Chương trình Thời sự thứ Sáu, 18/10/2019
Tin nước Úc:
- Tin Úc: Giới thiệu dự luật mới nhằm ngăn chặn nạn rửa tiền
- Camberwell: Phát hiện một kiện hàng đáng ngờ, nhiều chuyến xe tram bị trì hoãn
- Tin Úc: Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 5.2% trong tháng Chín
- Victoria: Tài trợ cho 14 tổ chức cộng đồng phi lợi nhuận để giải quyết vấn nạn cờ bạc
- Tin Úc: Chỉ có 10% vị trí tuyển dụng không yêu cầu bằng cấp hoặc kinh nghiệm làm việc
- Victoria: Quốc hội Liên bang Úc sẽ mở phiên điều trần về hàng loạt trường hợp mắc bệnh ung thư ở Victoria
- Dự luật hỗ trợ người mua nhà lần đầu đặt cọc với tỷ lệ thấp đã được thông qua tại Hạ viện
- Victoria: Nâng độ tuổi trẻ em được phép lái xe đạp trên lối đi bộ
- Tin vắn
Tin thế giới:
Hungary sẽ sử dụng vũ lực tại biên giới miền Nam giáp Serbia để bảo vệ biên giới của Liên minh châu Âu (EU) nếu Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa cho người tị nạn từ nước này vào châu Âu. Đây là lời cảnh báo được Thủ tướng Hungary Viktor Orban đưa ra. Theo ông Orban, nếu Ankara chọn cách đưa những người tị nạn Syria vào châu Âu, số người tị nạn đi qua đường các nước Balkan vào châu Âu dự kiến sẽ tăng từ 90.000 người như hiện nay lên 100.000 người. Dòng người này sẽ dồn đến biên giới phía Nam của Hungary. Thủ tướng Orban vốn bất hòa với Brussels về một số chính sách ảnh hưởng đến người di cư và cho rằng EU nên cung cấp thêm tiền cho Thổ Nhĩ kỳ giúp tái thiết các thị trấn ở Syria. Trước đó, ông Orban cũng đã cho xây dựng hàng rào thép tại biên giới của Hungary với Serbia để ngăn dòng người di cư từ các nước Balkan vào Tây Âu.
Đêm 17/10, tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã thông qua thỏa thuận Brexit. Thỏa thuận Brexit trên do EU đạt được với Chính phủ Thủ tướng Anh Boris Johnson, đồng thời khả năng gia hạn Brexit được để ngỏ. Thay đổi chính trong thỏa thuận mà Thủ tướng Boris Johnson đưa ra với EU là Anh đã chấp nhận những kiểm tra hải quan tại khu vực biển Ireland nhằm tránh đường biên giới cứng và đảm bảo "sự toàn vẹn lãnh thổ của thị trường đơn lẻ". Các lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ vui mừng và thanh thản khi EU và Anh đã đạt được một thỏa thuận đảm bảo hòa bình và ổn định của đảo Ireland, giúp tránh những xáo trộn bất ổn định cho Anh và EU. Tuy nhiên, họ luyến tiếc vì Brexit vẫn sẽ diễn ra, đồng thời để ngỏ khả năng xem xét nếu Anh đề xuất lùi ngày rời EU.
Anh và Liên minh châu Âu (EU) cần ký kết một thỏa thuận thương mại tự do càng sớm càng tốt sau khi Anh rời khỏi EU. Đây là tuyên bố được Thủ tướng Đức Angela Merkel đưa ra ngày 17/10, chỉ vài giờ sau khi lãnh đạo 27 nước thành viên EU nhất trí thông qua thỏa thuận Brexit mới với Chính phủ Thủ tướng Anh Boris Johnson. Thủ tướng Đức khẳng định có một sự khác biệt cơ bản so với thời điểm khi bà Theresa May giữ chức Thủ tướng Anh và hiện đã khá rõ rằng Vương quốc Anh sẽ trở thành một quốc gia thứ ba. Chính vì điều đó, EU cần phải nhanh chóng sắp xếp và xúc tiến nhanh các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do với Anh. Ngoài ra, Thủ tướng Merkel cũng khẳng định rằng các nhà lãnh đạo EU sẽ không can thiệp hay tác động vào cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh vào ngày 19/10 tới, đồng thời nhấn mạnh cần phải đặt niềm tin vào quyết định "sáng suốt" của Quốc hội Anh.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thông báo phía Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn kéo dài 5 ngày tại Đông Bắc Syria để cho phép lực lượng người Kurd rút quân. Chuyến thăm của ông Pence diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump doạ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay với Thổ Nhĩ Kỳ. Đợt tấn công vào lực lượng người Kurd kéo dài hơn 1 tuần qua đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới ở Syria. Có hơn 200 dân thường đã thiệt mạng, 300.000 người phải đi sơ tán sau 8 ngày giao tranh. Ngày 17/10, Lực lượng người Kurd cho biết sẵn sàng tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn, trải rộng từ thành phố Ras al-Ain tới thành phố Tal Abyad.
