Chương trình Thời sự thứ Sáu, 15/02/2019
Tin nước Úc:
- Lara: Công bố danh tính hai thủ phạm đâm trọng thương ông trùm ma túy Tony Mokbel
- Victoria: Khóa đào tạo thạc sĩ trực tuyến đầu tiên tại Úc dành cho bác sĩ điều trị ung thư
- Maribyrnong: Trộm táo tợn dùng gậy đánh golf tấn công chủ nhà rồi tẩu thoát bằng xe hơi lấy cắp
- Victoria: Dự án xây dựng Bệnh viện Footscray mới sắp được triển khai
- Victoria: Hỗ trợ nông dân ở phía Bắc tiểu bang vượt qua hạn hán
- Victoria: Phát hiện hai ca nhiễm bệnh sởi mới ở tiểu bang
- Brimbank: Khởi công xây dựng hai lớp học mẫu giáo mới tại Sunshine
- Dandenong South: Cảnh báo khói bụi được ban hành sau khi một chiếc xe tải chở rác bốc cháy
- Frankston: Trải nghiệm các hoạt động thú vị tại Lễ hội Waterfront Festival 2019
- Tin Úc: Phí chăm sóc trẻ em tăng vọt, phụ huynh phải chi ra tới $200 mỗi ngày
- Mạng lưới đường sắt quá tải hành khách ở Melbourne sẽ kéo nền kinh tế Úc đi xuống
- Tin Úc: Thượng viện Úc đã thông qua dự luật đưa người tị nạn vào Úc để chữa bệnh
- Nhiều chủ nhà ở Melbourne đang nâng cấp nhà và đăng bán lại để thu hút người mua
- Tin Úc: Xuất hiện chiêu trò lừa đảo dạng tin nhắn nhờ giúp đỡ khẩn cấp
- Victoria: Thủ hiến bang Victoria bị cáo buộc có liên quan đến hành động hối lộ
- Victoria: Bắt đầu tiếp nhận đơn xin được trợ giá để lắp hệ thống nước nóng năng lượng mặt trời từ tuần tới
- Tin vắn
Tin Thế giới:
Hãng viễn thông Telus Corp có trụ sở ở thành phố Vancouver của Canada ngày 14/2 đã cảnh báo về việc hoạt động kinh doanh của hãng sẽ gặp rủi ro lớn nếu Chính phủ Canada cấm sử dụng các thiết bị của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies Co. Ltd. Theo Telus, trong trường hợp Huawei bị cấm tham gia vào mạng 5G, thị trường viễn thông Canada có nguy cơ phải trải qua một đợt thay đổi về cơ cấu. Huawei bắt đầu hoạt động tại Canada từ năm 2008 và hiện có khoảng 960 nhân viên trên toàn lãnh thổ nước này với gần 600 người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Chi nhánh của tập đoàn này tại Canada (Huawei Canada) trong một tuyên bố mới đây khẳng định Huawei không thể và không cho phép Chính phủ Trung Quốc tiếp cận mạng lưới không dây sử dụng công nghệ của hãng.
Ngày 14/2, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev cảnh báo việc Washington rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) có thể phá hủy toàn bộ cấu trúc an ninh quốc tế và kích động cuộc chạy đua vũ trang mới. Ông Patrushev cho biết thêm việc Washington đơn phương rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện về chương trình hạt nhân Iran “cũng là một ví dụ nguy hiểm phá hủy các thỏa thuận quốc tế. Theo ông Patrushev, tất cả những động thái này diễn ra khi chính tại Mỹ mâu thuẫn chính trị nội bộ đang trở nên gay gắt không thể tìm được sự thống nhất giữa các nhánh chính quyền khác nhau.
