Chương trình Thời sự thứ Sáu, 15/11/2019

Cẩm Nhung | 15/11/2019 | 692 Lượt nghe

Tin nước Úc:

- Victoria: Bốn điểm giao cắt đường sắt ở vùng Preston sẽ bị phá dỡ

- Springvale: Mượn danh công ty xuất khẩu hải sản để rửa tiền ở Úc, một công dân Hồng Kông sẽ bị trục xuất

- Victoria: Chính quyền bang công bố Dự luật Hội đồng Địa phương 2019

- Victoria: Đường băng mới của Sân bay Melbourne sẽ có hướng Bắc-Nam và sẽ mở cửa vào năm 2025

- Victoria: Số tù nhân nữ bị tạm giam ngày càng gia tăng, kéo theo nhiều phức tạp

- Ardeer: Ra mắt quyển sách vừa được xuất bản của học sinh trường Ardeer Primary School

- Doncaster: Bắt giữ nghi phạm thứ ba liên quan đến vụ chín chiếc xe hơi bị mất cắp cùng lúc

- Tin Úc: Niềm tin của người tiêu dùng đã bị sụt giảm vào cuối tuần qua

- Tin vắn

Tin thế giới:

Lực lượng Mỹ và Nhật Bản cùng hai nước Úc và Canada vừa tham gia cuộc diễn tập thường niên ở ngoài khơi bờ biển Philippines nhằm tăng khả năng hợp tác đối phó với tình huống bất ngờ. Trong cuộc diễn tập, Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản (JMSDF) và Mỹ sẽ phối hợp với nhau ở các chiến trường trên không, trên và dưới mặt biển, yêu cầu tất cả các đơn vị tham gia tập luyện theo một kịch bản toàn diện. Kịch bản này được thiết kế để họ thực hành các khả năng quan trọng cần thiết nhằm hỗ trợ sự phòng thủ của Nhật Bản và phản ứng với các tình huống khủng hoảng hoặc ngoài dự tính có thể xảy ra ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trong một tuyên bố được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải, Đại sứ lưu động đồng thời là đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Triều Tiên - ông Kim Myong-gil cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã gửi tới Bình Nhưỡng một thông điệp, trong đó đề xuất quan chức hai bên sẽ gặp nhau vào tháng 12 tới thông qua một nước thứ ba. Đáp lại đề xuất mới của Washington, ông Kim Myong-gil nêu rõ Triều Tiên sẵn sàng gặp (giới chức) Mỹ ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Triều Tiên đã đặt thời hạn chót cuối năm nay để Mỹ đưa ra một thỏa thuận thực tế và có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, cho đến nay, tiến trình đàm phán vẫn đang "dậm chân tại chỗ". Tháng trước, Washington và Bình Nhưỡng đã tiến hành đàm phán hạt nhân cấp chuyên viên ở Thụy Điển sau nhiều tháng đình trệ, song cuộc đàm phán này đã một lần nữa đổ vỡ do những bất đồng cố hữu giữa hai bên.

Việc Mỹ bãi bỏ thuế quan với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc là điều kiện quan trọng để hai bên đạt được thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1". Đây là tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc vào ngày 14/11. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết Trung Quốc và Mỹ đang tiến hành các cuộc thảo luận chuyên sâu về "giai đoạn 1" của thỏa thuận thương mại. Trước đó, vào ngày 7/11, quan chức hai bên cho biết sẽ dỡ bỏ thuế với hàng hóa của nhau nếu thỏa thuận này được hoàn tất. Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 14/11, cơ quan Hải quan Trung Quốc thông báo sẽ dỡ bỏ hạn chế đối với các sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu của Mỹ. Động thái này được cho là đưa ra tín hiệu tích cực giúp hai bên có thể đạt thỏa thuận thương mại.