Ngày 17/10, cảnh sát Hà Lan thông báo họ đã bắt giữ 23 người liên quan đến cuộc đụng độ giữa người gốc Thổ và người Kurd ở thành phố cảng Rotterdam trong một cuộc biểu tình phản đối chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Tình trạng lộn xộn xảy ra ở trung tâm thành phố vào tối 16/10, ngay sau khi cuộc biểu tình do cộng đồng người Kurd tổ chức bắt đầu. Không lâu sau đó, cộng đồng người gốc Thổ cũng biểu tình phản đối lại và hai bên đã xảy ra đụng độ. Trong cuộc thảo luận tại Quốc hội về chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã lên án mạnh mẽ vụ bạo lực tại Rotterdam. Hà Lan là một trong những nước châu Âu đầu tiên tuyên bố ngừng xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara phát động chiến dịch tấn công vào miền Bắc Syria hồi tuần trước.
Ngày 17/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry, người có dính líu tới cuộc điều tra luận tội Tổng thống, sẽ sớm từ chức. Ông Rick Perry là quan chức cấp cao tiếp theo “ra đi” sau hàng loạt sự xáo trộn trong nội các Mỹ thời gian qua. Phát biểu tại bang Texas, Tổng thống Trump khẳng định ông Rick Perry đã hoàn thành xuất sắc công việc xuất tại Bộ Năng lượng, nhưng giờ đã tới lúc ông này phải ra đi bởi khoảng thời gian 3 năm tại nhiệm là “quá lâu”. Tổng thống Trump cũng cho biết ông đã tìm được người thay thế ông Perry và sẽ sớm thông báo về sự đề cử này. Hiện chưa rõ thời điểm chính xác ông Perry sẽ từ chức.
Hôm 17/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gửi đồ lễ tới đền Yasukuni. Đền Yasukuni vốn được coi là nguồn gốc tranh cãi ngoại giao giữa Nhật Bản và các nước láng giềng liên quan đến quá khứ của Nhật Bản. Thủ tướng Abe thường gửi đồ lễ đến ngôi đền này trong các dịp lễ hội mùa Xuân và mùa Thu. Lần gần đây nhất, ông đến viếng đền Yasukuni là vào tháng 12/2013. Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Hàn Quốc và Trung Quốc. Đền Yasukuni là nơi thờ hơn 2,5 triệu người Nhật Bản thiệt mạng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Hàn Quốc và Trung Quốc coi đền Yasukuni là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật thế kỷ 20 và luôn phản đối việc các quan chức hay nghị sĩ Nhật Bản viếng ngôi đền này. Tuy nhiên, trong tuyên bố đưa ra ngày hôm nay, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Suga cho rằng, chính phủ Nhật Bản xem đây là hành động cá nhân và không có bình luận nào về việc này.
Thủ đô New Delhi của Ấn Độ mới đây đã phải ban hành lệnh cấm sử dụng các máy phát điện dùng dầu diesel. Điều này diễn ra trong bối cảnh thành phố đang bị bao phủ bởi một lớp khói mù độc hại từ ô tô, khí thải công nghiệp và hoạt động đốt rơm rạ. Đây là một phần trong kế hoạch hành động để bảo vệ môi trường tại Ấn Độ, có hiệu lực từ đầu tuần này. Kế hoạch này nhằm đối phó với tình hình khói mù tăng, nhất là vào dịp lễ hội Diwali diễn ra vào cuối tháng 10. Thành phố cũng sẽ phân phát mặt nạ chống ô nhiễm cho học sinh vào tuần tới. Theo số liệu của Chính phủ, mật độ bụi mịn PM 2.5 tại New Delhi đã đạt mức 108 microgram trên 1 mét khối vào tuần này, gấp hơn 4 lần ngưỡng an toàn của WHO.
