Chương trình Thời sự thứ Sáu, 17/07/2020

Cẩm Nhung | 17/07/2020 | 689 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Thêm nhiều nhân viên y tế nhiễm COVID-19, 142 nhân viên đang tự cách ly

- Victoria: COVID-19 tác động mạnh đến ngành tư pháp, khiến các luật sư phải đổi việc

- Victoria: Mọi người được khuyến cáo nên đeo khẩu trang khi vào trong các tòa án

- Victoria: Tạm ngừng tất cả các ca phẫu thuật tự chọn loại ba ở khu đô thị Melbourne

- Victoria: Công bố sáng kiến làm sạch đường thủy, tạo việc làm cho người bị thất nghiệp

- Tin Úc: Úc trợ cấp bổ sung hai tỷ đô la để hỗ trợ cho những người tìm việc

- Lilydale: Xây dựng Trung tâm Tích hợp Công nghệ Xây dựng Bền vững

- Carlton: Các camera quản lý lưu lượng giao thông sẽ được lắp đặt vào tháng Chín

- Tin vắn

Tin thế giới:

Tây Ban Nha hôm 16/7 đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ hơn 28,4 nghìn người dân nước này tử vong do COVID-19. Tham dự buổi lễ cấp Nhà nước có các quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu và Tổ chức Y tế Thế giới, Nhà vua và Hoàng hậu, các quan chức Chính phủ Tây Ban Nha, cùng đại diện lực lượng y tế, cảnh sát. Những người tham dự buổi lễ đều đeo khẩu trang và ngồi theo đúng khuyến cáo giãn cách xã hội. Phát biểu tại buổi lễ, Nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI kêu gọi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm trong cuộc chiến chống COVID-19. Trước diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19, Chính phủ Tây Ban Nha đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 14/3 và áp đặt các biện pháp phong tỏa được cho là nghiêm ngặt nhất thế giới. Vào thời điểm này, sau gần 3 tuần mở cửa trở lại nền kinh tế, Tây Ban Nha tiếp tục đối mặt với hàng chục ổ lây nhiễm mới.

Sáng 16/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ đưa ra tuyên bố về thay đổi nhân sự cấp cao trong ê kíp vận động tranh cử của mình. Cụ thể, ông Bill Stepien sẽ được bổ nhiệm làm Giám đốc ban vận động tái tranh cử tổng thống 2020, thay cho ông Brad Parscale. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy cựu Phó Tổng thống Joe Biden vẫn tiếp tục dẫn trước Tổng thống Trump với cách biệt hai con số. Giới phân tích cho rằng quyết định trên của Tổng thống Trump đã được dự đoán từ trước, đặc biệt sau cuộc vận động tranh cử ở thành phố Tulsa, với số người tham dự chưa tới một nửa con số dự đoán mà ông Parscale công bố trước đó.

Các công ty Thụy Sĩ đã xuất khẩu lượng vũ khí trị giá 501 triệu CHF (530 triệu USD) trong nửa đầu năm nay, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Giới chức Thụy Sĩ cho biết việc xuất khẩu vũ khí tăng trưởng đột biến không phải là điều bất thường, do các hợp đồng quốc phòng lớn có thể có tăng mạnh trong khoảng thời gian nhưng sau đó sẽ giảm. Trong 6 tháng đầu năm ngoái, xuất khẩu vũ khí của Thụy Sĩ chỉ đạt hơn 273 triệu CHF. Năm nay, các công ty Thụy Sĩ đã xuất khẩu vũ khí sang 55 quốc gia. Hệ thống phòng không và xe bọc thép là hai mặt hàng được mua nhiều nhất.

Trung Quốc ngày 16/7 bày tỏ kỳ vọng rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà nước này đạt được với Mỹ có thể vẫn sẽ được thực thi. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Trung Quốc luôn thực hiện các cam kết của mình nhưng Mỹ đang có những hành động gây sức ép lên nước này. Với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, Trung Quốc sẽ có phản ứng trước những hành động đó. Cách đây vài ngày, Mỹ đã tước bỏ những ưu đãi thương mại dành cho Hong Kong, đồng thời liệt hàng loạt quan chức và doanh nghiệp của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt. Trung Quốc đã chỉ trích những động thái này và tuyên bố sẽ có hành động đáp trả.

