Chương trình Thời sự thứ Sáu, 16/08/2019

Cẩm Nhung | 16/08/2019 | 713 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Chợ Queen Victoria Market cung cấp thêm lựa chọn mua sắm trực tuyến

- Victoria: Chính quyền bang tăng mức mục tiêu năng lượng tái tạo lên 50% trước năm 2030

- Tin Úc: Khủng hoảng rác thải, Victoria chuyển chất thải hóa chất đến Nam Úc để xử lý

- Melbourne: Một phụ nữ bị lừa tiền sau khi lầm tưởng tin tặc là luật sư của mình

- Di trú: Úc sẽ cấp visa định cư cho 5,000 chuyên gia xuất sắc nhất thuộc nhiều lĩnh vực

- Essendon: Bắt băng cướp cố ý va quẹt xe để tấn công và cướp tài sản

- Sydney có thể sẽ không còn đất công nghiệp trong hai năm tới

- Melbourne: Phụ huynh không hề được thông báo về nguy cơ hỏa hoạn ở một nhà trẻ

- Tin vắn

Tin thế giới:

Căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục leo thang, sau khi Hàn Quốc thông báo Triều Tiên lại tiếp tục phóng các vật thể bay không xác định ra phía Biển Nhật Bản. Quân đội Hàn Quốc thông báo, ngày 16/8, Triều Tiên đã phóng 2 vật thể bay không xác định ra Biển Nhật Bản. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS), các vật thể bay được phóng đi từ huyện Tongchon thuộc tỉnh Kangwon của Triều Tiên. Đây là vụ phóng thử thứ 6 của Triều Tiên chỉ trong vòng 3 tuần. Một số nguồn tin cho rằng, Triều Tiên đã tiếp tục phóng thử tên lửa tầm ngắn giống như những vụ phóng trước đây. Trong khi đó, Triều Tiên hôm 16/8 khẳng định đối thoại với Hàn Quốc không thể tiếp tục sau cuộc tập trận Mỹ – Hàn.

Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa tại nhiệm chưa lâu đã gặp phải thử thách. Lãnh đạo Công đảng đối lập tại Anh Jeremy Corbyn đã kêu gọi Nghị viện bãi nhiệm Thủ tướng Boris Johnson nhằm ngăn chặn kịch bản một Brexit cứng hay Anh rời EU mà không có thỏa thuận. Theo ông Corbyn, Chính phủ hiện nay không được phép đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận và cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 cũng không trao cho họ quyền này. Đây chính là lý do khiến ông muốn Nghị viện Anh bỏ phiếu bãi nhiệm Thủ tướng Boris Johnson và bỏ phiệu tín nhiệm ông với tư cách là lãnh đạo một chính phủ tạm quyền có giới hạn thời gian. Mục đích là kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử và kéo dài thời hạn Brexit cần thiết để đảm bảo Anh rời khỏi Liên minh châu Âu cùng với thỏa thuận. Dự kiến, nghị viện Anh sẽ nhóm họp trở lại vào ngày 3/9 tới.

Tổng thống Hàn Quốc cho biết, nước này "sẵn lòng phối hợp" với Nhật Bản nếu Nhật Bản chọn đối thoại để giải quyết tình trạng căng thẳng thương mại đang leo thang. Phát biểu nhân dịp kỷ niệm 74 năm Quốc khánh Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng cảnh báo, trật tự thương mại tự do toàn cầu có thể bị ảnh hưởng nếu một quốc gia sử dụng lợi thế của mình để làm vũ khí khi xảy ra căng thẳng. Đây là một trong những lời đề nghị đối thoại rõ ràng nhất của Seul đối với Tokyo kể từ khi Nhật Bản ra quyết định hạn chế xuất khẩu 3 nguyên liệu công nghiệp quan trọng sang Hàn Quốc.