Các quan chức Quốc phòng cấp cao của Mỹ đang có chuyến thăm Hàn Quốc để tham dự Hội nghị Ủy ban quân sự chung được tổ chức thường niên. Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley và người đồng cấp Hàn Quốc Park Han-ki đã thảo luận kế hoạch phòng thủ chung của hai nước và tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Phía Mỹ cũng muốn Hàn Quốc cân nhắc về chia sẻ gánh nặng chi phí cho 28.000 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, lên tới mức 5 tỷ USD/năm. Tổng thống Mỹ đã nhiều lần lên tiếng về việc Hàn Quốc và các đồng minh khác cần gánh thêm trách nhiệm chia sẻ chi phí quốc phòng với Mỹ. Một vấn đề khác là khả năng điều chỉnh quy mô hoạt động quân sự tại Hàn Quốc. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết có thể thay đổi quy mô tập trận chung, có thể tăng hoặc giảm. Ông Esper nhấn mạnh, việc thay đổi này không phải vì nhượng bộ với phía Triều Tiên mà là một công cụ để giữ cánh cửa ngoại giao luôn được mở.

Ngày 14/11, Ủy ban châu Âu (EC) đã khởi động một vụ kiện pháp lý chống lại London vì đã không đề cử một ủy viên, khi tiến trình nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (gọi là Brexit), lại bị trì hoãn đến cuối tháng 1/2020, khiến nước này vẫn nằm trong Khối. Một thông cáo của Khối cho biết ngày 14/11, EC đã gửi thư thông báo chính thức tới Vương quốc Anh về việc họ vi phạm nghĩa vụ của mình theo hiệp ước EU, bởi đã không đề cử một ủy viên cho EC mới. Động thái này bắt đầu một quá trình dài liên quan đến một số cảnh báo của EC, và cuối cùng có thể dẫn đến việc Anh bị kiện ra tòa án cao nhất của EU để buộc phải tuân thủ. EC cho phép London đến ngày 22/11 để trả lời. Trước đó, sau nhiều lần trì hoãn, London đã thông báo cho EU hôm 13/11 rằng họ sẽ không đề cử một ủy viên người Anh vào nội các EC trước cuộc tổng tuyển cử của nước này vào ngày 12/12.

Bộ Tư lệnh Tác chiến chiến lược thuộc Lực lượng Vũ trang quốc gia Bolivar (FANB) ngày 14/11 đã tố cáo máy bay do thám của Không quân Mỹ (USAF) tiếp tục xâm phạm không phận Venezuela. Trong tuyên bố được đăng tải trên mạng xã hội Twitter, cơ quan trên thông báo đã phát hiện một máy bay do thám chiến lược RC135 của Mỹ trên không phận Caracas, đồng thời cảnh báo đây là hành động không tuân thủ quy tắc quốc tế và gây rủi ro cho các hoạt động hàng không trong khu vực này. Chính phủ Venezuela đã nhiều lần tố cáo các máy bay Mỹ thường xuyên xâm phạm không phận nước này tại vùng thông tin bay Maiquetia. Đầu tháng 10, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Tác chiến chiến lược FANB, Remigio Ceballos cho biết đã phát hiện hơn 70 máy bay do thám Mỹ trên không phận Caracas.

Theo Reuters, Tổng thống Vladimir Putin ngày 14/11 cho biết Moskva hoan nghênh việc rút các lực lượng Ukraine và lực lượng ly khai tại hai điểm nóng ở miền Đông Ukraine. Phát biểu trước báo giới bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 11 tại Brazil, ông Putin cho biết hiện chưa có kế hoạch gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskiy trước hội nghị thượng đỉnh quốc tế bốn bên về vấn đề Ukraine. Bên cạnh đó, ông Putin cũng đề cập đến những rủi ro khiến hoạt động vận chuyển khí đốt của Nga tới châu Âu thông qua Ukraine có thể bị gián đoạn. Thỏa thuận vận chuyển khí đốt hiện nay giữa Nga và Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm nay và Moskva cho biết có thể cân nhắc ký kết một thỏa thuận ngắn hạn với Kiev, bởi Nga cần thời gian để hoành thành dự án xây dựng các đường ống đi qua Ukraine để tiếp tục xuất khẩu khí đốt sang châu Âu - thị trường khí đốt lớn nhất của Nga.