Người dân ở khu vực Bắc Jakarta của Indonesia có thể mang rác đến Ngân hàng Tái chế rác thải vừa được thành lập để đổi lấy vàng. 70kg vỏ lon, tương đương khoảng 4.500 vỏ lon rỗng, có thể đem đổi lấy 1g vàng tại Ngân hàng Tái chế rác thải do một số bà nội trợ của khu phố quản lý. Ngân hàng cũng đặt một chiếc xe để thu gom rác tái chế 2 tuần/lần dành cho những người không có thời gian mang rác đến các cơ sở của họ. Ngoài thủ đô Jakarta, chương trình đổi rác lấy vàng cũng được thực hiện tại các thành phố khác của Indonesia, quốc gia vốn xếp thứ hai về ô nhiễm chất thải nhựa trên thế giới sau Trung Quốc.
Cơ quan An ninh mạng thuộc Cảnh sát quốc gia Hàn Quốc đã phối hợp với giới chức hành pháp 32 nước triệt phá trang khiêu dâm trẻ em lớn nhất thế giới. Cụ thể, quản trị viên và 337 người dùng của một trang mạng khiêu dâm trẻ em có quy mô lớn nhất từ trước tới nay đã bị bắt giữ. Trang mạng khiêu dâm trẻ em có tên "Welcome to Video", chứa hơn 250.000 clip tự sản xuất. Trong số đó, 45% là các hình ảnh mới chưa từng được phát hiện trước đó. Tổng cộng hơn 1 triệu clip khiêu dâm trẻ em đã được phát tán trên mạng lưới này. Vào thời điểm bị triệt phá, trang mạng này có khoảng 4.000 thành viên tham gia và trả phí đăng nhập bằng tiền điện tử bitcoin.
Ngày 17/10, tòa án tỉnh Phang Nga, miền Nam Thái Lan vừa kết án một đối tượng thời gian dài kỷ lục (374 năm tù) vì tội buôn bán trẻ em. Công dân Thái Lan Yuttana Kodsap, 31 tuổi, bị buộc tội buôn bán trẻ em để thực hiện hành vi khiêu dâm. Đối tượng đã lừa nhiều trẻ từ 7 - 12 tuổi đến nhà riêng để chơi trò điện tử, sau đó ghi hình những hành vi đồi bại với trẻ và bán những video này trên một ứng dụng tán gẫu. Ngoài bản án 374 năm tù giam, Kodsap bị buộc phải bồi thường 800.000 Baht (26.000 USD)/người cho 5 nạn nhân.
Tin thể thao:
Văn Lâm lọt top 10 thủ môn hay nhất vòng loại World Cup: Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) vừa công bố danh sách top 10 thủ môn xuất sắc nhất vòng loại World Cup 2022. Trong số này có sự góp mặt của thủ thành Đặng Văn Lâm của tuyển Việt Nam. Trải qua 3 trận đấu, Văn Lâm mới chỉ phải vào lưới nhặt bóng 1 lần. Anh đang là thủ môn có thành tích tốt nhất tại bảng G. Ngoài ra, thủ thành của Thái Lan, Siwarak Tedsungnoen, cũng lọt vào danh sách trên khi anh cũng mới chỉ để thủng lưới đúng 1 bàn. Đây là 2 thủ môn duy nhất đến từ khu vực Đông Nam Á. 8 cái tên còn lại trong danh sách là các thủ môn đến từ tuyển Nhật Bản, Hàn Quốc, Qatar, Iran, Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Thái Lan, Australia và Tajikistan.
Pogba bất ngờ gặp Zidane ở Dubai: Tiền vệ Paul Pogba một lần nữa thúc đẩy những suy đoán về việc anh sắp chuyển tới Real Madrid sau cuộc gặp mặt trực tiếp với HLV Zinedine Zidane tại Dubai, nơi cầu thủ người Pháp đang tập luyện để phục hồi chấn thương trong kỳ triệu tập ĐTQG. Pogba từng là mục tiêu hàng đầu của Zidane trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè. Tuy nhiên, đã không có thỏa thuận nào được đưa ra khi MU không sẵn sàng để anh ra đi. Giờ đây, trong bối cảnh MU đang khủng hoảng và có nguy cơ mất vé dự Champions League mùa sau, Pogba đang nóng lòng mở đường ra đi. Điểm đến của anh không đâu khác chính là Real. Và cuộc gặp gỡ vừa qua dấy lên nghi ngờ rằng cầu thủ này sắp đạt thỏa thuận ngầm với đội chủ sân Bernabeu.
