểm khác nhau và làm phát nổ nhiều mục tiêu cùng lúc. Do đó, những cảnh báo vẫn được đưa ra nhưng mỗi bên hiểu theo cách nào lại là chuyện khác. Điều này cũng giống như việc tìm những chiếc bóng trong khu rừng tối vậy.

Những khả năng mới đáng sợ này trong vũ khí của cả hai nước có thể làm leo thang nguy cơ về một thảm họa sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nó xảy ra.

Khởi nguồn sâu xa của khủng hoảng INF

Quá trình dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay có thể được tính từ tháng 9/2009 khi Tổng thống Obama thông báo về một hướng tiếp cận mới với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu trong việc chống lại các tên lửa tầm xa của Iran. Kế hoạch này đã thay thế kế hoạch của chính quyền Tổng thống George W.Bush cho cái gọi là các địa điểm phòng thủ tên lửa trên mặt đất tại Ba Lan và Romania. Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng miêu tả chương trình Tiếp cận châu Âu thích ứng từng giai đoạn sử dụng lá chắn phòng thủ Aegis như một hệ thống phòng thủ "nhanh nhạy hơn và thông minh hơn" so với kế hoạch trước đó. Việc lắp đặt lá chắn tên lửa phòng thủ này sẽ bao gồm một lượng lớn các máy bay đánh chặn nhỏ hơn và chậm hơn được dẫn đường bởi các radar Aegis thường được các tàu chiến của Hải quân Mỹ sử dụng.

Nhưng có một điều mà Tổng thống Obama dường như không biết là không có radar nào phù hợp với chương trình của ông có thể giám sát được các đầu đạn tầm xa của Iran tại một khoảng cách phù hợp để triển khai các máy bay đánh chặn. Một số nhà phân tích cho rằng đó là một sai lầm ngớ ngẩn, và chỉ có thể giải thích bằng sự thiếu thông tin về kỹ thuật của Bộ Quốc phòng cũng như sự thiếu sót của các nhân viên về chính sách của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao khi tham vấn cho Tổng thống đề xuất những thay đổi này.

Tổng thống Obama có lẽ cũng đã không được biết rằng việc lắp đặt tổ hợp “Aegis ashore” tại Ba Lan và Romania có khả năng trang bị nhanh chóng các tên lửa hành trình tấn công hơn là phòng thủ và điều đó đã gây ra mối đe dọa trực tiếp cho lãnh thổ của Nga ở châu Âu.

Nói cách khác, quyết định lắp đặt hệ thống Aegis tại châu Âu không tạo ra khả năng phòng thủ tên lửa cho Mỹ mà thay vào đó đã tạo ra một hệ thống có thể nhanh chóng trang bị hàng chục cho tới hàng trăm tên lửa tấn công hành trình.

Đó là lý do mà Nga đã có những phản ứng gần như ngay lập tức sau khi ông Obama quyết định triển khai kế hoạch này.

Hiện lý do mà chính quyền Tổng thống Trump quyết định rời khỏi Hiệp ước INF là việc Nga phát triển tên lửa hành trình SSC-8 hay còn được biết tới là 9M729, cáo buộc rằng loại tên lửa này vi phạm các giới hạn về tầm bắn của các loại vũ khí được quy định trong INF. Tuy nhiên, liệu Nga có thực sự vi phạm Hiệp ước hay không khi mà tên lửa SSC-8 dường như có những đặc điểm tương đồng với tên lửa hành trình phóng từ biển Tomahawk của Mỹ. Tên lửa Tomahawk đã sẵn sàng hoạt động và có thể được phóng lên từ các địa điểm của Aegis.

Một số nhà phân tích phương Tây cho rằng Nga đã "nhầm lẫn" khi cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ có khả năng tấn công. Tuy nhiên, các thông tin có sẵn cho thấy hệ thống Aegis được triển khai ở Đông Âu nếu được trang bị các tên lửa hành trình, thực sự sẽ vi phạm các điều khoản của Hiệp ước INF.

Do hệ thống Aegis hầu như rất ít được sử dụng trong việc ngăn chặn các tên lửa tầm xa của Iran nên không lạ gì khi các nhà tham mưu quân sự và các quan chức chính phủ Nga nghi ngờ về lý do Mỹ quyết định đặt hệ thống này ở Đông Âu. Nga cho rằng quyết định này của Mỹ có thể hàm chứa một tầm nhìn chiến lược dài hạn về việc mở rộng và điều chỉnh hệ thống này để nhằm vào Nga.