Tình hình Hong Kong đang tiếp tục nóng lên khi trước đó dư luận lan truyền thông tin về việc chính quyền thành phố sẽ ban bố lệnh giới nghiêm vào cuối tuần. Tuy nhiên, tối 14/11, Chính quyền Hong Kong đã khẳng định những thông tin này chỉ là tin đồn. Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga tối 13/11 đã bất ngờ triệu tập một số quan chức cấp cao tại trụ sở chính quyền để thảo luận về cách xử lý các cuộc biểu tình, giảm số lượng người biểu tình trên đường phố và tạo điều kiện thuận lợi để cảnh sát chống bạo động thực thi pháp luật. Trong khi đó, cảnh sát Hong Kong chiều 14/11 đã mở cuộc họp báo cho biết, lực lượng này hôm 13/11 đã bắt giữ tổng cộng 224 người, liên quan đến các tội danh như tụ tập trái phép, phóng hỏa, tấn công cảnh sát…

Theo AP, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 14/11 khẳng định, Ankara sẵn sàng mua các hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất, những sẽ không đồng ý loại biên các hệ thống S-400 mà nước này đã mua từ Nga. Phát biểu với các phóng viên trên chuyến bay trở về Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Donald Trump ở Washington, ông Erdogan cho biết, Tổng thống Mỹ đã tham gia vào “các nỗ lực chân thành” để giải quyết những tranh cãi giữa hai nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hãng thông tấn nhà nước Anadolu dẫn lời ông Erdogan nói: “Đề nghị loại biên hoàn toàn các hệ thống S-400 (khỏi Thổ Nhĩ Kỳ) là sự can thiệp vào các quyền chủ quyền của chúng ta."

Theo Reuters, Tổng thống Vladimir Putin ngày 14/11 bày tỏ hy vọng rằng người đồng cấp Mỹ Donald Trump sẽ tới Nga dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5 vào năm tới, đồng thời khẳng định Moskva sẵn sàng tổ chức các cuộc đối thoại với Washington. Phát biểu trước báo giới bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 11 tại Brazil, ông Putin cho biết hiện chưa có kế hoạch gặp ông Trump. Về vấn đề Syria, ông Putin cho rằng Nga cảm thấy vẫn còn rất nhiều việc phải làm ở khu vực Idlib, hiện nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng phiến quân. Tổng thống Nga cũng hy vọng rằng, tiến trình hòa bình Geneva dành cho Syria sẽ thành công.

Ngày 15/11, Nga đã bắt đầu vận chuyển các máy bay trực thăng và nhiều trang thiết bị khác tới một căn cứ quân sự mới tại Syria. Động thái trên diễn ra vài tuần sau khi các lực lượng Mỹ rút khỏi quốc gia Trung Đông này. Theo kênh truyền hình Zvezda (Ngôi sao) của Bộ Quốc phòng Nga, 2 trực thăng tấn công Mi-35 và một trực thăng vận tải đã được chuyển từ căn cứ Hmeimim nằm ở Địa Trung Hải, tới sân bay Qamishi ở Đông Bắc Syria. Các báo cáo trước đó cho biết Nga đã đàm phán hợp đồng thuê dài hạn sân bay Qamishi, nằm cách căn cứ Hmeimim khoảng 500km về phía Đông Bắc. Cùng ngày, các binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã hoàn tất cuộc tuần tra chung thứ 6 ở miền Bắc Syria trong khuôn khổ thỏa thuận rút lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria ra xa khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính quyền thủ đô New Dehli (Ấn Độ) đã yêu cầu toàn bộ các trường học đóng cửa 2 ngày, do chất lượng không khí ngày 14/11 đã xuống đến mức "nguy hiểm". Chỉ số chất lượng không khí ở New Dehli lúc 4h30 giờ GMT là 458. Trong khi chỉ số chất lượng không khí vượt mức 60 đã là có hại cho sức khỏe. New Delhi hiện là thủ đô ô nhiễm không khí nhất thế giới do nông dân đốt rơm, khí thải xe cộ và bụi xây dựng. Trong một diễn biến khác, học sinh các trường mầm non và tiểu học ở thủ đô Tehran, Iran đã phải nghỉ học do tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng tại khu vực này. Mật độ hạt bụi mịn PM 2.5 đo được trong không khí ở thành phố Tehran là 133 microgram/m3, gấp gần 5 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Tình trạng ô nhiễm không khí tại đây phần lớn là do hoạt động của các nhà máy điện và lọc dầu cũng như lưu lượng lớn xe cộ đi lại. Mỗi năm, có gần 30.000 ca tử vong do ô nhiễm không khí tại Iran.