Ngày 14/2, Lầu Năm góc cho biết quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick M. Shanahan đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak tại Bỉ nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Shanahan tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với những nỗ lực hỗ trợ an ninh giúp xây dựng năng lực cho các lực lượng của Ukraine để có thể tự vệ một cách hiệu quả. Ông Shanahan cũng nhắc lại lập trường kiên định của Mỹ, ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đối với khu vực biên giới được quốc tế công nhận. Ngoài ra, ông Shanahan cũng đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Bộ trưởng Poltorak trong việc tiến hành cải cách lĩnh vực phòng thủ của Ukraine, nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục thực hiện các điều khoản quan trọng Luật Ukraine về An ninh Quốc gia để hỗ trợ một Ukraine an toàn và dân chủ.
Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts đã thông báo ông William Barr chính thức đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Tư pháp nước này, thay thế ông Jeff Sessions, người bị Tổng thống Donald Trump sa thải hồi tháng 11 năm ngoái. Trước đó, với 54 phiếu ủng hộ và 45 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 14/2 đã thông qua việc đề cử ông Barr làm Bộ trưởng Tư pháp. Nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ phản đối việc bổ nhiệm ông Barr do quan ngại ông có thể không công bố những kết quả điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller liên quan đến việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra năm 2016.
Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các nhân viên thuộc diện không khẩn cấp cùng gia đình của họ rời khỏi Haiti trong bối cảnh bạo lực gia tăng tại quốc gia Caribbe này. Theo cơ quan ngoại giao Mỹ, Haiti đang đối mặt với những cuộc biểu tình thường xuyên, tình trạng đốt phá, phong tỏa đường phố và bạo lực đẫm máu. Cảnh sát và các bệnh viện tại địa phương đang thiếu nguồn lực để hoạt động hiệu quả trong tình thế này. Các quan chức ngoại giao Mỹ đang ở Haiti cũng được cảnh báo hạn chế ra ngoài đường khi không có biện pháp an ninh cẩn mật, không sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng như không tự lái xe ở Port-au-Prince vào buổi tối.
Ngày 14/2, Pakistan cho biết đã mời Mỹ và Taliban dự hội nghị ở thủ đô Islamabad ngày 18/2 tới với nỗ lực chấm dứt cuộc chiến dài 17 năm ở Afghanistan. Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ ở Islamabad cho biết, phía Mỹ chưa nhận được lời mời nhưng tuyên bố ủng hộ mọi bước đi dẫn tới đối thoại giữa các bên ở Afghanistan. Theo kế hoạch, các nhà đàm phán Taliban sẽ họp riêng rẽ với Thủ tướng Pakistan Imran Khan và đàm phán về vấn đề người tỵ nạn Afghanistan tại Pakistan. Theo đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad, Mỹ, Taliban và chính phủ Afghanistan đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc Mỹ rút khỏi quốc gia Nam Á này. Vòng đàm phán tiếp theo gữa Mỹ và Taliban sẽ diễn ra vào ngày 25/2 tại Doha, Qatar.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã công bố một đoạn hình từ hội nghị cấp cao về Trung Đông diễn ra ở Warsaw của Ba Lan, cho thấy các nhà lãnh đạo Arab chỉ trích Iran là một nhà nước "hiểm độc" và vấn đề khu vực tại phiên bế mạc hội nghị. Ngoại trưởng Bahrain Shaikh Khalid bin Ahmed bin Mohammed Al Khalifa cho rằng Iran là một "chính quyền ủng hộ chủ nghĩa phátxít mới" cũng như Tehran cản trở nỗ lực giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine và các cuộc khủng hoảng khác trong khu vực. Một quan chức khác xuất hiện trong đoạn băng hình phát biểu và bày tỏ quan điểm bài Iran là cựu Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Jubeir, người hiện là Quốc vụ khanh phụ trách về đối ngoại.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ về giải pháp chính trị cho Syria diễn ra tại Sochi, Nga đã kết thúc ngày 14/2 với tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh lãnh đạo 3 nước phản đối mọi âm mưu viện cớ đấu tranh chống khủng bố hòng làm tổn hại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, cũng như an ninh quốc gia của các nước láng giềng. Tuyên bố chung nhấn mạnh Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ mọi mưu toan "tạo ra thực tế mới trên thực địa" tại Syria với cái cớ đấu tranh chống khủng bố và kiên quyết chống lại các kế hoạch ly khai. Các bên cũng cho rằng quyết định của giới lãnh đạo Mỹ rút quân khỏi Syria, nếu được thực hiện, sẽ là bước đi góp phần củng cố ổn định và an ninh ở quốc gia Trung Đông này.
