Chương trình Thời sự thứ Sáu, 19/06/2020

Cẩm Nhung | 19/06/2020 | 487 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Melbourne: Tuyển dụng 300 nhân viên mới để xử lý vệ sinh trên mạng lưới xe tram

- East Melbourne: Xe hơi tông vào cột phân làn giao thông, nữ tài xế bỏ trốn

- NSW: Sở Y tế bác bỏ đề xuất giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với khách du lịch trở về Úc

- Victoria: Tỷ lệ tội phạm thanh thiếu niên giảm nhưng tỷ lệ tội phạm nữ giới tăng

- Melbourne: Khu giải trí Campbell Arcade biến thành một “Con đường Cầu vồng” đa sắc màu

- Tin Úc: Tỷ lệ thất nghiệp chạm mức 7.1% trong tháng Năm – mức cao nhất trong gần 20 năm

- Victoria: Thông qua đạo luật hình sự hóa hành vi gian lận tiền lương của chủ doanh nghiệp

- Melbourne: Dự án xây hai khu bảo tồn sẽ không kịp hoàn thành cuối năm nay

- Tin vắn

Tin thế giới:

Tính đến sáng 19/6, tổng số ca nhiễm trên toàn cầu là hơn 8,5 triệu người, hơn 455.000 ca tử vong vì đại dịch này. Trong đó, riêng Mỹ có hơn 2,2 triệu ca mắc virus SARS-CoV-2, 120.000 người tử vong vì COVID-19. Số ca mắc mới trong ngày tại quốc gia này lên tới hơn 26.000 trường hợp, cao nhất thế giới. Brazil đứng sau Mỹ với hơn 23.000 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Brazil là trên 983.000 người, trong đó có gần 48.000 bệnh nhân tử vong. Dù có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Brazil, với hơn 561.000 trường hợp, Nga duy trì số trường hợp mắc mới trong ngày (hơn gần 7.800) và số bệnh nhân tử vong (trên 7.600) tương đối thấp. Sau một tuần bùng phát dịch, đến nay, thành phố Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc, đã ghi nhận 158 bệnh nhân COVID-19. Bước đầu cơ quan y tế xác định, có thể nguồn lây đến từ bên ngoài.

Từ ngày 27/6 tới, Đan Mạch sẽ cho phép nhập cảnh đối với công dân từ các nước châu Âu đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. Trong thông báo ngày 18/6, Bộ Ngoại giao Đan Mạch cho biết nước này sẽ tiến hành đánh giá 22 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và những nước không phải thành viên EU trong Khu vực tự do đi lại Schengen như Na Uy và Anh. Theo bộ trên, một quốc gia sẽ được coi là có tỷ lệ lây nhiễm thấp khi có dưới 20 người mắc bệnh mới/100.000 dân/tuần. Bộ trưởng Tư pháp Đan Mạch Nick Haekkerup cho biết nhìn vào số ca lây nhiễm hiện nay, nước này sẽ mở cửa biên giới cho Anh, toàn bộ 22 thành viên EU và các nước trong khu vực Schengen, trừ Bồ Đào Nha và Thụy Điển.

Truyền thông sở tại ngày 18/6 cho biết, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nêu ra một số kịch bản khác nhau liên quan kế hoạch sáp nhập các khu vực thuộc Bờ Tây. Theo tờ Times of Israel, Thủ tướng Netanyahu đã trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz liên quan đến các kịch bản khác nhau về sáp nhập ở khu Bờ Tây, từ áp đặt chủ quyền đối với tất cả các khu định cư tại Bờ Tây theo kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ tới sáp nhập hạn chế. Israel có kế hoạch sáp nhập hơn 30% diện tích các vùng đất tại Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan cũng như áp đặt chủ quyền đối với các khu định cư Do Thái. Kế hoạch trên lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Palestine và cộng đồng quốc tế.

Ngày 18/6, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết, theo đó chặn nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm chấm dứt chương trình bảo vệ hàng trăm nghìn người nhập cư vào Mỹ từ khi còn nhỏ, còn gọi là thế hệ "Dreamer." Cụ thể, đã có 5 thẩm phán của Tòa án Tối cao Mỹ ủng hộ phán quyết trước đó của các tòa án cấp thấp, trong đó cho rằng việc Tổng thống Trump hủy Chương trình Hành động trì hoãn trục xuất những người nhập cư trái phép vào Mỹ từ khi còn nhỏ (DACA) vào năm 2017 là bất hợp pháp. Phán quyết mới đồng nghĩa với việc khoảng 649.000 người nhập cư, chủ yếu sinh ra tại Mexico và các nước Mỹ Latinh khác, tránh được nguy cơ bị trục xuất và đủ điều kiện nhận giấy phép làm việc trong hai năm. Phán quyết này sẽ không ngăn được Tổng thống Trump chấm dứt chương trình bảo vệ người nhập cư. Tuy nhiên, nhiều khả năng chính quyền sẽ không thể xóa bỏ chương tình DACA trước ngày 3/11, thời điểm ông Trump đang tìm kiếm nhiệm kỳ lãnh đạo thứ hai.