Tin thể thao:

Vòng loại EURO 2020: Loạt trận thi đấu sáng 15/11 vòng loại EURO 2020 đã xác định 4 đại diện chính thức giành vé vào vòng chung kết.

Tại bảng A, Harry Kane lập hat-trick, Marcus Rashford, Tammy Abraham, Alex Oxlade Chamberlain ghi bàn, cộng thêm pha đá phản lưới nhà của Sofranac giúp tuyển Anh hủy diệt Montenegro 7-0. Với 18 điểm sau 7 lượt trận, đội tuyển Anh dẫn đầu bảng A, chính thức giành vé vào vòng chung kết. Xếp nhì bảng A là CH Czech, đội đã thắng Kosovo 2-1 để nối gót “Tam sư” giành vé sớm 1 lượt trận.

Tại bảng H, Thổ Nhĩ Kỳ giành vé ở trận đấu sớm nhờ trận hòa 0-0 với Iceland. Với 1 điểm có được, Thổ Nhì Kỳ xếp nhì bảng với 20 điểm sau 9 lượt trận, hơn Iceland ở vị trí thứ 3 tới 4 điểm trong khi vòng loại còn 1 lượt trận nữa là khép lại. Việc Thổ Nhì Kỳ đi tiếp cũng gián tiếp giúp đội đầu bảng H là Pháp giành vé tới vòng chung kết trước khi bước vào trận gặp Moldova. Trên sân cỏ sau đó, Pháp cho thấy chiếc vé họ giành được xứng đáng khi đánh bại Moldova với tỷ số 2-1.

Ở bảng B, Cristiano Ronaldo lập hat-trick trong chiến thắng 6-0 trước Lithuania nhưng Bồ Đào Nha vẫn chưa thể giành vé. Bởi ở trận đấu cùng giờ, Serbia đã đánh bại Luxembourg để duy trì khoản cách 1 điểm ít hơn Bồ Đào Nha. Ở lượt trận cuối, Ronaldo và các đồng đội phải thắng Luxembourg mới chắc chắn góp mặt tại VCK EURO 2020.

Như vậy, tính đến thời điểm này đã có 10 đội bóng giành vé vào VCK EURO 2020 bao gồm: Bỉ, Italia, Ba Lan, Tây Ban Nha, Ukraine, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Anh, CH Czech.

Vòng loại World Cup 2020: Lượt trận thứ 5 vòng loại World Cup 2022 chứng kiến hàng loạt những bất ngờ trên sân cỏ bóng đá châu Á. Trên SVĐ Mỹ Đình, tuyển Việt Nam đã đánh bại UAE 1-0 trong khi ở trận đấu cùng bảng G, Thái Lan bị Malaysia ngược dòng đánh bại 2-1. Với kết quả này, Việt Nam vươn lên ngôi đầu bảng G với 3 điểm nhiều hơn Thái Lan. Chiến thắng 1-0 này cũng giúp tuyển VN chạm cột mốc mới trên BXH FIFA, vươn từ hạng 97 lên hạng 94 thế giới với 1.260 điểm.

Một bất ngờ khác đến từ khu vực Đông Nam Á là Myanmar. Tại bảng F, Myanmar đã có chiến thắng 4-3 trước đối thủ mạnh hơn nhiều là Tajikistan. Bảng H cũng chứng kiến những kết quả đầy chấn động. Trên sân nhà, Turkmenistan đánh bại Triều Tiên với tỷ số 3-1. Trong khi đó, Hàn Quốc gây thất vọng khi bị Lebannon cầm hòa 0-0 trên sân khách. Tại bảng C, Iraq gây sốc khi đánh bại đội bóng số 1 châu Á Iran với tỷ số 2-1. Ở bảng A, bàn phản lưới của Linpeng Zhang khiến Trung Quốc nhận thất bại 1-2 trước Syria. Sau trận thua này, HLV Marcello Lippi tuyên bố từ chức.