Công ty dược phẩm quốc doanh Sinopharm của Trung Quốc đã bắt đầu giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Abu Dhabi với sự tham gia của 15.000 tình nguyện viên. Sinopharm được cấp phép tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối hồi cuối tháng 6 vừa qua. Vaccine của công ty này đã vượt qua các thử nghiệm giai đoạn 1 và giai đoạn 2 với kết quả 100% các tình nguyện viên phát triển kháng thể sau khi dùng 2 liều vaccine trong 28 ngày. Hiện chưa có loại vaccine phòng COVID-19 nào được cấp phép đưa vào sử dụng với mục đích thương mại. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay trên thế giới có 23 loại vaccine tiềm năng đang thử nghiệm trên người, trong đó có 3 loại đang trong quá trình hoặc mới bắt đầu thử nghiệm quy mô lớn giai đoạn cuối (giai đoạn 3) để đánh giá hiệu quả phòng dịch.

Ngày 16/7, Tòa án Công lý châu Âu đã vô hiệu hóa thỏa thuận "Lá chắn bảo mật" về bảo vệ quyền riêng tư giữa Liên minh châu Âu và Mỹ. Tòa án vẫn giữ nguyên các thỏa thuận khác giữa châu Âu và phần còn lại của thế giới. Những điều khoản hợp đồng tiêu chuẩn chỉ có hiệu lực nếu quốc gia nhận dữ liệu có các biện pháp bảo vệ tương đương với những điều khoản theo luật của EU, điều mà Mỹ hiện không có. Phán quyết bắt nguồn từ một cuộc chiến pháp lý kéo dài trong 7 năm qua. Trong phán quyết của mình, Tòa án Công lý châu Âu cho rằng, thỏa thuận trên không đủ để bảo vệ người dân châu Âu trước các đạo luật an ninh và giám sát của Mỹ. Ngay sau khi quyết định trên, Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, Washington vô cùng thất vọng với phán quyết. Ông Ross khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban châu Âu (EC) về vấn đề này.

Cảnh sát châu Âu vừa triệt phá một băng nhóm làm tiền giả xuyên quốc gia, đồng thời bắt giữ 44 đối tượng tại Italy, Pháp và Bỉ. Cảnh sát Pháp ngày 16/7 cho biết 40 đối tượng tình nghi đã bị bắt giữ tại Italy, 3 đối tượng tại Pháp và một tại Bỉ trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc điều tra kéo dài nhiều năm do Cơ quan Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol) thực hiện. Ngoài ra, cảnh sát còn tịch thu 8 triệu euro (9,1 triệu USD) tiền mặt cùng nhiều tang vật có giá trị tương đương số tiền này. Các đối tượng trên bị tình nghi làm tiền giả, chủ yếu mệnh giá 50 euro, với tổng giá trị khoảng 10 triệu euro (11,41 triệu USD). Đại diện cảnh sát Pháp Eric Bertrand cho biết trong một vài năm trở lại đây, 90% số tiền giả chất lượng cao trong lưu thông có nguồn gốc từ Italy.

Tỷ lệ tiêm chủng vaccine ở trẻ em nhằm phòng ngừa các căn bệnh nguy hiểm như sởi, uốn ván, bạch hầu... đã giảm ở mức đáng báo động trong thời kỳ diễn ra dịch COVID-19. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), điều này khiến hàng triệu trẻ có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm. Theo số liệu của WHO, các đợt bùng phát dịch sởi đang có chiều hướng gia tăng. Chỉ riêng trong năm 2018, gần 10 triệu người mắc sởi, trong đó có 140.000 người tử vong, hầu hết là trẻ em. Trong khi đó, các số liệu thống kê sơ bộ 4 tháng đầu năm nay cho thấy: Số lượng trẻ được tiêm đầy đủ 3 liều vaccine DTP phòng bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván đã giảm đáng kể. Đây là lần đầu tiên trong vòng 28 năm qua, thế giới ghi nhận mức sụt giảm mạnh như vậy trong hoạt động tiêm chủng vaccine DTP. Theo số liệu năm 2019, gần 14 triệu trẻ trên toàn thế giới đã mất đi cơ hội được tiêm vaccine bảo vệ mạng sống của các em. Hầu hết trong số này là trẻ nhỏ tại châu Phi và các em còn thiếu cơ hội tiếp cận với nhiều dịch vụ y tế khác.

Thế giới đang tìm cách định hình lại quan hệ với Trung Quốc

Để miêu tả về mối quan hệ giữa các quốc gia với Trung Quốc, người ta không thể chỉ gói gọn trong một từ. Thay vào đó, mối quan hệ này là sự kết hợp giữa hợp tác và cạnh tranh, thúc đẩy và kiềm chế, hòa hợp và đối đầu.

Trên thực tế, những cặp từ ngữ đối lập song hành trên đã phản ánh tình thế "tiến thoái lưỡng nan" của các nước trong quan hệ với Trung Quốc mà quyền lực của nước này giờ đây không chỉ đơn giản là "trỗi dậy" nữa.