Liverpool và Man City bị UEFA sờ gáy: Mới đây, Ủy ban kỷ luật của UEFA đã họp bàn và đưa ra các hình phạt dành cho nhiều đội bóng đang thi đấu tại Champions League vì những rắc rối trong các trận đấu trong tháng này, bao gồm cả Man City và Liverpool. Theo đó, Man City bị phạt 15.750 euro vì để CĐV ném đồ vật trong chiến thắng 2-0 trước Dinamo Zagreb vào ngày 1/10. Dinamo cũng đã được lệnh phải trả 20.000 euro cho cùng hành vi và các thiệt hại gây ra tại sân Etihad. Liverpool đã bị phạt 10.000 euro sau khi để CĐV lọt vào sân giữa và sau trận thắng 4-3 trước Salzburg tại Anfield vào ngày 2/10. Trong khi đó, Salzburg chỉ bị phạt 3.250 euro vì để CĐV ném đồ vật. Một số đội bóng bị phạt khác gồm có Ajax, Dortmund và Celtic (Europa League).
Man City chi 50 triệu bảng để nâng cấp hàng thủ: Trong buổi phỏng vấn mới đây, Gary Neville từng nhận định Liverpool sẽ là đội vô địch Premier League mùa này vì Man City đã có dấu hiệu suy yếu. Đội chủ sân Etihad đã thất bại trong việc tìm người thay thế trung vệ đội trưởng Vincent Kompany. Hàng thủ của họ mắc nhiều sai lầm và đang khiến các đối thủ có nhiều cơ hội hơn khi đối mặt trong thời gian qua. Nhận thấy điều đó, ban lãnh đạo Man City đã cấp cho HLV Pep Guardiola số tiền 50 triệu bảng để nâng cấp hàng thủ trong kỳ chuyển nhượng mùa Đông. Mục tiêu số 1 của chiến lược gia người Tây Ban Nha đang là trung vệ Samuel Umtiti của Barca. Ngoài ra, Rugani, Ruben Dias và cả Kalidou Koulibaly cũng đang nằm trong danh sách rút gọn của nửa xanh thành Manchester.
Real chốt xong kế hoạch mua sắm năm 2020: Theo tờ Diario Gol, Real Madrid đã chọn xong 3 mục tiêu hàng đầu cho kỳ chuyển nhượng mùa Hè năm 2020. Ba “bom tấn” mà Los Blancos dự kiến sẽ mang về gồm có Fabian Ruiz (Napoli), Paul Pogba (MU) và Kylian Mbappe (PSG). Để sở hữu 3 ngôi sao trên, Real sẽ phải chi ra khoảng 450 triệu euro. Ngoài ra, họ cũng để mắt tới tiền vệ N’Golo Kante của Chelsea nhưng xem đây không phải lựa chọn ưu tiên trong kế hoạch. Về trường hợp của Neymar, chủ tịch Florentino Perez quyết định đây không phải cái tên cần thiết cho kế hoạch phát triển lâu dài của CLB. Real đã chi 100 triệu euro để đưa Eden Hazard về trong mùa Hè qua và Perez tin cầu thủ người Bỉ sẽ thay thế Cristiano Ronaldo làm đầu tàu của Real trong tương lai.
Mesut Oezil tiết lộ thời điểm chia tay Arsenal: Mùa giải này, Mesut Oezil mới chỉ ra sân 2/11 trận của Arsenal và anh dường như không nằm trong kế hoạch của HLV Unai Emery. Chiến lược gia người Tây Ban Nha muốn bán Oezil trong tháng 1 này, nhưng Arsenal lại không tìm được người mua. Sau một thời gian im lặng, Oezil mới đây đã chia sẻ về tương lai của mình trong buổi phỏng vấn với David Ornstein. Khi được hỏi liệu anh có rời khỏi Arsenal không, Oezil nói muốn cam kết tương lai lâu dài với Arsenal.