MU đón Mandzukic đến tập sớm: Truyền thông Anh đưa tin, phái đoàn của Juventus đã có mặt tại thành phố Manchester (Anh) để bàn bạc với phía MU về Mario Mandzukic. Đôi bên đang xúc tiến để đạt thỏa thuận nhanh nhất có thể về một vụ chuyển nhượng ngay trong tháng 1 tới. Thậm chí, nếu chuyện thuận lợi, Mandzukic có thể bay sang đại bản doanh Carrington tập luyện ngay từ tháng 12. Juventus được cho là chỉ đòi hỏi 10 triệu euro từ MU, trong khi “Quỷ đỏ” sẵn sàng chìa ra một bản hợp đồng 18 tháng với mức lương 85.000 bảng/tuần cho tiền đạo 33 tuổi.

Thierry Henry trở lại Mỹ làm việc. Sau 2 lần từ chối dẫn dắt Aston Villa, cựu tiền đạo CLB Arsenal và ĐT Pháp là Thierry Henry mới đây đã trở lại giải Nhà nghề Mỹ (MLS) làm việc. Điểm dừng chân tiếp theo của ngôi sao lừng lẫy một thời này là Montreal Impact. Theo hợp đồng vừa được các bên ký kết thì Henry sẽ làm việc cho Montreal Impact trong 2 năm. Trước khi tái xuất trong cương vị HLV, Henry đã trải qua quãng thời gian 10 tháng hoàn toàn nghỉ ngơi.

Đồng đội chờ lời xin lỗi từ Ronaldo. Cristiano Ronaldo có thể gặp thêm rắc rối vì thái độ khó chịu khi bị thay ra giữa trận thắng Milan. Tờ AS (Tây Ban Nha) cho biết, các đồng đội tại Juventus đang chờ lời xin lỗi từ Cristiano Ronaldo, người đã về Bồ Đào Nha chuẩn bị cho vòng loại Euro 2020. Lãnh đạo Juventus cũng muốn ngôi sao mang áo số 7 giải thích về hành động khó hiểu. Ronaldo sẽ không bị phạt, nhưng nhận cảnh cáo là điều khó tránh.

Khủng hoảng Bolivia – Mỹ Latin phân cực sâu sắc

Cuộc khủng hoảng ở Bolivia đã cho thấy “bức tranh tối màu” ở Mỹ Latin với sự phân cực sâu sắc giữa các quốc gia trong khu vực.

Thay vì cùng nhau giải quyết cuộc khủng hoảng ở Bolivia sau khi Tổng thống Evo Morales từ chức vào tuần này, các nhà lãnh đạo Mỹ Latin thuộc 2 hệ tư tưởng khác nhau đều lợi dụng những diễn biến ở thủ đô La Paz để tập hợp những người ủng hộ mạnh mẽ nhất tại đất nước của mình.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cùng với các lãnh đạo cánh tả khác đã chỉ trích điều mà ông gọi là một cuộc đảo chính quân sự đồng thời cáo buộc rằng Mỹ có thể đã liên quan đến sự việc lần này. Các chính phủ cánh tả khác ở Mexico, Nicaragua, Cuba và Argentina đều có cùng quan điểm khi nhận định việc ông Morales bị lật đổ là bất hợp pháp. Trái lại, các nhà lãnh đạo cánh hữu cho rằng việc ông Morales bị lật đổ là một chiến thắng của nền dân chủ. Ngoại trưởng Brazil Ernesto Araújo viết trên Twitter rằng không có cuộc đảo chính nào diễn ra ở Bolivia, cũng như khẳng định rằng Brazil sẵn sàng ủng hộ "sự chuyển giao dân chủ này".