Ngày 18/6, Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho biết trong cuộc họp hằng tuần của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC), các quan chức an ninh hàng đầu của nước này đã thảo luận về những căng thẳng leo thang với Triều Tiên. Phủ Tổng thống nêu rõ, các thành viên của NSC đã thảo luận về những diễn biến liên quan tới Triều Tiên, đồng thời tiến hành kiểm tra công tác phòng thủ và giám sát của quân đội Hàn Quốc. Các quan chức NSC đã tái khẳng định quan điểm của Seoul, đó là các thỏa thuận liên Triều cần phải được tuân thủ bằng mọi giá và hai bên cần nỗ lực ngăn chặn căng thẳng leo thang hơn nữa trên Bán đảo Triều Tiên.

Bộ Thương mại Hàn Quốc ngày 18/6 cho biết Seoul đã yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mở một hội đồng giải quyết tranh chấp để xem xét các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản đối với nước này vốn có hiệu lực từ tháng Bảy năm ngoái. Năm ngoái, Seoul đã bỏ khiếu nại tại WTO về các chính sách hạn chế xuất khẩu của Tokyo trong một động thái thể hiện thiện chí nhằm tìm kiếm sự đột phá cho căng thẳng thương mại giữa hai nước. Căng thẳng bắt đầu khi Nhật Bản đưa ra lệnh cấm xuất khẩu nhiều nguyên liệu chủ chốt sang Hàn Quốc vào tháng 7/2019. Đây là những nguyên liệu quan trọng cho ngành sản xuất chip và màn hình, vốn là hai trụ cột của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Ngày 19/6, truyền thông Ấn Độ đưa tin Trung Quốc đã phóng thích 10 binh sỹ Ấn Độ bị bắt giữ trong vụ đụng độ xảy ra ở biên giới hai nước hôm 15/6 khiến ít nhất 20 binh sỹ thiệt mạng. Việc phóng thích này diễn ra sau vài vòng đàm phán giữa hai bên nhằm xoa dịu căng thẳng sau vụ đụng độ nghiêm trọng nhất trong vòng nhiều thập kỷ qua. Chính phủ Ấn Độ không đưa ra bình luận gì về thông tin trên, trong khi quân đội Ấn Độ khẳng định không có binh sỹ nào của nước này mất tích khi làm nhiệm vụ.

Ngày 18/6, Kenya đã trúng cử chiếc ghế thứ 5, đồng thời cũng là suất cuối cùng, trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an sau vòng 2 với số phiếu 129/192. Djibouti, ứng cử viên còn lại của nhóm nước châu Phi, chỉ giành được 62/192 phiếu. Đây là kết quả sau cuộc bỏ phiếu trước đó một ngày khi cả Kenya và Djibouti đều không giành đủ số phiếu tối thiểu để trúng cử là 128 phiếu và phải bầu lại ở vòng 2. Theo quy định, 5 nước trúng cử sẽ chính thức đảm nhiệm vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an kể từ ngày 1/1/2021, thay thế cho 5 nước hết nhiệm kỳ là Bỉ, Dominicana, Đức, Indonesia và Nam Phi.

Dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm đến nay đã tạo ra 2 sự thay đổi lớn: một là phát thải Carbon trên thế giới giảm mạnh khi các nước thực hiện giãn cách xã hội, hai là các khoản chi tiêu ngân sách khổng lồ để ứng phó dịch và vực dậy kinh tế. Cơ quan Năng lượng quốc tế đánh giá, đây là những yếu tố nền tảng để điều chỉnh kinh tế thế giới đi theo hướng phát triển bền vững, đáp ứng các mục tiêu về môi trường. Theo IEA, nếu thế giới đầu tư mỗi năm 1.000 tỷ USD và liên tục trong vòng 3 năm, chỉ đến 2023, phát thải khí CO2 toàn cầu sẽ giảm được 4,5 tỷ tấn, tương đương 14% tổng lượng phát thải CO2 của năm 2019. 1.000 tỷ USD tương đương 0,7% tổng GDP toàn cầu. Theo IEA, khoản đầu tư này có thể đến từ các nguồn lực cả nhà nước và tư nhân, quan trọng là chọn ra lĩnh vực ưu tiên.