Kinh điển Barca vs Real có nguy cơ bị hoãn: Trước tình hình căng thẳng tại thành phố Barcelona, BTC La Liga đã đề nghị LĐBĐ Tây Ban Nha (RFEF) cho thay đổi địa điểm đá trận “Kinh điển” lượt đi giữa Barca và Real Madrid về sân Bernabeu. Tuy nhiên, phía Real Madrid không chấp nhận yêu cầu này với lý do sẽ ảnh hưởng tới lịch thi đấu của họ. Lúc này, BTC La Liga và 2 đội bóng hàng đầu Tây Ban Nha vẫn chưa đi đến thống nhất về thời gian và địa điểm sẽ diễn ra trận Clasico lượt đi. Theo tờ Marca, trong trường hợp xấu nhất, trận đấu này sẽ bị hoãn và không thể diễn ra đúng ngày 26/10. Cũng theo nguồn tin trên, phán quyết cuối cùng liên quan tới thời gian và địa điểm tổ chức trận Clasico lượt đi sẽ được đưa ra vào đầu tuần sau (21/10).
Solskjaer mạo hiểm với Martial và Wan-Bissaka: Đại chiến với Liverpool ở vòng 9 Ngoại hạng Anh được coi là trận đấu quyết định tương lai của HLV Ole Solskjaer ở MU. Áp lực càng chồng chất với Solskjaer khi 2 trụ cột Paul Pogba và David De Gea dính chấn thương. Trong bối cảnh đó, vị thuyền trưởng người Na Uy buộc phải mạo hiểm sử dụng Aaron Wan-Bissaka và Anthony Martial dù 2 cầu thủ này chưa hoàn toàn hồi phục chấn thương.
AC Milan thua lỗ kỉ lục. Gazzetta dello Sport đưa tin, AC Milan đã thua lỗ 146 triệu euro trong năm tài khóa vừa qua, vượt qua kỉ lục cũ 20 triệu euro và nhiều hơn dự tính của BLĐ tới 50 triệu euro. Đây là hệ quả của việc Rossoneri bị loại khỏi Cúp châu Âu, khiến thu nhập từ các khoản tài trợ lẫn bán vé sụt giảm nghiêm trọng.
Kinh tế toàn cầu có rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ 2009?
Liệu nền kinh tế toàn cầu đang chao đảo liệu có rơi vào vòng xoáy suy thoái hay không đang là câu hỏi lớn đối với các thị trường tài chính, nhà điều hành chính sách và lãnh đạo các doanh nghiệp.
Giới đầu tư hoan nghênh những diễn biến tích cực mới đây trong căng thẳng Mỹ-Trung khi hai nước đạt được một phần thỏa thuận thương mại. Thêm vào đó là những dấu hiệu tích cực về khả năng Anh đi đến một thỏa thuận “ly hôn” với Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, các cuộc tranh luận về nguy cơ thế giới phải đối diện với cuộc suy thoái đầu tiên kể từ năm 2009 có thể sẽ sớm bắt đầu quay trở lại.
Các số liệu về GDP toàn cầu do Bloomberg Economics thu thập cho thấy nền kinh tế thế giới đã tăng trưởng chậm lại ở con số 2,2% trong quý 3/2019, giảm dần từ mức 4,7% ghi nhận vào đầu năm 2018. Lãnh đạo mới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva, dự đoán tình trạng tăng trưởng kinh tế giảm tốc sẽ lan rộng. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới năm 2019 vừa công bố ngày 15/10, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 và năm 2020 lần lượt xuống còn 3% và 3,4%.
Theo đánh giá của IMF, kinh tế thế giới đang tăng trưởng với tốc độ yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, trong khi lòng tin của giới đầu tư và kinh doanh suy giảm đáng kể do tranh chấp thương mại. Đồng thời, IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu đang trải qua giai đoạn vừa giảm tốc vừa phục hồi không chắc chắn. Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cho biết triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn bấp bênh.
IMF cũng hạ triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm 2019 xuống còn 2,4%, mặc dù đánh giá nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn là điểm sáng trên vũ đài kinh tế toàn cầu. IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng 2,4% trong năm 2019 và 2,1% năm 2020, vẫn cao hơn xu thế chung. Các nhà giao dịch trái phiếu cũng bày tỏ quan ngại khi mà 14.000 tỷ USD trái phiếu đang có lợi suất âm. Ngược lại, các nhà đầu tư cổ phiếu chứng kiến chỉ số thị trường chứng khoán thế giới của MSCI World Index tăng 14% trong năm nay.