Tóm lại, cuộc khủng hoảng chính trị ở La Paz vẫn chưa phải là một diễn biến mới cho tình hình ở khu vực Nam Mỹ khi mà sự phân hóa chính trị sâu sắc của các nước Mỹ Latin đã làm suy yếu khả năng giải quyết hiệu quả những thách thức ảnh hưởng đến khu vực nói chung, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng người tị nạn Venezuela, việc thiếu các cơ sở hạ tầng cần thiết trong khu vực hoặc tình trạng gia tăng các nhóm tội phạm xuyên quốc gia.

Việc không có khả năng hỗ trợ ổn định tình hình Bolivia đã làm tăng nguy cơ bất ổn chính trị và cuộc khủng hoảng kinh tế ở quốc gia Nam Mỹ này, đồng thời có thể ảnh hưởng đến các quan hệ thương mại cũng như an ninh biên giới giữa bối cảnh Bolivia chia sẻ chung đường biên giới với một loạt quốc gia như Brazil, Paraguay, Argentina, Chile và Peru.

Các cuộc biểu tình buộc ông Morales phải từ chức đã kéo theo hàng loạt cuộc biểu tình trên quy mô lớn gần đây ở Chile và Ecuador. Bất chấp những diễn biến phức tạp ở Mỹ Latin, phe cánh tả và phe cánh hữu ở khu vực này vẫn cáo buộc đối phương là kẻ đứng sau gây ra tình trạng bất ổn trên. Căng thẳng giữa 2 nhóm này thậm chí dâng cao tới mức Tổng thống cánh hữu của Brazil đã từ chối chúc mừng ông Fernández đắc cử Tổng thống Argentina cũng như từ chối tham dự lễ nhậm chức của nhà lãnh đạo này.

Dưới thời Tổng thống Bolsonaro, Brazil - quốc gia thường đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết những cuộc xung đột khu vực, đã hoàn toàn mất khả năng dẫn dắt những cuộc thảo luận trong khu vực.

Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo khối Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) với các nhà lãnh đạo Nam Mỹ đã bị hủy bỏ sau khi Tổng thống Bolsonaro kiên quyết rằng sự kiện này phải có sự tham dự của thủ lĩnh phe đối lập Venezuela Juan Guaido trong bối cảnh những nước còn lại trong BRICS đều không công nhận ông Guaido là Tổng thống lâm thời Venezuela. Sự chia rẽ này đặc biệt gây lo ngại bởi gần như hầu hết các thách thức trong khu vực, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng ở Bolivia đều không thể giải quyết bởi một quốc gia đơn lẻ.

Đằng sau “bức tranh tối màu” ở Mỹ Latin

Câu hỏi đặt ra là tại sao các nhà lãnh đạo Mỹ Latin lại nhanh chóng biến những cuộc khủng hoảng khu vực thành chiến địa để đấu đá như vậy? Nguyên nhân là bởi hầu hết lãnh đạo các nước này đều muốn biến sự vụ ở Bolivia thành một công cụ để tạm thời "đánh lạc hướng" dư luận khỏi những vấn đề kinh tế trong nước. Họ cũng lợi dụng việc này để đổ lỗi các vấn đề trong nước là âm mưu của các thế lực bên ngoài thậm chí cả khi hầu như không có bằng chứng cho những tuyên bố trên.

Tuy nhiên, Mỹ Latin không phải lúc nào cũng như vậy. Tháng 8/2000, Tổng thống Brazil Fernando Henrique Cardoso đã tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử với sự tham gia của các Tổng thống Nam Mỹ. Sự kiện này đã dẫn đến các cuộc thảo luận trong 2 ngày giữa lãnh đạo 12 nước trong khu vực cũng như các Chủ tịch của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB), Cộng đồng Andean (CAN), và các quan sát viên đến từ Mexico. Bất chấp những khác biệt về hệ tư tưởng, các bên tham gia đã có cuộc trao đổi với một sự nhất trí chung rằng hợp tác khu vực là cần thiết để giải quyết những thách thức khu vực, kết nối hiệu quả hơn cơ sở hạ tầng, giảm hàng rào thương mại và đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia.