Hàng loạt động thái gần đây của Trung Quốc đã cho thấy nước này muốn chứng tỏ rằng Bắc Kinh đủ khả năng xử lý các vấn đề trong nước và thế giới, thậm chí cả ở những vấn đề gây tranh cãi mà nước này có nguy cơ đối mặt với các lệnh trừng phạt.

Minh chứng cụ thể là qua các sự kiện, từ việc Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia về Hong Kong cho tới đụng độ biên giới với Ấn Độ, và chính sách ngoại giao ngày càng quyết đoán trong đại dịch Covid-19.

Giữa bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump ưu tiên chính sách "Nước Mỹ trước tiên" và các cấu trúc đa phương đang suy yếu, các quốc gia ngày càng hiểu rõ rằng họ cần suy nghĩ lại về mối quan hệ với Bắc Kinh.

Các quan chức thuộc nhiều quốc gia khác nhau đều nhận định rằng cách duy nhất để đối phó với Trung Quốc là xích lại gần nhau, dù có hay không có Mỹ. Họ bắt đầu thực hiện kế hoạch này theo những cách thức mới, đặc biệt là những quốc gia tầm trung như Australia, Canada, Ấn Độ và Anh, các nước đã có một thời gian dài cố gắng cân bằng sự phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc do những lo ngại về hành động của nước này.

Ở một mức độ nào đó, Mỹ dường như cũng đang nỗ lực "sửa chữa" các mối quan hệ với đối tác và đồng minh. Theo một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Trump và 2 nhà ngoại giao phương Tây cấp cao ở Trung Quốc, các nhà ngoại giao Mỹ đang cố gắng tập hợp đồng minh ở châu Á và những nơi khác. Một phần của chiến lược này là việc kêu gọi các nước giảm sự phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc qua việc không tham gia vào chuỗi cung ứng của nước này cũng như tăng cường đầu tư trong nước ở các ngành sản xuất và công nghệ cao.

Cùng với Mỹ, Australia, Canada và Anh gần đây đã đưa ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Hong Kong. Một nhà ngoại giao phương Tây đã gọi cách tiếp cận Trung Quốc thống nhất hơn của Mỹ và đồng minh là "một sự bình thường mới".

Sau cuộc đụng độ biên giới đẫm máu với Trung Quốc, các quan chức Ấn Độ cũng nói rằng họ có kế hoạch mời Australia tham gia các cuộc tập trận hải quân hàng năm cùng với Nhật Bản và Mỹ. Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ là các thành viên trong “Bộ tứ kim cương” (nhóm QUAD) ra đời năm 2007, nhằm thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương, trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Thái độ của các quốc gia với Trung Quốc đã thay đổi. Một số quốc gia ban đầu chỉ dừng lại ở việc chỉ trích Trung Quốc một cách vừa phải thì nay đã lên tiếng và hành động mạnh mẽ hơn. Một xu hướng rõ ràng là các nước đang hợp tác với nhau để phản ứng với Trung Quốc khi tìm kiếm sức mạnh từ số đông.

Đầu tháng 6, một nhóm các nghị sĩ từ 16 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) đã thành lập Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) nhằm lên kế hoạch thực hiện các hành động đối phó với Bắc Kinh.

Yuka Kobayashi, trợ lý giáo sư chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và chính trị quốc tế tại Đại học London nhận định, các nghị sĩ từ nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực tạo nên một mặt trận chung chống Trung Quốc. "Tôi chưa từng chứng kiến bất kỳ điều gì như thế. Điều này thật đáng chú ý", chuyên gia này nhận định.

Bà Yuka Kobayashi cũng chỉ ra rằng việc một số quốc gia loại tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc khỏi hạ tầng internet tốc độ cao là một minh chứng khác cho thấy sự thống nhất giữa các nước trong lập trường về Trung Quốc. "Nếu xu hướng này tiếp diễn, điều đó sẽ tạo nên những thách thức nghiêm trọng với Trung Quốc".

Hôm 14/7, việc Anh cấm thiết bị 5G của Huawei được cho là một chiến thắng quan trọng của chính quyền Tổng thống Trump khi Mỹ liên tục gây sức ép với các đồng minh quan trọng để thực hiện bước đi này. Australia và Nhật Bản cũng cấm hoặc có kế hoạch tạm dừng sử dụng các sản phẩm của Huawei trong hệ thống mạng không dây tốc độ cao.

Ấn Độ mới đây đã cấm nền tảng chia sẻ video trên mạng xã hội TikTok và nhiều ứng dụng khác của Trung Quốc với lý do lo ngại về vấn đề an ninh. Mỹ cũng đang tính sẽ cấm TikTok vì cùng lý do này.