Theo nhà kinh tế trưởng Tom Mitchik tại Bloomberg Economics, rất nhiều yếu tố cần “đi đúng hướng” để thế giới tránh được nguy cơ suy thoái. Dưới đây là những lý lẽ dự đoán về nguy cơ kinh tế toàn cầu suy thoái vào năm 2020.
Lý do để lo ngại về suy thoái
Cuộc chiến thương mại: Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động cuộc xung đột thương mại kéo dài 18 tháng với Trung Quốc đã gây ra áp lực lớn đối với tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, hai bên đã có đột phá trong đàm phán ngày 11/10 với việc Bắc Kinh đồng ý mua thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và Nhà Trắng đình chỉ một đợt áp thuế quan khác. Tuy nhiên, các tranh chấp gai góc nhất vẫn còn tồn tại và hai bên còn nhiều việc cần phải làm. Mục tiêu của Washington trong trung tâm cuộc chiến thương mại liên quan đến cáo buộc về hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và khiếu nại về trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc. Bên cạnh đó, ông Trump cũng vẫn có thể áp thuế đối với các nhà sản xuất ôtô ở châu Âu.
Bất ổn trong ngành sản xuất: Có thể thấy các nhà sản xuất là “nạn nhân” chịu thiệt hại lớn nhất từ cuộc chiến thương mại. Hoạt động sản xuất trên toàn cầu đã thu hẹp trong 5 tháng liên tiếp. Lĩnh vực xe hơi đặc biệt ảm đạm là vấn đề đau đầu đối với các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Đức và Nhật Bản. Các doanh nghiệp đang cắt giảm đầu tư. Câu hỏi đặt ra là liệu tình trạng này có lan ra từ ngành sản xuất sang lĩnh vực dịch vụ hay không?
Bất ổn địa chính trị: Mặc dù có tín hiệu tích cực, Anh và EU vẫn chưa ký kết được một thỏa thuận Brexit. Mỹ đang bất hòa với Iran sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia và một tàu chở dầu của Iran bốc cháy sau vụ nổ gần cảng Jeddah của Saudi Arabia hôm 11/10. Những diễn biến này có nguy cơ đẩy giá dầu tăng. Các cuộc biểu tình ở Iraq đã trở nên bạo lực, Thổ Nhĩ Kỳ phát động một cuộc tấn công ở Syria và biểu tình ở Hong Kong (Trung Quốc) có thể khiến nền kinh tế này rơi vào suy thoái. Argentina đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính khác và Ecuador, Peru và Venezuela cũng đối diện với nhiều vấn đề chính trị. Một cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump cũng như chiến dịch bầu cử Tổng thống năm 2020 cũng có thể thúc đẩy ông Trump đẩy mạnh chương trình nghị sự chống toàn cầu hóa.
Lợi nhuận doanh nghiệp thấp: Tăng trưởng lợi nhuận toàn cầu bị đình trệ trong quý 2/2019, làm giảm niềm tin kinh doanh và khiến doanh nghiệp thu hẹp đầu tư vốn trên toàn thế giới. Thu nhập của doanh nghiệp yếu đi dẫn tới làm chậm tốc độ tăng lương của người lao động, tăng trưởng năng suất mờ nhạt. Điều nguy hiểm là các tập đoàn có lợi nhuận yếu đi sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí thuê lao động và lương nhân công, gây ra hậu quả làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và lĩnh vực tiêu dùng của nền kinh tế.
Ngân hàng trung ương bị “trói tay”: Chính sách tiền tệ tại nhiều nước trên thế giới được nới lỏng vào đầu năm nay, nhưng các ngân hàng trung ương đang thiếu các biện pháp, trong một số trường hợp thậm chí còn hành động quá chậm. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giảm lãi suất khoảng 500 điểm cơ bản trong cả ba cuộc suy thoái kinh tế kể từ đầu những năm 1990, nhưng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ giờ đây có dư địa ít hơn nhiều. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã áp dụng lãi suất âm.