Tòa án tối cao Gibraltar đã ra phán quyết thả tàu chở dầu Grace 1 của Iran bị bắt giữ hồi tháng 7 bất chấp đề nghị tiếp tục tạm giữ tàu này từ phía Mỹ. Quyết định được đưa ra sau khi chính quyền Gibraltar, vùng lãnh thổ Anh tại Địa Trung Hải, nhận được thư đảm bảo từ phía Iran rằng tàu Grace 1 "không bao giờ đi tới một thực thể bị Liên minh châu Âu trừng phạt". Do đó, không có lý do hợp lý nào để bắt giữ con tàu này. Trong khi đó, báo chí tại Gibraltar đưa tin, chính quyền Gibraltar đã quyết định thả tàu chở dầu Grace 1 sau khi nhận được thư đảm bảo của Chính phủ Iran rằng con tàu này sẽ không dỡ hàng tại Syria.

Ngày 12/8 vừa qua, Mỹ đã công bố quy định nhập cư mới, theo đó Mỹ có thể từ chối quyền định cư lâu dài đối với những người thuộc diện quá nghèo. Nhà chức trách Mỹ lập luận, sự thay đổi này nhằm đảm bảo rằng người nhập cư sẽ phải tự túc, không được phụ thuộc vào các nguồn lực công để đáp ứng nhu cầu của bản thân. Giới chuyên gia cho rằng, đây có thể là biện pháp quyết liệt nhất trong các chính sách chống nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vài ngày sau khi quy định này được công bố, giới chức 13 bang như Illinois, Michigan, New Jersey đã nộp đơn kiện Bộ An ninh nội địa Mỹ lên Tòa án bang Washington, trong đó nêu rõ quy định mới mà chính phủ ban hành ảnh hưởng đến luật nhập cư liên bang, tức là chỉ tạo thuận lợi cho những người di cư giàu có.

Ngày 15/8, Thủ tướng Italy thông báo, 6 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý tiếp nhận khoảng 150 người di cư trên con tàu cứu hộ Open Arms đang neo đậu gần đảo Lampedusa của Italy. Các nước đồng ý tiếp nhận người di cư là Pháp, Đức, Romania, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Luxembourg. Con tàu tìm kiếm, cứu nạn Open Arms đã bị mắc kẹt tại Địa Trung Hải gần 2 tuần sau khi Bộ Nội vụ Italy cấm các tàu cứu người di cư được phép cập bến hồi đầu tháng này. Open Arms đã gửi đơn kháng cáo lên tòa án để yêu cầu được phép cập cảng Italy, cho rằng con tàu nhân đạo này có quyền đưa người di cư đến nơi an toàn theo luật biển quốc tế.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhấn mạnh, quốc gia này vẫn cam kết tuân thủ JCPOA và sẵn sàng đối thoại. Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 14/8 cho biết, nếu Tehran tiến đến giai đoạn 3 của việc giảm thực hiện những nghĩa vụ theo Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), các nước ký kết thỏa thuận hạt nhân này sẽ có thêm 60 ngày để hoàn tất những yêu cầu của Iran và bảo vệ thỏa thuận. Cho tới nay, Iran đã từng bước hiện thực hóa lời cảnh báo điều chỉnh phạm vi tuân thủ cam kết sau khi các quốc gia còn lại, đặc biệt là Anh, Pháp và Đức, không đưa ra được một con đường khả quan để cứu vãn thỏa thuận, giúp Iran tránh những trừng phạt của Mỹ sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 5/2018. Đầu tháng 8/2019, Tehran tuyên bố vượt xa hạn mức urani làm giàu cấp thấp được phép dự trữ là 300kg và bắt đầu làm giàu urani hơn giới hạn 3,67% nêu trong thỏa thuận lên 4,5%.

Phát biểu với giới phóng viên ngày 15/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết kế hoạch đàm phán thương mại với Trung Quốc trong tháng 9 vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch và hai bên sẽ tiếp tục đàm phán qua điện thoại. Ông Trump đưa ra tuyên bố trên chưa đầy một tuần sau khi thông báo về khả năng hoãn vòng đàm phán tiếp theo tại Washington. Tổng thống Trump khẳng định Mỹ đang có các cuộc đàm phán rất tốt với Trung Quốc, nhưng nếu Bắc Kinh có hành động trả đũa thì Washington sẽ lập tức có biện pháp đáp trả. Trong một tuyên bố riêng rẽ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hy vọng lãnh đạo hai nước sẽ sớm gặp nhau để tìm ra các giải pháp hai bên chấp nhận được thông qua đối thoại và tham vấn, trên cơ sở công bằng và tôn trọng lẫn nhau.