Hạ viện Mỹ ngày 14/2 đã thông qua dự luật an ninh biên giới nhằm tránh việc Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần và trình dự luật này lên Tổng thống Donald Trump, trong đó có hàng rào mới tại một phần đường biên giới Mỹ-Mexico, chứ không phải là khoản chi 5,7 tỷ USD mà ông tìm kiếm. Với 300 phiếu thuận và 128 chống, Hạ viện do đảng Dân chủ chiếm đa số đã ủng hộ dự luật chi tiêu cung cấp hơn 300 tỷ USD cho một số bộ và cơ quan trong chính phủ. Trước đó cùng ngày, dự luật này đã được Thượng viện thông qua. Nhà Trắng cho biết văn bản này sẽ được Tổng thống Trump ký ban hành thành luật.
Ngoại trưởng Mỹ ngày 15/2 bày tỏ hy vọng Tổng thống Donald Trump sẽ đưa ra bàn thảo về khả năng tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 trong cuộc gặp thượng đỉnh tới đây với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Yong-un. Ông Trump và ông Kim dự kiến sẽ gặp mặt tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28/2 để thảo luận về vấn đề dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên để đổi lấy những đảm bảo an ninh từ phía Mỹ. Tuyên bố kết thúc chiến tranh là nhượng bộ chính mà Triều Tiên yêu cầu đối với Mỹ để đổi lấy cam kết phi hạt nhân hóa trong cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim đầu tiên tại Singapore vào tháng 6/2018.
Tin Thể thao:
Đêm qua, loạt trận lượt đi vòng 1/16 Europa League đã chính thức khởi tranh. Cú sốc xảy đến ở vòng đấu này khi Arsenal bại trận trong chuyến làm khách tới sân của BATE Borisov. Cuối trận, họ còn mất Alexandre Lacazette vì thẻ đỏ trực tiếp do thúc chỏ vào Aleksandar Filipovic. BATE Borisov dù thi đấu lép vé nhưng chắt chiu được cơ hội. Họ ghi bàn thắng duy nhất của trận đấu ở phút 45 từ cú đánh đầu của Stanislav Dragun. Thua trận 0-1, Arsenal sẽ gặp khó khăn hơn ở trận lượt về trên sân nhà.
Trong khi đó, Chelsea đã tận hưởng niềm vui chiến thắng sau thảm bại 0-6 trước Man City ở đấu trường Ngoại hạng Anh. Đối đầu Malmo, Chelsea chơi áp đảo và mở tỷ số trong hiệp 1 nhờ công của tiền vệ Ross Barkley. Sang đầu hiệp 2, Giroud nổ súng nâng tỷ số lên 2-0. Trong những phút cuối, Malmo rút ngắn tỷ số nhờ công Anders Christiansen sau pha di chuyển thông minh và dứt điểm trong vòng 16m50. Tuy nhiên, kết quả thua 1-2 trên sân nhà vẫn là bất lợi rất lớn với đại diện Thụy Điển trước trận làm khách ở Stamford Bridge.
Ở trận derby Atletico Madrid và Real Madrid, Gareth Bale ra sân từ ghế dự bị, ghi bàn ấn định chiến thắng 3-1 cho đội Hoàng gia Tây Ban Nha. Sau khi xé lưới kình địch, Bale có màn ăn mừng lạ lẫm. Hành động ăn mừng của Bale không được trọng tài ghi vào biên bản trận đấu. Tuy nhiên, Tiểu ban kỉ luật của LĐBĐ Tây Ban Nha đã quyết định mở cuộc điều tra nhắm vào ngôi sao Real Madrid. Theo luật, nếu xác định Bale chủ ý ăn mừng khiêu khích, ngôi sao xứ Wales sẽ đối mặt án treo giò rất nặng, lên tới 12 trận.