Gần 80 triệu người trên thế giới đã phải di cư do chiến tranh hay xung đột tính đến cuối năm 2019. Đây là con số kỷ lục trong vòng 10 năm qua được Liên Hợp Quốc công bố vào ngày 18/6. Hiện người tị nạn chiếm hơn 1% dân số thế giới. Hàng triệu người phải di cư mỗi năm do hậu quả của nạn khủng bố, tình trạng bạo lực, xung đột và vi phạm nhân quyền. Báo cáo nhấn mạnh, những cuộc khủng hoảng lớn đã khiến người dân buộc phải rời bỏ nhà của họ, từ cuộc chiến ở Syria, khiến 6,6 triệu người phải tha hương vào cuối năm 2019, đến cuộc xung đột ở Ukraine và bạo lực ở châu Phi hạ Sahara. Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và chính trị đang diễn ra ở Venezuela cũng là nguyên nhân chính cho tình trạng di cư. Cũng theo báo cáo, trong năm 2019, hơn 100.000 người tị nạn đã được tái định cư ở các nước thứ ba. Canada là nước tái định cư lớn nhất hiện nay, tiếp theo là Mỹ và Australia.

Vòi bạch tuộc của Trung Quốc bị vạch trần

Báo cáo gây choáng của Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) nhận định các tập đoàn, tổ chức Nhà nước Trung Quốc đang âm thầm chuyển sang hoạt động ngầm, tăng cường xâm nhập các cộng đồng ở hải ngoại dưới nhiều lớp vỏ bọc khác nhau.

Cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 dường như đã tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức bí mật của Trung Quốc tăng cường hoạt động, ví dụ như United Front - một cơ quan bí hiểm mà Chủ tịch Tập Cận Bình từng ví như "món vũ khí ma thuật", báo Asia Times dẫn lại báo cáo của ASPI.

"Ban lãnh đạo Trung Quốc đang tăng cường sức ảnh hưởng của họ bằng cách tập hợp đại diện các nhóm dân tộc thiểu số, phong trào tôn giáo, doanh nghiệp, khoa học và chính trị trên toàn Trung Quốc và hải ngoại. Nỗ lực của Bắc Kinh can thiệp vào các cộng đồng Hoa kiều, tác động lên hệ thống chính trị và bí mật ăn cắp công nghệ nhạy cảm và có giá trị ở nước ngoài chỉ có tăng lên khi căng thẳng giữa Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới tiếp tục leo thang" - ông Alex Joske, nhà nghiên cứu của ASPI ở Canberra, nhận định trong bản báo cáo.

Chưa bao giờ ảnh hưởng của Trung Quốc ở Úc bị đem ra soi kỹ như hiện tại, giữa lúc quan hệ hai nước đang xấu đi nhanh - Ảnh: Twitter

Theo điều tra của Úc, United Front là một tổ chức tuyên truyền mờ ám do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát. Người ta tin rằng chính nó tổ chức những chuyến không vận quy mô chở hàng tấn trang bị y tế, bao gồm khẩu trang, về Trung Quốc hồi đầu dịch COVID-19, gây ra tình trạng thiếu hụt lớn ở Úc. Chuyên gia Joske nói cũng chính United Front đã tổ chức các chiến dịch "gom hàng" tương tự ở Canada, Anh, Mỹ, Argentina, Nhật Bản và Cộng hòa Czech. "Sau khi con virus lan ra toàn cầu, các nhóm United Front bắt đầu đem phân phát trang bị y tế cho phần còn lại của thế giới, mục đích để đẩy mạnh quan điểm của Trung Quốc về đại dịch", ông Joske giải thích.

Cũng theo báo cáo, để đạt mục đích, tổ chức này không từ các thủ đoạn "phá hoại đoàn kết xã hội, châm lửa căng thẳng chủng tộc, tác động chính trị, can thiệp truyền thông, tổ chức hoạt động gián điệp và tăng cường chuyển giao công nghệ không được giám sát" ở nước ngoài.

United Front còn nắm trong tay China News Service - hãng thông tấn nhà nước lớn chỉ sau Tân Hoa xã. Cơ quan này lại vận hành một mạng lưới truyền thông tiếng Hoa như Pacific Media ở Úc, Qiaobao ở Mỹ và ít nhất 26 tài khoản WeChat do 9 nhóm người Hoa đứng đằng sau.

Điều thú vị là các tài khoản WeChat này hoạt động chính ở Úc, Mỹ, Anh, Canada và New Zealand - 5 quốc gia cùng chia sẻ mạng lưới tình báo Five Eyes; ngoài ra còn ở Liên minh châu Âu, Nga, Nhật Bản và Brazil.