Hong Kong, Trung Quốc vừa đưa ra gói hỗ trợ kinh tế trị giá 19,1 tỷ HKD (khoảng 2,4 tỷ USD) do ảnh hưởng từ những cuộc biểu tình liên tiếp và thương chiến Mỹ – Trung. Hãng tin Reuters dẫn lời Cục trưởng Cục Tài chính Paul Chan của đặc khu hành chính Hong Kong cho biết, các biện pháp hỗ trợ sẽ bao gồm trợ cấp cho người bị thiệt hại và những doanh nghiệp. Chính quyền Hong Kong sẽ hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 xuống từ 0 - 1% so với ước tính tăng trưởng ban đầu là 2 - 3%. Theo nhận định của chuyên gia, các hoạt động biểu tình đã làm sân bay quốc tế Hong Kong không thể hoạt động trong 2,5 ngày, gây thiệt hại về kinh tế tương đương 620 triệu HKD (khoảng 79 triệu USD).

Ngày 15/8, truyền thông Trung Đông đưa tin, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã hủy quyết định cho phép liên quân quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu và một số cánh vũ trang khác sử dụng không phận Iraq. Quyết định của Thủ tướng Mahdi được cho là một phần trong những nỗ lực nhằm giải quyết hậu quả từ vụ nổ kho đạn làm rung chuyển thủ đô Baghdad trước đó vài ngày. Theo một số quan chức Iraq, quyết định này nhằm ngăn chặn thiệt hại đối với trang thiết bị của các nhóm vũ trang dòng Shi'ite, sau khi nhiều chỉ huy cho rằng nguyên nhân của hầu hết các vụ nổ kho đạn là do các máy bay không người lái gây ra.

Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga mới đây đã phát minh ra vệ tinh có khả năng tự hủy khi kết thúc tuổi thọ. Phát minh về "vệ tinh tự hủy" trên nhằm đưa ra giải pháp cho vấn đề trôi nổi mảnh vỡ không gian. Theo đó, vệ tinh sẽ tự hủy dưới tác động của những yếu tố không gian bên ngoài, chủ yếu là sự đốt nóng. Phát minh về vệ tinh mới yêu cầu sử dụng vật liệu có đặc tính thăng hoa, tức là bỏ qua giai đoạn hóa lỏng, chuyển hóa trực tiếp từ trạng thái rắn sang thể khí mà không biến thành chất lỏng khi bị nung nóng. Được biết, cấu trúc thông minh cho phép các vệ tinh tự phân hủy ngay khi hoàn thành sứ mệnh hoặc gặp trục trặc khiến nó không thể hoạt động.

Mới đây, các nhà nghiên cứu Mỹ vừa tìm thấy những mảnh nhựa siêu nhỏ trong các lõi băng được khoan ở Bắc Cực. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng máy bay trực thăng để hạ cánh trên các tảng băng và lấy mẫu trong chuyến thám hiểm tàu phá băng kéo dài 18 ngày, qua hành lang Tây Bắc, tuyến đường nối giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Trong các lõi băng, họ đã tìm thấy nhựa siêu nhỏ và vật liệu nhựa với nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau. Việc tìm thấy rác thải nhựa ở những vùng xa xôi nhất hành tinh cho thấy vấn đề rác thải nhựa đã ở mức cao như thế nào. Liên Hợp Quốc ước tính 100 triệu tấn nhựa đã được đổ xuống các đại dương.