Trước sự chèo kéo của những ông lớn châu Âu đối với Diego Simeone, Atletico Madrid đã quyết định đàm phán gia hạn với HLV của họ. Mới đây, 2 bên đã đạt thoả thuận về bản hợp đồng mới, có thời hạn tới Hè 2022 kèm mức lương 150.000 bảng/tuần. Với thoả thuận này, Simeone trở thành HLV tại vị lâu nhất ở Liga. Ông dẫn dắt Atletico Madrid kể từ năm 2011. Dưới thời của Simeone, Atletico thực sự đã trở thành một thế lực lớn không chỉ ở Liga mà của cả châu Âu.
CLB Palmeiras khẳng định sẽ đưa Barca lên FIFA xung quanh việc tiếp cận bất hợp pháp với tiền vệ Lucas Lima trong phiên chợ tháng 1 vừa qua, một sự tái phạm của vụ Neymar năm 2013. Theo đó, quy định của FIFA nêu rõ một CLB chỉ được tiếp cận mục tiêu mà không cần thông qua CLB chủ quản 6 tháng trước khi kết thúc hợp đồng. Trong trường hợp bị kết tội, độ bóng xứ Catalan hoàn toàn có thể bị cấm chuyển nhượng một lần nữa.
Siêu cò Jorge Mendes vừa phải trình lên tòa án Tây Ban Nha các bằng chứng để chứng minh sự vô tội của Radamel Falcao liên quan đến vụ trốn thuế. Trong giai đoạn tiền đạo người Colombia khoác áo Atletico, “Mãnh hổ” cũng bị cho là trốn thuế các khoản tiền thu nhập cá nhân - tương tự tội danh của Ronaldo hay Di Maria.
Chelsea và Juventus đang âm thầm đàm phán trong thương vụ Alex Sandro. Hậu vệ người Brazil này có thể đổ bộ xuống Stamford Bridge với mức phí 61 triệu bảng, qua đó phá vỡ kỷ lục dành cho một hậu vệ biên, hiện đang thuộc về Benjamin Mendy của Man City với mức phí 44 triệu bảng.
Theo quyết định vừa được BTC giải Ngoại hạng Anh công bố, giải đấu này sẽ ấn định giờ thi đấu sớm hơn so với trước đây, trong đó nhiều trận đấu được tổ chức vào khung 11h30 trưa theo giờ địa phương. Thậm chí từ mùa 2019/20, có đến 22 trận đấu được tổ chức vào khung giờ 11h30. Đây được xem là phương án để Ngoại hạng Anh tiếp cận tốt hơn với thị trường châu Á - lục địa có dân số lớn nhất trong 5 châu lục.
Theo Sky Sports, một tập đoàn lớn của Trung Quốc hiện đang muốn mua lại CLB Newcastle. Đội hình “Chích chòe” hiện được định giá khoảng 128 triệu bảng, trong khi HLV Rafa Benitez hưởng lương 5 triệu bảng/mùa. Từ lâu ông chủ đội bóng này, Mike Ashley đã tìm cách bán Newcastle mà chưa tìm được đối tác.
Hiệp ước hạt nhân INF sụp đổ, Châu Âu dễ gánh hậu quả thảm khốc?
Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đang đặt Châu Âu vào tình thế nguy hiểm.
Nguy cơ trở thành chiến trường tương lai
Việc Mỹ chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp ước ngày 2/2 vừa qua đang đẩy Châu Âu vào thời kỳ nguy hiểm và Châu Âu hiểu rằng cần phải đóng vai trò tích cực hơn nữa trong cuộc tranh luận về vũ khí hạt nhân.
Hiệp ước INF cấm triển khai các loại tên lửa hạt nhân tầm trung tại Châu Âu nhằm duy trì thế cân bằng quân sự giữa Nga và Mỹ. Dù không phải là bên tham gia ký kết Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nhưng Liên minh Châu Âu vẫn liên quan trực tiếp và được hưởng nhiều lợi ích từ thỏa thuận giữa Nga và Mỹ này.