Nga cũng kiên quyết cho rằng khả năng kép (phòng thủ - tấn công) của "Aegis ashore" đã vi phạm giới hạn về tầm bắn của các loại vũ khí tấn công được quy định trong Hiệp ước INF. Trong khi đó, chính phủ Mỹ khẳng định việc lắp đặt hệ thống này tại Ba Lan và Romania không đe dọa gì đến Nga bởi phần mềm máy tính của chúng không tương thích với bệ phóng của các tên lửa hành trình.

Hiệp ước INF sụp đổ - “Hộp Pandora” không ai muốn mở

Tuy nhiên, để tiếp tục Hiệp ước INF hiện nay cũng không phải là điều đơn giản.

Cả Nga và Mỹ hiện nay đều cần dừng lại những nghi ngờ và những đe dọa lẫn nhau. Thay vào đó, hai bên phải suy nghĩ đến những mối nguy hiểm chung mà cả Moscow và Washington đều sẽ đối mặt nếu Hiệp ước này sụp đổ. Thực tế thì hệ thống vũ khí tên lửa hạt nhân hiện nay có thể gây ra nhiều hậu quả mà chúng ta không thể ngờ tới, không chỉ liên quan đến vận mệnh của 2 nước mà là sự ổn định của toàn cầu và tương lai của nhân loại.

Mỹ phải thừa nhận rằng chính quyền Tổng thống Obama trên một khía cạnh nào đó đã lựa chọn một hệ thống phòng thủ tên lửa phóng từ mặt đất ít có khả năng phòng thủ mà thay vào đó giống như một hệ thống tấn công vào Nga hơn. Chính quyền Tổng thống Trump cũng phải dừng những quan điểm cực đoan khăng khăng rút khỏi Hiệp ước INF bởi nếu điều này xảy ra, nó sẽ đẩy thể giới đến những nguy hiểm không ngờ. Còn đối với Nga, Nga cũng cần rút lại những lời đe dọa hay những tuyên bố phát triển các loại vũ khí mới như một cách để phản ứng trước Mỹ hiện nay. Sự tin tưởng lẫn nhau có lẽ là điều cần thiết nhất để cả Nga và Mỹ có thể dẹp bỏ những bất đồng và ngồi lại với nhau, chí ít nếu không thể cứu vãn hoàn toàn Hiệp ước INF thì cũng có thể điều chỉnh lại để nó phù hợp hơn với thực tế hiện nay.

Cả hai bên sẽ "cùng thắng" (win - win) nếu có thể tin tưởng và nhượng bộ lẫn nhau để cùng giải quyết vấn đề. Còn nếu điều ngược lại xảy ra, mọi chuyện cũng giống như chiếc hộp Pandora được mở ra vậy, dù không biết trước là điều gì sẽ xảy ra nhưng chắc chắn nó sẽ có những hậu quả khôn lường với nhân loại.


Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ USD ngày 22/02/2019 là 1 AUD = 0.707 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 22/02/2019 là 1 AUD = 16,478 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, nhiều mây, trời nắng nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 23 đến 33 độ. Chủ nhật, ít mây, gió nhẹ, trời nắng. Nhiệt độ dao động từ 22 đến 34 độ.

Tại Hà Nội, nhiều mây, có lúc có mưa phùn. Nhiệt độ dao động từ 19 đến 24 độ. Chủ nhật, nhiều mây, không mưa. Nhiệt độ dao động từ 19 đến 24 độ.

Tại Adelaide, trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 20-30km/h. Nhiệt độ dao động từ 18 đến 34 độ. Chủ nhật, trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 15-25km/h. Nhiệt độ dao động từ 20 đến 37 độ.

Tại Brisbane, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 25-40km/h. Nhiệt độ dao động từ 22 đến 26 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 25-55km/h. Nhiệt độ dao động từ 21 đến 28 độ.

Tại Sydney, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 25-45km/h. Nhiệt độ dao động từ 20 đến 25 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 25-35km/h, sóng lớn sẽ xuất hiện gây nguy hiểm cho các hoạt động như câu cá, bơi lội và lướt sóng. Nhiệt độ dao động từ 19 đến 23 độ.

Tại Melbourne, buổi sáng trời nhiều mây, buổi chiều trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 20-30km/h. Nhiệt độ dao động từ 15 đến 25 độ. Chủ nhật, trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 20-35km/h. Nhiệt độ dao động từ 14 đến 29 độ.
Hoàng Yến - Kim Phụng

Đánh giá bản tin này