Tin thể thao:

Messi, Ronaldo, Van Dijk vào top 3 ứng viên Cầu thủ hay nhất mùa của UEFA: Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) vừa thông báo danh sách rút gọn top 3 ứng viên tranh giải "Cầu thủ nam xuất sắc nhất năm 2019". Đó là Lionel Messi (Barcelona & ĐT Argentina), Cristiano Ronaldo (Juventus & ĐT Bồ Đào Nha) và Virgil van Dijk (Liverpool & ĐT Hà Lan). Năm ngoái, Luka Modric đã đoạt giải thưởng cá nhân danh giá này sau khi vô địch Champions League mùa thứ 3 liên tiếp cùng Real Madrid và cùng ĐT Croatia vào đến chung kết World Cup 2018. Cuộc đua tranh danh hiệu "Cầu thủ nam xuất sắc nhất UEFA 2019" giữa Messi, Ronaldo và Van Dijk sẽ chỉ ngã ngũ khi danh tính người thắng cuộc được UEFA công bố trong lễ bốc thăm vòng bảng Champions League mùa giải 2019/20 tại trụ sở ở Nyon (Thụy Sĩ) ngày 29/8 sắp tới.

MU phát hiện thêm điểm sáng mới ở tân binh Maguire: Không chỉ chơi xuất sắc trong trận thắng 4-0 của MU trước Chelsea, Harry Maguire còn khiến ban huấn luyện Quỷ đỏ hài lòng với những gì anh thể hiện đằng sau sân cỏ. Một nguồn tin từ MU cho biết, Maguire dù mới đến MU nhưng hòa nhập rất nhanh. Trung vệ người Anh còn có tố chất thủ lĩnh, nhanh chóng tạo được tiếng nói đối với các ngôi sao trẻ của đội bóng.

Oezil và Kolasinac trở lại tập luyện cùng Arsenal: Arsenal đã đón bộ đôi cầu thủ Mesut Oezil và Sead Kolasinac trở lại sân tập chuẩn bị cho trận đấu với Burnley cuối tuần này. Trước đó, ở trận khai màn mùa giải mới gặp Newcastle, Arsenal đã cho Oezil và Kolasinac nghỉ thi đấu vì lo ngại an ninh. Bộ đôi cầu thủ của họ bị cướp tấn công trên đường phố London và mắc kẹt vào cuộc chiến của những băng đảng với những lời đe dọa nguy hiểm với an toàn của bản thân và gia đình. Trận gặp Burnley sẽ là trận đấu đầu tiên của Arsenal trên sân nhà mùa giải này.

Barca mất Messi trận mở màn Liga: Barca sẽ không có sự phục vụ của siêu sao Lionel Messi trong trận khai màn Liga mùa giải mới gặp Athletic Bilbao. Trong buổi tập tuần trước, Messi dính chấn thương bắp chân và phải hồi phục thể lực với giáo án riêng từ đó tới nay. HLV Ernesto Valverde sẽ không mạo hiểm cầu thủ của mình cho trận đấu với Bilbao. Barca kỳ vọng Messi có thể trở lại ở trận đấu trên sân nhà gặp Real Betis vào ngày 25/8. Với việc Messi vắng mặt, HLV Valverde khả năng sẽ sử dụng bộ ba Antoine Griezmann, Ousmane Dembele và Luis Suarez trên hàng công.

Đàm phán vụ Neymar chưa có tiến triển: Giám đốc thể thao Leonardo của PSG đã có những chia sẻ về việc đàm phán tương lai Neymar với đối tác Barca. Theo ông Leonardo, chưa có tiến triển cụ thể nào khi 2 bên ngồi lại với nhau vào hôm thứ Tư. Có thể thấy thương vụ Neymar chưa thể chốt trong ngày một ngày hai. PSG và Barca vẫn còn rất xa một thỏa thuận. Đề nghị đầu tiên Barca gửi tới chưa thuyết phục được đội bóng Pháp ở cả cầu thủ đem trao đổi lẫn số tiền mặt họ dự tính chi ra để đưa Neymar trở lại Camp Nou.