Hiệp ước INF sụp đổ sẽ tạo điều kiện cho Mỹ tái triển khai các loại tên lửa tầm trung tại Châu Âu, cùng với những loại vũ khí hạt nhân khác nước này đã đặt tại Đức, Italy, Bỉ, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Châu Âu rõ ràng sẽ là mục tiêu trước tiên nếu đối đầu quân sự Nga - Mỹ xảy ra. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov cho biết, trong trường hợp xảy ra giao tranh, những địa điểm triển khai tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ đồng minh sẽ trở thành mục tiêu tấn công của Nga. Nếu Nga và Mỹ tham gia cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, các nước nhỏ hơn cũng sẽ theo sau bởi họ tin rằng chỉ có làm như vậy mới khiến họ trở nên an toàn hơn.
INF là minh chứng rõ ràng về sự hợp tác giữa các cường quốc trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân và là trụ cột rất quan trọng giúp duy trì ổn định an ninh của châu Âu trong 3 thập niên qua. Sự sụp đổ gần như chắc chắn của Hiệp ước này đang làm mờ triển vọng gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START) giữa Nga và Mỹ, dự kiến hết hiệu lực vào năm 2021. Bên cạnh đó, nếu không có một thỏa thuận khung về vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ thì Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân cũng khó có thể tồn tại.
Tờ Japan Times của Nhật Bản nhận định, cơ hội cứu vãn INF giờ đây rất mong manh. Cả Nga và Mỹ đều không muốn bị trói buộc bởi các điều khoản trong INF, lý do chính không phải vì các bên muốn đối đầu với nhau mà bởi hai nước này đều coi Trung Quốc là đối thủ thực sự trong vấn đề hạt nhân. Trung Quốc không có mặt trên bàn đàm phán quốc tế về giải trừ vũ khí hạt nhân vào cuối những năm 1980. Nước này cũng không tham gia bất cứ hiệp ước cắt giảm hay giải trừ vũ khí nào. Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 80% kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc là những loại vũ khí hạt nhân tầm trung mà Mỹ và Nga bị cấm sản xuất theo Hiệp ước INF. Bất chấp những lời cáo buộc lẫn nhau về vi phạm thỏa thuận này, cả Mỹ và Nga đều có chung một mục đích là tự vũ trang để đối phó với Trung Quốc.
Đức và Châu Âu chỉ là mối quan tâm thứ hai của cả hai siêu cường trên. Theo quan điểm của Nga và Mỹ, việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân mới tại Châu Âu không đặt ra nguy cơ lớn. Nhưng đối với Châu Âu, điều này có thể khiến giấc mơ gây dựng chính sách đối ngoại và an ninh chung bị sụp đổ. Nếu NATO xúc tiến các cuộc thảo luận nghiêm túc về việc tái triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung tại Châu Âu, các nước thành viên ở Đông Âu (vốn từ trước đến nay luôn có định kiến với các nước thành viên ở Tây Âu, đặc biệt là Đức và Pháp), chắc chắn sẽ theo sự dẫn dắt của Mỹ. Trong khi đó, Đức và các nước thành viên khác ở Tây Âu nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với sự bất ổn chính trị nghiêm trọng.
Giải pháp nào cho Châu Âu?
Đối mặt với kịch bản này, Châu Âu đang cố gắng đi nước cờ “trì hoãn”, kéo dài thời gian đàm phán, làm sao để không “chọc giận” Tổng thống Mỹ Donald Trump và khiến ông có ý định rời bỏ các đồng minh. EU và giới chức các nước thành viên đều bày tỏ quan điểm cần phải duy trì hiệp ước, song vẫn lúng túng vì chưa tìm được giải pháp thích hợp.
Giới quan sát cho rằng, giải pháp cứu vãn INF cần phải được bàn thảo ngay chính trong lòng EU – dù khối này không phải là đối tác chính thức đàm phán về Hiệp ước và hiện tại đang đứng bên lề. Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump chưa có ý định thông báo với các thành viên trong NATO lẫn EU về các bước đi tiếp theo của Mỹ sau khi rút khỏi INF, thì Châu Âu cần phải thực hiện ngay những biện pháp tự cứu lấy mình.