Ngân sách chính phủ hạn hẹp: IMF cùng nhiều tổ chức khác đã thúc giục các chính phủ nới lỏng ngân sách, song dường như chính sách tài khóa sẽ không được thực hiện một cách chủ động. Morgan Stanley ước tính thâm hụt tài khóa chính đã tăng lên mức tương đương 3,5% GDP tại các nền kinh tế lớn, từ mức 2,4% GDP năm ngoái. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 3,6% GDP trong năm tới. Trung Quốc và Đức đều có dư địa để kích thích tài khóa, nhưng lại chưa sẵn sàng làm việc này, trong khi Nhật Bản chọn biện pháp tăng thuế tiêu dùng.
Lý do để không phải lo lắng
Kinh tế Mỹ: Theo tính toán của Bloomberg Economics, nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ vào năm 2020 chỉ ở mức 25%. Nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đứng vững, nó sẽ "bù đắp" cho các nền kinh tế khác đang gặp khó khăn. Kinh tế nước này được kỳ vọng có thể tăng trưởng khoảng 1,5%. Mặt khác, Mỹ cũng được coi là một một nền kinh tế “ít cởi mở” hơn các nền kinh tế khác, điều đó có nghĩa là kinh tế nước này sẽ có thể tiếp tục tăng trưởng ngay cả khi thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng.
Thị trường việc làm tích cực: Người tiêu dùng Mỹ vẫn luôn là trụ cột tăng trưởng của kinh tế Mỹ một phần bởi tỷ lệ thất nghiệp ở đây thấp nhất trong 5 thập niên. Thị trường lao động Mỹ vẫn sẽ tiếp tục là yếu tố thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình. Conference Board mới đây thông báo chỉ số về niềm tin của người tiêu dùng toàn cầu vẫn gần mức cao kỷ lục.
Hỗ trợ từ ngân hàng trung ương: Fed đã giảm lãi suất hai lần trong năm nay và có thể tiếp tục hạ lãi suất một lần nữa trong tháng 10 này. ECB cũng hạ lãi suất xuống mức âm và dự kiến sẽ khởi động lại chương trình mua trái phiếu. Ngân hàng trung ương Nhật Bản đang xem xét thêm các biện pháp mạnh tay hơn. Các ngân hàng trung ương khác như Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Nam Phi và Brazil cũng đang thực hiện động thái tương tự. Chính sách tiền tệ cần có thời gian để mang lại hiệu quả cũng như hỗ trợ đối với nền kinh tế.
Trung Quốc: Trung Quốc có thể không nỗ lực để giải cứu nền kinh tế như cách mà nước này đã làm trong những lần tăng trưởng kinh tế sụt giảm trước đây bởi lo ngại về mức nợ tăng cao, song Bắc Kinh vẫn có thể thay đổi nếu cần thiết. Nước này đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007. Chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương dự kiến sẽ tăng cao hơn và đầu tư của nhà nước cũng có thể tăng đáng kể.
Không có các rủi ro truyền thống: Các cuộc suy thoái trước đây bắt nguồn từ tình trạng dư thừa, ví dụ như lạm phát tăng trong những năm 1980, sự bùng nổ của bong bóng công nghệ ở Mỹ vào đầu thế kỷ 21 hay sự sụp đổ của thị trường nhà ở một thập niên sau đó. Lần này, tỷ lệ lạm phát nói chung vẫn yếu. Trong khi giá cổ phiếu tăng cao, nó vẫn chưa đạt tới mức bị thổi phồng theo kiểu “bong bóng.” Ngay cả khi giá nhà ở Canada và New Zealand được đánh giá là không ổn định, các hộ gia đình ở nhiều nền kinh tế đã bắt đầu giảm vay nợ để đầu tư bất động sản.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 18/10/2019 là 1 AUD = 0.682 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 18/10/2019 là 1 AUD = 15,826 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời nhiều mây, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 34 độ.
Tại Hà Nội, thứ Bảy, trời nhiều mây, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 23 đến 30 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 24 đến 31 độ.
Tại Adelaide, thứ Bảy, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–17 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–19 độ.
Tại Brisbane, thứ Bảy, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 17–29 độ. Chủ nhật, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 17–29 độ.
Tại Sydney, thứ Bảy, trời nắng, chiều tối có mưa rào ở khu vực duyên hải, những nơi khác không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 14–28 độ. Chủ nhật, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12–21 độ.
Tại Melbourne, thứ Bảy, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 25-40 km/h. Nhiệt độ dao động từ 9–15 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–18 độ.
Cẩm Nhung – Hồng Đào