Hai lý do MU không mua Fernandes: Tiền vệ Bruno Fernandes đã được liên hệ với MU trong suốt mùa Hè này. Tuy nhiên cho đến khi kỳ chuyển nhượng tại Anh đóng cửa, vẫn không hề có thỏa thuận nào được đưa ra. Theo tờ Express, lý do MU không thực hiện động thái nào dành cho Fernandes bởi vì họ thấy Sporting Lisbon đã lợi dụng sự quan tâm của nhiều đội bóng khác để đẩy giá cầu thủ này lên quá cao. Còn theo tờ Mirror, MU không chiêu mộ tiền vệ 24 tuổi này vì anh rất hay để mất bóng và điều đó không hề tốt với môi trường Premier League. Fernandes vừa có một mùa giải bùng nổ trong màu áo Sporting Lisbon. Anh đã ghi tới 31 bàn thắng trên mọi đấu trường nhưng vẫn chưa có CLB nào nghiêm túc hỏi mua trong mùa Hè này.

CĐV Chelsea đòi đá lại Siêu cúp châu Âu: Liverpool vừa đánh bại Chelsea với tỷ số 5-4 trên chấm 11m để giành Siêu cúp châu Âu lần thứ 4 trong lịch sử. Người hùng của họ trong trận đấu này là thủ thành Adrian. Anh chính là người đã cản phá quả penalty quyết định của sao trẻ Tammy Abraham. Tuy nhiên mới đây, các CĐV Chelsea đã đưa ra một bức ảnh cho rằng Adrian đã sai luật khi cản phá cú sút này. Cụ thể, cả hai chân của thủ thành 32 tuổi đã đứng trên vạch vôi. Theo quy định mới của FIFA, người cản phá phải giữ ít nhất một chân trên vạch vôi ở thời điểm đá phạt. Dù có sự hỗ trợ của công nghệ VAR nhưng trọng tài Stephanie Frappart đã bỏ qua tình huống này. Các CĐV Chelsea cảm thấy không phục và đã đồng loạt lên mạng xã hội kêu gọi đá lại trận tranh Siêu cúp châu Âu.

Vì Champions League, Chủ tịch Juventus làm căng với UEFA: Nhóm những đội bóng hàng đầu châu Âu, được lãnh đạo bởi chủ tịch của Juventus Andrea Agnelli đã hủy bỏ cuộc đàm phán với UEFA bàn về cải tổ toàn diện format của Champions League dự kiến tổ chức vào hôm thứ Năm theo giờ địa phương. Thay vào đó, một cuộc gặp riêng giữa Andrea Agnelli và chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin sẽ được tổ chức vào ngày 11/9 tới.

Nick Kyrgios lại khiến Cincinnati "rối tung": Tay vợt người Australia - Nick Kyrgios lại vừa trở thành tâm điểm trong trận đấu tại vòng 2 giải ATP 1.000 - Cincinnati đang diễn ra tại nước Mỹ. Trong trận đấu với Khachanov, Kyrgios đã để cho Karen Khachanov thắng ngược 2-1, giành vé đi tới vòng 3. Lần này Kyrgios lại khiến khán giả bức xúc khi anh đập gãy 2 cây vợt rồi có lời lẽ thóa mạ người điểu khiển trận đấu -trọng tài Fergus Murphy. Tay vợt người Australia còn gọi ông Murphy là "trọng tài tồi tệ nhất từ ​​trước đến giờ". Gây thất vọng khi bị loại ngay từ vòng 2 giải Cincinnati và có thể đây sẽ là giải đấu cuối cùng tay vợt này trong năm 2019. Với hành vi thóa mạ người điều khiển trận đấu, Kyrgios có thể đối mặt với án phạt rất nặng.

Tổng thống Trump dọa rút khỏi WTO: Kịch bản và những nguy cơ tiềm ẩn

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa lại dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu tình hình không cải thiện. Nhìn lại thời gian qua, chính quyền Washington không ít lần chỉ trích WTO đối xử không công bằng với Mỹ và có phần “ưu ái” Trung Quốc.