Nhìn lại thì sự kiện này được coi là đỉnh cao của hợp tác khu vực. Trong suốt thời gian từ những năm 1990 đến đầu những năm 2000, chính phủ các nước Mỹ Latin đã xây dựng được bộ các quy tắc và ứng xử hiệu quả, chẳng hạn như Cam kết Dân chủ Santiago (1991), Tuyên bố Managua (1993), Điều khoản Dân chủ của Mercosur (1998) và Hiến chương Dân chủ Liên Mỹ (2001), nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các chính phủ và tạo một sức ép tích cực nhằm tránh những gián đoạn của nền dân chủ trong khu vực.

Năm 1995, lãnh đạo quốc gia trong khu vực đã đóng vai trò quan trọng trong việc đàm phán một hiệp định hòa bình sau cuộc chiến tranh giữa Peru và Ecuador. Một năm sau, khung làm việc mới đã giúp tránh được một cuộc đảo chính quân sự ở Paraguay. Năm 2002, sau một nỗ lực đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Venezuela Hugo Chávez, Brazil và các nước khác đã gây sức ép để cả ông Hugo Chávez và phe đối lập nối lại đối thoại.

Nhìn lại gốc rễ của những chính sách không can thiệp và tôn trọng chủ quyền trong lịch sử các nước Mỹ Latin, có thể thấy sự hợp tác này đã chứng minh tính hiệu quả, cũng như biểu tượng cho một sự thay đổi đáng kể trong khu vực này. Những quy tắc ấy cũng phục vụ cho lợi ích của từng quốc gia. Nhờ đó, khu vực này từng có sự phát triển đáng kể cũng như sự ổn định chính trị trong suốt thập kỷ đầu của thế kỷ 21.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, sự phân cực sâu sắc cùng với những cơ chế khu vực lỗi thời đã giải thích vì sao hầu như có rất ít nỗ lực chung nhằm giúp ổn định tình hình Bolivia. Giữa bối cảnh ông Morales đang tị nạn chính trị ở Mexico, Bolivia sẽ phải nỗ lực hết sức để vượt qua tình hình khó khăn hiện nay. Một cuộc bầu cử mới có thể diễn ra, phe đối lập có thể chiến thắng nhưng sẽ vấp phải không ít trở ngại giữa bối cảnh nhiều người ủng hộ ông Morales đặt câu hỏi về tính hợp pháp của kết quả này.

Trong một viễn cảnh khả quan hơn, những người ủng hộ ông Morales và phe đối lập có thể sẽ ngồi lại với nhau để đàm phán với sự trung gian hòa giải từ cộng đồng quốc tế nhằm tìm ra một giải pháp chung. Dù vậy, Bolivia có thể sẽ trải qua một thời kỳ khủng hoảng kéo dài, đe dọa đến nền kinh tế vừa được phục hồi trong vài năm qua. Và thực tế thì, thay vì tìm cách giúp Bolivia ổn định, các nước trong khu vực vẫn đang lao vào một cuộc chiến để bảo vệ lợi ích của mình và khiến tình hình thêm tồi tệ hơn.

Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ ngày 15/11/2019 là 1 AUD = 0.679 USD.

Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 15/11/2019 là 1 AUD = 15,721 VND.

Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 24 đến 32 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, ngày nắng, có lúc có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 25 đến 33 độ.

Tại Hà Nội, thứ Bảy, trời có mây rải rác, ngày không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 20 đến 28 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, ngày nắng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21 đến 29 độ.

Tại Adelaide, thứ Bảy, trời quang đãng, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–21 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–22 độ.

Tại Brisbane, thứ Bảy, trời có mây rải rác, thời tiết oi bức, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 20–35 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào hoặc bão, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21–32 độ.

Tại Sydney, thứ Bảy, trời nắng nóng, buổi tối có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 17–24 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào hoặc bão, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 17–22 độ.

Tại Melbourne, thứ Bảy, trời có mây rải rác, trong ngày có mưa rào ở khu vực phía Đông Nam, nhưng nơi khác không mưa, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–18 độ. Chủ nhật, trời nhiều mây, trong ngày có mưa rào, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 9–17 độ.

Cẩm Nhung – Hồng Đào

Đánh giá bản tin này