"Ngày càng có nhiều chi bộ đảng thuộc doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, trường đại học, viện nghiên cứu... của Trung Quốc tham gia United Front. Các đại diện của Quân giải phóng nhân dân (PLA) cũng từng tham gia một hội nghị của United Front hồi năm 2015, cho thấy rằng PLA cũng có liên quan", chuyên gia Joske nhận định.

Mục tiêu ưa thích của United Front là các hệ thống chính trị. Hiệp hội Liên lạc hữu nghị quốc tế Trung Quốc, một nhóm do PLA điều khiển, thường tiếp cận các nhân vật công chúng nổi bật ở nước ngoài. "Những người họ đã tiếp cận bao gồm một đại gia khai mỏ Úc, một cựu đại sứ Úc ở Trung Quốc, một phong trào tôn giáo tân thời ở Nhật, các tướng và quan chức Mỹ đã về hưu", báo cáo của Úc liệt kê.

Hồi tháng 11/2019, ông Lewis Duncan, cựu lãnh đạo Tổ chức Tình báo an ninh Úc, từng tố Trung Quốc đang tìm cách "kiểm soát" hệ thống chính trị Úc. Cáo buộc đã dẫn đến một chiến dịch rà soát tiền tài trợ chính trị có nguồn gốc nước ngoài ở nước này. "Họ cố bám được một vị trí thuận lợi, không chỉ trong chính trị mà còn trong cộng đồng hoặc doanh nghiệp. Về cơ bản là họ nắm quyền kiểm soát, giật dây từ xa", ông Lewis cho biết.

Theo điều tra của ASPI, các tổ chức Trung Quốc có vẻ đã "thụt vòi" sau khi xuất hiện nhiều báo cáo tố Bắc Kinh nhắm đến các tài sản chiến lược ở Úc vì lý do an ninh. Trong năm 2019 họ chỉ đầu tư 382 triệu USD vào tài sản ở Úc, mặc dù một số công ty mang danh nghĩa "tư nhân" có sự sở hữu chồng chéo trong đó, theo dữ liệu của Hãng kiểm toán KPMG và Đại học Sydney.

Về tổng thể, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc vào Úc giảm 58%, xuống còn 2,4 tỉ USD, một phần do Bắc Kinh siết chi tiêu, phần khác do phản ứng dè chừng trước động thái rà soát nghiêm ngặt từ phía Canberra.

Sau nhiều năm lỏng lẻo, trong tháng 6 này Úc đã áp dụng kiểm tra an ninh đối với hồ sơ đầu tư nước ngoài từ tất cả các nguồn.

Tuy Canberra phủ nhận mục tiêu là Trung Quốc, đã có nhiều quan ngại về việc Bắc Kinh muốn nắm kiểm soát nhiều hạ tầng chiến lược ở Úc như nhà máy điện, mạng viễn thông...

Hồi năm 2015, Công ty Trung Quốc Landbridge được thuê cảng Darwin của Úc trong 99 năm, bất chấp thực tế đây là vị trí quốc phòng quan trọng, bao gồm một căn cứ quân sự của thủy quân lục chiến Mỹ. Dàn lãnh đạo Landbridge lại có quan hệ gần với nhà cầm quyền Trung Quốc.

Goldwind, một công ty khác có liên hệ với Bắc Kinh, lọt vào danh sách chốt thầu xây 2 nhà máy thủy điện ở bang New South Wales. Thương vụ này hiện đã đình lại và đang bị mổ xẻ dữ dội trong nghị trường Úc.

"Nếu không thể tin tưởng găng tay và khẩu trang y tế do họ sản xuất, làm sao chúng ta trông đợi họ hành động vì lợi ích của Úc trong chuyện xây đập và mạng lưới điện? Điều làm tôi băn khoăn hơn là Goldwind cố tình che giấu quan hệ với đảng cầm quyền Trung Quốc", thượng nghị sĩ Deb O’Neill nêu vấn đề trong phiên họp nghị viện New South Wales hôm đầu tuần này.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 19/06/2020 là 1 AUD = 0.685 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 19/06/2020 là 1 AUD = 15.978 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 32 độ.

Tại Hà Nội, thứ Bảy, trời nhiều mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 36 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 37 độ.

Tại Adelaide, thứ Bảy, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào hoặc bão, gió di chuyển với vận tốc từ 15-45 km/h. Nhiệt độ dao động từ 9–14 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 8–15 độ.

Tại Brisbane, thứ Bảy, trời có mây rải rác, chiều tối có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 14–21 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, buổi sáng có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13–23 độ.

Tại Sydney, thứ Bảy, buổi sáng trời nắng, đêm có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10–20 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, buổi sáng có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–18 độ.

Tại Melbourne, thứ Bảy, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào hoặc bão, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–16 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, buổi sáng có sương mù, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 7–14 độ.

Cẩm Nhung

Đánh giá bản tin này