Mục đích của Mỹ

Việc Tổng thống Trump tiếp tục dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới không phải là ngẫu nhiên, đặc biệt là trong bối cảnh gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các lần chỉ trích Tổ chức thương mại thế giới của ông Trump trước đây đều được cho là nhắm vào Trung Quốc và lần gần đây nhất là 26/07 khi ông Trump yêu cầu Tổ chức Thương mại thế giới xem lại quy chế quốc gia đang phát triển của một số nước trong đó có Trung Quốc vì ông Trump cho rằng các nước này lợi dụng điều này để được hưởng các ưu đãi thương mại.

Ông Trump thậm chí còn tuyên bố Tổ chức Thương mại thế giới có 90 ngày để xem xét lại quy chế quốc gia đang phát triển và nếu mọi chuyện vẫn không thay đổi thì Mỹ sẽ đơn phương không coi các nước đó là các nước đang phát triển. Một số nhà phân tích cho rằng, ông Trump sử dụng yếu tố Trung Quốc trong các yêu cầu đối với Tổ chức thương mại thế giới nhằm đạt được hai mục đích, một là gây sức ép với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ và hai là muốn Tổ chức Thương mại thế giới cải tổ nhằm có lợi cho Mỹ.

Tổng thống Trump đã từng tuyên bố sẽ rút khỏi các cơ chế đa phương và ủng hộ các cơ chế song phương mà thể hiện rõ nhất là rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ. Trong cơ chế song phương, Mỹ có thể khai thác tốt nhất lợi thế tuyệt đối của mình là sức mạnh Mỹ - cả về chính trị, kinh tế, quân sự - để ép đối phương phải nhượng bộ, từ đó tối đa hoá lợi ích Mỹ, điều mà trong cơ chế đa phương không dễ gì có được.

Hiện nay ảnh hưởng của Mỹ với Tổ chức Thương mại thế giới vẫn mang tính quyết định vì vai trò độc tôn của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu và trao đổi thương mại của Mỹ vẫn đóng vai trò quyết định với hoạt động thương mại thế giới. Tuy nhiên, sau hơn 2 thập kỷ WTO được thành lập, nhiều thực thể kinh tế-chính trị trỗi dậy mạnh mẽ, thách thức Mỹ, từ đó làm thay đổi nhiều cơ chế do Mỹ tạo ra và chi phối, qua đó làm ảnh hưởng tới lợi ích Mỹ. Theo giới phân tích, đây mới là nguyên nhân chính khiến Tổng thống Trump muốn rút Mỹ khỏi Tổ chức thương mại thế giới hoặc tổ chức này phải cải tổ theo hướng đảm bảo vị thế và lợi ích của Mỹ.

Tác động tiềm ẩn

Tổ chức Thương mại thế giới được thành lập là nhằm cung cấp các quy tắc cho thương mại toàn cầu và giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia. Theo giới quan sát, với tư cách nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ đóng vai trò then chốt đối với sự tồn tại của Tổ chức Thương mại thế giới và việc Mỹ rút khỏi tổ chức này sẽ tạo ra những hệ lụy rất lớn, có thể dẫn đến khủng hoảng pháp lý kinh doanh toàn cầu. Mỹ chiếm khoảng 11% thương mại toàn cầu.

Vì vậy, việc rời khỏi tổ chức này sẽ là một đòn giáng mạnh vào Tổ chức Thương mại thế giới. Cụ thể, động thái này sẽ khiến các doanh nghiệp Mỹ dễ bị phân biệt đối xử thương mại. Đây là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với một nền kinh tế có mối liên hệ toàn cầu. Nếu cắt bỏ các ràng buộc với Tổ chức Thương mại thế giới, Mỹ có thể nâng thuế "vô tội vạ" và buộc những quốc gia khác phải có các biện pháp đáp trả.

Cụ thể, các nước thành viên WTO khác có thể tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, áp đặt những yêu cầu phiền toái, khiến các doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh trên thị trường. Ngược lại, Mỹ cũng sẽ không còn khả năng xử lý các hành vi thương mại bất bình đẳng dựa trên hệ thống xử lý tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới và sẽ bị cô lập trong nền kinh tế thế giới. Điều này chắc chắn sẽ làm tăng giá và giảm sự lựa chọn với người tiêu dùng Mỹ, làm giảm khả năng cạnh tranh và lợi nhuận của các doanh nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu, dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm. Sự sụp đổ của Tổ chức Thương mại thế giới cũng sẽ làm tăng tỷ lệ xung đột bạo lực giữa các quốc gia.