Trước hết là tăng cường đảm bảo an ninh tại Đông Âu bằng cách điều động thêm nhiều binh sỹ và khí tài quân sự tới khu vực này. Tuy nhiên, động thái đó cần phải đi kèm với các cuộc đàm phán giữa Châu Âu và Nga về phân loại giữa vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường. Tiếp đến là xây dựng một thỏa thuận về kiểm soát vũ khí giữa vốn rất cần thiết trong thời điểm khó khăn. Cuối cùng là thực hiện các biện pháp khôi phục lòng tin, chẳng hạn như kiểm tra, thanh sát năng lực quân sự lẫn nhau. Đây là điều kiện tiên quyết cho thỏa thuận cắt giảm và giải giáp vũ khí, vốn có thể thực hiện sau đó.
Việc kiểm nghiệm hệ thống tên lửa hành trình SSC-8 (hay 9M729) của Nga mà Mỹ cáo buộc vi phạm Hiệp ước INF cần phải được đặt lên hàng đầu. Thời gian gần đây Nga tuyên bố sẽ cho phép thanh sát kho vũ khí hạt nhân của nước này với điều kiện Mỹ cũng phải thực hiện bước đi tương tự. Song giới phân tích cho rằng Mỹ sẽ khó chấp nhận yêu cầu trên bởi chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như muốn tập trung đối phó với năng lực hạt nhân của Trung Quốc hơn Nga và Châu Âu. Trong tình huống như vậy, các nước Châu Âu, đặc biệt là Đức cần phải thể hiện lập trường rõ ràng đối với Mỹ.
Việc Nga có sẵn lòng tham gia thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân với Châu Âu hay không sẽ phụ thuộc ít nhiều vào việc Pháp và Anh có sẵn sàng cho phép thanh tra các kho vũ khí của hai nước này hay không. Nếu Pháp và các quốc gia khác muốn chính sách quốc phòng và an ninh Châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ thì họ cần phải xem xét các biện pháp như vậy. Điều này sẽ dọn đường cho việc xây dựng một cấu trúc an ninh Châu Âu mới và cho phép Châu Âu đóng nhiều vai trò hơn trong việc kiềm chế cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ USD ngày 15/02/2019 là 1 AUD = 0.710 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 15/02/2019 là 1 AUD = 16,441 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Bảy tại Sài Gòn, ít mây, gió nhẹ, trời nắng. Nhiệt độ dao động từ 22 đến 34 độ. Chủ nhật, ít mây, trời nắng. Nhiệt độ dao động từ 24 đến 32 độ.
Tại Hà Nội, nhiều mây, không mưa, trời nắng nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 21 đến 29 độ. Chủ nhật, nhiều mây, có lúc có mưa rào và dông. Nhiệt độ dao động từ 22 đến 26 độ.
Tại Adelaide, trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 15-20km/h. Nhiệt độ dao động từ 16 đến 31 độ. Chủ nhật, trời nắng, buổi tối có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 15-20km/h. Nhiệt độ dao động từ 16 đến 35 độ.
Tại Brisbane, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 15-30km/h. Nhiệt độ dao động từ 22 đến 30 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 15-25km/h. Nhiệt độ dao động từ 21 đến 31 độ.
Tại Sydney, trời nhiều mây, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 15-20km/h. Nhiệt độ dao động từ 20 đến 26 độ. Chủ nhật, trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 25-35km/h. Nhiệt độ dao động từ 19 đến 27 độ.
Tại Melbourne, trời nắng, gió di chuyển với vận tốc từ 15-30km/h. Nhiệt độ dao động từ 15 đến 26 độ. Chủ nhật, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, gió di chuyển với vận tốc từ 15-20km/h. Nhiệt độ dao động từ 16 đến 30 độ.
Hoàng Yến - Kim Phụng