Tuy nhiên, kêu gọi hợp tác là một chuyện, nhưng hợp tác như thế nào lại là chuyện khác, bởi sự khác biệt về lập trường và lợi ích giữa các quốc gia. Trong một cuộc họp gần đây với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã đề nghị tiến hành một cuộc đối thoại chỉ tập trung vào Trung Quốc. Dù vậy, một quan chức thân cận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cảnh báo rằng EU không nên trở thành trung gian hòa giải giữa Mỹ và Trung Quốc, một phần là bởi EU có chính sách và kế hoạch của riêng mình.

Hơn nữa, từ châu Phi tới Đông Nam Á, chính sách ngoại giao kinh tế của Trung Quốc, thường ở những khu vực mà chính quyền Tổng thống Trump và các nhà đầu tư Mỹ không chú ý tới, đã khiến cho sự ràng buộc giữa các nước này với Bắc Kinh quá chặt chẽ đến nỗi không thể "nói bỏ là bỏ".

Một quan chức Mỹ cho hay, một số quốc gia đang lo ngại họ sẽ bị mắc kẹt trong căng thẳng Mỹ - Trung khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới liên tục "ăn miếng trả miếng" trong nhiều vấn đề. Một nhà ngoại giao phương Tây khác thì cho rằng các quốc gia đã cảm thấy mệt mỏi khi các diễn đàn đa phương giờ đây luôn phủ bóng bởi cuộc đối đầu Mỹ - Trung.

Các quan chức ở những quốc gia nhỏ hơn nhận định, thay vì nỗ lực thay đổi toàn bộ chính sách với Trung Quốc, họ lựa chọn theo đuổi những khía cạnh cụ thể có thể hợp tác với Bắc Kinh, chẳng hạn như đối phó với biến đổi khí hậu.

Một quan chức cấp cao châu Âu cũng tán thành với lập trường này khi nói rằng các nhà lãnh đạo các nước vẫn muốn Trung Quốc là đối tác trong một số vấn đề.

Mặc dù các dự án của Trung Quốc ở nhiều nước gây ra tranh cãi nhưng quốc gia này vẫn là đối tác thương mại lớn nhất châu Phi với kim ngạch thương mại 2 chiều đạt hơn 180 tỷ USD, gấp 4 lần so với Mỹ.

Giám đốc Cục Tình báo Liên bang (FBI) Christopher Wray, mặc dù tuyên bố Trung Quốc là "mối đe dọa dài hạn lớn nhất với hệ thống thông tin và tài sản trí tuệ cũng như sức mạnh của nền kinh tế Mỹ", cũng khẳng định rằng, mối quan hệ với Bắc Kinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

"Đối phó hiệu quả với mối đe dọa này không có nghĩa là chúng ta không làm ăn với Trung Quốc, không có nghĩa là chúng ta sẽ không tiếp nhận du khách Trung Quốc, không có nghĩa là chúng ta sẽ không chào đón du học sinh Trung Quốc hay không cùng tồn tại với Trung Quốc trên trường quốc tế", ông Wray đánh giá.

"Thay vào đó, điều này nghĩa là, nếu Trung Quốc vi phạm luật pháp và các quy chuẩn quốc tế, chúng ta không nhân nhượng và sẽ không phản ứng yếu ớt".

Trong khi đó, tuy vẫn tồn tại những bất đồng với Trung Quốc trong một số vấn đề nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khẳng định rằng, "không có lý do gì để không duy trì đối thoại với Trung Quốc".

Loại Trung Quốc ra khỏi cuộc chơi không phải lựa chọn thực tế nhưng rõ ràng, nhiều quốc gia trên thế giới đang thể hiện quyết tâm định hình lại quan hệ với Bắc Kinh bằng cách bắt tay hợp tác với nhau.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 17/07/2020 là 1 AUD = 0.698 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 17/07/2020 là 1 AUD = 16,200 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 32 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, có mưa dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ.

Tại Hà Nội, thứ Bảy, trời có mây rải rác, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 29 đến 39 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng nóng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 28 đến 39 độ.

Tại Adelaide, thứ Bảy, trời nhiều mây, chiều tối có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–17 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10–14 độ.

Tại Brisbane, thứ Bảy, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–23 độ. Chủ nhật, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 11–24 độ.

Tại Sydney, thứ Bảy, trời có mây rải rác, gió nhẹ, sóng lớn có thể xuất hiện gây nguy hiểm cho các hoạt động như câu cá, bơi lội và lướt sóng. Nhiệt độ dao động từ 11–18 độ. Chủ nhật, trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–20 độ.

Tại Melbourne, thứ Bảy, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 6–14 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, chiều tối có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–14 độ.

Cẩm Nhung

 
 

 

 

Đánh giá bản tin này