Mỹ toan tính gì?

Tổng thống Donald Trump không thân thiện với Tổ chức Thương mại thế giới bởi vì, ông Trump luôn tâm đắc với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và luôn cho rằng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch chứ không phải tự do mậu dịch mới có lợi nhất cho nước Mỹ. Quan điểm và nhận thức này trái ngược hoàn toàn với tôn chỉ và mục đích hoạt động của Tổ chức thương mại thế giới.

Hơn nữa, ông Trump luôn theo đuổi khẩu hiệu "Nước Mỹ là trước hết" với nội hàm là vì lợi ích riêng của nước Mỹ mà bất chấp tất cả. Tham gia Tổ chức Thương mại thế giới, Mỹ phải tuân thủ theo các nguyên tắc chung của tổ chức này tức là Mỹ không thể “tự tung tự tác” để gây tổn hại đến lợi ích của các thành viên khác và cũng không tránh khỏi bị các thành viên khác sử dụng các nguyên tắc của Tổ chức này để chống lại Mỹ. Bởi vậy, ra khỏi Tổ chức Thương mại thế giới thì Mỹ sẽ không bị lôi vào chuyện kiện tụng, không còn bị ràng buộc vào mọi trách nhiệm và nghĩa vụ của thành viên.

Tuy nhiên, ông Trump trên cương vị Tổng thống Mỹ không thể tự quyết định được việc này, mà phải thông qua Quốc hội Mỹ và không có gì chắc chắn là đa số các thượng nghị sỹ Cộng hoà trong Quốc hội cũng muốn Mỹ rút ra khỏi Tổ chức thương mại thế giới như ông Trump. Trong khi đó, ý tưởng này chắc chắn sẽ bị đảng Dân chủ phản đối và cản trở tại Hạ viện nơi đảng này đang nắm quyền kiểm soát.

Ngoài ra, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng không phải là đối tác kinh tế, thương mại quan trọng đối với tất cả các nước trên thế giới. Không có sự tham gia của Mỹ, Tổ chức Thương mại thế giới vẫn tồn tại, hoạt động và phát triển. Rút khỏi tổ chức này, Mỹ sẽ bị cô lập hoàn toàn và sẽ không còn đóng vai trò nào trong việc xác định luật chơi chung của thương mại toàn cầu. Nếu một mình Mỹ đối địch với thế giới thì Mỹ chỉ có thể thua thiệt.

Do vậy, có thể thấy rằng, ông Trump hiện chỉ ngỏ ý hoặc ngầm có ý như vậy với mục đích yêu cầu Tổ chức Thương mại thế giới có một số thay đổi có lợi cho Mỹ, đặc biệt là trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc chứ cũng khó có khả năng ông Trump có ý định thực sự rút nước Mỹ ra khỏi Tổ chức này trong thời gian tới.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 16/08/2019 là 1 AUD = 0.677 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 16/08/2019 là 1 AUD = 15,784 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời nhiều mây, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 26 đến 34 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày âm u, có lúc có mưa rào và dông, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 34 độ.

Tại Hà Nội, thứ Bảy, ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 33 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 27 đến 34 độ.

Tại Adelaide, thứ Bảy, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 10–20 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào hoặc mưa đá, gió di chuyển với vận tốc từ 20-45 km/h. Nhiệt độ dao động từ 10–14 độ.

Tại Brisbane, thứ Bảy, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12–28 độ. Chủ nhật, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 13–25 độ.

Tại Sydney, thứ Bảy, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 12–19 độ. Chủ nhật, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–23 độ.

Tại Melbourne, thứ Bảy, buổi sáng có sương giá, trong ngày trời nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 4–17 độ. Chủ nhật, buổi sáng trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào hoặc bão, gió di chuyển với vận tốc từ 15-40 km/h. Nhiệt độ dao động từ 12–17 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này